Nói tiếp, khi người lạ ấy nghe nhà hàng nói những lời thời kinh hoàng thất thố, lật đật uống ít chén rượu, tính tiền trả rồi bỏ đi. Bao Công thấy như vậy gọi nhà hàng lại hỏi: "Người mới ra đó tên họ là chi?". Nhà hàng đáp: "Người đó tên là Bì Hùng, đầu dọc của mười hai người buôn ngựa". Bao Công nhớ rõ tên họ, ăn uống xong, sai Bao Hưng vào huyện truyền dụ, còn mình đi sau. Tới nơi thấy nha dịch thơ lại sắp hàng nghênh tiếp. Vào trong dinh, quan phủ ấn dâng ấn tín lên. Bao Công liền lật cả sổ bộ giấy má ra xem thấy trong đó có một án, là tên Trầm Thanh giết ông sãi trong điện Già Lam, tình tiết chi li thật là khó hiểu. Vì vậy vội vã thăng đường xuống lịnh sẽ thẩm vấn cái án của Trầm Thanh. Bọn nha lại thấy Bao Công đã đi phục dò, hỏi các việc trước khi nhậm chức biết là một viên quan công minh nên đều sợ sệt.
Bao Công lên công đường sai lính lập tức vào ngục dẫn bọn Trầm Thanh ra bắt đứng sắp hàng trước bệ. Bao Công xem kỹ Trầm Thanh tuổi ngoài ba mươi, dáng sợ sệt, quỳ mọp xuống đất, trông có vẻ là kẻ hung tàn, bèn cất tiếng hỏi rằng: "Trầm Thanh, mi vì cớ gì mà giết người, mau mau khai ngay, đặng bản quan xem xét". Trầm Thanh khóc mà thưa rằng: "Muôn lạy lão gia, ngày trước lúc con đi thăm cha mẹ, trở về nửa đường trời tối mưa dầm, nhân thấy gần bên có một cảnh chùa, con bèn vào xin nghỉ nhờ. Hôm sau đương đi trên đường, gặp công sai, thấy sau lưng con có vết máu, họ tra hỏi con ở đâu đi lại, con không giấu giếm gì, đem cả việc mắc mưa vào chùa thuật lại, ai dè công sai nghe rồi bắt con dẫn trở lại điện Già Lam. Con không rõ sự gì cũng đành liều đi theo, tới chùa thấy bên bàn Phật có thây thầy sãi bị giết. Con không biết ai giết, nhưng mà công sai cứ đổ con là người giết sãi ấy, bắt vào giam nơi ngục này, thật là oan ức cho con lắm. Xin đại gia lấy lượng từ bi, đèn trời soi xét cho con nhờ". Bao Công nghe qua liền hỏi rằng: "Lúc mi đi ra khỏi chùa là lúc nào?". Trầm Thanh thưa: "Trời vẫn chưa sáng". Bao Công lại hỏi: "Y phục mi sao lại có vết máu ấy?". Trầm Thanh thưa rằng: "Nguyên con xuống bếp, có một giọt máu ở đâu rơi xuống dính vào áo con". Bao Công nghe rồi gật đầu; truyền đem giam lại trong ngục, rồi sai khiêng kiệu xuống điện Già Lam, Bao Hưng cưỡi ngựa đi theo. Bao Công vừa đi vừa nghĩ rằng: "Nếu thật tên Trầm Thanh kia giết thầy sãi, sao mé trước mình không vấy máu lại vấy ở sau lưng và một điều lạ là trong tay nó không có khí giới gì". Còn đương suy nghĩ đã tới điện Già Lam. Bao Công xuống kiệu, cấm kẻ thủ hạ không cho một ai vào, chỉ đem một mình Bao Hưng cùng đi. Bao Công vừa bước vào điện thấy tượng Phật hư mục, liền bước vòng lại sau tượng xem rõ dưới trên bất giác gật đầu. Rời điện chính xuống nhà bếp, ông thấy trên mặt đất quả có dấu máu, thấy bên cạnh có một vật, nhặt lên xem, rồi đút ngay vào tay áo rộng, trở ra lên kiệu đi thẳng về nhà.
Về tới thư phòng thì Lý Bảo đã đem hành lý tới và xếp đặt trong cả rồi, Bao Công uống trà xong sai Bao Hưng truyền cho trưởng lại trong nha tới hầu. Người ấy là Hồ Thành nghe lệnh đòi, liền vào ra mắt Bao Công. Bao Công nói với Hồ Thành rằng: "Ta có một chuyện cần, muốn dùng nhiều thợ mộc, vậy người phải kêu giúp cho ta, nội ngày mai cho có". Hồ Thành dạ dạ lui ra.
Hôm sau, Hồ Thành đem thợ tới, Bao Công đã bảo sắp sẵn những bàn thấp, và có đủ bút, nghiên, giấy ở sau nhà, đem bọn thợ ra đó đếm cả thẩy là chín người, mời ngồi cả vào bàn và nói rằng: "Bản quan muốn làm ít cái đế để bồn hoa, vậy mỗi người phải nghĩ vẽ một kiểu, nếu ai vẽ đẹp và lạ, sẽ được thưởng tiền". Các thợ vâng dạ, ai nấy cắm cúi lo vẽ. Bao Công ngồi trên định thần xem kỹ, một lát các thợ đều dâng kiểu lên. Bao công tiếp lấy xem, tới một bức liền hỏi: "Bức này của ai, người vẽ tên họ là gì?" Một người thợ bước ra thưa: "Bức đó vốn của tôi, tên là Ngô Lương". Bao Công liền cho các thợ kia về hết, chỉ giữ lại một mình Ngô Lương mà thôi, rồi sai lính dắt vào công đường, nha dịch đánh trống rầm lên. Bao Công bước lên công đường vỗ bàn hỏi lớn rằng: "Ngô Lương, sao mi dám lớn gan giết chết thầy sãi, cớ sự thế nào mau mau khai rõ?" Ngô Lương nghe qua run như thằn lằn đứt đuôi, hồn vía lên mây thưa rằng: "Lạy lão gia, tôi là kẻ lo làm ăn không hề làm những chuyện như vậy, xin lão gia xét lại, kẻo oan người lương thiện". Bao Công nói: "Đầu đuôi nhất thiết, ta đã hiểu rồi, mi còn chối, chưa chịu khai sao? Tả hữu đâu? Vào điện Già Lam thỉnh tượng Phật về đây". Tả hữu dạ dạ đi liền, một lát khiêng tượng Phật đem về, mọi người lấy làm lạ không biết chuyện gì, xúm xem đông như kiến. Bao Công bước ra tiếp tượng Phật và làm bộ như nói năng bàn bạc chuyện gì, rồi trở vào nói với Ngô Lương rằng: "Phật mới vừa bảo cho ta biết rằng lúc mi hạ sát thầy sãi ấy, mi có để dấu tích ở sau lưng Ngài". Nói đoạn sai nha dịch dẫn Ngô Lương ra xem, quả thấy sau lưng tượng Phật có vấy một bàn tay trái sáu ngón in vào rõ ràng. Ai dè lúc dòm lại tay Ngô Lương, bàn tay trái cũng có sáu ngón, so với dấu đó không sai một mảy. Ngô Lương bấy giờ hồn xiêu phách lạc câm miệng không có một lời nào chối cãi. Tả hữu thầm khen Bao Công là một vị thần minh nên mới tra được những án mầu nhiệm như vậy. (Nguyên lúc Bao Công vào chùa khám nghiệm, nhặt được dưới đất một cái đấu đen lại thấy sau lưng tượng phật, có dấu in rõ sáu ngón tay, biết là tay người thợ mộc có nhánh, nên lập kế ấy).
Khi so tay rồi tả hữu dắt Ngô Lương ra quỳ trước công đường, Bao Công vỗ án hét to lên rằng: "Mi là người phạm tội, sao chưa chịu khai còn đợi gì nữa?". Ngô Lương liền khai rằng: "Xin đại gia chớ giận, tôi xin khai ngay. Số là tôi với hòa thượng trong chùa quen biết nhau lắm. Ngày kia tôi cùng hòa thượng chén tạc chén thù, hòa thượng say tít, tôi bảo hòa thượng nên cho đồ đệ đi quyên giáo, kiếm chút ít dành dụm. Hòa thượng không ngại gì lòng tôi nên nói thiệt rằng: "Việc ấy khỏi lo, là vì mấy năm nay đã có để được hai mươi lượng bạc". Tôi hỏi luôn hòa thượng chỗ cất có được chắc chắn không kẻo lạc mất thì khốn, hòa thượng nói rằng cất trong đầu tượng phật. Khi tôi nghe rõ, bỗng động lòng tham, lại thấy hòa thượng đương say liền lấy búa đập chết đi tay còn dính máu, đi ngay lên tượng phật, tay trái đỡ lưng, tay phải thò vào đầu móc bạc, chẳng dè dấu tay đó là cái tang chứng ngày nay, đại gia đã thần minh thấu rõ, tôi còn giấu giếm làm chi". Bao Công nghe khai xong liền đưa cái đấu ra cho nó coi. Ngô Lương nhận là của mình làm rớt trong lúc lấy búa mà không hay. Xong xuôi bắt Ngô Lương đứng tờ cung xưng, còn Trầm Thanh thời cho mười lượng bạc và tha về.
Bao Công vừa muốn lui vào hậu dường, bỗng nghe tiếng trống và tiếng kêu oan inh ỏi, liền sai tả hữu đòi vào, đó là một gã thiếu niên và một người trung niên. Tới trước công đường, gã thiếu niên quỳ xuống cáo rằng: "Lạy thượng quan, tôi tên là Khuông Tất Chánh có một người chú buôn hàng lụa tên là Khuông Thiên Hựu. Chú tôi có một cây quạt san hô nặng ước một lượng tám, đánh mất ba năm nay chưa tìm được. Ngày nay tôi gặp người này lưng đeo quạt giống y của chú tôi, nên năn nỉ y cho tôi xem, kẻo để nhìn lầm không phải, té ra người này đã không cho lại mắng nhiếc và níu tôi lại, nói rằng tôi giật của, xin đại gia lấy lượng hải hà xét cho tôi nhờ". Còn người kia khai rằng: "Tôi nguyên là người phủ Giang Tô, họ Lữ tên Bội, đương đi giữa đường gặp tên này kéo tôi lại, nói rằng cây quạt san hô tôi đeo trong lưng đây là của chú nó, nghĩ vì giữa lúc ban ngày, nó dám đón người giật của, xin thượng quan tra xét". Bao Công nghe nói sai đem quạt lên xem quả là một vật rất tốt, màu đỏ bóng, liền hỏi Khuông Tất Chánh rằng: "Mới rồi mi nói quạt này nặng bao nhiêu?". Tất Chánh đáp: "Một lượng tám". Bao Công lại hỏi Lữ Bội, Lữ Bội nói: "Nguyên của người bạn cho nên không biết nặng bao nhiêu?". Bao Công bảo Bao Hưng đem cân đúng một lượng tám không sai. Bao Công mới ngó Lữ Bội mà rằng: "Cứ như lời Khuông Tất Chánh khai vật này là của nó". Lữ Bội lật đật thưa: "Lạy thượng quan, xin đèn trời soi xét, vì của đó bạn tôi cho làm sao tôi biết được bao nhiêu phân lượng. Bao Công hỏi vặn lại rằng: "Đã nói là của bạn mi cho, vậy bạn mi là ai có nhớ hay không". Lữ Bội đáp: "Người bạn cho tôi cây quạt đó là Bì Hùng trùm lũ bán ngựa". Bao Công nhớ lại tên Bì Hùng ở trong quán, vội vàng sai tả hữu dẫn hai người lui ra, một mặt sai người đi tìm Bì Hùng.
Khi Bì Hùng tới Bao Công thăng đường hỏi rằng: "Nghe nói nhà ngươi có cây quạt san hô, vậy còn hay không?". Bì Hùng đáp: "Ba năm trước tôi có vật ấy". Bao Công hỏi: "Vậy ngươi có đem quạt ấy cho ai hay không?" Bì Hùng thưa: "Tôi không biết quạt ấy là của ai, còn đợi người mất xin mà trả lại, thời làm sao dám cho người khác". Bao Công hỏi: "Vật ấy bây giờ ở đâu?". Bì Hùng thưa: "Hiện còn ở tại nhà tôi". Bao công nghe xong, liền sai đem Bì Hùng ra, đem Lữ Bội lên hỏi: "Mới rồi ta hỏi Bì Hùng, nó nói không cho mi quạt thế sao mi lại có, hãy khai rõ cho ta nghe?". Lữ Bội ngơ ngẩn nói: "Đó là vợ của Bì Hùng cho". Bao Công hỏi: "Làm sao mà vợ Bì Hùng lại cho mi?". Lữ Bội làm thinh không khai nữa. Bao Công nạt tả hữu đem chèo kẹp ra, lúc đó Lữ Bội mới chịu khai rằng mình tư thông với Liễu Thị, nên Liễu Thị lén tặng làm của tin. Bao Công cho đòi Liễu Thị tới, ai dè Liễu Thị giận chồng hay kết bè gian giảo, nên vào công đường liền khai ngay việc chồng nàng tư thông với vợ Dương Đại Thành là Tất Thị mới lấy được quạt nọ mà đem về, giao cho nàng cất ba năm nay. Nhân mới đây kết hảo với Lữ Bội, lén đem cho phứt đi. Bao Công nghe qua, lập tức viết trát đi bắt Tất Thị.
Đương còn thẩm vấn bỗng nghe ở ngoài có tiếng trống, cho gọi người đánh trống vào, té ra người ấy là Khuông Thiên Hựu chú của Khuông Tất Chánh, nghe cháu bị người kéo níu đến phải vào cửa quan, nên sợ hãi chạy tới bày tỏ nỗi oan ức. Thiên Hựu tới trước mặt Bao Công quỳ xuống bẩm rằng: "Nguyên ba năm trước tôi có sai tên Dương Đại Thành cầm cây quạt san hô làm vật chứng thực tới tiệm lấy nhiễu. Sau hai ngày tôi tới tiệm không thấy Dương Đại Thành mà cây quạt cũng không có ở đó, vì vậy tôi đến nhà y hỏi thăm. Hóa ra Dương Đại Thành đã chết đêm trước rồi, mà quạt ấy cũng không rõ đã lọt vào tay ai. Việc ấy tôi bỏ qua đã ba năm nay, chẳng dè mới rồi, cháu tôi nhìn quạt ấy mà bị người cáo tố tới thượng quan, xin thượng quan cứ lẽ công bình, xét xem ai đúng ai sai". Bao Công cho Thiên Hựu xuống, và đòi Bì Hùng và Tất Thị lên. Bao Công hỏi Tất Thị trước rằng: "Chồng mi chết về bệnh gì?". Tất Thị luống cuống chưa kịp đáp, Bì Hùng đứng một bên hớt rằng: "Vì bệnh đau bụng mà chết". Bao Công nổi giận vỗ án hét lớn rằng: "Đồ chó, nhạy miệng mà hại thân, thật bọn mi đã đồng mưu mà giết Đại Thành, lẽ đã lộ rồi, mưu gian khó giấu, mau mau khai rõ". Bì Hùng nói: "Thật tôi có thông gian với Tất Thị chớ không có mưu hại Đại Thành". Bao Công gắt giọng hỏi rằng: "Mi còn chối nữa sao? Mi đã quên lúc những lời tửu bảo nói trong quán và tình trạng mi lúc ấy thế nào rồi sao?". Bì Hùng nghe nhắc tới, mặt tái xanh, lạy mà bẩm rằng: "Lạy thượng quan, mưu sâu không che được mắt thần, xin để kẻ hèn thú thật, nguyên vì tôi thông gian với Tất Thị, sợ Dương Đại Thành hay nên lập mưu phục rượu cho y say, rồi dùng dao nhọn đâm chết, mua quan quách, khâm liệm, nói dối là đau bụng mà bỏ mình, sẵn thấy có cây quạt san hô, mới xách đem về cho vợ tôi cất. Đó là tội ác tôi làm tôi chịu, há đổ cho ai". Bao Công nghe xong, bắt ký tờ cung xưng, kết án tử hình, còn Tất Thị bị xử lăng trì, đánh Lữ Bội bốn chục hèo, Liễu Thị bị bán làm nô tỳ. Chú cháu họ Khuông vô sự lãnh quạt ra về.
Án ấy phát lạc rồi, mọi người đều khâm phục tài của Bao Công, còn bọn gian rất đỗi kinh sợ.
Tại Tiểu Hà Oa, có một ông già tên là Trương Tam người cương trực, giàu lòng nghĩa hiệp nên còn có tên Biệt Cổ, trước chuyên nghề đốn củi nuôi thân, nay tuổi cao sức yếu được anh em trong bọn cho coi sóc việc cân đo cũng đủ tiền ăn qua ngày tháng. Một hôm chợt nhớ tới Triệu Đại ở bên Đông Tháp Oa mấy năm trước có thiếu bốn trăm đồng tiền mua củi, mới sửa soạn đi đòi. Khi tới nhà Triệu Đại thấy phong cảnh khác xưa, cửa nhà đổi mới, Biệt Cố lấy làm lạ không dám đi vào, lần tới nhà lối xóm hỏi thăm, mới biết Triệu Đại vừa phát tài giàu có lớn lắm, nên trong làng đều kêu y là Triệu quan nhân. Trương Tam nghe nói trở lại lấy gậy gõ cửa kêu lớn rằng: "Triệu Đại, Triệu Đại anh ơi!". Nghe trong cửa có tiếng đáp rằng: "Ai xấc lắm vậy, cái gì mà Triệu Đại, Triệu tiểu hử?". Cửa mở, Triệu Đại quần áo bảnh bao, mày râu nhẵn nhụi, sang trọng lắm, liền hỏi rằng: "Nhớ năm trước chú còn thiếu tôi bốn trăm đồng tiền củi, năm nay khá, cho tôi xin lại". Triệu Đại nói: "Trả thời trả, song nán vào nghỉ chơi đã". Đương lúc nói chuyện ở trong nhà bước ra một người đàn bà, Triệu Đại chỉ nói: "Người này là vợ của em đây ". Và day lại nói với người đàn bà ấy rằng: "Chẳng phải ai đâu lạ, đó là anh Trương Tam đây mà". Người đàn bà nghe nói bước tới thi lễ. Trương Tam cùng hai vợ chồng vào nhà, người đàn bà bưng trà ra, Trương Tam không uống cứ đòi về. Triệu Đại thấy không thể giữ lại, liền lấy đủ số tiền trả. Trương Tam xem thấy những chậu đen để la liệt trong nhà thì xin một cái, Triệu Đại liền cho, Trương Tam mừng lắm vội vã ra về.
Từ Đông Tháp Oa về Tiểu Hà Oa, đường xa ước ba dặm, Trương Tam tay xách chậu, tay chống gậy lần về. Đi tới một gốc cây kia, bỗng nhiên gió thổi ù ù, hơi lạnh làm cho Trương Tam nổi da gà, liền để chậu xuống nghỉ, bỗng nghe văng vẳng sau lưng có tiếng bi ai rằng: "Thắt đứt lưng ta đi". Trương Tam nghe tiếng sợ lắm, đằng hắng vài cái, xách chậu lên đi không dám ngó lại, mà tai vẫn cứ nghe tiếng kêu: "Trương bá bá ôi! Chờ tôi với!". Trương Tam quay đầu lại không thấy ai, sợ và giận lắm, miệng lẩm bẩm trách mình rằng: "Ta không khi nào ăn ở gian tà, mà sao lại bị ma chòng yêu ghẹo, hay là mạng ta đã tới nên gặp quỉ đón đường đây chăng?". Bụng nghĩ vẩn vơ, chân bước thẳng, về tới lều tranh, xô cửa bước vào, dẹp gậy và chậu, vừa đặt đít ngồi lại nghe tiếng: "Bác ơi! Tôi chết rất oan khổ!". Trương Tam kinh hãi nói thầm rằng: "Cái gì mà cứ ghẹo ta mãi vậy? Người chính trực sợ cóc gì loài ma quái". Nghĩ vậy liền cất tiếng hỏi rằng: "Thôi, mi nói ta đã nghe rồi, vậy mi là ai đó?". Bỗng nghe đáp: "Tôi đây là Lưu Thế Xương người ở làng Bác Bửu ngoài cửa thành Tô Châu, nhà có mẹ già là Châu Thị, cưới vợ con nhà họ Vương, sinh được một trai tên là Tuế, nhà chuyên nghề buôn lụa làm kế sinh nhai, nhân lúc bán hết về nhà, hành lý nặng nề mà lừa đã mệt, nhân lỡ đường trời tối, ghé ngủ nhờ nhà Triệu Đại. Ai dè vợ chồng nó thấy của nhiều động lòng tham, mới giết tôi mà đoạt. Bác ôi! Oan chìm biển thẳm, cừu hận suốt đời, nó giết tôi rồi đem cả xương thiêu ra tro, trộn với đất nặn thành những chậu đen đó. Vậy phiền bác, thương người oan uống, thay tôi mà tới trước mặt Bao Công kêu oan giùm". Nói dứt tiếng khóc ròng. Trương Tam nghe nói động lòng hào hiệp không còn sợ gì, kêu rằng: "Cái chậu đen (nghe có tiếng dạ) ta giúp mi đi tố cáo, e Bao Công không nhận đơn, vậy mi nên theo ta đi mới xong". Nghe tiếng đáp rằng: "Xin vâng lời bác, bác có đi thì cứ xách chậu theo là đủ".
Cả đêm Trương Tam lo liệu không hề nhắm mắt, sáng ngày dậy sớm ra đi. Khi tới huyện Định Viễn trời còn sớm lắm, cửa chưa mở, ngồi chờ giây lâu, mới nghe tiếng trống hầu, Trương Tam xách chậu đi vào, miệng kêu oan chẳng dứt. Nha dịch vào bẩm, Bao Công vời vào, Trương Tam liền đem việc Triệu Đại cho mình một cái chậu đen và lúc gặp hồn oan khóc tỏ những gì, một lượt nói qua không sót, và lấy chậu đen để làm chứng. Bao Công nghe qua, liền cất tiếng kêu thử cái chậu đen, tới đôi ba lần mà không nghe ứng tiếng; nhưng thấy Trương Tam già cả e là lẫn lộn nên không giận, liền sai dẫn ra. Ra khỏi cửa Trương Tam hỏi cái chậu vì sao Bao Công kêu nó không dạ, cái chậu trả lời rằng: "Vì trong cửa có môn thần, tôi vào không được, xin bác thưa lại". Trương Tam lật đật xách chậu chống gậy và kêu oan nữa. Nha dịch cản lại Trương Tam liền đem lời cái chậu mới nói với mình thuật lại. Bọn nha dịch vào bẩm, Bao Công nghe qua vội vàng viết một đạo bùa sai đem ra ngõ đốt và cho đòi Trương Tam. Tới trước công đường, Bao Công cũng kêu cái chậu như trước, đôi ba lần cũng không thấy trả lời, cả giận vỗ bàn rày mắng om sòm, và sai tả hữu đè Trương Tam đánh mười hèo để răn kẻ sau. Tả hữu vâng lời đánh đủ số hèo và đuổi ông già ra khỏi cửa. Trương Tam ra ngoài kêu cái chậu mà hỏi nữa thì nó đáp rằng: "Vì thân thể trần truồng không dám ra mắt tinh chủ (Bao Công là Khuê tinh giáng thế) xin bác làm ơn vào bẩm lại". Trương Tam nói: "Thôi đi, thân già sức yếu, làm ơn chưa thấy ơn, đã thấy mười hèo đáp trước, bây giờ còn bảo vào... " Cái chậu đen cứ năn nỉ mãi ông cũng xiêu lòng lại vào kêu oan. Bao Công lấy làm lạ nghĩ rằng: "Đã bị mười hẻo, mà còn vào nữa, chuyện này quả có can cớ chi đây, Nghĩ vậy cho người ra hỏi, Trương Tam cũng đem lời cái chậu đen mới nói mà thưa lại. Bao Công liền sai Bao Hưng lấy quần áo giấy ra đốt, và đòi Trương Tam vào. Trương Tam vừa đi vừa kêu, thời nghe cái chậu ứng thinh đáp lại. Vào trước công đường, Bao Công cũng kêu như trước, chuyến này mới nghe có tiếng đáp rằng: "Lạy tinh chủ, có tôi đây" Ai nấy nghe đều lấy làm lạ. Bao Công liền hỏi Trương Tam điều oan khúc của cái chậu đen, Trương Tam liền thuật lại cặn kẽ. Bao Công nghe rồi cho Trương Tam ra nghỉ, một mặt viết thơ sai người đi mời bà con của Lưu Thế Xương (hồn oan của cái chậu đen), một mặt cho đi bắt vợ chồng Triệu Đại.
Khi Triệu Đại và vợ là Điêu Thị tới, Bao Công không cho thấy mặt nhau, trước đem Triệu Đại ra hỏi sơ sài rồi đem giam, kế đem Điêu Thị ra, Bao Công nói: "Điêu Thị, chồng mi đã khai rằng việc giết Lưu Thế Xương, mưu mẹo đều tại mi bày chỉ". Điêu Thị nghe nói giận chồng lắm, nên không chối cãi cứ việc khai thật rằng: "Khi Lưu Thế Xương ghé ngủ nhờ, chồng tôi thấy bạc nhiều, động lòng tham, nên lấy dây thắt cổ cho chết nghẹt mà đoạt của, bây giờ bạc ấy vẫn xài chưa hết, còn để tại nhà". Bao Công bắt lăn tay vào tờ cung xưng rồi lập tức sai người đi lấy bạc. Lấy bạc xong, sai đem Triệu Đại lên để đối chất với vợ nó, ai dè đứa gian thường hay to gan, Triệu Đại một mực không chịu khai, đến nỗi bị tra khảo quá mà chết. Bao Công đem thây ra, còn mình thì làm tờ thông lên phủ và viết tấu văn báo về kinh.
Vừa khi mẹ và vợ Lưu Thế Xương tới, Bao Công liền giao bạc lại, và tiền bán gia tài của Triệu Đại. Còn Trương Tam, mẹ và vợ Lưu Thế Xương đem về nuôi, để đáp ơn người hào hiệp.
Thật là:
Triệu Đại mưu gian nên chết nghiệt,
Trương Tam lòng tốt được ơn đền.