Lời bạt
Đôi dòng
Với không ít những người trẻ yêu nhạc, cái tên Hamlet Trương có lẽ chẳng mấy xa lạ. Giữa thị trường âm nhạc khá hỗn độn hiện nay, nhạc của cậu trai trẻ này vẫn được một bộ phận khán giả đón nhận, không chỉ bởi ca từ và giai điệu đẹp, mà còn vì những sáng tác ấy nói thay được cảm xúc của rất nhiều chuyện hợp tan mà chúng ta thoáng thấy đâu đó mỗi ngày. Đồng cảm được với nhiều tâm sự như thế nên dễ hiểu là vì sao bên cạnh viết nhạc, Hamlet Trương còn viết cả truyện ngắn, tản văn… cùng nhiều thứ khác xoay quanh câu chữ. Viết trở thành một thói quen thường nhật để bày tỏ, chia sẻ, và hơn hết, để cảm xúc trong lòng được lắng nghe, chứ không phải lặng lẽ rơi vào khoảng trống. Đó cũng là lí do vì sao tác giả không chọn bất kỳ một đề tài cụ thể nào cho tác phẩm đầu tay xuất hiện trên kệ sách công chúng này, mà đây chỉ đơn giản là tập truyện với cái tên Thời gian để yêu. Ở đó, Hamlet Trương ghi lại hết những suy nghĩ, cảm thức trong lòng, có thể vụn vặt và vỏn vẹn vài dòng như nhắc nhở, có thể miên man những tâm tư của một người trẻ vừa biết trải đời… Nó giống một cuốn sổ tay nên ai cũng cần có bên mình để ghi lại những khoảnh khắc xao lòng trong cuộc sống thường nhật và để tự nhìn lại chính mình trong những trang viết ấy, khi – ngày – qua – đi.
Tôi đoán chắc một điều khi cuốn sách này xuất bản, điều khiến tác giả sợ nhất không phải là… sách ế, mà là sẽ bị gán cho hai chữ “nhà văn”. Hamlet Trương sợ nhất những danh xưng như thế! Cũng như cậu ta từng sợ mọi người gọi mình là “nhạc sĩ”, dù cho sáng tác của anh chàng đâu cỡ vài chục bài, và cũng ngần ấy số bài được giới trẻ lẩm nhẩm hát theo suốt ngày. Mỗi lần nghe ai gọi mình là “nhạc sĩ”, cậu lại lắc đầu nguầy nguậy, bảo: “Một nốt nhạc bẻ đôi cũng không biết thì đừng gọi nhạc sĩ nghe nặng nề lắm, chỉ là chia sẽ cảm xúc với mọi người bằng giai điệu, thế thôi”.
Cuốn sách này cũng được viết nên bởi một tâm thức như vậy. Hamlet Trương không muốn và cũng chưa từng nghĩ rằng mình sẽ trở thành nhà văn, vì đơn giản những gì cậu viết nên là suy nghĩ, cảm nhận lẫn những ngộ nhận mà bất kỳ ai được gọi là “người trẻ” đều đang phải trải qua. Đó là những trăn trở về số phận và thân phận như bao người đồng trang lứa, những suy ngẫm về được – mất ở đời và dĩ nhiên, cả những cảm xúc chập chững nhất của một người vừa bước vào yêu. Có lẽ ít nhiều độc giả sẽ soi thấy mình đâu đó qua những trang tùy bút mà tác giả gửi gắm tâm sự hoặc tìm lại được một hình dung hao hao người cũ – chuyện xưa trong những nhân vật hư cấu của chuỗi truyện ngắn và truyện rất ngắn trong sách. Như chính cây bút trẻ này từng chia sẻ: “Chính những cảm xúc được viết ra trên thế giới mạng đã mang đến cho giới trẻ nhiều thứ, trong đó quan trọng nhất là sự chia sẻ, điều mà đôi khi ở ngoài cuộc sống, chúng ta không đủ can đảm hoặc không đủ khả năng để nói ra cho hết cùng nhau”.
Một điều nữa cần nhắn nhủ tới độc giả, đây không phải một tác phẩm văn học để chúng ta đọc một lèo cho đến hết. Hãy đọc từng chút một, như cách chúng ta đối thoại với nhau hằng ngày, để tìm sự sẻ chia, cũng như để được lắng nghe và thấu cảm. Bởi trên hết, tập truyện mọi người đang cầm trên tay được ra đời không chỉ để góp thêm chút gam màu mới trong thời đại văn hóa đọc bão hòa như hiện nay, mà trên hết, còn là một tiếng nói tri âm đi tìm một nửa cho riêng mình. Vậy thì, cuốn sách đã sẵn trong bàn tay của người yêu câu chữ, xin chậm rãi lật từng trang để tìm đâu đó tiếng nói đồng điệu với tiếng lòng…
Anh Khang (Báo Doanh nhân Sài Gòn cuối tuần
The end!