Tào Tặc Chương 26 0: Học làm người

Tào Tặc
Tác giả: Canh Tân

Chương 260: Học làm người

Nhóm dịch: Hany
Nguồn: Mê Truyện


Bấm nút "Thu gọn" để thu gọn nội dungThu gọn

Tư Mã Ý, người này chính là Tư Mã Ý ư?

Là người xuất hiện rất dài trong Tam quốc, là người cuối cùng cướp lấy chính quyền của Tào Ngụy, con của y đã thành lập nên nhà Tây Tấn, Tư Mã Ý ư?

Trong Tam Quốc diễn nghĩa, có mấy người mà Tào Bằng rất ghét. Không may, Tư Mã Ý chính là một trong số đó. Trong mắt hắn, Tư Mã Ý mới thực sự là chân truyền của Lưu Bang, da mặt vừa dày vừa đen. Tuy nhiên, hắn cũng không thể phủ nhận rằng Tư Mã Ý là đối thủ duy nhất trong Tam quốc diễn nghĩa có thể khiến Gia Cát Lượng cảm thấy sợ hãi.

Tư Mã Ý cũng ngây người!

Ta tên là Tư Mã ý thì ngươi cũng không nên có phản ứng như thế chứ.



-Tào công tử, sao vậy?

Tào Bằng lấy lại tinh thần, vội nhoẻn miệng cười:
-Không có gì, chỉ là ta đã từng nghe người ta nhắc tới tên của Tư Mã công tử mà thôi.

-Ồ?

-Lệnh huynh có phải là Tư Mã Bá Đạt trước ở thành Cao Lệnh không?

Tư Mã Bá Đạt chính là Tư Mã Lãng. Năm Kiến An thứ hai, gã được Tào Tháo phong cho chức lược chúc tư không, kế nhiệm thành Cao Lệnh. Năm Kiến An thứ ba, Tư Mã Lãng nhân bệnh từ chức, hiện giờ dưỡng bệnh ở quê nhà Ôn huyện. Tư Mã Lãng cũng chính là ca ca của Tư Mã Ý.

Tư Mã Ý gật đầu:
-Đúng vậy. Tào công tử cũng biết ca ca của ta sao?

-Ha ha, đâu chỉ lệnh huynh, Bát Đạt Tư Mã vang danh khắp thiên hạ, có ai lại không biết?

Tư Mã Ý vừa nghe thấy thế tức thì tươi cười hài lòng.

Tư Mã Ý hiện giờ vẫn chưa phải là Tư Mã Ý đa mưu túc trí, buồn vui không lộ, vinh nhục không sợ hãi ngày sau.

Y năm nay hai mươi tuổi, đúng tuổi thăng quan tiến chức. Nghe Tào Bằng khen, Tư Mã Ý không khỏi cao hứng. Tuy nhiên, không phải ai khen hay khích lệ y đều cao hứng, nhưng người này quả là khác biệt. Tào Bằng là ai? Đó là thiếu niên anh tuấn vang danh nhờ bài Bát Bách tự văn a.

Đừng tưởng Tư Mã Ý ở núi Lục Hồn, nhưng chuyện bên ngoài y không hề lạ lẫm.

Đặc biệt, Tào Tháo vì muốn để Tào Bằng bái sư thành công, nên khi đề cử hắn với Hồ Chiêu, còn sai người mang bản sao chép của Bát Bách tự văn tới trước mặt Hồ Chiêu.

Hồ Chiêu sau khi xem xong cũng rất tán thưởng.

Ông từng nói với Tư Mã Ý rằng:
-Nếu xét về tài văn chương, Tào Bát Bách không thua gì Thái Bá Ngô.

Đây là đánh giá khiến người ta phải khiếp sợ nhường nào!

Thái Bá Ngô là Thái Ấp. Thật không ngờ Hồ Chiêu lại nói tài văn chương của Tào Bằng không thua gì Thái Bá Ngô?! Tư Mã Ý thân là con cháu quý tộc cũng là người cao ngạo từ trong cốt cách. Ngay từ đầu, y cũng không phục nhưng sau khi đọc qua Bát Bách tự văn, lại tìm được bài thơ Lậu thất minh kia, Tư Mã Ý vui lòng khuất phục. Chính vì thế, khi nghe nói Tào Bằng muốn bái Hồ Chiêu làm thầ hết sức cao hứng.

Ngày sau, y có thể nói với huynh trưởng và các đệ đệ rằng “Tào Bát Bách là sư đệ ta”, nghe cũng rất có thể diện.

Mà na lại nghe Tào Bằng khen ngợi chính mình, Tư Mã Ý sao có thể không đắc ý được?

-Hiền đệ quá khen rồi!

Hay, chữ “công tử” tức thì đã biến thành “hiền đệ” rồi!

Mới nghe thì thấy có chút thiếu tôn trọng, nhưng thực tế lại rất thân thiết.

Tào Bằng không biết vì sao chợt nhiên dựng hết tóc gáy lên.

Có lẽ Tư Mã Ý khi về già để lại ấn tượng cho hắn quá sâu sắc. Cái thứ ấn tượng về một kẻ nham hiểm, quỷ quyệt, hung ác như Tư Mã Ý chợt lại gọi Tào Bằng là “hiền đệ”, thật sự khiến hắn sợ hãi. Cũng may, hắn lập tức nén lại, tỏ ý khách sáo với Tư Mã Ý.

Huynh đệ Tư Mã Ý có tám người, y đứng thứ hai.

Tổ phụ y là Tư Mã Tuấn, làm tới chức thái thú Toánh Xuyên. Phụ thân y là Tư Mã Phòng, từng nhiều lần đảm nhiệm chức Lạc Dương lệnh, Hà Nam doãn, khi về già mới chuyển thành kỵ đô úy.

Nói tới đây, lại không thể không nhắc tới người mang tên Tư Mã Phòng này.

Cả đời Tư Mã Phòng đắc ý nhất một chuyện đó là khi ông ta đảm nhiệm chức Lạc Dương sứ, từng đề bạt Tào Tháo mới hai mươi tuổi làm bắc bộ úy Lạc Dương. Đây cũng là một trong những chuyện cực kỳ quan trọng thay đổi cả cuộc đời của Tào Tháo. Chính vì thế, sau khi Tào Tháo đắc thế, vô cùng hậu đãi gia tộc Tư Mã. Đặc biệt là Tư Mã Lãng, ca ca của Tư Mã Ý, được Tào Tháo hết sức trọng dụng. Lại nói con của Tư Mã Ý là Tư Mã Chiêu sau này còn cướp chính quyền Tào Ngụy. Năm đó, Tư Mã Phòng vốn chưa hề có ý định chiếm đoạt chính quyền Tào Ngụy…

-Hiền đệ, lão sư đang ở trong phòng này. Mình đệ đi thôi.

Tào Bằng đang suy nghĩ miên man, chợt nghe Tư Mã Ý gọi tên hắn.

Hắn ngẩng đầu nhìn chỉ thấy ở phía cuối con đường mòn có một tòa thư xá xây bằng gạch xanh ngói đỏ, lặng lẽ hiện ra trước tầm mắt hắn.

Thư viện đầm Ngọa Long chẳng khác nào chốn bồng lai tiên cảnh.

Nếu chỉ nhìn từ bên ngoài, thư viện không lớn lắm. Nhưng nếu đi vào bên trong sẽ phát hiện sự thực không phải như vậy.

Chung quy mà nói, thư viện đầm Ngọa Long được xây theo kiểu tiền đường lớn, phần gian nghỉ ở phía sau, gian giữa được bố trí nối với ba, bốn tòa nhà lớn khác. Bước qua cửa là đã tiến vào viện, tức phần chính của thư viện. Chiếu theo lễ chế, nơi này là tiền đường, các gian phòng chia làm phòng và sương, công đường có lọng che. Đây cũng là cách xây nhà quen thuộc, nhà cao rộng, có một bức tường rộng chia cách với hậu viện. Bức tường này mở ra một cánh cửa gọi là trung các. Qua trung các, là tiến đến hậu đường, là nhà của Hồ Chiêu.

Thư viện và trạch viện cùng hợp thành một khối, tập hợp đủ các phong cách xây dựng ở đầm Ngọa Long.

Hậu đường có núi non, có bậc thang, có hiên nhà, còn có lầu các. Ở giữa hậu đường có một tường viện, trong tường viện có một hành lang gấp khúc, được gọi là Lưỡng vũ, là nơi kết nối hậu đường và cửa vũ môn, tạo thành điểm nhấn trong trạch viện, cũng thể hiện khí thế trang nghiêm của nơi này.

Hồ Chiêu năm nay bốn mươi tám tuổi nhưng nhìn qua chỉ chừng bốn mươi mà thôi.

Có lẽ do đã gửi gắm tình cảm cho non nước, không hỏi chuyện thế sự nên ông có vẻ trẻ hơn những người đồng lứa tuổi nhiều. Ít nhất, theo như Tào Bằng thấy, Hồ Chiêu dường như còn trẻ hơn Tuân Diễn. Chính vì thế, khi Tào Bằng cởi giày, đi vào gian phòng, không khỏi sửng sốt.

Sắp tới đầu hạ, Hồ Chiêu khoác trên mình một bộ y phục màu trắng, nhìn rất tiêu sái.

-Học sinh Tào Bằng bái kiến tiên sinh.

Dáng người của Hồ Chiêu không cao, hai gò má gày gò.

Ông ngồi trên giường, tay cầm một quyển sách, lật xem.

Thấy Tào Bằng hành đại lễ, ông buông sách, khẽ mỉm cười:
-Tào Hữu Học.

-Có học sinh.

-Ta đang xem Bát Bách tự văn của ngươi.

-Học sinh rất lo sợ.

Hồ Chiêu xua tay, ra hiệu cho Tào Bằng ngồi một bên, lấy chén đồng nhấp ngụm nước rồi khẽ ho khan hai tiếng.

-Vốn ta đã không còn ý định thu nhận đệ tử nữa. Nhưng sau khi xem hai bài văn của ngươi muốn ngừng mà không được. Thêm nữa, Tào công đã đích thân tiến cử, ta cũng không tiện từ chối, chính vì thế mới để ngươi đến đây. Tào Bằng, ta tài sơ học thiển, không có ý muốn tìm công danh. Nay thời buổi loạn lạc nhưng ta lại chỉ trốn vào một góc, mặc cho lớp hậu thế. Chính vì thế, nếu ngươi muốn học quyền mưu, cầu công danh, ta chỉ sợ không dạy nổi ngươi. Mời ngươi mau trở về cho.

Ý tứ trong lời nói của Hồ Chiêu rất rõ ràng.

Tào Bằng thật ra cũng sớm biết đại danh sĩ thời này hầu hết đều có tính tình cổ quái một chút. Cho dù hắn có được Tào Tháo tiến cử cũng chỉ là bước đầu mà thôi. Muốn bái nhập làm môn hạ của Hồ Chiêu, hắn còn phải trải qua sự khảo thí của ông ta nữa. Ngay cả lời nói vừa rồi cũng là một lần thử thách.

-Học sinh đến đây không cầu quyền mưu, không vì sách vở, càng không có ý định cầu công danh.

-Ồ?
Hồ Chiêu khẽ mỉm cười:
-Vậy ngươi cầu cái gì?

-Học sinh chỉ cầu đạo lý làm người.

Một câu này khiến mắt Hồ Chiêu sáng rực.

-Làm người? Chẳng lẽ ngươi không phải người sao?

-Khi xưa, Khổng Trọng Ni cả một đời nghèo khó, cũng chỉ dám nói mấy lời đạo lý thì sao học sinh dám tự nói là đã hiểu đạo làm người được?

Trong mắt Hồ Chiêu hiện lên một chút ý cười.

Ông trầm mặc một lát, hạ giọng nói:
-Tào Bằng, ngươi sinh ra ở núi Trung Dương. Sau này vì trốn tránh tai họa mà theo cha mẹ đến Cức Dương. Trên đường gặp được Bàng Nguyên An, được Lộc Môn trân trọng. Chỉ vì sau này lại đắc tội với quý tộc Kinh Tương, gia đình suýt nữa tan nhà nát cửa. Nhân duyên trùng hợp, ngươi lại đồng hành cùng Điển Vi, tìm nơi nương tựa ở Hứa Đô. Cha là Tào Cấp khéo nghề tinh luyện kim loại, chế tạo Đoạn Nhị thập trát bảo đao, đảm nhiệm chức Chư dã giám lệnh, lại nhân cải tạo được Tào công lê mà được phong làm chư dã đô úy. Anh rể Đặng Tắc là tộc nhân Đặng thị ở Cức Dương, vốn là tiểu lại ở Cức Dương. Sau khi quy thuận Tào Công, đảm nhiệm chức Hải Tây lệnh. Hai năm na quản lý đồn điền ở Lưỡng Hoài, giữ chức đồn điền đô úy. Tào Bằng ngươi dù là Đặng Tắc được nhậm chức nhưng công của ngươi rất lớn. Ngươi theo Tuân Hưu Nhược đi sứ Giang Đông, phá được vụ án mạng Lục thị, là người kế nhiệm Hải Lăng úy. Ngươi từng ác chiến với Lã Bố ở Khúc Dương, nhưng lại vì để vợ con Lã Bố chạy thoát mà mang tội.

Tào Bằng ngạc nhiên, ngẩng đầu nhìn Hồ Chiêu.

Người xưa thu đồ đệ là một chuyện cực kỳ quan trọng.

Đạo làm người có: thiên, địa, quân, thân, sư.

Sự quan trọng trong đạo làm sư (thầy) có thể thấy được. Cổ nhân thường nói một ngày làm thầy, cả đời làm cha. Đã là lão sư của người khác thì phải vì sự nghiệp cả đời của học sinh mà hao tâm tổn trí. Hồ Chiêu nếu muốn thu đồ đệ, dĩ nhiên sẽ phải cẩn thận hỏi thăm mọi chuyện liên quan đến Tào Bằng. Chỉ có điều, Tào Bằng không ngờ ông ta lại hỏi thăm rõ ràng như thế.

Hồ Chiêu nói:
-Làm người khó còn hơn cả cầu công danh. Tào Bằng, thứ ngươi muốn cầu để lại cho ta khó khăn không ít đâu.

-Học sinh không cầu đạo lý của thánh hiền kia, chỉ cầu cả đời này không phải hổ thẹn với lương tâm mà thôi.

-Không hổ thẹn với lương tâm ư?

Hồ Chiêu trầm tư suy nghĩ.

-Hữu Học có chí hướng gì không?

-Chí hướng?

-Muốn làm người cần phải có chí hướng. Ngươi học làm người mà lại chưa có sao?

Tào Bằng nghiêm nghị, lễ độ nói:
-Học sinh cầu sự học, cầu lấy thiên địa làm tâm, cầu sống vì dân, cầu vì tuyệt học của thánh hiền, cầu cho thiên hạ muôn đời thái bình.

Tào Bằng mười sáu tuổi đang ở giai đoạn vỡ giọng, giọng nói của hắn có hơi khàn khàn, nặng nề.

Những lời này hắn từng nói bên sông Tổ Thủy với Hác Chiêu, Điển Mãn, Hứa Nghi. Lúc ấy, hắn còn suýt bị sét đánh. Nhưng giờ hắn nói ra những lời này lại có cả sự tin tưởng nữa. Ta xuyên không nào phải để cầu thân, kiếm lợi danh, càng không nên vì những mưu kế sau này mà lầm đường lạc lối? Chính vì thế, những lời này đều là những lời phát ra tự đáy lòng của hắn, cũng khiến cho buổi nói chuyện này có vẻ nghiêm trang hơn.

Nét cười trên mặt Hồ Chiêu tắt hẳn. Ông kinh ngạc nhìn Tào Bằng. Một lát sau, ông ngồi thẳng dậy, đứng lên rời khỏi giường, ngửa mặt lên trời cười to.

-Tào Bằng, ngươi đi đường vất vả rồi, trước mắt cứ xuống nghỉ ngơi trước đi. Nghe nói ngươi có dẫn theo tùy tùng hộ tống, chỉ có điều đã vào thư viện của ta không được mang người theo. Nếu ngươi muốn ở lại thư viện chỉ có thể bảo tùy tùng trở về núi Lục Hồn. Còn nếu muốn giữ tùy tùng ở lại thì phải tự mình thu xếp? Ngươi muốn lựa chọn thế nào?

Tào Bằng ngẫm nghĩ một chút:
-Học sinh thích sự thanh tịnh, sẽ ngụ ở bên ngoài thư viện ạ.

-Vậy thì để tự ngươi thu xếp đi.

Tào Bằng đứng dậy, hai tay ôm quyền nâng cao qua đầu, vái chào sát đất rồi cáo từ rời đi.

Khi hắn đang định đi ra, chợt nghe Hồ Chiêu ở phía sau nói:
-Bên ngoài hậu các của ta, cạnh đầm Ngọa Long có một khoảng đất trống. Nếu ngươi muốn lập nơi nghỉ ngơi thì đừng ngại chọn nơi đó. Ngày mai, ta sẽ lên lớp giảng giải về “Luận”, đến lúc đó ta sẽ cùng bàn luận với các học sinh. Nếu như ngươi có thể viết ra một tác phẩm xuất sắc, thì có thể làm đệ tử nhập môn của ta. Nếu không viết được thì Tào Bằng ngươi hãy trở về Hứa Đô đi.

-Vâng!

Tào Bằng tuân lệnh rời khỏi gian phòng.

Lần khảo thí này coi như là thông qua, tiếp đến còn một bài thi viết nữa.

Tào Bằng đứng ở cửa gãi đầu, thầm cười khổ: “Muốn bái lão sư quả nhiên là chuyện phiền phức.”

Lại nói quy củ của Hồ Chiêu rất nhiều.

Nhưng nghĩ đi nghĩ lại thì danh sĩ thời đại này đều có tật xấu cả.

Lúc trước, khi ở Cức Dương, Bàng Đức Công tặng hắn cuốn “Thượng thư” nhưng chưa từng khuyên bảo, mà chỉ nói nếu Tào Bằng có thể đọc thông hiểu thuộc thì có thể vào núi bái sư.

Vậy làm sao để đánh giá được Tào Bằng có hiểu hay không, chẳng phải cũng là một cuộc thi sao?

Dù sao Tào Bằng cũng không giống với các học sinh bình thường của thư viện đầm Ngọa Long. Hồ Chiêu mở thư viện, dạy cho ba trăm học sinh đọc sách biết chữ, đây là giáo hóa; còn Tào Bằng cũng tốt, mà Tư Mã Ý cũng thế, điểm cốt lõi là truyền đạo và thụ nghiệp, yêu cầu dĩ nhiên phải khác.

Tư Mã Ý đứng ở cửa chờ vừa thấy Tào Bằng đi ra liền cười ha ha, nghênh đón.

-Hiền đệ thế nào rồi?

-Tiên sinh bảo ta lập phòng bên ngoài hậu các, còn nói ngày mai sẽ ra đề khảo thí.

-Ồ, chuyện đó không có gì đâu. Tiên sinh ra đề hầu hết đều có quy luật cả. Giống như lúc trước ta bái sư, vừa đúng lúc tiên sinh đang giảng “Hiếu” nên đề cũng lấy “Hiếu” làm nội dung. Đúng rồi, tiên sinh có nói cho hiền đệ biết ngày mai người sẽ giảng giải bài văn nào không?

-“Luận”.

Tư Mã Ý cười nói:
-Vậy là dễ làm rồi. Đề ngày mai của tiên sinh ắt sẽ có liên quan đến “Luận”.

Dễ làm cái rắm ấy!

Tào Bằng thấy hơi đau đầu.

Đúng là hắn không hề xa lạ với “Luận” nhưng không có nghĩa là hắn có thể viết ra một kiệt tác được.

Chuyện này quả thực có chút phiền phức.

Tư Mã Ý là đệ tử thân truyền của Hồ Chiêu, lại hết sức nhiệt tình cùng Tào Bằng đi tới chỗ đất trống mà Hồ Chiêu nói kia. Tào Bằng phát hiện khoảng đất trống này cách tòa nhà hậu các của Hồ Chiêu ước chừng mấy trăm mét. Cả khoảng đất trống là một khu rừng đào nhỏ.

Mảnh đất trống này rộng chừng hơn một ngàn mét vuông, tiếp giáp với đầm Ngọa Long, cảnh sắc vô cùng động lòng người.

Hai ngày nữa đã là đầu hạ rồi.

Nhưng ở trong núi Lục Hồn, gió lạnh vẫn khẽ thổi qua, không hề có chút nóng bức nào.

Tào Bằng gãi gãi đầu, nói với Tư Mã Ý:
-Nơi này làm sao để dựng phòng đây?

Tư Mã Ý ngẫm nghĩ một chút:
-Dù sao quanh đây cũng nhiều cây cối và tre trúc, ngươi nên tìm thôn dân quanh đây nhờ họ dựng giúp cho, cũng chẳng phiền gì. Không cần đẹp lắm, chỉ cần ở được là được rồi. A, nhưng ngươi phải cẩn thận một chút. Người dân nơi này rất nhanh nhẹn, dũng mãnh, không nên xung đột gì với bọn họ. Nhờ bọn họ giúp đỡ, ngàn vạn lần đừng nói chuyện tiền nong gì cả, cứ mời rượu là được. Chi bằng như thế này đi, ngươi cứ làm cho bọn họ hiểu trước đã. Ta dẫn ngươi đi tìm trưởng thôn đã.

-Vậy thì phiền sư huynh.

Cũng may bọn Hạ Hầu Lan dù bỏ xe lại nhưng không hề vứt bỏ hành lý.

Dưới sự chỉ đạo của Tào Bằng, Hạ Hầu Lan sai người dựng vài trướng nhỏ trên bãi đất trống trước. Quách Hoàn và Bộ Loan thì lo liệu chuẩn bị đồ ăn.

Dưới sự giúp đỡ của Tư Mã Ý, Tào Bằng đến thăm trưởng thôn, nói qua sự tình một chút. Lý trưởng vô cùng thoải mái đồng ý giúp đỡ hắn.

Gã cũng nghe người ta nói Tào Bằng là quan viên triều đình đến đây để bái sư. Chính vì thế, gã lo liệu cũng hết sức chu toàn. Còn Tào Bằng nghe theo lời khuyên của Tư Mã Ý lệnh Hạ Hầu Lan dẫn mấy người đi vào sâu trong rừng săn bắn. Sau đó, hắn lại lệnh người cưỡi ngựa ra ngoài núi mua rượu.

Chỉ loáng chốc, đến khi trời vừa tối, hai gian nhà trúc đơn sơ đã hình thành phần nào.

Lý trưởng còn sai người mang chăn đệm tới, nói là gió đêm trong núi rất lạnh, nên dùng chúng để chống lại cái giá rét. Sau khi Tào Bằng cảm tạ rồi liền để Quách Hoàn và Bộ Loan ở trong nhà trúc, bản thân hắn và các tùy tùng thì chia nhau ở trong quân trướng. Hắn mang con mồi vừa bắt được và rượu mua đến chia cho thôn dân, thôn dân đầm Ngọa Long tức thì mừng rỡ, cả đám cao hứng, phấn chấn rời đi. Người miền núi không nặng tiền bạc, bọn họ nhiệt tình lại hiếu khách đều không phải vì muốn có tiền tài. Nếu ngươi cho bọn họ tiền, sẽ khiến bọn họ cảm thấy ngươi coi thường bọn họ, làm nhục bọn họ.

Tào Bằng không khỏi thầm cảm kích Tư Mã Ý, nếu không có y nhắc nhở, sao hắn biết được những điều ảo diệu này được?

Tư Mã Ý ở trong học xá. Sau khi đêm xuống, y liền cáo từ rời đi.

Bầu trời tối đen như mực, nhiệt độ không khí cũng giảm xuống.

Tào Bằng ngồi trong quân trước, lấy một quyển “Luận” từ trong bọc hành lý ra đốt đuốc đọc.

Có trời mới biết ngày mai Hồ Chiêu sẽ ra đề bài quái quỷ gì?

Trong lòng hắn không khỏi lo lắng.
Ngày hôm sau, trời vừa sáng, Tư Mã Ý liền chạy tới tìm Tào Bằng.

-Sao vậy? Tiên sinh dạy học sớm vậy sao?

Tào Bằng vừa mới luyện xong quyền cước, thấy Tư Mã Ý lại đây không khỏi tò mò, hỏi.

-Không phải thế, không phải thế!
Tư Mã Ý cười nói:
-Thư viện của chúng ta bắt đầu học từ giờ thìn. Nhưng tiên sinh có quy định mỗi buổi sáng mọi người phải tập trung một chỗ rèn luyện gân cốt. Hơn nữa, là do đích thân tiên sinh dạy, đây cũng là thói quen của thư viện ta.

Người đọc sách thời kỳ Đông Hán cũng không nên chỉ toàn ma ốm.

Muốn đọc sách tốt thì thân thể cũng phải tráng kiện mới được.

Tào Bằng và Tư Mã Ý đi vào từ phía hậu các ra trung các rồi tới tiền đường. Chỉ thấy mười mấy tên thanh niên đều đang tập thể dụng theo Hồ Chiêu.

Thuật tập thể dục của Hồ Chiêu là dẫn đạo thuật cực kỳ thông dụng ở thời Đông Hán, có tất cả một trăm lẻ tám động tác, bắt chước chim bay cá nhảy.

Đời sau, Mã Vương Đôi từng khai quật được một bộ dẫn đạo thuật nghìn năm, rất giống với thuật giúp tráng kiện thân thể do Hồ Chiêu truyền thụ này.

Giống như yoga chăng? Giống Thái cực quyền ư? Hay là Ngũ cầm hí?

Dù sao Tào Bằng cũng không rõ lắm.

Hắn và Tư Mã ý đứng trên đoạn hành lang gấp khúc Lưỡng vũ cùng luyện tập với các học sinh.

-Sư huynh, sao chúng ta không cùng luyện tập với bọn họ?

Tư Mã ý nhún vai, cười khổ nói:
-Cũng không phải là ta không muốn, mà là bọn họ không tiếp nhận ta. Đúng rồi, ngày hôm qua khi ngươi đến có phải Chu Kỳ làm khó ngươi không?

-Ách.

-Y là người bản xứ, hơn nữa cũng là người đầu lĩnh của các đệ tử trong thư viện. Người này cũng không thể nói là hư hỏng, nhưng lòng dạ hơi hẹp hòi. Khi ta mới vào thư viện từng xảy ra chút hiểu lầm với y, cho đến giờ vẫn chưa hòa hợp được. Cũng chính vì thế, các đệ tử trong thư viện cũng rất bài xích ta, ta đành phải một mình tập thể dục vậy.

A, thật không ngờ Tư Mã Ý lừng danh lại phải nếm trải chuyện này?

Nguồn: tunghoanh.com/tao-tac/quyen-2-chuong-260-29Kaaab.html


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận