Thất Hiệp Ngũ Nghĩa Chương 7

Chương 7
Thiết tiên miếu cứu xong tớ nghĩa, Thất lý thôn dò được án nghi.

Nói về bốn anh em họ Vương, ăn nhiều uống đậm, nên đặt lưng nằm xuống thời ngủ mê man. Tới canh tư giật mình thức dậy, thấy trăng tỏ làu làu tưởng đâu trời đã sáng, nên đánh thức cả bọn, sắm sửa lên đường. Còn Công Tôn Sách cũng vì lo lắng mà trọn đêm không nhắm mắt, nghe bọn kia thức, thời cung vội vàng trổi dậy, thấy người hầu chờ trước quán (ngựa của anh em họ Vương nhường cho Công Tôn Sách) liền rửa mặt gỡ đầu, lấy chiêu bài, mang thùng thuốc, tính tiền trả cho nhà hàng, rồi cùng nhau lên ngựa, nhằm phủ Khai Phong đi tới. 

Vầng trăng lãng đãng, vó ngựa rập ràng, ngọn cỏ sương dầm, bước đường quạnh quẽ. Ngựa chạy lần tới một khóm rừng, lúc ấy là đầu canh năm, chợt thấy trước mặt có một tòa miếu, thoáng qua một bóng người, nhìn rõ là đứa con gái mặc áo đỏ, chạy tới cửa miếu lách mình chui vào. Ai nấy xem rõ đều lấy làm lạ Trương Long nói: "Đêm khuya thanh vắng mà con gái đi vào miếu làm chi, chắc cũng có duyên cớ, nhân trời chưa sáng chúng ta nên vào đó coi thử thế nào?" Mã Hán bảo bọn đi theo đem ngựa và hành lý vào trong rừng tùng núp đợi, còn năm người bước tới cửa miếu thấy có tấm biển đề ba chữ "Thiết Tiên Quan". Công Tôn Sách nói: "Lạ chưa? Người con gái mới đi vào, không nghe đóng cửa, mà bây giờ cửa lại khít cứng như vậy?". Triệu Hổ chạy lại co tay đấm vào cửa rầm rầm, vừa đấm vừa kêu: "Đạo nhân mau ra mở cửa". Chợt nghe trong cửa có tiếng hỏi: "Ai đó? Làm cái gì mà đêm hôm tăm tối lại động cửa rầm rầm như vậy?". Vừa dứt tiếng thời cửa mở ra, có một vị đạo nhân bước tới. Công Tôn Sách vội vàng thi lễ và nói: "Chúng tôi là người đi đường, nhân nóng công việc đi quá sớm, bây giờ khô cổ khát nước xin cho vào nghỉ chân, và nhờ chén trà nhấp giọng, rồi sẽ dâng ít nhiều lễ mọn để hương khói". Đạo nhân nói: "Khoan đã! Để tôi vào bạch lại với viện trưởng mới được". Đương nói chuyện lôi thôi, chợt thấy ở trong có một vị đạo sĩ mày rậm mắt to, trán cao lưng lớn đi ra nói rằng: "Quý vị muốn uống trà, thời có ngại gì, xin mời vào". Năm người đi theo tới đại diện, thấy đèn đuốc sáng chưng, chia ngôi chủ khách cùng ngồi. Hỏi chuyện ít câu, đạo sĩ đi vào trong lo trà nước. Trương Long, Triệu Hổ nóng chuyện khi nãy, nên giả đi tiểu, lỏn ra sân sau tìm người con gái áo đỏ. Đi vòng quanh miếu thấy hiên sau có một cái chuông lớn, lại gần nghe có tiếng rên. Triệu Hổ nói: "Chắc ở trong này". Trương Long bảo rằng: "Đâu, hiền đệ xách lên coi". Triệu Hổ đỡ lên, Trương Long thò tay vào kéo người trong ấy ra, thời là một ông già bị trói co lại, miệng nhét đầy những bông vải, liền cởi trói và móc bông trong miệng ra, một chập ông già tỉnh lại than rằng: "Thôi, chết ta rồi! Khổ lắm!" Trương Long hỏi: "Ông là ai, sao lại bị chúng nó bắt nhốt trong này vậy?". Ông già đáp: "Tôi là Điền Trung, người ở Trần Châu. Nhân con Bàng Thái Sư là An Lạc hầu Bàng Dực vâng chỉ đi chẩn tế cho dân nghèo, nó tới nơi không tuân lệnh vua, lại lập ra một cái hoa viên, cướp bắt con gái dân gian đem về hãm hiếp. Chủ nhân tôi là Điền Khởi Nguyên, chủ mẫu là Kim Ngọc Tiên, nhân lão bà bị bệnh, cắt thịt nấu thuốc cho uống, đến khi bệnh lành chùa thắp hương cầu nguyện. Ai dè Bàng Dực thấy người có sắc, sai thủ hạ bắt đi và bắt luôn chủ nhân tôi cầm trong ngục, lão bà ở nhà nghe tin như vậy, khóc ngất lên rồi chết. Tôi lo lắng chôn cất xong, tính lên Kinh cáo tố, đi nửa đường trời tối ghé Thiết Tiên quan này ngủ trọ nghỉ chân. Lũ đạo nhân trong miếu thấy hành lý tôi nặng nề tưởng là nhiều tiền, sắp sửa hãm hại, vừa mới ra tay, thời nghe tiếng động ngoài cửa, nên mới đem nhốt vào đây, nếu chậm một phút nữa thời mạng già này đã ô hô rồi. Tôi chết không tiếc chi, ngặt nỗi oan kia không ai tố cáo". Trong khi ông già thuật chuyện, Triệu Hổ liếc thấy bên cạnh có một tên đạo sĩ đứng rình, bèn nhảy tới đá cho một đá nhào lăn xuống đất. Nào hay đứa hung đạo kia ở nhà trong đương lo quạt trà đãi khách dòm không thấy Trương Long, Triệu Hổ, mới sai tiểu ra kêu, lâu quá không thấy trở ngại, biết là có chuyện chẳng lành, hắn bèn trở vào phòng kín, thay đồ giáp xách đao bén, ra hậu viện xem sao. Khi ra tới nơi thấy tiểu bị đã ngã nằm dưới đất, máu giận phừng phừng, liền nhảy tới huơ đao chém Trương Long. Trương Long mắt sáng như sao, mình lẹ như chớp nháng, nhảy ra tránh khỏi lưỡi đao, đạo nhân nhảy tiếp theo chém một đao nữa. Trương Long tay không có một tấc sắt, một khúc cây chống đỡ, khốn lắm không biết làm sao, cứ nhảy qua nhảy lại né lưỡi đao mà thôi. Đạo nhân chém không trúng tức lắm, cứ xông tới chém mãi. Trương Long ra hết thế để bắt đao, song đạo nhân võ nghệ cũng khá, nên không thể đè bẹp được. Trương Long cầm cự như vậy hồi lâu, may sao Vương Triều chạy tới. Đạo nhân quay lại chém Vương Triều, Vương Triều liền thủ thế "Suy song vọng nguyệt" chờ ngọn đao gần tới, luồn mình nhảy vào, đạo nhân trống thế, bị Trương Long ôm ngang eo ném ra xa, ngọn đao văng tuốt. Triệu Hổ nhảy tới đạp trên lưng đè xuống, còn Trương Long chạy kiếm dây, trói lại, dắt ra trước điện. Rồi mấy người chia nhau tìm kiếm khắp miếu không thấy ai nữa, vòng lại chính điện thấy tượng Bồ Tát mặc áo đỏ, biết người con gái vào miếu hồi khuya là Bồ Tát hiện thân để cứu Điền Trung khỏi nạn, ai nấy đều tôn niệm vô cùng. 

Bây giờ Công tôn Sách mới chạy vào rừng tùng gọi những người đi theo đem hành lý ra, cho bốn người áp giải hai tên đạo nhân tới huyện Tường Phù, quan huyện làm tờ thân báo lên phủ. Rồi tất cả cùng Điền Trung ra khỏi miếu nhằm phủ Khai Phong đi tới. 

Khi tới phủ, bốn anh em họ Vương tạm ở ngoài, một mình Công Tôn Sách vào ra mắt Bao Công, đem chuyện mình đi thuật rõ lại một lượt. Thuật xong công Tôn Sách đứng dậy xin Bao Công cho mình đi dò xét chuyện Lưu Thị nữa. Bao Công bằng lòng, Công Tôn Sách mang rương thuốc ra đi. 

Công Tôn Sách đi rồi, Bao Công kêu Bao Hưng dắt Điền Trung vào thư trai hỏi rõ nguồn cơn, rồi cho xuống ở dưới trà phòng, đợi lúc thẩm xét sẽ kêu tới, không ló mặt ra, e hở môi lậu tiếng mà Bàng Phủ biết chuyện. Lại truyền Bao Hưng mời bốn dũng sĩ vào ở trong ban phòng chờ khi sử dụng. 

Công Tôn Sách ra khỏi nha môn đi miết tới làng Thất Lý, vừa đánh chiêng beng beng, miệng vừa rao lớn rằng: "Bà con cô bác, ở hai bên đường, nghe cho tỏ tường, có thầy thuốc giỏi, đạo y sành sỏi, học thức uyên thâm, một tấm từ tâm, cứu đời giúp chúng, người đều truyền tụng, thuốc tới bệnh thuyên, bệnh quỉ thời có thuốc tiên, lo gì chẳng mạnh, đừng có giấu lánh, để bệnh trầm trầm, nuôi bệnh lâu ngày, cũng như nuôi cọp". Đương rao như vậy chợt có một bà già đứng bên đường đón lại. Công Tôn Sách hỏi: "Tôi là thầy thuốc phương xa mới tới, lão bà muốn dùng thuốc hay sao?". Bà già đáp: "Con dâu của lão đau ốm đã lâu nên đón tiên sinh tới nhà chẩn trị". Công Tôn Sách nghe nói nhận lời, bà già dẫn đường đi trước. Về tới nhà bà già, mời ngồi, rồi đem chuyện mình ra kể: "Lão họ Vưu, chồng khuất sớm, có một trai tên là Cẩu Nhi, làm trưởng công cho Trần Đại Hộ (Trần ứng Trực) nay dâu lão ở nhà mang bệnh, ăn uống không được đã hơn nửa tháng nay, xin tiên sinh coi giùm mạch, bốc thuốc cho nó". Công Tôn Sách hỏi: "Con dâu bà bây giờ ở đâu?". Bà già đáp: "Ở buồng bên kia, để tôi vào cho nó hay". Nói rồi chạy vào buồng. Công Tôn Sách ngồi ngoài nghe tiếng bà già kêu: "Nè con! Nè con! Mẹ mời được thầy coi mạch bốc thuốc cho con đây, Rồi có tiếng đàn bà trả lời rằng: "Mẹ ơi! Đừng mời làm gì, vì một là bệnh con không lấy gì nặng lắm, hai là nhà không tiền, lấy gì trả ơn cho người ta". Bà già nói: "Con ơi! Con không nghe thầy nói cứu kẻ nghèo làm phước không lấy tiền và nói rằng nuôi bệnh như nuôi cọp đó sao? Con nên để cho thầy xem bệnh, cho thuốc mau mạnh, ấy cũng đỡ chút lo cho mẹ, mẹ chỉ có mong nhờ ở con, chớ không trông gì tới con đẻ của mẹ nữa". Tiếng người đàn bà đáp rằng: "Mẹ đã vậy thì mời thầy vào đây". Rồi bà lão vội vàng chạy ra mời Công Tôn Sách nói đi chữa bệnh cho có cớ để thám thính, chớ không dè anh ta học sâu biết rộng mà nghề thuốc cũng tinh tường. Coi xong mạch rõ cả căn bệnh, Công Tôn Sách nói với bà già rằng: "Tôi xem mạch là thai mạch". Vưu Thị nói: "À, phải rồi đâu chừng bốn năm tháng nay". Công Tôn Sách tiếp: "Theo ý tôi nghĩ thời bệnh này bị trí não sinh ra, vì uất ức buồn rầu quá độ, nếu không sớm trị, e mắc chứng lao, vậy phải nói rõ nguyên do rồi mới bốc thuốc được". Vưu Thị nghe nói khen rằng: "Thật thầy là thần thánh nên nói không sai, để lão thuật lại thầy nghe. Nguyên con tôi làm trưởng công cho Trần Đại Hộ nhọc nhằn mới ăn được đồng tiền, ngày kia nó về đem theo nhiều bạc". Nói tới đó người đàn bà trong buồng chặn lời rằng: "Mẹ bất tất phải nói tới chuyện đó". Công Tôn Sách nói: "Phải nói, không nói thời làm sao tôi rõ nguyên do mà trị bệnh". Vưu Thị nói: "Thầy nói phải, con lo dưỡng bệnh là tốt, có sao đâu mà ngại". Nói rồi tiếp rằng: "Lão thấy nhiều bạc lòng phát nghi, hỏi con lão thì nó đáp rằng: "Chủ nó là Trần Đại Hộ, nhân tư thông với vợ Trương Hữu Đạo bên làng Thất Lý, một hôm đến chơi rủi gặp chồng nàng, bèn đem lòng ghen tức, trở về lập mưu giết cho chết đi, mới cho nó bạc". Nói tới đây người đàn bà trong buồng cũng chặn lời rằng: "Mẹ nói chuyện chi đó?". Vưu lão bà nói: "Ai đâu mà ngại, chỉ có thầy đây mà ngại gì". Nói rồi thuật tiếp: "Cho nó bạc bảo nó làm việc đó. Tôi nghe nói sợ lắm, bảo đừng làm, vợ nó cũng khuyên can quỳ dưới đất khóc với nó, nó đã chẳng nghe, lại đạp vợ nó một đạp rồi bỏ đi. Sau đó nghe nói Trương Hữu Đạo chết, vợ nó vừa bị đạp, vừa buồn rầu quá nên sinh ra bệnh". Công Tôn Sách nghe xong, cầm bút biên toa đưa cho Vưu bà mà rằng: "Phương thuốc này rất kỳ bí, dùng hồng miêng đốt thành tro, hòa chung với rượu uống thời rất hoạt huyết an thai". Vưu lão bà nhớ rồi, Công Tôn Sách lại hỏi: "Con bà làm xong việc ấy, Trần Đại Hộ không có chi đáp tạ nữa sao?". Vưu lão bà nghe liền hỏi đáp: "Nghe nói Trần Đại Hộ có hứa cho nó sáu mẫu đất". Tôn Sách hỏi: "Vậy chớ có giấy tờ bút tích gì làm chắc không?" Vưu bà lão nói: "Không có! Không biết rồi nó có hay không nữa?". Tôn Sách nói: "Vậy sao được, nó đã cậy con bà làm chuyện như vậy, hứa cho đất lại không bút tích gì, sau này mẹ con bà lấy gì làm chắc, thôi để tôi viết thế cho bà một tờ trình đem đến quan chiếu theo đó mà đòi đất". Vưu lão bà nghe nói mừng lắm. Công Tôn Sách mở rương thuốc ra, lấy giấy viết trao cho lão bà, rồi mang rương thuốc từ tạ ra đi. Vưu lão bà nói: "Nhọc lòng thầy quá, không có lễ tạ, lại chẳng một chén trà giải lao, thật không phải". Công Tôn Sách nói: "Không sao đâu bà chớ ngại, bổn phận tôi phải lo cứu người, đó là sự thường ". Nói rồi vội vàng đi, lòng mừng khấp khởi vui sướng biết chừng nào, đi vội về phủ Khai Phong. 

Thật là: 

Ý đẹp bởi nghe tin đích xác, 

Lòng vui vì rõ chuyện ly kỳ.

Các chương khác:

Nguồn: truyen8.mobi/t97655-that-hiep-ngu-nghia-chuong-7.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận