Tản Mạn Về Tết Nguyên Đán Chương 2

Chương 2

Người Việt quan niệm: mồng Một tết Cha, mồng Hai tết mẹ, mồng Ba tết Thầy. Vì vậy, ngay từ sáng sớm ngày mồng Một, người ta kéo nhau về nhà cha mẹ hai bên của mình để chúc tết và thắp hương cho tổ tiên. Sau đó mới đi thăm hỏi, chúc tết những người cao niên, những bậc bề trên trong dòng họ. Đây là dịp mọi người được trò chuyện, tâm sự cùng nhau về việc làm ăn, chuyện gia đình... trong suốt một năm qua. Những người bề trên thường tặng cho người dưới những chiếc phong bao màu hồng, bên trong có vài đồng tiền lẻ còn mới gọi là tiền mừng tuổi lấy may với ý nghĩa phát vốn, phát lộc, phát tài cho con cháu kèm theo những lời chúc có nội dung và ý nghĩa rất cụ thể, thiết thực. 





Sáng mồng Ba tết, người ta đến thăm các thầy, các cô. Người thầy mà mọi người thường nghĩ đến đầu tiên là thầy dạy nghề, dạy việc hoặc những người có đạo đức sáng ngời, những người có ảnh hưởng lớn đến tình cảm và cuộc đời của mình để đến thăm viếng và kính chúc sức khoẻ, tỏ lòng tôn kính, biết ơn. Đó là những người mà họ không chỉ nhớ suốt đời vì công lao dạy dỗ mà còn mang ơn vì đã đem đến cho họ một cuộc đời hạnh phúc. 

Từ ngày mồng Bốn tết, các cuộc vui bắt đầu tưng bừng diễn ra khắp nơi và kéo dài đến hết mùa xuân. Những trò chơi đấu vật, bịt mắt bắt dê, hát đối, đánh đu, thả chim, chọi gà... được tổ chức tưng bừng, thu hút đông đảo mọi người với một sự háo hức và vui vẻ đến kỳ lạ. Người ta không coi trọng phần thưởng nên không có sự ăn thua trong các trò chơi mà chỉ coi đây là dịp để giao lưu, kết bạn. 


Ở Tây Bắc, những cô gái Thái đến tuổi cập kê bắt đầu biết tự may cho mình những quả còn rất đẹp để gửi gắm ý nguyện riêng của mình vào đó. Trong quả còn được nhồi hạt vừa tạo độ nặng, vừa thể hiện những mong ước về sự nảy nở, sinh sôi. Mỗi góc quả còn được đính tua ngũ sắc: Xanh, Đỏ, Trắng, Tím, Vàng. Ở giữa quả còn được luồn một sợi dây dài dùng để cầm quả còn tung lên và cũng được đính rất nhiều tua ngũ sắc. Khi tung còn, người ta cầm một đầu dây, quay mạnh mấy vòng để lấy đà rồi tung lên cao. Cuộc chơi diễn ra, một bên tung, một bên bắt. Hai người chơi với nhau thường là một cặp nam, nữ đang tìm bạn và thường là trai chưa vợ, gái chưa chồng. Họ đứng cách nhau vừa tầm bay của quả còn và bên nào không bắt được là thua cuộc. Nếu chàng trai thua cuộc, cô gái sẽ bắt phạt uống rượu, ít nhất là ba chén cho một lần thua. Nếu cô gái thua cuộc, chàng trai sẽ phạt bằng cách lấy đi của cô một kỷ vật như chiếc khăn tay hay chiếc vòng tay... Đó là sự khởi đầu cho mối nhân duyên. Chén rượu nồng chất men thương nhớ. Chiếc khăn tay, vòng tay... trở thành tặng phẩm trao gửi biết bao tình cảm mặn nồng. Quả còn vì thế bỗng trở thành quả cầu trao duyên đôi lứa. 


Ngày mồng Bảy tết, người ta làm lễ hạ cây nêu, kết thúc những ngày vui chơi và bắt đầu cho một vụ sản xuất mới. Mọi người tiễn đưa tổ tiên bằng một lễ hoá vàng với sự cầu mong được che chở và phù hộ. Những ngày tết Nguyên đán kết thúc nhưng những cuộc vui còn kéo dài. Dù giàu, dù nghèo thì những ngày này, bao giờ mọi người cũng dâng lên tổ tiên, bày lên bàn thờ cùng với mâm ngũ quả những thứ ngon nhất, tốt nhất như một sự phô bày những thành quả, những sản phẩm lao động, những của ngon vật lạ mà họ làm ra trong quá trình sản xuất. Tết Cả đã ăn sâu vào tâm thức người Việt với sự đủ đầy, no ấm cùng với những câu nói cửa miệng quen thuộc như: "Tết nhất", "Ăn tết", "Vui như tết", "Đói ngày giỗ cha, no ba ngày tết"... dù rằng sau đó lại chật vật trong cuộc mưu sinh với nỗi lo canh cánh về cơm, áo, gạo, tiền... 


Những ngày tết, người ta cũng thường rộng lượng hơn, sẵn sàng tha thứ, bỏ qua cho nhau những lỗi lầm, những đố kỵ, hiềm khích ngày thường. Những ngày này, người ta luôn hi vọng vào những điều tốt đẹp nhất... 



Những cái tết Nguyên đán bây giờ không còn được như xưa nữa, mà đang mất dần đi ý nghĩa truyền thống, đang mất dần đi vị trí thiêng liêng trong tâm thức người Việt, nhất là những người trẻ tuổi. Tuy nhiên, chúng ta vẫn hy vọng rằng, với sự cố gắng duy trì và gìn giữ những phong tục của tết cổ truyền xưa trong nhiều gia đình, tết Cả sẽ dần dần trở lại với đúng nghĩa trong tâm thức của mọi người dân Việt. 


Một cái tết Nguyên đán nữa lại đang về! 

Nguồn: truyen8.mobi/t120892-tan-man-ve-tet-nguyen-dan-chuong-2.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận