Lúc đó vào khoảng sáu giờ, tôi nghe thấy ông Luttrell đi trên đường mòn, vai khoác khẩu súng săn nòng nhỏ. Tay ông xách hai con bồ câu rừng vừa săn được. Tôi gọi thì ông giật nảy mình, ngạc nhiên sao chúng tôi lại ở đây?
- Ô! Các vị làm gì thế? Cái nhà kính cũ này ọp ẹp lắm, đổ lúc nào không biết. Vả lại, cô Cole ạ, cô sẽ bị lấm lem hết.
- Không hề gì - cô đáp. Đại úy Hastings đã hy sinh một chiếc khăn tay phủi bụi cho tôi rồi.
- thật à? Thế thì tốt. Ông đại tá nói.
Chúng tôi đứng lên, lại gần ông. Ông có vẻ đăm chiêu, lơ đãng.
- Tôi đi bắn hạ hai con bồ câu rừng chết tiệt này. Các vị không biết chúng gây tác hại thế nào đâu.
- Tôi nghe nói ông bắn giỏi. - Tôi nói
- Ai bảo ông thế? Chắc là Boyd Carrington. Xưa kia thì thế đấy. Bây giờ kém rồi. Tuổi tác mà.
- Mắt bị kém chăng? - Tôi hỏi, cho có chuyện.
- Không đâu. Mắt vẫn tinh. Tất nhiên khi đọc báo phải đeo kính, nhưng nhìn xa thì vẫn rõ.
Im lặng một lát. Cô Cole nhìn khung cảnh xung quanh:
- Chiều nay trời đẹp quá.
Mặt trời từ từ lặn về tây, làm rực đỏ một khoảng trời. Đây là một trong những buổi chiều êm ả ở nước Anh, nếu ta phải đi xa sang xứ nhiệt đới nào đó sẽ rất nhớ. Tôi nói ra ý nghĩ đó, ông đại tá lập tức đồng tình:
- Đúng, ông nói đúng. Ngày trước khi còn ở Ấn Độ, tôi thường hay nhớ về những buổi chiều như thế này. Và lúc đó chỉ mong sớm hưu trí, để được về nước sống ổn định...
Tôi gật đầu tán đồng; ông lại nói tiếp, giọng ngao ngán:
- Phải, sống yên ổn... ở nhà mình... Nhưng khi chuyện ấy đến, mọi thứ lại không giống như mình tưởng...
Tôi nghĩ bụng trường hợp ông đại tá có như thế thật. Hẳn ông không thể ngờ một ngày kia mình trở thành một lão chủ trọ, cạnh một bà vợ quàu quạu luôn lấn át, mắng nhiết ông.
Chúng tôi thong thả đi về nhà. Norton và Boyd Carrington đang ngồi dưới hàng hiên. Đại tá và tôi sà vào chỗ họ, còn cô Cole vào trong nhà.
Chúng tôi cùng nhau chuyện trò một lúc. Luttrell có vẻ tươi hơn, còn đùa cợt một hai lần. Chưa bao giờ tôi thấy ông vui như vậy.
- Hôm nay trời nóng quá - Norton nói. Tôi khát cháy họng.
- Thế thì để tôi khao mỗi người một ly, Littrell nói.
Ông đứng lên, đi vào phòng ăn. Chúng tôi ngồi ngay trước cửa sổ, nghe thấy tiếng ông mở tủ lấy chai rượu. Một lát sau, lại nghe tiếng bật nắp.
Bỗng vang lên tiếng bà Luttrell the thé:
- George ông làm gì đó?
Đại tá lúng búng đáp lại gì không rõ, chỉ nghe mấy tiếng: các ông bạn... cụng ly một chút...
Rồi lại tiếng bà vợ, cau có, gắt gỏng:
- Không được, ông George! Mời ăn uống khắp bàn dân thiên hạ, có mà sạt nghiệp! Ai uống đều phải trả tiền. Ông chẳng hiểu gì cả, tôi phải theo sát ông từng bước như trẻ con. Thật quá quắt. Ông không có chút suy xét gì. Đưa cái chai cho tôi!... Đưa đây, bảo mà!
Ông đại tá lí nhí một câu phản đối gì đó không nghe rõ, nhưng tiếng bà vợ lại át đi:
- Mặc kệ. Tôi đã bảo: để lại chai vào tủ!
Rồi có tiếng chìa khóa khóa đánh tách.
- Thế là xong.
Lần này, chúng tôi nghe rõ hơn tiếng đại tá:
- Bà quá đáng vừa vừa chứ, tôi không chịu mãi đâu.
- Không chịu? Ông là ai mà ra lệnh cho tôi? Ai quản cái nhà này? Chính là tôi, ông chớ có quên.
Một lát sau, Luttrell mới xuất hiện ở ngoài thềm. Trông ông già hẳn đi, thật thảm hại. Ông gượng gạo:
- Đáng tiếc các bạn ạ, hình như trong kia không còn rượu.
Cũng lạ, hẳn ông phải nhận ra là chúng tôi đã nghe thấy phần nào tiếng vang cuộc cãi vã vừa rồi. Nếu không, ông cứ nhìn thái độ chúng tôi thì đủ biết, vì chúng tôi hết sức ngượng thay cho ông. Norton lại còn vụng về đến mức tuyên bố không muốn uống gì trước bữa ăn. Tôi lúng túng không biết nói gì, còn Boyd Carrington - lẽ ra phải là người biết cứu vãng tình thế - cũng bất động.
Liếc mắt nhìn, tôi thấy bà Luttrell xăm xăm đi ra vườn, tay đeo găng cao su và cầm một cái giẫy cỏ. Rõ ràng là một phụ nữ tháo vát, có uy quyền. Song thú thật lúc đó tôi chê trách bà nhiều hơn. Vì tôi cho rằng một người không có quyền miệt thị một người khác.
Norton nói lăng nhăng vài câu không đầu không đuôi, rồi nhặt một con bồ câu rừng của Luttrell nhấc lên và kể hồi còn đi học, anh đã bị bạn bè chế nhạo, vì buồn nôn không dám nhìn một con thỏ bị lột da. Rồi lại dài dòng kể lể một chuyến đi sắn ở Xcốtlen, có một thợ săn bị bắn nhầm và thiệt mạng. Cuối cùng, Boyd Carrington hắng giọng nói:
- Một lần, xảy ra một chuyện kỳ cục với một sĩ quan hầu cận của tôi. Anh ta đi phép về, tôi hỏi có vui không: "Thưa ngài, đây là kỳ nghỉ phép tuyệt với nhất." - "Tốt"- tôi đáp, hơi ngạc nhiên vì sự phấn khởi của anh ta. Hắn tiếp: "Kỳ nghỉ phép tuyệt vời, tôi đã giết anh tôi" - "Hả? Ngươi đã giết anh?" - "Thưa ông, tôi đã muốn giết từ lâu, và lần này đã thực hiện. Lúc đó tôi đang đứng trên mái nhà, thấy anh ta đi ở phía dưới . Tay tôi lại đang cầm súng. Dịp may hiếm có! Thế là tôi bắn đòm, như bắn một con thỏ."
Boyd Carrington kể chuyện có duyên, làm chúng tôi cười mãi. Khi ông ta bỏ đi, nói là cần đi dạo trước bữa ăn, Norton phát biểu ý kiến một cách hào hứng:
- Ông này hay thật!
Tôi gật gù. Và Luttrell cũng tán đồng ý kiến ấy. Norton tiếp:
- Và ông ta làm gì cũng thành công. Đầu óc vững vàng, đó là một con người hành động.
- Một số người là như thế - Luttrell nói. Làm đâu được đấy. Dường như không bao giờ mắc sai lầm... Đúng, có những người luôn gặp may.
Norton lắn đầu lia lịa:
- Không, không, không phải vấn đề may rủi. "Hỡi Brutus số mệnh chúng ta không phải ở các vì sao, mà ở tại chính mình". (Note: Trích trong kịch "Jules César")
- Có thể anh nói đúng. - Đại tá thở dài.
- Dù sao, ông ta có may mắn được thừa hưởng dinh cơ của ông bác - tôi nói. Một dinh cơ tuyệt vời. Nhưng ông ta phải lấy vợ nữa thôi. Có một mình trong cái dinh cơ mênh mông ấy, kể cũng chán.
Norton cười:
- Lại lấy vợ và tu tỉnh ư? Nhưng nếu ông ta lại bị vợ dắt mũi:
Trước mặt Luttrell lẽ ra không nên nói như thế, và Norton biết mình đã lỡ miệng. Anh định chữa lại, nói lấp liếm vài câu ngớ ngẫn rồi ngượng nghịu im bặt, làm không khí thêm nặng.
Tôi cố cứu vãn tình thế, xoay ra nói chuyện thời tiết và Norton nói muốn chơi bài sau bữa ăn.
Tuy nhiên, ông đại tá không động lòng, bình thản nói:
- Boyd Carrington không chịu như thế đâu. Đàn bà nào lấn át được ông ấy!
Thật khó nói. Đúng lúc ấy, một con chim rừng vụt qua đầu chúng tôi rồi đậu xuống một cành cây, cách đó ích bước.
Đại tá vớ khẩu súng:
- Lại cái giống chim chết tiệt!
Nhưng ông chưa kịp ngắm, con chim đã cụt bay lên và đậu xuống xa hơn, ngoài tầm súng. Luttrell vẫn chú ý đến một vật gì đụng đậy phía xa, bên kia vạt cỏ. Ông kêu:
- Trời ơi! Như có một con thỏ đang phá phách cái cây tôi mới trồng.
Ông giương súng, ngắm nhanh và bóp cò. Có tiếng phụ nữ the thé cất lên, tiếp theo là tiếng kêu rên.
Cây súng tuột khỏi tay Luttrell, mặt ông thất sắc:
- Chết rồi, bà Daisy nhà tôi...
Tôi và Norton lập tức băng qua bãi cỏ, và lát sau đã ở bên bà Luttrell. Lúc súng nổ, bà đang quỳ xuống buộc một cây con vào cọc. Cỏ chỗ đó khá cao, trời lại chạng vạng tối, nên ông đại tá chỉ nhìn thấy có vật xao động mà không nhìn rõ là vợ.
Bà Luttrell bị bắn trúng vào tai. Tôi cúi xuống để xem vết thương, rồi ngước mắt nhìn Norton. Anh ta đứng tực gốc cây, mặt xám nhợt như sắp bị ngất.
- Nhìn thấy máu là tôi không chịu được, anh ta thều thào.
- Đi tìm ông Franklin mau! Hay cô y tá - tôi ra lệnh.
Anh ta chạy đi.
Cô Craven đến trước tiên, tìm cách cầm lại máu. Rồi đến lượt Franklin. Hai người khiên bà Luttrell về nhà, đưa lên phòng. Ông bác sĩ sát trùng và băng bó vết thương, rồi đi gọi ông bác sĩ quen thường chăm sóc bà Luttrell. Tôi gặp ông ngoài sảnh lúc ông đặt máy xuống.
- Có nghiêm trọng không? - Tôi hỏi.
- Không. Sớm bình phục thôi. Đạn không vào chỗ phạm. Chuyện xảy ra thế nào?
Tôi kể lại tóm tắt.
- Hừm! Ra là thế. Lúc này ông Luttrell ở đâu? Chắc đang bị sốc. Ông ấy cũng cần được chăm sóc như vợ. Tim ông không khỏe đâu.
Chúng tôi thấy ông đại tá ở phòng ngoài, mặt xanh như tàu là, toàn thân đờ đẫn.
- Bà ấy... sao rồi? - Ông thều thào.
Bác sĩ Frnklin trấn an:
- Không sao đâu, đừng lo.
- Tôi tưởng... tưởng... con thỏ. Không hiểu sao lại nhìn gà hóa cuốc vậy. Có lẽ mắt bị lóa mặt trời...
- Tai nạn như thế không hiếm, bác sĩ nói. Tôi đã từng chứng kiến hai, ba trường hợp tương tự. Để tôi cho ông viên thuốc an thần, ông không được khỏe.
- Tôi không sao. Có vào thăm... bà ấy được không?
- Chưa nên vội. Bác sĩ Oliver sắp đến, chắc ông cũng khuyên như thế.
Tôi để hai người ở đó đi ra vườn. Allerton đi ngược chiều về phía tôi. Anh chàng đang ghé sát vào con gái tôi, và cả hai đều cười. Vừa xảy ra chuyện bà Luttrell, cảnh ấy làm tôi nổi nón hơn bình thường. Tôi gắt gỏng, gọi Judith. Nó ngạc nhiên ngẩnh đầu, lại gần tôi. Tôi kể lại vắn tắt câu chuyện.
- Kỳ lạ thật! Judith kêu.
Nó chỉ phản ứng có vậy, và tôi có cảm giác nó không mảy may xúc động. Phản ứng của Allerton lại càng đáng giận. Hắn dửng dưng như không, dường như đây chỉ là chuyện đùa:
- Mụ phù thủy ấy đáng đời, tôi cho ông lão làm thế là cố tình.
- Không phải! Tôi kêu to. Chỉ là tai nạn.
- Tôi biết loại tai nạn ấy rồi. Rất tiện lợi trong một số trường hợp. Nói thật, nếu lão Luttrell cố tình làm, tôi xin gả mũ chào.
- Không thể thế! Tôi nói gần như quát.
- ông chớ tin chắc vậy. Tôi biết có hai người đàn ông giết vợ. Một anh giở súng ra lau. Anh ta bắn thẳng thừng, để "đùa". Khi bào chữa, anh ta nói là vô tình không biết là súng đã lên đạn. Cả hai anh đều thoát, thần tình không?
- Đại tá Luttrell không phải loại người ấy. - tôi nói
- Tuy nhiên ông phải công nhận, nếu bà ấy chết, thì lão Luttrell cũng nhẹ mình. Họ chả vừa cãi nhau thì phải?
Tôi quay gót để giấu nỗi băn khoăn bắt đầu xăm chiếm lòng tôi. Allerton đã nói ra phần nào sự thật chăng? Lần đầu tiên trong đầu óc tôi nảy ra nghi hoặc.
Thế rồi tôi gặp Boyd Carrington đi dạo trở về. Tôi kể lại chuyện vừa xảy ra, ông ta nói luôn:
- Ông nghĩ rằng ông ta cố tình bắn vợ, phải không?
- Này, sao ông nói thế?
- Xin lỗi. Lẽ ra không nên nói vậy. Nhưng vừa nghe, tôi đã nảy ra ý nghĩ... Ông nhớ không, bà ấy vừa sàn sạt với chồng.
Chúng tôi im lặng, hồi tưởng lại cái cảnh mà chúng tôi đã nghe được giữa hai vợ chồng. Cuối cùng tôi về nhà, đến gõ cửa phòng Poirot.
Poirot đã biết chuyện - do Curtiss nói - nhưng đang sốt ruột chờ tôi về để tìm hiểu chi tiết. Từ khi tới đây, đã thành thói quen là tôi tường thuật lại cho Poirot những gì tôi nắm được qua chuyện trò với người này người kia. Như vậy tôi làm cho ông bạn già của tôi đỡ cảm thấy bị tách biệt, vẫn tham gia vào cuộc sống thường nhật của người. Vốn có trí nhớ khá tốt, tôi cố gắng nói lại nguyên si những ý kiến, những nhận xét mà tôi nghe được. Poirot nghe rất chăm chú và tôi chờ xem ông có chia sẻ với tôi mối nghi ngờ vừa chớm nở không. Song ông chưa kịp có ý kiến thì có tiếng gõ cửa khe khẽ.
Đó là cô Craven. Cô xin lỗi và giải thích.
- Tôi tưởng bác sĩ có ở đây. Bà Luttrell đã tỉnh, đang muốn gặp chồng. Đại úy Hastings, ông có biết tìm ông ấy ở đâu? Tôi, thì không bỏ con bệnh của tôi được.
Tôi nhận đi tìm ông đại úy. Poirot gật đầu đồng tình và cô Craven thì cám ơn rối rít.
Ông Luttrell ở trong phòng ăn nhỏ, ít khi dùng đến. Ông đứng trước cửa sổ, đăm đăm nhìn ra vườn. Tôi vào, ông quay phắt lại nhìn tôi dò hỏi. Tôi nói:
- Bà nhà đã tỉnh, đang muốn gặp ông.
Vẻ nhớn nhác trong đôi mắt như dịu bớt. Ông lắp bắp:
- Bà ấy... hỏi tôi? Tôi... tôi đến ngay.
Ông đi về phía cửa, dáng bộ lảo đảo khiến tôi phải chạy lại đỡ. Ông dựa vào cánh tay tôi, cùng lên thang gác. Ông thở hồng hộc, và tôi thấy lời bác sĩ Franklin nói về sức khỏe của ông là đúng. Tôi gõ cửa phòng bà Lutrell. Tiếng nói trong trẻo của cô Craven cất lên:
- Cứ vào.
Bà Luttrell nằm trên giường, mặt xanh xao mắt ngắm nghiền. Nghe chúng tôi vào, bà mở mắt gọi thều thào.
- George... ông George...
- Bà Daisy, tôi đây...
Một cánh tay của bà Luttrell phải băng bó, bất động. Bằng tay kia, bà ra hiệu cho chồng. Ông tiến đến, cầm tay vợ, nhắc lại:
- Daisy...
Nhìn nỗi lo âu và niềm thưong mến ánh lên trong đôi mắt ướt dầm đìa của ông, tôi thấy xấu hổ vì sự nghi ngờ vừa rồi. Tôi lặng lẽ rút lui, lòng thanh thản.
Tôi đang đi dọc hành lang thì tiếng cồng làm tôi giật mình. Tôi đã quên hết giờ giấc. Tai nạn vừa rồi đã làm xáo lộn cả nhà, song nhà bếp vẫn không quên nhiệm vụ và bữa ăn vẫn dọn đúng giờ.
Phần lớn chúng tôi cứ để nguyên quần áo vào phòng ăn và đại tá Luttrell vắng mặt. Ngược lại, bà Franklim đỏm dáng trong bộ váy áo màu hồng nhạt, hôm nay lại trực tiếp xuống phòng ăn. Bà có vẻ hoàn toàn khỏe mạnh và hồ hởi. Song chồng bà lại có vẻ đăm chiêu, ưu tư.
Sau bữa ăn, tôi lại không vừa lòng khi thấy Allerton và Judith cặp kè cùng ra ngoài vườn. Tôi ngồi nán một lúc nghhe Franklin và Norton chuyện trò về các căn bệnh nhiệt đới. Norton là một người chịu nghe một cách kiên nhẫn, mặc dù anh ta chẳng hiểu mấy.
Đầu kia phòng, bà Franklin nói chuyện với Boyd Carrington. Ông này đưa cho bà xem các bản vẽ mẫu màn cửa, hỏi ý kiến bà về việc chọn màu sắc.
Elizabeth Cole cầm quyển sách trong tay, chăm chú đọc. Tôi cảm thấy thái độ cô không tự nhiên lắm trước mặt tôi, điều dó dễ hiểu sau những lời tâm sự với tôi hồi chiều. Bản thân tôi cũng hơi áy náy và hy vọng cô không hối hận vì đã thổ lộ. Tôi rất muốn nói là tôi tôn trọng bí mật của cô và không nói với ai, nhưng không có cơ hội.
Lát sau, tôi lên phòng Poirot. Ở đó tôi đã thấy Luttrell ngồi trong vầng sáng của chiếc đèn nhỏ duy nhất. Poirot chăm chú nghe ông nói, song tôi cảm thấy như đại tá đang nói với chính mình:
- Tôi nhớ rõ... Vâng, ở một vũ hội. Nàng mặc váy trắng bồng bềnh. Ông biết đấy, cô ấy rất đẹp. Và tôi siêu lòng ngay. Đêm đó về nhà, tôi tự nhủ: "Ta phải lấy nàng làm vợ". Và tôi lấy thực. Cô ấy rất đáng yêu, tính tình nghịch ngợm có phần tinh quái.
Ông bụm miệng cười:
- Và rất bướng với tôi.
Tôi hình dung Daisy Luttrell lúc mới lấy chồng mặt mũi tinh nhanh, miệng nói liến láu. Hồi ấy là đáng yêu, nhưng với thời gian sẵn sàng trở thành một bà già cau có. Tuy nhiên, tối nay đại tá xúc động gợi lại hình ảnh người vợ yêu thời trước, và là mối tình đầu khó quên. Lần nữa tôi lại xấu hổ vì đã nghi oan cho ông.
Luttrell ra rồi, tôi kể hết 192a với Poirot. ông yên lặng ngồi nghe, rồi nói:
- ra các ông đã nghĩ là ông Luttrell cố tình bắn vợ.
- Đúng. bây giờ tôi rất hối, song lúc đó...
Poirot khoát tay gạt thắc mắc của tôi:
- Ý nghĩ đó tự đến với anh, hay do ai gợi ra?
- Allerton nói một câu gì đó, hàm ý như vậy.
- Còn ai nữa?
- Boyd Carrington cũng đề cập đến giả thuyết ấy.
- A! Boyd Carrington.
- Ông ta là người hiểu đời, có kinh nghiệm.
- Phải, phải. Nhưng ông ta không có mặt lúc tai nạn, phải không nào?
- Không. Ông ta đi dạo trước bữa ăn.
- Hiểu rồi. Anh không cần phải áy náy gì. Trường hợp đó, bất cứ ai cũng có thể nghĩ vậy. Tự nhiên thôi.
Trong thái độ của Poirot có một cái gì như dè dặt mà tôi không hiểu; đôi mắt ông nhìn tôi một cách lạ lẫm.
- đành vậy - tôi nói. Song vừa rồi thấy Luttrell thực sự thương yêu vợ...
- Thường là thế đấy. Sau những hiểu lầm, cãi vã, đối đầu trong cuộc sống hàng ngày, vẫn có thể - và thường là thế - có tình yêu thực sự.
Tôi đồng ý với Poirot điểm này. Tôi nhớ lại ánh mắt dịu hiền, thương mến của bà Luttrell lúc chồng cúi xuống thăm hỏi. Không còn chút hậm hực, nóng nảy, bực bõ nào nữa.Và trên đường trở về phòng mình, tôi sực nghĩ: hôn nhân là một chuyện lạ kỳ. Tôi cũng hơi xao xuyến về cái nhìn lạ lẫm của Poirot; dường như ông đang chờ cho tôi nhận ra... nhưng nhận ra cái gì cơ chứ?
Chỉ một lát sau, lúc đã lên giường, tôi đã hiểu. Nếu bà Luttrell bị bắn chết, thì vụ việc sẽ hoàn toàn giống các vụ khác. Bề ngoài, đúng là ông đại tá giết vợ và kết luận là do tai nạn. Tuy nhiên, không ai dám khẳng định tuyệt đối đây là tai nạn hay cố tình. Không đủ chứng cớ để kết luận là giết người, nhưng lại đủ bằng chứng để có thể nghi ngờ.
Vậy thì, như thế có nghĩ... gì?
Có nghĩ là, chịu trách nhiệm thực sẽ không phải là ông đại tá, mà là... X. Tuy nhiên điều đó là không thể. Tôi đã chứng kiến, biết rõ là Luttrell đã nổ súng. Không có bất cứ tiếng nổ nào khác.
Trừ khi... Nhưng điều đó cũng không thể có. Có thể giả định người nào đó đã chờ đúng lúc, đúng cái giây ông đại tá nổ súng - để bắn thỏ - và người đó bắn vào bà Luttrell. Trường hợp ấy, sẽ chỉ nghe một tiếng nổ. Dù có không thật trùng, mọi người sẽ tưởng là tiếng vọng. Mà bây giờ nghĩ lại, tôi cảm thấy như lúc đó như có tiếng vọng thật.
Không, không, vô lý. Ngày nay người ta đã có đủ phương pháp để xác định đạn là từ nòng súng nào bắn ra. Tuy nhiên, chỉ làm xét nghiệm này khi cảnh sát cần biết vũ khí nào đã bắn. Mà trong trường hợp này thì không cần điều tra, vì ai cũng biết cả rồi - cả đại tá lẫn những người khác - nếu có hoài nghi thì chỉ là ở chỗ ông đại tá vô tình bắn nhằm hay cố tình giết vợ. Câu hỏi này, khó ai có thể trả lời.
Tóm lại, vụ việc này sẽ giống như những vụ việc khác. Giống vụ Riggs, anh chàng này không nhớ mình có giết không nhưng nghĩ là mình đã giết. Giống vụ Licthfield, cô này tự thú là đã giết bố mà chưa chắc là đã phải.
Vâng, vụ này giống các vụ trước. Nay tôi đã hiểu hơn thái độ của Poirot.