Thiên Hạ Kiêu Hùng Chương 456 : Mò kim đáy bể



    Thiên Hạ Kiêu Hùng
    Tác giả: Cao Nguyệt
    Chương 456: Mò kim đáy bể

    Nhóm dịch: Quan Trường
    Nguồn: Mê truyện









    Giang Bội Hoa là một nữ nhân cực kỳ rụt rè, cũng vô cùng mẫn cảm. Dương Nguyên Khánh từ từ tới gần khiến nàng cảm thấy có hơi chút sợ hãi. Tuy nhiên khoảng cách một tấc cuối cùng lại dần dần xóa tan sự sợ hãi trong lòng nàng. Nàng cũng trở nên bình tĩnh hơn.

    - Vẫn ổn! Cuộc sống trôi qua rất bình thường. Nếu không phải lần này Uất Trì muốn gặp Xuất Trần và các nàng thì ta cũng chưa chắc đã tới Phong Châu.

    - Ừ! Ta vẫn còn có chút lo lắng cho sức khỏe của huynh, sợ huynh không chịu nổi giá lạnh!

    Dương Nguyên Khánh quay đầu nhìn thoáng Giang Bội Hoa một cái. Giờ này nàng đã không còn đội chiếc nón có màn che như ban ngày nữa, ánh trăng chiếu rọi lên khuôn mặt nàng khiến làn da trắng nõn của nàng sáng bóng lên như có một lớp ngọc vậy. Nàng đã trưởng thành hơn trước rất nhiều, dáng ngươi thon thả của nàng cũng không còn đơn điệu như trước nữa. Với phong thái tao nhã, trông nàng tựa như tiên nữ dưới ánh trăng vậy.



    - Hình như sức khỏe cũng tốt hơn rất nhiều rồi!

    Dưới ánh trăng sáng tỏ, khuôn mặt xinh đẹp Giang Bội Hoa hơi ửng đỏ lên. Nàng cúi đầu, đôi mắt như bị một lớp sương bao phủ trở nên mông lung.

    - Đa tạ huynh quan tâm!

    Hai người chậm rãi dạo bước trên con đường mòn ở hậu hoa viên. Dương Nguyên Khánh tò mò hỏi:
    - Bội Hoa cô nương, phụ thân nàng là ai vậy? Từ trước đến giờ ta chưa từng biết tới.

    - Phụ thân ta là Quan Vương. Thật ra ta chỉ là con thứ mà thôi, là đứa con út của người. Anh trai ta chính là Dương Sư Đạo, chắc huynh cũng biết.

    Lúc này Dương Nguyên Khánh mới hiểu được thì ra nàng là con gái của Dương Hùng, em gái của Dương Sư Đạo. Như vậy thì nàng chính là cháu gái của Dương Quảng rồi. Dương Nguyên Khánh đột nhiên nghĩ ra điều gì đó, nàng là Dương Bội Hoa, vậy thì Dương Lệ Hoa có lẽ chính là cô cô của nàng. Tên của hai người sao lại như hai chị em vậy.

    - Ta vẫn luôn nghĩ rằng nàng là tộc muội của Thánh thượng, tên của nàng rất giống với tên của a cô.

    - Huynh muốn nói tới Nhạc Bình công chúa sao?

    Dương Nguyên Khánh gật đầu cười nói:
    - Bà ấy tên Lệ Hoa, nàng lại tên là Bội Hoa. Ta còn tưởng rằng hai người là tỷ muội chứ, suýt nữa thì gọi nàng là a cô rồi!

    Giang Bội Hoa che miệng cười, tâm tình thoải mái hẳn lên. Nàng nhẹ nhàng nhảy lên một khối đá lớn, ánh mắt lộ ra nụ cười nghịch ngợm.
    - Thật ra nếu huynh gọi ta là a cô thì ta cũng rất vui lòng.

    - Nàng thật sự vui lòng sao?

    Dương Nguyên Khánh cũng cười nói:
    - Ta gọi nàng là a cô thì mọi người cũng sẽ gọi theo như vậy. Ngay cả Băng Nhi cũng sẽ gọi nàng là a cô đó.

    - Không! Không!

    Giang Bội Hoa cuống quít xua tay:
    - Vậy thì không được, ta đâu có già như vậy!

    Hai người lại cùng nhau đi dạo thêm vài bước nữa, Giang Bội Hoa nhẹ nhàng cắn môi một cái, nàng nhỏ nhẹ hỏi:
    - Nguyên Khánh, hình như huynh rất thích Nhạc Bình công chúa?

    Dương Nguyên Khánh gật gật đầu thở dài một tiếng:
    - Sự ra đi của a cô là niềm đau xót rất lớn đối với ta. Bài thơ cuối cùng a cô để lại cho ta lại càng khiến ta đau đớn hơn.

    - Thơ gì vậy?

    Dương Nguyên Khánh trầm mặc một lát:
    - Để sau đi, khi nào có cơ hội ta sẽ nói cho nàng biết. Hôm nay mà nói thì sẽ làm cho người ta đau lòng.


    Giang Bội Hoa yên lặng gật đầu không hỏi thêm nữa. Lúc này hai người đã đi tới trước cửa lớn, Giang Bội Hoa dừng chân lại:
    - Ta thấy hơi lạnh, muốn quay trở về!

    - Để ta tiễn nàng!

    - Không cần đâu, ta tự về được rồi!

    Giang Bội Hoa quay đầu lại thản nhiên cười rồi nhanh bước đi về phía phòng mình. Dương Nguyên Khánh nhìn theo bóng dáng ôn nhu hoạt bát của nàng tựa như Liên Hoa tiên tử dần đi ra xa. Trong đầu hắn lại hiện lên bóng dáng phong nhã tuyệt thế của Dương Lệ Hoa trước kia, hai người quả thật là vô cùng giống nhau.

    ……………

    Kỳ thi Hương quận Ngũ Nguyên được tiến hành đúng kỳ hạn. Mặc dù gọi là thi Hương nhưng lúc này tiết trời đã sang đầu đông rồi. Trời vẫn còn tờ mờ chưa sáng hẳn, giờ mão cũng chưa tới vậy mà hàng ngàn sĩ tử sống trong khu học xá của trường học đã thi nhau dậy rồi. Mặc dù rạng sáng thời tiết giá lạnh nhưng các sĩ tử đều không quan tâm tới sự lạnh giá bên ngoài. Người nào người nấy chen chúc bao quanh giếng nước múc nước rửa mặt, dùng làn nước lạnh như băng để làm cho đầu óc tỉnh táo.

    Sĩ tử Trương Lượng đến từ quận Huỳnh Dương cũng đã dậy từ rất sớm, tuy nhiên tinh thần của y có chút không tốt. Vì quá lo lắng nên gần như cả đêm y không ngủ được, đầu óc cứ mông lung cả lên, chẳng còn nhớ cái gì trong đầu nữa. Trong lòng y vừa vội vừa hận, liên tiếp tự mình cho mình hai cái bạt tai, mắng:
    - Ngươi thật là ngu ngốc, sao lại quên hết thế này, sao mà thi bây giờ?

    Lúc này, bạn cùng phòng của y là Vi Luân bưng một chậu nước sạch nhanh bước đi vào:
    - Trương huynh, rửa mặt đi cho tỉnh táo!

    Vi Luân là người Kinh Triệu, là bà con xa của Vi thị gia tộc. Gia cảnh y bần hàn, phụ thân y dạy học ở Vi thị tộc học, có để lại cho y mấy mẫu đất cằn, y vừa đọc sách vừa làm nông nuôi dưỡng mẹ già. Đây là kỳ thi tuyển chọn người tài của huyện Ngũ Nguyên, bất kể là hàn môn hay quý tộc đều được đối xử bình đẳng. Vì thế y bèn bán hết ruộng đất tới huyện Ngũ Nguyên tìm kiếm tương lai cho mình. Y cùng Trương Lượng ở chung một phòng, hai người cùng có xuất thân bần hàn nên rất đồng cảm với nhau, quan hệ giữa hai người cũng vô cùng tốt.

    Thấy ánh mắt Trương Lượng ngây ra đó, y đấm nhẹ một cái vào bả vai Trương Lượng rồi cười nói:
    - Sao vậy, vẫn còn chưa tỉnh ngủ sao?

    - Không phải!

    Trương Lượng thở dài:
    - Cả đêm hôm qua ta không ngủ được, đầu óc cứ mông lung hết lên, thật sự không biết lấy cái gì ra thi bây giờ.

    - Rửa mặt đi, đầu óc sẽ tỉnh táo hơn đấy. Rồi ta sẽ nói cho huynh một tin tốt lành.

    Trương Lượng lấy khăn rửa sạch mặt, đầu óc quả nhiên tỉnh táo hơn một chút.
    - Có tin gì tốt vậy?

    Vi Luân không thể kìm chế được sự hưng phấn trong lòng nữa:
    - Nghe nói quan chủ khảo lần này chính là Cao Quýnh mà hai ngày trước chúng ta gặp đó.

    - Vậy thì sao?
    Trương Lượng chẳng có chút phản ứng gì.

    - Huynh thật là ngốc nghếch! Nếu như lần này thi đỗ thì chẳng phải chúng ta sẽ trở thành môn sinh của Cao Quýnh sao?

    Khóe miệng Trương Lượng lộ ra vẻ cười miễn cưỡng, thi đỗ rồi hãng hay. Lúc này, tiếng hô của giám thị truyền tới từ ngoài hành lang:
    - Thời gian đã tới, chuẩn bị xuất phát, đừng có quên mang theo giấy báo.

    Thời khắc thi cuối cùng cũng đã tới. Đám sĩ tử kết thành một đội lớn đi ra khỏi học xá đi về hướng học quán quận học cách đó chừng hơn một dặm. Quận học của quận Ngũ Nguyên là một tòa đại học đường rộng chừng hai trăm mẫu, nằm ở phía cửa nam của huyện Cửu Nguyên, có sức chứa gần sáu ngàn sĩ tử theo học, hoàn thành xây dựng vào năm Đại Nghiệp thứ bảy, tất cả các giáo viên đều được mời tới từ Trung Nguyên.

    Chế độ giáo dục của quận Ngũ Nguyên là do Thái thú Dương Sư Đạo sáng lập ra, y quy định mỗi xã nhất định phải có bao nhiêu học đường, trẻ em năm tuổi trở lên phải đến trường đi học. Theo như quy định mới nhất thì mười hai tuổi có thể tham gia kỳ thi đồng tử. Cho dù là gia cảnh bần hàn, chỉ cần có thể vượt qua kỳ thi đồng tử thì đều có thể tới quận học học miễn phí. Quan phủ sẽ cung cấp nơi ăn chốn ở và các vật dụng thường ngày cần thiết. Kỳ thi đồng tử còn gọi là thi Huyện. Mỗi năm kỳ thi này đều được tổ chức vào mùa xuân cho nên nó còn được gọi là thi xuân nữa. Những người tham gia thi gọi là quận sinh, có quyền được được theo học ở quận học theo chế độ giáo dục 5 năm.

    Nhưng phần lớn mọi người cho con em đi học chỉ là muốn con em mình biết được chút chữ, sau khi thi xong kỳ thi đồng tử thì lại quay trở về làm nông. Chỉ có một số hộ gia đình giàu có mới cho con em mình tiếp tục học lên nữa, do đó những quận sinh trước mặt chỉ có hơn sáu trăm người, phần lớn đều là thiếu niên khoảng chừng mười bốn, mười lăm tuổi. Vì có kỳ thi này nên hơn sáu trăm quận sinh thiếu niên này mới được tập hợp lại nhằm chuẩn bị cho kỳ thi Hương lần này.

    Những sĩ tử tham gia kỳ thi Hương lần này không hề liên quan gì tới quận sinh, tuổi tác đều chừng hơn hai mươi. Ngoài gần hai nghìn thư sinh của quận Ngũ Nguyên ra thì hơn ba nghìn người còn lại đều tới từ khu Quan Lũng.

    Giờ mão ba khắc, trời vẫn còn chưa sáng nhưng hơn năm ngàn thí sinh đã xếp thành năm đội, làm thủ tục kiểm tra để vào trong. Ngoài thẻ dự thi ra thì tất cả những vật dụng khác đều không được mang theo người.

    Trương Lượng và Vi Luân cũng xếp ở trong đó, cả hai người đều có chút lo lắng. Lúc này, một sĩ tử trẻ tuổi dáng người cao gầy đột nhiên chen lên, lớn tiếng hô to:
    - Thiếu Bình!

    Thiếu Bình chính là tên tự của Vi Luân, Vi Luân quay đầu lại nhìn, vui mừng khôn xiết nói:
    - Tam ca! Sao huynh lại ở đây vậy?

    Sĩ tử trẻ tuổi dáng người cao gầy kia là Vi Sư Minh, cũng là con vợ kế của Vi thị nhưng y lại giỏi hơn Vi Luân một chút. Y được lĩnh tiền hàng tháng, hơn nữa còn được đi học ở trong tộc học nhà Vi thị nữa. Vị tiên sinh dạy y trước đây chính là phụ thân của Vi Luân, cũng vì thế mà hai người quen biết nhau. Y lớn hơn Vi Luân hai tuổi nên Vi Luân bèn gọi y là Tam ca.

    Vi Sư Minh gật gật đầu:
    - Hôm qua ta mới chạy tới đây, khó khăn lắm mới báo tên thêm được. Vị quan báo tên cho ta nói rằng kỳ thi lần này sẽ chọn ra một trăm hai mươi người, nghe nói là quận Ngũ Nguyên sẽ có thêm mười huyện nữa. Kỳ thi lần này chủ yếu là để tìm quan viên cho mười quận này.

Nguồn: tunghoanh.com/thien-ha-kieu-hung/quyen-7-chuong-456-yeFaaab.html


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận