Tình Yêu Nơi Đâu Chương 4

Chương 4
“Vâng. Ái Đệ xinh hơn em nhiều.” Nếu như cô cũng giống em gái, liệu có khiến anh lưu lại ấn tượng sâu sắc hơn? “Anh là thầy giáo?”

Giờ tự học buổi sáng kết thúc, cô bạn thân và cũng là cô bạn hàng xóm cùng khu nhà – Đàm Viên Viên chạy từ đầu lớp xuống cuối lớp, đặt mông ngồi vào chiếc ghế bên cạnh, ra vẻ thần bí nhìn xung quanh một lượt rồi mới áp sát người vào Khánh Đệ.

“Khánh Đệ!” Vừa gọi xong, Viên Viên phát hiện Diêu Cảnh Trình ngồi bàn trên đã hơi ngả đầu về phía sau, rõ ràng có ý muốn nghe trộm, Viên Viên cầm chiếc bút của cô bạn ngồi bên cạnh Khánh Đệ lên gõ vào đầu cậu ta một cái: “Diêu Cảnh Trình, tối qua mình bị cảm phải nghỉ học, cậu nhân lúc mình không có mặt lại bắt nạt bạn mình phải không?”.

Diêu Cảnh Trình sờ sờ gáy, rồi quay lại nói: “Hôm nay mình đụng vào đâu thế không biết? Liên tục có người đến tìm mình hỏi tội”.

“Đừng tưởng cậu là bá chủ ở Nhất Trung, bà cô đây không sợ cậu đâu.” Đàm Viên Viên liên tiếp dùng bút bi gõ vào trán cậu ta, vừa nói: “Giờ nghỉ giải lao cậu không ra ngoài chơi, nghe trộm gì chứ? Mình hỏi Khánh Đệ băng vệ sinh của phụ nữ cậu cũng muốn nghe sao?”.

Diêu Cảnh Trình đột nhiên đứng bật dậy, vẻ mặt có chút ngượng ngập nhưng vẫn nói át đi: “Cậu… giống hệt các bà già, thật không chịu nổi cậu nữa”, nói xong đá chiếc ghế bên cạnh một cái rồi đi ra ngoài.

Khánh Đệ mím môi cười, đợi cậu ta đi xa rồi mới hỏi Đàm Viên Viên: “Có tin tức rồi phải không?”.

Đàm Viên Viên cảnh giác nhìn xung quanh, sau đó lén lén lút lút lấy từ túi áo ra một gói đồ đưa cho Khánh Đệ qua gầm bàn, nói: “Lần này không chỉ có phiếu chuyển tiền, mà còn có cả một lá thư. Cậu tự đọc đi. Mình ra ngoài cổng trường mua đồ ăn sáng, sáng nay dậy muộn không kịp ăn gì, đói sắp chết đây”.

Khánh Đệ gật đầu, không kịp đợi Viên Viên đứng dậy, đã vội vội vàng vàng xé gói đồ trong tay ra. Đàm Viên Viên rất cẩn thận, bên ngoài còn dùng giấy viết thư màu hồng nhạt quấn chặt, bên trong là một phiếu chuyển tiền và một lá thư.

Cô cẩn thận kiểm tra lại số tiền trên phiếu, trong lòng dấy lên một cảm giác đầy thỏa mãn, sau khi xác nhận không có sai sót gì mới kẹp vào trong sách, sau đó mở thư ra đọc.

Thư của một biên tập viên trong tòa soạn báo gửi cho cô.

Từ khi lên cấp ba, lần đầu tiên cô được nếm trải cảm giác bị từ chối khi gửi bản thảo cho một tờ tạp chí tuổi mới lớn. Hơn một năm nay, cô đã gửi đi rất nhiều bản thảo, được dùng cũng có mà bị trả về cũng có, dù thế nào đi nữa, đây vẫn là một bí mật ngọt ngào không thể chia sẻ với người khác, ngoài việc nhờ Đàm Viên Viên nhận và gửi giúp, cô không nói với bất kỳ ai.

Lần trước khi gửi bản thảo, cũng vì trong nhà bố mẹ lại cãi nhau. Nửa đêm vẫn nghe thấy tiếng bố gào thét chửi rủa, và tiếng khóc thút thít rấm rứt của mẹ, cô lẳng lặng ngồi dậy, bật đèn viết.

Cô thường xuyên tự huyễn hoặc mình, trên đời này có một vị thần anh minh tối cao tồn tại, cô có thể kể với Người những buồn phiền, những lo lắng, những suy nghĩ xung quanh sự tồn tại của cô mà người khác không thể giải đáp được, sự kỳ vọng của cô và cả những giấc mơ không thực tế. Cô không chờ đợi ai đó có thể đưa ra một lời giải đáp cuối cùng, thấu đáo, cô chỉ muốn tưởng tượng ra một người luôn dịu dàng mỉm cười, nhẫn nại lắng nghe những lời lảm nhảm tâm sự của mình mà thôi.

Giống như người cô đã từng gặp lần đầu tiên vào năm cô mười ba tuổi, và không còn gặp lại nữa.

Tối đó cũng giống như mọi ngày, cầm bút lên là cảm xúc tuôn trào, xuyên suốt bài viết là tự mình biện bác với mình. Ngày hôm sau khi ra bưu điện để gửi bản thảo, trong một phút xúc động, cô liền gửi luôn cả bài viết tối hôm đó.

Có thể nhận được hồi âm của biên tập Chu khiến Khánh Đệ rất ngạc nhiên.

Đầu thư là những lời khen ngợi, tán dương, sau đó là an ủi, cuối cùng khuyên cô không nên nghĩ quá nhiều, nhiệm vụ của học sinh là phải học cho tốt trước đã. Câu cuối cùng trong thư, chị Chu đã dùng những lời của thi sĩ, họa sĩ người Mỹ gốc Liban – Kahlil Gibran để trả lời câu hỏi “Thế nào là niềm vui?” mà cô đặt ra trong thư:

Niềm vui chính là nỗi buồn không mang mặt nạ. Ngay cả cái giếng tràn ngập tiếng cười của bạn cũng có thể là nơi đã từng đong đầy nước mắt. Khi vết thương do nỗi buồn tạo ra càng khắc sâu lên người, thì bạn càng có nhiều chỗ để chứa niềm vui…

Khánh Đệ lặng lẽ đọc từng câu từng chữ, sau cùng cô thì thầm nói: “Cảm ơn chị”.

“Thư tình?” Đầu của Diêu Cảnh Trình đột nhiên xuất hiện trước mặt Khánh Đệ: “Nhìn Đàm Viên Viên lén lút mình biết ngay chẳng phải chuyện tử tế gì. Ai viết cho cậu? Đưa đây mình thẩm định giúp cho!”.

“Không phải thư tình, đừng có la lối lên như thế.” Thấy Diêu Cảnh Trình cười đùa đưa tay ra định cướp lá thư, Khánh Đệ nghiêng người dùng cánh tay ngăn lại, vội vội vàng vàng nhét lá thư vào hộc bàn, sầm mặt nói: “La lối gì chứ? Thư tình gì chứ? Con mắt nào của cậu nhìn thấy là thư tình?”.

Ánh mắt Diêu Cảnh Trình nhìn như dính vào người cô một lúc không nói gì, tựa hồ đang suy nghĩ xem những lời cô vừa nói là thật hay giả. Tiếng chuông vào học vang lên đúng lúc, Khánh Đệ không cười, nghiêm mặt nhắc nhở cậu ta: “Vào học rồi, cậu về chỗ ngồi đi”.

Diêu Cảnh Trình nghiến răng: “Được lắm, Thẩm Khánh Đệ, đừng để mình biết được tên tiểu tử đó là ai”.

Lá thư đó Khánh Đệ không dám rời nửa bước, nhét trong túi áo đúng một ngày, phải né tránh sự quấy rối của Diêu Cảnh Trình không biết bao nhiêu lần, tan học về đến nhà rồi cô mới dám thở phào nhẹ nhõm.

Mẹ cô vẫn đang bận rộn trong bếp, bà nở nụ cười hiếm hoi với cô, rồi hỏi: “Ái Đệ đâu? Ngày mai đông chí rồi, nhà cậu con sẽ đến đây. Hôm nay mẹ mua rất nhiều đồ, chút nữa ăn cơm xong, giúp mẹ sắp xếp nhé. Ai da, Khánh Đệ, tay con không thể nhúng vào nước, mẹ quên mất”.

“Ái Đệ nói em ấy đi gặp bạn, nên sẽ về muộn. Mẹ, tay con không sao rồi.” Thực tế thì, Ái Đệ đèo cô về nhà xong đã nhảy lên xe lao đi như một làn khói, nói là đến lớp ghita để đăng ký, xem mặt thầy giáo.

Buổi trưa cô ra bưu điện lĩnh tiền, vào phòng mình rút từ túi áo trong ra tờ tiền chẵn và một ít tiền lẻ, rồi lật ga trải giường lên, kéo một chiếc hộp đựng giày cũ kỹ ra.

Tiền tiêu vặt của cô không nhiều, vì phải phụ thuộc vào tâm trạng của bố. Trên thực tế, với một người cả đời ở nhà lo nội trợ không đi làm như mẹ, thì số tiền hằng tháng bố đưa cũng chỉ đủ dùng. Ái Đệ thỉnh thoảng còn có thể xin thêm bố mẹ được một ít ngoài định mức, cô không khéo miệng như em gái, lớn rồi thì tự có kế hoạch cho riêng mình, tiền tiết kiệm đều cất ở trong hộp đựng giày cũ, cộng thêm tiền nhuận bút suốt một năm nay, đối với Khánh Đệ, số tiền mà cô có hiện giờ cũng kha khá.

Vừa mở hộp giày ra, cô như không tin nổi vào mắt mình nữa.

Trước kia cô chuyên môn kẹp lá của cây hòe giữa những tờ tiền, đồng thời để lộ ra một góc, lúc này nhìn vào, chiếc lá được giấu vào chính giữa, phần lộ ra lại là cuống lá. Đếm lại số tiền, chỉ có chín tờ, thiếu mất ba trăm tệ.

Bố không bao giờ vào phòng của hai chị em, những lời mẹ vừa nói không có điểm nào đặc biệt, chỉ còn Ái Đệ…

 Cô đột nhiên đứng bật dậy, lao ra khỏi phòng. “Mẹ, con đi tìm Ái Đệ.”

Theo như Ái Đệ nói, lớp ghita đó mở trong cửa hàng nhạc cụ bên cạnh phòng máy. Khánh Đệ hỏi nhân viên ở đó, rồi tìm thấy một chiếc cầu thang bằng sắt đằng sau cửa hàng, còn chưa đặt chân lên tầng hai, đã nghe thấy một chuỗi âm thanh vang lên qua bức rèm cửa bằng nhựa, tinh tang, tinh tang, âm điệu mượt mà như nước, thấp thoáng đâu đấy là một giọng hát rất nam tính, trầm ấm hơi khàn, nhẹ nhàng cất lên: “Một nghìn lý do thương tâm, một nghìn lý do thương tâm…”.

Khánh Đệ dừng chân ở cầu thang, lẳng lặng lắng nghe tiếng nhạc mơn man bên tai mình, sự hối hả và nhộn nhịp trên đường Đại Hưng trong chớp mắt dường như bị chặn ngoài cửa, giữa bầu trời đêm rộng lớn chỉ còn lại tiếng đàn ghita mộc mạc và cô.

Làn gió khẽ lật tung vạt áo của Khánh Đệ. Cô định thần lại, bước lên phía trước mấy bước, vén tấm rèm cửa màu trắng sữa lên.

Cả tầng hai rộng lớn chỉ có một dãy ghế trống và một người, người đó đang quay lưng lại phía cửa, ngồi trên một chiếc ghế cao ở góc tường, nhìn nghiêng thấy vẻ mặt anh ta rất điềm tĩnh, không để lộ bất kỳ sự hỉ nộ nào, ánh mắt trong veo như nước chăm chú nhìn vào đầu ngón tay mình và cây đàn ghita kiểu cũ màu đồng cổ phía dưới.

Nghe có tiếng động, những ngón tay thon dài của anh ta dừng lại, quay người về phía cô.

Lúc ấy, nụ cười khách sáo của Khánh Đệ như đông cứng trên mặt, trong lòng đột nhiên dấy lên một thứ cảm xúc không thể đặt tên. Là kinh ngạc? Hay cảm thấy khó tin? Hay là sự an ủi đầy thỏa mãn? Giống như tiếng đàn ghita của anh ta, mềm mượt như từng hạt ngọc gõ cửa trái tim cô, biến thành luồng nhiệt tràn đi khắp nơi, rồi tan vào cơ thể giống như niềm vui ấm áp kia.

Bất giác hai má cô nóng bừng, sớm đã quên mất mục đích ban đầu khiến mình phải tìm đến đây, miệng lắp bắp, không thốt nên lời.

Người đó đứng dậy, ánh mắt hồ nghi nhìn cô, hỏi: “Em tìm ai?”.

Suy nghĩ của cô đang phiêu bạt bồng bềnh, lập tức trở về đúng vị trí sau khi người đó cất tiếng hỏi. Thì ra, anh ấy không nhớ mình.

“Tìm…” Nói ra được một từ cô mới nhận thấy giọng mình lí nhí như tiếng muỗi, ngập ngừng hồi lâu mới nói tiếp: “Xin hỏi Thẩm Ái Đệ có ở đây không?”.

Người đó nhíu mày, rồi như nhớ ra điều gì: “Là cô bé vừa đến đăng ký nộp tiền học phải không? Cô ấy về rồi, nói là mai lại đến”.

Khánh Đệ khẽ “à” một tiếng, rõ ràng đã đến lúc phải về, nhưng hai chân lại nặng như đeo sắt, chần chừ đứng đó thêm vài giây, càng cuống quýt muốn nói điều gì đó thì đầu óc lại càng trống rỗng.

“Còn chuyện gì nữa không?” Anh ta cẩn thận đặt cây đàn ghita lên chiếc bàn dài cạnh tường, sau đó cảm thấy có phần kỳ lạ nên quay lại nhìn cô.

“Không.” Khánh Đệ vội vàng lắc đầu: “Không còn gì nữa, cảm ơn anh”.

Nói rồi cô ngập ngừng bước về phía cửa, trong lòng có một giọng nói khe khẽ lặp đi lặp lại một câu như muốn nhắc nhở cô: “Anh ấy không nhớ mình”.

“Cẩn thận.”

Khi cô nghe thấy câu nhắc nhở ấy thì đã muộn, đầu óc mơ màng đâm sầm ngay vào khung cửa. Khánh Đệ ngượng ngùng xoa đầu, quay lại nhìn, quả nhiên đối phương đang cố nhịn cười, tai cô nóng bừng, hai má cũng đỏ ửng, khẽ nói: “Xin lỗi, không nhìn thấy”.

Nụ cười trên môi người đó mở rộng thêm vài phần, Khánh Đệ đang tự thầm mắng mình là đồ ngốc, thì người đó hỏi: “Em là gì của Thẩm Ái Đệ?”.

“Chị gái.”

“Không giống lắm.”

“Vâng. Ái Đệ xinh hơn em nhiều.” Nếu như cô cũng giống em gái, liệu có khiến anh lưu lại ấn tượng sâu sắc hơn? “Anh là thầy giáo?”

“Giúp người bạn dạy ghita thôi, không phải thầy giáo. Anh họ Khương, nếu em rảnh thì thỉnh thoảng cùng em gái đến đây chơi.”

Chương tiếp theo sẽ được cập nhật nhanh nhất đến bạn đọc !

Nguồn: truyen8.mobi/t31016-tinh-yeu-noi-dau-chuong-4.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận