Thắm Sắc Hoa Đào Chương 5


Chương 5
Đóa khiên ngưu lung linh búi tóc.

Hiểu Thu về Thượng Hải, hai năm không có việc làm. Lúc này, phố lớn, ngõ nhỏ đầy những thanh niên như Thu, gọi đó là những người chờ phân công công tác. Phần lớn những khóa gần đây, do sức khỏe có vấn đề nên nhiều học sinh tốt nghiệp không phải về nông thôn lao động. Cũng có một số ít vì ốm đau phải trở về Thượng Hải như Hiểu Thu. Họ không dự đoán được, mấy năm sau thực thi rộng rãi chính sách ốm đau nên hình thành một làn sóng học sinh về lại Thượng Hải. Nhưng vào lúc này, mọi người tỏ ra vô cùng khâm phục Hiểu Thu, cho rằng mẹ Thu có pháp bảo. Mẹ Hiểu Thu sau khi kết thúc tình trạng bấp bênh, chừng như chỉ sau một đêm chị rút số tiền tiết kiệm bị đóng băng, chia làm ba phần, hai phần gửi đứng tên hai đứa con lớn, một phần nữa chi dùng cho việc đưa Hiểu Thu về lại Thượng Hải. Chị biết thế sự không ổn định, tiền bị đóng băng không có gì phải oán giận, giải tỏa được tiền cũng chẳng có gì vui vẻ, phải biết hành động nhanh chóng, kịp thời, ai biết ngày mai sẽ xảy ra chuyện gì? Dù sao đã có tiền lương. Xưa nay chị là người biết co biết duỗi, mỗi người mỗi tháng mười hai đồng cũng đủ sống, nay khôi phục mức lương cũ mỗi tháng hơn một trăm đồng cũng dùng hết. Cho nên, chị cho rằng xã hội mới vẫn tốt, như chị một nghệ sĩ tài sắc đã nhạt phai, sợ không chịu nổi một cơn gió bấc, tuy bị cách ly trong chuồng bò, nhưng cuộc sống vẫn được bảo đảm. Đoàn kịch của chị có mấy người vì vấn đề lịch sử rất nghiêm trọng, bị ra tòa, bị ngồi tù, họ nói gì có biết không? Đi ăn cơm chính phủ! Cũng là bảo đảm đấy chứ? Lương hàng tháng chị chỉ để lại tiền mua thuốc hút, tiền xe đi làm, tiền tắm gội, tiền cắt tóc, còn lại giao cả cho Hiểu Thu chi dùng trong gia đình. Cô con gái lớn đã đi làm, chị không yêu cầu chi tiền ăn. Thứ nhất, vì Hiểu Thu không có tiền để chi tiền ăn; thứ hai, chị tuyên bố thẳng, sau này đi lấy chồng sẽ không có của hồi môn. Cuộc sống trở về nguyên trạng, Hiểu Thu được cai quản việc nhà, các khoản chi dùng cũng nới tay hơn, không giống như cái thời sinh hoạt phí được cấp theo nhân khẩu. Nhưng Thu không dám chi tiêu rộng rãi, tháng nào thừa chút ít đều trả lại cho mẹ. Có lúc mẹ cầm, có lúc cho Thu để may thêm cái áo cái quần. Vậy là Thu có khoản tiền riêng. Tiền riêng của Thu chủ yếu để mua quà gửi cho Dân Vĩ. Thật ra Vĩ không thiếu, nhưng người gửi người nhận coi là sự động viên an ủi lớn lao, giảm bớt nhớ nhung xa cách. Hai người rất thân thiết, nhưng vẫn chưa cầm tay nhau, như thế cũng may, không dẫn đến những ý nghĩ về xác thịt. Tương tư không hẳn là cực khổ, tương tư còn có cả sự ngọt ngào. Một phong thư, một gói bưu kiện khiến cả hai cùng ấm lòng. Thậm chí có lần, Vĩ còn gọi điện thoại đường dài về cho Thu. Cậu thanh niên chân thọt của trạm điện thoại công cộng, đứng dưới cửa sổ réo tên Thu, bảo có điện thoại từ Giang Tây, gọi Thu đến nghe. Thu lập cập chạy xuống cầu thang, vội vã ra ngõ, phóng sang trạm điện thoại ở hẻm bên. Cầm máy lên, nhưng trong ống nghe chỉ có tạp âm u u. Thu hét thật to vào máy “a lô a lô”, đầu dây đằng kia cũng chỉ “a lô”, đúng là cách trăm sông ngàn núi! Cả hai không nói được câu nào, nhưng cùng nhận ra nhau. Quả là khoảnh khắc xót xa, Hiểu Thu rơi nước mắt đi về. Thu nghĩ, Vĩ nhớ mình, nên trong lòng cảm thấy vui. Về sau, qua thư được biết, Vĩ lên huyện dự đại hội thanh niên điển hình “lên rừng về đồng ruộng”, ra bưu điện huyện gọi điện thoại đường dài, phải chờ một tiếng đồng hồ đường dây mới thông, nhưng cũng chỉ “a lô, a lô...” Ở chỗ Vĩ rất “núi’, rất “núi”, Vĩ biến danh từ thành tính từ để miêu tả địa mạo nơi ấy nhấp nhô toàn là đồi núi. Hiểu Thu gửi thư hỏi, làm thế nào để biết số điện thoại gần nhà Thu? Trong thư sau Vĩ trả lời, nhà Thu và nhà Vĩ cùng chung một trạm điện thoại công cộng, cùng một số máy.

Thời gian ấy, Hiểu Thu và Dân Vĩ quan hệ qua lại, bên gia đình Vĩ giữ thái độ biết song làm ngơ, vì hai người ở cách xa, sẽ không có kết quả, nhưng đồng thời cũng có chút cầu lợi. Thu đã về Thượng Hải, còn người nhà họ vẫn công tác xa, dù sao cũng phải về. Tất nhiên, đấy là điều mà bố mẹ Vĩ suy tính, nhưng cô chị gái Dân Hoa vẫn giữ quan điểm riêng, cho dù cảnh ngộ có thay đổi thế nào đi nữa, thì Vĩ không thể lấy Thu. Hoa đã có bạn trai, bạn trai là một kỹ thuật viên cùng nhà máy, vốn là sinh viên khoa tàu thuyền của Đại học Giao thông, trước Cách mạng Văn hoá mới là sinh viên năm thứ nhất, nhưng anh ta vẫn được hưởng lương của một sinh viên đã tốt nghiệp. Đúng ra, được thỏa mãn về tình yêu, con người nên khoan dung với người và việc, nhưng Hoa thì không. Hoa được hưởng tình yêu nồng cháy và hạnh phúc lớn lao càng cho rằng Hiểu Thu không xứng với em mình. Cho nên, bố mẹ Vĩ cũng phải giấu Hoa chuyện qua lại giữa Thu và Vĩ. Trong gia đình có việc gì đều phải dựa vào ý con trai lớn, con gái lớn, bố mẹ cũng phải e sợ. Cũng vì xưa nay quen dựa vào Hoa, dung túng cái tính độc đoán ngang ngược của Hoa. Vĩ thì mỗi năm mới về một lần, nhưng ở nhà rất lâu, từ năm trước đến tận năm sau, sang xuân, vào hè mới tính chuyện đi. Cho đến những năm này lòng người đã chán ngán rã rời chuyện cắm rễ sinh cơ lập nghiệp ở nông thôn. Có người về rồi không đi nữa, nhưng phần lớn còn băn khoăn suy nghĩ đến tương lai tiền đồ nên vẫn phải về nông thôn láo nháo chừng nửa năm. Vĩ về Thượng Hải, chỉ trừ buổi sáng buổi tối, lúc ăn cơm đi ngủ, phần lớn thời gian anh đến với Hiểu Thu. Hai người nhàn rỗi, lại gần nhau, nhà Hiểu Thu ban ngày không ai ở nhà, Vĩ đến, hai người nói chuyện, Vĩ giúp Thu làm việc nhà như sửa chữa đường dây điện, thay ống cao su bếp ga, thay đệm cao su trong vòi nước. Thỉnh thoảng hai người cũng đi đâu đó, nhưng đi có mục đích, xem phim, ăn tô mì, hoặc mua bán gì đấy, đến thương xá trung tâm sửa chữa đồ dùng. Cả hai không phải là những con người giàu ý thơ họa, quan hệ có một giai đoạn trống vắng, nhưng là mang ý nghĩa cuộc sống. Nếu nói cuộc sống thì hai người có thể đến với nhau. Vĩ là người nội tâm yên tĩnh, rất thích hợp với cuộc sống gia đình, tính cách Hiểu Thu không tĩnh lặng như vậy, nhưng lại rất thật lòng, nếu cố gắng thì sẽ tốt đẹp. Người khác nhìn vào, nghĩ hai người sống với nhau sợ rằng sẽ nhạt nhẽo, kém thú vị, nhưng cả hai không cảm thấy thế. Thậm chí, vì không có chí hướng lớn, cả hai cũng không lo lắng nhiều về tương lai. Họ cảm thấy được như hiện tại là tốt lắm rồi, miệng nói chuyện phiếm, tay làm việc vặt, chẳng có ý nghĩa lớn nhưng có ý nghĩa nhỏ, ngoại trừ tính thực dụng của bản thân, còn lại là vì sự thích thú, thích thú được cùng với người của mình, tóm lại có nhiều niềm vui. Có lúc, buổi chiều hai người cùng đi xem phim, lúc này phim chỉ quanh đi quẩn lại mấy bộ, nhưng có cái để chuyện trò, trao đổi, ví dụ âm nhạc, hình ảnh, lời thoại... trong phim, có cái để cổ vũ, khích lệ tình cảm của nhau. Chung quanh rất yên tĩnh, nắng ngả về Tây in bóng cành lá lên tường, nom vừa nhạt nhẽo vừa ấm áp. Cả hai cùng lấy gia đình làm chỗ dựa, không phải lo cơm áo, đều trong môi trường an toàn, giữa hai người chẳng có gì phải nghi ngờ. Cả hai càng lớn càng đẹp. Vĩ cao hơn, có thể coi là con người khôi ngô, khuôn mặt có phần thay đổi, gầy hơn, trước bầu bĩnh nay hơi dài. Vĩ vẫn để tóc kiểu học sinh, một vài ngọn tóc xõa chéo trước trán, nhưng không còn chất trẻ con, mà đẹp trai. Còn Hiểu Thu, bước qua thời kỳ phát dục không rõ ràng, hormone giữ trạng thái căng đầy, sắc mặt tươi trẻ sáng láng. Da Thu vẫn ngăm đen, nhưng không hình dung nổi những đường nét đầy đặn kia lại có thể sinh trưởng trên nước da trắng ngần, như vậy chẳng khác nào phải gánh chịu một trọng lượng quá sức. Thu đang ở vào thời kỳ rực rỡ. Những sợi tóc xoăn làm tăng thêm vẻ đẹp của Thu. Thu không có vóc người cao lớn, nếu không sẽ càng kiễu diễm hơn. Người Thu đã được định hình từ sớm, ngay từ nhỏ đã nổi những đường cong, lúc này những đường cong thật rõ ràng, có phần thanh tú, khung xương và thịt da cân đối. Hai người ra đường, ai trông thấy cũng phải nhìn theo. Có thể đã quen, nên hai người không cảm thấy, nhưng thỉnh thoảng dưới ánh sáng nào đấy, ở một góc độ nào đấy, bỗng ngạc nhiên, đấy là mình ư? Đẹp quá. Đó cũng là điều vui.

Một hôm, trước lúc chia tay, ở nhà Thu, hai người ngồi sát vai nhau, tựa vào nhau rất tự nhiên. Đầu tiên là Vĩ quàng tay lên vai Thu, cả hai đều không dám cử động. Một lúc sau, Vĩ ôm chặt hơn, Thu đang dựa vào Vĩ, lúc này ngả hẳn vào lòng Vĩ. Hai trái tim thổn thức, bỗng một người cảm thấy lớn, một người cảm thấy nhỏ, nỗi xung động chưa từng có tràn ngập lòng. Hai người thử hôn nhau, chỉ là cặp môi ghé sát mặt, chạm môi, chỉ như vậy cũng khiến họ thỏa mãn. Hai người phát hiện đã thắm thiết với nhau, nhưng có thể thắm thiết hơn, thắm thiết hơn chục lần, trăm lần. Lần chia tay ấy, quả là lưu luyến không muốn rời. Hiểu Thu không thể ra bến xe tiễn Vĩ, vì có Hoa, Vĩ đành đến nhà chia tay Thu. Hai người ngồi ôm nhau ở giường, mặt sát mặt, nước mắt và mồ hôi làm ướt khuôn mặt của nhau. Một buổi sáng trôi qua, Vĩ không thể không đi. Lưu luyến, dùng dằng, ôm nhau không nỡ rời. Nồng nàn, thắm thiết. Cả hai lầm rầm hứa với nhau không bao giờ xa rời. Lẽ ra điều ấy sẽ không thành vấn đề, lúc này nói đến, không phải là lời thề, mà là tình cảm vô cùng thắm thiết. Lần chia tay ấy, con người thực tế như Vĩ cũng phải mềm lòng. Mấy lần Hiểu Thu ra trạm bưu điện ngã tư đường Bắc Tứ Xuyên - Hồng Khẩu, gọi điện thoại đường dài về công xã nơi Vĩ lao động, Thu chỉ mong ngẫu nhiên có Vĩ ở bên máy của công xã, nhưng kết quả là không. Thu về, đi qua cầu Hải Ninh, bóng Thu in trên dòng nước Tô Châu đặc sánh, Thu lặng lẽ đi qua, lòng những buồn vô hạn. Có không ít người theo đuổi Thu, có người là thanh niên cùng phố đang chờ việc, có người là bạn thời trung học, từ mấy năm trước đã vào làm công nhân trong nhà máy. Thu không còn là sinh vật nhỏ bé cong mông ưỡn ngực trêu ngươi đi ngoài phố mà là một cô gái xinh đẹp, hấp dẫn, trêu ngươi vẫn là trêu ngươi, nhưng mọi người phải kính nể. Điều ấy bắt nguồn từ tuổi thanh xuân, thanh xuân vốn có uy lực, nhưng nét thanh xuân chỉ có thể nở rộ và phát triển ở ai đó mà thôi. Những người theo đuổi Thu đều rất nghiêm túc, đều muốn lấy Thu. Có người điều kiện rất tốt, ngoại hình và hành vi không gây phản cảm đối với Thu. Nhưng trong mắt Thu, trong lòng Thu chỉ có Vĩ, thà rằng xa cách, không trở về, tương lai mờ mịt. Mỗi lần ôm Vĩ trong vòng tay, được Vĩ ôm, Thu có khoái cảm như muốn được nuốt chửng Vĩ, nhưng khi không được gặp mặt lại thành nỗi đau. Chỉ có Vĩ mới có thể, có thể có niềm vui và nỗi đau. Hai người đều là những thanh niên bình thường, vừa chớm tuổi hai mươi, chưa hiểu nhiều về tình yêu, chỉ là hợp nhau trong khi nói chuyện, gặp gỡ và thân thiết. Sau đấy, khẽ tiếp xúc xác thịt, thoáng thấy ánh sáng mơ hồ của tình dục. Thoạt đầu có chút xao động, nhưng vì quen nhau đã lâu, xao động ấy không chỉ ở xác thịt mà có thể nói từ tận nguồn cội tinh thần. Chỉ là tiếp xúc bề ngoài của xác thịt, nhưng quan hệ hai người đã sang trang mới. Hai người lúc này mới bắt đầu tình yêu trai gái, trước đấy chỉ là hai đứa trẻ chơi thân với nhau. Trên đây đã nói, cả hai không xem nhau là người khác giới, cho nên thân với nhau. Thân nhau, tình thân đến độ chín mới phát hiện đấy là người bạn khác giới, và tuổi tác cũng đến độ yêu đương. Ai có thể thay thế vị trí của đối phương? Không ai. Chỉ có hai người, hãy để họ nhớ nhau, giày vò làm khổ nhau!

Thật may, cũng còn có những công việc vặt vãnh làm khuây khỏa nỗi nhớ. Mùa hè năm ấy, Hiểu Thu nhận được giấy phân công công tác, làm công nhân tại một xưởng sản xuất đồ chơi của khu phố. Xưởng đồ chơi phân tán trong một con hẻm nhỏ, con hẻm giống như hồi nhỏ Thu học tiểu học dân lập, nhưng chật hẹp hơn nhiều. Xưởng là một gian nhà lớn, thật ra đấy là một phòng xép, gian bếp và giếng trời phía sau nối thông với nhau tạo thành gian nhà lớn, ngoài ra còn mấy chỗ chân cầu thang, gác xép để làm kho và nơi để vật liệu. Trong xưởng ban ngày cũng phải bật đèn, nồng nặc mùi nhựa và mùi ngòn ngọt, tanh tanh. Toàn bộ dây chuyền sản xuất trải dọc một cái bàn gỗ dài, tuần tự từng công đoạn. Hiểu Thu làm công việc gọt cạnh, tức là dùng kéo cắt gọn chỗ nhựa thừa trên những con vịt, con chó sau khi ép. Công việc nhẹ nhàng, nhưng không thoáng đãng dễ chịu như làm việc trên đồng ruộng, mà không khí rất u ám, nặng nề. Công nhân ngồi hai bên cái bàn gỗ dài, phần lớn là những phụ nữ trung niên, sắc mặt nhợt nhạt, mắt thì chảy xệ chỉ vì cúi đầu nhìn xuống làm việc lâu ngày, dưới cằm là một túi thịt. Non nửa số công nhân là đám thanh niên trí thức mới vào, hai gò má rám nắng bởi một thời làm việc nơi thôn dã, còn giữ vẻ sinh động được hình thành do hoạt động ở ngoài trời. Nhưng buổi chiều, trước khi hết giờ làm việc, sắc mặt cũng trở nên vàng vọt và tối tăm. Nam công nhân phần lớn làm công việc khuân vác, vận chuyển, lái xe, chuyển vật liệu hàng hóa đi các nơi, họ cứ phải đi lại giữa các kho hàng, nơi chứa vật liệu và nơi sản xuất. Họ khiến bầu không khí đầy vẻ u ám nặng nề của nơi sản xuất thêm phần sống động. Mỗi khi họ vào, hai bên cái bàn dài bỗng thoáng chút xao động, lưỡi kéo trở nên bối rối. Nam nữ thanh niên ở đây phần lớn sống cùng một khu phố, biết nhau, thậm chí quen mặt. Mọi người rất biết Hiểu Thu, chưa gặp mặt cũng nghe nói, lúc này Thu từ trong những tin đồn hiện ra trước mọi người, thoạt nhìn cảm thấy cũng chỉ thế thôi, nhìn lâu lại nhận ra quả đúng khác người. Khác người không riêng ở một bộ phận nào, mà từ sự di chuyển. Thu bước vào ánh đèn nê ông của nơi sản xuất, lập tức có những ánh mắt nhìn lên người Thu. Ánh sáng phẳng của đèn nê ông khắc họa rõ những đường nét trên khuôn mặt Thu: đuôi mắt hơi vểnh lên, mắt mở to, làn môi cong và cả nước da ngăm đen, nếu là da thì hơi thô, nhưng ở đây, nó như nền của một bức tranh, tạo một sắc độ trầm ấm, làm những đường nét nhạt nhòa trở nên đậm đà, rực rỡ. Cứ như vậy, trong con ngõ hun hút thẳm sâu, trong cái xưởng sản xuất được cải tạo từ nhà bếp tối tăm, bỗng nở một đóa hoa. Lúc này, Thu có một biệt danh khác, “Tây Thi công xưởng”, tên này do những thanh niên đang làm việc ở đây đặt cho, cái tên không lý thú bằng “Mắt mèo”, hơn nữa lại dài dòng, là biến tướng của cái tên “Tây Thi đậu phụ” trong truyện Cố hương của Lỗ Tấn tiên sinh. Đấy là cái tài hoa phong nguyệt, đọc sách mà không hiểu sách. Nhưng cái biệt danh dài dòng này vẫn từ xưởng sản xuất lan ra ngoài, truyền ra phố, dần dần tỏa rộng.

Hiểu Thu đi làm được hai năm thì Dân Vĩ về lại Thượng Hải vì ốm. Như trên đã nói, thời gian này là lúc vận dụng cụ thể chính sách cho thanh niên trí thức ốm được về lại Thượng Hải, cái gọi là “ốm” được công khai thừa nhận. Với một tỉnh công nghiệp lạc hậu như Giang Tây, phần đông thanh niên trí thức không tìm được lối thoát, vậy là, nhân cơ hội, những thanh niên phải nhiều năm lao động ở nông thôn đều “ốm” để xin về Thượng Hải, Dân Vĩ là một trong số đó. Sau khi được chuyển hộ khẩu về, cũng phải ngồi nhà một thời gian, nhưng không dài, anh được phân công vào làm việc trong một xưởng sản xuất khác cùng khu phố với Hiểu Thu, làm công nhân trong xưởng gia công cuộn dây của máy vô tuyến điện. Lúc này hai người cùng làm việc ở một khu phố, không lo phải xa nhau. Nhưng sáng đi tối về, hai người không nghỉ cùng ngày, cho nên thời gian được gần nhau cũng rất hạn chế. Buổi tối có thể gặp nhau, những lúc ấy mẹ Hiểu Thu có nhà, tuy không phản đối quan hệ của hai người như bên nhà Vĩ, nhưng cũng không tiện. Hai người chỉ có thể đi chơi phố, hoặc xem phim. Chỉ ngả vào nhau dưới bóng cây, trong rạp chiếu phim, hưởng chút thắm thiết của làn da, nhưng không thỏa mãn. Hai người thêm một tuổi, nỗi khát khao xác thịt trỗi dậy, mùa xuân năm ấy, quan hệ của họ tiến thêm một bước.

Lúc này, chị gái của Hiểu Thu đã đi lấy chồng, anh rể là bạn học thời trung học của chị, cùng làm việc ở sở điện thoại, người cũng đứng đắn, mái tóc đen bóng, răng trắng, là một thanh niên đẹp trai, nhiệt tình. Ánh mắt nhìn chị gái Thu lúc nào cũng như bực một nỗi không thể ôm người yêu nhỏ xinh của mình đi khắp nơi. Thật khó hình dung, cô chị lạnh như tủ đá lại có được tình yêu nồng nàn đến vậy. Tình yêu đúng là kỳ lạ, nó có thể khai thác những năng lượng tiềm ẩn trong con người. Nhà anh rể ở trong một con ngõ kiểu mới cuối đường Nam Kinh Tây, trong một căn hộ có gác xép. Nhà có hai anh em, anh lớn tốt nghiệp trước ngày Cách mạng Văn hóa, công tác ở Bắc Kinh, lấy vợ từ hai năm trước; cậu em ở nhà, cùng vợ mới cưới ở hai phòng quay mặt về hướng Nam, không có ban công. Gia đình và nhà cửa như thế rất đáng nể. Sau ngày cưới, hai vợ chồng cũng ít về nhà mẹ vợ. Tình cảm của chị gái Thu vốn nhạt nhẽo đối với cái nhà này và những người trong nhà, có thể chị mong sớm rời khỏi gia đình, cho nên tích cực một cách khác thường với hôn nhân và kịp thời nắm bắt thời cơ. Những ngày Tết, lẽ ra mọi người phải về nhà, nhưng mẹ đi Vô Tích ăn Tết, nhân đấy chị cũng không về thăm nhà. Cách mạng Văn hóa kết thúc, những nghệ sĩ như mẹ hoạt động sôi nổi hơn. Mấy vị ngày trước trong đoàn hài kịch cùng với mẹ đi diễn các nơi, bị giữ lại ở địa phương, phải thành lập đoàn khác. Cuộc đời nghệ sĩ nói chung phức tạp, cho nên họ không tránh khỏi bị thẩm vấn, điều tra, bây giờ đều đã được giải thoát, chẳng khác nào cá về với nước. Nhiều năm không thư từ cho nhau, bây giờ liên hệ, mọi người đi lại vui vẻ thăm nhau. Nếu không có chuyện con trai về đón giao thừa thì mẹ cũng không chờ đến mồng một. Anh trai Hiểu Thu cũng sắp cưới vợ, nhà vợ là một gia đình cán bộ, vừa được phân thêm một căn hộ. Cho đến lúc này anh vẫn ở trong căn hộ độc thân của Viện thiết kế. Sau đêm giao thừa chỉ còn một mình Thu ở nhà. Vĩ đến, hai người vô cùng nồng nhiệt, bắt đầu làm chuyện ấy. Tuy đã hai mươi ba, hai mươi bốn tuổi, chưa bao giờ được giáo dục về chuyện ấy, nên sai sót, mấy lần không những không nồng nhiệt mà còn đâm ra lục đục, vì không tìm thấy chỗ, cả hai cùng cuống vội. Khăn trải giường mới thay để đón Tết nhàu nát, mồ hôi nhớp nháp. Suốt từ chiều cho đến lúc trời tối mà vẫn chưa vào đúng chỗ.  Cả hai cùng bực tức, lại lúng túng, tưởng chừng quan hệ sắp bị tan vỡ. Hôm sau Vĩ lại đến, hai người lại thử. Có phần thuận hơn, nhưng vì quá chú trọng đến kỹ thuật, nên không cảm thấy xúc động và khoái cảm, không thỏa mãn bằng đơn thuần nồng nhiệt với nhau. Hơn nữa, chưa bao giờ cả hai cùng không che đậy, nên rất xa lạ. Tưởng đâu là một người khác, nên không tránh khỏi cảm giác ngăn cách. Cho đến trước ngày mẹ Thu về, hai người như rơi vào tuyệt vọng, sợ không làm nổi chuyện ấy, trong lòng cùng cảm thấy sợ hãi cho quan hệ trai gái. Họ chỉ là sinh vật nhỏ bé, là đôi trai gái biết ăn uống, thấy tinh thần thuần túy rất hư vô, nhất định phải làm được chuyện kia. Nhưng tại sao lại không làm được? Hai người nản chí ôm lấy nhau, hai cơ thể áp sát vào nhau. Vĩ vùi mặt vào mái tóc Thu, giọng buồn buồn: Thu ơi, anh chẳng làm tốt được. Thu như bị ngạt thở trong mái tóc của mình và khuôn mặt đẫm mồ hôi của Vĩ, nhưng vẫn không chịu buông lỏng vòng tay, nói: tại em! Ánh sáng lay động trên tấm rèm cửa sổ, tiếng ồn ào của đường phố, tiếng reo vui của trẻ con lọt vào phòng. Thu và Vĩ như hai con người tách khỏi thế giới, đơn độc giữ nhau lại. Trong khoảnh khắc tê tái, bỗng bùng phát tình cảm, cảm nhận được thể xác của nhau, cùng cháy bỏng thèm khát. Cháy bỏng, cháy bỏng! Toàn thân như rã rời. Thế giới sáng sủa ngoài kia có là gì so với ánh sáng trong lòng họ lúc này. Cuối cùng thì cả hai đều hiểu được sự tuyệt vời của xác thịt, xác thịt ngập tràn một tình yêu dịu ngọt và không ngừng sinh sôi. Lúc này hai người nghĩ đến chuyện cưới.

Việc hai người đi lại, gia đình Vĩ vẫn làm ngơ, nhưng không phải lặng lẽ cho phép như trước đây, mà coi như không có chuyện gì. Từ ngày Vĩ về Thượng Hải, thái độ của bố mẹ hình như đồng ý với Hoa. Hồi ấy không có cách nào, nhưng bây giờ chẳng phải đã khác rồi sao? Tất nhiên gia đình muốn Vĩ lấy được người tử tế. Thành kiến với Hiểu Thu lại trỗi dậy, lúc này có thêm những lời đồn đại mới, ấy là cánh thanh niên trong xưởng gọi Thu là “Tây Thi công xưởng”. Hàm ý của biệt hiệu ấy làm những người chân chính phải ớn lạnh. Hai cô em Vĩ đã lớn, cũng giống chị cả, xem thường Hiểu Thu. Nhiều người rất sợ anh chị em nhà mình rơi vào tay những người con gái như Hiểu Thu, những con người ấy như có một ma lực bóp nát mọi người, làm cho linh hồn con người phải phiêu bạt. Hai cô em muốn giới thiệu bạn mình cho anh, trong đó có một vài cô đáng được để ý. Tất nhiên Vĩ không quan tâm, ngó ngàng. Hoa lấy chồng và đã mang bầu, không tiện giám sát hành tung của em trai, cho nên Vĩ cũng công khai đến với Thu. Cuối cùng thì đấy cũng là người con đến tuổi trưởng thành, bố mẹ không quản nổi, chỉ còn biết bực tức trong bụng, nhưng giữ không bày tỏ thái độ. Có lúc Vĩ thông báo tối nay có việc với Hiểu Thu, không về ăn cơm. Báo cho biết thế thôi. Người nhà im lặng, như không nghe thấy. Xưa nay Vĩ không cãi lại, ngoài ra cũng chẳng có cách nào khác. Nhiều lần Vĩ mời Thu lên nhà chơi, Thu suy nghĩ, rồi không lên. Thứ nhất không muốn làm hỏng việc, thứ hai lòng tự trọng không cho phép. Vì lên chơi chắc chắn sẽ bị lạnh nhạt. Nhưng muốn cưới về sống với nhau, nhất định phải qua cửa ải gia đình. Hôm nay, hai người gặp nhau để bàn tính chuyện ấy. Bàn đi, tính lại, rốt cuộc vẫn không gỡ ra nổi. Cuối cùng, bực lên, nghĩ: nếu cưới thì sao nào? Dù sao thì hai người phải đến với nhau, bàn tính xong cả hai về cùng thông báo với gia đình. Vĩ đang lúc bực mình, anh nói với mẹ, mẹ bảo để bàn với bố. Xem ra mẹ không từ chối, thậm chí thái độ rất bình tĩnh, Vĩ có chút hy vọng. Từ lâu mẹ đã chuẩn bị đón nhận thông điệp của con, cuối cùng thì thông điệp cũng đã đến, Vĩ thở phào nhẹ nhõm, có thể thực thi đối sách. Phía Hiểu Thu tương đối đơn giản, Vĩ ra vào nhà Thu luôn, mẹ đã thấy, tất nhiên nhận ra ý của hai đứa. Bằng con mắt tinh đời, mẹ không nghĩ Vĩ là con người xuất sắc, nhưng cũng không phải là thứ khinh bạc vô dụng. Chị không phải là người mẹ chỉ tính toán nhỏ nhen, chị hiểu được ai cũng có số, không thể cưỡng lại. Lúc Hiểu Thu nói với mẹ, mẹ đang ngồi bên bàn mạt chược, chỉ nói gọn một câu, chuyện của con con tự quyết định, có gì trắc trở đừng tìm mẹ. Thu biết mẹ đã bằng lòng. Hai hôm sau có tin mẹ Vĩ nói, hôn nhân phải tự chủ, cha mẹ không thể can thiệp, nhưng đấy là người Vĩ tự tìm, không phải là người được bố mẹ đồng ý, cho nên bố mẹ sẽ không sống chung với vợ chồng Vĩ, ý nói, không cho hai người nhà cửa. Nhà Vĩ có hai phòng, một lớn một nhỏ, phòng nhỏ quay về hướng Bắc, chín mét vuông, vốn là phòng của Vĩ từ nhỏ, khỏi phải nói đây sẽ là phòng cho đám cưới, nhưng lúc này bị thu hồi, không cho. Vĩ hiểu đấy là ý của chị Hoa, bố mẹ không bao giờ làm khó với con trai. Vĩ nói chuyện lại với Thu, cả hai cùng thấy chuyện không đến nỗi nghiêm trọng như suy nghĩ ban đầu, không cho nhà thì không cho. Hiểu Thu về nói lại với mẹ, có thể ngăn một nửa phòng để làm phòng cho cô dâu chú rể được không, rất nhiều gia đình đều giải quyết như thế. Mẹ đang ngồi bên bàn mạt chược. Từ ngày không cấm mạt chược, Chủ nhật nào mẹ cũng chơi, bạn chơi đều là người cũ trong đoàn kịch, những người mà Thu vẫn gọi là bác, là chú. Nhiều năm nay không gặp, bây giờ các bác, các chú đến chơi nhà. Kỳ lạ là, những người này không thay đổi bao nhiêu, chỉ gầy đi hoặc béo hơn, nhiều nếp nhăn hơn. Tiếng nói rất vang, nói tiếng các địa phương, không ai là người quê ở đây, nghe thật buồn cười. Họ vẫn rất hài hước, nhưng không quên bổn phận của mình. Khi bác Hà mất, mọi người đều để tang. Mẹ một tay cầm thuốc lá, tay kia xếp quân mạt chược thành hàng, trả lời con gái: không có nhà mà đòi lấy vợ! Các bạn cùng chơi nói với mẹ: cho bà nửa cậu con trai mà không lấy ư? Tục ngữ nói, một nàng dâu nửa cậu con trai. Mẹ nói: một con trai thì sao? Rồi mẹ nói với Hiểu Thu: căn phòng trên gác Cách mạng Văn hóa tịch thu, con tài giỏi thì đi đòi, đòi được, cho các con đấy. Ai cũng bảo ý thật là hay, một căn phòng hướng Nam, không gì bằng. Thu nhận chỉ thị của mẹ, đến nói với Vĩ, cả hai rất vui, thấy đòi lại là điều tất nhiên. Không ngờ, bị vấp ngay khi đi gặp cấp trên. Đến bộ phận quản lý nhà cửa, người phụ trách hỏi: nhà công hay nhà tư? Nói là nhà công, lập tức trả lời chưa có chính sách. Đi tìm những điều khoản quy định trong chính sách, quả nhiên chỉ quy định trả đối với nhà tư bị chiếm đoạt, nhưng cũng không nói rõ nhà công thì không trả. Hai người lại đến tranh luận với bộ phận quản lý nhà, nói rõ hồi ấy thu hồi nhà là bị oan. Hiểu Thu còn đi lấy giấy xác nhận ở đoàn kịch của mẹ. Đến nơi thì đoàn kịch đang dàn dựng vở mới, kịch châm biếm Cách mạng Văn hóa: thầy thuốc đi làm tạp vụ, nhân viên tạp vụ lên làm y vụ, làm hại bao nhiêu người. Vẫn là người ngày ấy, không thay đổi bao nhiêu, chỉ già đi chút ít. Vị trí của bác Hà hồi xưa, nay do bác Cầm vốn là trợ lý thay thế. Giấy chứng nhận thời kỳ sai lầm về đường lối thu nhà và giữ tiền, tiền đã trả lại, mong bộ phận quản lý nhà sớm sửa chữa sai lầm. Nhưng thái độ của bộ phận quản lý nhà rất ngang ngược, khăng khăng nói rằng đây là nhà thuê, nên muốn được trả lại phải làm lại từ đầu. Họ cứ bảo rằng làm theo chính sách, trong chính sách đâu có nói nhà công thì được trả lại? Rồi vặn thêm: nếu trả, vậy trả cho ai? Nếu chủ hộ thuê trước các người đến đòi, chúng tôi có trả không? Rõ ràng các vị này không muốn nói chuyện đạo lý. Thu và Vĩ lên tận phòng khiếu nại Cục quản lý nhà của thành phố, xếp hàng chờ nửa ngày mới đến lượt. Người tiếp rất lịch sự, giải thích cặn kẽ, bảo nếu chủ thuê hiện tại đồng ý chuyển nhượng thì có thể bàn bạc. Chủ thuê hiện tại chính là cửa hàng bách hóa dưới nhà thuê làm văn phòng, chỉ để một cái bàn, một nhân viên ngồi ghi chép sổ sách. Đấy là người hồi xưa vẫn đưa Thu sang trường học hẻm bên cạnh hâm nóng cơm, hiện tại lên làm tài vụ, ngày nào cũng đi qua gác hai, lên xuống đều trông thấy Thu nhưng coi như không quen biết. Không phải vênh vác làm cao gì, mà vì Thu đã lớn, không biết nên đối xử thế nào cho tiện. Bao nhiêu năm nay, người ấy trắng và béo ra, trở thành một người lớn tuổi cẩn thận, ít nói. Nhân lúc người này từ trên gác đi xuống, Thu gọi anh ta lại để nói chuyện. Người này có phần ngạc nhiên, vẻ bối rối, rồi đồng ý với đề nghị của Thu, bảo sẽ phản ánh lên cấp trên, vì anh ta không thể tự quyết định. Chừng một tuần lễ sau, Thu lại hỏi người kia ý cấp trên thế nào. Người kia tỏ ra không nhớ chuyện gì, ngơ ngác suy nghĩ, rồi rối rít xin lỗi, bảo sẽ xin ý kiến cấp trên ngay. Lần sau, vẫn là Hiểu Thu gọi anh ta lại, hỏi kết quả ra sao. Anh ta bảo thật đáng tiếc, lãnh đạo không đồng ý, anh ta rất khó xử. Nhìn khuôn mặt trắng trẻo và hai túi thịt dưới mắt anh ta, Hiểu Thu đoán anh này nói dối. Thu nghĩ con người này xưa nay không thành thật, khác với đồng nghiệp của mẹ, dưới cái vẻ ngơ ngác của anh ta là sự giả dối.

Cứ như vậy chừng ba, bốn tháng, Hiểu Thu và Dân Vĩ chỉ chạy mỗi chuyện nhà. Chạy khắp các cửa, chuyện tưởng gần xong lại vấp, lúc này mới cảm thấy vấn đề của cả hai bên gia đình đưa ra thật khó khăn. Vì chạy nhà mà phải thường xuyên nói chuyện với mẹ, hỏi ý kiến mẹ, nên Dân Vĩ tiếp xúc với mẹ Hiểu Thu nhiều hơn. Hầu như lần nào mẹ cũng ngồi bên bàn mạt chược, các bạn chơi bài đều rất dân dã, nói năng bỗ bã, không như những người Vĩ thường gặp. Trong đó có một bà, xem ra thái độ mập mờ hơn mẹ Hiểu Thu, bà uống nước bằng cái cốc vại, thỉnh thoảng lại đưa lên miệng mẹ Thu, mẹ Hiểu Thu không nhìn, cứ thế ghé miệng uống, bà kia lại tiếp tục uống. Dân Vĩ nom không quen. Ở ngoài bị va vấp, đến đây bị châm chọc: con trai mà lo cái ổ cũng không xong, vậy thì vợ con gì? Vĩ rất khó chịu, mặt xị lại. Không phải mẹ Hiểu Thu không biết chuyện này chẳng dễ dàng gì, nhưng chị thử tính kiên nhẫn của con rể tương lai. Thật ra, trong lòng chị đã chuẩn bị ngăn đôi nhà. Có thể nói, chị một mình nuôi Thu lớn lên, cũng muốn Thu ở bên mình. Nhưng chị không bằng lòng với sắc mặt Vĩ, chị nói với con gái nhưng là nói Vĩ: không lo được, xị mặt với ai đấy? Hiểu Thu quen tính mẹ, không thấy có điều gì, cho nên không hiểu tâm trạng Dân Vĩ. Một hôm, nhân lúc nhà không có ai, hai người nồng nhiệt với nhau ở trên giường, xong việc đang nằm nói chuyện, Dân Vĩ buông một câu: em không giống mẹ một chút nào. Hiểu Thu không vui, nói: mẹ nuôi em, tại sao không giống? Vĩ không ngờ Thu trở nên chua chát, không giống Thu mà giống mẹ. Vĩ không nghĩ đến chuyện Thu là con riêng của mẹ, trong lòng có điều kiêng kị, luôn đề phòng người khác chỉ trích mẹ không nghiêm túc. Dân Vĩ bảo Thu không giống mẹ không có ý nói điều ấy, nhưng Thu lại nghĩ như thế. Hai người nằm buồn thiu, rồi dậy mặc áo quần, không lời tạm biệt, Vĩ cứ thế ra về. Tuy chỉ một lời nói, câu nói cứ lắng lại, một lúc nào đấy sẽ bùng lên. Một lần khó chịu, sự việc dễ vướng mắc, cả hai cùng giữ ý, không còn tự nhiên. Việc nhà cửa vẫn đang tiến hành, chỗ nào cũng vấp, chỉ thêm bực mình. Thế rồi hai người bỏ đấy, chuyện cưới cũng hoãn lại.

Hoãn cưới, hai người đến với nhau chừng như không có việc gì làm. Vĩ càng năng đến nhà Hiểu Thu hơn, nhưng không vì thế mà anh quen với tính cách, điệu bộ của mẹ Thu, ngược lại, anh ngồi đấy mà lòng buồn vô hạn. Nhưng không đến đây thì đi đâu? Xem phim, đi chơi phố? Đã qua rồi những hứng thú ấy. Như đã nói, họ không phải là đôi trai gái thích thảo luận một vấn đề chính trị hoặc xã hội nào đó. Nhà Hiểu Thu thì luôn luôn có một bàn mạt chược, trên bàn là khói thuốc, dưới ánh sáng ban ngày nó gây nên một cảm giác mơ màng uể oải. Dưới ánh đèn buổi tối đó là cảnh tượng chán chường thất vọng. Tuy mẹ nói ngăn phòng, nhưng Vĩ không đủ lòng tin để ở chung với mẹ vợ. Tâm trạng Vĩ vô cùng chán nản, suy sụp. Có hôm, buổi tối mẹ Hiểu Thu đi diễn, nhà vắng vẻ, hai người lại nồng nhiệt với nhau, nhưng không hào hứng lắm. Chuyện ấy hai người đã nắm vững, song vì số lần đến với nhau ít, còn lâu mới đến độ chán, trước khi vào cuộc Vĩ vẫn rất ham muốn, phấn chấn. Nhưng xong việc anh lại cảm thấy chỉ thế thôi ư? Tóm lại có phần nản lòng. Hiểu Thu cũng thấy chuyện ấy không còn thích thú như trước đây, nhưng cho rằng tại chuyện nhà cửa. Đầu óc Thu đơn giản hơn nhiều, chỉ nắm vững trọng điểm, mà bỏ qua mất những chi tiết vụn vặt. Mấy lần Vĩ hẹn nhưng không đến, Thu cũng không bận tâm. Thế rồi Vĩ đến thưa dần.

Bố mẹ Vĩ từ sau khi tỏ thái độ thì không còn nhắc đến nữa, tưởng chừng không có liên quan gì đến chuyện hôn nhân của con. Với kinh nghiệm xử thế và những tin tức của Hoa cung cấp, họ hiểu phía bên kia cũng không thuận, nên không nhắc nhở gì. Phải chăng họ không muốn con trai phải khó xử? Có thể sự việc sẽ có chuyển biến, dù sao cũng phải để đất lùi. Thật ra, vẫn có một cô gái hay đến chơi nhà, cô gái này là bạn của hai cô em. Hễ đến chơi, ba cô xúm nhau vào to nhỏ chuyện trò, có lúc cô còn được giữ lại ăn cơm. Vĩ không để ý. Vì trong nhà toàn chị em gái, nên khách là con gái đến chơi cũng nhiều, toàn bạn chơi với nhau từ nhỏ. Vĩ vẫn cho là những cô gái này thích buôn chuyện, chơi với nhau đấy rồi giận nhau đấy, anh không để ý. Mấy ngày nghỉ anh đều ở nhà, nên mới nói chuyện với cô khách kia vài câu. Một buổi chiều, anh đi xem phim cùng ba cô gái, từ đấy coi như quen nhau. Cô gái này tên là Kha Kha, không phải là bạn của cô em lớn, cũng không phải là bạn của cô em út, mà là con gái của bạn mẹ, sau đấy mới làm bạn với hai cô em của Vĩ.  Kha Kha là học sinh sau Vĩ ba năm, thuộc niên khóa bảy mươi ba, vừa từ nông trường Sùng Minh về, đang học việc tại phòng đo lường của một nhà máy. Được biết thêm, Kha Kha là con gái cả, dưới còn một cậu em đang học trung học. Kha Kha chơi thân với hai cô em gái của Vĩ, hầu như Chủ nhật nào cũng đến đây. Dân Vĩ phát hiện, Kha Kha rất xinh đẹp, trắng trẻo, lúc cười để lộ hai hàm răng trắng bóng, nhỏ như hạt gạo nếp, tóc chải gọn ra phía sau, tết thành hai bím nhỏ, một vài sợi tóc con buông xõa trước trán, trông rất mềm mại. Con người Kha Kha nom trẻ trung, trong trắng. Một vài lần Kha Kha ở lại ăn cơm, cơm xong, mẹ bảo Vĩ đưa Kha Kha ra bến xe buýt, Vĩ không từ chối. Sau đấy, lại một hôm, đã hẹn nhau đi xem phim, lúc sắp đi thì hai cô em gái nói rằng có việc, không đi, chỉ còn lại Vĩ và Kha Kha đi xem, Vĩ cũng đi. Sau lần ấy Kha Kha không đến chơi nữa. Mấy lần mẹ bảo, đưa biếu mẹ Kha Kha thức ăn khó kiếm, Kha Kha không đến, Vĩ đành phải đem đến nhà. Vậy là Vĩ đến nhà Kha Kha. Nhà Kha Kha ở phía Tây cùng một đường phố, một biệt thự vườn hoa, tầng dưới có một phòng hướng về phía Đông. Nếu trước kia là nhà của một nhân vật lớn nào ở, phòng ấy có thể là thư phòng. Phía Đông tòa nhà hình bán nguyệt, một dãy cửa sổ có ri đô lụa trắng dệt mắt cáo, căn phòng trở thành phòng riêng của Kha Kha. Tòa nhà có rất nhiều phòng, không dưới chục hộ ở đây, cũng đủ phức tạp, nhưng chung quanh là vườn hoa nên cũng khá yên tĩnh.

Không thể nói Dân Vĩ không biết dụng tâm của gia đình, cũng không thể nói anh không nhìn ra tâm tư Kha Kha, trong chừng mực nào đấy anh cứ để thuyền trôi theo nước. Anh biết, cứ để phát triển sẽ  nguy hiểm, nhưng lại không nghĩ nhiều. Mọi chuyện biết đấy nhưng vẫn phạm phải, cũng tại không nghĩ nhiều, đến đâu hay đấy. Để giành lấy nhất thời hoặc chỉ là trốn tránh nhất thời. Kha Kha được gia đình dành cho một góc khuê các, có cái không khí băng trong ngọc khiết, hơn hẳn căn nhà tối tăm thậm chí ồn ào bẩn thỉu của Hiểu Thu. Hiểu Thu cũng trở nên không sạch sẽ, những biệt hiệu “mắt mèo”, “Tây Thi công xưởng” cũng tỏa không khí vẩn đục khó hiểu. Lúc này Dân Vĩ thật không công bằng cho rằng, những chuyện trước đây giữa anh và Hiểu Thu rất bẩn thỉu. Chặng đường cùng học cùng đi của hai người, những chuyện khúc mắc, khó xử đều trở thành chuyện không chịu nổi, khiến con người bị ô nhiễm. Anh có nguyện vọng tẩy sạch những gì của quá khứ, bắt đầu lại từ đầu. Nhưng anh vẫn trong tình trạng không rõ ràng, vừa đến nhà Kha Kha vừa lui tới nhà Hiểu Thu. Nhà Hiểu Thu không biết từ lúc nào không còn cái bàn mạt chược, không còn khách đến chơi bài. Nhưng không vì thế mà bầu không khí trở nên trong sáng, ngược lại càng u buồn hơn. Mẹ Thu ở nhà, bao giờ cũng thấy ngồi chống tay lên mặt bàn, cầm điếu thuốc, mắt nhìn lên, không biết đang suy nghĩ gì. Xã hội cởi mở, mẹ của Thu không còn gò bó, bắt đầu trang điểm, uốn tóc, đeo dây chuyền, hoa tai. Nhưng trang điểm không làm chị đẹp hơn, ngược lại trông già đi. Phấn son, kiểu tóc, đồ trang sức vàng long lanh sáng, không giúp nổi tuổi tác, không còn thích hợp, trông có phần hài hước. Tâm tư Dân Vĩ đã thay đổi, nếu không, anh sẽ cảm thấy cái gia đình này đang có chuyện gì đó. Trong thời gian này, anh vẫn làm tình với Hiểu Thu đôi lần, làm tình nhưng không chuyên tâm, Hiểu Thu cũng không chuyên tâm vào chuyện ấy. Anh không phát hiện ra, nhưng còn Hiểu Thu? Hình như cô không muốn nói gì với Vĩ. Tóm lại, thời gian này hai người xa nhau dần.

Sự việc bắt đầu từ anh trai Hiểu Thu. Sắp đến ngày cưới thì anh bị tạm giữ và bị thẩm vấn, điều tra. Lý do là, trong Cách mạng Văn hóa, anh can tội giết người, một thầy giáo già chết trong tay anh. Hồi ấy, nhà trường mở đại hội phê đấu, đấu một thầy giáo vốn dạy toán trong trường sĩ quan lục quân của Quốc Dân đảng. Phê đấu quá tay, có người dùng vũ lực với ông thầy này. Mà ông này cũng ương bướng, cố chấp, không chịu khuất phục, bị đẩy ngã xuống đất. Ngay lúc ấy, anh trai Thu xông tới đạp mạnh, lập tức ông ta nằm bất động. Đưa đến bệnh viện chụp phim, nạn nhân bị gãy một hàng xương sườn, xương gãy chọc vào tim và chết sau vài tiếng đồng hồ. Bệnh viện giữ lại hồ sơ khám nghiệm, cộng thêm mấy người làm chứng tận mắt thấy anh trai Hiểu Thu đạp nạn nhân. Điều này cũng giống với tác phong của anh, hễ ra tay là vô cùng hung hãn. Thật ra, anh ta không có tư thù tư oán gì với thầy giáo này, nói theo phép công, anh không phải là người phạm trọng tội. Nhưng anh trai Thu, trời sinh cục tính, tàn bạo. Anh không nghĩ xảy ra to chuyện, cũng không nhớ đến oan hồn kia. Nhưng có nợ phải trả, đến ngày tính sổ đòi nợ cũ. Đầu tiên, phải “tường trình”, sau đấy chuyển thành hình sự, viện kiểm sát khởi tố. Đối với anh trai, Hiểu Thu không có gì khác ngoài một cái “hự” năm xưa. Nhưng vì người nhà có liên quan đến vụ án, bản thân lại ở trong đám thị dân bảo thủ, trước mặt mọi người luôn tỏ ra mặc cảm. Hiểu Thu không nói với Vĩ, nhưng Vĩ biết chuyện, ở cùng một đường phố, có nhiều người quen chung, bên gia đình Vĩ lại rất để ý đến Hiểu Thu. Thu không nói, Vĩ không nhắc, nghĩ bụng nhà này lắm chuyện, lại là chuyện này, anh đâm nản lòng. Lúc hai người đến với nhau, Vĩ trầm mặc hơn mọi khi, Thu đoán Vĩ đã biết chuyện, vì không muốn được an ủi, nên không nói gì. Như vậy càng làm hai người thêm xa cách. Sáu tháng sau, tòa tuyên án mười năm tù. Thành án vào tù rồi người nhà mới được đến thăm. Thu và mẹ vào nhà tù cầu Đề Lam, chờ từ bảy giờ sáng, gần mười giờ mới đến lượt vào thăm, người trong cách người ngoài một ô cửa sổ. Anh cạo trọc đầu, mặc áo sọc của tù nhân, thấy mẹ và em gái, anh tỏ ra thờ ơ. Nhưng mẹ không nén nổi, khóc to. Một con trai, một con gái không biết mẹ khóc chuyện gì, mẹ khóc chuyện hai chục năm trước cũng một người trong một người ngoài xa cách chân trời góc bể thế này. Lúc ấy chồng khóc, chị không khóc. Vì chị là người có lý, không những có lý mà còn có cả năm tháng thời gian, còn có thể đảo ngược số phận. Bây giờ chị vẫn là người có lý, nhưng thời gian đã tận cùng, số phận không đảo ngược được nữa, đảo ngược cũng chỉ được một thước. Chị khóc cho cả hai lần, chưa bao giờ Hiểu Thu thấy mẹ kích động đến thế. Thu sợ, nhìn anh, nhưng anh không có vẻ gì buồn, thậm chí còn tỏ ra chán ghét, Thu rất ngạc nhiên. Cũng may thời gian thăm tù đã hết, Thu và mẹ phải về. Hôm ấy, Thu rất mong Vĩ đến. Lòng cô chấn động mạnh, muốn được người yêu vuốt ve, an ủi. Nhưng hôm ấy Vĩ không đến. Mẹ đi ngủ sớm, một mình Thu ngồi nhìn ra cửa sổ, lá ngô đồng che ánh đèn đường phố, đêm đen trôi nổi trên nền trời, chợt Thu cảm thấy sợ hãi.

Hôm sau, ăn cơm tối xong, Thu đến nhà Vĩ. Thu không gõ cửa, chỉ đứng dưới nhà gọi. Đó là cách trẻ con tìm nhau, với người lớn như Thu, gọi nhau như thế không còn thích hợp. Vài cánh cửa sổ mở ra, có người thò đầu nhìn xuống, khiến Thu cảm thấy nản chí. Gọi thêm mấy tiếng, người trả lời là cô em gái lớn của Vĩ, nói Vĩ không có nhà. Thu hỏi đi đâu, trả lời không biết, rồi khép cửa lại. Một người trên nhà, một người dưới đường lớn tiếng nói chuyện, cả ngõ biết Thu bị ghẻ lạnh. Hôm sau, Thu lại đến, Vĩ cũng không có nhà. Hôm sau nữa là ngày nghỉ, Thu đến tận xưởng Vĩ để tìm, Vĩ đang đạp xích lô chở hàng ra ngõ, hai người gặp nhau, cùng ngơ ngác. Mới chỉ mấy hôm không gặp, nhưng cả hai cùng cảm thấy có nhiều thay đổi. Hiểu Thu đang bực tím mặt, nước da trở nên thô. Chỉ có đường nét của cặp mắt vẫn không thay đổi, đồng tử vẫn sáng, đuôi mắt dài và vểnh lên, mắt long lanh, khuôn mặt sa sầm mang vẻ uy hiếp mạnh mẽ. Vĩ bất ngờ tránh ánh mắt ấy, nhưng miệng cười nói: may quá, gặp em đây rồi. Hiểu Thu hỏi: may gì? Em đến tìm anh đấy. Vĩ bảo: có chuyện gì, để tối nay anh đến nhà em. Hiểu Thu nói: mấy hôm anh không đến rồi? Em đến nhà tìm anh hai lần mà không gặp. Vĩ nói: em đừng đến, em biết gia đình anh không khách khí với em mà. Câu nói tỏ vẻ ân cần, hai người im lặng giây lát, những gì thân thiết trước kia lại về. Cuối cùng Vĩ bảo: tối nay anh sẽ đến. Nói xong anh nhảy lên xe, Hiểu Thu nhìn xe đi xa dần. Dân Vĩ ngoái nhìn lại, thấy Thu đang đứng đấy, anh vẫy tay ra hiệu cho Thu về đi. Hai người cùng tỏ ra chán nản, không biết tại sao cùng thấy chua xót.

Tối hôm ấy mọi chuyện yên ổn qua đi. Sau giờ làm việc, Vĩ đến tìm Thu. Ăn xong, mẹ Thu một mình ngồi chơi bài, chị dùng móng tay út bên phải để dài, khẽ gảy nhẹ, quân bài lật lên. Hiểu Thu rửa bát ở vòi nước, Vĩ đứng bên cạnh, nhìn Thu vớt từng chiếc bát trong chậu nước ra, vẩy khô, xếp thành chồng, cất vào chạn bát. Sau đấy mẹ đi ngủ, chỉ còn hai người ở phòng ngoài, mỗi người ngồi trên một chiếc ghế mây, nói chuyện. Không nhắc gì đến chuyện Vĩ không đến và Thu đi tìm Vĩ. Trong bầu không khí tĩnh mịch, cả hai đều không tin có chuyện gì thay đổi, có lựa chọn gì khác. Cả hai đã như thế rồi, còn nói gì nữa? Tốt với nhau rồi. Cái bóng đèn hai nhăm oát ở ngoài hành lang rọi ánh yếu ớt qua ô cửa sổ phía sau, lúc này nét mặt Hiểu Thu trở nên sáng sủa. Những buồn lo của mấy hôm lúc này đều chìm lắng, tưởng đâu nước da của Thu gần với nước da của Kha Kha. Vĩ phát hiện mình đang so sánh Thu với Kha Kha, lòng chợt bối rối, nhưng anh lại thôi ngay. Hai người ngồi đến chín giờ, vì ngày mai phải đi làm, Vĩ đứng dậy đi xuống. Hiểu Thu muốn tiễn, thật ra không cần, vì hai nhà chỉ cách nhau nửa con phố, cho dù hồi đang yêu nhau nồng nhiệt thì họ cũng không có hứng đưa đi đưa về làm gì. Quả nhiên, chỉ đi một quãng là đến ngõ nhà Vĩ. Vĩ nói, anh lại đưa em về. Vậy là Vĩ đưa Thu về. Cũng chỉ đi mấy bước chân. Hiểu Thu lại đưa Vĩ về. Hai người cứ đưa đi đưa lại mấy lần, đường phố đã vắng người qua lại, ánh đèn đường lọt qua tán lá ngô đồng, rải sáng lên mặt đường. Cuối cùng, vẫn là Vĩ đưa Thu về đến tận cửa, hai người đứng dưới ánh trăng trong ngõ, nhìn bóng của nhau đổ dài trên mặt đất. Đó là điểm làm lòng người xao xuyến trong đêm nay, cả hai bất giác lộ vẻ tiếc nuối. Chẳng ai nghĩ đến chuyện chia tay.

Sau đấy, cứ dăm ba ngày Vĩ mới đến một lần, Thu cũng quen dần. Một hôm, mẹ Thu như chợt nhớ ra, hỏi con gái: bạn con tại sao ít đến chơi thế? Lúc này Thu mới nhớ ra, đã một tuần hai người không gặp nhau, vậy mà Thu vẫn không nhận biết. Không phải Thu nhạt tình với Vĩ, nhưng trong một thời gian dài quan hệ thân mật đã vững chắc, đã có sự tin tưởng không điều kiện. Một buổi chiều, Thu tan ca, đi từ trong ngõ ra, nhớ lời mẹ dặn ra hiệu thuốc mua thuốc tím khử trùng, liền quay ra hiệu thuốc ở gần ngõ nhà Vĩ. Đi qua ngõ nhà Vĩ, Thu nhìn vào ngõ, bởi biết hôm nay là ngày nghỉ của anh, xem anh có đứng ở ngõ không. Thoáng thấy Vĩ, Thu định gọi thì thấy Kha Kha đang đứng bên anh. Thu không phải là người nhỏ nhen, không dễ nghi ngờ, nhưng những ngày xa cách này, ngay lúc ấy không có gì, sau đấy cũng phải suy nghĩ. Thu ngạc nhiên vì chưa bao giờ nghe Vĩ nói đến Kha Kha. Thu bước vào ngõ mấy bước theo bản năng, định đến gần Vĩ nhưng rồi dừng lại, trống ngực đập thình thịch. Thu sợ, sợ có chuyện gì thật. Thu quay ra, quên cả mua thuốc, cứ thế về nhà. Tối hôm ấy Vĩ đến chơi, đưa Kha Kha về rồi mới đến. Thu im lặng một lúc rồi nói hôm nay đi qua ngõ thấy anh và một cô gái nữa. Vĩ trả lời ngay, đấy là con gái của một đồng nghiệp với mẹ. Hiểu Thu chỉ ờ một tiếng, nhưng nghĩ bụng vì chuyện của mình mà Vĩ và mẹ bất hòa, tại sao Vĩ thay mẹ tiếp con gái đồng nghiệp của mẹ? Lòng Thu rối như tơ vò, vì mấy hôm nay có nhiều suy nghĩ tích tụ trong lòng. Nhưng Thu vẫn sợ, không dám hỏi đến cùng. Chuyện bất ngờ gặp hôm nay mới như bắt đầu, từ đấy về sau Thu còn nhiều lần gặp Vĩ và Kha Kha. Họ ở gần nhau, ra vào không gặp nhau mới là lạ. Mỗi lần trông thấy, Thu đều tránh, không giáp mặt hai người. Thu cảm thấy Vĩ cũng như vậy, rõ ràng thấy Thu đấy, nhưng làm ngơ, bỏ đi. Có lần Thu còn trông thấy Kha Kha đi một mình, lúc ấy Thu mới nhìn kỹ. Thu cố khắt khe tìm ra nhược điểm của Kha Kha: mái tóc mỏng, mắt một mí, người gầy. Thu thấy Kha Kha vào ngõ nhà Vĩ, cuối cùng Thu tự thừa nhận: Kha Kha đẹp. Rõ ràng, Kha Kha đã len vào giữa Thu và Vĩ. Nếu là người ngoài thì có thể thấy ngay, nhưng Hiểu Thu vẫn chưa tin,  thậm chí cũng không hỏi Vĩ, lý do là, hai người đã, hai người đã thắm thiết với nhau. Nhưng Vĩ đến chơi thưa dần, quan hệ hai người ở vào trạng thái như gần như xa. Có lần Thu đi qua hiệu thuốc, không hiểu tại sao lại bước vào nơi phát miễn phí bao cao su và thuốc ngừa thai, mặt dày mày dạn nhận một suất thuốc ngừa thai. Chưa bao giờ Thu uống thuốc này, giữa hai người cũng chưa bao giờ để lại hậu quả, hơn nữa, lâu lắm rồi hai người không làm cái chuyện kia.

Sau đấy, Dân Vĩ không đến nhà Thu nữa. Thu cũng không đến tìm anh. Từ nhỏ đến lớn, cuộc sống của Thu luôn luôn gặp trắc trở, người khác cho rằng Thu có thể chịu đựng, thực ra không phải vậy. Thu chịu đựng được bởi Thu tự trọng. Thật khó tưởng tượng, bị đối xử thô bạo, vậy mà vẫn còn đủ tự trọng. Hiểu Thu là người như thế. Đấy là chỗ cứng rắn của Thu, sự cứng rắn được cuộc sống đầy trắc trở tôi luyện. Bởi trong cái thô bạo có sức vươn dậy mạnh mẽ. Hiểu Thu không đi tìm Vĩ, kết quả Vĩ phải đến tìm Thu. Gặp mặt, câu đầu tiên là: sao em không đến? Câu nói thật vô lý cũng đồng thời thấy rõ sự dối trá. Hiểu Thu không trả lời, chỉ nhìn Vĩ, tưởng như biết nếu không giữ được thì phải nhìn thật rõ và lưu lại mọi góc cạnh của con người này. Mắt Thu to ra vì người gầy đi, đồng tử vốn màu nâu, nhưng nay cũng nhạt bớt, gần như trong suốt. Dân Vĩ có thể nhìn thấy bóng mình trong đôi mắt kia. Anh cúi đầu, lẩm bẩm điều gì nghe không rõ, nhưng ý nói, chúng ta chưa hiểu nhau lắm, sự xa cách trong những ngày gần đây là một minh chứng, cho nên chia tay thì tốt hơn. Hiểu Thu hỏi ngược lại: Vĩ bảo chúng ta vẫn chưa hiểu nhau ư? Vĩ bảo tính cách Thu không hợp ư? Vĩ lúng búng trả lời. Hiểu Thu khóc, nói những câu đại loại như “vô lương tâm lắm”, “rồi Vĩ sẽ hối hận”... Nhưng điều bất ngờ và khiến Vĩ cảm kích, là Thu không nói “chúng ta đã như vậy rồi”. Thu không dùng câu nói ấy để ép buộc Vĩ, mà đó vốn là thứ vũ khí trong cuộc đàm phán loại này của trai gái. Trong cuộc đàm phán này, sự chuẩn bị và mọi chuyện diễn ra đơn giản hơn hai người tưởng. Vì cả hai đều biết quan hệ của họ không còn thế phát triển, không còn cứu vãn nổi, chẳng qua chỉ cần một nghi thức là xong.

Dân Vĩ và Hiểu Thu cắt đứt quan hệ, việc sau đấy cũng rất thuận lợi. Khỏi phải nói, nhà mới có ngay. Dân Hoa cho chồng và mấy cậu học việc - Hoa đã có học trò - đến quét vôi, đánh xi sàn nhà, lắp đèn tường, đèn trần, treo ri đô, sửa chữa căn phòng chín mét vuông thành một cung điện nhỏ. Vĩ và Kha Kha cùng đi chọn đồ gỗ và đồ điện. Vĩ đi làm sớm mấy năm, nhưng lương thấp, không có tiền để dành, Kha Kha cũng không có. Điều ấy không thành vấn đề, vì cuộc hôn nhân do hai bên bố mẹ tác thành, hai bên bố mẹ cho tiền, bà chị gái cũng cho Vĩ một khoản kha khá. Đám cưới cũng phải thật rôm rả, tổ chức tại nhà hàng Tân Á, tổng cộng mười mâm, sau đấy có kế hoạch đi du lịch. Những gì có trong thời kỳ đó họ đều có. Nhưng dần dần Dân Vĩ cảm thấy phiền toái, anh không nghĩ đám cưới lại nhiễu sự đến vậy. Anh không như Kha Kha, là nữ nên rất coi trọng chuyện lớn trong đời, có rất nhiều yêu cầu cho bản thân, tất cả đều mong được coi trọng. Hơn nữa, Vĩ đã một lần yêu, lại tương đối hiểu biết, tâm lý có phần mệt mỏi. Tất nhiên người này không phải người kia, nhưng đối với Dân Vĩ, về thời gian lại nối tiếp nhau. Vĩ muốn nhanh chóng kết thúc khâu chuẩn bị để bước sang một trạng thái khác, trạng thái hôn nhân. Đồng thời, trong quá trình làm đám cưới, anh phát hiện mẹ Kha Kha không phải là người ít chuyện, làm anh bắt đầu chán ghét, chán ghét theo một lối khác. Sắp đến ngày cưới, bà mẹ vợ bỗng tỏ ra không muốn gả Kha Kha cho Vĩ, nảy ra nhiều yêu cầu khác, tưởng như làm khó cho Vĩ. Đòi chụp ảnh mặc áo cưới, phóng to, treo trong phòng cô dâu chú rể. Căn phòng mới quét vôi trông không đẹp, lại phải dán giấy; tiệc cưới bỗng thêm một mâm, thành mười một, bị lẻ, thêm một mâm nữa cho chẵn mười hai. Không đủ người dự, phải tìm thêm bạn bè, cuối cùng mời một gia đình bạn cũ ở Tô Châu lên, lại đòi hỏi có chỗ ăn chỗ ở cho khách. Dân Vĩ thấy phiền phức quá, anh lại nghĩ đến Hiểu Thu, nghĩ nếu là Thu thì bà mẹ sẽ không rườm rà đến vậy. Mẹ Kha Kha lúc nêu yêu cầu đều nhắc nhở, Dân Vĩ làm ở đơn vị kinh tế tập thể, còn Kha Kha làm trong cơ quan nhà nước, ví dụ, “đừng để bạn bè của Kha Kha biết con bé lấy một người ở tổ sản xuất, như thế sẽ làm Kha Kha tủi thân”, vân vân. Vĩ buộc phải cẩn thận, nhiều lúc phải uốn mình đón ý, như vậy không dễ kéo dài ngày vui, anh bước vào hôn nhân với tâm trạng mỏi mệt.

Trong thời gian này, cuộc sống của Hiểu Thu bị một chuyện khác chiếm cứ, ấy là chị gái sinh bé. Chị Thu mang bầu nhưng chẳng nói với mẹ đẻ, lúc sắp sinh không tránh khỏi lúng túng. Anh rể Hiểu Thu năm trước thi làm nghiên cứu sinh ở Bắc Kinh, hai người tạm thời ở hai nơi. Anh nói lúc nào vợ sinh thì về, nhưng biết sinh vào lúc nào? Tuy bố mẹ chồng có đấy, nhưng không dám phiền. Đến lúc này đành phải nhờ người thân. Mẹ có ba mặt con, không nghĩ sinh nở có gì khó khăn, nhưng chị sinh con đầu lòng, nên bảo Hiểu Thu đến giúp chị, đêm ngủ với chị. Từ nhỏ, hai chị em ít gần nhau, lúc này cũng không thân thiết. Từ nhỏ, Hiểu Thu đứng trước anh trai và chị gái, mọi nét hoạt bát đều biến mất, lại thêm những ngày trắc trở mới đây, Thu trở nên trầm mặc, buồn tủi. Mọi người nghĩ hai chị em ngủ cùng giường sẽ có nhiều chuyện nói với nhau, nhưng không biết hai chị em nằm quay lưng lại với nhau, không nói với nhau câu nào. Thứ nhất Hiểu Thu bị gò bó câu thúc; thứ hai, Thu không muốn làm phiền nhà bố mẹ chồng chị gái. Tối nào cũng vậy, Thu ăn cơm xong, rửa tay chân mặt mũi rồi mới đến nhà chị. Lúc ấy chị đã ngủ, để lại mấy cái áo quần trong buồng tắm để giặt, tiện tay Thu giặt luôn đồ của hai ông bà thay ra, phơi trên cây sào ở cửa cầu thang. Phòng tắm nhà bố mẹ chồng chị gái rất lớn, chung quanh lát gạch men trắng 8000 , Thu giặt khăn tay của mình và phơi trên tường gạch men. Vậy là trên tường gạch trắng có thêm bức tranh màu sắc. Hễ sáng dậy, Thu không ăn sáng, không đi vệ sinh, cứ thế về nhà mình. Lúc ấy chị đang ngủ say, rèm cửa sổ buông kín, trong phòng còn tối, chỉ có chút ánh sáng sâu thẳm trên sàn nhà đánh xi bóng. Hiểu Thu rón rén như mèo. Căn phòng này là một thế giới bịt kín, Thu chỉ có thể đi bên cạnh nó. Khi Thu nhẹ bước xuống cầu thang, có lúc gặp mẹ chồng chị gái từ phòng tắm đi ra. Một quý bà người Ninh Ba, mái tóc muối tiêu chải gọn ra phía sau, khuôn mặt nhỏ nhắn, nước da vẫn nõn nà. Bà nhìn Thu bằng ánh mắt nghiêm khắc, khẽ gật đầu coi như lời chào, sau đấy đi thẳng vào phòng. Cũng có vài lần bà không đi vào phòng, mà nhìn theo bóng Thu cho đến khi khuất hẳn, nghĩ bụng: hai chị em nhà này không giống nhau chút nào. Bà mẹ chồng đối với con dâu, vì nể mặt con trai, nên có phần chiều chuộng, ngày thường gặp mặt nhau tỏ ra dè dặt, cẩn thận. Nàng dâu về đã vài năm nay, nhưng mẹ chồng con dâu như người qua đường, với nhà mẹ đẻ cũng ít qua lại, tình cảm nhạt nhẽo như người xa lạ. Có lúc thấy hai vợ chồng đóng cửa cười nói trong phòng, bố mẹ chồng nghi ngờ lẽ nào đấy là một người? Khó mà nói bố mẹ chồng thích hoặc không thích nàng dâu, vì nàng dâu đối với bố mẹ chồng cũng không thân thiết. Con dâu mẹ chồng cũng ít khi ngồi lại với nhau. Cô con dâu lúc nào cũng ở tịt trong phòng, đóng cửa. Từ ngày con trai lên Bắc Kinh học, bà mẹ cảm thấy cô đơn. Bây giờ có Hiểu Thu đến, tuy tối đến sáng về, không nghe thấy một tiếng nói nào, thậm chí họ cũng không nhìn rõ mặt Thu. Nhưng qua một đêm, áo quần phơi trên cây sào nơi cửa cầu thang và cả những thứ cô tiện tay để trong phòng tắm, cái khăn tay trên tường gạch men, lại mang đến một không khí mới mẻ sống động. Họ cũng muốn Thu ở lại đây lâu hơn một chút. Một buổi sáng, bà mẹ chồng của chị gái gặp Thu, sau khi gật đầu chào, bà giữ Thu lại: cháu ở đây ăn sáng rồi hãy về. Thu giật mình, vội lắc đầu và đi vòng qua bà để xuống thang gác, suýt nữa thì vấp ngã. Bà thấy cặp mắt rất đặc biệt của cô gái này, thần sắc trong ánh mắt chiếu sáng khuôn mặt có nước da ngăm ngăm. Một bà già vừa xơ cứng vừa khắt khe như bà ta, thường rất thích những cô gái có nước da trắng trẻo, cho nên thấy Hiểu Thu không bằng chị gái, chị Hiểu Thu đẹp như một viên ngọc, nhưng không hoạt bát như cô em.

Chị gái Hiểu Thu sinh rất đúng ngày, vừa đau bụng đã đưa ngay đến nhà hộ sinh, hai hôm sau vào phòng đẻ. Lúc ấy, anh rể cũng từ Bắc Kinh xin nhà trường về nghỉ. Từ hôm chị gái đi đẻ, Thu về ngủ ở nhà, đem cơm nước, thăm nom chị. Sáng sớm, chị sinh một cậu con trai ba cân, coi như đẻ dễ, nhưng bác sĩ nói, “rau tiền đạo”, sau khi sinh liên tục ra máu, buổi chiều bị choáng, chẩn đoán bị tắc mạch ối, lập tức được thông báo nguy hiểm. Đến tối, người tỉnh lại, máu ra ít hơn. Người nhà không hiểu về y học, không hiểu “tắc mạch ối” là gì, chỉ thấy bác sĩ tỏ ra căng thẳng, khẩn trương, trước mặt vẫn là một người sống, không tin sẽ xảy ra chuyện gì. Sản phụ ổn định được hai hôm, lại có chuyện, người như mê man bất tỉnh, lúc này mới thật sự nguy hiểm. Chồng quỳ xuống xin bác sĩ ra tay cứu giúp, nhưng cũng chẳng ai để ý đến anh. Bác sĩ các khoa đến, treo chai nước lên, lại bận bịu hai hôm liền. Chồng không rời nửa bước, ăn ngủ ngay tại đấy, mới mấy hôm mà người tiều tụy hẳn. Trưa hôm ấy, Hiểu Thu đến thấy chị khá hơn một chút, mắt hé mở, y tá hỏi có biết ai đây không? Chị trả lời: em gái. Chưa bao giờ Hiểu Thu thấy chị gọi mình là em gái, lúc này nghe chị nói Thu không khỏi chua xót. Cảnh vài ba lần chị em gặp nhau hiện lên trước mắt: chị bị viêm gan, Thu vào bệnh viện thăm nom, hai chị em ngồi nhai thịt bò khô; anh đánh Thu bị thương, chị kêu thất thanh; những đêm hai chị em ngủ quay lưng lại với nhau. Thật ra chị cũng rất cô đơn, thậm chí Thu cho rằng cuộc sống của chị không bằng mình, tuy trong tình yêu thì Thu thảm bại. Thu nghĩ lại ngày còn nhỏ, nhớ lần mẹ đưa đi nhận mặt bố chị gái, hai người tranh luận kịch liệt, bỏ chị đứng giẫm trên những viên gạch viền luống hoa, hai tay dang rộng, hai chân đi thẳng như đi trên dây. Đêm hôm ấy, chị gái qua đời, anh rể không còn khóc nổi, gục xuống, phải cấp cứu. Suốt một tuần rối ren bận rộn, không ai nhớ đến đứa bé mới sinh, tất cả đều do hộ lý chăm sóc, cho ăn. Lúc này, đã đến ngày ra viện, việc của người lớn vẫn không đừng được, cuối cùng Hiểu Thu phải đưa đứa bé về nhà.

Ở nhà tù Đề Lam, vì chuyện đau buồn của anh trai, mẹ không chỉ khóc cho chuyện đã qua mà đã khóc cho cả những chuyện về sau. Chuyện của cô con gái lớn, mẹ không chảy bao nhiêu nước mắt. Đứa bé Thu đưa về, mẹ không bế, cũng không đến gần, chỉ nhìn. Một vài lần Thu cho đứa bé ăn, rồi đặt nó nằm, chợt phát hiện mẹ đứng sau lưng nhìn đứa bé, lúc ấy, mẹ mới nhìn đi chỗ khác. Ánh mắt mẹ thật kỳ lạ, thật khó tưởng tượng nổi, không biết cái sinh mệnh nhỏ bé này ở đâu ra. Sau một tuần lễ, Thu đưa đứa bé về trả cho ông bà nội nó, anh rể đã đi, trước khi đi cũng không nghĩ đến thăm con. Có thể anh hận con, hận vì có con nên mới mất mẹ nó. Thu trao đứa bé cho ông bà nội, dặn dò chuyện ăn ngủ của bé, đặt một bọc tã lót, bình sữa xuống rồi về ngay. Về đến nhà, mẹ thấy Thu đi tay không liền quay mặt đi và hỏi: cháu đâu? Thu sực nhớ lúc đi không nói gì với mẹ, Thu cứ nghĩ mẹ không quan tâm chuyện này. Nhưng mẹ chỉ hỏi một câu thế rồi không nhắc gì đến nữa. Hôm sau, Thu lại đến nhà anh rể đưa nốt sữa và áo quần còn lại của đứa bé. Lúc Thu đến gần, đứa bé như nhận ra người thân, rúc đầu vào lòng Cô. Thu chợt xúc động, nhìn đứa bé trong lòng, rõ ràng đây là một con người có tri giác, bất giác Thu ôm chặt lấy nó. Sau đấy, hàng ngày cứ ăn cơm tối xong, Thu lại đến thăm đứa bé, giúp bà già một tay. Hai ông bà đã ngoài sáu mươi, không còn ở tuổi nuôi trẻ con nữa rồi, nhưng ông bà kiên quyết không nuôi người giúp việc, không muốn để người ngoài chia sẻ tình thân ruột thịt. Vậy là Hiểu Thu trở thành trợ thủ quan trọng duy nhất. Mỗi lần Thu đến, không kịp ngồi, cứ vậy bưng chậu tã đi giặt rồi phơi lên. Gặp hôm mưa, Thu là ủi tất cả những cái tã còn ướt, rồi cho đứa bé ăn, dỗ nó ngủ. Những ngày nghỉ, Thu đến từ sáng sớm, dọc đường mua sẵn thức ăn trong ngày, tranh thủ lúc đứa bé ngủ buổi sáng, Cô nhặt rau, vo gạo. Thu pha sữa để nguội, đứa bé cũng vừa dậy, chưa kịp khóc đã có sữa ăn. Bà già được nghỉ một hôm, có Thu cùng ăn cơm trưa cơm tối. Trong nhà chỉ có người già và trẻ con, có thêm người trẻ đi lại cũng đỡ cô đơn, buồn bã. Cũng có những hôm nghỉ, Thu đưa đứa bé về nhà mình ngủ một đêm. Mẹ Thu vẫn không đụng tay vào cháu ngoại, chỉ nhìn. Nhìn rất chăm chú. Đứa bé sợ bà ngoại, chỉ theo Thu, hễ Thu đi là nó khóc. Đứa bé khóc rất to, nghe như thổi còi, Thu lại phải dỗ. Dỗ ngọt không xong phải hát ru cháu, trong nhà trở nên ồn ào. Như vậy, đứa bé và Thu, cũng là cháu và dì, cứ đi lại và đưa ồn ào đến cho hai gia đình buồn đau.

Vì không được bú sữa mẹ nên đứa bé rất hay ốm, mấy tháng đầu còn khá, còn có sức đề kháng của bào thai, mấy tháng sau cứ vài tuần lại sốt một lần. Hai ông bà già không chăm sóc nổi, có những hôm Thu đi làm, phải điện đến tận nơi sản xuất, gọi Thu về. Một hôm, bà nội của đứa bé bàn với Thu, liệu có thể xin nghỉ dài ngày để chăm sóc nó không, tiền lương bà sẽ chi trả, khẩu khí như đàm phán với bảo mẫu. Tất nhiên Hiểu Thu từ chối, nói mình sẽ thường xuyên đến thăm cháu. Bà nội đứa bé nói ngay một câu: cháu đừng nên nghi ngờ gì, các bác đây sẽ xem cháu như con. Hiểu Thu ít khi nghe thấy những lời bày tỏ tình cảm như thế, bất giác mềm lòng với người đàn bà Ninh Ba bề ngoài tỏ ra ghê gớm này. Về sau, bà nói chuyện ấy với Thu vài ba lần nữa, đại khái là: các bác đây chưa bao giờ xem chị cháu là con. Bà nói rồi bỗng thấy sợ hãi, không yên. Thu chỉ cảm thấy bà già này thật đáng thương, cũng dần dần có tình cảm với bà. Đúng là bà đối xử tốt với Thu, không phải là cái tốt chí thân, nhưng chính vì thế bà mới tỏ ra thận trọng và ôn hòa, không làm phật lòng Thu. Một hôm, đứa bé qua đêm bên nhà Thu bỗng sốt cao, Thu bế nó đi bệnh viện. Bác sĩ nhìn Thu, chợt ngớ ra, bất giác nhìn lại, hỏi: cô có nhận ra tôi không? Hiểu Thu cũng ngơ ngác, nhưng không nhận ra ai. Người kia cười nói: tôi nhận ra cô đấy. Người kia cúi xuống khám cho đứa bé, chỉ là cảm gió, cho tiêm và cho uống thuốc. Thu cảm thấy bối rối, không nghĩ ra người bác sĩ có dáng gầy gầy này đã quen Thu hồi nào. Cho đến khi cô ra về, người bác sĩ mới nói, lúc nhỏ cô vẫn đến nhà tôi, chơi với em gái tôi. Anh lại nói tên em gái mình. Lúc này Thu mới nhớ ra, đấy là anh trai của đứa bạn trong ngõ có dãy chung cư. Hồi xưa, Thu không để ý đến người này, vì anh rất ít nói và hay ngượng, lúc này đã biết bắt chuyện, hình như không muốn để Thu về ngay, anh kể với Thu về mình và cô em gái trong thời gian gần đây. Hai anh em đều đã có gia đình, em gái và chồng đang làm nghiên cứu sinh, tuy có lương nhưng chỉ là sinh hoạt phí, vẫn phải dựa vào bố mẹ, nhưng học xong sẽ tìm được việc, vì hai người học luật, ở Mỹ, giàu nhất là hai nghề, một nghề luật sư, một nghề bác sĩ. Anh nhìn lên cái áo choàng trắng của mình rồi cười nói, bác sĩ ở Mỹ không như ở đây, lương tháng của anh không khác những công nhân bình thường, nhưng cũng đủ sống, vì vợ anh làm một công việc khá đặc biệt, có thêm khoản bồi dưỡng, tóm lại thế thôi, không có gì khác. Không biết anh đang trách cứ hay thỏa mãn, hoặc cả hai. Có thể vì trực đêm yên tĩnh, anh cứ nói đi nói lại một chuyện. Xem ra anh vẫn còn nhớ Hiểu Thu, nhưng có thể không nhớ tình yêu dành cho Thu hồi nhỏ, nếu không, anh không nói nhiều đến thế mà không sợ người nghe khó chịu. Mấy lần Thu định cắt ngang câu chuyện để đưa đứa bé đi tiêm. Hình như anh cũng thấy được tâm trạng Thu, nói sẽ đưa Thu đi. Sang đến nơi tiêm, anh vẫn tiếp tục nói chuyện, nhưng tiếng khóc của đứa bé khi tiêm cắt ngang đành thôi không nói nữa. Nhân cơ hội, Thu bế đứa bé đi như chạy trốn. Thu bế đứa bé đi ngoài phố giữa đêm khuya thanh vắng, lòng vô cùng yên tĩnh. Thu như người đứng ở bờ bên này nhìn thấy người và việc bên kia sông, đấy là mình mà cũng không phải là mình. Đứa bé được ủ trong cái chăn len tựa như nhụy hoa được bọc giữa những cánh hoa, đang nằm yên. Thu hôn lên mái tóc mềm mại của nó, tận hưởng mùi thơm không biết từ đâu đến, khiến Thu ngạc nhiên.

Trong thời gian này, anh rể từ Bắc Kinh về thăm nhà nhân dịp nghỉ hè. Đứa bé đã được ba tháng, cũng tức là chị chết đã được ba tháng. Anh vẫn chưa hứng thú với đứa bé, mẹ anh bế cháu đưa đến cho anh thấy, anh nhìn sơ qua rồi bỏ đi. Khuôn mặt đứa bé in dấu buồn mất mẹ. Anh ở nhà chỉ một nửa thời gian được nghỉ, nửa thời gian nữa đi Triết Giang thực tập. Có thể vì sống ở miền Bắc và cũng buồn vì vợ chết, anh rể không còn là một trang thanh niên tuấn tú như những năm trước. Trông già và thô hơn, tóc thưa bớt, cận thị nặng hơn, ánh mắt trở nên mơ hồ. Theo lời dặn của bố mẹ, anh mua cho Thu chút quà, một đôi dép nhựa, dép có cái khóa mạ vàng, bất cứ cửa hàng bách hóa nhỏ nào ở Thượng Hải cũng có dép đẹp hơn. Mà kích cỡ cũng không vừa, nhỏ mất một số, có thể anh mua theo chân vợ. Đúng là người không quen mua tặng phẩm và  không cẩn thận. Trong thư, bố mẹ nói với anh rất nhiều điều, nói về nỗi vất vả, chuyên cần của Hiểu Thu. Trong thư trả lời, anh nói rất nghiêm túc, nếu Thu thích thì cho Thu đứa bé ấy. Trong một thư khác, bố mẹ bác ý kiến của con trai. Họ là gia đình coi trọng thừa tự, làm gì có chuyện cho con, cho cháu. Nhưng ông bà già từ đấy chỉ sợ Thu đưa bé đi mất. Đứa bé rất quấn Thu, thương cho nó không có mẹ, bố cũng không để ý, chỉ có dì, mà ông bà thì đã già không chăm sóc được cháu. Một hôm, Thu đưa đứa bé về nhà. Trước khi đi, bà nội đứa bé hỏi một câu thật thương tâm: có còn về đây nữa không? Thu không thấy ngạc nhiên, chỉ cười. Bà đã già thật rồi, già đến độ hồ đồ. Khi anh rể về nghỉ đông, đứa bé đã biết bò, mà cũng bi bô hay chuyện. Thu lau sạch sàn nhà, lấy gối tựa sofa che chắn chân giường, chân tủ để đứa bé tự do bò. Nó bò đến chỗ Thu, gọi mẹ. Thu quát nó một tiếng. Nhưng đứa bé toe toét cười thật đáng yêu. Nắng từ ngoài cửa kính lọt vào, trên khuôn mặt đứa bé là lớp lông tơ, dưới lớp lông tơ là những huyết quản li ti, nom thật đáng yêu. Thu không nỡ mạnh tay với cháu, nhưng rất bực, để kệ nó. Bà nội đứa bé dàn hòa: dì cũng là mẹ chứ sao! Thu phát hiện, thì ra bà nội dạy nó, lại càng lúng túng hơn. Anh rể ngồi đọc sách ngoài hành lang thông vào phòng bố mẹ, tỏ ra không biết chuyện đang xảy ra ở đây. Nghỉ đông cùng với nghỉ Tết, gia đình bác của đứa bé cũng về, nhà đông người, Thu cũng ít đến. Nghỉ Tết ở nhà rỗi rãi, cắn hạt dưa cho sưng cả môi. Nhất là buổi chiều, trời vào xuân, ngày dài ra. Cơm trưa rồi cơm tối, thời gian như vô tận. Mẹ được bạn bè kéo đi đánh bài, có lúc Thu đi xem phim, một mình đi, một mình về. Những đứa bạn cùng trang lứa lối xóm đều đã đi lấy chồng sinh con, chỉ còn một mình Thu. Bạn bè về thăm mẹ, có lúc than thở không ngờ lọt lại một mình Thu. “Hồi xưa mày ấy lắm!” “ấy” là gì? Không nói, nhưng biết cả. Tóm lại không nên là Thu, một mình Thu. Nhưng không sao, người nhà Thu có số cô đơn quả phụ, mẹ một mình, anh sắp cưới thì bị tù, chị đi lấy chồng lại chết sớm, bây giờ cái số cô đơn rơi vào Thu. Từ nhỏ Thu chẳng có gì gọi là hạnh phúc, nhưng cũng không có gì trở ngại Thu vui vẻ lớn lên. Trong thời gian quan hệ với Dân Vĩ, có thể coi là hạnh phúc, có những việc nhớ lại cũng thật cảm động. Tuy không đi đến kết quả, nhưng Thu thấy thỏa mãn, còn hơn khối người xung quanh. Thu như ngọn cỏ trong khe đá, lắt lay, không có gì nuôi dưỡng, nhưng có thể trồi lên, nẩy mầm xanh, khoảnh khắc nào đó sẽ nở một đóa hoa tím hoặc vàng.

Qua Tết, người bên nhà anh rể đã đi vãn, Hiểu Thu lại sang với cháu. Người già và đứa bé thấy Thu đều rất vui. Điều ấy làm Thu cảm động, mũi cay nồng. Đứa bé vẫn gọi Thu là mẹ, Thu đành để nó gọi, không nói gì. Lúc này, hễ hết giờ là Thu đến ngay, chơi với đứa bé. Đứa bé đang tập đi, không thể xa người lớn, bế nó, nó trườn xuống đòi đi, đi thì ngã lên ngã xuống. Thu nghĩ ra một cách, lấy cái khăn quàng len của bố nó, buộc ngang người đứa bé, lôi ở phía sau như cái quang treo, đi vòng quanh nhà với nó. Đứa bé không có mẹ, lại như không có bố, nhưng có không ít người xung quanh nuôi dưỡng tạo cho nó một tính cách vui tươi trong sáng. Nó reo vui, reo to giúp nó tập đi. Hai dì cháu đứng ở cửa bếp, nó cứ ưỡn người đòi vào, đang lúc nấu nướng nóng bức, Thu không cho vào, lôi nó lại. Nó rất khỏe, kêu ré lên, hai dì cháu đang giằng co thì nghe trong bếp “choang” một tiếng, bà nội nó đánh rơi cái đĩa, vỡ tan tành. Thu bế xốc đứa bé lên, vào tắt bếp ga, thu gọn mảnh đĩa vỡ vào một góc, để lát nữa sẽ dọn. Thu quay lại thấy bà nội đứa bé mặt mày tái nhợt, biết bà già Ninh Ba này rất mê tín, kiêng đánh vỡ các thứ trong tháng Giêng, cô vội nói mấy câu “cầu mong bình an”. Không ngờ, nước mắt bà giàn giụa, níu lấy tay Thu, giọng run rẩy: bác già rồi, không nuôi nổi đứa bé nữa! Thu trông thấy một người già yếu, không phải là quý bà Ninh Ba tinh tường, nghiêm khắc. Thu cũng như sắp khóc, cố nén lại, nói: bác ơi, nhất định bác sẽ thấy cháu nó lớn thành người. Hai người nắm tay nhau. Thu và mẹ chưa bao giờ thân thiết như thế, lúc này Thu không cảm thấy ngượng, chỉ thấy chua xót. Thu gỡ tay ra, vẫn kẹp đứa bé bên nách, một tay cầm bát để bên cạnh nồi, múc thức ăn, nước mắt cứ thế chảy vào bát. Tối hôm ấy Thu đưa đứa bé về ngủ với mình, vì hôm sau là ngày nghỉ. Sáng hôm sau, hai dì cháu vẫn nằm mãi trong chăn. Đứa bé hay chuyện, cũng chẳng biết nó nói gì, cứ bi ba bi bô, gọi Thu là mẹ, Thu vẫn mặc. Mẹ nằm giường bên kia, bỗng lên tiếng, mắng: nó gọi mày, sao không trả lời nó? chết đi! Thu không nói gì, tung chăn ngồi dậy, mặc áo quần.

Ý của cả hai bên gia đình đều đã rõ. Cho dù bên anh rể là gia đình kiểu cũ, nhưng mẹ Thu là người hiểu biết nhân tình thế thái, thấy như vậy là viên mãn lắm rồi. Nhưng với bản thân đương sự lại là điều khó xử, không biết phải làm thế nào để đột phá cửa này. Không ngờ, sự việc lại rất đơn giản. Trong dịp nghỉ hè năm sau, anh rể Thu về, bố mẹ đem chuyện này ra bàn với con trai. Ngay lúc bấy giờ anh không nói gì, nhưng hôm sau ngồi ăn cơm cùng với Thu, anh gắp thức ăn cho cô em vợ, gắp một miếng cá. Để miếng cá vào bát Thu rồi, anh còn quay đũa lại gỡ cái xương cá. Mọi người đều trông thấy. Anh rể là người có hiếu, Hiểu Thu là cô em của người vợ rất thương yêu của anh, chỉ hai điểm này thôi cũng đủ để tiếp nhận. Hiểu Thu cũng rất nhạy cảm, nhận ra bà già và anh rể nói gì, có cảm giác anh rể là người biết chiều. Mọi người đều lặng lẽ đồng ý, Thu cũng không có lý do gì để phản đối. Qua năm, Thu đã bước sang tuổi hai mươi tám, chẳng còn nghĩ đến ai, với anh rể cũng không có điều gì chê trách phàn nàn, có điều còn chưa quen lắm, Thu cũng chưa có dịp nhìn kĩ mặt anh. Hồi lấy chị gái, anh đúng là một thanh niên tuấn tú. Bây giờ đã có dáng hình của một người trung niên. Thu cũng biết chẳng có gì để nói chuyện tình cảm yêu đương với anh rể. Hiểu Thu và anh rể đi xem phim vài lần, đi ăn nhà hàng một lần, đi lên phố Nam Kinh mua sắm những thứ cần dùng để anh đem lên trường. Tất cả chỉ là chuyện cần thiết đối với bạn bè, sau đấy mới bước vào lịch trình cưới xin. Hai người định làm lễ cưới vào dịp nghỉ đông, nhưng gần đến ngày cả hai cùng cảm thấy sợ, lại hoãn sáu tháng nữa, đến kỳ nghỉ hè, mùa hè không phải là mùa cưới, nhưng hai người vẫn tổ chức cưới. Ý của hai bên gia đình đều muốn làm đơn giản, nên chỉ mời bạn bè người thân, hết sức thân thiết, chỉ vừa hai bàn tiệc. Đã nhờ hàng xóm trông hộ đứa bé, nhưng lúc sắp đi, nó cứ bám chặt lấy Thu, đành phải đưa nó theo. Cũng may có nó, cứ quẩn quanh dưới chân người, chân bàn, lại còn hát cho mọi người nghe, khiến mọi người vui chuyện, với trẻ con chẳng có gì phải kiêng kị, lại còn được khen. Không khí tiệc cưới vui hẳn lên. Bên nhà Hiểu Thu không có ai là họ hàng thân thích, chỉ có mẹ, ông bác hờ và mấy người bạn đồng nghiệp với mẹ. Hôm ấy, mẹ rất vui, uống mấy ly rượu, ôm cháu nựng cháu. Bà vừa ôm cháu nhưng nó không chịu, phải đặt xuống, nói: bế không nổi, nặng như bao bột. Khi Thu và chồng nâng ly chúc mừng mẹ, mẹ nói: hai cô con gái của mẹ đều gả cho anh, vậy là anh phải làm con mẹ. Chồng Thu bây giờ là một trí thức, mẹ tỏ ra kính nhi viễn chi, lần đầu tiên nói với con rể như vậy. Anh cũng nể mẹ, một ly rượu đầy, uống hết. Lập tức nước mắt trào ra, men rượu làm anh nhớ lại người vợ cũ. Vẫn như mọi khi, Thu bị mẹ mắng, mắng tay áo mới mà dính đầy rượu, mắng trời nóng bức mà xõa tóc, làm ngứa cổ, mắng Thu lôi cánh tay đứa bé sẽ có ngày nó bị sái cánh. Mẹ mắng là vì từ nay về sau Thu không còn ở bên mẹ nữa, mẹ không muốn rời con gái. Mẹ không phải là người nặng lòng thương cảm, lúc nào cũng lấy mắng mỏ chống lại cái mềm yếu. Tiệc cưới kết thúc trong tình cảm vui buồn lẫn lộn, sau đấy ai về nhà nấy.

Về đến nhà, Thu đi tắm cho đứa bé nhưng bị mẹ chồng ngăn, đẩy Thu vào phòng rồi đóng cửa lại. Trong phòng rất nóng, như đã nói, tháng Bảy tháng Tám không phải là tháng cưới xin. Cửa sổ mở, nhưng rèm trúc buông kín, có gió nhưng không lọt qua được rèm trúc, có lọt qua cũng chỉ khẽ lao xao, hai người mồ hôi đầm đìa ngồi, vì vừa rồi bận bịu, cũng vì hồi hộp. Hai người đúng như cặp trai gái cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy, mối lái tác hợp, đêm động phòng không làm sao vui nổi, chỉ ngượng. Ngồi cũng ngượng, Thu đứng dậy thu xếp căn phòng. Căn phòng vẫn như hồi chị gái còn sống, tủ và ngăn kéo vẫn còn đồ của chị, trên giá kia là sách cũng của chị. Chồng nói: đồ của chị đấy, em có thể dùng. Lời nói của chồng như một phần thưởng, lại như sự gợi mở để hai người nói về chị gái của Thu. Anh nói: anh hơn chị gái em hai tuổi, hơn em mấy tuổi nhỉ? Thu làm phép cộng: bảy tuổi. Vậy là hai chị em chênh nhau năm tuổi? Anh không tin, nhìn Thu. Em nom già hơn chị. Thu thừa nhận. Anh ngồi trên sofa, hai tay dang rộng, tạo thành nhịp cầu, cười nói: chị khen em rất ngoan. Thu không biết có phải chị mình nói thế không, hay là chồng đang bịa để khen mình. Thu rất muốn nói, hai chị em không thân nhau lắm, vì Thu không muốn chồng chuyển tình yêu dành cho chị sang cho mình, nhưng không biết nói thế nào, chỉ cúi đầu. Anh rể như anh trai, đứng trước anh trai mọi sự hoạt bát không còn. Em có chỗ giống chị, anh lại nói. Không biết những nhận xét so sánh của anh còn đi đến đâu, hình như anh đang cố gắng tiếp nhận người vợ mới. Anh mới chỉ một lần yêu, mà cũng chỉ có được tình yêu từ người ấy, đúng là con người một lòng một dạ. Trong đêm tân hôn, câu chuyện tình yêu của hai người đều nói về chị của Thu. Hai người ngồi cho đến tận quá nửa đêm mới lần lượt đi tắm rồi đi ngủ. Trời mát mẻ hơn, gió đã lọt qua rèm, nhẹ nhàng lướt qua bên người. Hai người nhanh chóng chìm vào giấc ngủ. Tuy không làm gì, nhưng lòng thấy vui, một đêm khó quên qua đi.

Kỳ nghỉ hè đã hết, hai người đã có tình vợ chồng, cả hai cũng đã quen nhau hơn. Hai vợ chồng và một đứa con là một gia đình kiểu mẫu. Đi chơi, Thu bế hoặc dắt đứa bé, anh đi một bên, giống một người đàn ông không muốn làm cha người khác. Chỉ một lần, hai vợ chồng ngồi tàu du lịch ngắm cảnh đêm trên sông Hoàng Phố, lúc xuống tàu, người tầng trên tầng dưới dồn cả ra mạn tàu, bất ngờ họ bị chen bật ra. Lẽ ra tàu đã cập bờ, nhưng nước chảy xiết, con tàu chao đảo. Tàu chao đảo, người ngả nghiêng, càng bị chen lấn. Lúc bấy giờ anh bế con thay cho Thu, một tay nắm tay Thu. Thu dựa sát vào chồng, thoáng ngửi thấy mùi mồ hôi ở cổ áo anh, bỗng cảm thấy thân thiết vô cùng. Đứa bé nhìn bố rồi nhìn Thu, nó lấy làm lạ tại sao hai người này đi với nhau. Kỳ nghỉ kết thúc, anh về trường, Thu không muốn xa chồng, nhưng lại cảm thấy nhẹ nhàng. Chồng không ở nhà, Thu đi lại nói năng cũng tự nhiên hơn. Nhưng ở đời, vợ chồng cũng nhiều hình nhiều vẻ, không thiếu bất cứ hình thức nào. Giống như họ cũng có đôi cùng sống đến trăm tuổi bạc đầu. Đây là năm học cuối cùng của anh, còn phải hai lần đi và về. Nhưng cũng tốt, tiến độ chậm hơn, giảm bớt căng thẳng. Giữa hai kỳ anh đi và về, đồ đạc của Thu dần dần đầy tủ. Đồ của chị để gọn vào một góc, có những thứ gói lại cho vào hòm. Trong những gia đình người Ninh Ba thường có những hòm đồ không bao giờ mở ra. Sau ngày tốt nghiệp trở về Thượng Hải, chồng làm công tác nghiên cứu tại một công ty dược phẩm. Thu vẫn làm ở xưởng sản xuất của đường phố, nhưng không sản xuất đồ chơi bằng nhựa nữa, mà sản xuất cốc giấy dùng một lần. Buổi trưa, tranh thủ giờ nghỉ ăn cơm, Thu về nhà thăm mẹ. Mẹ đã về hưu, nhưng thỉnh thoảng được mời diễn trên truyền hình, hát vài bài hát cũ. Tuy là đi đi về về, cuối cùng vẫn là con gái đi lấy chồng về, có gì xa cách. Thu vào ngõ, cứ nghĩ đây có phải là cái ngõ mà mình vẫn ra vào từ thuở nhỏ không nhỉ? Tại sao ngõ lại hẹp thế này? Lên gác, cầu thang cũng hẹp và tối tăm. Thấy người làm sổ sách trên gác, bỗng đứng nép nhường lối, trở nên xa lạ. Thấy con gái về, mẹ cứ ngỡ con đi xa lâu ngày, nói cho con nghe chuyện người này người nọ, trong câu chuyện mẹ nhắc đến Dân Vĩ. Vĩ đã bỏ vợ, vợ đi Mỹ, xưởng sản xuất cuộn dây điện kém phát triển, vì Vĩ mà gia đình đổi nhà có mặt phố, để anh thôi việc ở xưởng về mở hàng ăn, cuối cùng lấy cô đầu bếp người An Huy. Có lần Thu cố tình đi qua nhà Vĩ, nhà mở hàng cơm, dùng sơn đỏ viết các món ăn trên tủ kính, kinh tế cũng tạm ổn. Hiểu Thu chợt nhớ lại chuyện hai người làm bếp hồi còn là học sinh về nông thôn lao động, rất nhiều tình tiết hiện lên trước mắt, nhưng rồi nhanh chóng trôi qua, trôi qua bên kia bờ.

Năm ấy, Hiểu Thu mang bầu, Thu phấn khởi vô cùng. Tự trong lòng, Thu cứ tưởng mình không thể sinh con. Với Vĩ bao nhiêu lần mà không có gì. Sống với chồng hai năm, tuy chồng đi về bất định, nhưng nghe nhiều người nói, vợ chồng ít gặp nhau lại dễ mang bầu. Có người nghĩ Thu không muốn có con, vì đã có thằng con của chị gái rồi, sợ có con sẽ chia sẻ tình cảm. Thu cũng lấy đấy để tự an ủi, không có cũng chả sao. Ngay như mẹ đã có lần nói Thu chỉ nở hoa không kết trái. Không ngờ lúc này có tin vui, bố mẹ chồng cũng phấn khởi, hai ông bà không sợ đông con đông cháu, nếu không phải hạn chế sinh đẻ, họ sẽ có không biết bao nhiêu là cháu chắt. Chỉ có chồng là không phấn khởi, anh biết vợ mang bầu, tỏ ra lo sợ, cứ muốn vợ đi nạo. Anh sợ từ ngày vợ trước sinh con. Thu cứ phải nói mãi, không xảy ra chuyện bất hạnh nữa đâu, bác sĩ cũng đã nói, trường hợp của chị rất hiếm gặp, chỉ là một phần mấy vạn. Điều ấy cũng không an ủi được chồng, anh lo lắng, yêu cầu Thu bỏ cái thai. Thu cảm thấy buồn cười, lại thấy thương cho anh, thấy lời khuyên của chồng thật ngọt ngào. Một vài lần thấy chồng tỏ ra căng thẳng, Thu nói với anh hôm sau sẽ đi bệnh viện, nhưng hôm sau lại vin cớ bận việc, ngày nọ sang ngày kia cho đến khi thấy bụng. Một đêm, bỗng Thu thức giấc, thấy chồng đang cúi nhìn mình trong bóng tối. Thu tỉnh hẳn, nhận ra chồng đang khóc, nước mắt đầm đìa. Đừng sinh con nữa, em! Anh van em, đừng sinh nữa! L 17d3 ng Thu đau thắt. Thu ghì chồng vào ngực: em bảo đảm với anh sẽ không xảy ra chuyện gì đâu. Anh vùi đầu vào ngực vợ, nức nở, chỉ nói được một câu: anh chỉ cần có em thôi! Thu cũng khóc, hai người ôm nhau cùng khóc, sợ làm bố mẹ và con ở phòng bên thức dậy, nên chỉ dám khóc thật khẽ. Nỗi đau quá khứ của hai người lại hiện về, tưởng như đứt từng khúc ruột, nhưng dần vui lên, vì cả hai đều rất yêu nhau, một tình yêu vốn không mong đợi. Thu vén những sợi tóc trước trán chồng, vầng trán trắng trẻo, anh vẫn là một người đàn ông tuấn tú. Sống mũi thẳng, làn môi đẹp, giữa làn môi dưới là một đường chỉ. Thu nói, thật ra em không giống với chị. Anh nói, đúng vậy, không giống nhau. Thu nói, em với chị không cùng cha, hai chị em không hiểu nhau. Thu nói với chồng những chuyện hồi còn nhỏ mà chưa nói ra bao giờ, cứ ngỡ chồng không thích nghe. Nhưng đêm nay, anh như một đứa trẻ yếu đuối, không giống người anh cả, ngược lại Thu như một người lớn. Thu nói những ấn tượng mờ nhạt về chị, anh lắng nghe, không cắt ngang. Những tình cảm mãnh liệt của anh đối với chị gái của Thu đã được bày tỏ một cách rõ ràng, lúc này đến lượt Thu. Thật ra, Thu chưa bao giờ thẳng thắn nhìn anh trai và chị gái, gia đình và cả cuộc sống của mình. Tưởng đâu Thu đang nói chuyện người khác. Về đêm, hình ảnh và âm thanh cũng khác với ban ngày, có lúc bị ngắt quãng, nhưng rất rõ ràng.

Mùa xuân năm sau, Thu sinh một bé gái. Thoạt nghe y tá nói sinh bé gái, Thu thoáng buồn. Những chuyện buồn từ nhỏ đến lớn, gồm cả nỗi đau đớn lúc sinh nở, bỗng chốc hiện về. Nhưng liền theo đó là niềm vui, cảm thấy đứa bé gái này mình đã đợi chờ từ lâu, cuối cùng đã đến, quả là mãn nguyện. Vì xưởng đang thời kỳ chuyển hướng sản xuất và sáp nhập, nhân đấy Thu xin nghỉ dài hạn. Bạn bè khuyên Thu xin nghỉ hẳn, dù sao cũng đã có chồng, Thu không đồng ý, cho rằng đi làm vẫn hơn. Nghỉ được hơn một tháng, một hôm Thu ra phòng tư vấn của Hội phụ nữ hỏi thăm, trường hợp như mình liệu có được trợ cấp hay không. Tuy tiền trợ cấp không bao nhiêu, nhưng hàng tháng đều có, tích góp cũng thành món. Chồng công tác ở công ty dược phẩm, lương tháng cũng kha khá, nhưng một người nuôi cả nhà. Phòng tiếp dân mỗi tuần mở cửa một hôm, nên cũng đông người, phải chia làm mấy bàn để tiếp. Thu xếp hàng sau người thứ ba, thứ tư gì đó, nghe từng người kể lể nỗi khổ. Có người chồng cặp bồ đến để phản ánh, có cô bị chồng nghi ngờ ngoại tình, có người hỏi xem chia nhà ra ở riêng với bố mẹ chồng nên thế nào, có người hỏi về chế độ phúc lợi trong thời gian nghỉ đẻ. Chừng một tiếng đồng hồ sau mới đến lượt Thu. Thu nói thật chồng đã có một đời vợ, vợ chết, để lại một đứa con, bản thân Thu sinh con đầu, liệu có được coi là người một con hay không. Tiếp Thu là một cô gái còn trẻ, vừa ra trường chưa được bao lâu, không kiên nhẫn như người đã có kinh nghiệm, cô phải giải thích nhiều lời với người trước, những trường hợp như Thu cô ta đã gặp nhiều, không chờ Thu nói xong cô ta đã cắt ngang, rồi lên giọng dạy đời: chị như thế là tốt lắm rồi, người ta chỉ có một, chị có hai con. Thu đành đứng dậy nhường chỗ, đi ra cửa. Tuy không được gì nhưng Thu rất bằng lòng, không khó chịu với cô gái kia vì cô ta nói: người ta chỉ có một, chị có hai con! Quả là lời khen cho cuộc sống của Thu.

Thu đi dọc con đường có trụ sở Hội phụ nữ, con đường rợp bóng ngô đồng. Thu sinh năm 1953, tuổi rắn, năm nay ba mươi hai tuổi. Vừa sinh con, đang trong thời kỳ không phải lo nghĩ gì, Thu mặc cái áo cũ rộng thùng thình, đầu tóc luôn là sự phiền hà của Thu. Vì là tóc xoăn tự nhiên, cắt ngắn càng không có cách nào để làm cho gọn, đành phải để dài, cố tết thật chặt, lại cảm thấy không giống với người có con, đành búi lên, búi tóc nặng gáy. Những ngọn tóc xoăn vẫn xù ra. Con người mạnh khỏe đầy đặn như Thu, lại qua sinh nở, đến tuổi này dáng người không còn gọn gàng. Trông Thu như một phụ nữ nông thôn, lớn lên và sống trong môi trường lao động chân tay ngoài trời và tình yêu cục cằn. Trên con người Hiểu Thu không còn nét “mắt mèo”  hoặc “Tây Thi công xưởng”, đó là sức sống năng động bộc lộ ra ngoài, hình thành nét tươi trẻ đặc trưng. Còn như ngày nay, nét tươi trẻ đặc trưng ấy chìm sâu vào bên trong. Giống như một đóa hoa rực rỡ nở rộ, rồi từng cánh hoa rơi xuống, hoa kết trái. Vẻ rực rỡ bên ngoài không còn, trở nên bình thường, nhưng bên trong đang căng đầy, căng đầy, căng đầy, bằng một hình thức mà mắt thường không thể trông thấy, lan tỏa ra bên ngoài, mang lại tốt lành xung quanh Hiểu Thu.

Hết.


Truyen8.mobi chúc các bạn đọc truyện vui vẻ!

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/25715


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận