Tình Mẫu Đơn Chương 18

Chương 18
Mẹ vẫn thường bảo rằng ma quỷ và linh hồn không phải sinh ra đã tồi tệ.

Nếu hồn ma thuộc về nơi nào đó, thì nó sẽ không trở nên xấu xa. Nhưng nhiều hồn ma bị khao khát trả thù xúi giục. Ngay cả một loài nhỏ bé như ve sầu cũng có thể báo thù một cách tàn ác những ai làm hại nó. Tôi đã không nghĩ rằng mình muốn làm tổn thương Trắc song nếu nó nói đúng thì tôi đã làm điều ấy. Lòng tràn ngập khao khát muốn tự trừng phạt và nỗi sợ rằng mình sẽ tình cờ làm điều gì đó chết người đối với Nhân, tôi tự đày mình ra khỏi nhà chàng. Trên cõi trần gian này, tôi đã hai mươi lăm tuổi và đã bỏ cuộc. Đúng như Trắc tiên đoán, tôi đã gần như tan biến thành hư không.

Lưu đày...

Không biết đi đâu, tôi vòng quanh hồ tới trang viên nhà họ Trần. Trước sự ngạc nhiên của tôi, nhà cửa đẹp đẽ hơn bao giờ hết. Bảo đã mua thêm đồ đạc, đồ sứ và đồ chạm ngọc bày vào mọi căn phòng. Những tấm thảm thêu bằng lụa mới lung linh treo trên tường. Nhưng cùng với sự tráng lệ ấy, một sự lặng lẽ khó chịu ngấm vào mọi thứ. Người sống ở đây giờ ít hơn nhiều. Cha tôi vẫn ở kinh thành. Hai người em trai của ông đã mất. Các tỳ thiếp của ông nội tôi cũng đã mất. Đậu Chổi, Liên và mấy em họ nữa của tôi đã xuất giá. Vì trong trang viên có ít người nhà họ Trần hơn, gia nhân đã được chuyển đi. Nhà cửa vườn tược phô trương vẻ đẹp, sự phong lưu và giàu có nhưng chúng lại thiếu tiếng trẻ con, niềm vui và những phép màu.

Trong không khí im lặng kỳ quái ấy, chợt có tiếng đàn tranh đầy ám ảnh vọng tới. Tôi tìm thấy Phong Lan đang chơi đàn cho mẹ tôi và các thím nghe trong Liên Khai Đường. Giờ nó đã mười bốn tuổi. Nó là một cô gái xinh đẹp và tôi thoáng chút tự hào rằng bàn chân bó của nó hóa ra rất ổn. Mẹ tôi ngồi bên cạnh nó. Mới chỉ chín năm trôi qua nhưng lúc này tóc bà đã lấm lấm điểm bạc. Nỗi buồn sâu sắc tràn ngập đôi mắt bà. Khi tôi hôn bà, bà rùng mình khiến những chiếc khóa giấu trong nếp áo dài kêu lách cách.

Gương mặt vợ Bảo nhăn nhúm vì nỗi buồn không sinh nở được. Nó không bị bán đi nhưng chồng nó đã đem hai tỳ thiếp về. Họ cũng chẳng đẻ được nốt. Ba người đàn bà ngồi cùng nhau, không cãi cọ mà than thở về thứ họ không thể có được. Tôi không thấy Bảo nhưng tôi phải cân nhắc xem có lẽ mình đã nghĩ sai về cậu ta. Cậu ta hoàn toàn có quyền bán mấy người đàn bà đó đi, nhưng cậu ta đã không làm thế. Những năm vừa qua, tôi đã chờ đợi (hay mong muốn?) kẻ lạ mặt được nhận nuôi này sẽ hủy hoại gia đình mình bằng sự quản lý kém cỏi, cờ bạc và thuốc phiện. Tôi mường tượng thấy đất đai thu hẹp lại và Bảo bán sạch những bộ sưu tập sách, trà, giả sơn, đồ cổ và trầm hương của cha. Nhưng không, ngược lại, những thứ này lại còn tăng lên. Bảo thậm chí đã thay thế những cuốn sách mà mẹ tôi đốt. Tôi ghét phải thừa nhận điều này, nhưng Bảo có thể đã tìm thấy những bài thơ của tôi khi đang đọc cuốn sách về xây đập đó. Nhưng tại sao cậu ta lại bán chúng đi? Chẳng ai cần số tiền đó cả.

Tôi tới từ đường. Chân dung ông bà nội vẫn treo phía trên ban thờ. Là hồn ma nhưng tôi vẫn cúi rạp mình trước họ. Rồi tôi cúi lạy bài vị của những người họ hàng khác. Sau đó tôi tới gian nhà kho, chỗ người ta giấu bài vị của tôi. Tôi không thể vào được vị góc lượn quá nhọn nhưng tôi nhìn thấy cái mép bụi bặm của nó trên chiếc giá phủ đầy phân chuột. Cho dù mẹ thương tiếc tôi, tôi đã bị những người còn lại của gia tộc lãng quên. Tôi không mong ai trong số họ bị ốm đau, nhưng ở đây chẳng có gì cho tôi cả.

Lưu đày...

Tôi phải tới đâu đó. Nơi duy nhất tôi từng đến là làng Cổ Đương trong lễ Vu Lan. Nhà họ Tiền đã nuôi tôi trong hai năm. Có lẽ tôi có thể tìm được một chỗ bên họ.

Tôi khởi hành khi màn đêm che phủ đất đai. Đom đóm bay quanh soi đường cho tôi. Đó là một quãng đường dài khi tôi không bị cái đói dẫn dắt và chỉ có nỗi ân hận làm bạn. Bàn chân tôi buốt nhói, cẳng chân tôi đau và mắt tôi bỏng rát khi bình minh ló rạng. Tôi đến nhà họ Tiền khi mặt trời lên tới đỉnh đầu. Hai cô con gái lớn đang làm việc dưới mái hiên, họ chăm sóc các nong tằm đang ăn lá dâu mới hái. Hai cô con gái thứ đang ở trong một gian xưởng cùng khoảng chục cô gái khác, bàn tay họ nhúng trong nước bốc hơi, rửa kén, kéo và xe tơ t m thành sợi. Tiền phu nhân ở trong nhà đang chuẩn bị bữa trưa. Nghi, lần đầu tôi gặp nó vẫn còn ẵm ngửa trong tay mẹ, giờ đã lên ba. Nó là một vật bé nhỏ ốm yếu, gầy guộc xanh xao. Nó nằm trên một chiếc bệ gỗ thấp ở trong sảnh chính, ở chỗ người mẹ có thể nhìn thấy. Tôi ngồi xuống bên cạnh Nghi. Khi nó ngọ nguậy, tôi đặt tay vào mắt cá chân nó. Nó rúc rích cười khe khẽ. Có vẻ như nó không thể sống đến bảy tuổi được.

Ông chủ Tiền, mặc dầu tôi khó có thể nghĩ rằng người nông dân này là chủ của cái gì đó, trở về từ ruộng dâu và mọi người ngồi vào bàn ăn trưa. Không ai cho Nghi ăn gì cả; nó chỉ là một miệng ăn nữa cho đến khi chết.

Ngay khi bữa ăn kết thúc, ông Tiền ra hiệu cho mấy cô con gái lớn. “Tằm đói không nhả tơ,” ông cắn cảu bảo chúng. Ngay sau đó, chúng đứng dậy và trở ra ngoài trên đôi bàn chân to bèn bẹt để tiếp tục công việc. Tiền phu nhân rót trà cho chồng, lau bàn rồi bế Nghi trở lại chiếc bệ. Bà lôi ra một chiếc giỏ và đưa cho con một mảnh vải và một cây kim đã xâu chỉ sẵn.

“Nó không cần học thêu đâu,” bố của đám con gái khinh miệt nói. “Nó cần khỏe mạnh hơn để có thể giúp tôi.”

“Nó sẽ không trở thành đứa con gái như ông cần và như ông muốn đâu,” Tiền phu nhân nói. “Tôi e là nó sẽ theo bước mẹ.”

“Bà thấp giá nhưng bà cũng đã làm tôi tốn kém. Chỉ toàn con gái...”

“Và tôi không giúp gì trong việc tơ tằm,” bà nói nốt hộ ông.

Tôi run lên vì khiếp sợ. Phải nặng nề lắm đối với một phụ nữ tao nhã đến thế khi rơi xuống hoàn cảnh thấp kém này.

“Nếu con Nghi mà cứ thế này thì tôi không thể gả nó đi được,” ông phàn nàn. “Gia đình nào lại muốn một người vợ vô dụng? Lẽ ra ta nên để nó chết khi mới sinh ra.”

Ông sục sục ngụm trà cuối cùng trong miệng rồi bỏ đi. Khi chồng ra khỏi nhà, Tiền phu nhân liền tập trung hoàn toàn vào Nghi, chỉ cho nó các mũi thêu hình con dơi biểu tượng của phúc.

“Ông bà ngoại con từng là người của tầng lớp thân sĩ,” Tiền phu nhân mơ màng nói với con gái. “Chúng ta đã mất tất cả trong Đại biến. Nhiều năm trời chúng ta đã lang thang ăn mày. Khi chúng ta tới làng này, mẹ mười ba tuổi. Ông bà nội con đã mua mẹ vì lòng trắc ẩn. Họ không giàu có gì, nhưng con có biết không? Họ nghĩ, nếu đã sống rất lâu trên đường thì mẹ hẳn phải khỏe mạnh. Mẹ khỏe mạnh.”

Nỗi thất vọng của tôi càng sâu sắc hơn. Có phải mọi cô gái đều đau khổ không?

“Bàn chân bó đã ngăn cản mẹ làm việc bên cha con. Nhưng mẹ mang lại thu nhập cho cha con theo những cách khác,” Tiền phu nhân tiếp tục. “Mẹ có thể may chăn đệm, hài đi và y phục đẹp để bán được ở Hàng Châu. Các chị gái con sẽ lao động chân tay suốt đời. Mẹ chỉ có thể mường tượng ra nỗi đau trong lòng chúng nhưng không thể làm gì cho chúng cả.”

Bà cúi đầu. Những giọt lệ tủi hổ nhỏ xuống làm bẩn chiếc váy bông giản dị của bà. Tôi không thể chịu đựng thêm cảm giác đau buồn nữa. Tôi lẻn ra khỏi nhà và đi xa trang trại, xấu hổ vì sự yếu đuối của mình và e sợ mình có thể gây ra tổn hại cho gia đình này dù không chủ tâm khi mà họ đã rất khốn khổ rồi.

Lưu đày...

Tôi ngồi xuống vệ đường. Tôi có thể đi đâu được? Lần đầu tiên trong nhiều năm tôi nghĩ tới a hoàn cũ của mình, Liễu Nhi, nhưng tôi không có cách nào tìm ra nó cả. Mà ngay cả khi tìm được thì nó có thể làm gì cho tôi? Tôi đã nghĩ rằng nó là bạn mình, nhưng trong cuộc trò chuyện cuối cùng giữa chúng tôi, tôi đã biết rằng nó chưa bao giờ cảm thấy thế về tôi. Tôi không có một người bạn nào khi sống và khi chết tôi đã hy vọng được tính vào nhóm các thiếu nữ tương tư. Tôi đã cố gắng làm một người chị em chung chồng tốt với Trắc và tôi đã thất bại. Tôi tới đây cũng là một sai lầm. Tôi không phải là một phần của nhà họ Tiền cũng như họ không phải là một phần của tôi. Có lẽ tôi đã bị lưu đày trong cả cuộc đời... và khi chết nữa.

Tôi phải tìm được một chốn nào đó để sống, một nơi nào đó để tôi yên tâm rằng mình sẽ không làm hại ai. Tôi trở lại Hàng Châu. Trong nhiều ngày tôi tìm ven bờ hồ nhưng quá nhiều những linh hồn khác đã cư trú trong các hang hốc, tìm được chỗ thoải mái sau các khối đá hay náu mình vào các gốc cây. Tôi lang thang không mục đích. Khi đến Tây Lăng Kiều, tôi qua cầu để sang Cô Đảo, trước đây rất lâu, Hiểu Khánh đã bị giấu ở đây để được an toàn trước bà vợ ghen tuông. Nơi này lặng lẽ và hẻo lánh, một chốn lý tưởng với tôi để mòn mỏi trong nỗi buồn và ân hận. Tôi tìm kiếm quanh đảo cho tới khi thấy mộ Hiểu Khánh, ngôi mộ ẩn giữa hồ nước và chiếc ao nhỏ nơi nàng ngắm nhìn hình ảnh mong manh của mình. Tôi thu mình lại trong ô cửa của ngôi mộ, lắng nghe lũ vàng anh hót gọi nhau trong vòm cây phía trên và nghiền ngẫm việc tôi đã làm với một người vợ vô tội.

Tuy vậy hơn hai năm tiếp theo hiếm khi nào tôi cô đơn. Hầu như ngày nào cũng có đám đàn bà con gái ra khỏi nội đường của họ tới thăm mộ Hiểu Khánh để cúng rượu, đọc thơ và trò chuyện về tình yêu, nỗi buồn và niềm ân hận. Có vẻ như tôi chỉ là một trong hàng trăm người phụ nữ và cô gái trẻ đau khổ vì tình yêu, suy ngẫm về tình yêu, khao khát tình yêu. Họ không bị ảnh hưởng sâu sắc bằng các thiếu nữ tương tư, như Hiểu Khánh hay như tôi, những người đã chết vì quá nhiều tình, nhưng họ khao khát được thế. Mỗi người bọn họ đều muốn có được tình yêu của một người đàn ông hoặc bị được muộn phiền vì về tình yêu của một người đàn ông.

Rồi một hôm nhóm Tiêu Viên Ngũ Tử tới viếng mộ để bày tỏ lòng tôn kính. Theo tất cả các chuẩn tắc, họ đã nổi tiếng. Năm người phụ nữ này thích tụ họp, du ngoạn và làm thơ. Họ không đốt bản thảo của mình vì thiếu tự tin hay khiêm nhường. Chúng đã được xuất bản, không phải gia đình họ xuất bản để làm kỷ niệm mà các chính các ấn quán đã bán tác phẩm của họ khắp cả nước.

Lần đầu tiên trong hai năm, sự tò mò đã dẫn tôi rời kh i ngôi mộ an toàn của Hiểu Khánh. Tôi theo những người phụ nữ khi họ lang thang trên con đường mòn phủ bóng cây của Cô Đảo, thăm thú các đền miếu và ngồi cùng nhau trong một chiếc đình thưởng trà và ăn hạt hướng dương. Khi họ lên du thuyền, tôi cùng họ ngồi trên boong khi thuyền rẽ nước. Họ cười đùa và uống rượu. Họ chơi trò chơi, đố nhau làm thơ dưới bầu trời rộng mở và ánh nắng bát ngát. Khi cuộc chơi đã qua và họ trở về nhà, tôi ở lại trên thuyền. Lần sau họ kéo đến gặp gỡ trên hồ thì tôi đã ở đó, tự gian lận trong hình phạt của chính mình, và sẵn sàng tới bất cứ nơi nào họ muốn.

Khi còn sống, tôi đã khao khát được tham gia vào các chuyến du ngoạn. Khi mới chết, tôi đã mò mẫm lang thang. Giờ tôi trải qua những ngày nhàn nhã ngồi trên mạn thuyền, lắng nghe và học hỏi khi chúng tôi lướt qua các biệt thự, quán trọ, nhà hàng, rạp hát. Dường như cả thế giới đang tới thành Hàng Châu quê tôi. Tôi nghe thấy những phương ngữ khác nhau và gặp mọi kiểu người, những tay lái buôn phô trương của cải; những họa sĩ được nhận ra ngay nhờ bút, mực cùng những cuộn lụa và giấy; những người nông dân, đồ tể, ngư dân tới bán những món hàng của mình. Mọi người đều bán hoặc mua thứ gì đó. Các kỹ nữ với đôi bàn chân nhỏ nhắn và giọng nói du dương bán vốn tự có cho những thợ đóng tàu vãng lai, các nữ nghệ sĩ chuyên nghiệp bán tranh và thơ cho những nhà sưu tập sành sỏi, các nữ cung thủ trình diễn kỹ năng của mình làm trò giải trí cho những tay buôn muối, những thợ thủ công bán dao kéo và ô dù cho vợ và con gái của những gia đình quý phái đã tới thành đô xinh đẹp quê tôi để giết thời gian, giải trí và trên hết là để vui vẻ. Tây Hồ là nơi truyền thuyết, huyền thoại và đời sống thường ngày gặp gỡ, nơi vẻ đẹp thiên nhiên và sự tĩnh lặng của những rừng trúc và cây long não cao chót vót tương phản với văn minh ồn ào, nơi đàn ông bên ngoài và phụ nữ được giải phóng khỏi khu vực bên trong bức tường cùng trò chuyện mà không có cánh cổng, bức tường, bình phong hay mạng che nào ngăn cách họ.

Vào những ngày ấm áp, nhiều du thuyền sơn sáng màu với những túp lều thêu hoa dựng trên boong đậu san sát trên mặt nước. Tôi thấy những người đàn bà ăn vận kiêu sa trong bộ áo dài lụa đeo những chuỗi vòng dài, hoa tai vàng ngọc và khăn trùm đầu gắn lông chim trả. Họ nhìn chúng tôi chằm chằm. Những người trên thuyền tôi không phải dạng kém tiếng tăm, mới giàu hay giàu sụ. Họ xuất thân từ tầng lớp thân sĩ, giống như mẹ tôi và các thím. Họ là các vị tiểu thư cùng chia sẻ giấy bút mực. Họ ăn mặc và vấn tóc một cách khiêm nhường. Họ hít vào rồi thở ra những ngôn từ bay bổng lên trời tựa như tơ liễu.

Các vị triết gia dạy chúng ta thoát khỏi cõi tục. Tôi không thể sửa chữa tất cả những sai lầm mình phạm phải, nhưng Tiêu Viên Ngũ Tử giúp tôi hiểu ra rằng những khao khát của tôi và mọi khổ đau tôi trải qua cuối cùng đã giải phóng tôi khỏi tất cả những thứ vật chất phàm tục. Nhưng trong khi tôi được trút bớt gánh nặng, bầu không khí tuyệt vọng ảnh hưởng phần nào tới hoạt động của Tiêu Viên Ngũ Tử. Người Mãn Châu đã giải tán hầ u hết các thi xã của đàn ông nhưng họ chưa tìm thấy các nhóm của phụ nữ.

“Chúng ta phải tiếp tục gặp gỡ,” một hôm Cố Dư Linh, cháu gái của nữ sĩ tài năng Cố Nhược Phác khẩn khoản nói khi cô rót trà cho những người khác.

“Chúng ta vẫn trung thành với nhà Minh, nhưng với bọn Mãn Châu chúng ta chẳng là gì cả,” Lâm Dĩ Ninh hờ hững đáp lại. “Chúng ta chỉ là phụ nữ. Chúng ta không thể lật đổ triều đình.”

“Nhưng, chị ơi, chúng ta là một mối lo ngại,” Cố Dư Linh khăng khăng. “Cô em vẫn thường bảo rằng sự tự do của những tác giả nữ liên quan tới tự do tư tưởng nhiều hơn là tới vị trí của thể xác họ.”

“Và cô ấy tạo cảm hứng cho tất cả chúng ta,” Lâm Dĩ Ninh đồng tình và khoát tay trỏ những người quanh mình, họ không giống với những người phụ nữ trong gia đình tôi. Những người đã theo con chó đầu đàn với gương mặt tươi cười vì họ phải như thế. Và cũng không giống những nàng thiếu nữ tương tư. Những người được mang lại bên nhau bởi bị cùng một nỗi ám ảnh khiến cho chết yểu. Nhóm Tiêu Viên Ngũ Tử đã tự nguyện đến với nhau. Họ không viết về bướm và hoa, về những thứ họ có thể nhìn thấy trong vườn nhà mình. Họ viết về văn học, nghệ thuật, thời thế và những gì họ đã thấy đã làm ở bên ngoài. Bằng những gì được viết ra, họ đã khích lệ chồng và con trai bền chí dưới triều đại mới. Họ can đảm khám phá những cảm xúc sâu sắc ngay cả khi chúng nghiệt ngã: nỗi cô đơn của một ngư dân trên hồ, cảm giác u sầu của một người mẹ chia lìa con gái, sự thất vọng của cô gái sống đầu đường xó chợ. Họ đã hình thành nên một hội chị em, bầu bạn và cùng nhau viết lách, họ xây dựng nên một cộng đồng những phụ nữ có tri thức và cảm xúc trên khắp đất nước thông qua việc đọc sách. Trong khi tìm kiếm sự khuây khỏa, phẩm giá và sự công nhận, họ đã mang công cuộc kiếm tìm của mình đến với những phụ nữ khác vẫn sống sau những cánh cổng bị khóa hay bị người Mãn Châu đẩy trở lại vào trong.

“Tại sao việc sinh con và chăm sóc nhà cửa lại ngăn cản chúng ta suy nghĩ về những vấn đề chung hay tương lai đất nước?” Lâm Dĩ Ninh nói tiếp. “Kết hôn và sinh con trai không phải là cách duy nhất để phụ nữ có được phẩm giá.”

“Chị nói thế vì chị ước mình là đàn ông,” Cố Dư Linh trêu chọc.

“Chị đã được mẹ mình dạy dỗ nên làm sao chị có thể ước vậy được?” Lâm Dĩ Ninh phản đối, ngón tay cô quệt trên mặt nước tạo ra những gợn sóng lăn tăn lan trên hồ. “Và bản thân chị cũng là một người vợ, người mẹ. Nhưng nếu chị là đàn ông, chị đã thành công hơn nhiều rồi.”

“Nếu chúng ta là đàn ông,” một người khác nói xen vào, “bọn Mãn Châu sẽ không để cho chúng ta viết lách hay xuất bản gì hết.”

“Tất cả những gì chị muốn nói là viết lách cũng như sinh con trai vậy thôi,” Dĩ Ninh nói tiếp.

Tôi nghĩ tới công trình thất bại của mình. Nó không giống như một đứa con mà tôi đã cố mang vào thế giới này để ràng buộc tôi với Nhân ư? Tôi rùng mình trước ý nghĩ này. Tình yêu tôi dành cho chàng chưa bao giờ mất đi mà chỉ biến đổi, trở nên sâu đậm hơn như rượu lên men hay như dưa muối. Nó thấm vào tôi bằng sự lan tỏa của dòng nước đang thực hiện hành trình của mình vào trong lòng núi.

Thay vì để cảm xúc tiếp tục dày vò mình, tôi bắt đầu sử dụng chúng một cách có ích. Nếu ai đó bế tắc khi làm thơ, tôi giúp người đó. Khi Lâm Dĩ Ninh bắt đầu một câu như, “Ta cảm thấy đồng điệu với...” thì tôi hoàn thành bằng “với sương mù.” Ở trên những đám mây, vầng trăng non có thể rất huy hoàng, nhưng cũng khiến chúng tôi u sầu và nhắc nhở chúng tôi về tính vô thường của mình. Mỗi khi chúng tôi chìm trong phiền muộn, các thi sĩ lại nhớ đến tiếng nói của những phụ nữ lạc lối và tuyệt vọng đã để lại bút tích trên các bức tường trong Đại biến.

“Lòng trống trải và đời vô nghĩa rồi. Mỗi khoảnh khắc lệ rơi ngàn hàng,” một hôm Cố Dư Linh ngâm lên, bài thơ dường như nói lên nỗi buồn về sự tồn tại của tôi.

Thành viên Tiêu Viên Ngũ Tử có thể đùa cợt về sự nhỏ nhoi của họ đối với người Mãn Châu, nhưng rõ ràng là họ đang phá vỡ trật tự đạo đức. Còn được bao lâu nữa, khi người Mãn Châu và những kẻo theo đuôi họ sẽ dồn tất cả phụ nữ, từ những người đi du thuyền trên hồ trong ngày xuân ấm áp tới những người chỉ đọc sách để mở rộng lòng mình, trở lại nội đường vĩnh viễn?

Hết chương 18. Mời các bạn đón đọc chương 19!

Nguồn: truyen8.mobi/t36630-tinh-mau-don-chuong-18.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận