Thân Phận Ma Trơi Chương 6

Chương 6
Chap 6

Giọng thầy trầm xuống:

- Chỉ cần một cái lễ nhỏ cho thánh thần, một con gà đĩa xôi và nải chuối.

Đám nhậu phát cười ồ:

- Bỏ đi thầy Ba, thời đại xe tăng máy bay mà bàn chuyện bùa ngải nghe lỗi thời làm sao.

Thằng Cộc, vô địch đào huyệt, nhai luôn cả xương lươn rau ráu nuốt chửng bằng một hớp rượu :

- Đ. M. xôi gà no thầy, no vợ bé của thầy, chớ thánh thần ma quỉ ăn cái giải gì.

Thầy Ba Gà Mổ tức ói máu, gây gổ lại:

- Này Cộc, mày moi móc tao đó hả, cứ ra lời rồi coi, tao thờ thiên linh cái, không ngán thằng nào đâu.

Thằng Cộc không vừa:

- Thằng này từng đào huyệt chôn cả chục thằng như anh, ngon mà, quân buôn thần bán thánh thì thằng này chửi liền vào mặt chớ chẳng thèm nói moi nói móc. Về mà dậy con vợ bé của anh, anh là cái đồ mù...

Thầy pháp Ba Gà Mổ xấn xổ như con gà chọi sắp lâm trận đấu. Thầy cầm cái ly cối lên toan xàng vào mặt thằng Cộc. Hai Thợ nắm được cổ tay thầy can:

- Thôi chớ các người, nếu ai có ý kiến cứ trình bày, đâu có phải ý kiến nào cũng được chấp thuận. Còn các người muốn đánh lộn, tui mời các người ra ngoài.

Thầy pháp Ba Gà Mổ còn cố với vát:

- Cộc mày có ngon thì ra ý kiến đi, ngồi đó mà chọc quê người ta thì chó làm cũng được.

Cộc chỉ cười nhạt:

- Chẳng ngu gì, nghề tôi là nghề chôn xác chết mà.

Không khí lặng dần, thầy y tá Chín chậm rãi lên tiếng:

- Theo tôi thì mình thuốc chết hết mấy con chim.

- Thuốc bằng cách nào?

Chích một mũi thuốc độc vào một con chó chết liệng dưới gốc cây. Mấy con chim ăn phải lăn ra chết ráo.

Thấy ý kiến có vẻ hợp lý, vài tiếng vỗ tay lốp bốp trong bàn nhậu. Cử tọa im lặng, nhiều người gật gù:

- ý kiến hay đó, nhưng xin anh Chín cho biết công việc đó ai làm?

- Tui làm, cấp thuốc cho tui, tui làm liền.

Thằng Cộc nóng nẩy:

- Dẹp, dẹp! Các người bàn toàn chuyện tào lao không đâu hà.

Hai Thợ cố vãn hồi trật tự:

- Thôi, giờ ai có ý kiến trình bày hết đi, đêm khuya rồi đó.

Chờ cho mọi người chịu trận hết, Cộc mới ra lời:

- Phương pháp của tôi giản dị lắm, chúng ta cần có súng bắn rầm rầm là chim chết cả chùm. Bắn chừng năm ngày liền là chúng hết còn dám đến nữa.

Thầy pháp Ba Gà Mổ được dịp trả thù:

- Súng ở đâu nhiều quá vậy hả Cộc?

Cộc vênh váo trả lời:

- Súng trên đồn dân vệ.

- Bộ lên đó cướp giựt sao?

Cộc phanh nút áo cho đỡ nóng, ngửa cổ uống ực hết nửa ly Vĩnh Sanh Hòa, gắp một khúc lươn cho vào miệng, nhét theo một nắm rau chuối. Hắn khề khà, nhai nhồm nhoàm: - Có hạng người chuyên lừa gạt mới tính đến chuyện ăn cướp, cướp giựt thôi. Thằng này ngon lành, từng đi lính, hào khí ngất trời có đâu làm chuyện đó được Thằng này không có loại thầy, loại sư phụ nào dậy nghề lừa gạt ăn cướp hết.

Mặt thầy pháp đã đỏ săn bây giờ thành tím ngăn ngắt. Hai mắt đỏ ké trông càng thêm dữ dằn. Cộc vẫn thủng thẳng nói:

- Tôi muốn khuyên bà con lối xóm làm cái đơn đệ lên ông đồn trưởng mượn ba người lính mang súng xuống, thứ súng bắn đạn chài đó. Mình cũng trình bày lý do chính đáng thì ổng có tiếc gì vài ba viên đạn. Nè, cô bác nên nhớ rằng đạn chài chỉ cần nổ một phát là chết cả chục mạng như chơi, nó văng miệng tùm lum. Đằng này những ba khẩu kê bắn một lượt lận. Rầm, rầm... Thằng Cộc đứng thẳng dậy, cung tay như người bắn súng, miệng phát ra những tiếng rầm rầm tưởng tượng. Dân xỉn vỗ tay lốp đốp:

- ý kiến nghe được đó.

Cộc cao hứng càng ba hoa dữ. Nói huyên thuyên vế thời hắn còn ở lính, ngày hắn xử dụng khẩu súng đạn chài, chống lại súng ngựa trời của Vixi và chống lại những đợt tấn công biển người. Sau câu nói, Cộc nhịp nhịp bàn tay như đang hình dung ra phía trước mặt xác người ngổn ngang. Hai Thợ bèn giơ tay vin Cộc ấn ngồi xuống ghế.

- Thôi xin cha nội, bộ mới uống nhiêu đó đã lên vậy sao?

Tóc tai Cộc dựng đứng, hắn líu ríu nói:

- Các người có công nhận súng đạn chài ăn trùm không?

Hai Thợ xuống nước:

- ăn trùm là cái chắc, rồi mình phải bàn đến chuyện làm đơn chớ.

Cộc phát vỗ tay bạch bạch:

- ý kiến của tôi được bà con chấp nhận chớ, nào chúng ta cụng ly.

Tất cả mọi người đều nâng ly cụng vào nhau lanh canh. Họ ngửa cổ uống ừng ực, nhiều người đã cởi áo vắt vai, rượu tràn ra khỏi miệng chảy dài theo cần cổ xuống ngực. Những đôi mắt đỏ ngầu mất hết vẻ tinh anh, họ cười vu vơ, nói năng lộn xộn. Chiếc đèn măng-sông bị gió từ ngoài thổi vào lao chao làm ánh sáng trong quán trở nên nhấp nhá. Cuối cùng cuộc bàn cãi về việc trừ khử chim cũng xong. Thầy giáo Lượn được chỉ định việc làm đơn đệ lên đồn trưởng xin lính bắn súng. Thầy giáo Lượn không mấy quan tâm về việc đó. Thầy thấy người mền mệt nên cứ nhấp nhổm muốn về. Khuya cơn hen xuyễn của thầy thường nổi lên bất tử.

Thầy giáo Lượn đưa mắt nhìn thầy pháp Ba Gà Mổ, thằng cha coi bộ đã đời. Câu chuyện nói trong bàn nhậu trở nên bát nháo không còn ra đầu ra đuôi gì nữa.

Bẩy Lươn Um thấy trời khuya nên nhắc khéo:

- Khuya rồi đó cô bác, liệu về sớm mai còn đi làm.

Cuộc ăn nhậu tàn, mọi người tản mát ra về. Cộc vừa đi vừa nhìn lên trời. Những cành cây sao khô vươn lêu nghêu lên bầu trời như những cánh tay xương. Những con chim vẫn đậu củ rũ trên đó. Có lẽ chúng đói lắm, thỉnh thoảng có một con vỗ cánh phạch phạch kêu lạc lõng. Trời nóng nực đến ngột ngạt. Có thể đêm nay sẽ đổ xuống một trận mưa. Cộc chỉ tay lên trời hăm:

- Tụi bay sẽ chết mẹ hết nghe, đồ ăn cướp, đồ phá hoại. Hãy kêu đến cho thiệt nhiều rồi chết một lượt cho vui.

Căn nhà của thầy giáo Lượn ở tuốt tận cuối xóm. Cách gốc cây sao chừng hai chục thước. Một cành khô to vươn ngang nóc nhà, căn nhà làm bằng cây, lợp lá gồi, tầng dưới dùng làm lớp học, căn trên có cầu thang gỗ bắc từ ngoài lên bao lơn làm lối đi riêng. Hàng đêm, một vài con chim cao hứng tung cánh bay vù vù, xà thấp Đôi khi chúng đánh nhau chí choé. Giáo Lượn về tới nhà vào khoảng mười hai giờ đêm. Hắn bật quẹt châm vào ngọn đèn Hoa Kỳ trên bàn làm việc. Hắn mở cửa sổ đứng nhìn mung lung ra ngoài trời. Phía xa là nghĩa địa, căn nhà xác ở phía trái, một con đường nhỏ lượn vòng đủ lọt chiếc xe nhà binh từ ngoài lộ dẫn vào nhà xác.

Giáo Lượn nhìn lên cao, những cành cây khô trụi những con chim đậu trên cành thành những chấm đen bất động. Một cơn gió bỗng dấy lên làm ngọn đèn trong phòng lao chao như muốn tắt. Giáo Lượn nhìn bầu trời không một vì sao. Có lẽ trời mưa mất, hắn nghĩ thầm. Hắn khép hai cánh cửa sổ, gài then cẩn thận, trơ vào cởi quần áo. Gió bên ngoài mỗi lúc mỗi thổi mạnh hơn. Mái lá mỏng manh chuyển động, các cột kèo kêu răng rắc, bức tường ghép bằng cạc tông cũng rung rinh. Giáo Lượn lay lay chiếc cột gỗ như thử lại sức chịu đựng của căn nhà với gió mưa. Hắn chẳng quan tâm đến điều đó. Hắn trở vào lấy bình thuốc xịt có chiếc bơm cao su dài lòng thòng kê vào miệng bơm xịt xịt. Hắn ngáp ngáp mấy cái. Dễ chịu. Giáo Lượn tắt đèn lớn, thắp lên chiếc đèn dầu hột vịt, ánh sáng mờ mờ, hắn vào giường nằm. Tiếng gió vẫn rít lên không ngừng, hình như mỗi lúc một mạnh hơn

làm căn nhà chuyển mình rắc rắc dễ sợ. Những con chim đậu trên cành cây nháo nhác. Giáo Lượn thây kệ, nằm xái tay lơ mơ ngủ. Mùi rượu nồng nặc vẫn chưa hả, giáo Lượn cảm thấy mệt mỏi một cách lạ lùng...

Đang chập chờn, bỗng tiếng gõ cửa nổi lên dồn dập, giáo Lượn ngồi nhỏm dậy nghe ngóng. Khi nhận rõ tiếng gõ cửa có ám hiệu quen thuộc, giáo Lượn vén mùng chui ra. ánh sáng đèn lung linh chiếu hắt bóng giáo Lượn lên vách. Tiếng gõ cửa đều đều, mỗi lúc một mạnh hơn. Giáo Lượn gắt:

- Biết rồi, làm chó gì mà rộn lên vậy?

Giáo Lượn cầm đèn đi ra cửa. Hắn nâng then.

Tiếng đàn bà vọng vào:

- Em đây mà cưng, bộ mệt sao mà gắt dữ vậy?

Cánh cửa hé mở đủ để một người vào lọt, giáo Lượn đưa đèn vào phía trong cho khuất gió. Một khuôn mặt đàn bà ló vào, vợ bé của thầy pháp Ba Gà Mổ. Giáo Lượn hỏi nhỏ:

- Hắn đi đâu rồi?

Chị đàn bà lọt hẳn người vào phòng, tự động đóng cửa cài then:

- Say mèm còn biết trời đất gì nữa đâu!

Giáo Lượn trở lại giường chui vào mùng, hắn nói vọng ra:

- Coi chừng có lần mất mạng cả đôi, thằng thầy pháp Ba Gà Mổ không vừa đâu nhá.

Chị đàn bà chui theo vào mùng:

- Nhằm nhỏ gì, thằng chả ngu như bò.

Giáo Lượn nằm ngửa, thở. Chị đàn bà cúi xuống trên mặt hắn. Giáo Lượn cằn nhằn: - Thôi để nguyên cho người ta ngủ. Chị đàn bà có vẻ bất mãn, mụ nhìn sững vào mặt người anh, gằn giọng:

- Nè, nói thiệt cho mà nghe, đừng có tính đến chuyện phụ rẫy con này.

Tiếng nói của giáo Lượn trở nên yếu ớt: - Không phải vậy, nhưng hôm nay anh mệt quá, hồi tối nhậu hơi nhiều, không quen...

Chị không còn gay gắt nữa sau câu nói của giáo Lượn. Chị hỏi:

- Có phải các anh bàn về vụ mấy con chim không?

- ứa!

- Rồi sao?

- Giết chúng, anh được chỉ định làm đơn gửi lên đồn mượn súng và lính về bắn.

Gió ngoài trời mỗi lúc một mạnh hơn. Một tiếng động trên mái nhà. Chị đàn bà ôm lấy người tình:

- Cái gì đó?

Giáo Lượn nghe ngóng rồi trả lời:

- Có lẽ một cành cây gẫy.

Bàn tay mát rượi của chị ta lần vào trong áo giáo Lượn, mắt nhìn lên mái:

- Phía trên mái nhà anh có một cành cây lớn lắm, nó mà rớt xuống là bỏ mạng cả đôi.

Giáo Lượn tỉnh khô: - Còn khuya em ơi, vả lại mình đâu có ở đây lâu nữa. Được chết bên em là hạnh phúc nhất cho đời anh.

Đôi mắt chị đàn bà hấp háy trong ánh sáng nhá nhem, đôi mắt chị trở nên long lanh tình tứ:

- Thiệt há mình, em chán thằng cha Ba Gà Mổ quá rồi, nó lường gạt tía em để lấy em, hại cả một đời son trẻ.

- Biết rồi, ráng chịu ít lâu nữa đi nghe, anh còn phải thu xếp...

Giọng chị đàn bà trở nên hờn dỗi:

- Ráng chịu, ráng chịu hoài à! Tình trạng phập phồng này mỗi lần đến với mình em lo lắm.

Giáo Lượn vuốt ve người yêu:

- Nhà mình ở tách biệt hẳn với lối xóm ai biết được. Vả lại, em chỉ đến vào đêm hôm khuya khoắt, mưa gió thế này.

Chị đàn bà dúi mặt mình vào khuôn mặt lép kẹp của người tình. Những chiếc hôn thật dài điểm trên da thịt giáo Lượn làm hắn thấy xốn xang. Chị như con cọp cái trước miếng mối xương xẩu. Giáo Lượn năn nỉ:

- Tội nghiệp anh mà, đêm nay anh mệt quá sức rồi. Ngọn đèn dầu quên tắt trên bàn lao chao. Gió rít mạnh ngoài trời và mưa xối xả trên mái lá. Quá nửa đêm, chị đàn bà tỉnh dậy khi nghe thấy âm thanh gù gù cạnh mình. Đèn tắt, giáo Lượn đang ngồi bó gối trên giường thở gấp, hơi thở hắn hình như bị tắc nghẹn ở cổ họng. Hắn ráng thở nên âm thanh trở nên gù gù. Chi đàn bà mò thấy giáo Lượn, chị phát cười như nắc nẻ:

- Coi kìa, coi kìa, anh gù như con chim bồ câu gọi mái.

Giáo Lượn ráng nhịn thở khều tay ra hiệu cho người tình :

- Cái bơm, cái bơm ở bàn...

Lời nói của giáo Lượn trở nên tội nghiệp. Chị biết mình đùa hơi quá trớn và không phải lúc. Chị lại cảm thấy yêu thương người anh hơn. Chị đỡ giáo Lượn nằm xuống. Nhưng hắn gạt tay ra, hắn không thể nằm được khi cơn hen đang hành hạ.

Chị đàn bà tung màn ra bàn lấy cái bơm, trở lại kê vào họng giáo Lượn. Giáo Lượn ngửa mặt, quờ lấy cái bơm cao su bóp lấy bóp để, như đứa trẻ đói sữa mò được vú mẹ. Một lát cơn xuyễn dịu xuống, giáo Lượn dễ thở hơn. Bấy giờ chị mới đỡ người tình nằm xuống. Gió mưa bên ngoài ào ạt, tiếng chị nói nhỏ bên tai người tình đầy xót xa:

- Tội nghiệp mình quá, tội quá!

Giáo Lượn lim dim trong sự vuốt ve trìu mến của người yêu, sự sảng khoái dâng lên ngập hồn. Gần sáng, mưa gió bão bùng mỗi lúc một dữ dội hơn, căn nhà chuyển mình răng rắc làm hai người thức giấc hốt hoảng.

Giáo Lượn tốc màn ngồi dậy, hét lên:

- Nguy rồi em ơi!

Nguyên tấm mái lá bị trốc, gió cuốn bung đi, mưa ào ạt tạt vào nhà. Gió thổi bung mất vách, Giáo Lượn và tình nhân chạy cuồng lên trong căn nhà tan hoang. Tiếng thân cây chuyển mình. Cả hai cùng thét lên.

Liên gia trưởng Hai Thợ ngồi bật dậy khi nghe tiếng đổ xầm ở cuối xóm, tiếng đổ nặng nề làm rung rinh cả nhà cửa. Hắn lay vợ:

- Nguy rồi, cây đổ!.

Mưa gió vẫn ào ạt. Chị vợ cũng ngồi dậy ngơ ngác:

- Cây đổ vào nhà ai rồi?

Hai Thợ lo lắng:

- Mạn cuối xóm, không chừng chỗ nhà thầy giáo.

- ứa, em cũng nghĩ vậy.

- Để anh chạy ra coi.

Chị vợ níu tay chồng:

- Đừng anh, nguy hiểm lắm, chờ mưa ngớt đã.

Mãi tảng sáng mưa mới tạnh, cơn bão đã đi qua.

Người lối xóm chạy ra chỗ cây đổ hối hôm. Cây vẫn đứng trơ trơ, chỉ riêng một cành lớn gầy, cành cây to bằng một thân cây đè lên sườn nhà còn lại của thầy giáo Lượn. Thầy pháp Ba Gà Mổ từ trong xóm chạy ra kêu um lên: - Bà con cô bác thấy vợ tôi đâu chỉ giùm làm phước, đêm qua khi tôi về nhà còn thấy nó ngủ kia mà.

Những người khác nhớn nhác gắt gỏng:

- Ai biết, nhà thầy giáo bị cây đè xập rồi, thấy không?

Y tá Chín lon ton xách thùng thuốc chạy ra:

- Có người bị thương không?

Người đầu tiên chạy tới nơi xảy ra tai nạn là liên gia trưởng Hai Thợ. Anh nhìn vào căn nhà nát bấy rồi đứng cúi mặt. Những người chạy chưa tới lên tiếng hỏi:

Có ai làm sao không, anh Hai? Hai Thợ không trả lời, anh quay lưng lại. Rồi đám đông cũng tới nơi. Họ đứng lại, có người ôm mặt kêu lên thảng thốt:

- Trời ơi?

Y tá Chín bỏ rơi thùng thuốc xuống chân:

- Vầy còn cứu sao nổi! ở quanh đó, nóc vách nhà bay tứ tung, bàn ghế cũng vậy, như có một bàn tay khổng lồ bốc từng nắm tung hê ra bốn phía.

Thầy pháp Ba Gà Mổ chạy tới. Hắn đứng khứng:

- Trời ơi, vợ tôi đây mà!

Dưới chàng ba cây, xác giáo Lượn và xác vợ thầy pháp Ba Gà Mổ chết bẹp bên nhau. Cả hai cùng lõa lồ. Ba Gà Mổ điên tiết, lão dẫm chân bành bạch, mắt quắc muốn tét mí, tay xỉa xói: - Trời phạt tụi bay, tổ cha quân gian phu dâm phụ, đồ quạ mổ ó đâm. Trời ơi, tôi đâu có ngờ... Hai người đàn ông níu chặt hai cánh tay Ba Gà Mổ không cho lão nhào tới xác chết. Xác chết nằm bật ngửa, khắp người đầm đìa máu, máu loang ra cả sàn nhà ướt rác rưởi. Khắp người nạn nhân hình như sau khi chết còn bị những mỏ nhọn

rỉa rói, có chỗ trơ xương, bụng bị xé rách toang, ruột gan lòng thòng. Bốn lỗ mắt sâu hoắm.

Hai Thợ thở dài buồn bã:

- Tôi đâu có dè sự thể như vầy!

Thầy pháp Ba Gà Mổ vẫn gào thét chửi bới. Mọi người ngửa mặt nhìn lên những cành cây sao còn lại. Những con chim vẫn đậu ở đó, chúng rỉa lông rỉa cánh, có con nghển cổ kêu khét khét. Một đứa trẻ chỉ lên cành cây cao:

- Coi kìa, có khúc ruột thòng lòng.

Mọi người định thần nhìn theo hướng tay trỏ của đứa bé. Họ nghi ngờ:

- Hình như không phải khúc ruột.

Mãi sau y tá Chín mới nhận ra:

- A đúng rồi, cái bình bơm thuốc xuyễn của giáo Lượn. Trời, mấy con chim thiệt là...

Y tá Chín bỏ lửng câu nói.

Bầu trời xám ngoét như thấp hẳn xuống. Chín Méo từ đâu tới xăm xăm đi vào, cái thằng làm nghề tảo mộ bất lương, chuyên môn ăn cắp đồ người chết chôn theo:

- Cô bác yên chí, để tôi bao thầu dọn dẹp luôn đám này cho.

Không chờ ai đồng ý, Chín Méo tự ý dọn dẹp bươi móc những đồ vặt vãnh, hình như hắn vừa đút cái gì vào túi. Có người trông thấy la lên:

- E, Chín Méo hôi của!

Chín Méo nhe răng cười:

- Sức mấy không hôi!

Trẻ nhỏ và người lớn nhảy ùa vào. Chỉn Méo vùa la vừa nạt nộ:

- Ê, hổng được nghe, tôi tới trước.

- Bỏ đi Tám!

Đám người như giặc cướp xông vào bới tung lên.

Một đứa nhỏ ôm được chiếc la dô chạy pin, một đứa khác có chiếc đồng hồ để bàn, đứa lượm được cái bóp tiền của giáo Lượn. Đứa không có gì liền nhảy đến chụp. Thế là một cuộc xô xát xảy ra, tiếng chửi thế vang rân át cả tiếng quát tháo nạt nộ của ông liên gia trưởng Hai Thợ. Không ai nghe, nói đúng hơn chẳng ai eần nghe. Đám xô xát mỗi lúc một dữ dội, có kẻ đã đổ máu, lần này thêm cả người lớn nhập cuộc binh con. Hai xác chết thê thảm vẫn nằm trơ trơ. Thầy pháp Ba Gà Mổ lên cơn, nhẩy múa như lên đồng, hô hoán gọi âm binh. Những con chim đậu trên cành cây ngó ngoái cổ nhìn xuống. Chúng kêu khét khét như âm thầm hỏi nhau chuyện gì xảy ra ở dưới kia thế

Chiếc ống bơm bằng cao su đu đưa trong gió sớm mai.

Bầu trời nặng màu chì. Lão ba Nghiêu suốt ngày ngồi trên ghế xích đu hút thuốc rê. Một nửa người lão bị tê liệt từ mười năm nay. Chiếc ghế lão nằm kê ngay ở hàng hiên nhìn ra khu vườn xanh rì cây lá. Lão ba Nghiêu đã già lắm, mặt lão nhăn nheo, nhăn nheo như da quả trám khô. Mùa nắng lão chỉ mặc có chiếc quần đùi rộng thùng thình, cổ vắt một chiếc khăn rằn ri cũ mèm để lau mồ hôi. Thân hình lão gầy còm khô héo như xác ve sầu, hai chân lâu ngày không vận động trở nên nhỏ teo khô quắt lại như hai khúc ống sậy. Cái bụng luôn luôn hở rốn, nhăn nhúm như một cái túi da mốc thếch. Thú vui độc nhất của lão là hút thuốc rê, trên cái miệng móm mém lúc nào cũng bập bập điếu thuốc quấn vụng to bằng ngón tay cái. Lão có thể điều khiển điếu thuốc chạy từ mép bên này sang mép bên kia rất gọn. Nhưng đừng tưởng lão nằm một chỗ như vậy mà không biết gì. Lão là người kỳ cựu ở đây. Lão nằm, lão nghe ngóng và hiểu hết mọi chuyện. Thằng cháu nội của lão là cu Sún, chính nó là cái máy truyền tin nhanh chóng nhất. Bố cu Sún là anh hai Khâu chạy xích lô máy suốt ngày. ở nhà chỉ có hai ông cháu. Cu Sún chạy rong trong xóm, nó lưu ý đến tất cả mọi chuyện để về kể lại cho ông nghe.

Khi cu Sún chạy về nhà, lão ba Nghiêu đã hút tàn một điếu thuốc rê, lão đang vấn điếu khác. Lão để miếng giấy vào lòng bàn tay trái, rắc một ít thuốc lên trên, kế đó lão hơi uốn cong góc giấy, lão dùng bàn tay kia xoe tròn một cái. Thế là điếu thuốc thành hình sâu kèn, lão đưa lên miệng, thè lưỡi rơ qua một đường, dán lại. Lão dùng móng tay út lùa những sợi thuốc lồm xồm vào điếu thuốc cho gọn gàng, đoạn để lên môi.

Điếu thuốc được chuyển đi chuyển lại nhiều lần từ mép này sang mép kia. Lão chưa đốt vội, lão ngẩng lên hỏi thằng cháu mặt mày bẩn tèm lem:

- Có chi lạ không mày?

- Bữa nay trên chùa ông Tám Tô có đám ma.

Vậy hả, hèn gì tao nghe chuông trống dộng hoài từ sáng đến giờ, mà ai chết hồng?

Thằng cu Sún quệt ngang mũi:

- Anh hai Du, nội à.

Lão ba Nghiêu đang định mồi lửa. Lão ngừng tay bật quẹt máy ngẩng lên hỏi:

- ủa, thằng hai Du đi lính mà?

- ứa, ở nhà ảnh mới nhận được tin ảnh chết trận.

- Vậy hả, có mang xác về không?

- Chết mất xác đâu đó.

Lão ba Nghiêu bật quẹt máy xoè xoè. Lão bập bập điếu thuốc nhả khói mù mịt, chép miệng: - Tội nghiệp không, nó mới cưới vợ năm rồi. Nè, mày qua bền thì nói với ông cụ Chất tao gởi lời chia buồn nghe.

- Dạ!

Thằng cu Sún định chạy đi. Lão ba Nghiêu gọi giật lại:

- Nè, đi đâu đó?

Cu Sún tưởng nội nó hỏi tin tức nữa, nó nói:

- Hết chuyện rồi, nội à!

- Tổ cha mày, tao đâu thèm hỏi chuyện nữa, mày mang cái quẹt máy đi xin cho tao ít xăng.

Nói xong, lão trao cho cháu cái quẹt, thằng bé chạy khỏi. Lão nằm hút thuốc nhả khói tùm lum nhìn ra ngoài vườn cây, lắng nghe tiếng tụng kinh từ trên chùa Tám Tô vẳng lại. Lão lầm bầm chửi thề:

- Đ M. thằng Tám Tô đạo đức giả!

Lão ba Nghiêu vốn ghét Tám Tô từ hồi nhỏ, lớn lên lão lại mang một mối hận tình.

Hồi đó lão Nghiêu còn trai trẻ, lão yêu thương con Hồng. Tám Tô cậy thế con nhà giàu cướp của lão.

Sau này vợ chồng Tám Tô cũng chẳng được hạnh phúc gì, con Hồng sinh ra bài bạc. Tám Tô lập chùa. Dân trong xóm nói Tám Tô chán đời nên muốn nương nhờ cửa Phật. Riêng lão Nghiêu không nghĩ thế, lão cho rằng có một âm mưu đen tối trong vụ đi tu này. Lão kinh tài bằng cửa Phật. Này nhé, lão có một trại đóng hòm, có chùa, có nghĩa địa cho thuê. Dân vùng này chết, ai cũng phải qua tay Tám Tô hết. Tám Tô bán hòm, làm ma rồi cho thuê luôn đất chôn. Thế là bao nhiêu mối lợi người chết đều vào tay thầy chùa Tám Tô.

Lão Nghiêu nằm nghĩ lan man về dĩ vãng mình.

Cuộc đời lão gắn liền với xóm này, lão ra đời, sống, lấy vợ, sinh con đẻ cái ở đây. Lão nghèo nhưng cũng còn mảnh vườn ông cha để lại. Lão biết rõ từng gia đình trong xóm. Qua bao nhiêu cuộc đổi đời, lão Nghiêu vẫn sống ở đây. Lão ghét Tám Tô, nhưng vẫn phải sống gần Tám Tô, đó là điều ân hận nhất đời lão. Nhiều khi uất hận quá, lão nói với thằng con trai, hai Khâu:

- Tao nói thiệt cho mày biết, tao mà chết thì để quạ đến rỉa xác tao, chớ mày mà nhờ thằng thầy chùa Tám Tô làm đám, tao vế bóp cổ mày chết tươi đó, Khâu à?

Hai Khâu nghĩ cha mình già nên lẩm cẩm, anh gạt đi:

- Tía thiệt kỳ, chuyện ngày xưa mà hơi sức đâu nhắc hoài, nghe bắt ngấy!

Lão Nghiêu nói trớ đi:

- Tao ghét thằng chả đạo đức giả.

Hai Khâu đi làm về mệt nhọc nên không khỏi bực tức, anh nói bét ra:

- Chớ không phải chuyện bà Hồng sao?

Thế là lão Nghiêu to tiếng, lão ngoan cố, vừa chửi vừa giải thích. Lão nhất định không nhận lời nói của con gán cho. Hai Khâu không trả lời cha nữa. Anh bỏ ra quán chú Lì nhậu lai rai ba sợi. Lão Nghiêu càng tỏ ra thâm thù Tám Tô, có dịp là lão không tiếc lời chửi bới.

Nắng đã lên cao, chờ mãi không thấy thằng cu Sún mang quẹt về, lão đã vấn sẵn hai ba điếu thuốc rê mà không có lửa mồi. Lão ngậm một điếu thuốc trên môi đưa qua đưa lại, lão thắc mắc:

- Thằng Sún đi đâu mà lâu vậy cà?

Có ai đi qua lão mồi nhờ miếng lửa.

Quán chú Lì ở ngay đầu xóm. Địa điểm đó là một ngã ba đường dẫn ra lộ chính. Người ta không biết chú ba Tầu này đến đây mở cửa hàng từ đời thuở nào, nhưng từ bao nhiêu năm nay vẫn không có gì thay đổi. Bàn ghế cũ kỹ, quán hàng lụp xụp. Thực đơn: Buổi sáng có cơm tấm, bàn bì, cà phê. Buổi chiều có cháo giò heo, bì cuốn, đồ nhậu lai rai và rượn đế. Quán đông khách thường xuyên vào buổi sáng sớm, dân lao động ra ăn điểm tâm đôi ba đồng bạc trước khi ới làm. Buổi tối gần như dành riêng cho các tay nhậu. Họ bàn tán với nhau đủ mọi chuyện xảy ra ngoài thành phố. Cầu chuyện chỉ tàn khi rượu đã cạn và đêm về khuya. Một vài người quá chén nói bậy bạ vài câu trước khi ra về.

Buổi tối hôm nay, trên chùa Tám Tô làm đám cho Hai Du, dân nhậu bu đông ở trên.

Quán chú Lì vắng khách.

Dân nhậu lai rai chỉ có vài ngoe ngồi trông buồn xo một vài người bàn tán về cái chết của Hai Du, tất cả đều nói trật lấc, họ nói Hai Du bị mã tấu chém lìa đầu người nói bị súng ngựa trời bắn banh xác. Người ôm xác Hai Du lần cuối đang ngồi đây, nó là bạn Hai Du từ hồi nhỏ. Nó bận quần áo lính nhảy dù rằn ri ngồi uống đế lầm ri ở một góc quán. Mặt nó sắt lại như đá, nó lặng nghe những bậc chú bác nói chuyện về bạn, nhưng không lên tiếng. Đôi mắt nô ngầu đỏ nhìn ra ngoài trời tối mông lung. Con hẻm tối có những cơn gió chạy dài khua động lá cây xào xạc. Gã thanh niên mặc bộ đồ dù tu nốt xị đế, đặt cái chai không đến cộp xuống bàn:

- Chú Lì, cho thêm một xị nữa đi!

Chú Lì ngần ngại nhìn nó:

- Keo à, mày uống nhiều rồi đó!

Thằng Keo một lần nữa dằn mạnh cái chai, mắt dữ tợn, nhắc lại:

- Cho một xị nữa!

Chú Lì thấy bắt ớn. Chú hơi ngạc nhiên vì tính nết thay đổi bết thường của thằng Keo. Hồi chưa đi lính, nó là thằng thanh niên hiền lành nhất xóm. Vậy mà... Roạt? Nó rút mạnh con dao lê dấu trong bụng ra cắm phập xuống bàn. Cán dao rung lên. Chú Lì đành ra phía sau nhà róc đế. Chú gặp thằng cu Sún đứng thập thò ở đó. Chú nói nhỏ:

- Sún, mày "dĩa" kêu ba thằng Keo ra giùm tao, biểu rằng thằng Keo nhậu say sắp phá quán tao nghe mây!

Sau đó chú Lì cũng mang đế ra cho thằng Keo. Nó tu đế khè khè như rắn. Đôi mắt đỏ ngầu rọi ra đầu xóm tối om. Tất cả mọi người có mặt ở đó thầm hỏi:

"Thằng Keo chờ đợi ai?".

Thắc mắc ấy chỉ một lát sau được chính thằng Keo giải đáp. Nó uống hết già nửa xị đế, tay cầm cổ chai chống lên đùi, tay kia nắm lấy chuôi dao, mắt quắc dữ tợn, răng nghiến trèo trẹo. Tiếng nói nó trở nên cay nghiệt: - Mẹ nó, tôi phải xả thịt nó ra, quăng cho chó ăn, quân phản bội, đồ đàn bà chó đẻ. Mọi người ngơ ngác nhìn nhau. Thằng Keo rít lên, nhưng rồi nó cười nhạt:

- Đàn bà, đàn bà thề non hẹn biển rồi nuốt lời. Quân chó đẻ đó tôi không thể để nó sống được ở trên đời này. Dân nhậu lại đưa mắt dò hỏi nhau:

- Nè, ai đó?

- Hổng biết!

Mặt thằng Keo lạnh như tiền, làm nhàm:

- Về đây con, về đây, ông cố nội mày lụi mày đủ mười lát dao thôi. Đ.M mới đi lính mười tháng, thót đi làm điếm rồi. Đ.M nhơn tình thế thái. Đ.M mình chết lên chết xuống, cực nhọc hơn con chó để nó ở đây chửng giỡn với ba thằng Mỹ. Chửi rủa như vậy hình như thằng Keo chưa đã giận. Nó đứng dậy rút phất con dao cầm lăm lăm trong tay. Dân nhậu hoảng hồn, một người lên về kêu ba thằng Keo. Một vài người khác bạo dạn hơn trờ tới tìm lời mềm mỏng khuyên giải:

- Keo à, mày có điếu gì buồn phiền thì vô đây nói tụi tao nghe coi. Hung hăng vậy coi sao đặng, dân nhậu phải tỉnh táo mới đáng mặt chớ mày.

Thằng Keo trừng mắt:

- Mấy người biết gì! Đ.M. đừng xía vô chuyện tôi chết oan à! Giết con Lan xong, thằng này tự sát liền cho coi.

Lúc đó đám nhậu mới hiểu nỗi lòng thằng Keo. Thì ra mèo thằng Keo là con Lan hiện giờ đi bán "ba " ở Sài Gòn. Chú U thấy mình có ít nhiều trách nhiệm trong vụ này. Chú xông ra nắm tay thằng Keo:

- Keo à, tao nói phải quấy mày nghe, giết con Lan tội nghiệp nó. Hoàn cảnh bắt buộc đó mày.

Thằng Keo la lên:

- Ai bắt buộc nó, phải con đĩ mẹ nó không. Tôi vô lụi chết luôn một thể.

Chú Lì xuống nước năn nỉ: - Keo ơi, tao xin mày, van mày, quanh đây bà con cô bác không à. Mày xử vậy coi sao được.

Thằng Keo hậm hự:

- Tôi chán đời rồi, tôi đếch cần? Tôi thề con Lan phản bội tôi, tôi giết nó.

Chú Lì phân lẽ phải trái:

- Mày còn thương con Lan chớ gì, mày để nó làm ăn, tội nghiệp nó vì hoàn cảnh gia đình. Nó đâu muốn vậy!

Thằng Keo bớt hung hăng, tay cầm con dao bỏ xuôi lơ. Mắt nó mở thao láo nhìn con hẻm tối. Tất cả bực tức dồn nén bao lâu nay bất giác làm nó tủi phận. Nó nghĩ đến hình ảnh người yêu, rồi nước mắt nó chảy ra, nó gục đầu khóc trên bàn. Nó thật tình thương con Lan, nhưng nó tự ái. Lâu nay con Lan không còn viết thư cho nó nữa, cho đến bây giờ nó trở về để tìm hiểu sự thật. Một sự thật đắng cay. Bao nhiêu nỗi buồn đè nặng trong lòng nó. Hai Du chết rồi và con Lan đi bán "ba ", nghề đó đâu có xa nghề làm điếm. Đêm nay nó ngồi đây, chờ người tình phụ bạc để lụi ít dao. Nó tự hỏi không biết mình có mù quáng không?

Khách nhậu thấy thằng Keo ngồi gục đầu trên hai tay, đôi vai rung lên. Nó đang khóc, nó nức nở gọi tên người yêu:

- Lan ơi, Lan ơi!

Một khách nhậu đến định an ủi nó thì chú Lì can:

- Đừng anh, để cho nó khóc, tội nghiệp, nó khóc được thì nó đỡ khổ.

Trong khi đó mẹ con Lan đã được thằng cu Sún chạy đến báo tin dữ. Bà hoảng hồn, miệng nam mô chạy ra đầu xóm kêu xe dông tuốt lên chỗ con Lan bán, dặn nó đừng về mà nguy hiểm đến tính mạng.

Con Lan nghe tin đó không hề xúc động, nó nhún vai:

- ảnh giết con cũng được chớ sao?

Bà Hoa gắt nhỏ:

- Mày nói chi kỳ vậy. Tao đẻ ra mày để thằng nào muốn đâm muốn chém cũng được sao. Mày còn phải trả hiếu cho tao, phải nuôi tao. Mày vẫn còn thương thằng đó sao? Đừng có lãng mạn rởm, chết vì tình.

Lan thản nhiên:

- Hết thương rồi, từ ngày má biểu con, con đâu dám thương ảnh nữa. ảnh đi lính đâu có tương lai, con ra đây bán ba kiếm chồng Mỹ bảnh hơn nhiều mà.

Bà Hoa biết con gái nói mỉa, bà cau có:

- Tao có cấm cản mày đâu!

- Dạ, nhưng ảnh không vừa ý má thì con thôi liền. May ra bán hàng ở đây kiếm được chồng sĩ quan Mỹ, má à.

Nghe con gái nói móc mình, bà Hoa đay nghiến:

- Có phải mày gài tiếng ác cho tao không?

Lan cười thản nhiên:

- Má đâu có ác, chỉ có con xấu thôi, con chót thề thốt với người ta rồi con lại nuốt lời. Đứa con gái như vậy đáng chết, thôi má "dĩa" đi, mặc con.

Bà Hoa đi khỏi, Lan thở dài. Nàng lẩm bẩm một mình:

- Em đáng tội chết lắm, anh ơi. Phải chi anh hiểu cho em.

Nói xong muốn bật khóc, nàng trở vô quán. Nàng bắt gặp những khuôn mặt đàn ông phè phỡn. Khi bà già con Lan về tới xóm thì bà con cho biết tiếng Keo bị bố nó ra xàng cho một cây rồi xách cổ về nhà. Bà già con Lan đứng phân bua:

- Đó, cô bác coi, tôi khổ vì con quá sức. Biết vậy hồi con Lan còn nhỏ, tôi bóp mũi nó chết ngắc cho rồi. Tôi biểu hoài nó đừng thương thằng đó, nó đâu có nghe tui.

Một người ngứa miệng xía vô:

- Mà chị cản ngăn nó chi vậy, tụi nó thương yêu nhau thì gả phút đi cho rồi.

Mẹ con Lan trề môi:

- Tui biết người biết của mà, tui biết con Lan dại dột bị rù quên nên khuyên bảo vậy thôi. Cô bác tính coi lấy cái thằng suốt ngày chỉ đờn ca, hát xướng mất công mình nuôi rể luôn, cái thứ nghệ sĩ đó đói rã họng suốt đời Bà con lối xóm thấy trời khuya tản mát ra về. Họ chán nghe cái giọng điệu của bà già con Lan. Bác Bẩy Thương đóng cửa cái rầm:

- Đ.M đêm khuya mà um xùm hoài. Mẹ, cái thứ đạo đức giả đó sao không có thánh thần nào vặn họng đi cho rồi.

Chị Bẩy Thương nằm trong mùng cho con bú, gắt vọng ra:

- Ông thiệt kỳ, chuyện người ta mắc mớ gì đến mình.

Bị vợ át giọng, Bẩy Thương nổi nóng:

- Nè, câm miệng, xía vô tao dộng chết mẹ.

Nói xong Bẩy Thương bỏ ra hàng ba tới ghế bố nằm. Anh thoáng nhìn thấy bóng một thằng nhỏ lấp ló gần đó. Anh lên tiếng hỏi:

- Đứa nào đó?

- Cháu đây bác Bảy!

- Sún đó hả mây?

- Dạ!

- Không đi về ngủ còn đứng lấp ló chi đó?

Thằng cu Sún lủi thủi ra về. Nó chợt lo ngại. Chết mẹ, cái máy quẹt chưa tìm thấy, về ăn nói sao đây với ông nội? Quả nhiên khi về tới nhà, nội nó còn nằm ở ghế xích đu hút thuốc rê. Bây giờ lão Nghiêu phải dùng chiếc đèn dầu hột vịt mồi lửa. Thấy cu Sún nép nép đi vào, định chui vào mùng, lão gọi giật giọng:

- Sún, ra tao biểu!

- Dạ!

Thằng Sún đành leo xuống. Chờ cho nó tới gần, lão Nghiêu hỏi giận dữ :

- Máy quẹt của tao mày kiếm thấy chưa?

Cu Sún đứng gãi đầu gãi tai:

- Dạ, cháu kiếm hoài mà... mà...

- Mà cái con ớ mẹ mày! Tao cho mày một ngày nữa đó, không kiếm thấy thì đừng vác cái bản mặt về đây!

Chửi cháu xong, lão nằm ngửa mặt hút thuốc, lão thưởng thức hương vị đậm đà của điếu thuốc rê. Lão biết bây giờ có la thằng cháu cũng vô ích. Lão nghe tiếng trống tung tung từ trên chùa Tám Tô vọng xuống. Lão bực mình lẩm bẩm chửi:

- Đ M thằng thầy chùa Tám Tô um xùm hoài. Quay lại thấy thằng Sún còn tần ngần đứng đó, lão biết ý nó muốn thông tin. Lão hất mặt hỏi:

- Chi lạ không mày?

- Dạ, thiếu giống.

- Nói tao nghe coi.

Thế là thằng cu Sún kể thao thao câu chuyện rùng rợn thằng Keo tính giết con Lan ngoài quán chú Lì cho nội nghe. Lão già hỏi tới:

- Vậy hả, rồi sau sao?

- Anh Keo bị ông già xách đầu về dộng vô lu nước.

- Đ.M. vậy mà không để cho nó lụi chết thứ đàn bà phản phúc đó cho rồi. Còn má con Lan sao?

- Bả chửi anh Keo quá trời!

- ứa, còn con mẹ đó nữa, cũng đáng lụi cho nhát dao lắm. Bà con lối xóm đâu có ai ưa.

Thằng Sún chộp được cơ hội:

- Dạ, phải đó nội, con có nghe bác Bẩy Hương chửi thề!

- Vậy hả, chửi thề sao, nhắc lại coi.

Thằng cu Sún cố nhớ lại:

- Chửi... chửi à... "Đ.M đêm khuya um xùm hoài, mẹ cái thứ đạo đức giả đó sao không có thánh thần nào vặn cổ chết cho rồi..."

Lão Nghiêu nhả điếu thuốc, phun nước miếng cái phẹt, vỗ bụng đét một cái:

- Đ.M. thằng chả thạp tao đa.

Nói được một câu nghĩa lý, lão Nghiêu khoái tỉ cười hê hê. Đêm khuya trời nóng, cây lá ngoài vườn đứng im phăng phắc.

Thằng cu Sún làm xong nhiệm vụ thông tin. Nó chun vô mùng nằm ngủ ngáy khè khè. Lão Nghiêu nằm hút thuốc đập muỗi phành phạch. Một lát sau lão nghe tiếng xích lô máy của Hai Khâu trở vế. Chưa bước chân vô cửa, Hai Khâu đã than:

- Trời nóng quá chừng!

Anh thấy cha còn thức liền hỏi:

- Khuya rồi, tía không đi ngủ sao?

- Trời nóng quá, tao muốn nằm chơi một lát.

Hai Khâu cởi chiếc áo nhà binh cũ rách liệng lên bàn. Anh ra hàng ba đứng ngó trời ngó đất:

- Không chừng đêm nay mưa.

- Tao cũng đoán vậy!

- ờ mưa cái cho mát mẻ, cuối năm trời nóng dữ, à, hôm nay trên Sài Gòn người ta chích ngừa bệnh thiên thời, sao vùng này chưa thấy động tĩnh gì há?

Lão Nghiêu quạt phành phạch. Lão lại nghe tiếng trống trên chùa gõ tung tung. Lão bỗng nhớ đến cách đây mấy năm, bệnh thiên thời phát sinh tại vùng này làm chết vô số người. Hồi đó Tám Tô mới có một kiểng chùa nhỏ. Sau vụ đó Tám Tô giầu lớn. Lão Nghiêu búng mẩu thuốc ra ngoài vườn:

- Trời giúp Tám Tô mãi.

Hai Khâu đang đứng tựa cửa, anh quay lại hỏi:

- Tía nói sao?

- Tao biểu trời giúp Tám Tô làm giầu, một vụ thiên thời nữa thì chả mua hết đất vùng này chôn xác chết, lập thêm mấy kiểng chùa, trại hòm của chả đóng hòm không kịp.

Hai Khâu bực mình:

- Tía cứ hằn thù Tám Tô hoài à, thôi bỏ đi, chuyện xưa nhắc lại hoài.

Lão Nghiêu cũng nổi nóng. Lão la bài hoải:

- Tao nhắc lại chuyện xưa hồi nào?

- Vậy sao tía cứ kiếm chuyện nói xấu Tám Tô hoài, người ta tu hành...

Lão Nghiêu càng nóng:

- Đ M cái quân buôn xác chết đó mà mày biểu là tu hành à! Đ.M cái thứ ba đời cho vay lời, mười đời buôn xác chết đó mà đạo đức cái nỗi gì..

Hai Khâu hừ một tiếng, cười kháy:

- Tui biết tại sao tía thù Tám Tô?

Lão Nghiêu bị câu nói móc tức cành hông:

- Mày biết sao, nói tao nghe coi.

Hai Khâu bỏ vô mùng, cười khẩy, nói vọng ra:

- Tại sao thì tía biết đó, hỏi lại tui làm chi.

Một lát sau lão Nghiêu nghe tiếng con trai ngáy như cưa cây, lão nằm ở ghế xích đu rồi ngủ quên. Nửa đêm trời mưa lớn. Tỉnh dậy lão thấy người lạnh run, miệng há ra mà không nói được. âm thanh cuối cùng lão nghe là một tiếng sét và tiếng giồ mưa ào ạt Ngọn đèn dầu đã bị gió thổi tắt.

Tờ mờ sáng hôm sau, Hai Khâu trở dậy. Anh không quên để lại tiền cho cha và thằng cu Sún. Hai Khâu đi khỏi một lát thì thùng cu Sún cũng thức giấc.

Nó bò ra khỏi giường lấy tiền nhét túi, ra khạp nước rửa mặt. Thấy ông nội ngủ ở ghế xích đu, nó không để ý dông tuốt ra đường kiếm xôi mua ăn điểm tâm. Cu Sún đoán chừng ông nội còn lâu mới thức nên chưa cần mua cà phê sữa vội. Nó cẩm gói xôi đi ăn cùng xóm, đâu đâu cũng xà vào một lát. Nó hy vọng kiếm thấy cái quẹt và tiện thể kiếm ít tin tức sốt dẻo để về kể lại cho ông nội. Nó cố moi khối óc tối tăm coi xem hôm qua bỏ quên cái máy quẹt ở đâu. Nó lẩm nhẩm điểm lại từng nơi tới, đứng thẫn thờ ở ngã ba đường, liệng từng hòn xôi vô miệng.

ở nhà ra đây, gặp thằng Túm, hai đứa ra quán chú Lì nhặt nút phéng, ờ ờ... rồi sau đó... sau đó, Đ.M ngu quá! ứa, phải rồi, chạy lên chùa Tám Tô, "dô" nhà con Bích...rồi...chạy ra ruộng...cha...khó quái Đ.M nhớ chi nổi. Cái máy quẹt đút túi này, không, túi này... rớt sao được. Thằng cu Sún đang cố moi khối óc rối beng của mình thì thằng Túm ở đâu chạy tới. Nó thấy bạn đứng tần ngần như trời trồng ở ngã ba đường liền hỏi:

- Đứng chi đô mày? Thằng cu Sún đang cố gắng nhớ lại một lần chót nhưng rốt cục nó chịu thua. Thấy bạn hỏi, nó chửi thề liền:

- Đ M khó quá!

- Chi khó mày?

Cu Sún quay sang hỏi bạn:

- A, mày thấy cái máy quẹt của nội tao đâu không?

Thằng Túm ngớ ngẩn:

- Cái máy quẹt nào?

- Cái máy quẹt của nội tao đó, hôm qua ổng đưa tao đi xin xăng rồi tao bỏ đâu mất, ổng bố tao quá trời.

- Vậy hả, nhớ lại coi.

Cu Sún nhún vai:

- Đ M tao hỏng chớ nối.

Thằng Túm nhanh nhẩu:

- Đâu, mày tính lại cho tao nghe coi.

Thế là thằng Sún lại tính toán từ đầu, cuối cùng thằng Túm cũng chịu thua luôn, nó đánh trống lảng:

- Lúc ở ruộng, má tao kêu, tao về rồi thày đi đâu?

Thằng Sún lắc đầu:

- Đó tới khúc đó rồi tao ngắc luôn.

Thằng Túm lên mặt:

- Đ M ngu quá, phải chi tao, tao nhớ ra liền.

Bị chê ngu bất tử, thằng Sún tức cành hông:

- Đ.M chớ có làm tàng, không chừng mày còn ngu hơn tao kia. Tao ngu sao được.

Không ngu hả?

- Uà đó.

- Đ M không ngu, không ngu?

Thằng Sún nhẩy chồm tới xàng luôn hai thoi vào mặt bạn. Thằng Túm không chịu kém, nó lao đẩu vào bụng địch thủ loi chí mạng. Bốp, bốp! Thằng Túm té nhủi vào bụi cây. Khi nó rút đầu ra được thì thằng Sún cắm đầu chạy mất. Nó sờ vào lỗ mũi. Cha, máu! Nguy quá? Nó đút hai ngón tay vào lỗ mũi, ngửa mặt lên trời cho máu ngưng chảy. Và cứ như thế, nó đi lêu đêu về nhà. Nó lầm bầm chửi:

- Đ M thằng Sún, thù này quyết trả. Tao đâm mày cho coi, chưa thấy quan tài chưa đổ lệ. Hai ba lần nó sa xuống hố lại leo lên, máu cứ òng ọc chảy ra hai lỗ mũi làm ướt cả bàn tay lem luốc.

Nó nghĩ đến cách chữa cầm máu. Nó chợt nhớ người ta biểu phải kiếm rẻ rách ở đũng quần đàn bà đút nút lỗ mũi lại mới hết chảy máu. Tới sân nhà, nó kêu lên:

- Chị Hai, chị Hai, cho xin một miếng vải quần coi

Chị hai nó đang ở trong bếp thò đầu ra, thấy máu be bét ở mũi em liền la lên:

- Trời ơi Túm, sao đó mày?

Thằng Túm vẫn ngửa mặt lên trời:

- Xé cho miếng vải quần lẹ lên.

Chị Hai chạy lại đỡ em:

- Vô nhà! Thằng nào "uýnh " mày vậy?

Thằng Túm lắc đầu:

- Cho xin miếng vải quần!

Chị nó không nghe, giắt tuốt nó vô nhà, đặt nằm xuống ván ngựa, chạy đi lấy khăn ướt đắp lên trán nó:

- Ngu quá à, nằm đó tao chữa cho. Thằng nào uýnh mày?

Thằng Túm giữ bí mật, nó muốn thanh toán riêng với cu Sún nên nói láo đại:

- Hổng có, tôi té? Mà chị xé cho tôi miếng vải đũng quần nhét vô lỗ mũi tôi.

- Xé sao được, quần tao đang bận, nằm đó tự khắc máu cầm liền.

Quả nhiên một lát sau máu hết chảy. Nó lại nghĩ đến mối thù với thằng cu Sún. Nó thầm hăm:

- Mày làm chảy máu tao, tao cho đổ máu lại.

Khi chị Hai nó xuống bếp, nó len lén lấy con dao nhét vô bụng. Nó chuồn ra cửa, Chị nó ngó thấy la lên:

- Chạy đâu đó Túm?

Thằng Túm trả lời nhưng không thèm ngó lại:

- Tui đi chơi! Nó chạy ra đầu dốc. Tới ngã ba nó gặp thằng cu Sún đang nhếch nhải khóc, chạy ra. Thấy bạn khóc, Túm quên luôn chuyện vừa rồi. Sún vừa khóc vừa nói:

- Nội tao chết rồi, Túm ơi! Thằng Túm đứng khứng. Nó bỏ rơi con dao đến cạch xuống đất:

- ủa, chết hồi nào? Sao chết mày?

- Tao "dĩa" đến nhà thấy ổng chết ngắc, hổng biết tại sao nữa. Hồi sáng tao vẫn thấy ông nằm ở ghế xích đu như mọi khi...

Mắt nó nhìn xuống con dao liệng dưới đất:

- Mấy... mấy...

Thằng Túm thấy cơ sự như thế, liền quên luôn mối thù. Nó nhe hàm răng đen thui ra cười làm lành:

- Thôi mình huề nghe mày.

- Mày tính mang con dao đi đâu đó?

Thằng Túm cười hì hì:

- Tính lụi mày ít dao.

- Chà, nói thấy ghê!

Thằng Túm trở lại chuyện ông nội thằng Sún:

- Mày tính sao cái xác ông nội mày? Ba mày đi làm rồi.

- Tao đi kêu bà con lối xóm.

Thằng Túm đứng suy nghĩ một lát:

- Mày lên kêu cha thầy chùa Tám Tô coi.

- ứa, phải đó, coi bộ chả rành về vụ xác chết lắm.

Khi Hai Khâu về tới nhà thì bà con lối xóm đã lo liệu gần xong việc tẩm liệm ông già anh. Tám Tô đứng chỉ huy lớp người làm như ông tướng cầm quân. Ông tự đứng ra coi sóc công việc đó một cách tận tình. Thấy thế tuy không vui, nhưng Hai Khâu chẳng biết nói sao. Anh chỉ chép miệng cám ơn chung bà con, Tám Tô biết ý chạy lại nơi anh:

- Vì cháu vắng nhà nên bác phải lo liệu giùm, cháu đừng ngại cái đó, dẫu sao tía cháu và bác ngày xưa cũng có ít nhiều... bà con. Nghĩa tử là nghĩa tận mà cháu.

Hai Khâu riu ríu cảm ơn. Anh cũng cố nói một câu cho đỡ tủi vong linh ông già:

- Dạ, bố con cháu xin cám ơn bác mà cháu nghe đâu giữa tía cháu và bác ngày xưa có điều không hợp nhau...

Lão thầy chùa Tám Tô vỗ vai Hai Khâu thân mật:

- Bác biết điều đó chớ, nhưng mình già rồi hơi sức đâu nhớ hoài chuyện ngày xưa chi cho mệt.

Nét mặt Tám Tô buồn buồn:

- Ngày xưa, tuổi trẻ... mà thôi, nhắc lại chuyện đó làm chi. Con người mình sống ở đời này đâu có được là bao. Giầu sang phú quí hay nghèo hèn lúc chết cũng như nhau, còn lại được ngày nào trên thế gian này thì cốt sao giữ cho tâm hồn được thanh thản.

- Bác hiểu anh Nghiêu không ưa gì bác, nhiều lần bác muốn làm huề, nhưng chưa kịp thì... chao ôi! Một đời người có nghĩa lý gì đâu... Hồi sáng chính tay bác vuốt mắt ảnh, bác thấy như chính một phần hồn bác chết theo. Cháu tính coi suốt mấy chục năm trời sống chung trong một xóm. Với lớp người xưa, giờ đây còn lại mình bác ở lại thế gian. Khi lão thầy chùa Tám Tô ngưng lời, đôi mắt Hai Khâu đỏ hoe. Anh buồn bã nhìn bài vị của cha anh, ở đó có ba nén nhang tỏa khói nghi ngút. Đêm hôm đó, lão Tám Tô ở lại tụng kinh siêu thoát cho ông già Nghiêu. Tiếng tụng kinh ê a điểm tiếng chuông, tiếng mõ buồn tênh như tiếng khóc than cho kiếp người. Anh Hai Khâu và thằng cu Sún mặc đại tang quì phủ phục trước linh cữu. Anh lẩm nhẩm khấn vái:

- Tía ơi! Con mong rằng tía không phiền trách con là đứa con bất hiếu không nghe lời tía. Nếu linh hồn tía thấy cảnh này thì tía sẽ hết hằn thù với Tám Tô. Cuộc đời người ta có được bao lâu đâu tía, vợ con nó bỏ chồng con đi theo trai, con cũng bỏ qua luôn thì tía cũng đừng để tâm đến chuyện ngày xưa chi nữa mà khổ linh hồn.

Bà con lối xóm mang đồ phúng điếu đến, mỗi người đều có lời chia buồn. Bà già con Lan đứng ở góc nhà luôn miệng nói "tội nghiệp", tay lần chuỗi tràng hạt lên nước nâu không biết lần thứ bao nhiêu. Bẩy Thương vừa đi vào thấy cảnh đó tức lộn tiết. Khi trở ra, anh chửi thầm:

- Đ M sao đời này nhiều loại người đạo đức giả vậy cà?

Về khuya, tiếng cầu kinh siêu thoát càng buồn. Ngoài trời nổi gió lớn, cơn gió chạy dài trong lòng hẻm sâu hun hút, làm những cây tre chuyển động cọ vào nhau kêu kèn kẹt như tiếng nghiến răng của người mơ ngủ. Con Lan đi làm về khuya. Nó bỗng rùng mình khi nghe tiếng kinh siêu thoát. Nó hỏi thầm:

- ủa! Ai chết đó?

Một bóng đen từ trong hẻm đi ra, tay cầm dao sáng loé. Lan nhìn thấy và nhận ra thằng Keo. Nàng không hề sợ hãi, bình tĩnh tiến lại. Hai đứa nhìn mặt nhau không nói một câu. Lan thấy tâm hồn mình rạo rực. Nàng chờ đợi, không phải một nụ hôn cháy bỏng như ngày xưa, một mũi dao của người anh cắm ngập vào thân thể đang tàn tạ. Tay Keo run lên, nó thất vọng, không có một lời van xin, không giải thích. Tay nó từ từ xuôi xuống, thở dài:

- Mai anh đi rồi?

Trong ánh sáng nhá nhem của sao đêm, Keo nhìn thấy hai giọt nước mắt của người tình chảy dài trên gò má phấn son tàn phai. Keo cúi đầu đi:

- Vĩnh biệt Lan!

Con dao bị bỏ rơi đến cạch xuống nền đất dằn.

Tiếng từng niệm của ông thầy chùa Tám Tô như đuổi theo từng bước chân Keo và đôi mắt người tình của nó cũng đang nhìn theo. Keo chẳng bao giờ nhìn lại nữa, mai nó đi rồi, đi mãi, không bao giờ còn trở lại xổm này. Đêm nào đó, Lan về, tiếng kinh siêu thoát đếm bước nàng trên thế gian. Trong tiếng tre già nghiến răng mơ ngủ và tiếng gió chép miệng thở dài. Thầy chùa Tám Tô thỉnh xong hồi chuông chiều, lão ra đằng sau chùa. ở đó là nghĩa địa, ngôi mồ của lão Nghiêu mới đắp, đất còn tươi rói. Buổi chiều cuối năm, các gia đình có người thân chết chôn tại đây đều đến làm cỏ sạch trơn. Trời cũng sắp tối, người thăm mả về hết, nhưng những cây nhang vẫn còn cháy, những bó hoa cúc còn tươi.

Lão Tám Tô đi vòng qua từng khu mồ mả, ông đọc tên từng người chết ở từng tấm bia, hầu hết là những người quen biết Tám Tô hoặc thân hoặc sơ. Lão Tám Tô bỗng nhiên thấy buồn mang mang. Lão trở lại đứng trước nấm mồ mới của lão Nghiêu, thở dài nhè nhẹ, nhớ lại ngày xưa, hồi năm chục năm về trước.

Đêm động phòng hoa chúc của vợ chồng Tám Tô, Tám Tô bỗng thấy đôi mắt vợ mình dại đi khi lời ca điệu "hoài tình " của Nghiêu cất lên trong vườn bên cạnh. Tiếng ca của Nghiêu buồn rười rượi như than thở trách móc kẻ bạc tình. Năm chục năm thấm thoắt trôi, lời ca đó thấm sâu vào tâm hồn Tám Tô, buổi chiều nay nô lại dậy lên khi thể xác Nghiêu đã nằm sâu trong lòng đất, khi tâm hồn Tám Tô tưởng chừng như không còn vương vấn chuyện đời.

Đang suy nghĩ miên man, bỗng nhiên Tám Tô nghe tiếng động. Lão quay lại. Thằng cu Sún hiện ra, mặt mũi nó bẩn tèm lem. Tám Tô cất tiếng hỏi:

- Ra đây chi đó cháu?

Thằng cu Sún nhìn nấm mồ ông nội. Nó giơ cái máy quẹt ra:

- Cháu tính ra bươi đất chôn cái máy quẹt này xuống mồ nội cháu kẻo ổng không có gì mồi lửa hút thuốc rê.

Lão Tám Tô xoa đầu nó:

- Sao hồi tẩm liệm cháu không đưa để bỏ vô hòm luôn?

- Tại cháu mới kiếm thấy. Bữa hổm nội cháu đưa máy quẹt cho cháu để đi xin xăng, cháu làm mất. Hôm nay biết con Bích ăn cắp, cháu uýnh nó đòi lại đó.

Tám Tô cười dễ dãi:

- Thôi cháu đưa đây, để mỗi đêm ông dùng thắp nhang cắm mộ nội cháu.

- Nội cháu còn hút thuốc rê Gò Vấp nữa đó.

- Được, ông sẽ cho nội cháu hút.

Lúc đó trời xụp tối. Tám Tô dắt thằng cu Sún trở về chùa. Lão nhìn ra chân trời thấy vì sao hôm mọc đơn độc. Lão thở dài, lão thấy mình cô đơn.

Nguồn: truyen8.mobi/t123198-than-phan-ma-troi-chuong-6.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận