Chương 3 Thiên Hình Địa Ảnh Triển Mộng Bạch ngưng động ánh mắt, nhìn xuống lưỡi cuốc.
Một chiếc rương bằng sắt, không lớn lắm, ngăn chặn lưỡi cuốc bật thành tiếng kêu.
Chiếc rương không lưu ý chàng lâu, chàng lấy lưỡi cuốc hất nó qua một bên, xới luôn chỗ đất còn lại.
Soát lại một lượt quanh khoảnh đất, nơi nào chưa vừa ý chàng sửa lại cho thật hoàn mỹ, cuối cùng chàng ngồi xuống thở mệt.
Hình phạt đã xong!
Chàng ngồi nghỉ rất lâu.
Rồi chàng cất cao giọng gọi :
- Xong rồi!
Chàng phải chờ một lúc Thiên Hình lão nhân mới trừ trong ngôi nhà cỏ bước ra.
Lão ra đến nơi, chắp hai tay sau lưng, đứng nhìn.
Vừa nhìn, lão vừa lắc đầu :
- Nhanh quá! Nếu lão phu làm công việc này, hẳn phải mất ít nhất cũng năm bảy hôm! Ngươi chỉ làm trong ba hôm là xong. Lão phu sợ ngươi làm dối làm trá quá chừng!
Triển Mộng Bạch nổi giận :
- Nếu tiền bối không tin, thì cứ lấy cuốc mà đào khắp nơi xem, có đúng như chiều sâu, có tảng đá nào chưa tan chăng?
Thiên Hình lão nhân cười lớn :
- Tốt lắm! Tốt lắm! Lão phu tin ngươi. Nếu bây giờ ngươi muốn đi, thì cứ lấy chiếc rương kia, mang theo mình mà xuống núi đi!
Triển Mộng Bạch hừ lạnh :
- Tại sao tại hạ phải lấy chiếc rương đó mang đi? Lại một hình phạt phụ thuộc phải không?
Thiên Hình lão nhân cười nhẹ :
- Ngươi có biết chiếc rương kia chứa đựng những gì chăng?
Triển Mộng Bạch cố gào to :
- Bất quá là châu báu, vàng ngọc chứ gì? Tiền bối tưởng tại hạ thích những thứ đó lắm sao?
Thiên Hình lão nhân cười vang :
- Đành là châu báu ngọc bạc vàng không làm ngươi động tâm, song ngươi đã thích trồng hoa thì ít nhất cũng phải hiểu phương pháp trồng hoa chứ. Trong chiếc rương có đựng thủ pháp trồng hoa. Ngươi học, ba năm sau, không chừng ngươi sẽ lãnh hội được thủ pháp đó.
Triển Mộng Bạch sừng sộ :
- Cái thủ pháp trồng hoa là thá gì, mà phải học tới mấy năm mới xong. Lão tiền bối định hí lộng tại hạ sao chứ?
Vừa lúc đó phu nhân áo đỏ xuất hiện.
Bà thốt :
- Lão ấy bảo ngươi học, thì cứ mang chiếc rương xuống núi mà học, còn tranh luận làm gì?
Triển Mộng Bạch hầm hừ :
- Nhưng...
Phụ nhân áo đỏ mỉm cười, nhặt chiếc rương trao tận tay Triển Mộng Bạch, cùng với chiếc túi tơ của Triều Dương phu nhân, đoạn bảo :
- Đi đi! Hai ba năm sau trở lại đây thăm ta!
Triển Mộng Bạch hoan mang cực độ.
Vốn thẳng thính, lòng có một nghi vấn nào là chàng muốn hỏi ngay. Chàng toan mở miệng nhưng phụ nhân áo đỏ lại không muốn nghe, bà điểm một nụ cười, quanh mình bỏ đi liền.
Triển Mộng Bạch nhận ra, trên đỉnh này người chẳng bao nhiêu, song ai ai cũng đều có vẻ thần bí.
Thiên Hình lão nhân cất giọng sang sảng :
- Nếu ngươi không học được phương pháp trồng hoa, thì đúng là một ngốc tử, một tên vô dụng nhất trần đời!
Triển Mộng Bạch nổi giận :
- Trồng hoa là một trò trẻ! Tại hạ cần gì phải học nơi ai? Tuy nhiên tại hạ sẽ xem qua cái rương quỷ quái đó, xem nó như thế nào mà tiền bối không tiếc lời ca tụng!
Thiên Hình lão nhân cười lớn :
- Hay! Hay! Cứ xem đi, xem xong rồi trở lên đây trồng lại hoa cúc cho lão phu. Đừng quên nhé!
Lão vào nhà, tràng cười dứt.
Tay hữu cầm chiếc rương nhỏ, tay tả cầm chiếc túi tơ, Triển Mộng Bạch thừ người ra đó một lúc, cuối cùng chàng lần theo đường củ xuống núi.
Xuống đến chỗ tấm bia “Cấm địa”, chàng đảo mắt nhìn quanh.
Hoàng hôn đã xuống từ lâu, đêm sắp sửa về, không gian bắt đầu mờ mờ tối.
Nơi phương Đông, vành trăng vừa lên, vạn vật chung quanh trở nên huyền ảo.
Triển Mộng Bạch dừng chân lại đó, tựa mình vào tấm bia, nghĩ ngơi một lúc.
Thời khắc trôi qua, chẳng rõ được bao dài, chàng mới mở bừng mắt ra.
Trăng sáng quá, sao sáng quá, trăng và sao chừng như ở rất gần. Nếu chàng với tay lên là có thể nhặt từng vì một.
Lơ lững giữa núi trời là cách biệt thế gian. Triển Mộng Bạch tưởng như mình siêu thân, không buồn suy tư về hiện tại. Huống chi thể xác chàng còn nhừ, tinh thần mỏi mệt, chàng lười tới độ không muốn làm một cử động nhỏ.
Rồi chàng từ từ mở nắp chiếc rương.
Trong rương có hai chiếc bình màu sắc khác đồng, nhưng hình thức tương tự.
Có hai quyển sách, trang sách rất mỏng. Ngoài ra có một mảnh giấy nhỏ. Trên giấy đầy chữ :
- Thuốc trong bình trắng có thể bổ khí, dưỡng thần. Hiện tại chính là lúc ngươi cần đến nó. Thuốc trong bình đỏ là để giúp ngươi trong lúc luyện công. Hai thứ thuốc này, ta chuẩn bị sẵn để giúp ngươi luyện thủ pháp trong các sách kia.
Triển Mộng Bạch cau mày.
Chàng tự hỏi :
- Trồng hoa thì cần gì mà phải dùng một phương pháp cầu kỳ đến thế?
Chàng lấy chiếc bình trắng, mở nắp.
Mặt ngửa lên, mồm há rộng, bình nghiên xuống. Bao nhiêu thuốc rơi vào.
Triển Mộng Bạch nghe như có mùi sữa dê. Một mùi thơm không nồng nhưng rất thanh chui vào mũi. Chưa uống mà chàng đã nghe khoan khoái rồi.
Chàng uống xong, nghe người mát quá, tâm thần nhẹ, cơ thể nhẹ, tưởng chừng có thể bay được ngay.
Nhọc, mệt, đói, khát, trong phút chốc đã tiêu tan.
Bất giác, chàng sừng sờ!
Trên một quyển sách, nơi trang đầu, có gi mấy dòng chữ như sau :
- Hàn Cúc tại Ngọc Phủ, là loài hoa vương trong các thứ cúc. Tánh cực hàn, sanh trưởng trong địa huyệt. Hấp tụ cái khí nóng của đất mà sanh ra. Nếu đem trồng nơi khác là héo tàn rụi. Nếu muốn đem loại lúc này trồng tại một địa phương khác thì phải dùng chưởng lực chí cương của nội gia vun bồi, bảo hộ nó, nó mới sống mạnh được. Chưởng lực chí dương của nội gia là Côn Lôn Lục Dương thủ pháp.
Triển Mộng Bạch lật sang trang thứ hai, liếc mắt nhìn qua, thấy bí quyết luyện công dĩ nhiên là môn công Côn Lôn Lục Dương Thủ.
Triển Mộng Bạch sững sờ, thừ người một lúc.
Chàng chẳng hiểu nổi lúc đó chàng kinh ngạc, bất bình, khinh thường, hay cảm kích.
Thiên Hình lão nhân có hảo ý đối với chàng đến thế sao?
Lão gây khó khăn cho chàng cực độ, hành hạ chàng cực độ, chẳng qua để có một cái cớ truyền thụ cho chàng một tuyệt kỹ mà hầu hết cao thủ võ lâm đều khâm ngưỡng?
Lão sẵn sàng truyền thọ Lục Dương thần chưởng cho chàng?
Trời! Có việc như vậy được à?
Đúng là một cơ duyên ngàn năm một thủa.
Triển Mộng Bạch đờ ra đó một lúc lâu.
Bỗng chàng reo to một tiếng, tung mình lên cao. Chàng nghe máu trong mình sôi sục, máu bốc thành hơi nâng chàng lên. Trong phút chốc chàng có cảm tưởng là mình biến thành chim, con chim đó quạt cánh nhắm sơn cước mà bay.
Dương Toàn vẫn còn ở chân núi đợi chàng.
Hắn suy tính mãi, hắn cho rằng Triển Mộng Bạch không thể nào trở xuống được. Hắn hết nghi hoặc, lại hân hoan. Chờ đã lâu, hắn đinh ninh là mình đoán đúng, toan rời vùng núi vắng.
Tấu xảo làm sao, lúc hắn định quanh mình thì Triển Mộng Bạch xuống đến nơi.
Gương mặt chàng hiện tại rạng rỡ vô cùng. Cho rằng sáng như vầng trăng tròn cũng chẳng ngoa lắm!
Dương Toàn tức uất thất vọng, tuy nhiên hắn cũng phải tỏ lộ sự vồ vập, vui mừng :
- A! Nhị đệ! Nhị đệ lại trở về! Ngu huynh chờ đến sốt ruột suýt chết đấy!
Triển Mộng Bạch nghiêng mình, đáp :
- Đa tạ đại ca! Cảm ơn đại ca đã khuyên đệ lên núi!
Dương Toàn biến sắc.
Hắn không hiểu chàng có thái độ đó là có dụng ý gì? Lời đa tạ của chàng có thành thật hay không?
Hắn có lý do nghi ngờ, bởi cái tâm của hắn bất chánh.
Hắn mưu hại người ta, khiến người ta thừa chết thiếu sống. Đâu có làm ân làm nghĩa gì mà lại được cảm tạ?
Hắn nhìn Triển Mộng Bạch, phập phồng hỏi :
- Câu đó có nghĩa như thế nào?
Triển Mộng Bạch thở dài :
- Đại ca biết không? Đại ca đã bị kẻ nào đó lừa gạt. Trên đỉnh núi làm gì có ác nhân phóng độc trùng hãm hại thiên hạ? Trên đó chỉ có hai vị kỳ nhân, họ là Côn Lôn song tuyệt đó!
Dương Toàn đột nhiên nhảy dựng lên, vừa nhảy vừa sè tay tát vào mặt mình, rồi dậm chân tự mắng :
- Đáng chết! Đáng chết!
Hắn không còn lời gì nói được, hắn phải diễn một tấn kịch ngắn ngủi, tấn kịch gồm có một cái nhảy, một cái tát, thêm mấy tiếng tự mắng.
Triển Mộng Bạch hấp tấp bước tới chụp hắn giữ lại, ôn tồn bảo :
- Đừng có quy tội cho mình, đại ca! Đại ca có lỗi chi đâu? Lần này tiểu đệ lên núi, chẳng những tiểu đệ không gặp nguy mà thay vì gặp họa, tiểu đệ lại được phúc.
Dương Toàn trố mắt :
- Do họa mà gặp phúc?
Triển Mộng Bạch bằng vài câu vắn tắt, kể lược sự tình, rồi thốt :
- Nếu mà không có sự lầm lạc của đại ca thì làm gì tiểu đệ được kỳ duyên? Làm gì tiểu đệ học được Lục Dương thần chưởng?
Dương Toàn bật tái mét mặt. Triển Mộng Bạch trông thấy thần sắc hắn như vậy, hết sức kinh hãi, hỏi gấp :
- Đại ca sao thế?
Dương Toàn chỉ mất bình tĩnh một giây thoát, hắn lấy lại an tường bật cười khan :
- Ngu huynh làm sao? Cao hứng chứ làm sao? Rất là cao hứng...
Lúc đó lòng hắn như bị ngàn mũi tên bắn vào, đau đớn vô cùng còn cười làm sao được?
Tuy nhiên, bắt buộc phải cười, hắn nhếch đôi môi, thành ra biến gương mặt khó trông hết sức.
Càng nhìn hắn, Triển Mộng Bạch càng kỳ quái, lòng không khỏi suy tư.
Bỗng chàng tĩnh ngộ, thốt :
- Đại ca chờ đợi đã ba hôm rồi, chắc là mệt mỏi lắm, chúng ta xuống núi gấp đi.
Dương Toàn đáp :
- Phải đó! Phải đó!...
Cả hai rời khỏi trũng sâu, thế núi bên ngoài cao lên dần dần, gió lạnh từ bốn phương cuốn về xối mặt, như dao cứa da, nhìn ra thấy tuyết bao phủ khắp cùng, chừng như tại đây quanh năm suốt tháng tuyết không hề tan rã.
Cả hai vốn là những tay võ công có hạng, thế mà phải mất một đêm tròn mới xuống đến chân núi.
Xuống đến nơi rồi, họ trước chịu lạnh không kham, thì giờ đây cảm thấy nóng cũng khó chịu vô cùng. Dương Toàn mua hai chiếc nón cỏ, rồi chọn hai con ngựa giống Tây Vực, tuy bề ngoài không có gì đặc sắc, song chúng là những con ngựa dẻo dai, thừa sức vượt đường dài.
Triển Mộng Bạch hỏi :
- Với cước lực của chúng ta, đại ca còn mua ngựa để làm gì?
Dương Toàn cười, đến bây giờ nụ cười của hắn mới có vẻ bình thường.
Hắn đáp :
- Chúng ta cần phải theo đường Thanh Hải mà vào đất Thục, nhị đệ đã liên tục mấy hôm nay phải chịu vất vã gian lao, như vậy còn muốn tiêu hao khí lực làm chi cho khổ?
Đường Thanh Hải cũng chẳng phải ngắn chi!
Triển Mộng Bạch vâng vâng luôn miệng, song trong tâm tư, niềm cảm kích bốc mạnh, chàng thầm nghĩ :
- Không ngờ y dành cho ta quá nhiều ân nghĩa như vậy, dù cho huynh đệ đồng bào cũng chẳng được hơn y!
Xuống chân núi Côn Lôn rồi, họ đi được mấy ngày đường, thì vào nội địa Thanh Hải.
Đồng cỏ xanh xanh trải rộng, ngàn dặm nhìn tận mắt chẳng thấy cay giăng, sau mỗi cơn gió quát qua, cỏ bắn ngọn nằm xuống, trâu bò phơi bày lồ lộ.
Hớp không khí thanh khiết, giương mắt nhìn bốn phía bao la. Triển Mộng Bạch khoan khoái vô cùng.
Chàng cất tiếng ca hát nghêu ngao, ca ngợi trời xanh đồng ruộng, gió đùa ngọn cỏ, trâu dê thung dung...
Lời ca khi trầm, khi hùng, chàng say sưa với ngàn muôn ý niệm dâng tràn, mặc cho ngựa phi nhàn nhả trên thảm cỏ xanh dài rộng thăm thẳm.
Dương Toàn cười lớn :
- Nhân lúc đêm giao giữa mùa hạ và mùa thu, người Tây Tạng ai ai cũng dẫn dê với trâu đến đây mà nui dưỡng, cho nên lúc này là một thời kỳ cực thịnh của bọn người làm du mục. Nhị đệ cứ nhìn cảnh sắc trước mặt kia, chỉ sợ phải mê mẫn tâm thần luôn.
Triển Mộng Bạch thở dài :
- Cảnh sắc Giang Nam từng nổi tiếng là thanh kỳ tú lệ, song cái đẹp đó chỉ hợp với hạng mỹ nhân, danh sĩ, tìm nơi uống rượu ngâm thơ ngắm sắc, chứ còn bọn ta là những trang mã thượng giang hồ, thì chỉ có cảnh sắc như thế này mới khích động được tâm, sanh niềm tán thưởng.
Dương Toàn vẫn giữ nụ cười, tiếp :
- Chẳng dấu chi nhị đệ, cứ mỗi lần có dịp qua lại vùng này, là y như mỗi độ hào khí ngu huynh bừng sanh, điều đáng hận là ngựa chẳng thể mọc cánh mà bay nhanh để cho mình có thể đảo mắt bao quát khắp cùng!
Triển Mộng Bạch đáp :
- Ngựa không mọc cánh, nhưng vó ngựa cũng sanh được gió như thường, chúng ta thử hưởng tận cái thú vẫy vùng một lúc xem sao!
Chàng vung tay, ngọn roi kêu thót một tiếng, con ngựa lồng lên, bốn vó sanh mây, bay trên đầu cỏ.
Dương Toàn không kém, thúc gối vào hông ngựa, đuổi theo liền.
Khi hai con ngựa sùi bọt trắng chảy lòng thòng hai bên mép, thì họ mới chịu để cho chúng chạy chậm lại.
Dương Toàn kêu lên :
- Thích thú ghê! Ngu huynh chưa có lần nào thích thú bằng hôm nay!
Triển Mộng Bạch cười vang dội, thốt oang oang :
- Thích quá! Thích quá!
Chàng tán thưởng luôn tánh khí hào sảng của Dương Toàn. Chàng thích thú vì khung cảnh đất trời, và cũng thích thú luôn vì có bạn đồng hành, một huynh đệ kết nghĩa tử sanh.
Chàng có biết đâu, phàm là tay đại gian đại hoạt, thì hắn phải có trăm linh, thông minh mẫn tiệp. Dương Toàn đã biết rõ con người chàng, nên vờ tỏ ra thần thái đó.
Đang lúc cả hai cười cười nói nói, rong ngựa xuyên đồng, từ nơi ven núi xa xa, có hai con ngựa chạy đến như bay.
Ngựa chạy nhanh, trong khoảnh khắc đã đến gần.
Chưa nhìn người trên ngựa, Triển Mộng Bạch trông ngựa trước, buột miệng tán :
- Tuấn mã!
Hai ngựa đều thuần sắc, lông trắng như tuyết. Trên ngựa là một nam một nữ, cả hai cùng mang chiếc áo choàng màu trắng. Ngựa và người trắng lướt trên cánh đồng xanh, trông như hai vầng mây bạc trôi nhanh.
Triển Mộng Bạch bất giác dừng lại, ngắm người và ngựa, ánh mắt ngời lên niềm tán thưởng.
Thiếu nữ kia bỗng trừng mắt nhìn Triển Mộng Bạch hừ một tiếng :
- Nhìn mãi không sợ rớt mắt sao?
Ở xa xa, nàng có vẻ diễm kiều như một mỹ nhân, nhưng lại gần nàng chỉ là một thiếu nữ có dung nhan bình thường.
Nàng có một thần sắc nói lên sự cao ngạo cực kỳ, chừng như dưới con mắt nàng chẳng có ai là con người cả.
Triển Mộng Bạch nổi giận, song chàng kịp dằn tức uất, chàng nghĩ :
- Nhìn người như thế quả là quá sổ sàng, lỗi tại ta.
Chàng quay đầu về hướng khác.
Nhưng thiếu nữ vẫn tiếp tục mắng :
- Đúng là một tên ngốc, ngốc đến độ chẳng biết sống chết! Nếu còn len lén nhìn người nữa là bổn cô nương móc mắt đấy nhé!
Thiếu niên đồng hành dửng cao đôi mày, gắt :
- Tam muội tranh biện với họ làm gì chứ? Đi thôi!
Hắn quăng tia mắt lạnh lùng nhìn sang Triển Mộng Bạch, tia mắt nói lên một sự khinh miệt cùng cực.
Thiếu nữ áo trắng hừ một tiếng, thúc ngựa lướt tới, qua ngang Triển Mộng Bạch, bất thình lình vung roi, quất vào mình chàng.
Triển Mộng Bạch tránh dễ dàng ngọn roi ngựa đó, khi tránh rồi, chàng nhìn ra thì đôi kỵ sĩ đã đi xa.
Chàng tức giận vô cùng, mắt nhìn về phía hai kỵ sĩ, giận đến nỗi không thốt thành lời.
Dương Toàn cười nhẹ, hỏi :
- Nhị đệ có quen họ?
Triển Mộng Bạch hừ một tiếng, đoạn lắc đầu :
- Cái mẫu người cuồng đó, may là trên đời rất hiếm! Chứ nếu nơi nào cũng có, thì thực là tai hại cho thế nhân!
Dương Toàn tiếp :
- Có thể họ là đệ tử của thế gia trong võ lâm, họ được nuông chiều từ thuở nhỏ, sống giữa bọn người quen tính xu nịnh, rồi xem mình như trung tâm vũ trụ, tự nhiên họ phải xem dưới mắt không người! Có chi lạ đâu mà nhị đệ phải lưu ý!
Hắn cau mày, tiếp luôn :
- Cái điều mà đáng cho chúng ta quan tâm là bỗng dưng họ từ xa dục ngựa đến đây, chạm mặt chúng ta rồi lại quất ngựa chạy thẳng.
Cả hai không nói gì thêm nữa, giục ngựa tiếp tục hành trình.
Xa xa trước mặt họ, có những chấm đen xì.
Dương Toàn đưa tay chỉ, thốt :
- Những ngôi lều của bọn du mục đó, ai đi ngang qua Thanh Hải trong mùa cỏ non này cũng gặp rải rác khắp vùng. Chúng ta những kẻ không nhà, cho nên lấy bốn hướng làm nhà, chúng lại rất hiếu khách, nếu cần, đêm này chúng ta có thể ngủ trọ trong những lều của họ.
Triển Mộng Bạch gật đầu :
- Thế thì hay lắm! Tiểu đệ cũng đang muốn thưởng thức cái mùi sanh hoạt lạ lùng của đám tha phương vô định đó xem sao!
Bỗng, một hồi còi vang lên, chấn động cả một vùng trời. Tiếng còi lên cao, vút tận trời xanh. Vừa hùng tráng, vừa thê lương.
Triển Mộng Bạch hỏi :
- Tiếng còi hiệu đó có ý nghĩa gì?
Dương Toàn đáp :
- Hoàng hôn sắp xuống, là lúc gia súc về chuồng. Chuồng đây bất quá là một quảnh đất được dọn sạch để cầm chân chúng trong mùa. Nhị đệ hãy chờ xem lúc mục đồng lùa gia súc trở về, cảnh đẹp không tưởng nổi!
Triển Mộng Bạch nghe thích thú vô vùng, giương mắt nhìn ra xa xa.
Trong thì đó, thì ngày tàn nhanh chóng, hoàng hôn xuống là bóng tối hiện lên, bóng tối còn mờ mờ nhạt dưới ánh sáng tàn, song cũng nhuộm xám vạn vật.
Rồi từng loạt tiếng ồn ào, hỗn tạp, thoạt đầu nhỏ, dần dần lớn, vang lên như ngàn quân từ trận địa kéo về hậu cứ. Từ bốn phương, tám hướng, từng đoàn gia súc ầm ầm trở lại...
Tiếp nối nhau, từng đàn dê, đàn cừu, đàn trâu nhoi nhoi từ xa kéo về, trong núi tuôn ra, trong cỏ ào ra. Tất cả cùng hướng về nơi phát xuất tiếng còi.
Quanh những đàn thú, ngoài một vòng vây rộng lớn, hơn mười con ngựa chạy tới chạy lui, ngăn chận những con vật rời đàn bởi còn luyến tiếc những ngọn cỏ xanh tươi ngon ngọt.
Hoàng hôn có mây gấm, cỏ cũng nhuộm màu, trên cỏ đàn thú hiện ra cũng nhiều màu, trâu đen, dê sẫm, cừu trắng. Màu sắc đã có thì âm thinh cũng có luôn, ngựa hí, trâu rống, dê be be. Tất cả hỗn hợp lại, tạo thành một cảnh đẹp hi hùng.
Triển Mộng Bạch nghe tâm huyết đang cuộn tròn, niềm cao hứng bốc mạnh, chàng hú vọng liên hồi. Hú cho niềm dâng hùng tráng trong người chàng vơi bớt đi, cho mạch máu bớt căn phồng, cho con tim nhiều nhịp.
Dương Toàn cất cao giọng gọi :
- Theo ngu huynh!
Ngựa trước, ngựa sau, cả hai tiến về phía có những ngôi lều.
Lửa đã sáng rực lên trong những ngôi lều đó. Lửa của đèn thì ít, lửa của củi thì nhiều, bởi ai ai cũng lo trả nợ dạ dày.
Có độ hơn mười ngôi lều. Lều dựng lên tạo thành một vòng tròn, nơi trung ương là khoảnh đất trống.
Tại trung tâm của khoảnh đất đó, một đống lửa đang cháy bập bùng, chờ đón những mục đồng trở lại để sưởi ấm.
Bốn năm lão nhân tóc bạc trắng, vận y phục Tây Tạng, đang đứng trước lều để nghinh đón người và thú từ đồng nội trở về.
Họ lí nhí tiếng Tạng, còn ai nghe lọt?
Nhưng Dương Toàn rất quen thuộc ngôn ngữ đó, hắn xuống ngựa, dùng tiếng Tạng giáo đàm.
Trong số lão nhân, bỗng có một vị điểm một nụ cười cởi mở :
- Hôm nay đúng là một ngày lành, nên có quý khách dừng chân tại ngôi lều mộc mạc này!
Triển Mộng Bạch rêu lên :
- Lão trượng nói được tiếng Hán?
Lão nhân cười lớn hơn :
- Chút chút!
Tuy cao niên, lão ấy vẫn hào sảng. Bằng vào phong độ của lão ta, Triển Mộng Bạch đoán là chủ nhân của đoàn du mục.
Lão dùng Tạng ngữ phân phối gia nhân dẫn ngựa hai chàng vào trong phạm vi, rồi giang rộng hai tay như hối cả hai, vừa cười vừa đẩy họ vào lều.
Lão thốt :
- Các ngươi đến đây, cũng như ở nhà, cứ tự tiện, đừng quá giữ lễ mà mất vui.
Nhiệt tình! Còn gì thích thú cho Triển Mộng Bạch bằng gặp những người giàu nhiệt tình?
Chàng cười lớn, đáp :
- Tự tiện? Nhất định vãn bối sẽ tự tiện đó, lão trượng đừng lo!
Lão nhân vỗ tay lên đầu vai chàng, cũng cười vang :
- Tốt! Tốt! Người như vậy mới tốt!
Quanh đống lửa người ngồi rất đông, họ thấy khách, hoan hô vang dội.
Gia dĩ, họ thuần hậu, chất phác, cái gì họ biểu lộ là phải bằng sự chân thành, họ không hề biết kiểu cách.
Lão nhân dẫn Dương Toàn và Triển Mộng Bạch đi về một phía, vừa đi vừa bảo :
- Còn hai người Hán ở phía trước kia, các ngươi hãy đến đó vầy đoàn với họ.
Triển Mộng Bạch nhìn ra phía trước, bất giác sững sờ.
Thì ra hai người Hán đó là đôi nam nữ chàng đã gặp nơi đồng cỏ lúc chiều. Đôi nam nữ có vẻ cao ngạo cực kỳ.
Trong khi chàng sững sờ, lão nhân kéo chàng ngồi xuống.
Thiếu niên áo trắng cau mày, thiếu nữ áo trắng đứng lên, bước đến chỗ khác.
Lão nhân lấy làm lạ, hỏi :
- Các ngươi biết nhau?
Thiếu nữ áo trắng cười lạnh :
- Ta không biết chúng là ai!
Lão càng lấy làm lạ, thầm nghĩ :
- Cái bọn người Hán này quái dị thật! Ngoài nghìn dặm, gặp đồng bào, lại chẳng vui mừng gì cả.
Triển Mộng Bạch cũng sôi giận lên, nhưng trong lúc này làm sao chàng phát tác được?
Không phát tác, thì chàng ăn, cứ ăn cho no, những gì lão nhân thiết đãi.
Không lâu lắm, các mục đồng trở về, số người đã đông lại đông hơn, cảnh đã nhiệt náo lại càng nhiệt náo.
Lão nhân cất cao giọng :
- Có khách từ xa đến, các nữ nhân cũng nên trổ mấy ngón nghề giúp vui!
Lão thốt rồi, tiếng cười khúch khích chung quanh vang lên, mấy thiếu nữ bị đồng bạn đẩy ra ngoài đám đông.
Các nàng vận áo thêu, thân áo rộng, tay áo lớn, những cánh tay vừa trắng vừa tròn, tóc trên đầu kết thành vô số bính nhỏ, những bím tóc buông thòng lòng quanh đầu, phủ cả cổ vai.
Trên thân áo lại có những chiếc vòng sáng chói.
Chúng bị đẩy ra ngoài, song vẫn đứng đó, chưa chịu cất bước tới. Chúng đưa tay che miệng, cười hít hít, vẻ e thẹn hiện ra nơi mặt.
Lão nhân cười lớn :
- Các cô nương hôm nay lại biết e thẹn rồi à?
Như thế là mọi hôm, các nàng vui đùa thỏa thích, mà hôm nay thì các nàng lại thẹn, chỉ thẹn trong hôm nay thôi.
Các nàng đỏ mặt lên, nhưng cuối cùng rồi cũng cất tiếng ca, âm thinh nghe ấm dịu vô cùng.
Chừng như đó là những bản tình ca của đoàn du mục.
Tất cả mọi người đều hoan hô tán thưởng. Riêng có đôi thiếu niên áo trắng kia, thì trước sau vẫn lạnh lùng, làm như ta là hạng người cao cả, trên hẳn cái thứ tha phương lưu lãng kia vậy.
Tạng nữ hát, vừa hát vừa múa, vũ điệu của họ rất hòa hưởng. Họ vận những chiếc áo rất rộng, theo cử động hòa hưởng của họ, tà áo vạt áo lung linh chập chờn.
Trong khi mọi người say sưa nhìn vũ, nghe ca, thì thiếu nữ áo trắng bật đứng lên, lạnh lùng buông gọn :
- Buồn ngủ quá nhị ca! Chắc là tiểu muội phải nhắm mắt một lúc mới được.
Lão nhân sửng sốt, cau mày hỏi :
- Cô nương không cao hứng à?
Thiếu nữ áo trắng cười lạnh, không đáp, chỉ ngẩng đầu lên. Cái ngẩng đầu cố ý như chẳng muốn nhìn, muốn nghe gì cả. Và chừng như nàng muốn ngáp, nếu không sợ ngáp là xấu người, thì nàng đã ngáp dài rồi.
Nhã nhặn hơn một tý, thiếu niên áo trắng gượng cười đáp :
- Bọn tại hạ quá mệt nhọc trên đường dài, nghe trong mình như rời rã, thực tình muốn nằm nghĩ một lúc đó, lão trượng!
Lão nhân cau mày lượt nữa, nhưng chẳng van nài, gọi ngay một tên gia nhân :
- Ngươi đưa hai vị đó đi nghỉ đi!
Một gã thiếu niên lùn đứng lên, song gương mặt hiện lộ vẻ bất mãn, dẫn đường cho đôi nam nữ kia đến chỗ nghĩ.
Tiếng ca ngừng, điệu múa cũng ngừng luôn.
Nhưng, cuộc vui đâu thể vì sự vắng mặt của hai kẻ kiêu kỳ mà phải ngưng ngang?
Lão nhân nói mấy câu bằng Tạng ngữ. Các nàng Tạng nữ lại tiếp tục hát, tiếp tục múa, như trước.
Triển Mộng Bạch hỏi Dương Toàn :
- Lão nói chi thế?
Dương Toàn đáp :
- Lão nói hai kẻ đó quá tự cao, đừng ai để ý đến họ làm gì.
Triển Mộng Bạch cười lớn :
- Đúng quá! Đúng quá rồi! Để ý đến họ làm gì chứ?
Lão nhân vỗ bàn tay lên đầu vai Triển Mộng Bạch, hỏi :
- Cao hứng chứ?
Triển Mộng Bạch gật đầu :
- Từ nhiều năm rồi, tại hạ chưa có lần nào cao hứng như đêm nay, lão trượng à!
Lão nhân cười lớn :
- Tốt! Tốt! Lão phu biết phong tục Hán của các ngươi hoàn toàn bất đồng với phong tục của lão phu. Do đó lão phu không dám mời các ngươi ngủ chung với bọn lão phu.
Triển Mộng Bạch mừng quá, hấp tấp :
- Đa tạ lão trượng, đa tạ!
Chàng có nghe Dương Toàn cho biết sơ lược về phong tục của người Tạng, phàm khách đến nhà, khách phải ngủ chung với vợ con họ, ai từ chối là thất lễ, là khinh miệt chủ nhà.
Lão nhân lại gọi gia nhân đưa Triển Mộng Bạch và Dương Toàn về chỗ nghĩ, lại dặn hắn phải cố chiều lòng khách.
Chừng như gã ấy có cảm tình với cả hai, thần sắc của gã khác hẳn lúc gã tiếp cận đôi thiếu niên nam nữ.
Gã cười hì hì, thốt :
- Hai vị theo tôi!
Triển Mộng Bạch và Dương Toàn chào biệt chủ nhân rồi đi theo gã về một chiếc lều ở phía cuối.
Lửa tại khoảnh đất trung ương đã tắt. Đêm về trọn vẹn với cái tối, với lạnh lùng, thanh vắng.
Họ vẹt bức rèm che trước lều.
Ngờ đâu, từ bên trong lều, có tiếng rú lên thất thanh vọng ra ngoài.
Thì ra đôi thiếu niên nam nữ áo trắng đang ngủ trong lều đó. Thiếu nữ nghe tiếng động, vớ lấy chiếc khăn quấn quanh mình rồi đứng lên, hét lớn :
- Các ngươi vào đây làm gì?
Tên gia nhân lạnh lùng đáp :
- Để ngủ chớ để làm gì!
Thiếu nữ áo trắng biến sắc, hét :
- Ra! Ra ngay! Các ngươi ngủ tại đây thế nào được?
Tên gia nhân cười hì hì :
- Không ngủ được ở đây thì ngủ ở đâu? Phong tục của người Tạng chúng ta là thế, cô nương không muốn cũng không được.
Thiếu nữ quay đầu vào trong hỏi :
- Thực vậy không?
Thiếu niên gật đầu.
Rồi hắn hỏi tên gia nhân :
- Còn nơi nào khác ngủ được không?
Tên gia nhân đáp :
- Còn chứ. Trong lều của chúng tôi còn thừa chỗ, các vị có muốn ngủ chung với tôi không?
Thiếu nữ lại biến sắc, mắng :
- Ngươi... ngươi câm miệng lại.
Tên gia nhân không màng đến nàng, thản nhiên quay mặt hướng về Triển Mộng Bạch, nháy nháy mắt, nhếch một nụ cười, thốt :
- Sáng mai gặp lại nhau nhé!
Hắn lại cười hì hì, rồi bước những bước dài ra khỏi lều.
Thiếu nữ áo trắng hằn hộc :
- Khả ố!... Khả ố thật!...
Thiếu niên áo trắng thở dài :
- Phong tục của họ ác lắm, phải đành vậy.
Triển Mộng Bạch và Dương Toàn cùng nhìn nhau, cùng cười thầm, điềm nhiên kéo chiếc chăn lót dưới lưng rồi nằm xuống.
Thiếu nữ áo trắng nhảy dựng lên, quát ào ào :
- Ra!... Các ngươi ra ngay cho ta!
Triển Mộng Bạch không màng đến nàng, thản nhiên duỗi chân, gọi Dương Toàn, thốt :
- Mình ngủ đi đại ca! Nếu hiềm chỗ này chật, thì chỉ còn cách đến ngủ với vợ con người ta mà thôi.
Thiếu nữ áo trắng dựng cao đôi mày, chừng như nàng muốn tung một đá vào đầu Triển Mộng Bạch.
Nhưng thiếu niên áo trắng nắm chéo áo nàng, giật nhẹ :
- Đừng làm thế, Tam muội!
Tiếu nữ nổi giận :
- Tức chết đi thôi. Tiểu muội không thể không...
Thiếu niên thấp giọng chặn lại :
- Chúng ta mang trọng nhậm nơi mình, phàm bất cứ hành động nào cũng phải cẩn thận, cần làm sao người ta không để ý đến mình, chứ sao lại đi gây sự với người ta?
Thiếu nữ hậm hực :
- Nhưng bọn chúng cứ nằm thế kia, tiểu muội ngủ thế nào được?
Thiếu niên thốt :
- Không ngủ được thì cứ dưỡng thần, miễn đừng gây sự là được.
Triển Mộng Bạch và Dương Toàn cười thầm.
Cả hai không ngủ, như cố thở mạnh ngáy to, vờ say, bởi cả hai đều có tâm sự ngổn ngang.
Bên ngoài, gió từng cơn rít vi vu, rồi thỉnh thoảng ngựa hí, trâu rống, dê cừu be be.
Thời gian trôi qua, Triển Mộng Bạch nghe mí mắt nặng trĩu. Chàng chưa ngủ hẳn, nhưng cũng không tĩnh hẳn. Trong cảnh mông lung chập chờn, bỗng nghe thiếu nữ thấp giọng gọi thiếu niên, hỏi :
- Nhị ca, gia gia có dặn, đừng bao giờ để chiếc bao đó xa rời thân hình, nhị ca có nhớ chăng?
Thiếu niên đáp :
- Ngu ca quên làm sao được?
Rồi cả hai nín lặng một lúc lâu.
Triển Mộng Bạch thầm nghĩ :
- Thì ra đôi nam nữ này có mang theo mình một vật cực kỳ quý báo.
Thiếu nữ tiếp :
- Kỳ quái thật! Tại sao dọc đường chúng ta chẳng thấy chi hết? Không rõ hai kẻ đó...
có phải là...
Thiếu niên đáp :
- Không phải hai người đó đâu! Tam muội đừng nên nghĩ lầm!
Họ lại nín lặng.
Lần này thì sự im lặng không kéo dài lâu như lần trước. Chỉ mấy phút sau, bỗng một tiếng phựt vang lên.
Từ bên ngoài, một mũi tiếng bay vút đến, xuyên thủng tấm vải lều, rít gió kêu lên một tiếng vù.
Thiếu niên có phản ứng hết sức linh hoạt, vùng đứng lên, đưa hai tay ra kịp lúc kẹp mũi tên vào giữa.
Nơi chuôi tên có cột một mãnh giấy nhỏ.
Thiếu nữ biến sắc trước sự việc đó, buột miệng kêu khẽ :
- Đến rồi! Gia gia đoán đúng. Mãnh giấy gì thế nhị ca?
Thiếu niên đáp :
- Giấy cảnh cáo, có chữ đây, ngu ca đọc cho nghe: “Nếu không ra ngay, ta phóng hỏa đốt lều!”.
Thiếu nữ áo trắng cười lạnh :
- Ra thì ra chứ, ai sợ gì?
Thiếu niên thốt :
- Lành thì không đến, đến là không lành, tam muội nên cẩn thận đấy.
Thiếu nữ gật đầu :
- Tự nhiên. Còn nhị ca nhớ lưu ý đến vật trong mình.
Thiếu niên hừ một tiếng, bỗng trầm giọng tiếp :
- Hai vị bằng hữu kia cứ nằm yên đó mà ngủ, đừng xen vào chuyện người khác nhé!
Đôi nam nữ đã lao mình vút đi.
Họ ra khỏi lầu rồi. Triển Mộng Bạch và Dương Toàn cùng ngồi dậy liền.
Dương Toàn thốt :
- Chừng như đôi nam nữ đó có mang một vật chi nơi mình, quý báo lắm. Chẳng rõ kẻ đối đầu của họ là ai? Việc người thì để người lo, chẳng có can chi đến chúng ta, mình đừng dự vào.
Triển Mộng Bạch cau mày :
- Nói thế nghe sao được, đại ca? Đành là họ ngoan cuồng thật, song tiểu đệ xem ra họ chẳng phải là ác nhân, huống chi họ cùng ở chung lều với mình. Dù sao thì mình cũng chẳng thể khoanh tay ngồi nhìn.
Dương Toàn chớp mắt :
- Nhị đệ nói thế thì chúng ta ra ngoài xem sao.
Ra bên ngoài, hai người nhún chân nhảy lên nóc lều, đứng nhìn bốn phía.
Cách những ngôi lều mấy trượng, đàn thú nằm ngủ say, đôi thiếu niên nam nữ đang lùng địch trong đó.
Triển Mộng Bạch thốt :
- Thuật khinh công của họ khá lắm, mới đó mà họ đã đến chỗ thứ năm rồi!
Dương Toàn thấp giọng :
- Mình phải thận trọng đấy, nhị đệ đừng để họ phát giác ra!
Cả hai nhẹ nhàng lướt mình về phía đàn thú.
Đôi thiếu niên nam nữ tìm mãi nhưng nào có thấy bóng hình ai đâu!
Tuy nhiên thiếu niên vẫn thấp giọng gọi :
- Bằng hữu đã mời anh em tại hạ ra đây, sao chẳng hiện thân đối thoại, lại còn ẩn nấp, làm trò quỷ gì đó nữa?
Thiếu nữ áo trắng cười lạnh, mắng :
- Đúng là cái bọn thẹn đầu thẹn mặt, chẳng dám xuất hiện gặp ai! Nhưng đừng tưởng ẩn nấp như vậy là được an toàn. Bổn cô nương sẽ lôi đầu các người ra mà xem!
Nàng lướt tới, thiếu niên cũng lướt theo.
Cả hai cùng lướt trên mình thú, thân pháp linh động, bộ pháp nhẹ nhàng. Họ chạy nhảy tung tăng song chẳng làm kinh động đàn súc vật. Chúng cứ ngủ say, chẳng hề hay biết gì cả.
Hai anh em xông xáo một lúc, vẫn không tìm ra tung tích địch.
Đang lúc cả hai cùng kinh ngạc, bỗng có tiếng cười trầm vang lên bên cạnh. Rồi năm bóng người xuất hiện từ năm hướng, bao vây cả hai vào giữa.
Năm người đó đều vận y phục chẹt màu đen, đầu và mặt bao kín, chỉ chừa hai lỗ nhỏ đủ cho mắt nhìn ra.
Họ xuất hiện đột ngột quá, thiếu niên thoáng giật mình, nhưng lấy ngay bình tĩnh, quát khẽ :
- Các vị bằng hữu muốn gì?
Người đối diện với hắn có một thân vóc cao lớn, lạnh lùng đáp :
- Muốn gặp các ngươi!
Thiếu niên bình tĩnh thốt :
- Anh em tại hạ xuất ngoại hành sự. Lộ trình phải đi ngang qua đây. Giá như bọn tại hạ kém hiểu phong tục của địa phương, có sơ xuất điều chi thì xin các vị nể tình Đường gia bảo tại Xuyên Trung mà châm chước cho.
Thì ra họ là đệ tử của Đường gia bảo tại đất Tứ Xuyên. Họ Đường là danh môn sử dụng ám khí, được kể như vô địch trên giang hồ về môn này.
Đại hán đối diện cười lạnh :
- Hắc Yến Tử! Hỏa Phượng Hoàng! Hai ngươi tưởng bọn ta không biết lai lịch các ngươi à? Nếu ngoan ngoản thì may ra bọn ta còn tha thứ! Cái vật các ngươi đang mang trong mình hãy trao ra đây.
Thiếu niên lắc đầu :
- Tại hạ nào có gì nơi mình.
Đại hán áo đen cao giọng :
- Hay cho oắt con, còn vờ vĩnh nữa sao? Ta hỏi, có trao ra hay không?
Hắc Yến Tử, Hỏa Phượng Hoàng cùng nhìn nhau, rồi cùng xoay nữa thân mình, cởi chiếc áo màu trắng ngoài ra.
Áo ngoài rơi xuống, bên trong là y phục chẹt, họ có vẻ gọn gàng vô cùng.
Nam, Hắc Yến Tử, mặc y phục chẹt màu đen.
Nữ, Hỏa Phượng Hoàng, y phục chẹt màu hoa hồng.
Nam có mang nơi lưng một chiếc bao màu tía, nữ có đeo nơi hông hai túi da beo.
Hỏa Phượng Hoàng cười lạnh.
Hắc Yến Tử lạnh lùng :
- Độc dược và ám khí của Đường gia bảo có oai danh như thế nào, hẳn các vị cũng đã nghe khách giang hồ đề cập đến, tại hạ có lời khuyến cáo cùng các vị, hòa khí bao giờ cũng tốt đẹp.
Bọn áo đen cười lạnh mấy tiếng.
Tất cả năm người đồng thời gian, chuyển mình, rồi nơi tay hữu mỗi người có một vũ khí, tay tả của họ cũng có một vật, vật đó là chiếc thuẫn đặc chế.
Hắc Yến Tử thoán biến sắc mặt, buông gọn :
- Thì ra, các vị đã có chuẩn bị!
Đại hán áo đen đối diện với Hắc Yến Tử cầm đao nơi tay hữu. Thanh đao đó bất thình lình chớp lên. Một vệt sáng sanh xẹt tới đầu vai Hắc Yến Tử trong khi chiếc thuẫn nơi tay gã cũng đảo một vòng tròn, che phía trước ngực.
Nhát đao phát xuất theo cái thế trầm, công lực lại mạnh, tuy trầm mà mạnh, vẫn nhanh như thường.
Hắc Yến Tử lắc mình qua một bên, tránh nhát đao.
Hắn vừa tràn mình qua, thì từ bên tả một ngọn Thiết Luyện Ngân Thương bay tới.
Đao dài, thương nhuyễn, đao cũng như thương, đều được phát xuất đúng chiêu thức, cực kỳ độc, nhưng Hắc Yến Tử nghinh chiến ngang nhiên, không hề bối rối.
Đối phương lấy hai chống một, hai lại có vũ khí, một thì tay không. Đủ thấy Hắc Yến Tử hùng dũng đến đâu rồi.
Chưa đầy mười chiêu, hai đại hán áo đen đã bức Hắc Yến Tử vào cái thế hạ phong.
Hỏa Phượng Hoàng thấy đã đến lúc tham gia cuộc chiến, nạt lớn :
- Bổn cô nương muốn xem cái tài múa khiêng của các ngươi như thế nào. Liệu có ngăn chặn nổi ám khí của Đường gia hay chăng!
Ngờ đâu nàng chưa kịp lấy ám khí cầm nơi tay, hai thanh trường kiếm vẽ thành hai vệt sáng dài, từ hai bên bắn vào mình nàng.
Hỏa Phượng Hoàng không đến nỗi lúng túng lắm, song bị dồn trong hai vầng kiếm quang nhập làm một đó, nàng không làm sao thoát ra khỏi được, mà cũng chẳng rãnh tay để lấy ám khí trong túi da beo ra.
Với hai tay không nàng sử dụng một chưởng pháp rất linh diệu, đơn chận hai thanh trường kiếm.
Năm đại hán áo đen này, dù có chuẩn bị vô cùng chu đáo, vẫn phải gờm gờm.
Ám khí của Đường gia, đã là khó tránh lắm rồi, gia dĩ nếu ám khí chạm vào mình, thì chỉ còn cách chui vào quan tài.
Trong năm người, bốn đã vào cuộc rồi, còn lại một đứng bên ngoài lược trận.
Phải nhìn nhận, bốn đại hán áo đen có võ công rất cao, không thua kém anh em họ Đường chút nào.
Song kiếm càng phút càng phát huy oai lực, Luyện Ngân Thương đảo lộn như rồng dờn sóng, đao dồn tới như mãnh hổ vồ mồi.
Lạ một điều, người sử dụng Luyện Ngân Thương có một thương pháp cực kỳ ngụy dị, chẳng giống với thương pháp của khách giang hồ thi triển.
Hắc Yến Tử kinh dị phi thường, bình sanh hắn chưa hề thấy một thương pháp nào kỳ lạ như vậy.
Cuộc đấu diễn tiếp, dần dần song phương đã trao đổi ba mươi chiêu rồi.
Đôi thiếu niên nam nữ đã vào thế thủ nhiều hơn công, mà thủ khó khăn rất rõ.
Cứ cái đà này, cuối cùng rồi Hắn Yến Tử và Hỏa Phượng Hoàn phải bại trận.
Triển Mộng Bạch và Dương Toàn nấp trong bụi cỏ rậm gần đó, theo dõi cuộc đấu một lúc lâu.
Bỗng Dương Toàn hỏi :
- Nhị đệ đã đoán ra lai lịch chúng chưa?
Triển Mộng Bạch trầm ngâm một chút :
- Hai đại hán dùng kiếm, có kiếm pháp rất nhẹ nhàng linh hoạt, lại kín đáo như nền trời xanh chẳng chút rạn nứt, cứ theo tiểu đệ xuy luận, thì họ là ngoại gia đệ tử của phái Võ Đương.
Dương Toàn mỉm cười :
- Nhãn lực của nhị đệ cao minh lắm!
Hắn hỏi :
- Còn cái gã ốm cao sử dụng đao đó, nhị đệ có thể đoán xuất xứ của gã chăng?
Triển Mộng Bạch đáp :
- Trong võ lâm, sở trường về đao pháp thì chỉ có hai họ Vương và Liễu ở bờ tây Đại Hà, có thể đại hán đó là đệ tử của một trong hai họ ấy.
Dương Toàn lại gật đầu :
- Đúng. Đao pháp của họ Vương chuyên dùng lực, còn đao pháp của họ Liễu thì chú trọng vễ xảo. Đại hán này có đường đao rất mãnh liệt, hẳn xuất thân từ Vương Gia Đao.
Triển Mộng Bạch cau mày :
- Chỉ có cái gã dùng Luyện Ngân Thương thì tiểu đệ không thể đoán được. Những chiêu thức của hắn đưa ra, ngụy dị quá chừng, có lẽ hắn chưa hề học qua phương pháp thông thường mà chúng ta vẫn thấy khách giang hồ sử dụng.
Dương Toàn mỉm cười :
- Nhị đệ có định can thiệp chăng?
Triển Mộng Bạch cười nhẹ :
- Cái tâm ý của tiểu đệ, đại ca biết rồi mà!
Dương Toàn gật gù :
- Nếu vậy chúng ta âm thầm leo theo bụng trâu, tiến đến cục trường, cho chúng không trở tay kịp.
Triển Mộng Bạch không phản đối, cả hai theo lối xà hành, tiến đến gần đàn trâu.
Tại cục trường, anh em họ Đường đã toát mồ hôi, ướt sũng y phục.
Hỏa Phượng Hoàng mắng lớn :
- Các người đã thủ sẵn thuẫn, tại sao không đám để cho bổn cô nương bắn ám khí chứ?
Nếu có thủ đoạn, cứ lui ra, xem bổn cô nương thi thố sở năng.
Người cầm kiếm cười lạnh :
- Đừng nuôi mộng, ngốc nữ!
Hỏa Phượng Hoàng hét oang oang :
- Xú ngốc nam! Chính người mới là thằng ngốc đó!
Tay nàng đã chậm lại rồi, chậm thì phải lộ sơ hở, trường kiếm tìm chỗ hở mà xông vào.
Một tiếng soạt vang lên, mũi kiếm rọc một đường nơi thân áo nàng.
Nàng kinh hãi, ngậm kín miệng lại, chẳng dám chửi mắng nữa.
Bên kia, Hắc Yến Tử còn rối loạn hơn em gái, hắn nghinh chiến với cả sự hoang mang, hầu như hắn không đánh được tròn chiêu.
Đại hán đứng bên ngoài lược trận, giục :
- Nhanh lên chứ!
Đúng lúc đó, một bàn tay từ dưới bụng trâu ló lên, chụp cổ chân hắn.
Hắn hoảng hồn, kêu lên một tiếng, ngã nhào.
Bốn đại hán kia kinh hãi, đồng kêu lên :
- Nguy! Nguy to, có mai phục!
Hắc Yến Tử và Hỏa Phượng Hoàng hết sức kỳ quái, chẳng hiểu cứu tinh từ đâu đến kịp lúc quá chừng.
Triển Mộng Bạch chụp trúng được cổ chân đại hán cầm roi, tiện tay chàng điểm luôn vào huyệt đạo của hắn. Trong khi đó Dương Toàn tung mình lên, lướt tới cục trường, đồng thời gọi lớn :
- Đường lão đệ đừng sợ! Đệ tử Ngạo Tiên cung đã đến đây rồi!
Không chậm trể, hắn vung luôn song chưởng, khí thế mạnh như sấm sét.
Triển Mộng Bạch cũng đứng lên, nhún chân vọt đến thay thế Hỏa Phượng Hoàng, đón chận đại hán cầm trường kiếm.
Chưởng pháp của chàng cực kỳ lợi hại. Tay vừa vung ra, trường kiếm bị phong trù ngay.
Đại hán cầm đao qua vài chiêu thức đã nhận rõ võ công của đối phương, biến hẳn sắc mặt kêu lên :
- Khổ! Đúng là đệ tử Ngạo Tiên cung!
Đại hán cầm kiếm cao giọng buông tiếng lóng :
- Tịnh Kiên Tử, khẩn!
Hắn hoành kiếm chém nhanh xuống lưng trâu, trâu đau quá, rống lên rồi đứng dậy chạy đi. Một con chạy hoảng, cả đàn kinh động, cùng đứng lên chạy tán loạn.
Thừa lúc đó, bốn đại hán áo đen bỏ cuộc chiến, hai chạy về phía đàn ngựa, hai rẽ qua đàn dê.
Không còn bị uy hiếp nữa, Hỏa Phượng Hoàng khoát tay ra, đồng thời nạt :
- Chạy đi đâu?
Một vùng hắc sa từ tay nàng bay ra.
Hai đại hán cầm kiếm chẳng dám quay đầu, phóng chân chạy miết, vầng hắc sa bay theo sát lưng chúng.
Hỏa Phượng Hoàng dĩ nhiên cũng chẳng bỏ cuộc, cấp tốc bay theo.
Hai đại hán cầm đao và thương cũng chạy trối chết về phía đàn ngựa. Hắc Yến Tử còn mang hận về cái bại vừa rồi, cùng chẳng chịu bỏ, đuổi theo rất sát.
Dương Toàn gọi Triển Mộng Bạch :
- Nhị đệ xem kìa, liễu đầu đó chẳng biết trời cao đất dày, ai lại đuổi địch mà dám đuổi đến cùng đường chứ? Nhị đệ hãy chạy theo nàng đề phòng địch hạ độc thủ.
Thốt xong, hắn phóng chân chạy theo Hắc Yến Tử.
Hắn có ý riêng vì đã biết Hắc Yến Tử có mang vật gì nơi mình. Vật đó hẳn quý giá lắm, cho nên bọn đại hán áo đen bao mặt mới toan chiếm đoạt cho kỳ được.
Triển Mộng Bạch hơi lấy làm lạ về thái độ của Dương Toàn, nhưng chàng cũng chạy theo Hỏa Phượng Hoàng.
Lúc đó Hỏa Phượng Hoàng đuổi theo hai đại hán cầm kiếm, đã đến giữa đàn dê, dê tuy có bị kinh động, song vốn tánh nhu nhược, chỉ nhốn nháu lên thôi, chớ không chạy loạn như trâu.
Nàng tung độc sa. Nhưng vì khoảng cách quá xa, độc sa không chạm đến địch. Nàng tức uất, mắng vang lên, lấy Độc Tật Lê phóng theo.
Bảy vệt sáng đen vút đi như tên bắn, rít gió vu vu. Bảy vệt chia hai nhắm vào lưng hai gã đại hán.
Ngờ đâu, hai đại hán cùng quay mình lại, hét lên một tiếng, đồng thời khoác chiếc thuẫn ra, ngăn chận Đột Tật Lê.
Hỏa Phượng Hoàng sửng sốt, chưa kịp phản ứng, thì nhanh như chớp hai thanh trường kiếm xẹt tới.
Nhưng, phải sang đến chiêu thứ ba, hai đại hán mới đắc thủ, một mũi kiếm chạm trúng đầu vai Hỏa Phượng Hoàng, máu tươi chảy ra liền.
Vừa bị thương lại vừa bị áp lực của chiêu kiếm hùng mãnh, nàng không đứng vững, chập choạng thế nào lại đạp lên đầu một con dê, dê hụp đầu xuống, nàng sẩy chân, ngã nhào.
Hai thanh kiếm cùng giáng xuống.
Bỗng một tiếng hét vang lên, đồng thời một bóng người từ xa theo vồng cầu đáp xuống.
Còn cách mặt đất mấy thước, đã phóng ra hai ngọn chưởng theo thế liên hoàn, mỗi ngọn nhắm đúng mặt một đại hán.
Trong tình thế đó, hai đại hán phải bỏ Hỏa Phượng Hoàng để tự vệ. Họ ngã ngửa người ra tránh, nhưng song chưởng lại tới luôn, thình lình như sấm nổ ngay đỉnh đầu.
Bóng đó, dĩ nhiên là Triển Mộng Bạch.
Trong thoáng mắt, chàng đánh ra đúng bảy chưởng. Số chưởng đó được chia hai, mỗi đại hán lãnh một phần.
Chúng vừa đánh, vừa lùi, lại vừa nghĩ cách bỏ chạy.
Hỏa Phượng Hoàng đã đứng lên rồi, nàng giận không tưởng nổi, âm thầm lùi lại, rồi đột nhiên vung tay.
Theo bàn tay, một vầng hắc sa bắn tới.
Đại hán bên hữu kinh hãi, vừa vung kiếm, vừa quét thuẫn, lại ngửa mặt đồng thời đảo lộn thân hình.
Phản ứng của hắn rất nhanh, song không kịp tránh vầng độc sa. Đôi cánh tay và mặt hắn bị độc sa vấy vào. Hắn rú lên một tiếng thảm, buông tay, rơi kiếm, đoạn ngả nhào.
Đại hán bên tả hoảng hốt, cũng rú lên khiếp hãi, quay mình chạy đi.
Hỏa Phượng Hoàng hét :
- Chạy không khỏi đâu!
Nàng lại phi thân đuổi theo, nhưng Triển Mộng Bạch đã ngăn chận lại.
Chàng lạnh lùng thốt :
- Đuổi làm chi mà quá thế? Định giết hết người sao, cô nương?
Hỏa Phượng Hoàng thoáng kinh ngạc, nhưng lấy ngay bình tĩnh quát :
- Tránh ra! Đâu có ai mượn ngươi can dự vào việc của ta?
Triển Mộng Bạch nhìn ra, thấy đại hãn đã chạy ra rồi, liệu nàng không còn đuổi kịp nữa, bật cười lạnh một tiếng, đoạn lách mình qua một bên.
Hỏa Phượng Hoàng vượt ngang qua ngay. Triển Mộng Bạch mường tượng có thấy một nụ cười đắc ý nơi môi nàng.
Chàng lắc đầu, thở dài, nhìn theo mà lòng ảo não.
Đại hán trúng sa độc lúc đó lật lộn nơi chân chàng, hai tay cứ quào vào mặt, máu chảy ngập cả làn da, da lại không còn, da tiêu tan, đến nỗi thịt cũng lầy nhầy luôn, trông thảm cực độ.
Trong tình trạng đó, dù có gan sắt, da đồng, cũng phải đau, cũng phải kêu ca vang dội.
Hắn lăn lộn có mục đích, hắn lăn về phía thanh kiếm rơi, nhặt thanh kiếm lên, hắn gào thảm :
- Tiểu tử họ Đường ơi!... Người tàn nhẫn quá!
Hắn vụt đứng lên, đâm ngược mũi kiếm vào ngực. Mũi kiếm xuyên thủng đến sau lưng.
Hắn thà tự sát hơn là phải oằn oại với cơn hành hạ của độc sa.
Triển Mộng Bạch nghe nhói ở tim, nhắm mắt lại, không dám nhìn.
Chợt có tiếng oanh vang lên bên cạnh :
- Tại ngươi cả! Ngươi làm cho ta không đuổi kịp hắn.
Triển Mộng Bạch giương mắt nhìn Hỏa Phượng Hoàng, cau mày không nói gì, quay mình bước đi.