Chương 12. Những ảo tưởng tan vỡ Thế hệ của chúng tôi quá mức hời hợt không sao phù hợp với hôn nhân. Chúng tôi cưới nhau như là người ta đi ăn ở MacDo. Sau đó, chúng tôi tung hê. Làm sao mà bạn lại có thể muốn chúng tôi sống cả đời với cùng một người trong cái xã hội tung hê nháo nhào này đây? Trong thời đại khi các ngôi sao, các chính trị gia, các môn nghệ thuật, các giới tính, các tôn giáo có thể hoán đổi cho nhau theo cách chưa từng có bao giờ ư? Tại sao tình cảm yêu đường lại có thể là ngoại lệ đối với cái món tâm thần phân liệt chung ấy được?
Và rồi trước hết, từ đâu mà chúng ta lại có cái nỗi ám ảnh kỳ cục ấy nhỉ: chiến đấu bằng mọi giá để được hạnh phúc với một người duy nhất? Trong số 558 loại hình xã hội loài người, chỉ 24% sống theo chế độ đơn thê đơn phu. Phần lớn các loài vật đều đa thê đa phu. Về phần người ngoài hành tinh thì thôi đừng nói làm gì cả: từ lâu lắm rồi Hiến chương Thiên hà X23 đã cấm chế đội đơn thê đơn phu trên tất cả các hành tinh thuộc loại B#871.
Hôn nhân, đó có nghĩa là trứng cá muối trong tất cả các bữa ăn: một sự nghẹn ứ không tiêu nổi những gì mà bạn thích, đến mức lộn mửa. “Nào, anh không muốn dung thêm một chút à? Gì cơ? Anh không ních nổi nữa à? Nhưng mới vừa xong anh còn thấy rất ngon cơ mà, anh bị làm sao thế? Đồ khốn, cút đi!”
Sức mạnh của tình yêu, quyền lực khó tin của nó, hẳn đã làm xã hội phương Tây thực sự kinh hoảng đến mức xã hội ấy phải tạo ra cái hệ thống đó, nhằm làm cho bạn chán ngán những gì mà bạn thích thú.
Một nhà nghiên cứu người Mỹ vừa chứng minh được rằng không chung thủy liên quan đến đặc điểm sinh học. Không chung thủy, theo nhà bác học lừng danh ấy, là một chiến lược di truyền nhằm tạo điều kiện cho sự tồn tại của giống loài. Bạn đã tưởng tượng ra cảnh cuộc sống gia đình rồi đấy: “Em yêu, anh không hề tìm cách lừa dối em để tìm kiếm khoái lạc: mà là vì sự tồn tại của giống loài, em cứ thử hình dung đi! Có thể em chẳng thèm quan tâm đâu, nhưng cũng phải có ai đó lo chuyện này chứ, sự tồn tại của giống loài ấy! Nếu em tưởng rằng chuyện ấy làm anh thích thú thì!...”
Tôi không bao giờ thẩy đủ: khi thích một cô gái, tôi muốn đem lòng yêu; khi đã đem lòng yêu rồi, tôi muốn hôn cô ấy; khi đã hôn cô ấy rồi, tôi muốn ngủ với cô ấy; khi đã ngủ với cô ấy rồi, tôi muốn sống với cô ấy trong một căn hộ đầy đủ đồ đạc; khi sống với cô ấy trong một căn hộ đầy đủ đồ đạc, tôi muốn cưới cô ấy; khi đã cưới cô ấy rồi, tôi gặp một cô gái khác mà tôi thích. Đàn ông là một giống động vật không biết hài lòng cứ lưỡng lự giữa nhiều nỗi bực dọc. Nếu phụ nữ muốn chơi theo cách thật tinh tế thì họ cứ việc từ chối bọn đàn ông để đàn ông chay theo họ suốt cả cuộc đời.
Câu hỏi duy nhất trong tình yêu là người ta bắt đầu nói dối kế từ khi nào? Liệu có phải là lúc nào bạn cũng sung sướng như vậy khi về nhà mình để gặp lại cùng cái người ấy đang chờ đợi bạn hay không? Khi nói với người đó là “anh yêu em”, liệu bạn có luôn nghĩ thế không? Sẽ có – và nhất định sẽ có - một khoảnh khắc bạn phải tự ép buộc mình. Khi ấy những “anh yêu em” của bạn sẽ không còn nguyên hương vị. Với tôi, thời điểm quyết định, đó là khi cạo râu. Tối nào tôi cũng cạo râu để không làm Anne bị nhột khi hôn nàng vào ban đêm. Và rồi, một tối – nàng say ngủ (tôi đã đi chơi một mình cho đến tận lúc trời sáng, đúng điển hình của cái thể loại cư xử tồi tệ mà người ta tự cho phép mình với cái cớ là hôn nhân) – tôi đã không cạo râu. Tôi nghĩ chuyện này thì nghiêm trọng gì, bởi vì nàng sẽ không nhận ra. Trong khi điều đó chỉ đơn giản cho thấy tôi không còn yêu nàng nữa.
Khi ly di người ta luôn mua cuốn Cuộc chia tay của Dan Franck. Cảnh đầu tiên thật xúc động: trong khi xem một vở kịch, người đàn ông phát hiện ra vợ mình không còn yêu mình nữa bởi vì cô rút tay khỏi tay anh. Anh cố cầm lại nhưng cô lại một lần nữa nhấc tay ra. Tôi tự nhủ: đúng là con rồ! Tại sao lại ác thế? Cứ để nguyên tay trong tay chồng thì cũng có khó khăn gì đâu, mẹ kiếp! Cho đến cái ngày chuyện tương tự xảy đến với tôi. Tôi đã bắt đầu không ngừng đẩy tay Anne ra. Nàng dịu dàng cầm lấy bàn tay tôi, hoặc nắm lấy cánh tay, hoặc đặt bàn tay lên đùi tôi khi chúng tôi ngồi xem vô tuyến, và tôi, tôi đã nhìn thấy gì? Một bàn tay mềm oặt, trắng bợt, trơ trơ như chiếc găng tay cao su Mappa. Tôi rùng mình vì tởm. Cứ như thể nàng vừa đặt một con bạch tuộc lên người tôi vậy. Tôi cảm thấy thật tội lỗi: Chúa ơi, làm thế nào mà con lại thành ra thế này? Tôi đã trở thành con rồ trong cuốn sách của Dan Frank. Nàng cứ khăng khăng đòi đan ngón tay vào ngón tay tôi. Tôi cố lắm những cũng không sao ngăn được một cái nhăn mặt. Tôi đứng bật dậy, ra vẻ phải đi tè, trên thực tế là để tránh bàn tay ấy. Rồi tôi đâm hối, ân hận lắm, và tôi ngắm nhìn bàn tay nàng, bàn tay tôi đã từng yêu. Bàn tay tôi đã từng hỏi xin trước Chúa. Bàn tay mà ba năm trước tôi đã sẵn sàng dâng tặng cả cuộc đời để được cầm đúng như vậy. Và tôi chỉ còn cảm thấy căm ghét chính mình, hổ thẹn vì nàng, cảm thấy dửng dưng, muốn khóc. Và tôi ôm chặt cái con bạch tuộc mềm oặt ấy vào lòng, rồi đặt lên bàn tay nàng một nụ hôn thấm đẫm những buồn bã cùng cay đắng.
Tình yêu kết thúc khi không còn có thể bước trở lùi được nữa. Chính bằng cách ấy mà chúng ta nhận ra: thời gian trôi đi, sự bất tương thong ngự trị; chúng ta đã chia lìa mà thậm chí còn không nhận thấy cả điều đó.