Chương 21 Khu hậu phẫu ở tầng dưới nên Simon đi thang bộ thay vì chờ thang máy. Gã thích thang bộ hơn; nó có hai hướng tẩu thoát, trong khi thang máy hoạt động theo lệnh điện tử. Nếu nó đang “Xuống” và nhận được lệnh từ tầng dưới, gã không thể ấn nút đi lên tầng cao hơn được.
Bệnh viện này có hình dáng giống một chữ T khổng lồ, nhưng là chữ T nằm chứ không phải đứng. Gã xuất hiện ở cuối dãy hành lang dài dằng dặc, bước từng bước đều đặn trên sàn. Mỗi phòng đều có một tấm bảng nhỏ ngoài cửa ghi họ bệnh nhân và tên bác sĩ điều trị, quá tiện cho mục đích của gã.
Phòng của các y tá nằm ở điểm giao nhau của chữ T nhưng họ không thể nhìn ra hành lang nếu không bước ra từ đằng sau bức mành. Vào lúc này, việc giao ca vừa kết thúc và bữa sáng đang được amng tới, cả hành lang như một tổ ong bận rộn, gã hòa mình vào sự huyên náo thường nhật đó. Gã giữ một tốc độ chậm rãi, nhìn vào tất cả các phòng mở nhưng chú ý chỉ đưa mắt và giữ thằng đầu, nên không gây bất kỳ chú ý nào cho người khác.
Ít nhất một nửa số phòng đóng kín cửa, nhưng sau một vòng thám thính gã có thể loại trừ những phòng cửa mở vì không có Drea trong đó. Trong lúc đi gã lưu ý những phòng do bác sỹ Meecham điều trị, đánh dấu vị tró của chúng trên bản đồ ba chiều về khu vực xung quanh mà gã luôn mường tượng trong đầu.
Rồi gã nhìn thấy cái tên “Doe1,” và suýt vấp.
Phòng 614. Meecham là bác sỹ điều trị.
Cửa đóng nhưng Simon biết mình đã tìm thấy cô. Cô nằm trong đó, ngay sau cánh cửa kia. Gã biết đó là Drea.
Tay gã túm chặt lấy nắm đấm cửa trước khi gã nhận ra mình đang cầm nó.
Thật chậm rãi, thật cẩn thận, gã ép mình thả tay ra. Nếu gã bước vào trong đó cô sẽ hét toáng lên – giả sử cô nhận ra gã. Gã vẫn chưa biết đầu óc cô hiện thế nào.
Cái tên “Doe” không nói lên điều gì. Nếu có thể bình phục mà không bị tổn thương não bộ, cô sẽ lợi dụng tình huống và không nói cho họ tên thật
[1]. Doe: tên dành cho những cán bộ cao cấp vì lý do hoạt động bí mật mà danh tính được giấu kín, hoặc những bệnh nhân, tử thi không xác định được danh tính.
Nếu cô bị tổn thương não, điều này có lý hơn, cô sẽ không biết tên của chính mình.
Gã muộn màng phát hiện ra biển hiệu trên cửa: Miễn vào thăm.
Ai đã để tấm biển ở đó? Bệnh viện, bởi vì những kẻ chuyên săn tin hay cánh báo chí tới làm phiền, khích động, rồi xem bệnh nhân như là xem thú; hay chính bệnh nhân yêu cầu treo nó? Drea chắc chắn không muốn dính tới báo chí, cô càng muốn tránh xa bọn cớm cho tới khi cô chế xong một câu chuyện hợp lý và cảm thấy có thể đối phó họ.
Nhưng giờ gã đã biết cái tên cô đăng ký, và số phòng. Gã có thể tìm hiểu mọi thứ muốn biết. Gã không phải đối mặt với cô, không phải nói chuyện với cô; gã có thể yên tâm lờ đi cảm giác thôi thúc kỳ lạ là phải làm điều đó.
Nhìn xuôi hành lang, Simon thấy một chiếc xe chất đầy những khay thức ăn chỉ cách đó ba phòng. Cánh cửa bên cạnh phòng Drea cũng đang đóng nên gã lui xuống và tựa vào bức tường ngay bên ngoài cửa phòng, làm như một y tá hay nhân viên kỹ thuật vừa vào phòng để thực hiện nhiệm vụ và nói hắn ra ngoài chờ. Mắt gã dán xuống sàn nhà.
Người phục vụ của quán ăn làm việc rất nhanh nhẹn, mang những khay thức ăn tới đúng phòng. Bà ta đẩy chiếc xe phía gã, dừng lại ngay trên cửa phòng Drea. Gã liếc lên, dọn sẵn một nụ cười nhẹ nhàng, lịch sự nếu bà ta nhìn gã, nhưng bà ta không thèm để ý. Những người làm việc trong bệnh viện không lạ gì cảnh có ai đó dựa tường.
Bà ta rút một khay ra, trông như chỉ có thạch cam, nước trái cây, cà phê và sữa, nhưng dù là thức gì đều có nghĩa Drea đã có thể tự ăn, không cần đường truyền nữa. Người phụ nữ gõ nhanh lên cửa rồi mở luôn chẳng chờ ai lên tiếng.
“Có phải thức ăn thật không đấy?” gã nghe Drea hỏi, giọng cáu kỉnh.
Người phục vụ cười lớn. “Cô kết thúc giai đoạn ăn thạch rồi. Nếu dạ dày của cô có thể tiêu hóa nó mà không bị khó chịu, có lẽ ngày mai cô sẽ được ăn khoai tây nghiền. Chúng tôi chỉ phục vụ theo những gì bác sỹ nói thôi.”
Im lặng một lúc, Drea nói, “Cam à! Tôi thích thạch cam.”
“Cô có muốn một suất nữa không?”
“Bà có làm được không?”
“Được. Bất cứ khi nào cô muốn, chỉ việc nói với chúng tôi.”
“Thế thì có, tôi rất muốn suất thạch nữa. Tôi đang đói chết đây.”
Khi Drea còn đang ríu rít với người phục vụ và mải chú ý đến đồ ăn của mình, Simon đứng thẳng người lên và bước nhanh qua cửa phòng cô, không hề quay đầu lại nhìn.
Trong giây lát gã bước đi như người mộng du và bỗng đâm sầm vào một cô gái vừa bước ra khỏi phòng. “Xin lôi,” gã máy móc nói, không nhìn vào cô ta và cắm cúi bước tiếp.
Tiếp đó gã nhận ra mình bị nhồi nhét vào góc một chiếc thang máy đông nghẹt mà không là đã vào đó. Gã, người luôn biết chính xác những điều mình đang làm và cả những điều người xung quanh đang làm, người thậm chí còn xem xét kỹ cả nhà vệ sinh công cộng bằng con mắt đầy tính toán trước khi bước vào lại để những suy nghĩ bủa vây bản thân mình đến nỗi hoàn toàn lơ đãng.
Gã xuống tầng trệt nhưng cái thang gã vào không phải cái gã dùng để đi lên. Thay vì ra gần cửa phòng cấp cứu, gã lại ở hành lang chính nơi có cái khoang hai tầng cao ngút trồng rất nhiều cây cảnh.
Đờ đẫn, Simon uể oải đi tới lối ra cho tới khi sực nhớ ra chiếc xe gã thuê vẫn đậu ở bãi xe bên ngoài phòng cấp cứu. Gã dừng lại, nhìn quanh nhưng không có tấm biển nào chỉ dẫn tới phòng cấp cứu.
Khả năng định hướng chính xác mách bảo gã đi về phía hành lang bên trái. Gã muốn cười to lên, nhưng gã chưa bao giờ làm thế. Sự nhẹ nhõm râm ran trong máu như sâm panh làm gã chếnh choáng. Tim gã nện thùm thụp trong lồng ngực, cảm giác khung xương quá chật chột như thể nó siết chặt quanh tim, phổi gã, bóp nghẹt chúng.
Một biển hiệu báo phải đi lại cẩn thạn khẽ khàng khiến Simon dừng lại. Ma xui quỷ khiến thế nào, gã lại mở cánh cửa và bước vào.
Vừa đóng cửa lại, một sự im ắng bao trùm lấy gã như thể căn phòng này được cách âm. Những tiếng náo nhiệt và hoạt động không ngớt của một bệnh việc bị bỏ lại hết ngoài kia, cứ như gã vừa bước chân vào một thế giới khác. Gã đứng đó một lát, muốn đi ra nhưng lại cảm thấy như có ai giữ chân mình. Gã không phải kẻ yếu bóng vía. Cho dù thực tế có tồi tệ khốn nạn thế nào, gã cũng không ngại đối đầu với nó, thậm chí còn thích nó. Gã không bao giờ khoan dung với chính mình hay người khác. Có những người hay huyễn hoặc bản thân về bản chất tự nhiên của mình nhưng Simon thì không. Gã là chính con người thật của mình, bởi vì cuộc sống của gã hay bất kỳ ai khác đều không có nghĩa gì với gã.
Cho tới bây giờ.
Cho tới khi gặp Drea.
Căn phòng tối lờ mờ, những chân nến gắn dọc tường hai bên và ở mặt tường phía trước là một tấm kính màu lớn đang phát sáng, nhuốm cả căn phòng trong sắc màu đó. Không khí mát mẻ và ngát hương, mùi thơm tỏa ra từ một bó hoa tươi trên chiếc bàn trước bệ thờ nhỏ. Có ba chiếc ghế dài bọc nệm, mỗi chiếc đủ rộng cho khoảng bốn người ngồi, nhưng ở đây chỉ có mình gã.
Gã ngồi xuống giữa ghế và nhắm mắt lại, để mặc sự tĩnh lặng ngập tràn và khiến gã dần tĩnh tâm. Không có tiếng nhạc nào. Nếu bài thánh ca vang lên có lẽ gã đã bỏ đi rồi, nhưng giờ chỉ có sự yên bình và tĩnh mịch.
Drea còn sống. Simon vẫn chưa thể hiểu điều này có nghĩa là gì, chưa thể thừa nhận đất cát dưới chân sụt xuống để lại gã chơi vơi trong không khí. Chỉ biết trong khoảnh khắc này, gã thấy thanh thản, ánh sáng từ tấm kính màu đang phản chiếu lên mi mắt gã. Hương hoa dụ gã hít vào mấy cái, kéo thêm làn không khí mát rượi vào sâu trong phổi, xoa dịu cơn co thắt nơi lồng ngực.
Sự tàn nhẫn đã trở thành một phần con người gã như máu thịt. Nó làm gã không thể bỏ qua những gì gã thấy, những gì gã biết. Drea đã chết. Gã đã nghe cô trút hơi thở cuối cùng, đã thấy ánh sáng lịm dần trong đôi mắt ấy. Gã cảm nhận được sự biến đổi trên da thịt cô khi gã chạm vào, bởi vì những xác chết sẽ bị lạnh đi ngay. Làn da mềm mại của cô dần mất đi hơi ấm và sự đàn hổi. Sâu hơn, gã cảm thấy thiếu vắng cô, sự thiếu vắng của một con người, một linh hồn, tâm hồn, hay gọi nó là gì cũng được. Khi không còn vẻ linh lợi đầy sức sống, cơ thể người ta rất khác và không còn là người đó nữa.
Gã đã ở đó với Drea quá lâu nên không thể nào phán đoán nhầm cái chết của cô. Mạch của cô không còn đập và cô đã ngừng thở. Cho tới khi xe cấp cứu đến nơi, thì ít nhất một tiếng rưỡi, có khi lâu hơn, đã trôi qua. Cô hẳn phải trải qua quá trình rất lâu mới tỉnh lại; mà bộ não sẽ chết chỉ sau bốn phút. Cô lẽ ra đã bị chết não hoàn toàn rồi, chỉ có những nỗ lực hơn cả phi thường mới cứu sống được cô. Gã đàn ông trong phòng chờ nói các bác sỹ đang gói gém đồ đạc thì nghe tiếng cô bắt đầu thở. Không biết họ có cố cấp cứu cô không? Tính cả quãng thời gian ấy thì cô đã chết rồi.
Nhưng cô vẫn đang ngồi trên giường bệnh, rõ ràng đang sống, nói năng bình thường, vui vẻ thưởng thức món thạch cam của mình.
Việc cô còn sống, dù có thế nào cũng là một phép màu. Vượt qua thử thách cam go mà không kèm theo bất kỳ di chứng nào lại là một phép màu nữa kỳ diệu hơn. Simon chả tin vào thứ phép màu nào. Nếu gã có bất kỳ triết lý sống nào, thì nó sẽ theo phương châm kinh điển “Họa chẳng chừa ai”. Thường đó là tai họa tồi tệ, đôi khi cũng không đến nỗi, nhưng toàn là những thứ từ trên trời rơi xuống. Mình cứ sống cuộc sống của mình và khi đã đi tới cùng, cái gì đến sẽ đến. Chẳng nghĩa lý gì cả.
Nhưng việc này… việc này là cái gì đó gã không thể giải thích. Nó hoàn toàn kiểm soát và không buông tha gã, bằng mọi cách gã phải đối mặt với nó.
Điều gì đó đã giúp cô ấy hồi sinh.
Gã mở mắt và nhìn trừng trừng vào tấm kính màu.
Liệu có gì đó giữa sinh ra và chết đi, có gì đó xảy ra sau khi một cơ thể đã trút hơi thở cuối cùng? Sức mạnh nào đã khiến một cái xác nguội lạnh bỗng bừng sống lại? Nếu vậy….nghĩa là có thứ gì đó sau cái chết, chết chưa phải là kết thúc.
Nếu có một cuộc sống sau khi người ta chết đi, hẳn phải có một nơi khác, một không gian và thời gian khác. Cái chốn khác ấy hẳn là phụ thuộc vào việc chúng ta đã sống trên dương gian thế nào.
Tốt, xấu – những khái niệm không bao giờ có nghĩa lý gì với gã. Gã là gã và gã làm những gì mình cho là đúng. Một người bình thường trên đường phố thì không việc gì phải sợ gã. Gã không làm hại cũng không coi thường họ; thậm chí đôi khi gã còn cảm thấy có thiện cảm với những người dân thường, bởi vì họ cứ tiếp tục cuộc sống của mình dù có chuyện gì xảy ra. Họ làm việc, về nhà, ăn tối và xem ti vi, đi ngủ, thức dậy và lại đi làm. Nhờ số đông bọn họ vận hành cái chu trình đó mà làm nên sự sống cho thế giới này.
Những kẻ sống bằng cách hút máu người lương thiện mới là lũ đáng khinh. Chúng thản nhiên chiếm đoạt công sức của người khác và cho rằng chỉ những thằng đần độn mới lao động để kiếm sống. Gã nghĩ giết cái loài cặn bã sâu bọ đó là điều nên làm.
Dẫu vậy, nếu nhìn việc đó một cách lô-gic, cuộc đời gã còn tối tệ hơn bọn chúng nhiều – không phải những thứ hữu hình mà là sự khô cằn trong tâm hồn gã.
Lỗ hổng đen ngòm dưới chân đang chờ gã – những gì gã đã nhận được – nhưng gã sẽ nắm lấy cơ hội này để thay đổi cuộc đời mình từ đây. Nhờ chuyện của Drea, Simon gặp những điểu gã chưa từng thấy trước đây, thừa nhận rằng có gì đó còn hơn thế nữa. Có thật là trên đời có Chúa? Những điều này chính là minh chứng, đúng không?
Cũng nhờ Drea, gã mới thấy Thần Chết đang vòng hai cánh tay quanh mình. Nếu tiếp tục đi trên con đường trước đây, gã biết điều gì đang chờ gã. Nhưng nếu gã quyết tâm từ bỏ cuộc sống đó, kết cục có thay đổi không?
Nghe có vẻ đơn giản, nhưng để thực hiện thì thực sự là chuyện dời non lấp bể.
Một nỗi đau đớn choán lấy Simon, từ họng gã bật ra âm thanh như tiếng kêu của một con thú bị thương, quằn quại và vô vọng.
Cánh cửa bên hông căn phòng đột nhiên mở ra. Simon không hề nhận ra là nó ở đấy, không tin được là gã lại có lúc sai sót và không thể tha thứ cho điều đó vì sự thiếu cảnh giác có thể làm chết người như chơi.
“Ta không muốn xen vào,” một giọng đàn ông hòa nhã vang lên, “Nhưng ta nghe thấy…”
Simon vẫn không quay lại.
“Nếu con muốn nói…” người đàn ông tiếp tục khi thấy Simon không đáp lại.
Simon từ từ đứng lên, cảm thấy suy sụp như thể đã thức trắng nhiều ngày, vụn vỡ như thể vừa ngã từ trên vách núi. Gã quay lại và nhìn vào người đàn ông trung niên nhỏ nhắn trong bộ vest bình thường, không phải lễ phục hay loại có cổ trắng. Vẻ bề ngoài của ông ta không có gì ấn tượng, mảnh khảnh và hơi hói, nhưng có một sức mạnh toát lên từ ông ta khiến gã không thể xem thường.
“Con chỉ đang tạ ơn một phép màu,” gã chỉ nói thế, rồi quệt nước mắt.