Anh Cô cố gắng hết sức mới tránh thoát hai chiêu của Pháp vương, thấy lão ta nhảy lui thì không mong gì hơn, đâu còn dám xông tới. Chu Bá Thông quát:
- Đừng hòng bỏ chạy!
Lão vọt đuổi theo.
Pháp vương đang định đánh lại một chưởng, bỗng nghe ào ào một luồng khí nhu hòa ập tới trước mặt, chính là Nhất Đăng đại sư sử dụng công phu "Nhất dương chỉ". Pháp vương từ đầu vốn không để ý đến bạch mi lão tăng, không ngờ công phu "Nhất dương chỉ" của đại sư lại thâm hậu đến thế.
Công phu "Nhất dương chỉ" của Nhất Đăng đại sư thật đã đạt tới cảnh giới đăng phong tạo cực, lô hỏa thuần thanh. Luồng canh khí do chỉ phát ra tưởng như ấm áp bình hòa, song ào ạt thâm hậu, không thể chống đỡ. Pháp vương kinh sợ nghiêng mình né tránh, rồi mới đánh trả một chưởng. Nhất Đăng đại sư thấy chưởng lực của Pháp vương quá cương mãnh, không dám tương tiếp, nhẹ nhàng thoái lui vài bước. Một vị cao tăng Nam Triệu, một vị dị sĩ Tây Vực, đôi bên trao đổi một chiêu, không ai dám coi thường đối phương. Chu Bá Thông giữ thể diện, không xông vào giáp kích, đứng một bên quan chiến.
Khoảng cách giữa Nhất Đăng đại sư và Pháp vương bất quá chỉ vài thước, nhưng bên này phát chưởng, bên kia phát chỉ, càng lúc càng xa, dần dần cách nhau hơn một trượng, mỗi bên dùng công lực bình sinh mà đánh từ xa. Hoàng Dung đứng ngoài xem, thấy trên đỉnh đầu Nhất Đăng đại sư có một luồng bạch khí bốc lên, càng lúc càng dày, như hơi nước sôi, rõ ràng đại sư đang vận chuyển nội kình, chỉ sợ đại sư tuổi cao lực suy, không địch nổi Pháp vương, trong lòng lại thương nữ nhi thảm tử, rất muốn xông tới liều chết một phen với kẻ thù, nhưng thấy hai bên đang chưởng lai chỉ vãng, chân lực đấu nhau dữ dội, quả thật không thể xen vào, đang chưa biết tính sao, bỗng nghe có tiếng chim điêu trên cao, bèn huýt sáo ra hiệu, tay chỉ Pháp vương.
Một đôi chim điêu màu trắng vừa kêu vừa lao bổ từ trên không trung xuống đầu Pháp vương.
Nếu là Thần điêu của Dương Quá, chắc Pháp vương ngán ngại, còn đôi chim điêu này tuy to xác, song cũng chỉ là loài chim, làm gì nổi lão ta? Nhưng lúc này Pháp vương đang dốc toàn lực đấu với Nhất Đăng đại sư, không thể lơi lỏng chút nào, đôi chim điêu đột nhiên lao xuống, Pháp vương đành đẩy tả chưởng lên hai cái, hai luồng chưởng lực phân kích đôi chim điêu.
Đôi chim điêu không chịu nổi, bay vọt lên cao. Nhưng như thế đã giúp Nhất Đăng đại sư lập tức chiếm thượng phong. Pháp vương phải vội vận lực vào tả chưởng mới tái lập được cục diện ngang ngửa.
Đôi chim điêu nghe Hoàng Dung huýt sáo thúc giục, song chưởng lực của kẻ địch quá mạnh, bèn hư trương thanh thế, đột nhiên kêu to, lao nhanh xuống, nhưng còn cách đầu Pháp vương hơn một trượng, không đợi lão ta phát chưởng, đôi chim điêu đã bay lên.
Song điêu cứ thay phiên nhau lao xuống như thế, tuy không đả thương, nhưng cũng làm rối loạn tâm trí Pháp vương. Cao thủ đối địch, phải tập trung ý chí, đầu óc tỉnh táo, nội lực mới có thể phát huy tối đa, chưởng lực của Pháp vương tuy hơn hẳn Nhất Đăng đại sư, nhưng tu tâm dưỡng tính thì thua xa Nhất Đăng, vừa rồi Quách Tương thảm tử, tâm thần Pháp vương đã bất định, giờ thêm đôi chim điêu quấy nhiễu, lão ta càng thêm rối trí. Tâm ý hơi loạn, chưởng lực của lão ta lập tức cảm ứng. Nhất Đăng mỉm cười, tiến lên nửa bước. Hoàng Dung thấy Nhất Đăng tiến bước, liền nói to:
- Quách Tĩnh, Dương Quá, hai người cùng tiến vào, hợp lực bắt lấy hắn!
Kỳ thực Quách Tĩnh là trượng phu, Hoàng Dung quyết không gọi tên trống không như vậy, song tiếng gọi vừa rồi cốt làm cho Pháp vương giật mình, chứ nếu gọi "Tĩnh ca ca", Pháp vương sẽ không biết "Tĩnh ca ca" là ai cả, hiệu lực giật mình sẽ giảm hẳn. Quả nhiên Pháp vương vừa nghe hai cái tên "Quách Tĩnh, Dương Quá" đã giật mình kinh hãi: "Hai hảo thủ nữa đến, ta nguy mất thôi!".
Lúc này Nhất Đăng lại tiến thêm nửa bước. Đôi chim điêu trên trời cũng đã nhận ra cơ hội, con chim cái kêu to, lao thẳng xuống mặt Pháp vương, dùng vuốt nhọn định móc mắt lão ta. Pháp vương chửi:
- Nghiệt súc!
Tả chưởng đánh lên.
Không ngờ động tác của con chim điêu mái chỉ là hư chiêu, cách mặt Pháp vương hơn một trượng nó đã bay vọt lên, trong khi con chim điêu trống lẳng lặng từ bên cạnh lao xuống đánh lén, chờ khi Pháp vương phát giác, thì móng vuốt của nó đã chạm đầu lão ta.
Pháp vương vừa kinh ngạc vừa tức giận, phẩy tay một cái, trúng bụng chim. Con điêu chộp cái mũ vàng trên đầu Pháp vương mà bay lên. Nhưng cái phẩy tay của Pháp vương rất mạnh, con điêu trống đã bị trọng thương, nó bay lên một đoạn thì hết chịu nổi, đột nhiên lộn nhào, rơi thẳng xuống vực sâu vạn trượng.
Hoàng Dung, Trình Anh, Lục Vô Song, Anh Cô không nhịn được cùng kêu lên. Chu Bá Thông cả giận, quát:
- Hòa thượng thối tha, Lão Ngoan đồng không câu nệ quy củ giang hồ gì nữa, hai người đánh một cũng được.
Đoạn vung quyền đánh tới sau lưng Pháp vương.
Con chim điêu mái thấy con trống rơi xuống vực, thì kêu lên thảm thiết lao qua đám mây mù xuống theo, hồi lâu không thấy nó bay lên.
Kim Luân pháp vương trước sau đều bị tấn công, bắt đầu sợ hãi. Lão ta võ công tuy cao, nhưng làm sao địch nổi hai đại cao thủ giáp công? Lão ta không dám ham đấu, vội tung kim luân và ngân luân, phía trước ngăn chặn Nhất dương chỉ, phía sau chống đỡ Không minh quyền, trong tình thế bị hai luồng nội lực giáp công, Pháp vương chạy chếch sang bên trái, lắc người một cái đã vọt sang lũng núi. Chu Bá Thông quát to, đuổi theo sau.
Pháp vương may mắn thoát thân, đề khí chạy gấp, nghĩ nếu để Chu Bá Thông đuổi kịp, phải đấu vài trăm chiêu cũng khó phân thắng bại, khi đó bạch mi lão tăng sẽ thừa cơ hạ độc thủ, lão ta sẽ phải bỏ cái mạng già ở Tuyệt Tình cốc này. Thấy phía trước có một cánh rừng dày, Pháp vương vội chạy về phía đó, bỗng nghe "chíu" một tiếng, một viên sỏi từ trong cánh rừng bắn ra.
Cánh rừng cách lão ta hơn trăm bước, viên sỏi kia không biết do kình lực thần kỳ nào phóng đi, mà hình thể tuy nhỏ, tiếng rít phá không khí lại mạnh dị thường, bay thẳng đến trước mặt như thế. Pháp vương giơ ngân luân gạt đi, "cạch" một tiếng, viên sỏi vỡ nát, mảnh vụn bay tứ tung, có hai mảnh văng vào mặt rát bỏng. Pháp vương kinh hãi: "Viên sỏi từ rất xa bắn tới mà làm chấn động ngân luân của ta, công lực của người bắn thật không thua gì Lão Ngoan đồng và bạch mi lão tăng, sao thiên hạ có nhiều đại cao thủ đến thế?".
Pháp vương đang bối rối, thì thấy từ trong cánh rừng thong thả bước ra một lão nhân mặc áo bào xanh, tay áo rộng thùng thình, phong thái tiêu sái xuất trần. Chu Bá Thông cả mừng, gọi:
- Hoàng lão tà, gã hòa thượng thối tha ấy hại chết ngoại tôn nữ nhi của huynh, hãy mau hợp lực bắt lấy hắn!
Người trong rừng đi ra chính là Hoàng Dược Sư.
Sau khi chia tay với Dương Quá, Hoàng Dược Sư đi lên phía bắc, một hôm đang ngồi uống rượu trong một tửu điếm nhỏ ở hương thôn, lão nhìn thấy có đôi chim điêu trắng bay trên trời, biết không phải nữ nhi, thì cũng là hai ngoại tôn nữ nhi đang ở gần đâu đây, bèn lẳng lặng bám theo, đến Tuyệt Tình cốc. Lão chưa muốn để Hoàng Dung nhìn thấy, chỉ đứng quan sát từ xa, mãi đến khi thấy Nhất Đăng và Chu Bá Thông động thủ không thắng nổi Pháp vương, nghĩ lão Tạng tăng này quả là hảo thủ bình sinh khó gặp, thì lão liền xuất thủ. Pháp vương gõ hai chiếc luân vào nhau keng một tiếng, nói:
- Các hạ có phải là Đông Tà Hoàng Dược Sư? Bạn đang đọc chuyện tại Truyện.YY
Hoàng Dược Sư gật gật đầu, nói:
- Không sai. Đại sư có gì chỉ giáo?
Pháp vương nói:
- Khi tại hạ ở Tây Tạng, nghe đồn Trung Nguyên chỉ có năm người tài giỏi là Đông Tà, Tây Độc, Nam Đế, Bắc Cái, Trung Thần Thông, hôm nay được kiến diện, quả nhiên danh bất hư truyền. Còn bốn vị kia đâu?
Hoàng Dược Sư nói:
- Tây Độc, Bắc Cái, Trung Thần Thông tạ thế từ lâu, vị cao tăng kia là Nam Đế, còn vị Chu huynh đây là sư đệ của Trung Thần Thông.
Chu Bá Thông nói:
- Sư huynh của ta mà còn sống thì nhà ngươi không tiếp nổi mười chiêu.
Lúc này ba người đứng thành hình chữ Đinh, vây Pháp vương vào giữa. Pháp vương nhìn Nhất Đăng, nhìn Chu Bá Thông, lại nhìn Hoàng Dược Sư, thở dài, ném ngũ luân xuống đất, nói:
- Nếu đơn đả độc đấu, lão phu chẳng sợ ai hết.
Chu Bá Thông nói:
- Đúng. Nhưng hôm nay không phải là buổi luận kiếm trên đỉnh Hoa Sơn để tranh danh hiệu võ công đệ nhất thiên hạ, ai thèm đi đơn đả độc đấu với nhà ngươi làm gì? Hòa thượng thối tha tác ác đa đoan, hôm nay coi như hết thời.
Pháp vương thở dài, nói:
- Năm đại cao nhân Trung Nguyên, hôm nay được gặp hai vị, lão phu có chết dưới tay các vị, cũng không uổng. Chỉ tiếc "Long tượng bát nhã công" đến lão phu thì chấm hết, trên đời không có truyền nhân.
Nói đoạn giơ hữu chưởng đánh xuống Thiên linh cái của mình.
Chu Bá Thông nghe năm chữ "Long tượng bát nhã công" liền đưa tay gạt hữu chưởng của Pháp vương, nói:
- Khoan đã!
Pháp vương ngạc nhiên, hỏi:
- Lão phu có thể bị giết, không chịu nhục, các hạ còn muốn gì nữa?
Chu Bá Thông nói:
- "Long tượng bát nhã công" của lão quả rất lợi hại, nếu không có truyền nhân, đừng nói lão tiếc, mà Chu mỗ cũng tiếc. Tại sao lão không truyền thụ cho Chu mỗ, rồi hãy tính chuyện tự sát cũng chưa muộn?
Lời nói của Chu Bá Thông hoàn toàn thành thật.
Pháp vương chưa kịp đáp, chợt có tiếng vỗ cánh, con chim điêu mái cõng con chim điêu trống từ dưới vực bay lên, cả hai con đều ướt sũng, xem ra đáy thâm cốc là đầm nước. Con chim điêu trống lông vũ tả tơi, chỉ còn thở thoi thóp, móng vuốt chân bên phải vẫn nắm chắc cái mũ của Pháp vương. Con chim điêu mái đặt con trống xuống đất, rồi lại bay xuống vực lần nữa, lúc bay lên cõng theo một người, chính là Quách Tương.
Hoàng Dung vừa kinh ngạc vừa vui mừng, gọi to:
- Tương nhi! Tương nhi!
Rồi chạy lại đỡ con chim điêu.
Pháp vương thấy Quách Tương không hề hấn gì, cũng ngẩn ra. Chu Bá Thông chộp cánh tay Pháp vương, mắt phải nháy với Nhất Đăng, mắt trái nháy với Hoàng Dược Sư. Đông Tà, Nam Đế cùng xuất thủ, Pháp vương bị trúng chỉ ở cả hai bên sườn. Nếu là người khác, dù có điểm trúng bộ vị yếu hại, cũng chưa thể phong bế huyệt đạo của Pháp vương, nhưng hai ngón tay của Đông Tà, Nam Đế thì thời nay không có người thứ ba sánh kịp, một người sử dụng "Đạn chỉ thần thông" tinh vi ảo diệu một người sử dụng "Nhất dương chỉ", Pháp vương làm sao chịu nổi? Lão ta lảo đảo, Chu Bá Thông bồi thêm một quyền vào huyệt Chí Dương ở sau lưng Pháp vương, cười nói:
- Nằm xuống!
Hai gối Pháp vương mềm nhũn, lão ta từ từ khuỵu xuống. Nhất Đăng, Hoàng Dược Sư, Chu Bá Thông nhìn nhau, đều kinh ngạc: "Lão Tạng tăng này quả lợi hại, bị trúng đòn nặng của cả ba người mà vẫn không ngã vật ra".
Ba người chạy lại bên Quách Tương thăm hỏi, chỉ nghe nàng gọi:
- Mẹ, chàng ở dưới ấy, ở dưới ấy, mau, mau xuống... cứu chàng...
Chỉ nói được thế rồi mệt quá ngất xỉu. Nhất Đăng xem mạch cổ tay nàng, nói:
- Không sao, chỉ bị hoảng sợ đó thôi.
Đại sư xoa xoa sau lưng mấy cái. Lát sau Quách Tương hồi tỉnh, nói:
- Đại ca ca đã lên chưa?
Hoàng Dung hỏi:
- Dương Quá cũng ở dưới ấy ư?
Quách Tương gật đầu, nói khẽ:
- Đương nhiên.
Nàng tự nhủ thầm: "Nếu chàng không ở dưới ấy, con nhảy xuống đó làm gì?". Hoàng Dung thấy nữ nhi toàn thân ướt sũng, bèn hỏi:
- Bên dưới là đầm nước à?
Quách Tương gật đầu, nhắm mắt, không còn sức nói chuyện nữa, tay chỉ xuống vực.
Hoàng Dung nói:
- Dương Quá đã ở bên dưới, chỉ có cách sai điêu nhi xuống cõng lên.
Đoạn huýt sáo gọi chim. Gọi liền mấy tiếng, không thấy đôi chim điêu bay tới. Hoàng Dung lấy làm lạ, mấy chục năm qua đôi chim điêu hễ nghe tiếng sáo là tới, chưa hề trái lệnh, tại sao hôm nay chúng lại làm như không nghe thấy hiệu lệnh của chủ? Hoàng Dung lại huýt một tiếng sáo dài, thì thấy con chim điêu mái vỗ cánh bay lên trời cao, lượn vài vòng, kêu vài tiếng oắc oắc bi thương, rồi lao thẳng xuống núi. Hoàng Dung nghĩ: "Hỏng rồi" vội gọi to:
- Điêu nhi!
Chỉ thấy con chim điêu mái lao xuống tảng đá, vỡ đầu gãy cánh mà chết tức thì. Mọi người ngạc nhiên chạy lại xem, thì ra con chim điêu trống đã chết từ lâu. Mọi người thấy con chim điêu mái thâm tình trọng nghĩa như thế, ai cũng cảm khái. Hoàng Dung có đôi chim điêu bầu bạn từ nhỏ, càng đau đớn đến chảy nước mắt.
Đột nhiên Lục Vô Song tựa hồ nghe văng vẳng bên tai tiếng hát trong trẻo của sư phụ Lý Mạc Sầu: "Tình là chi hỡi thế gian, câu thề sinh tử đa mang một đời... Trời nam đất bắc đôi nơi...".
Nàng từ nhỏ theo Lý Mạc Sầu học nghệ, những lúc vắng vẻ thường nghe sư phụ hát khúc ca ấy, bấy giờ nàng chưa trải thế tình, chưa hiểu thâm ý của khúc ca, lúc này nhìn thấy sau khi con chim điêu trống chết, con chim điêu mái tuẫn tình, nghĩ thầm: "Con chim điêu mái giả dụ không chết, rồi đây một mình nó bơ vơ trên mây hoặc giữa núi tuyết, thử hỏi chịu sao cho thấu?". Nghĩ thế mà nước mắt rưng rưng.
Trình Anh nói:
- Sư phụ, sư tỷ, Dương đại ca đã ở dưới vực, chúng ta phải nghĩ cách cứu chàng lên mới được.
Hoàng Dung lau nước mắt, hỏi Quách Tương:
- Quang cảnh dưới đó thế nào?
Quách Tương đã phần nào trấn tĩnh tinh thần, nói:
- Hài nhi nhảy xuống, rơi ngay xuống đáy nước, hoảng hốt uống mấy ngụm nước. Sau không biết sao tự dưng nổi lên mặt nước, Dương đại ca kéo tóc hài nhi, nâng lên...
Hoàng Dung hơi yên tâm, hỏi:
- Xung quanh đầm nước có nham thạch, có hang đá làm chỗ dung thân phải không?