Chương 720: Khói lửa Hà Manh quan .
Đối với việc Lý Nho quy ẩn thì trong tâm mà nói Tào Bằng hoàn toàn không muốn.
Mặc dù hiện tại hắn có Bàng Thống và Pháp Chính đều là những nhân kiệt hiếm có trong Tam Quốc nhưng hai người này so với Lý Nho vẫn còn thiếu một chút kinh nghiệm. Có lẽ năng lực của họ thật sự cao hơn Lý Nho nhưng xét về mặt kinh nghiệm thì chung quy vẫn còn chưa đủ. Từ khi loạn Khăn vàng cho tới năm Sơ Bình thứ hai, Lý Nho bày mưu tính kế cho Đổng Trác, trong con mắt của mọi người thì chính là nhân vật ảnh hưởng nhiều nhất tới vận mệnh của nhà Hán. Trong lúc này, Lý Nho bỏ rất nhiều công sức.
Trước khi Đổng Trác nổi lên thì gần như tất cả đều do một mình Lý Nho bày mưu tính kế.
Đáng tiếc là cuối cùng, khi địa vị của Đổng Trác càng ngày càng cao thì cho dù Lý Nho là con rể cũng từ từ bất hòa, thậm chí là còn hơi đề phòng.
Đời sau có người từng nói, nếu khi Đổng Trác tới Mi Ổ cho Lý Nho theo cùng thì kế liên hoàn của Vương Doãn rất có khả năng thất bại.
Tất cả đều do Lý Nho cảm thấy Lữ Bố không có lòng chịu thần phục, nên khuyên bảo Đồng Trác chấp nhận bỏ Điêu Thuyền, tiến thêm một bước để lấy lòng Lữ Bố. Nhưng Đổng Trác không đồng ý, thậm chí còn sinh lòng hận với Lý Nho mà để y lại ở Trường An.
Còn khoảng cách giữa Đổng Trác và Lý Nho thì có một ví dụ minh chứng rõ ràng nhất đó là khi Đổng Trác cao hứng trở về Trường An, chuẩn bị nhận nhường ngôi nhưng Lý Nho hoàn toàn không hay biết chuyện này. Một chuyện lớn như vậy mà người chủ mưu lại không hề hay biết thì có thể thấy Đổng Trác hoàn toàn vất bỏ, thậm chí là không còn tin tưởng với Lý Nho nữa.
Từ sau khi về với Tào Bằng, Lý Nho rất ít khi bày mưu tính kế. Nhưng mỗi lần y hiến kế là đều giúp cho Tào Bằng gặp dữ hóa lành.
Về phần sau này, duy trì tình hình Tây Xuyên, Lý Nho dốc hết tâm tư khiến cho cả Ích châu hỗn loạn.
- Lần này tiên sinh đi, ai là người hộ tống Bằng đây?
Những lời đó của Tào Bằng hoàn toàn không hề khách khí. Về mặt ngoài, Lý Nho không hiến nhiều kế cho hắn lắm nhưng lại cho Tào Bằng một hướng đi rõ ràng.
Chẳng hạn như lúc trước, Lý Nho từng đề nghị hắn không cần quan tâm tới việc Tào Tháo nâng hắn lên hay hạ xuống. Chỉ cần để ý theo chiếu chỉ mà làm. Điều này nghe ra thì không có vấn đề gì, nhưng lại giúp cho Tào Bằng tạo dựng được một cơ sở kiên cố trong suy nghĩ của Tào Tháo. Hắn chỉ cần trung với Tào Tháo, những chuyện còn lại không cần phải để ý tới. Đó cũng là nguyên nhân quan trọng mà sau này Tào Bằng có làm càn tới mức độ nào, Tào Tháo cũng đều bao dung. Bởi vì Tào Tháo biết, Tào Bằng chính là một thanh bảo kiếm sắc bén trong tay của mình, chỉ làm theo lệnh mình. Chỉ cần với những lý do đó cũng đủ cho Tào Tháo yên tâm.
Lý Nho nở nụ cười.
- Công tử cần gì phải khổ sở như vậy? Với địa vị của công tử hiện nay thực tế có rất ít người tác động được. Đại vương rất coi trọng công tử, không cần phải lo lắng. Công tử chỉ cần nhớ kỹ một việc đó là nước nhiều sẽ tràn, tốt quá lại không hay. Lần này, Tây Xuyên đại loạn, Đại vương nhất định sẽ sử dụng công tử. Nhưng công tử phải hết sức cẩn thận, khi đánh không được tiến công quá nhanh, càng không thể dẫn đầu vào Thành Đô, nếu không sẽ có tai họa.
Ý lão nói là phải kéo dài thời gian tấn công.
Lúc đầu, Tào Bằng vẫn cảm thấy khó hiểu. Mãi cho tới khi Lý Nho rời đi, hắn suy nghĩ cẩn thận mới phát hiện ra những lời này hết sức có lý.
Công lao của hắn đã đủ nhiều... Hiện nay hắn nhậm chức Tân Vũ Hầu, thăng chức cũng không cao lắm. Đây là do Tào Tháo cố ý áp chế, nếu không thì hiện nay Tào Bằng ít nhất cũng phải đứng trong hàng tam công. Với ba mươi tuổi đứng trong hàng Tam công là chuyện xưa nay hi có. Những người này thường thường ít khi chết già. Mà đặc biệt khi thay đổi triều đại, bọn họ hay biến thành những con quỷ chết oan.
Nguyên nhân? Hết sức đơn giản.
Công cao át chủ là điều không thể chấp nhận được.
Nếu quả thật tới mức này thì chỉ có thần tử mưu phản nghịch khiến cho quân chủ sinh lòng e ngại. Một ví dụ rõ ràng nhất đó là những năm Trinh Quan cuối cùng, Lý Thế Tích bị Lý Thế Dân biếm chức tới tận biên giới. Theo lý mà nói, Lý Thế Tích không hề phạm tội nhưng tại sao Lý Thế Dân lại giáng chức? Cũng bởi vì công lao của Lý Thế Tích quá lớn, mà sức khỏe của Lý Thế Dân càng ngày càng yếu. Lý Thế Dân từng nói với người thân cận của mình rằng: Hôm nay ta giáng chức hắn là để sau này Trĩ Nô đề bạt. Kể từ đó, Lý Thế Tích mang lòng cảm kích Trĩ Nô. Mà Trĩ Nô cũng chẳng phải lo lắng Lý Thế Tích có lòng khác. Nếu hiện tại ta tiếp tục cho hắn thăng quan, tới khi Trĩ Nô đăng cơ thì lấy gì ban cho hắn?
Cái đạo lý này, Lý Thế Dân hiểu rõ mà Lý Thế Tích cũng hiểu được.
Mà nay, Lý Nho nói vậy cũng khiến cho Tào Bằng bừng tỉnh.
Những ngày gần đây thật sự quá thoải mái khiến cho Tào Bằng từ từ mất đi sự cảnh giác. Câu nói của Lý Nho chẳng khác nào một tiếng sét khiến cho Tào Bằng cảnh giác.
Ngay khi Lý Nho rời khỏi thành, mấy ngày sau, Tào Tháo lệnh thường thị tới lệnh cho Tào Bằng tức khắc đến Nghiệp đô .
Đồng thời, Tào Tháo bãi chức Ngũ quân đại đô hộ của Tào Bằng, cho Trương Liêu thay thế. Phong Bàng Thống làm thị trung, Đô hộ thái giám, tiếp tục phụ trách phủ Bính thôi hành.
Sau khi nhận được lệnh, Tào Bằng không hề trễ nải. Hắn nhanh chóng sắp xếp mọi việc rồi triệu tập chúng tướng, chuẩn bị tới thành Quốc nội. Trước khi rời khỏi thành Quốc nội, Tào Bằng quấn lấy với Lã Lam một trận. Sau cơn mây mưa, hắn nói thầm:
- Linh hầu! Lần này ta về Trung Nguyên trong khoảng thời gian ngắn chỉ sợ khó có thể gặp được nàng. Vốn ta định đưa nàng và Niệm nhi trở về nhưng hiện tại còn chưa tới lúc. Có điều, tương lai ta sẽ đưa nàng và Niệm nhi về bên cạnh cho cả nhà đoàn tụ. Chỉ có điều như vậy, sợ rằng nàng sẽ mất rất nhiều thứ. Không biết nàng có thể vì nhà mình mà bỏ ngôi vị Lữ Hán hay không?
Lã Lam nghe thấy vậy thì ngẩn người mở to mắt ra mà nhìn.
- A Phúc! Ý của chàng là...
- Bỏ cái tên Lữ Hàn, toàn bộ quy phụ triều đình. Từ nay về sau, Lữ Hán hoàn toàn thuộc quyền của Tào Ngụy... Đến lúc đó, ta sẽ có biện pháp chu toàn đưa hai mẹ con trở về cho cả nhà đoàn tụ. Nên nhớ rằng, nàng sống Lữ Hán đối với triều đình mà nói vẫn chỉ là ngoại bang, khó có thể yên tâm.
Lã Lam ngây người. Nàng do dự thật lâu rồi rúc vào ngực Tào Bằng:
- Nếu chỉ có mình thiếp, bỏ qua cái ngôi vị này cũng chẳng có gì lớn. Nhưng Lữ Hán thực sự chứa đựng tâm huyết của bao nhiêu người. Cao tướng quân, Tào tướng quân vì Lữ Hán mà bỏ cả nhà cửa, rời xa Trung Nguyên... Việc này, thiếp không thể quyết định được, cần phải bàn bạc với họ.
Tào Bằng biết, đó không phải là lời từ chối của Lã Lam. Hắn lập tức gật đầu rồi nói nhỏ:
- Chuyện này nàng không cần phải nóng vội đồng ý. Trước tiên cứ thử thăm dò ý kiến của mọi người rồi sau đó hãy quyết định. Ta đoán chuyện này không thể hoàn thành trong một thời gian ngắn, cần nên thu xếp ổn thỏa. Ta sẽ để cho Tử Sơn và Sĩ Nguyên hết sức giúp đỡ nàng. Nếu không có sự đồng ý của ta, nàng không được hành động thiếu suy nghĩ, tránh để lộ, làm hỏng đại sự.
Lã Lam ngoan ngoãn đồng ý, cuộn mình trong Tào Bằng.
Mùa thu năm Kiến An thứ mười sáu, Lưu Chương bị ám sát khiến cho Ba Thục rung chuyển.
Lưu Tuần được Trương Nhiệm bảo vệ lui về Ba Tây, thề từ chiến với Lưu Bị. Còn Lưu Bị sau khi quyết đoán tấn công Thành Đô xong liền lệnh cho Gia Cát Lượng xuất quân tiến thẳng tới Thành Đô. Một khi đã trở mặt thì Lưu Bị cũng không còn đường lui nữa. Cho dù Lưu Chương chết bởi tay ai thì y cũng không có lý do gì buông tha Thành Đô. Vốn, Lưu Bị luôn thèm khát với Tây Xuyên, nay Lưu Chương chết đi không còn gì băn khoăn nữa. Sau khi tấn công Thành Đô, Lưu Bị nhanh chóng trấn an dân chúng, ổn định tình hình.
Đám người Ngô Ý, Phí Quan nhanh chóng nghênh đón Lưu Bị.
Hơn nữa, có Ngô Ý ra mặt, thuyết hàng tướng thủ của Hà Manh là Ngô Lan. Lưu Bị lệnh Trương Phi tiếp quản Hà Manh Quan đề phòng quân Tào tập kích.
Sau đó, Lưu Bị lệnh cho đại tướng Trần Đáo tới trấn thủ cửa Phù Lăng, chống lại sự tấn công của đám người Trương Nhiệm. Hơn mười ngày sau, Gia Cát Lượng dẫn quân tới Thành Đô, đi theo còn có Mạnh Hoạch, Ung Khải cùng với động chủ ba mươi sáu động của Nam man tới tham chiến. Vì cái này ngày, Lưu Bị đã ẩn nhẫn ở Nam man mất gần ba năm.
Phải nói rằng Lưu Bị thực sự có thủ đoạn.
Sau khi tới Nam man, y tiếp thu lời dạy trước đó, mời chào Ung Khải, rồi thu phục Mạnh Hoạch. Sau đó dựa vào Mạch Hoạch mà nắm ba mươi sáu động chủ trong tay. Trong ba năm qua, y thường xuyên yêu cầu Lưu Chương cung cấp đồ quân nhu nhưng nói thẳng là để mua chuộc Nam man. Tới nay, ba mươi sáu động tập kết hơn sáu vạn người tới trợ chiến giúp cho Lưu Bị giảm bớt nhược điểm.
Tháng mười một năm Kiến An thứ mười sáu, Lưu Bị ở Thành Đô tự xưng là Hán Trung vương.
Tới tháng mười hai, Tôn Quyền cũng xưng vương, lấy hiệu là Ngô vương.
Tào Tháo nhận được tin thì nổi giận.
- Thằng giặc tai to có đức gì mà dám xưng vương?
Ngay lập tức, Tào Tháo phong Tân Vũ hầu Tào Bằng làm Chinh Tây đại tướng quân, cầm tiết Đô Đốc Tây Nam. Các quận Tây Bắc hoàn toàn nằm dưới sự điều khiển của Tào Bằng. Đồng thời Tào Tháo lại hạ lệnh cho Trấn Nam tướng quân, đô đốc Đại Hành phủ Tào Chương xua binh thẳng tiến tới Ba Tây.
Trong lúc nhất thời, Ba Thục trở thành tâm điểm. Ảnh hưởng của Lưu Chương bị ám sát vẫn còn chưa hết, quân Tào đã từ từ tiến tới.
Lưu Bị nhận được tin cũng có chút bối rối. Cho dù đã có sự chuẩn bị từ trước nhưng nghe nói Tào Tháo hành động, Lưu Bị vẫn cảm thấy áp lực.
- Quân sư! Nay Tào Tháo tiến binh hai đường, nên làm như thế nào đây?
Gia Cát Lượng hết sức thoải mái không hề có chút bối rối.
- Tào Chương chỉ là một đứa trẻ không có gì đáng lo. Chủ công có thể tới đóng ở Lạc thành cùng với Thúc Chí phối hợp với nhau. Tào Chương còn trẻ nông nổi, lâu ngày không công được sẽ nổi giận và thối lui. Nhưng còn Tào Bằng mới thật sự là cái họa trong tâm của chúa công. Người này quỷ kế đa đoan. Mặc dù hắn rời xa Tây Bắc hai năm nhưng uy danh ở Lương Châu vẫn không một ai sánh được. Thái thú Hán Trung là Thạch Thao và Lượng Đồng đều là người ra từ Thủy Kính sơn trang. Mặc dù người này không giỏi chiến sự nhưng không thể khinh thường. Y ở Hán Trung hai năm đã bám rễ rất sâu. Sau khi Tào Tháo chiếm lĩnh Hán Trung liền dừng binh, nhưng vẫn chuẩn bị để chiếm lấy Tây Xuyên. Hiện giờ quân Tào ở Tây Xuyên, lương thảo hết sức dư thừa. Đồn điền Mễ Thương có tới gần một triệu hộc, đủ nuôi mười vạn đại quân trong hai năm. Nếu Tào Bằng tới nhất định sẽ toàn lực tấn công. Đến lúc đó, Hà Manh Quan mặc dù dễ thủ khó công chỉ sợ cũng khó có thể chống đỡ. Lượng quyết định tới đó để chống cự với Tào Bằng. Chủ công nhanh chóng ổn định lại tình hình. Thời gian càng lâu, quân Tào sẽ yếu đi. Tới lúc đó, Tôn Quyền chắc chắn không khoanh tay đứng nhìn sẽ xuất binh tương trợ. Như vậy, quân Tào sẽ lui, chủ công có thể ngồi vững ở Thành Đô mà từ từ chỉnh đốn.
Cái kế đó của Gia Cát Lượng cũng hợp với ý của Lưu Bị. Đừng có thấy Tây Xuyên hỗn loạn như vậy nhưng vẫn để lại cho Lưu Bị rất nhiều của cái. Trong kho của Thành Đô vẫn còn hơn mười vạn hộc. Đám người Trương Nhiệm vội vàng bỏ chạy nên chưa thể tiêu hủy hoàn toàn. Vì vậy mà tiện cho Lưu Bị.
Mà Tây Xuyên là một nơi phú gia địch quốc, sản vật phong phú, lương thảo sung túc.
Cho dù Trương Nhiệm có đốt cháy hết kho lẫm nhưng vẫn không thể tiêu hủy được toàn bộ. Những người như Hoàng Quyền, Lưu Ba, Trịnh Độ thật sự có tầm ảnh hưởng. Nhưng Ngô Ý, Phí Quan cũng có người của mình, vì Lưu Bị mà để lại rất nhiều của cải. Trong thời gian ngăn, thực sự Lưu Bị không cần phải lo tới chuyện lương thảo.
Việc đầu tiên y cần làm đó là ổn định tình hình.
Chỉ cần có thể ổn định là có đường để sống...
Có điều đối với việc Gia Cát Lượng tới của Hà Manh đốc chiến, Lưu Bị vẫn hơi băn khoăn.
- Quân sư muốn tới Hà Manh Quan, Cô không phản đối. Chỉ có điều, nếu có chuyện gì xảy ra thì Cô phải bàn bạc với ai?
Gia Cát Lượng suy nghĩ một chút rồi mỉm cười, nói:
- Lúc này, chính là thời cơ tốt nhất để chủ công vỗ về kẻ sĩ Tây Xuyên. Nội sự thì hỏi Phí Quan còn ngoại sự thì hỏi Ngô Ý. Nếu có chuyện gì không thể quyết được thì có thể tới Hà Manh Quan... Về mặc Thành Đô có thể để cho Tam tướng quân tiếp quản. Lượng chỉ dẫn Mạnh Hoạch, Dương Phong đi là được rồi.
Đối với Gia Cát Lượng mà nói thì xưa nay vẫn không phục Tào Bằng. Mấy lần đại bại trước, Gia Cát Lượng chỉ nghĩ do thực lực của Tào Bằng quá mạnh chứ không phải hắn có mưu lược hơn người.
Trong thâm tâm, Gia Cát Lượng vẫn kỳ vọng có thể đánh một trận với Tào Bằng.
Nay cơ hội tới, Gia Cát Lượng sẽ không thể bỏ qua. Sau khi thương nghị thỏa đáng với Lưu Bị, Gia Cát Lượng xuất quân tới của Hà Manh.
Lúc này, Tào Bằng cũng tới Lâm Thao đang chuẩn bị tiến quân đến Hán Trung.
Hành động của Tào Bằng thật sự là gây chiến.
Ngoại trừ ba người Bàng Thống, Hướng Sủng và Mã Tốc trấn thủ Trác quận ra, tất cả những người còn lại đều đồng hành với Tào Bằng.
Ngoài ra, Tào Bằng còn gọi Hoàng Trung từ Hà Tây đến.
Dưới sự đề nghị của hắn, thái thú quận Hà Tây cho Ngô Bản đảm nhiệm. So với mọi người, Ngô Ban có sự chênh lệch rất nhiều nhưng vẫn đủ đảm đương chức Thái thú Hà Tây.
Nhưng Ngô Ban có một ưu thế mà không một ai có thể bằng được.
Y là lão gia thần của nhà họ Tào. Từ nhưng năm Kiến An đầu tiên, y đã theo Đặng Tắc khắp dọc miền Nam Bắc, từ Hải Tây tới Tịnh Châu. Thoáng cái đã mười lăm năm. Ngô Ban vẫn trung thành đối với họ Đặng và họ Tào. Mặc dù không có tiếng tăm gì, không nổi danh nhưng lại rất được coi trọng.
Lần này, quận Hà Tây thiếu người, Đặng Tắc liền đề cử Ngô Ban.
Ấn tượng của Tào Bằng đối với Ngô Ban cũng rất tốt nên đồng ý.
Sau khi Ngô Ban tới Hà Tây cũng không cần phải có năng lực xuất chúng. Bộ Chất, Bàng thống và Hoàng Trung đã để lại cho y cơ sở vững chắc. Ngày nay, quận Hà Tây đã không còn sự gian khổ như trước. Chỉ cần để ý là có thể ngồi vững vàng ở vị trí đó. Hơn nữa, quận Hà Tây hiện nay còn có Gia Cát Quân phụ trách công việc hàng ngày. Cho nên sau khi Ngô Ban tới quận Hà Tây cũng không phải chịu nhiều áp lực.
Tào Bằng nghỉ ngơi ở Nghiệp Đô và hồi phục một tháng sau đó điều Hoàng Trung, Bàng Đức hội họp.
Hắn điểm ba nghìn tinh binh cho Triệu Vân thống lĩnh. Rồi sau đó thu xếp gia quyến, liền dẫn Quách Hoài, Đặng Ngải, Tôn Thiệu và đám người Trương Hổ từ từ tới Lâm Thao.
Vừa tới Lâm Thao, hắn liền nhận được tin Gia Cát Lượng tiếp nhận phong ngự Hà Manh Quan.
Pháp Chính biến sắc, quát to một tiếng:
- Không hay! Tử Độ xong rồi.