Như các vị có thể nói một cách chắc chắn, các vị thân mến, những chiếc răng nanh của tôi quá dài và nhọn đến độ chúng hầu như không nằm lọt trong miệng tôi được. Tôi biết điều này tạo cho tôi một vẻ đe dọa, nhưng lại làm tôi khoái trá. Thấy cỡ răng tôi, một tay bán thịt có lần dám nói rằng, "Thánh thần ơi, nó đâu phải chó, lợn rừng thì có!" Tôi ngoạm hắn một cái ra trò đến độ mấy cái răng nanh của tôi thấu qua lớp mỡ đến tận xương đùi hắn. Các vị biết đấy, đối với một con chó, chẳng có gì hài lòng bằng phập răng vào kẻ thù khốn khổ của nó trong một cơn phẫn nộ theo bản năng. Khi một cơ hội như thế xuất hiện, đó là, khi nạn nhân của tôi, kẻ đáng bị cắn, ngốc nghếch và không hay biết đi ngang qua, răng của tôi nhức nhối trong tư thế sẵn sàng, đầu tôi quay cuồng với khao khát và thậm chí không cố ý, tôi đã phát ra một tiếng gừ dựng tóc gáy.
Tôi là một con chó, và bởi vì con người các vị là những động vật không sáng suốt bằng tôi, nên các vị tự nhủ:"Chó không biết nói." Tuy nhiên các vị lại có vẻ tin một câu chuyện trong đó các xác chết nói được và các nhân vật sử dụng ngôn từ mà có thể họ không hiểu. Chó quả thực biết nói, nhưng chỉ nói với những người biết cách lắng nghe.
Ngày xưa, lâu lâu lắm rồi, ở một vùng đất xa xôi, một giáo sĩ ngạo mạn từ một thị xã tỉnh lẻ đến một trong những thánh đường lớn nhất ở một thủ đô; chúng ta cứ gọi nó là Thánh đường Bayazid đi. Thật thích hợp khi tạm giấu tên ông này, vì vậy ta cứ gọi ông ấy là "Husret Hoja." Nhưng sao tôi lại phải che giấu thêm nữa: ông này là một giáo sĩ đần độn. Y bù đắp cho trí thông minh khiêm tốn của mình bằng sức mạnh của miệng lưỡi. Cầu Thượng đế ban phúc cho nó. Mỗi thứ Sáu, y làm cho cả giáo xứ bị kích thích, xúc động rơi nước mắt đến độ một số trong bọn họ có thể khóc đến ngất đi hoặc héo khô và tàn úa. Xin đừng hiểu lầm tôi, không như những giáo sĩ có khiếu giảng đạo khác, bản thân y không khóc. Trái lại, trong khi mọi người khác khóc, y nhấn mạnh bài thuyết giảng của y không hề chớp mắt như thể để trừng phạt giáo xứ. Rất có thể, những kẻ làm vườn, những thư đồng trong hoàng tộc, những người làm kẹo, tiện dân và các giáo sĩ giống y đã trở thành những đầy tớ của y bởi vì họ thích cái lưỡi đang múa may đó. Phải, rốt cuộc y không phải là chó, không thưa các vị, y là một con người - mà nhân vô thập toàn - và trước những đám đông bị mê hoặc đó, y quên hết mọi sự khi thấy việc dọa dẫm đám đông cũng thích thú như việc làm họ khóc vậy. Khi y hiểu rằng y sẽ kiếm được nhiều bánh mì hơn trong công cuộc mới mẻ này, y tiến tới chỗ quá lố và cả gan nói những lời sau:
"Lý do duy nhất khiến xảy ra sự tăng giá, dịch bệnh và thất bại quân sự là bởi chúng ta quên đạo Hồi của thời đấng Tiên tri vinh quang của chúng ta mà xuôi theo những lời giả dối. Liệu bài sử thi giáng thế của đấng Tiên tri hồi đó có được đọc để tưởng nhớ người chết không? Liệu nghi lễ ngày thứ bốn mươi 1 khi các món ngọt như kẹo mè và bột chiên được đưa ra để tỏ lòng kính trọng người chết, có được tiến hành không? Khi Muhammad còn sống, kinh Koran vinh quang có được đọc to du dương giống như bài hát không? Liệu lệnh cầu kinh có được truyền đi một cách khoa trương và cao ngạo để chứng tỏ tiếng Ẳ Rập của ai đó gần gũi thế nào với tiếng Ẳ Rập của một người Ẳ Rập không? Có hay không chuyện hô lệnh cầu kinh một cách rụt rè, với vẻ hoa mỹ của một người đàn ông bắt chước đàn bà không? Ngày nay, người ta cầu khẩn trước những nấm mồ, van xin những bù đắp. Họ hy vọng người chết can thiệp giúp đỡ cho họ. Họ viếng thăm mộ các vị thánh và thờ phượng trước những nấm mồ này giống như bọn ngoại giáo trước những phiến đá. Họ buộc những miếng vải tạ ơn khắp nơi, và đưa ra những hứa hẹn cúng tế để đáp lại sự cứu rỗi. Có phải những tín đồ dòng khổ tu là kẻ truyền bá những niềm tin như thế trong thời đại của Muhammad không? Ibn Arabi, kẻ hướng dẫn tinh thần của những tín đồ này, đã trở thành một tội đồ bởi đã quả quyết rằng Pharaoh ngoại đạo đã chết như một tín hữu. Những tín đồ khổ tu này, theo dòng Mevlevi, Halveti, Kalenderi và những kẻ hát kinh Koran có nhạc đệm hoặc biện minh cho việc nhảy múa với trẻ con và trẻ vị thành niên bằng cách nói rằng "dù gì chúng tôi cũng cầu nguyện với nhau, tại sao không?" đều là lũ mọi đen. Nhà cửa bọn khổ tu này phải bị phá hủy, móng của chúng phải được đào sâu bảy sải tay và đất đào lên phải đem đổ xuống biển. Chỉ có vậy thì những buổi cầu kinh theo nghi thức mới có thể tiến hành lại ở đó được."
Tôi nghe nói rằng Husret Hoja này, thậm chí còn đưa vấn đề đi xa hơn, đã tuyên bố văng cả nước bọt, "A, những tín đồ thuần thành của ta! Uống cà phê dứt khoát là một tội lỗi! Đấng Tiên tri vinh quang của chúng ta không dùng cà phê bởi vì ngài biết nó làm trí tuệ mù mờ, gây lở loét, thoát vị và vô sinh; ngài hiểu rằng cà phê chẳng là gì ngoài trò mưu mẹo của Quỷ sứ. Quán cà phê là nơi những kẻ truy hoan và bọn rong chơi giàu có ngồi gối kề gối, tự dấn mình vào mọi kiểu cư xử thô tục; thực tế, thậm chí trước khi niêm phong nhà cửa của bọn tín đồ khổ tu thì phải cấm các quán cà phê. Người nghèo có đủ tiền để uống cà phê không?
Những người thường xuyên lui tới những nơi đó, đã trở nên nghiện cà phê và không còn kiểm soát được đầu óc đến mức họ thực sự lắng nghe và tin vào những gì bọn chó nòi và chó lai nói.Nhưng những ai nguyền rủa ta và tôn giáo của chúng ta, chúng mới là bọn chó lai thực sự."
Nếu các vị cho phép, tôi muốn đáp lại lời phê phán cuối cùng của vị giáo sĩ đáng kính này. Dĩ nhiên, ai cũng biết rằng những vị haji, hoja, giáo sĩ và nhà thuyết giáo đều khinh miệt bọn chó chúng tôi. Theo quan điểm của tôi, toàn bộ vấn đề có liên quan đến đấng Tiên tri Muhammad đáng kính của chúng ta, cầu bình yên và những điều tốt đẹp đến với ngài, người đã thà cắt đứt một mảnh áo choàng của mình mà trên đó một con mèo đang nằm ngủ hơn là đánh thức con vật. Bằng việc nêu ra lòng yêu thương đối với con mèo, thứ tình cảm mà lũ chó chúng tôi bị khước từ, và vì mối cừu hận muôn thuở của chúng tôi với con thú thuộc giống leo trèo này, con vật mà thậm chí một người ngu ngốc nhất cũng công nhận là một kẻ bạc bẽo, người ta đã cố hàm ý rằng bản thân đấng Tiên tri không hề ưa lũ chó. Họ tin chắc rằng chúng tôi sẽ làm ô uế những người đã tiến hành những tẩy rửa theo nghi thức, và kết quả của niềm tin sai lầm và có tính vu khống này là chúng tôi bị ngăn không cho vào các thánh đường trong nhiều thế kỷ và bị các lao công quét dọn cho ăn gậy trong sân của họ.
Cho phép tôi nhắc các vị về "Al-kahf" 2, chương hay nhất trong kinh Koran. Tôi nhắc các vị nhớ không phải vì tôi nghi ngờ rằng trong số chúng ta tại quán cà phê tốt đẹp này có thể có những người không bao giờ đọc kinh Koran, mà bởi vì tôi muốn gợi cho các vị nhớ lại: Chương này kể câu chuyện về bảy người trẻ tuổi vốn đã phát mệt vì phải sống giữa những kẻ ngoại giáo nên lánh mình trong một cái hang nơi họ đi vào một giấc ngủ sâu. Đấng Allah sau đó bịt tai họ lại và làm cho họ ngủ suốt ba trăm lẻ chín năm. Khi thức dậy, họ chỉ biết được bao nhiêu năm đã trôi qua sau khi một người trong bọn họ bước vào xã hội con người và thử xài một đồng bạc đã trở thành đồ cổ. Tất cả họ đều kinh ngạc khi biết được những gì đã xảy ra. Chương này mô tả một cách tinh tế sự gắn bó của con người với đấng Allah, những phép lạ của Người, bản chất phù du của thời gian và niềm vui của giấc ngủ sâu, và dù không phải tình huống của tôi, nhưng hãy cho phép tôi nhắc các vị nhớ về khổ thơ thứ mười tám vốn đề cập đến một con chó nằm tại miệng hang nơi bảy chàng trẻ tuổi đang ngủ. Rõ ràng là ai cũng lấy làm tự hào khi được xuất hiện trong kinh Koran. Là một con chó, tôi rất quan tâm đến chương này, và qua nó tôi có ý định làm cho những người Erzurum, những người gọi kẻ thù của họ là bọn chó lai bẩn thỉu, phải suy nghĩ lại.
Vậy thì, lý do thực sự cho việc thù hận bọn chó là gì? Tại sao các vị cứ nhất quyết cho rằng bọn chó là ô uế, và lau chùi, tẩy uế nhà các vị từ trên xuống dưới nếu có một con chó ngẫu nhiên bước vào? Tại sao các vị tin rằng những ai đụng vào chúng tôi là đã làm hỏng nghi thức tắm rửa của họ? Nếu áo chùng của các vị chạm phải bộ lông ẩm của chúng tôi, tại sao các vị nhất quyết giặt chiếc áo đó bảy lần giống như một phụ nữ rồ? Chỉ cái bọn thợ thiếc phải chịu trách nhiệm cho lời vu cáo rằng cái nồi bị chó liếm thì phải vứt đi hoặc gò mới lại. Hoặc có lẽ, phải, cả bọn mèo...
Khi người ta rời bỏ làng mạc để đổi lấy cuộc sống quanh quẩn nơi thành thị, bọn chó chăn cừu vẫn ở lại các tỉnh; đó là khi những lời đồn đại về sự ô uế của bọn chó như tôi bắt đầu lan truyền. Nhưng trước khi đạo Hồi xuất hiện thì hai trong số mười hai tháng mỗi năm là "tháng của chó." Nhưng bây giờ mỗi con chó đều bị coi là một điềm gở. Tôi không muốn các vị ưu tư về vấn đề của riêng tôi, hỡi những người bạn thân mến của tôi, các vị đến đây để nghe một câu chuyện và suy gẫm về bài học của nó - thật lòng mà nói, cơn giận của tôi xuất phát từ nhũng công kích của vị giáo sĩ đáng kính này đối với các quán cà phê của chúng ta.Các vị sẽ nghĩ gì nếu tôi nói rằng Husret xứ Erzurum này thuộc dòng dõi đáng ngờ? Nhưng họ cũng nói với tôi rằng, "Ngươi tưởng ngươi là giống chó gì chứ hả? Ngươi đang công kích vị giáo sĩ đáng kính bởi vì chủ của ngươi là người kể chuyện theo tranh chuyên kể chuyện tại một quán cà phê và ngươi muốn bảo vệ y. Cút xéo đi!" Cầu thần thánh tha thứ, tôi không chê bai bất kỳ ai. Nhưng tôi là kẻ rất ngưỡng mộ những quán cà phê của chúng ta. Các vị biết đấy, tôi không quan tâm đến việc chân dung của tôi được vẽ trên tờ giấy rẻ tiền như thế hoặc việc tôi là một con thú bốn chân, mà tôi lấy làm tiếc rằng tôi không thể ngồi giống như một con người và uống cà phê với các vị. Chúng ta sẽ chết vì cà phê của chúng ta và những quán cà phê của chúng ta - chuyện gì thế này? Xem kìa, ông chủ của tôi đang rót cà phê cho tôi từ một bình cà phê nhỏ. Chắc các vị nói một bức tranh không thể uống cà phê chứ gì? Làm ơn nhìn đi! Con chó này đang sung sướng táp cà phê đây.
A, vâng, thế là đúng, nó làm tôi ấm lên, cái nhìn của tôi sắc sảo hơn và ý nghĩ của tôi nhậm lẹ hơn. Giờ hãy nghe những gì tôi muốn nói với các vị. Bên cạnh những súc vải lụa Trung Hoa và những đồ gốm Trung Hoa được trang trí bằng những bông hoa màu xanh lam, thì viên pháp quan Venice gửi đến cái gì cho Nurhayat, cô con gái yêu quý của Đức vua đáng kính của chúng ta? Một con chó cái Venice mềm mại đáng yêu với một cái áo khoác bằng lụa và lông chồn. Tôi nghe nói rằng con chó cái này được cưng chiều đến độ nó có cả một cái váy lụa đỏ nữa. Một trong những đứa bạn của tôi thực sự đã giao cấu với nó, theo chỗ tôi biết, và nó thậm chí không thể tham gia làm chuyện này mà không mặc cái váy kia của nó. Ở xứ Tây vực của nó, con chó nào cũng mặc quần áo như vậy cả. Tôi từng nghe kể ở đó có một phụ nữ Venice được gọi là tao nhã và có giáo dục, khi bà ta thấy một con chó trần truồng - hoặc có thể bà ta thấy cái đồ của nó, tôi không chắc -, bà ba đã rú lên, "Ôi Chúa ơi, con chó trần truồng!" và bất tỉnh ngay lập tức.
Ở những vùng đất của bọn Tây vực vô thần, được gọi là người Âu đấy, con chó nào cũng có chủ. Những con vật đáng thương này bị người ta dắt trên đường phố, xích tròng quanh cổ, bị ràng buộc như những tên nô lệ cùng khổ nhất và bị lôi đi khắp nơi mà lúc nào cũng chỉ một mình. Bọn người Tây vực ấy buộc những con vật khốn khổ này phải vào ở trong nhà họ, thậm chí vào tận giường của họ. Bọn chó không được phép đi dạo với nhau, chứ đừng nói đến chuyện được ngửi và đùa giỡn cùng nhau. Trong tình cảnh khốn khổ đó, bị buộc xích, chúng không thể làm gì khác ngoài tuyệt vọng nhìn nhau từ xa mỗi khi chạm mặt nhau ngoài phố. Bọn chó chạy rông khắp đường phố Istanbul thoải mái cả bầy cả lũ, theo kiểu chúng tôi sống, bọn chó dám đe dọa con người nếu cần, có thể nằm khoanh tròn trong một góc ấm áp hoặc nằm dài trong bóng râm yên bình ngủ, có thể ỉa bất cứ nơi nào chúng muốn và cắn bất kỳ ai chúng muốn, những con chó như thế không có trong khái niệm của bọn vô thần. Không phải tôi không nghĩ rằng đây có thể là lý do khiến những tín đồ của tay Erzurum kia chống đối việc cầu nguyện cho bọn chó cũng như việc cho chúng ăn thịt trên đường phố Istanbul để được thánh thần ban ơn và cũng là lý do tại sao họ phản đối việc thành lập nhưng hội từ thiện nhằm thực hiện những dịch vụ như thế.
Nếu họ có ý định vừa đối xử với chúng tôi như kẻ thù vừa biến chúng tôi thành lũ vô thần, thì hãy để tôi nhắc họ rằng việc làm kẻ thù của lũ chó và việc làm một kẻ vô thần, hai chuyện là một và y hệt nhau. Tôi hy vọng, tại những cuộc hành hình không còn xa cho những con người tồi tệ này, tôi thỉnh cầu những người bạn đao phủ của chúng tôi hãy mời chúng tôi tới cắn một phát, như đôi khi họ làm để nêu một tấm gương răn đe.
Trước khi tôi dứt lời, hãy cho tôi nói điều này: ông chủ trước của tôi là một người rất công bằng. Khi chúng tôi rời nhà ban đêm để đi ăn trộm, chúng tôi đã hợp tác: Tôi có thể bắt đầu sủa, và y có thể cắt cổ họng nạn nhân của chúng tôi và tiếng rú của hắn sẽ bị tiếng sủa của tôi át mất. Để trả công tôi trợ giúp, y sẽ chặt nhỏ những kẻ có tội mà y đã trừng phạt, luộc lên cho tôi ăn. Tôi không thích thịt sống. Cầu thần thánh phù hộ, cho tay đao phủ tương lai của vị giáo sĩ từ Erzurum đó sẽ lưu ý chuyện này để bao tử tôi không bị khó chịu vì thứ thịt sống của tên vô lại đó. -------------------------------- 1Nghi lễ ngày thứ 40: một phong tục tang chế Hồi giáo, gồm việc cầu kinh cho người chết và phân phát thực phẩm cho người sống, được cử hành vào ngày thứ 40 sau cái chết. 2Hang động.