Khổng Tử viết: Kính quỷ thần nhi viễn chi(1). Vào ngày Thất Tịch, người ta quên đi quỷ thần và tổ tiên. Ai ai cũng chỉ muốn vui hội, từ những trò đặc sắc tới buổi diễn kịch. Tôi thay tấm áo dài sa mỏng thêu đôi chim đang bay trên những đóa hoa mùa hạ gợi lên niềm hạnh phúc tôi cảm thấy khi ở bên người lạ. Bên dưới, tôi mặc tấm váy gấm dệt kim tuyến với một dải hoa tuyết lê thêu quanh gấu, thu hút những ánh mắt xuống đôi hài chân bó bằng lụa màu hoa vãn anh. Khuyên vàng đu đưa trên tai và cổ tay nặng những vòng vàng vòng ngọc người nhà đã tặng tôi trong những năm qua. Tôi hoàn toàn không quá trưng diện. Nhìn đâu tôi cũng thấy đàn bà con gái duyên dáng leng keng xủng xẻng khi họ đung đưa người qua phòng để chào hỏi người khác bằng dáng đi nhịp nhàng yểu điệu.
Trên bàn thờ được bày biện cho buổi lễ trong Liên Khai Đường, những nén nhang cháy trong các lư đồng ba chân tỏa khắp phòng một mùi thơm nồng. Những chồng quả, cam, dưa, chuối, khế, long nhãn nằm trên các đĩa men Cảnh Thái Lam. Ở đầu bàn đặt một bát sứ trắng đựng đầy nước và lá bưởi tượng trưng cho sự thanh tẩy của các cô dâu. Giữa bàn đặt một mâm tròn, đường kính gần một thước, với ô tròn ở giữa cùng sáu ô xung quanh. Ô giữa miêu tả nàng Chức Nữ và chàng Ngưu Lang với con trâu đang lội trong dòng suối gần đó làm chúng tôi nhớ tới nơi nàng tiên nữ che giấu tấm thân lõa lồ của mình. Các ô xung quanh thể hiện các chị em của Chức Nữ. Mẹ lần lượt mời các cô gái chưa chồng đặt lễ vật cho mỗi nàng vào ô tương ứng.
Sau nghi lễ, chúng tôi ngồi xuống dự một bữa tiệc cực kỳ thịnh soạn. Mỗi món đều có ý nghĩa riêng. Nên chúng tôi ăn món “móng rồng ban quý tử”, giò lợn ướp với mười loại gia vị gia truyền om nhỏ lửa, nghe đồn ăn món này sẽ sinh được con trai. Gia nhân đem vào cho mỗi bàn một con gà Cái Bang. Bằng một nhát đập mạnh, lớp đất sét nung ốp vào từng con gà bị đập vỡ và mùi hương của gừng, rượu và nấm lan tỏa trong phòng. Hết món này đến món khác được đem đến. Mỗi món được nêm gia vị để thỏa mãn một vị giác: ngon, dở, thơm phức, nặng mùi, ngọt, chua, mặn, đắng. Để tráng miệng, gia nhân dọn cho chúng tôi bánh mạch nha làm từ gạo nếp, đậu đỏ, hạnh đào và rau hạnh để giúp tiêu hóa, giảm cân và kéo dài tuổi thọ. Đó là một bữa xa xỉ nhưng tôi căng thẳng đến nỗi nuốt chẳng trôi.
Bữa tiệc được tiếp nối bằng cuộc thi cuối cùng. Đèn lồng được hạ xuống và mỗi cô gái chưa chồng phải xâu kim dưới ánh sáng phát ra từ đầu một nén nhang duy nhất. Nếu xâu được kim là cô gái đó sẽ sinh con trai khi lấy chồng. Người ta đã uống nhiều rượu Thiệu Hưng nên có khá nhiều tiếng cười vang lên mỗi khi có người thất bại.
Tôi cố gắng hết mức để cười phụ họa theo, nhưng trong đầu đã dự tính xem nên đi gặp người lạ thế nào mà không bị bắt gặp. Tôi chỉ có thể dự đoán, hy vọng và suy nghĩ từng nước đi, như tôi vẫn làm khi chơi cờ với cha.
Không giống đêm đầu tiên, tôi không muốn ngồi ở hàng trước, gần sàn diễn kịch nhất nhưng cũng là vị trí mà mọi người đàn bà đều có thể trông thấy. Tôi cũng không thể nấn ná phía sau như tối qua. Nếu tôi lại làm thế, mẹ sẽ nghi ngờ gì đó. Bà biết là tôi quá yêu thích vở kịch nên sẽ không đến muộn lần nữa. Tôi phải tỏ vẻ như đang cố gắng làm bà hài lòng, đặc biệt là sau chuyện xảy ra chiều nay. Khi bộ óc tôi đang rà qua các khả năng, mắt tôi dừng lại ở chỗ Đàm Trắc. Tôi bắt đầu các nước cờ của mình. Phải, tôi có thể dùng con bé để khoác lên mình lớp áo ngây thơ
Khi Liên xâu được kim và mọi người vỗ tay hoan hô, tôi đi tới chỗ Đàm Trắc, nó đang ngồi chênh vênh trên ghế mong mẹ tôi chọn nó lên chơi trò xâu kim ấy. Điều đó sẽ không bao giờ xảy ra. Đàm Trắc đâu có đang đợi hôn lễ để mà lên chơi chứ; nó còn chưa được mai mối.
Tôi vỗ nhẹ vào vai nó.
“Đi với chị nào,” tôi bảo. “Chị sẽ cho em xem thứ này.”
Trắc tuột khỏi ghế và tôi nắm lấy tay nó, cố tình để mẹ trông thấy tôi đang làm gì.
“Em biết là chị đã đính ước rồi đúng không,” tôi nói khi đi cùng Trắc về buồng mình.
Con bé gật đầu, vẻ mặt rất nghiêm nghị.
“Em có thích xem quà dẫn cưới của chị không?”
Trắc kêu ré lên. Trong thâm tâm, tôi gần như làm y như thế nhưng vì một lý do rất khác.
Tôi mở những chiếc rương bằng da lợn và cho nó xem những súc sa nhẹ mỏng, gấm lụa bóng láng và vải thêu kim tuyến nặng trĩu đã được người ta gửi đến.
Khi tiếng chiêng xủng xoảng và tiếng trống thùng thình gọi chúng tôi ra vườn, Trắc đứng lên. Phía ngoài buồng tôi, đám đàn bà con gái tụ tập trong hành lang.
“Em phải xem váy cưới của chị,” tôi vội nói. “Em sẽ thích cái khăn trùm đầu cho mà xem.”
Con bé lại ngồi xuống, ngọ nguậy mông đầy háo hức trên đệm giường tôi.
Tôi mang ra chiếc váy cưới bằng lụa đỏ thêu với hàng chục ly xếp nhỏ xíu. Người phụ nữ cha tôi thuê làm nó đã chỉnh những đường may sao cho mẫu thêu hoa, mây và các biểu tượng may mắn đan cài nhau được sắp thẳng hàng một cách hoàn hảo. Trong ngày cưới, hoa văn chỉ đứt đoạn nếu tôi bước quá dài. Tấm áo dài cũng tinh xảo tương xứng. Thay vì chỉ có bốn chiếc khuyết để cài, ở cổ, ngang ngực và dưới cánh tay, người thợ may đã làm hàng chục chiếc khuyết viền quanh nhỏ xíu để khiến chồng tương lai của tôi lúng túng và kéo dài thêm đêm động phòng. Tấm khăn trùm đầu giản dị và trang nhã: một khu vườn với những lá vàng mỏng rung lên khi tôi cử động và lung linh trong ánh sáng, với tấm mạng che mặt màu đỏ để tôi không trông thấy tân lang cho đến khi chàng lật nó ra. Trước đây tôi luôn yêu thích trang phục cưới của mình, nhưng xúc cảm đang khuấy động trong tôi lúc này rất u ám. Mục đích của việc gói mình như một món quà là gì đây nếu ta không có cảm xúc với người mà ta được đem trao tặng?
“Đẹp đấy ạ, nhưng cha em hứa là em sẽ có ngọc trai và ngọc bích trên khăn trùm đầu,” Đàm Trắc khoe khoang.
Tôi hầu như không nghe nó nói gì, vì tôi đang tập trung ngóng xem chuyện gì đang diễn ra bên ngoài. Trống và chiêng vẫn mời gọi khán giả nhưng hành lang thì đã tĩnh lặng. Tôi bỏ bộ váy cưới của mình xuống, rồi cầm tay Đàm Trắc ra khỏi phòng.
Chúng tôi thả bộ ra vườn. Tôi thấy các em họ mình tụ tập với nhau sau bức bình phong. Không thể tin nổi, bọn chúng đã dành sẵn một chỗ cho tôi. Liên vẫy tôi nhập hội với bọn chúng. Tôi cười đáp lại và rồi cúi xuống thì thầm vào tai Đàm Trắc.
“Nhìn kìa, bọn con gái chưa chồng muốn em ngồi với bọn họ kìa.”
“Bọn họ ư?”
Nó thậm chí không đợi tôi khuyến khích thêm đã len lỏi qua những chiếc nệm để đến với mấy đứa con gái khác, ngồi xuống và ngay lập tức liến thoắng với bọn em họ tôi. Bọn chúng đã dành cho tôi một sự ân cần nho nhỏ và đó là cách tôi đền đáp lại chúng.
Tôi giả bộ nhìn quanh để tìm một chiếc nệm còn trống gần phía trước hay ở giữa nhưng dĩ nhiên, đến lúc này không còn chiếc nào nữa cả. Tôi vờ tỏ vẻ thất vọng rồi tế nhị ngồi xuống chiếc nệm ở rìa sau khu vực dành cho phụ nữ.
Cảnh mở màn đêm nay là cảnh tôi rất thích xem nhưng chỉ có thể nghe từ chỗ mình ở sau đám khán giả. Lệ Nương và Mộng Mai cùng nhau trốn nhà, một chuyện chưa từng có trong văn hóa của chúng tôi. Khi họ thành hôn, Lệ Nương thú nhận rằng nàng là trinh nữ, dù hồn ma của nàng đã qua đêm với Mộng Mai. Khi là một hồn ma, trinh tiết của thể xác trong phần mộ vẫn được giữ gìn. Đoạn này kết thúc khi Lệ Nương và Mộng Mai khởi hành đến Hàng Châu, nơi chàng sẽ hoàn tất việc học hành để ứng thí.
Một phần ba cuối cùng của vở có rất ít đoạn tôi thích. Nó hầu như chỉ kể về thế giới bên ngoài khu vườn của Lệ Nương, với những cảnh chiến trận lớn nơi mọi người đi đi lại lại, nhưng nó làm khán giả sau tấm bình phong phía tôi hoàn toàn say mê. Xung quanh tôi, những người phụ nữ đắm mình vào câu chuyện. Tôi chờ cho đến khi không thể chịu đựng thêm nữa; rồi với trái tim đập thình thịch, tôi chậm rãi đứng lên, vuốt phẳng váy áo và bước trở lại hướng khu dành cho phụ nữ, cố làm ra vẻ bình thường hết mức.
Nhưng tôi không về khu nhà dành cho con gái chưa chồng. Tôi rời khỏi con đường chính, rồi hối hả men theo bức tường phía Nam trang viên, qua các ao nhỏ và vọng đình cho tới khi đến lối mòn ven bờ hồ. Tôi chưa từng đi lối này và không chắc phải đi tiếp thế nào. Rồi tôi thấy Vọng Nguyệt Đình và có cảm giác rằng người lạ đã ở đó. Chỉ có vầng trăng lưỡi liềm soi sáng màn đêm và tôi lần tìm trong bóng tối cho tới khi thấy chàng. Chàng ngồi vắt vẻo trên lan can ở mé xa nhất của chiếc đình, không nhìn ra mặt nước mà nhìn tôi. Ngực tôi thắt lại khi biết điều này. Lối đi được lát đá cuội theo mẫu hình con dơi tượng trưng cho phúc(1), hình mai rùa tượng trưng cho thọ và hình đồng tiền tượng trưng cho lộc. Vì thế mỗi bước đi mang lại niềm vui, tuổi thọ và thêm nhiều sự giàu sang. Ông bà tổ tiên chúng tôi xây dựng những con đường trải đá cuội này cũng vì lý do sức khỏe. Khi có tuổi, những viên đá cuội xoa bóp bàn chân lúc các cụ dạo bước. Đó hẳn là vào những ngày xa xưa khi phụ nữ không được phép ra vườn, vì tôi thấy bề mặt này rất khó bước đi với một đôi chân bó. Tôi tập trung để mỗi bàn chân tìm được một chỗ bám trên hòn cuội, giữ thăng bằng trước khi nhích người lên phía trước, và ý thức được rằng như thế làm nổi bật thêm sự tao nhã trong dáng đi của mình.
Tôi lưỡng lự trước khi bước vào Vọng Nguyệt Đình. Lòng can đảm của tôi dần mất đi. Với tôi, chỗ này đã luôn bị cấm vì ba mặt có nước vây quanh. Nói chính xác hơn, thì là vì nó nằm ngoài tường bao quanh khu vườn nhà chúng tôi. Rồi tôi nhớ đến sự quả quyết của Lệ Nương. Tôi hít một hơi bước vào giữa đình và dừng lại. Chàng mặc một chiếc áo dài bằng lụa xanh thẫm. Trên lan can, bên cạnh chàng là một đóa mẫu đơn và một nhành liễu. Chàng không đứng lên, chỉ chăm chăm nhìn tôi. Tôi gắng hết sức để đứng yên một chỗ.
“Nhà nàng có một vọng đình nhìn được ba hướng,” chàng bảo. “Nhà ta cũng có một chiếc đình như thế, chỉ là vọng đình bên ao chứ không phải bên hồ.”
Chàng hẳn đã thấy sự bối rối của tôi, nên giải thích. “Từ đây nàng có thể ngắm trăng theo ba hướng: trên bầu trời, phản chiếu trên mặt nước và phản ảnh từ mặt hồ vào gương.” Chàng nhấc tay lên và uể oải trỏ vào một tấm gương treo phía trên thứ trần thiết độc nhất trong đình: một chiếc trường kỷ gỗ chạm khắc.
Một tiếng “Ôi!” thốt ra khỏi miệng tôi. Đến tận lúc này tôi chưa bao giờ coi trường kỷ kê trong đình là vật gì khác ngoài nơi cho người lười biếng nghỉ ngơi, song giờ đây, thân tôi đang run rẩy với những ý nghĩ về trường kỷ, tấm gương và những đêm mệt mỏi mà tôi ước mong được trải qua trong vọng nguyệt đình ở nhà chàng.
Chàng mỉm cười. Phải chăng chàng đã thấy điều gì đó hài hước trong nỗi ngượng ngùng của tôi, hay là chàng cũng nghĩ giống như tôi? Một hồi lâu sau, với tôi đó là một khoảng thời gian thấp thỏm không yên, chàng đứng lên đến bên tôi. “Nào. Cùng ta ngắm cảnh ngoài kia đi.”
Khi ra đến lan can, tôi nắm chặt một chấn song để giữ mình cho vững.
“Một đêm đẹp trời,” chàng bảo, nhìn ra mặt hồ trong vắt. Rồi chàng quay lại phía tôi. “Nhưng nàng còn đẹp hơn nhiều.”
Tôi cảm thấy hạnh phúc choáng ngợp, rồi một cơn sóng thẹn thùng và sợ hãi kinh khủng trào dâng lên.
Chàng nhìn chăm chăm vào mặt tôi với ánh mắt dò hỏi. “Có gì không ổn vậy?”
Lệ dâng lên trong mắt nhưng tôi buộc mình nén lại. “Có lẽ chàng chỉ thấy điều chàng muốn thấy thôi.”
“Ta thấy một cô gái thực sự mà ta muốn hôn khô nước mắt.”
Hai giọt lệ tràn ra và chảy xuống má tôi.
“Giờ đây làm sao em còn có thể trở thành một người vợ tốt nữa?” Tôi khoát tay một cách tuyệt vọng. “Sau chuyện như thế này ư?”
“Nàng đã làm gì sai đâu.”
Nhưng dĩ nhiên là tôi đã làm! Tôi đang ở đây, không phải ư? Nhưng tôi không muốn nói về chuyện đó. Tôi bước ra xa, gập đôi bàn tay phía trước mình, và nói bằng giọng đều đều: “Khi chơi đàn tranh, em luôn mắc lỗi.”
“Ta không quan tâm đến đàn tranh.”
“Nhưng chàng không phải chồng em,” tôi đáp. Vẻ đau đớn choán lấy khuôn mặt chàng. Tôi đã làm tổn thương chàng. “Những mũi thêu của em quá rộng và vụng về.” Tôi thốt lên thật nhanh.
“Mẹ ta không ngồi trong phòng cả ngày để thêu thùa may vá. Nếu nàng là vợ ta, hai người sẽ cùng làm những việc khác.”
“Tranh em vẽ kém cỏi.”
“Nàng vẽ gì?”
“Hoa, thứ bình thường ạ.”
“Nàng không phải là người thường. Nàng không nên vẽ thứ bình thường. Nếu có thể vẽ thứ mình muốn thì nàng sẽ chọn gì?”
Trước đây không ai hỏi tôi điều đó. Thật ra là chưa ai từng hỏi tôi điều gì giống như thế. Nếu có suy nghĩ, nếu đứng đắn, thì tôi đã trả lời rằng mình sẽ tiếp tục luyện tập vẽ hoa. Nhưng tôi không suy nghĩ.
“Em sẽ vẽ những thứ này: hồ nước, vầng trăng, chiếc đình.”
“Vậy là phong cảnh.”
Phong cảnh thực sự, chứ không phải là phong cảnh ẩn hiện trong những phiến đá cẩm thạch lạnh lẽo như ở thư phòng của cha tôi. Ý tưởng ấy hấp dẫn tôi.
“Nhà ta ở trên đồi cao bên kia hồ,” chàng tiếp tục. “Mọi phòng đều có tầm nhìn. Nếu chúng ta thành thân, chúng ta sẽ bầu bạn cùng nhau ở đó. Chúng ta sẽ cùng du ngoạn, trên hồ, trên sông, ngắm nhìn thủy triều.”
Những điều chàng nói làm tôi vừa vui vừa buồn, vì đó là cuộc sống tôi hằng khao khát mà không bao giờ có được.
“Nhưng nàng đừng lo,” chàng tiếp tục. “Ta chắc rằng chồng tương lai của nàng cũng không hoàn hảo đâu. Nhìn ta này. Từ triều Tống, tham vọng của mọi người đàn ông là đạt được danh hiệu trong kỳ thi của triều đình, nhưng ta đã không tham dự khoa cử và cũng không muốn làm điều đó.”
Nhưng chúng là nên như thế mà! Một đấng nam nhi ngày nay, người trung thành với nhà Minh, sẽ luôn luôn chọn cuộc sống hướng nội hơn là làm quan lại trong chế độ mới. Sao chàng lại nói thế? Chàng nghĩ tôi lỗi thời hay chẳng qua là ngốc nghếch ư? Chàng có nghĩ rằng tôi mong chàng đi buôn không? Kiếm tiền như một lái buôn tầm thường và thấp kém.
“Ta là một thi nhân,” chàng bảo.
Tôi nhoẻn miệng cười. Trực giác đã cho tôi biết điều đó ngay lần đầu tiên nhìn thấy chàng qua tấm bình phong. “Nghề nghiệp vĩ đại nhất chính là văn nghiệp.”
“Ta muốn được thành thân với người đồng điệu, một cuộc hôn nhân mà chúng ta chia sẻ cuộc đời, chia sẻ thi ca,” chàng thì thầm. “Nếu chúng ta là vợ chồng, chúng ta sẽ sưu tập sách, cùng đọc và thưởng trà bên nhau. Như ta nói với nàng từ trước, ta muốn nàng vì những thứ ở trong đây.”
Chàng lại trỏ vào trái tim tôi nhưng tôi cảm thấy nó đang ở một chỗ thấp hơn trên người mình.
“Vậy nên, hãy nói với ta về vở kịch đi,” chàng nói sau một hồi lâu. “Nàng có buồn vì không được xem Lệ Nương tái ngộ với mẹ không? Ta hiểu rằng các cô gái thích cảnh đó.”
Đúng vậy. Tôi thật sự thích cảnh đó. Khi trận chiến nổ ra giữa giặc cướp và quân lính triều đình, Đỗ phu nhân và Xuân Hương tìm nơi trú ẩn tại một quán trọ ở Hàng Châu. Đỗ phu nhân bị bất ngờ, hoảng sợ, khi thấy con gái mình, bà tưởng đó là hồn ma của nàng. Nhưng dĩ nhiên, đến lúc này ba hồn bảy vía của Lệ Nương đã được hợp nhất và nàng đã trở lại là một cô gái bằng xương bằng thịt.
“Cô gái nào cũng hy vọng mẹ nhận ra và yêu thương mình, cho dù cô đã chết, cho dù cô là một hồn ma, cho dù cô đã trốn nhà đi,” tôi nói.
“Phải, đó là một cảnh tả tình hay,” thi nhân của tôi đồng ý. “Nó cho chúng ta thấy tình mẫu tử. Còn những cảnh khác đêm nay...” chàng vểnh cằm vẻ lãnh đạm. “Thời thế không làm ta hứng thú. Quá lý tính, nàng không đồng ý ư? Ta thích những cảnh trong hoa viên hơn nhiều.”
Chàng đang coi thường tôi ư?
“Mộng Mai đem Lệ Nương trở lại dương thế bằng đam mê,” chàng tiếp tục. “Chàng tin vào sự hồi sinh của nàng.”
Cách lý giải của chàng về vở kịch giống với tôi đến nỗi tôi bạo dạn hỏi, “Chàng sẽ làm thế vì em chứ ạ?”
“Tất nhiên ta sẽ làm.”
Rồi chàng ghé mặt lại sát mặt tôi. Hơi thở chàng sực mùi hoa lan và xạ hương. Niềm khao khát chung mà cả hai cùng cảm thấy sưởi ấm khoảng trống giữa chúng tôi. Tôi nghĩ chàng sẽ hôn mình và đợi chờ cảm giác môi chàng đặt lên trên môi mình. Thân thể tôi ngập tràn nhựa sống và xúc cảm. Tôi không cử động, vì tôi không biết mình phải làm gì, cũng không biết chàng mong đợi tôi làm gì. Điều đó không hoàn toàn đúng. Không ai mong đợi tôi làm bất cứ điều gì giống như thế này, nhưng khi chàng bước ra xa và nhìn tôi với cặp mắt đen thẫm, tôi run rẩy vì khao khát.
Chàng có vẻ không hơn tôi nhiều tuổi lắm, nhưng chàng là đàn ông và chàng sống ở thế giới bên ngoài. Theo những gì tôi được biết, hẳn chàng phải có nhiều kinh nghiệm với đám ca kỹ ở phòng trà mà đôi khi tôi vẫn nghe thấy giọng hát vẳng qua hồ. Với chàng, tôi dường như là một đứa trẻ và trong chừng mực nào đó chàng đối xử với tôi như với một đứa trẻ, bằng cách lùi lại vừa đủ xa để tạo cho tôi cơ hội tự trấn tĩnh.
“Ta chưa bao giờ khẳng định được rằng vở kịch ấy kết thúc có hậu hay không,” chàng bảo.
Lời chàng làm tôi giật mình. Đã từng ấy thời gian từ lúc tôi tới đây ư? Chàng hẳn đã cảm thấy sự lo lắng của tôi, vì sau đó chàng nói thêm, “Đừng lo, vẫn còn vài cảnh nữa.” Chàng cầm cành mẫu đơn mang theo lên, và đặt đóa hoa lên lòng bàn tay còn lại. “Mộng Mai đỗ Trạng nguyên.”
Tâm trí và thân thể tôi cách xa, cách xa vở kịch và tôi buộc mình phải tập trung, tôi cho là chàng muốn thế.
“Nhưng khi chàng đến bái kiến Đỗ thái thú với tư cách con rể, chàng bị bắt lại,” tôi nói. Khi chàng mỉm cười, tôi hiểu là tôi đang làm đúng.
“Đỗ thái thú ra lệnh lục soát hành lý của Mộng Mai, và...”
“Lính gác tìm thấy bức chân dung tự họa của Lệ Nương,” tôi nói nốt thay chàng. “Đỗ thái thú sai người đánh đập và tra tấn Mộng Mai, ông ta cho rằng chàng thư sinh đã xâm phạm ngôi mộ con gái mình.”
“Mộng Mai khăng khăng rằng chàng đã đem Lệ Nương trở lại từ cõi âm và hai người đã thành thân,” chàng nói tiếp. “Lòng giận dữ, Đỗ thái thú ra lệnh xử trảm Mộng Mai.”
Hương thơm của đóa mẫu đơn trong tay chàng lan tỏa khắp đầu tóc tôi. Tôi nhớ lại những điều mình ước giá như đêm qua mình đã làm, liền nhặt nhành liễu trên lan can lên. Tôi bắt đầu chậm rãi bước quanh chàng, miệng nói khe khẽ, vuốt ve chàng bằng lời mình.
“Câu chuyện sẽ kết thúc buồn ư?” tôi hỏi. “Tất cả bị giải lên triều để trình bày sự việc với nhà vua.” Tôi đi trọn một vòng, dừng lại liếc nhanh vào mắt chàng, rồi lại lượn quanh chàng, lần này, tôi để lá liễu quệt vào người chàng.
“Lệ Nương được đưa tới bái kiến cha nàng,” chàng cáu bẳn nói. “Nhưng ông ta không chấp nhận được rằng nàng còn sống, ngay cả khi ông ta đang nhìn nàng.”
“Bằng cách này, Thang Hiền Tổ đã chứng minh nam giới bị lý tính hạn chế thế nào.” Tôi giữ giọng thấp trầm, hiểu rằng chàng thi nhân của mình sẽ phải chăm chú lắng nghe. “Khi điều gì đó kỳ diệu đến thế xảy ra, người ta không thể dựa vào lý trí nữa.” Chàng thở dài và tôi mỉm cười. “Đỗ thái thú nhất quyết đòi Lệ Nương vượt qua nhiều cuộc kiểm tra.”
“Nàng có bóng và để lại dấu chân khi bước dưới những tán cây trổ hoa.”
“Đúng rồi,” tôi thì thầm. “Và nàng cũng trả lời những câu hỏi về Thất Tình - hỉ, nộ, sầu, kinh, ái, hận và vọng.” _
“Nàng đã trải qua những cảm xúc này chưa?”
Tôi dừng lại trước chàng. “Không phải tất cả.” Tôi thừa nhận.
“Hỉ?” chàng đưa đóa mẫu đơn cầm trong tay tới má tôi.
“Ngày hôm nay khi em vừa thức dậy.”
“Nộ?”
“Em đã nói rằng em không hoàn hảo,” tôi trả lời khi chàng lướt những cánh hoa dọc theo xương hàm tôi.
“Sầu?”
“Hàng năm vào ngày giỗ bà nội em.”
“Nhưng nàng đã không thực sự tự trải nghiệm sầu,” chàng bảo, bỏ đóa hoa ra khỏi mặt tôi và quệt nó xuống cánh tay. “Kinh?”
Tôi nghĩ về nỗi sợ hãi khi đến nơi này, nhưng tôi nói, “chưa bao giờ”.
“Tốt lắm.” Chàng giữ cho đóa mẫu đơn chạm vào bên trong cổ tay áo tôi. “Ái?” Tôi không trả lời, nhưng cảm giác đóa hoa mơn man trên da khiến tôi run rẩy, chàng mỉm cười. “Hận?”
Tôi lắc đầu. Chúng tôi đều biết rằng tôi sống chưa đủ lâu và thấy chưa đủ nhiều để căm ghét ai đó.
“Chỉ còn một cảm xúc nữa,” chàng nói. Chàng đưa đóa mẫu đơn ngược lên theo cánh tay tôi rồi kéo ra, lại buông xuống dưới tai. Rồi chàng chầm chậm quệt đóa hoa xuống qua cổ tới phần trên của cổ áo và hướng vào yết hầu tôi. “Vọng?”
Tôi đã nín thở.
“Ta thấy câu trả lời trên gương mặt nàng,” chàng nói.
Chàng ghé môi vào tai tôi.
“Nếu chúng ta thành thân,” chàng thì thào, “của chúng ta sẽ chẳng bao giờ lãng phí thời gian uống trà và chuyện trò.” Chàng bước lùi lại và nhìn ra ngoài hồ. “Ta ước rằng...” Giọng chàng rung lên, những gì tôi thấy đã khiến chàng bối rối. Chàng cũng cảm nhận khoảnh khắc này sâu sắc như tôi vậy. Chàng hắng giọng và khó nhọc nuốt nước miếng. Khi chàng nói tiếp, cứ như là chưa từng có chuyện gì xảy ra giữa chúng tôi vậy. Tôi lại thả lỏng người ra.
“Ước gì nàng có thể nhìn thấy nhà ta. Nhà ta ở trên ngọn Vu Sơn ngay phía bên kia hồ.”
“Chẳng phải ngay phía kia sao ạ?” tôi hỏi, chỉ ngọn đồi phía bên kia hồ.
“Kia là ngọn đồi, phải, nhưng Cô Đảo, cũng đẹp như thế, đã che khuất tầm nhìn ngôi nhà. Nhà ta ở ngay sau mỏm hòn đảo. Ta ước nàng có thể nhìn thấy nó, để nàng có thể nhìn qua mặt hồ và nghĩ đến ta.”
“Có lẽ em sẽ thấy nó từ chỗ thư phòng.”
“Nàng nói phải! Trần lão gia và ta đã đàm đạo chuyện thời thế ở đó nhiều lần. Ta có thể nhìn thấy nhà mình qua cửa sổ. Nhưng dù nàng có thể trông thấy ngọn núi, làm sao nàng biết được đâu là nhà ta nhỉ?”
Tâm trí tôi, trong một trạng thái rất hỗn loạn, không thể nghĩ ngợi đủ rành mạch để tìm ra một giải pháp khả thi.
“Ta sẽ chỉ cho nàng ngôi nhà để nàng có thể tìm được. Ta hứa sẽ ở đó nhìn ra ngoài hàng ngày để tìm bóng nà 4b53 ng, nếu nàng tìm ta.”
Tôi đồng ý. Chàng dẫn tôi tới mé phải đình gần bờ hồ. Chàng cầm nhành liễu từ tay tôi mà đặt lên lan can cùng đóa mẫu đơn. Khi chàng ngồi xuống cạnh chúng và đu chân qua gờ, tôi hiểu rằng chàng có ý muốn tôi làm theo. Chàng nhảy xuống, đứng trên một tảng đá và chìa tay lên phía tôi.
“Đưa tay cho ta.”
“Em không thể.” Và tôi thực sự không thể. Tối nay tôi đã làm nhiều việc không phải phép, nhưng tôi sẽ không theo chàng. Tôi chưa bao giờ ra ngoài Trần phủ. Riêng việc này, cả cha và mẹ tôi đều rất sắt đá.
“Không xa đâu mà.”
“Em chưa bao giờ ra khỏi hoa viên. Mẹ em nói...”
“Mẹ là quan trọng, nhưng...”
“Em không thể làm thế này.”
“Còn lời nàng vừa hứa thì sao?’
Ý chí tôi dao động. Tôi yếu đuối như em Chổi khi trước mặt nó là đĩa sủi cảo.
“Nàng không phải là cô gái, người phụ nữ duy nhất bên ngoài tường bao đêm nay. Ta biết rằng có nhiều phụ nữ đang đi thuyền trên hồ.”
“Những người ca kỹ.” Tôi sụt sịt.
“Hoàn toàn không,” chàng nói. “Ta đang nói đến những nữ thi sĩ và văn sĩ đang tham gia các thi xã, văn đàn. Giống như nàng, họ muốn trải nghiệm cuộc sống nhiều hơn những gì sẵn có trong hoa viên nhà họ. Khi rời khỏi khuê phòng, họ đã trở thành những nghệ sĩ sáng giá. Ta sẽ chỉ cho nàng thấy thế giới bên ngoài ấy, nếu nàng là vợ ta.”
Chàng vẫn không nói thành lời rằng đêm nay là giới hạn của giấc mơ ấy.
Lần này, khi chàng dang rộng cánh tay, tôi ngồi xuống lan can rồi, cố ra vẻ duyên dáng hết mức đu chân qua tường đá và rướn người ra khỏi vòng an toàn của phủ đệ. Chàng dẫn tôi bước về bên phải dọc theo những phiến đá kè bờ. Điều tôi đang làm đây còn hơn cả tồi tệ. Bất ngờ thay, chẳng có gì khủng khiếp xảy ra cả. Chúng tôi không bị bắt gặp và không có bóng ma nào nhảy xổ ra từ sau bụi rậm hay gốc cây để dọa hay giết chúng tôi vì sự vi phạm này.
Chàng nắm lấy khuỷu tay tôi, vì một vài phiến đá trơn rêu. Tôi cảm thấy hơi ấm bàn tay chàng qua lớp lụa tay áo mình. Làn hơi ấm nâng váy tôi lên như thể một cánh ve sầu được gió mang đi. Tôi đang ở bên ngoài. Tôi thấy những thứ trước đây mình chưa từng nhìn thấy. Đây đó, những dây leo và cành cây che phủ tường bao khu vườn, gợi lên những gì được che giấu bên trong. Liễu rủ trên hồ, những tua liễu chải vào mặt nước. Tôi quệt vào những khóm tầm xuân nở hoa bên bờ, mùi hương của chúng ngấm vào không khí, vào y phục, vào tóc, vào da tay tôi. Những cảm xúc dồn qua người tôi gần như choáng ngợp: nỗi sợ bị bắt gặp, cảm giác hồ hởi vì đang ở bên ngoài và tình yêu với người đàn ông đã mang tôi tới đây.
Chúng tôi dừng lại. Tôi chẳng rõ chúng tôi đã bước đi bên nhau được bao lâu.
“Nhà ta ở kia,” chàng bảo, chỉ tay qua hồ, quá chiếc đình mới xây trên Cô Đảo mà tôi có thể thấy từ thư phòng của cha. “Có một ngôi chùa trên đồi. Đêm nay nó được đuốc thắp sáng. Nàng có thấy nó không? Các nhà sư mở cửa trong tất cả các kỳ lễ hội. Chỉ lên trên chút nữa, nhà ta ở bên tay trái.”
“Em thấy rồi.”
Mặt trăng dù chỉ mảnh như lưỡi liềm nhưng cũng đủ để vạch một đường qua hồ từ mũi hài tôi tới ngưỡng cửa nhà chàng. Có cảm tưởng như thể ông trời đã đồng tình cho chúng tôi dành thời gian này bên nhau.
Trong tình huống lạ thường này, lòng tôi rối bời một cảm giác lạ kỳ. Đôi hài bó chân của tôi đã ướt sũng và tôi có thể cảm thấy nước đang dâng vào gấu váy mình. Tôi lùi một bước ngắn khỏi mép nước, tạo ra những con sóng lăn tăn lan trên mặt hồ phẳng lặng. Tôi tưởng tượng ra những gợn sóng lăn tăn này sẽ va vào mạn những con thuyền đang chở các cặp tình nhân trên hồ và vỗ nhẹ vào gờ những ngôi đình ngắm trăng ven hồ, nơi mấy đôi vợ chồng trẻ tìm chốn ẩn náu khỏi con mắt soi mói của những người khác trong nhà.
“Nàng sẽ thích nhà ta,” chàng nói. “Nhà ta có một hoa viên tuyệt đẹp, không rộng như nhà nàng, những hòn non bộ nhỏ, một ngôi đình ngắm trăng, một cái ao và một cây mai mà vào xuân hoa sẽ lan tỏa khắp phủ một mùi hương quyến rũ. Mỗi khi nhìn nó, ta sẽ lại nghĩ đến nàng.”
Tôi ước gì chúng tôi được thành thân. Tôi ước gì việc đó diễn ra ngay lúc này. Tôi đỏ mặt nhìn xuống. Khi tôi ngẩng mặt lên, chàng nhìn vào mắt tôi. Tôi hiểu rằng chúng tôi có chung niềm khao khát. Và rồi khoảnh khắc đó trôi qua.
“Chúng ta phải trở lại thôi,” chàng nói.
Chàng cố kéo chúng tôi đi thật nhanh nhưng đôi hài tôi lúc này đã rất trơn, và tôi quá chậm chạp. Khi trở lại gần khu nhà hơn, âm thanh từ vở kịch trở nên rõ ràng hơn trong ý thức của tôi. Tiếng kêu đau đớn của Mộng Mai khi chàng bị lính gác của Đỗ thái thú tra tấn còn đánh đập nói với tôi rằng vở kịch đã gần đến hồi kết.
Chàng bế tôi lên đưa trở vào Vọng Nguyệt Đình. Chuyện là thế. Ngày mai tôi sẽ quay về chuẩn bị cho lễ thành hôn của mình và chàng sẽ quay về với mọi việc mà một chàng trai sẽ làm để sẵn sàng chào đón tân nương.
“Ta thích nói chuyện với nàng về vở kịch,” chàng bảo.
Dường như đó không giống những lời lãng mạn nhất mà một chàng trai có thể nói ra, nhưng với tôi thì đúng là thế đấy, vì chúng thể hiện rằng chàng quan tâm đến văn chương, chuyện của đám đàn bà trong khuê phòng, và chàng thực sự muốn biết tôi nghĩ điều gì.
Chàng nhặt nhành liễu lên trao cho tôi. “Hãy giữ lấy,” chàng nói, “để nhớ đến ta.”
“Còn đóa mẫu đơn?”
“Ta sẽ giữ nó mãi mãi.”
Tôi thầm mỉm cười, biết rằng bông hoa và tôi có chung tên gọi.
Chàng đưa môi lại gần môi tôi, giọng chàng rưng rưng cảm xúc. “Chúng ta đã có ba đêm hạnh phúc. Thế là nhiều hơn những gì hầu hết các cặp vợ chồng có được trong đời. Ta sẽ ghi nhớ mãi mãi.”
Khi mắt tôi tràn lệ, chàng nói, “Nàng phải về thôi. Ta sẽ không rời nơi đây chừng nào chưa có một khoảng cách an toàn giữa chúng ta.”
Tôi bặm môi để nước mắt khỏi trào ra và quay đi. Tôi bước một mình tới khu vườn chính, dừng lại bên bờ ao để nhét nhành liễu vào trong áo dài. Chỉ khi nghe thấy tiếng Đỗ thái thú kết tội con gái mình là giống người chết đến kinh tởm khi nàng được giải ra trước mặt ông ta, tôi mới nhớ ra rằng hài, tất chân và gấu váy tôi đã lấm lem. Tôi cần trở về buồng để thay mà không bị ai trông thấy.
“Chị đây rồi,” Chổi kêu lên và bước ra khỏi bóng tối. “Mẹ chị sai em đi tìm chị đấy.”
“Chị... chị phải...” tôi nghĩ đến Liễu Nhi trong đêm đầu khi nó diễn vai Xuân Hương. “Chị phải về phòng...”
Em họ tôi mỉm cười vẻ hiểu biết.
“Em vừa tới buồng chị. Chị không có ở đó.”
Bắt được tôi nói dối, Chổi nhìn tôi vẻ ngờ vực. Tôi quan sát nụ cười nhoẻn rộng của nó khi ánh mắt nó dịch chuyển trên người tôi, từ gương mặt dọc xuống tới váy, gấu váy bẩn và đôi hài lấm lem. Nó che đậy bằng một bộ mặt tươi tỉnh, khoác tay tôi vẻ trìu mến và nói với giọng dễ thương, “Vở kịch gần hết rồi. Em không muốn chị bỏ lỡ đoạn kết.”
Niềm hạnh phúc riêng khiến tôi nông nổi tin rằng nó muốn giúp tôi. Sức mạnh tiềm ẩn nổi lên khi tôi cho phép mình vượt qua lan can Vọng Nguyệt Đình đã rút vào một góc khuất sâu, bởi tôi không dứt ra khỏi Chổi và ngồi xuống chiếc nệm của mình ở sau đám khán giả mà lại để nó kéo đi, một cách bất lực, ngu ngốc, và cùng với một thứ vô hình lố bịch kèm theo niềm hạnh phúc trào dâng, qua chỗ ngồi của những người phụ nữ khác, qua bên phải mẹ và đến hàng nệm phía trước nơi tôi bị kẹt giữa con bé Đàm Trắc và cô em họ. Và bởi ngồi cạnh Trắc, một lần nữa tôi lại thấy mình ở trước cái khe của bình phong cho phép tôi lén nhìn lên sân khấu.
Tôi nhìn qua biển người tóc đen cho tới khi tìm thấy chàng thi nhân của mình đang ngồi cạnh cha tôi. Sau vài phút, tôi buộc mình không nhìn chàng nữa mà nhìn lên sân khấu, nơi hoàng đế cố gắng hòa giải hai bên. Tuyên chiếu, phong tước. Một buổi tiệc mừng lớn dành cho đôi tình nhân trẻ, một kết thúc thực sự có hậu, ấy thế mà chưa có gì hoặc sẽ mãi không có gì được hòa giải giữa Đỗ thái thú và con gái mình.
Những người đàn ông phía bên kia bình phong giậm chân hoan hô và hò reo tán thưởng. Phụ nữ bên phía chúng tôi gật gù trước chân lý của kết cục này.
Như đã làm trong đêm đầu tiên, cha tôi bước ra sân khấu. Ông cảm tạ mọi người đã đến tệ xá để xem tác phẩm tầm thường này. Ông cảm tạ những người kép hát được mời tới và cả những người làm công đã bị lôi ra khỏi công việc thường ngày cho buổi diễn.
“Đây là đêm của tình yêu và định mệnh,” ông nói. “Chúng ta đã thấy truyện Lệ Nương và Mộng Mai kết thúc thế nào. Và chúng ta biết truyện Ngưu Lang và Chức Nữ sẽ kết thúc thể nào lúc khuya hơn. Giờ chúng ta hãy cùng duyệt trước một truyện tình khác nữa.”
Ôi chao! Ông sắp thông báo điều gì đó về hôn lễ của tôi. Chàng thi nhân của tôi cúi gằm mặt xuống. Chàng cũng không muốn nghe điều này.
“Nhiều vị biết rằng tôi may mắn có được một người bạn tốt làm con rể tương lai.” Cha nói. “Tôi biết Ngô Nhân đã lâu. Với tôi, cậu ấy như con trai ruột vậy.”
Khi cha nâng cánh tay chỉ vào người mà tôi sắp lấy làm chồng, tôi nhắm mắt lại. Nếu là ba ngày trước, tôi hẳn đã dõi hướng chỉ của ông để thoáng thấy chồng tương lai của mình, nhưng đúng lúc này tôi không thể từ bỏ những xúc cảm dịu dàng đang tràn ngập lòng mình. Tôi muốn giữ chúng thêm một lúc nữa.
“Tôi thấy may mắn vì Nhân có chung tình yêu với văn chương thơ phú,” cha tiếp tục. “Nhưng tôi thấy không được may cho lắm, khi cậu ấy đánh bại tôi trên bàn cờ.”
Những người đàn ông cười tán thưởng. Bên bình phong phía chúng tôi là sự im lặng. Tôi cảm thấy những cái nhìn chê trách và khinh bỉ từ những người phụ nữ phía sau chiếu thẳng vào lưng mình như những mũi dao. Tôi mở mắt ngó sang phải và thấy Đàm Trắc đang nhòm qua khe hở của tấm bình phong, miệng nó thốt lên một tiếng ối hoảng hốt. Rổi nó ngoảnh đi. Chồng tương lai của tôi hẳn phải rất xấu xí gớm guốc.
“Đêm nay, có nhiều vị là khách và chưa từng gặp con gái tôi,” cha nói tiếp, “nhưng cả gia đình tôi ở đây và họ biết con gái tôi từ lúc nó mới sinh. Ông hướng đến chồng tương lai của tôi và giãi bày trước mọi người. “Tôi chắc chắn nó sẽ là một người vợ hiền... ngoại trừ một điều. Tên nó không được phù hợp. Mẹ cậu cũng tên là Mẫu Đơn.”
Cha nhìn qua đám đàn ông, nhưng ông nói với chúng tôi sau bình phong. “Từ giờ trở đi, chúng tôi sẽ gọi con gái là Đồng, Đồng, vì nó trùng tên với mẹ cậu, bạn trẻ của tôi ạ.”
Tôi lắc đầu với vẻ hoài nghi. Cha đã đổi tên tôi mãi mãi và vĩnh viễn. Giờ tôi là Đồng, một Đồng tầm thường, vì mẹ chồng tương lai, ai đó mà tôi chưa gặp nhưng cũng là người sẽ kiểm soát tôi cho tới ngày bà tạ thế. Cha đã làm việc này mà không hỏi tôi, thậm chí không báo trước cho tôi. Thi nhân của tôi nói đúng. Ba đêm tuyệt vời sẽ nâng đỡ tôi trong suốt cuộc đời. Nhưng đêm nay chưa kết thúc và tôi cự tuyệt để mình chìm vào thất vọng ngay lúc đó.
“Hãy để đêm nay là một đêm khánh chúc,” cha tôi tuyên bố. Ông ra dấu hướng về phía bình phong nơi phụ nữ ngồi. Gia nhân tới hộ tống chúng tôi về Liên Khai Đường. Tôi dựa người vào cánh tay Liễu Nhi và đã sẵn sàng để nó dẫn mình về khuê phòng khi mẹ đến bên.
“Có vẻ như con là người được chọn đêm nay,” bà nói, nhưng vẻ nhân từ của lời nói không giấu nổi sự thất vọng trong giọng bà. “Liễu Nhi, để ta đưa con gái về buồng.” Liễu Nhi buông tôi ra và mẹ nắm lấy cánh tay tôi. Tôi không biết làm thế nào mà bà tỏ ra đẹp đẽ và thanh nhã đến thế được khi ngón tay bà bấu chặt vào da thịt tôi qua lớp áo dài. Những người khác rẽ ra để người đàn bà đứng đầu Trần phủ dẫn đứa con độc nhất của mình về Liên Khai Đường. Họ lê bước sau chúng tôi, lặng lẽ như những chiếc khăn quàng phấp phới trong gió. Họ không biết tôi đã làm gì nhưng rõ ràng là tôi đã ở nơi nào đó không nên, vì tất cả đều thấy rằng chân tôi, phần riêng tư nhất của phụ nữ, bị lấm bẩn.
Tôi không biết điều gì khiến tôi ngoái lại nhưng tôi đã làm thế. Con bé Đàm Trắc đang đi cùng Chổi. Em họ tôi hơi có vẻ đỏm dáng và đắc thắng nơi khóe miệng nhưng Đàm Trắc thì còn quá trẻ và ngây thơ để che giấu cảm xúc của mình. Mặt nó đỏ bừng, hàm nghiến chặt, cả người nó đanh lại vì giận dữ. Tôi không hiểu tại sao.
Chúng tôi tới Liên Khai Đường. Mẹ dừng lại một lát để bảo những người khác cứ vui vẻ đi; bà sẽ trở lại sau giây lát nữa. Rồi không nói thêm lời nào, bà đưa tôi về buồng ở khu nhà dành cho con gái chưa chồng, mở cửa và đẩy nhẹ tôi vào trong. Sau khi bà đóng cửa, tôi nghe thấy tiếng gì đó chưa từng nghe thấy trước đây. Nó giống như tiếng lách cách của kim loại. Chỉ khi cố mở lại cửa để nhìn xem đó là gì thì tôi mới nhận ra rằng, lần đầu tiên mẹ đã dùng một trong những chiếc khóa của bà để nhốt tôi lại.
Cơn giận của mẹ không làm thay đổi những lời chàng thi nhân đã thì thầm vào tai tôi, cũng như chúng không làm biến đổi cảm xúc vẫn còn nấn ná trên da thịt tôi ở những chỗ chàng đã chạm đóa mẫu đơn vào. Tôi lấy nhành liễu chàng trao cho ra, và dùng nó vuốt ve lên má mình. Rồi tôi để nó vào một ngăn kéo. Tôi cởi lớp bó chân đã ướt và quấn lại bằng lớp vải bó sạch sẽ. Từ cửa sổ buồng mình, tôi không thể nhìn thấy cây cầu Ô Thước, nơi người ta vẫn nói là nơi đoàn tụ của Ngưu Lang và Chức Nữ, song tôi vẫn còn ngửi thấy hương thơm của những đóa tầm xuân vấn vương trong tóc và trên da dẻ mình.
Hết chương 5. Chương tiếp theo sẽ được cập nhật một cách nhanh nhất.
Truyen8.mobi chúc các bạn đọc truyện vui vẻ!