Tình Mẫu Đơn Chương 13


Chương 13
Lễ Vu Lan

Khi còn sống, có những việc nhất định xảy ra theo thời gian định trước bất kể chúng ta thích hay không. Chúng ta có kinh nguyệt hàng tháng. Trăng tròn rồi khuyết. Tết Nguyên Đán, tiếp theo là Hội Xuân, lễ Thất Tịch, lễ Vu Lan và Trung Thu. Chúng ta không kiểm soát được những chuyện đó, nhưng cơ thể chúng ta chuyển vận theo chúng. Đến tết Nguyên Đán, chúng ta dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị các món ăn đặc biệt và cúng tế không chỉ vì bổn phận hay phong tục mà còn vì sự đổi mùa và ý xuân đã kích thích, quyến rũ và thúc ép chúng ta tới những hành động đó. Trên nhiều phương diện, hồn ma cũng giống như thế. Chúng tôi được tự do lang thang nhưng chúng tôi cũng bị truyền thống, bản năng và khao khát sống sót dẫn dắt và kêu gọi. Tôi muốn ở bên Nhân từng giây phút nhưng đến tháng Bảy, cảm giác đói khát trong tôi trở nên cồn cào và không thể kiểm soát được như những cơn chuột rút tồi tệ, như trăng rằm Trung Thu hay như những tràng pháo chở Táo Quân lên Thiên Đình để báo cáo mọi chuyện trong nhà. Ngay cả khi cuộn quanh xà nhà hay lảng vảng trên giường của người chị em chung chồng, tôi cảm thấy mình được ai đó vẫy gọi, dụ dỗ, kéo ra ngoài.

Cái đói bức bách mạnh mẽ đến mức không thể chịu đựng được, tôi rời khỏi căn phòng ngủ an toàn. Tôi cần đường thẳng và tôi đã có, tôi lướt qua mấy cái sân và ra phía bên ngoài cổng nhà họ Ngô phía sau hai gia nhân đang cầm giấy và chậu. Khoảnh khắc vượt qua chiếc cổng, tôi nghe thấy nó đóng lại phía sau mình và kinh hãi nhìn khi hai gia nhân dán những lá bùa lên cánh cửa và khóa cửa lại để bảo vệ những người bên trong khỏi những kẻ như tôi. Đó là ngày rằm của tháng lễ Vu Lan. Cũng như người chị em chung chồng, tôi là nạn nhân của những khao khát. Những hành động của tôi, cũng như Đàm Trắc, không kiểm soát và không thể kiểm soát được.

Tôi đập thình thình vào cánh cổng. “Cho ta vào!”

Từ xung quanh tôi nghe thấy những tiếng kêu la và gào thét lặp lại mình: “Cho ta vào! Cho ta vào! Cho ta vào!”

Tôi đảo người xung quanh nhìn những kẻ quần áo tả tơi, mặt mày hốc hác, xám xịt và nhăn nhúm, những kẻ người ngợm rũ xuống vì cô đơn, mất người thân và hối hận. Vài kẻ mất cả tay chân. Những kẻ khác nồng nặc mùi sợ hãi, kinh hoảng hay oán thù. Những kẻ chết đuối nhỏ ra thứ chất lỏng hôi hám và bốc mùi như cá thối. Còn bọn trẻ con! Hàng chục đứa bé, phần lớn là con gái đã bị gia đình bỏ rơi, đem bán, ngược đãi và cuối cùng lãng quên, cùng nhốn nháo trong bầy giống như bấy nhiêu con chuột, mắt chúng tràn đầy nỗi buồn bất tận. Tất cả những kẻ này có hai điểm chung, đói khát và giận dữ. Một số giận dữ vì đói khát và mất nhà cửa. Một số đói khát và mất nhà cửa vì giận dữ. Cảm thấy khiếp sợ, tôi đu người trở lại cánh cổng và gắng hết sức đập mạnh lên.

“Cho ta vào!” tôi lại gào lên.

Nhưng nắm đấm của tôi không có sức mạnh chống lại những bùa chú mà các gia nhân đã dùng để niêm phong cánh cửa hòng ngăn cản tôi và giống loài tôi. Giống loài tôi. Tôi gục trán vào cánh cổng, nhắm mắt lại và để điều ấy thấm vào ý thức mình. Tôi là một trong những kẻ kinh tởm đó và tôi đói vô cùng, đói choáng váng cồn cào.

Tôi hít một hơi sâu, dứt mình ra khỏi bức tường và ép mình đảo tròn xung quanh. Những kẻ khác không còn quan tâm đến tôi và đã quay lại việc chính: tọng đầy miệng đồ cúng của nhà họ Ngô. Tôi cố gắng lách qua những thân hình quằn quại dữ dội ấy nhưng họ gạt tôi ra một cách dễ dàng.

Tôi bước dọc con đường, dừng lại trước mỗi căn nhà có bày bàn thờ. Nhưng hoặc là tôi quá chậm hoặc là những con ma đói khác quá hung tợn với tôi. Tôi giờ chỉ còn là một cái miệng há ra và một cái dạ dày trống rỗng.

Thần thánh và tổ tiên được thờ cúng và chăm lo vì là bậc bề trên. Họ che chở và ban phát những nguyện ước; dáng mạo thiên tiên của linh hồn họ gắn liền với phát triển, sinh sôi và sự sống. Đồ cúng cho họ được nấu nướng cẩn thận và bày biện trên những chiếc đĩa đẹp đẽ cùng rất nhiều đồ dùng để ăn uống. Nhưng ma quỷ thì bị khinh miệt. Địa vị của chúng tôi vô cùng thấp kém, thấp kém hơn cả ăn mày hay con hủi. Người ta cho là chúng tôi chẳng đem lại gì ngoài rủi ro, bất hạnh và thảm họa. Người ta đổ lỗi cho chúng tôi đã gây ra tai nạn, cằn cỗi, bệnh tật, mất mùa, vận đen cờ bạc, làm ăn lỗ vốn và dĩ nhiên là cả cái chết nữa. Vì thế có đáng ngạc nhiên không khi đồ cúng cho chúng tôi trong lễ Vu Lan lại rẻ tiền và kinh tởm? Thay vì những trái đào chín, những bát cơm thơm phức và những con gà ướp tương để nguyên con, chúng tôi nhận được gạo sống, rau dưa lẽ ra nên dùng nuôi lợn, những khoanh thịt vẫn còn lông và không có bát đũa. Người ta nghĩ rằng chúng tôi vục mặt vào những đồ ăn này như lũ chó, dùng răng giằng xé và đem về những góc tối ở chốn âm ty.

Người ta không hiểu rằng nhiều người trong chúng tôi xuất thân trong nhà tử tế, bơ vơ nuối tiếc gia đình và cũng quan tâm đến người khác như các vị tổ tiên mà họ rất đỗi kính yêu kia. Chúng tôi là ma quỷ, chúng tôi không thể thoát khỏi bản chất của mình nhưng thế không có nghĩa là chúng tôi có chủ tâm gây hại, chúng tôi nguy hiểm như một chiếc lò nóng. Chẳng phải là cho đến nay tôi vẫn chưa chủ tâm dùng thứ hắc ám trong mình để khiến người khác tổn thương hoặc làm gì tàn ác hay sao? Song khi lượn quanh hồ, tôi đã đánh bật những kẻ yếu hơn mình vì mảnh vỏ cam mốc meo hay mẩu xương đã bị mút hết tủy. Tôi bước, lướt, bò, lê lết từ nhà này sang nhà khác, ăn mọi thứ có thể, nhai tóp tép những gì còn lại từ những chiếc bàn đã bị những kẻ giống tôi tranh cướp cho tới khi tới bên tường bao quanh trang viên nhà họ Trần. Tôi đã vô tình đi cả quãng đường quanh hồ. Cảm giác đói khát trong tôi dữ dội và không được thỏa mãn như thế đấy.

Tôi chưa từng ở bên ngoài phong hỏa môn nhà mình trong ngày lễ này bao giờ. Nhưng tôi nhớ đám gia nhân đã làm gì trong những ngày đó, nhớ những lời huyên thuyên về những món ăn thịnh soạn họ bày ra, buộc hay quấn vào ban thờ trước cổng nhà chúng tôi. Nào là gà vịt, cả sống và cả chết; những lát thịt và thủ lợn; cá, bỏng gạo và dứa, dưa, chuối chín còn nguyên quả. Khi lễ Vu Lan đã qua và những hồn ma đã dùng phần của mình trong bữa ăn hương hoa, những kẻ ăn mày và người nghèo sẽ tới dự phần vật chất còn thừa lại trong một bữa tiệc từ thiện của nhà họ Trần.

Như ở mọi nhà khác, cuộc tranh giành đồ cúng rất khốc liệt, song đây là nha tôi. Tôi có quyền được những thứ này. Tôi chen lên phía trước. Một hồn ma mặc quan phục rách rưới có phù hiệu thêu trên ngực áo cho thấy ông là quan ngũ phẩm cố hích tôi ra, song tôi khá nhỏ nhắn nên lẩn qua được bên dưới cánh tay ông ta.

“Cái này của bọn ta!” ông gầm lên. “Mi không có quyền ở đây. Cút đi!”

Tôi nắm chắc lấy chiếc bàn, như thể làm vậy sẽ giúp được mình, và nói với ông ta bằng vẻ tôn trọng tương xứng với phẩm cấp.

“Đây là nhà tiểu nữ,” tôi nói.

“Thân phận lúc sống của mi không quan trọng ở đây,” một con ma ở bên phải tôi càu nhàu.

“Nếu có chút địa vị thì mi đã được chôn cất đúng nghi lễ. Chỉ là một nhánh vô dụng mà thôi,” một người đàn bà khịt mũi, thịt bà ta đã mục nát đến nỗi những mảnh xương sọ đã chọc qua da.

Con ma mặc quan phục gí sát cái miệng bốc mùi của ông ta xuống mặt tôi. “Gia đình đã quên mi rồi và họ cũng đã quên bọn ta. Bọn ta tới đây nhiều năm nhưng hãy nhìn xem giờ họ cho chúng ta cái gì! Gần như không gì hết. Thằng em trai mới của mi có vẻ như không hiểu được sai lầm của hắn. Chà!” Ông ta phì hơi thở hôi hám vào mặt tôi và tôi ngửi thấy mùi đồ cúng thiu thối trong họng ông ta. “Vì cha mi đang ở kinh thành, Bảo cho rằng lễ Vu Lan này là không cần thiết. Hắn đã lấy những đồ cúng ngon nhất, và đem về phòng dùng chung với tỳ thiếp.”

Ngay sau đó, con ma mặc quan phục tóm lấy gáy tôi ném phăng tôi đi. Tôi đập vào bức tường của tòa trang viên phía bên kia đường, trượt xuống đất và nhìn khi những con ma đói khác gặm xé những đồ cúng đạm bạc. Tôi bò quanh họ và gõ một cách vô ích vào phong hỏa môn. Khi còn sống, tất cả những gì tôi muốn là rời khỏi nhà và đi du ngoạn; giờ đây tất cả những gì tôi muốn là vào bên trong đó.

Từ rất lâu tôi đã không nhớ tới gia đình mình nữa. Liên và Chổi giờ đây hẳn đã chuyển đến sống ở nhà riêng của chúng nhưng các thím tôi thì ở bên trong. Những người tỳ thiếp vẫn còn ở đó. Em Phong Lan chắc đang chuẩn bị hứa hôn. Tôi nhớ tới cả trăm người, nhũ mẫu, gia nhân, đầu bếp và nhiều nhất là tới mẹ, những người sống phía sau cánh cổng. Hẳn phải có đường cho tôi vào gặp mẹ chứ.

Tôi bước quanh phủ, lượn những vòng rộng để tránh những góc nhọn. Nhưng thật vô vọng. Trang viên nhà họ Trần chỉ có duy nhất một cổng và nó đã bị đóng lại với lũ ma đói. Có phải mẹ đang ở Liên Khai Đường và nghĩ đến tôi không? Tôi ngước lên trời, thử nhìn lướt qua Vọng Hương Đài. Bà nội có đang quan sát tôi không? Liệu bà có đang lắc đầu cười nhạo sự ngu ngốc của tôi?

Giống như người sống, hồn ma không thích chấp nhận sự thật. Chúng ta lừa dối bản thân để cứu thể diện, giữ gìn sự lạc quan ở chừng mực nào đó và tiếp tục đâm đầu vào những tình huống thực sự không thể cứu vãn được. Tôi không thích nghĩ rằng mình là ma đói, bị bỏ đói khát đến nỗi phải vục mặt vào đĩa hoa quả mốc meo để thỏa mãn sự trống rỗng cồn cào bên trong. Tôi thở dài. Tôi vẫn còn đói. Tôi phải ăn đủ trong một ngày này để nuôi thân trong cả năm.

Khi còn ở trên Vọng Hương Đài, tôi thường nhìn xuống nhà họ Tiền ở làng Cổ Đương, đó là nhà cha tôi đã ghé thăm trong dịp tết Nguyên Đán sau khi tôi mới chết. Tôi nhằm hướng đó lên đường, đánh bật những kẻ giống tôi khi buộc phải làm vậy, lượn những vòng rộng khi cần và bị lạc trên những đường mòn quanh co giữa đồng lúa, những người nông dân đã tính trước điều này

Đêm buông xuống, thời điểm lẽ ra có rất nhiều ma đói lang thang kiếm ăn, nhưng ở vùng nông thôn này, tôi rất ít gặp những hồn ma khác. Ở ngoài này, hầu hết mọi người đều chết bất đắc kỳ tử do động đất, lũ lụt, nạn đói và bệnh. Họ chết ở gần hay trong nhà mình nên không bị mất xác. Hiếm khi có tai nạn xảy ra mà thi thể hoàn toàn biến mất; dù thi thoảng có thể một vụ cháy hủy hoại toàn bộ gia đình hay một vụ sập cầu trong mùa lũ cuốn đi một người đang mang lợn ra chợ bán. Vậy nên phần lớn những người chết ở nông thôn được chôn cất cẩn thận và ba phần của linh hồn họ đều được tới nơi an nghỉ riêng tử tế.

Tuy nhiên tôi có đụng phải vài linh hồn bất an: một bà mẹ được chôn cất không đúng chỗ nên thi hài bị rễ cây xuyên thủng gây đau đớn không chịu nổi; một người đàn ông bị hất khỏi quan tài vì nước lũ; một người vợ trẻ có thi hài bị xô lệch khi quan tài hạ thổ nên phần đầu bị vặn xoắn và khiến cho linh hồn cô không thể tiếp tục đầu thai chuyển kiếp. Những linh hồn này kích động và rất phiền nhiễu; trong lúc cố gắng tìm trợ giúp chúng đã gây ra những rắc rối cho gia đình và người thân của mình. Chẳng ai thích nghe những tiếng rền rĩ ma quái vì thống khổ không nói được thành lời lúc đang cố ngủ, lúc cho con ăn hay lúc mây mưa với chồng. Nhưng ngoài những linh hồn đó thì hành trình của tôi yên ổn và cô độc.

Tôi đã tới nhà họ Tiền. Dù nghèo nhưng họ có trái tim nhân hậu; đồ cúng của họ khiêm tốn nhưng tốt hơn bất cứ thứ gì tôi đã từng ăn. Khi đã đầy đủ, tôi lướt đến gần ngôi nhà hơn vì muốn nghỉ ngơi trước hành trình trở lại thành thị, thưởng thức cảm giác no nê và mong được giao tiếp chỉ trong chốc lát với những người gắn bó gần gũi với gia đình mình.

Nhưng trong suốt lễ Vu Lan, cửa sổ nhà họ Tiền đã được che kín bằng những bức bình phong gỗ còn cửa ra vào bị khóa bên trong. Tôi ngửi thấy mùi cơm đang nấu. Ánh đèn lọt ra phía dưới khe cửa. Tôi nghe thấy những tiếng thì thầm khe khẽ. Tôi lắng nghe rất khó nhọc và rồi giọng Tiền phu nhân cất lên. “Từ khi ngừng lượm lông chim chả bên dòng sông xanh; Ta lánh mình về căn nhà nghèo khó ngâm thơ.” Tôi biết bài thơ này, nó khiến tôi buồn và nhớ nhà. Nhưng tôi sẽ làm gì đây? Tôi cô đơn, bị tước đoạt gia đình, bè bạn và tài năng văn chương nghệ thuật. Tôi vùi mặt trong tay nức nở. Rồi tôi nghe thấy ghế loẹt xoẹt và những tiếng kêu kinh khiếp bên trong nhà. Những người này đã an ủi tôi thế mà giờ đây tôi làm họ hoảng sợ bằng những tiếng kêu khóc ở âm ty.

Qua lễ Vu Lan, tôi trở lại phòng ngủ của Nhân và Trắc, tôi được bồi bổ, mạnh khỏe và tập trung đến bất ngờ. Cảm giác no nê lần đầu tiên sau một thời gian dài từ trước khi chết đã mang lại một khao khát khác, khao khát tôi từng dành cho công trình về Mẫu Đơn Đình. Sẽ như thế nào nếu tôi có thể thêm vào những gì mình đã viết bên lề sách và biến nó thành một bức chân dung tự họa, và Nhân sẽ nhận ra đó là biểu tượng của mọi thứ ở bên trong tôi. Chẳng phải chân dung tự họa của Lệ Nương và bút tích của tôi đều ẩn chứa tâm hồn chúng tôi sao?

Đột nhiên, tôi bỗng trở nên ích kỷ hệt như người chị em chung chồng với mình. Tôi đã dạy Trắc về Mẫu Đơn Đình. Tôi đã can thiệp vào suy nghĩ của nó để nó viết lên những mảnh giấy và giấu chúng trong phòng ngủ. Giờ nó phải làm cái gì đó vì tôi.

Tôi bắt đầu giữ Trắc trong phòng ngủ lúc ban ngày, tôi thích nó ở bên tôi hơn là cùng chồng và mẹ chồng dùng điểm tâm hay bữa trưa trong phòng ăn. Tôi không thích ánh sáng nên bắt nó đóng cửa ra vào và che cửa sổ lại. Suốt mùa hè căn phòng vẫn mát mẻ, tôi thích thế. Mùa thu, người ta mang thêm chăn vào. Mùa đông, Trắc mặc những chiếc áo khoác có đệm lót hoặc áo khoác nhồi lông thú. Tết đến, rồi mùa xuân. Tháng Tư, những bông hoa khoe sắc dưới ánh mặt trời, nhưng ở trong đây, chúng tôi tìm thấy người bầu bạn trong cảnh tối tăm không chịu ấm lên ngay cả lúc ban ngày.

Tôi bắt Trắc đọc lại những gì tôi đã viết bên lề tập một Mẫu Đơn Đình. Rồi tôi sai nó đến thư phòng Nhân tìm nguồn trích của ba đoạn tôi chưa tìm được trước khi chết. Tôi giúp nó cầm bút và viết câu trả lời cùng suy nghĩ của tôi về chúng trên những trang giấy ngay cạnh bút tích của tôi. Nếu tôi có thể khiến Trắc “thổi tiêu” cho chồng thì sao lại khó khiến nó cầm bút và viết? Chuyện vặt. Dễ thôi.

Thế nhưng, tôi không chút hài lòng. Tôi vô cùng cần quyển tập hai, bắt đầu từ đoạn Mộng Mai và hồn ma Lệ Nương thề nguyện tình yêu bất diệt. Rồi chàng điểm lên bài vị nàng, quật mả Lệ Nương lên và cải tử hoàn sinh cho nàng. Nếu tôi có thể bắt Trắc viết ra những suy nghĩ của tôi và buộc nó đưa cho Nhân đọc, liệu chàng có được truyền cảm hứng học theo như Mộng Mai không?

Ban đêm, trong giấc mơ của Trắc, chúng tôi gặp gỡ bên cái ao yêu thích của nó và tôi bảo, “Em cần quyển tập hai. Em phải có được nó.” Trong nhiều tuần, tôi giống như một con vẹt lặp đi lặp lại những lời này. Nhưng Trắc là một người vợ. Nó không thể ra ngoài tìm tập sách này, giống như tôi, ấy là nếu tôi còn sống. Nó phải dùng mưu mẹo, sự quyến rũ và tình yêu của chồng để mang cuốn sách về. Trắc được tôi giúp đỡ nhưng nó cũng có những khả năng riêng của mình. Nó có thể bướng bỉnh, nhỏ nhen và được nuông chiều. Chồng tôi đáp lại một cách tuyệt vời.

“Em rất muốn đọc Mẫu Đơn Đình tập hai,” nó có thể nói khi rót trà cho chàng. “Em xem vở kịch đã lâu rồi và giờ em thích đọc lời văn của tác gia vĩ đại ấy rồi thảo luận với chàng.” Khi Nhân nhấm nháp trà nóng, nó nhìn vào mắt chàng, lướt những ngón tay dọc theo tay áo chàng và nói thêm, “Đôi chỗ em không hiểu tác giả ngụ ý gì bằng phép ẩn dụ và lời ám chỉ. Chàng là một thi nhân tinh tế, có lẽ chàng có thể nói cho em hay.”

Hay khi ở trên giường ban đêm, Nhân nằm giữa chúng tôi và xung quanh là đống chăn chất cao giữ ấm, nó có thể thì thào vào tai chàng, “Ngày nào em cũng nghĩ tới người chị chung chồng của mình. Nửa sau vở kịch bị thiếu là một thứ sống động nhắc nhở với em rằng chị Đồng đã ra đi. Chắc chắn là chàng cũng nhớ chị ấy. Giá mà chúng ta có thể mang chị ấy trở lại.” Và rồi nó sẽ lè lưỡi ra, đùa nghịch dái tai chàng cho tới khi những chuyện khác bắt đầu diễn ra.

Tôi trở nên táo bạo hơn. Tôi bắt đầu rời phòng ngủ bằng cách đặt tay lên vai Trắc rồi để nó kéo mình từ phòng nọ sang phòng kia. Lướt đi theo cách này thì tôi không phải lo lắng về các góc nhọn. Tôi chỉ là một luồng hơi lê lết phía sau người chị em chung chồng với mình. Khi chúng tôi đến phòng ăn dùng bữa tối, Ngô phu nhân sẽ cất quạt đi, gọi gia nhân đóng các cửa ra vào lại để ngăn những cơn ớn lạnh bất ngờ và sai đốt than trong lò cho dù đó là những tháng nóng nực nhất.

“Môi con lại mỏng đi nữa rồi,” một tối kia Ngô phu nhân bảo Trắc.

Đúng là một lời phàn nàn thường tình của mẹ chồng, bởi ai cũng biết rằng môi mỏng thể hiện một nhân cách hẹp hòi, và điều này có thể hiểu là lòng dạ con sao hẹp hòi thế. Thông điệp bất thành văn: Cháu nội của ta đâu? Thật điển hình, thật cổ lỗ.

Nhân cầm tay Trắc ở dưới bàn. Vẻ quan tâm hiện lên trên mặt chàng.

“Còn bàn tay nàng lạnh buốt. Nương tử, giờ là mùa hè. Ngày mai hãy cùng ta ra ngoài. Chúng ta sẽ ngồi bên bờ ao ngắm hoa ngắm bướm và để nắng sưởi ấm da dẻ nàng nhé.”

“Trong những ngày này mệnh em xung khắc với hoa,” Trắc thì thào, “Còn bướm thì nhắc em nhớ đến những linh hồn chết. Khi nhìn thấy nước, em chỉ nghĩ đến chuyện chết đuối.”

“Ta cho rằng,” mẹ chồng tôi quan sát với ánh mắt khắc bạc, “nắng cũng chẳng giúp nó được đâu. Nó mang theo cái lạnh tới bất cứ nơi nào nó đến. Chúng ta chẳng nên mong nắng cũng tắt vì nó.”

Lệ tuôn trào ở khóe mắt Trắc. “Con nên về buồng thôi. Con có cái cần đọc ạ.”

Ngô phu nhân kéo tấm khăn quàng cho chặt hơn quanh vai nó. “Có lẽ thế là tốt nhất. Ngày mai ta sẽ mời đại phu đến chẩn bệnh.”

Trắc khép chặt hai đùi lại. “Chuyện đó không cần thiết.”

“Làm sao con sinh con trai được nếu...”

Con trai ư? Đối với tôi, Trắc đáng giá hơn khả năng sinh con trai của nó! Nó đang giúp tôi. Chúng tôi không cần con trai.

Nhưng đây không phải điều Triệu đại phu băn khoăn khi ông ghé đến. Tôi đã không gặp ông ta kể từ khi chết và tôi không thể nói rằng mình vui khi gặp lại ông ta.

Đại phu bắt mạch như thường lệ, quan sát lưỡi Trắc, rồi dẫn Nhân ra bên ngoài thông báo, “Tôi đã gặp nhiều trường hợp như vậy. Vợ cậu đã bỏ bữa và một mình nghiền ngẫm trong bóng tối hàng giờ liền. Ngô tiên sinh, tôi chỉ có một kết luận duy nhất: vợ cậu bị tương tư.”

“Tôi có thể làm gì?” Nhân hoảng hốt hỏi.

Đại phu và Nhân ngồi xuống một chiếc ghế băng trong vườn.

“Thường thì một đêm ở với chồng sẽ chữa chứng tương tư của người vợ,” đại phu bảo. “Có phải mợ ấy không muốn mây mưa không? Có phải đây là lý do mợ ấy chưa thụ thai không? Cậu đã thành thân được hơn một năm rồi còn gì.”

Tôi thấy phẫn nộ khi đại phu thậm chí còn gợi ý cả chuyện này. Tôi ước gì có được quyền năng của ma báo thù để khiến ông ta phải trả giá cho những cáo buộc đó.

“Tôi không thể đòi hỏi một người vợ tốt hơn,” Nhân bảo.

Và đến đây Triệu đại phu lưỡng lự trước khi nói tiếp, “Cậu đã truyền tinh khí cho mợ ấy chưa? Phụ nữ cần hấp thu cái đó để duy trì sức khỏe tốt. Cậu không thể chỉ xuất vào giữa phần mềm mại thơm tho nơi bàn chân bó của mợ ấy.”

Sau nhiều thúc giục, Nhân tiết lộ những chuyện xảy ra hàng đêm và hàng ngày trong phòng ngủ. Khi mọi thứ đã được bộc bạch, đại phu không thể chê trách bất cứ người nào về chuyện thiếu nồng nhiệt, hiểu biết, số lần quan hệ hay sự hấp thụ tinh khí.

“Chắc còn điều gì đó gây bệnh tương tư cho vợ cậu. Có gì đó nữa mà mợ ấy mong muốn không?” đại phu hỏi.

Ngày hôm sau, Nhân vào thành. Tôi không theo chàng vì tôi bận việc với Trắc. Theo chỉ dẫn của đại phu, Ngô phu nhân vào phòng ngủ, mở cửa ra vào và kéo những tấm rèm nặng nề che cửa sổ ra. Cái nóng và cảm giác ẩm ướt thường thấy ở Hàng Châu suốt trong những tháng hè tràn ngập căn phòng. Vô cùng khó chịu nhưng chúng tôi cố hết sức để sẵn sàng thực hiện bổn phận làm dâu bằng cách thích nghi, dẹp đi những cảm xúc và sở thích riêng để chiều ý mẹ chồng. Tôi ở ngay bên cạnh Trắc để làm nó khuây khỏa sau cuộc xâm phạm. Tôi thấy hài lòng khi nó mặc thêm một áo choàng nữa bên ngoài áo khoác. Các bà mẹ chồng có thể bảo ta phải làm gì và ta có thể tỏ ra phục tùng, nhưng họ không thể theo dõi ta bất cứ lúc nào.

Ba hôm sau Nhân về nhà.

“Ta đã tới tất cả những ngôi làng giữa sông Hoài và sông Phù Cung,” chàng nói. “Sự kiên trì của ta đã được đền đáp ở Thiệu Hi. Ta rất tiếc vì đã không làm việc này sớm hơn.” Chàng lấy ra từ sau lưng một bản Mẫu Đơn Đình, phần một và phần hai được đóng vào một quyển. “Đây là món quà tốt nhất mà ta có thể tặng nàng.” Chàng do dự và khi ấy tôi biết chàng hẳn đang nghĩ đến tôi. “Ta tặng nàng toàn bộ câu chuyện này.”

Trắc và tôi đổ vào vòng tay chàng vì hạnh phúc. Điều chàng nói tiếp khiến tôi tin rằng mình vẫn còn trong tim chàng nhiều lắm.

“Ta không muốn nàng bị bệnh tương tư. Giờ nàng sẽ khá hơn.”

Tôi nghĩ, Vâng, vâng, em sẽ khá hơn. Cám ơn chàng, phu quân, cám ơn chàng.

“Vâng, vâng,” Trắc lặp lại và thở dài.

Chúng tôi phải ăn mừng.

“Chúng ta ăn mừng nào,” nó nói.

Mặc dù mới sáng, gia nhân vẫn mang ra một bình rượu và mấy chiếc ly ngọc. Người chị em chung chồng của tôi không quen uống rượu còn tôi chưa bao giờ uống nhưng chúng tôi đang hạnh phúc. Nó uống ly đầu tiên trước cả khi Nhân nâng ly của chàng lên. Mỗi lần đặt ly xuống, tôi chạm vào miệng ly và nó lại rót đầy. Đang là ban ngày ban mặt và các cửa sổ mở ra đón hơi nóng nhưng có một thứ ánh sáng và hơi nóng khác mà hai vợ chồng bắt đầu cảm thấy. Một ly, ly nữa rồi lại ly nữa. Trắc uống tới chín ly rượu. Mặt mày nó quay cuồng vì hơi men. Nhân tỉnh táo hơn nhiều song chàng đã làm vợ vui và nó đáp lại chàng bằng sự biết ơn chung của chúng tôi.

Hai người ngủ thiếp đi lúc đầu giờ chiều. Hôm sau Nhân thức dậy đúng giờ thường lệ và tới thư phòng để sáng tác. Tôi để người chị em chung chồng vốn rất ít khi uống rượu tiếp tục ngủ vì tôi cần nó sảng khoái và sẵn sàng.

Hết chương 13. Mời các bạn đón đọc chương 14!

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/36620


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận