Thiên Long Bát Bộ Hồi 81: Thủy tạ Thính Hương, chỉ điểm quần hào hí

Võ công thiếu đủ thế nào,

Nói đâu ra đấy quần hào ngẩn ngơ.

Chiếc thuyền nhỏ chèo tới mỗi lúc một gần, A Châu bỗng nhiên nói nhỏ:

- A Bích, mi xem kìa! Hình như có chuyện chi hơi lạ.

A Bích gật đầu nói:

- Ồ, sao lại có nhiều đèn đuốc thế nhỉ?

Nàng cười khúc khích nói:

- A Châu a tỉ, người trong nhà chắc mở hội Nguyên Tiêu chăng? Không chừng đèn đuốc sáng choang để làm tiệc sinh nhật của tỉ tỉ đó.

A Châu lặng yên không nói gì, chỉ chăm chăm nhìn đèn lửa trên mặt hồ. Đoàn Dự nhìn từ xa xa, thấy đó là một cù lao nhỏ, trên có tám chín căn nhà, trong đó có hai căn có lầu, từ trong cửa sổ ánh đèn chiếu ra. Chàng nghĩ thầm: "Nơi A Châu ở có tên là Thính Hương thủy tạ chắc so với Cầm Vận tiểu trúc của A Bích không khác bao nhiêu. Trong Thính Hương thủy tạ chỗ nào cũng đèn đuốc thắp sáng, chắc tại A Châu thích náo nhiệt vui chơi."

Khi chiếc thuyền còn cách Thính Hương thủy tạ chừng một dặm, A Châu ngừng chèo nói:

- Vương cô nương, trong nhà tiểu tì có kẻ địch.

Vương Ngữ Yên kinh hãi hỏi:

- Nói sao? Địch tới rồi ư? Ai thế?

A Châu đáp:

- Là kẻ địch nào chưa thể biết được. Thế nhưng cô nương thử ngửi xem mùi rượu nồng nặc như thế, hẳn là rất đông ác khách đang làm loạn trong nhà.

Vương Ngữ Yên và A Bích cố gắng hít mấy hơi nhưng không ai ngửi thấy gì. Còn Đoàn Dự chỉ nhận được mùi hương từ thân thể con gái còn ngoài ra những mùi khác thì chàng cũng chỉ như người thường mà thôi.

Riêng A Châu có cái mũi đặc biệt mẫn cảm nói:

- Chao ôi! Chao ôi! Bọn chúng đánh đổ vò rượu Mạt Lị Lộ(13.1) của tôi rồi, cả vò rượu Mai Quế Lộ(13.2) nữa, thật đáng tiếc, đến cả vò rượu Hàn Mai Lộ(13.3) chúng cũng uống sạch…

Nàng nói mà giọng nghẹn ngào như muốn khóc. Đoàn Dự hết sức lạ lùng hỏi:

- Sao mắt cô tinh thế nhìn được những chuyện đó hay sao?

A Châu ủ rũ đáp:

- Không phải vậy, tôi ngửi thấy đấy chứ. Tiểu nữ mất bao nhiêu công lao mới làm được những vò rượu mùi ấy, bọn ác khách kia chắc là đang chè chén rồi.

A Bích nói:

- A Châu tỉ tỉ, phải làm sao đây? Mình tránh đi chăng hay cứ tiến lên động thủ?

A Châu đáp:

- Không biết địch nhân có ghê gớm lắm không…

Đoàn Dự nói:

- Đúng đó, nếu như gặp phải kẻ địch ghê gớm thì nên tránh trước là hơn. Còn như nếu chỉ là bọn tầm thường thì mình sẽ dạy cho chúng một bài học, để cho những trân vật của A Châu tỉ tỉ khỏi bị hư hao thêm nữa.

A Châu đang bực mình, nghe chàng nói nước đôi như thế liền nói:

- Tránh kẻ mạnh, dằn mặt kẻ yếu cái đó ai mà chẳng biết? Thế nhưng công tử làm sao biết kẻ địch ghê gớm hay tầm thường?

Đoàn Dự ứ họng không sao trả lời được. A Châu nói:

- Thế thì bọn mình cứ tới xem sao đã, nhưng có điều trước hết phải thay đổi áo quần, hóa trang thành dân đánh cá mới được.

Nàng chỉ về hướng đông nói: truyện được lấy tại t.r.u.y.ệ.n.y-y

- Đằng kia có một xóm chài, họ có quen tôi. Mình đến đó mượn y phục mặc tạm.

Đoàn Dự vỗ tay reo lên:

- Hay lắm! Hay lắm!

A Châu liền quạt chiếc giầm đổi hướng chèo về hướng đó, nghĩ đến hóa trang trong bụng phấn chấn, việc đang xảy ra trong nhà không còn làm nàng tức tối nữa. Trước hết nàng đến xóm dân chài mượn quần áo cùng Vương Ngữ Yên, A Bích ba người thay ra. Bản thân nàng giả làm một bà lão đánh cá còn Vương Ngữ Yên và A Bích thành hai mụ dân chài trung niên. Sau đó mới gọi Đoàn Dự qua, hóa trang chàng thành một ngư nhân chừng bốn mươi tuổi. Thuật dị dung của A Châu quả thật khéo léo dị thường, chỉ lấy bột mì, bùn đất đắp lên mặt bốn người chỗ này một chút, dán thêm chỗ kia một tị, chẳng mấy chốc mặt mày tuổi tác đều khác hẳn.

Nàng lại mượn thêm ngư thuyền, lưới đánh cá, cần câu, cá tươi các thứ rồi mới chèo về phía Thính Hương thủy tạ. Đoàn Dự và Vương Ngữ Yên tuy tướng mạo có đổi thật nhưng giọng nói bộ điệu đầy những sơ hở, cái tài giả vờ của A Châu hai người không sao học được. Vương Ngữ Yên cười nói:

- A Châu, mọi việc đều do ngươi đứng ra đối phó, ta giả làm như người câm.

A Châu cười đáp:

- Phải lắm, cô nương cứ thế là xong.

Chiếc thuyền đánh cá từ từ chèo đến phía sau thủy tạ, Đoàn Dự thấy bốn bề đều trồng dương liễu nhưng từ trong nhà tiếng nói cười ầm ĩ từng chập vang ra. Bọn chúng ăn nói ồn ào thật không xứng với khung cảnh hoa cỏ u nhã, tinh xảo chút nào. A Châu thở dài ra chiều bất mãn. A Bích ghé tai nàng nói nhỏ:

- Chị A Châu ơi, đánh đuổi được kẻ địch đi rồi em sẽ giúp tỉ tỉ thu dọn.

A Châu đưa tay nắm tay nàng tỏ vẻ biết ơn. Nàng dẫn bọn Đoàn Dự ba người từ phía sau đi lên nhà bếp, thấy lão Cố nấu ăn đang bận tíu tít, mồ hôi đầm đìa, đang luôn mồm khạc nhổ vào trong chảo, rồi khuấy ngay lên, trộn những bãi đờm vào thức ăn. A Châu vừa bực mình vừa tức cười kêu lên:

- Lão Cố, ông làm trò gì thế?

Lão Cố giật bắn người, hoảng hốt:

- Ngươi… ngươi…

A Châu cười nói:

- Ta là A Châu cô nương đây.

Lão Cố mừng quá nói:

- A Châu cô nương, sao bọn khốn kiếp ở đâu kéo đến đông thế, chúng bắt lão phải nấu cho chúng ăn, cô xem này…

Ông ta vừa nói vừa cười hềnh hệch hỉ mũi vứt vào trong rau. A Châu cau mặt hỏi:

- Ông nấu ăn bẩn thỉu thế đấy à?

Lão Cố vội nói:

- Đồ ăn cho cô nương, trước khi nấu tôi đều rửa tay thật kỹ. Bọn xấu xa kia ăn thì càng bẩn càng tốt.

A Châu nói:

- Lần sau tôi thấy đồ ăn lão làm chắc tôi rờn rợn chẳng dám ăn đâu.

Lão Cố vội phân trần:

- Không, không phải vậy đâu, hoàn toàn không phải.

A Châu tuy chỉ là sứ tì(13.4) của Mộ Dung công tử nhưng ở Thính Hương thủy tạ nàng là chủ, cũng có tì nữ, nấu bếp, thuyền phu, người trồng hoa hầu hạ. A Châu hỏi thêm:

- Địch nhân có đông không?

Lão Cố đáp:

- Bọn tới trước chừng mười tám, mười chín người, còn bọn đến sau phải trên hai chục người.

A Châu hỏi:

- Tới hai đám ư? Bọn chúng là ai thế? Ăn mặc kiểu nào? Nghe khẩu âm ở vùng nào tới?

Lão Cố chửi liền:

- Cha tiên sư chúng nó…

Ông lão vừa mở mồm biết mình lỡ lời vội đưa tay bịt miệng, vẻ mặt hoảng hốt nói:

- A Châu cô nương, lão Cố thật đáng chết! Tôi giận quá nên… mất khôn. Cả hai bọn đểu giả này xem ra toàn là ăn cướp, một bọn từ miền bắc xuống, một đám là người Tứ Xuyên đứa nào cũng mặc áo bào trắng, chẳng biết làm cái giống gì.

A Châu hỏi thêm:

- Bọn chúng đến kiếm ai? Có chém giết ai không?

Lão Cố đáp:

- Bọn trước đến kiếm lão gia, bọn quái nhân đếu sau thì kiếm công tử. Chúng tôi nói lão gia đã qui tiên rồi, còn công tử thì không có nhà, bọn nó chẳng chịu tin, tra xét ngõ trước vườn sau khắp mọi chốn. Các a đầu trong trang phải trốn hết, mình tôi nhịn không nổi, cái đồ…

Ông lão định chửi nhưng tiếng thô tục vừa đến cửa miệng vội cố nén lại. A Châu thấy mắt trái lão Cố tím bầm, một bên mặt sưng vù, biết ông bị chúng đánh đập, thảo nào tức quá nhổ nước miếng, hỉ mũi vào đồ ăn, cho hả cơn tức.

A Châu trầm ngâm nói:

- Để ta lên xem thử, lão Cố nói chưa rõ ràng.

Nàng dẫn Đoàn Dự, Vương Ngữ Yên, A Bích từ cửa hông nhà bếp đi ra, đi ngang một dẫy hoa nhài, qua hai chiếc cửa vòng nguyệt đến bên ngoài hoa sảnh. Còn cách hoa sảnh chừng vài trượng đã nghe bên trong tiếng người huyên náo.

A Châu rón rén đến gần, giơ ngón tay chọc giấy trên cửa sổ, ghé mắt nhìn vào bên trong. Chỉ thấy trong đại sảnh đèn đuốc sáng rực nhưng chỉ chiếu phía mặt đông, độ mười tám mười chín đại hán vạm vỡ đang nhậu nhẹt tưng bừng, trên bàn chén bát la liệt, dưới đất ghế ngổn ngang, có người ngồi cả trên bàn, có kẻ tay cầm đùi gà ăn uống nhồm nhoàm. Có kẻ lại vung trường đao chặt thịt bò rồi dùng mũi dao xiên đưa lên mồm.

A Châu sang phía tây nhìn vào lúc đầu cũng chẳng để ý nhưng sau khi nhìn một hồi bỗng thấy ớn lạnh, lưng nổi da gà thấy hai chục người đó đều mặc áo dài trắng thản nhiên ngồi đó, trên bàn chỉ đốt một ngọn nến, ánh sáng chiếu ra chỉ độ vài thước chung quanh soi rõ mặt dăm bảy người ngồi gần, ai nấy mặt mũi trơ trơ, chẳng ra vẻ vui, cũng chẳng ra vẻ giận, trông chẳng khác gì quỉ nhập tràng. Những người đó chẳng nói năng gì, cũng chẳng cử động, nếu không thỉnh thoảng nháy mắt thì ai cũng bảo đó là những xác chết.

A Bích cũng đến gần cầm tay A Châu thấy tay nàng lạnh ngắt lại hơi run run nên cũng vội chọc thủng giấy trên cửa sổ nhìn vào, mắt nàng đối diện với một tên mặt vàng như nghệ. Gã đó trừng trừng nhìn vào nàng khiến cho A Bích hoảng hốt khẽ kêu lên một tiếng. Bình bình hai tiếng, cửa sổ vỡ tung, bốn người cùng nhảy ra, hai người là bọn phương bắc còn hai người khác là quái khách Tứ Xuyên cùng quát lên:

- Ai đó?

A Châu đáp:

- Chúng tôi vừa bắt được mấy con cá tươi đến hỏi lão Cố có muốn mua không? Cả tôm nữa hôm nay cũng còn đang nhảy lao xao đây!

Nàng dùng giọng Tô Châu, cả bốn người kia chẳng hiểu nói gì nhưng thấy cả bốn người ăn mặc theo lối dân chài, tôm cá cầm trong tay còn đang dãy dụa, không hiểu cũng phải hiểu. Một đại hán giựt con cá trong tay A Châu, lớn tiếng gọi:

- Nhà bếp đâu, nhà bếp đâu, mau đem nấu cháo ăn cho rã rượu.

Một gã khác cũng cầm ngay con cá trong tay Đoàn Dự. Hai người Tứ Xuyên thấy đó chỉ là bọn bán cá nên cũng chẳng để ý gì, quay người đi trở vào trong sảnh. Khi hai người đó đi ngang qua trước mặt A Bích, nàng ngửi thấy mùi hôi nồng nặc, nhịn không nổi phải giơ tay bịt mũi lại. Một gã người Tứ Xuyên liếc mắt thấy tay áo nàng tụt xuống để lộ cánh tay trắng nõn như mỡ đông, bụng liền nghi ngay: "Một mụ dân chài trung niên da dẻ lẽ nào lại trắng trẻo đến thế?" Y liền vung tay chộp lấy A Bích hỏi dồn:

- Mụ bao nhiêu tuổi rồi?

A Bích kinh hãi, vội hất tay y ra nói:

- Ngươi làm gì thế? Tính đánh nhau chăng?

Giọng nàng trong trẻo dịu dàng, cái vung tay lại cực kỳ nhanh nhẹn, gã Tứ Xuyên kia thấy cánh tay tê hẳn đi.

Thế là lập tức cả bọn bị lộ tẩy, nghe bốn người bên ngoài quát hỏi, ở trong nhà có đến hơn chục người chạy vội ra vây bọn Đoàn Dự lại. Một đứa giơ tay giựt bộ râu của chàng, chòm râu giả tuột ra ngay. Một đứa khác toan nắm lấy A Bích, bị nàng nghiêng qua đẩy cho một cái ngã lăn ra. Cả bọn kia liền lên tiếng quát tháo:

- Có gian tế! Có gian tế!

- Bọn chúng giả trang đó!

- Mau bắt chúng đánh cho một trận!

Lập tức có bốn tên chạy vào trong nhà bẩm cho người thủ lãnh ngồi ở phía đông:

- Diêu trại chủ, bắt được mấy tên gian tế ăn mặc giả trang.

Ông già nọ thân hình cao to, bộ râu muối tiêu dài đến ngực, quát lên:

- Bọn gian tế ở đâu đến đó? Lấp ló thậm thọt tính làm trò gì đây?

Vương Ngữ Yên nói:

- Giả làm bà già chẳng thích chút nào, ta không thèm làm nữa đâu.

Nói xong nàng giơ tay xoa mặt mấy cái, bao nhiêu đất cát bột mì nặn thành những nếp nhăn rơi xuống cả, cả bọn kia nhìn thấy một mụ dân chài trung niên biến ngay thành một thiếu nữ xinh đẹp tuyệt trần, ai nấy há hốc mồm, trợn tròn mắt, trong đại sảnh bỗng dưng không một tiếng động, bao nhiêu người khách Tứ Xuyên ngồi ở phía tây cũng nhìn chầm chập vào nàng.

Vương Ngữ Yên nói:

- Các ngươi cũng bỏ hết hóa trang đi!

Nàng quay sang nói với A Bích:

- Cũng tại ngươi nên làm lộ chuyện hết cả.

A Châu, A Bích, Đoàn Dự ba người liền gỡ hết những hóa trang trên mặt. Mọi người nhìn Vương Ngữ Yên, rồi nhìn sang A Châu, A Bích không ngờ trên đời này lại có những người mặt hoa da phấn, xinh đẹp tuyệt trần như thế.

Một lúc lâu sau, lão già to cao kia mới hỏi:

- Các ngươi là ai? Đến đây làm gì?

A Châu cười nói:

- Ta là chủ nơi đây, người ngoài lại hỏi ta đến đây làm gì không phải là lạ lùng sao? Các ngươi là ai? Đến đây làm gì?

Lão già kia gật gù:

- À, thì ra ngươi là chủ nơi đây, thế thì tốt lắm. Ngươi là tiểu thư nhà Mộ Dung chăng? Có phải Mộ Dung Bác là cha ngươi chăng?

A Châu mỉm cười đáp:

- Ta chỉ là một đứa a đầu, làm gì có phúc được làm con gái của lão gia? Các hạ là ai? Đến đây có chuyện gì?

Lão già kia thấy nàng xưng là con ở xem chừng không tin, trầm ngâm một chút rồi nói:

- Vậy ngươi đi mời chủ nhân ra đây ta sẽ cáo tri tại sao lại đến.

- Lão chủ nhân chúng tôi đã qua đời rồi, còn tiểu chủ nhân đi vắng không có nhà. Các hạ có chuyện gì cứ bảo cho tôi cũng được. Tính danh các hạ là gì không lẽ cũng không cho biết được hay sao?

Lão già kia nói:

- Ồ, ta là Diêu trại chủ Diêu Bá Đương của Tần gia trại ở Vân Châu.

A Châu nói:

- Hâm mộ đã lâu.

Diêu Bá Đương cười nói:

- Ngươi chỉ là một cô gái nhỏ, biết gì mà hâm mộ ta đã lâu?

Nguồn: truyenyy.com/doc-truyen/thien-long-bat-bo/chuong-81/


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận