Lời dẫn Thuở vũ trụ còn hỗn độn, hồng hoang sơ khai, trong thiên hạ chỉ có một vị vua, chính là Bàn Cổ đại đế đã mở ra trời đất, sáng tạo nên cả thế giới. Lúc bấy giờ trời và đất còn chưa cách nhau vời vợi, con người sống trên mặt đất, thần linh ngụ đỉnh non tiên, thông qua thang trời là có thể gặp được. Thần tộc, Nhân tộc và Yêu tộc cùng sống dưới một vòm trời.
Bàn Cổ đại đế có ba thuộc hạ tình như anh em, trong đó người có thần lực cao nhất là một nữ tử, thời gian đã quá lâu, chẳng thể tra được tên tuổi nữa, chỉ biết sau này bà lập nên Hoa Tư quốc[1], được đời sau tôn xưng là Hoa Tư Thị. Còn hai vị kia là nam nhân, một là Thần Nông Thị, đóng ở Trung nguyên, giữ yên bốn cõi, một là Cao Tân Thị, đóng ở phía Đông, trấn giữ Thang cốc nơi mặt trời ló rạng và Quy khư[2], chốn ngàn vạn dòng nước trên thế gian đổ về.
[1] Theo sách Liệt Tử, phần Hoàng Đế: “Hoàng Đế ngủ ngày, mộng du đến nước Hoa Tư, không biết nước này xa mấy nghìn vạn dặm, đại khái thuyền xe không thể tới được.” Từ đây trở về sau, nếu chú thích nào có ghi (ND) thì là của người dịch, còn lại là của tác giả. [2] Theo sách Liệt Tử, phần Thang Vấn: “Không biết về phía Đông Bột Hải mấy ức vạn dặm, có một vụng nước thăm thẳm không đáy, tên gọi Quy khư. Nước từ tám phương trời chín phương đất, nước từ dòng Thiên Hán (Ngân Hà) không ngừng đổ về đây mà mực nước vẫn không tăng không giảm. Sau khi Bàn Cổ đại đế quy tiên, lửa chiến tranh bùng lên khắp thiên hạ. Hoa Tư Thị chán ghét cảnh chinh chiến liên miên bèn bỏ đi lánh đời, sáng lập ra Hoa Tư quốc tươi đẹp hòa bình, nhưng bà được đời sau tưởng nhớ lại chẳng bởi Hoa Tư, mà nhờ con trai Phục Hy và con gái Nữ Oa[3] của mình. [3] Theo Xuân Thu thế phổ, “Con trai Hoa Tư tên gọi Phục Hy, con gái tên gọi Nữ Oa.” Phục Hy – Nữ Oa cai trị đặt nặng cả ân uy, khiến anh hùng thiên hạ đều kính phục, sau cùng chấm dứt can qua, được tôn xưng là Phục Hy đại đế và Nữ Oa đại đế.
Cả một vùng đại hoang chồng chất tang thương lại được đón cảnh thái bình, khôi phục dần sức sống.
Mấy ngàn năm sau, Phục Hy đại đế qua đời, Nữ Oa đại đế đau xót khôn nguôi, ẩn cư Hoa Tư quốc, từ đó chẳng một ai gặp bà nữa, còn sống hay đã chết cũng không ai hay biết, tộc Phục Hy Nữ Oa dần dà suy tàn.
Trải bấy thăng trầm, cùng với sự xuống dốc của tộc Phục Hy, hai tộc Thần Nông ở Trung Nguyên và Cao Tân ở Đông Nam đã trở thành hai đại bá chủ, tuy ngoài mặt vẫn giữ đúng giao ước năm xưa cắt máu ăn thề trước mặt Phục Hy Nữ Oa đại đế, các bên không xâm phạm lẫn nhau, nhưng bên trong đã ngùn ngụt dã tâm muốn thôn tính đối phương.
Phía Tây Bắc đại hoang có ngọn núi không danh tiếng, gọi là Hiên Viên sơn, dưới chân núi là nơi cư trú của Hiên Viên tộc, một Thần tộc nhỏ yếu chẳng mấy ai biết tới. Sau nghi thức cúng tế long trọng, đại trưởng lão của bộ tộc cực lực gạt bỏ mọi dị nghị của tộc nhân, chọn vị anh hùng trẻ tuổi nhất trong tộc làm thủ lĩnh, chính đại trưởng lão cũng chẳng thể ngờ thiếu niên đó sẽ hoàn thành được sự nghiệp vĩ đại nhường nào.
Trải qua mấy ngàn năm, vị thiếu niên thống lĩnh Hiên Viên tộc không tên tuổi kia đã vùn vụt trưởng thành, tới khi Thần Nông và Cao Tân nhận thức được sự nguy hiểm của y thì đã bỏ lỡ thời cơ tiêu diệt, đành bất lực nhìn Hiên Viên tộc nhảy vọt lên thành đại Thần tộc thứ ba, thế lực sánh ngang với Thần Nông, Cao Tân, hai Thần tộc từ thời thượng cổ.
Thần Nông tộc đứng đầu ba đại Thần tộc cũng chính là hậu duệ của Thần Nông Thị năm xưa vâng mệnh Bàn Cổ đóng tại Trung nguyên, thủ lĩnh được tôn là Viêm Đế, lấy nhân trị nước; Cao Tân tộc, hậu duệ của Cao Tân Thị trấn giữ Đông Nam thuở trước, thủ lĩnh được tôn là Tuấn Đế[4], lấy lễ trị nước; cuối cùng là Hiên Viên tộc mới quật khởi, thống trị Tây Bắc, thủ lĩnh được tôn là Hoàng Đế, lấy pháp trị nước.
[4] Trong Sơn Hải Kinh có ba đại Thần hệ, Viêm Đế hệ ở Trung nguyên, Tuấn Đế hệ ở phương Đông và Hoàng Đế hệ mới nổi sau này.
Cũng từ đó Thần Nông ở Trung nguyên, Cao Tân ở Đông Nam và Hiên Viên ở Tây Bắc chia ba thiên hạ, tạo thành thế chân vạc.
Mời các bạn theo dõi tiếp!