Ngày hôm đó mưa quả thực rất lớn, sấm chớp liên tục xé ngang bầu trời, nước mưa làm ngập hết đường, chúng tôi đứng đó khá lâu mà không thấy một bóng xe đi qua, đành dìu nhau lội mưa một đoạn khá dài. Vừa nhìn thấy đồn cảnh sát địa phương vùng Đông Lăng, chị Giai Tuệ liền kéo chúng tôi đi thật nhanh về phía trước.
Mấy anh cảnh sát trực ban trợn tròn mắt khi nhìn thấy bộ dạng ướt sũng, rũ rượi đến thảm hại của chúng tôi, đặc biệt là Lão Ngũ, vì trên người lão hiện giờ chỉ còn duy nhất chiếc quần đùi còn sót lại. Đợi sau khi chị Giai Tuệ trình bày rõ lai lịch xong, họ mới vội vã đi tìm quần áo cho chúng tôi thay và nấu cho mỗi người một tô mì nóng hổi. Chị Giai Tuệ vừa ăn mì vừa bấm điện thoại gọi điện cho Trưởng phòng Tư.
Chỉ khoảng hai mươi phút sau, Trưởng phòng Tư và Trần Đường đã có mặt. Vừa thấy chúng tôi, cả hai mừng rỡ lao tới ôm chầm lấy. Trưởng phòng Tư ôm chặt tôi vào lòng một lúc lâu, rồi quay sang cảm ơn Lão Ngũ rối rít, ông cũng không quên thông báo bên quản lí trại giam đã đồng ý xóa án cho lão sớm hơn quy định. Lão Ngũ cười khoái trá, sung sướng thốt lên rằng chuyến đi lần này coi như lãi to.
Biết tôi vẫn chưa tìm thấy ông nội, Trưởng phòng Tư thở dài, an ủi tôi đừng lo nghĩ nhiều, nói không chừng ông nội tôi cũng đã thoát được ra ngoài. Sau đó, Trưởng phòng Tư đưa chúng tôi về cùng. Suốt chặng đường đi, chúng tôi vừa thăm hỏi vừa báo cáo sơ qua tình hình.
Lần này, Trưởng phòng Tư và Trần Đường đi một chiếc ôtô bình thường tới đây, và cũng không có đội cảnh sát bảo vệ đi kèm. Trần Đường nói rằng rút kinh nghiệm từ lần trước, không nên phô trương mà càng ít người biết càng tốt.
Chiếc xe không quay về Cục Cảnh sát mà tiếp tục đi về hướng ngoại ô và dừng lại ở một khu biệt thự liền kề. Trần Đường đưa chúng tôi vào một ngôi biệt thự hai tầng nhỏ nhắn, đầy đủ nội thất nhưng vẫn nồng mùi sơn sửa. Trần Đường nói rằng đây là ngôi nhà mới tu sửa nhưng chưa có ai ở của một người họ hàng, nên anh mượn để chúng tôi ở tạm vài ngày, ở đây an toàn tuyệt đối lại rất yên tĩnh thoải mái.
Khi tôi tắm gội xong đi ra thì đã nhìn thấy Tôn Ngọc Dương và La Hoán Văn ngồi ngay trong phòng khách. Tôn Ngọc Dương đứng dậy mừng rỡ ôm lấy tôi, miệng liên tục cảm ơn trời đất đã phù hộ, nếu như cả tôi cũng mất tích nữa thì Kiện môn coi như không còn người nối dõi.
Sau một hồi hỏi thăm nhau, Trưởng phòng Tư mời mọi người ngồi xuống, để chúng tôi kể lại chi tiết chuyến thám hiểm dưới địa cung vừa rồi. Thực ra, mọi việc chủ yếu là do chị Giai Tuệ tường thuật lại, tôi và Lão Ngũ chỉ bổ sung thêm một vài chi tiết liên quan đến chuyên môn. Khi nghe đến đoạn phía dưới khóa tường Song Long là cả một không gian vô cùng rộng lớn với rất nhiều tầng khóa khác biệt, mà mỗi tầng khóa lại ẩn chứa vô số điều thần bí; tất cả mọi người đều cảm thấy kinh ngạc tột độ và thắc mắc không hiểu hoàng đế Nỗ Nhĩ Cáp Xích xây dựng địa cung với mục đích gì?
Cuối cùng, mọi ánh mắt đều dồn vào chiếc khay sứ Thanh Hoa, một vật mà ngay từ cách xuất hiện của nó đã khiến cho tất cả mọi người cảm thấy kì quặc, không thể giải thích nổi. Trưởng phòng Tư thở dài, buông một câu tự thán:
- Đây rõ ràng là lịch sử đang thử thách chúng ta.
La Hoán Văn trầm tư cầm chiếc khay sứ lên soi xét rất lâu, rồi chậm rãi lên tiếng:
- Hay thật! Một chiếc khay sơn thủy bằng sứ Thanh Hoa tuyệt mĩ, tôi có thể chắc chắn một điều rằng đây là một bảo vật thời Khang Hy, được nung tại trấn Cảnh Đức tỉnh Giang Tây. - Nói rồi ông lật phần đế lên và nhìn chằm chằm vào dòng chữ khắc bên dưới, rất nhiều sắc thái biểu cảm lẫn lộn trên gương mặt ông.
Trưởng phòng Tư gặng hỏi ông phải chăng dòng chữ khắc đó có vấn đề gì? Ông suy nghĩ một hồi rồi từ từ giải thích với chúng tôi. Nghệ thuật khắc chữ gốm sứ của Trung Quốc bắt đầu xuất hiện từ thời nhà Tống, nhưng lúc đó còn rất sơ khai, phải cho tới thời nhà Minh thì nghệ thuật này mới thực sự phát triển. Nhưng bấy giờ cũng mới chỉ dùng các loại chữ “Tạo năm x x” hay “Đường tạo năm x x”, chứ rất hiếm khi khắc chữ “Chế”. Đến thời nhà Thanh, do chữ “Tạo” và chữ “Triệu” đều là chữ phạm húy, nên người ta chỉ dùng chữ “Chế” để khắc chữ chứ tuyệt đối không dùng chữ “Tạo”. Nhưng chiếc khay này tại sao lại phạm sai lầm lớn như thế?
Tôn Ngọc Dương tò mò hỏi lại tại sao chữ “Chế” lại phạm húy.
La Hoán Văn lắc lắc đầu, đưa mắt nhìn khắp lượt chúng tôi, giọng nói bỗng nhiên trầm hẳn xuống:
- Nỗ Nhĩ Cáp Xích!
Trong số những người ngồi ở đây, tôi là người có học vấn thấp nhất, thế nhưng cũng thực sự sững sờ trước câu trả lời vừa rồi của La Hoán Văn. Đơn giản là vì tôi biết rằng, ngay cả khi chưa cần xem xét đến vấn đề chiếc khay sứ Thanh Hoa này ra đời vào khoảng thời gian nào, thì việc Nỗ Nhĩ Cáp Xích xây dựng địa cung để cất giấu vật được cho là đã phạm húy của mình cũng thật là quá sức tưởng tượng.
Tôn Ngọc Dương cũng ngẩn người ra một lúc lâu, dường như anh vẫn chưa hoàn toàn tin vào lời giải thích của La Hoán Văn nên đã dùng điện thoại lên mạng tìm kiến thông tin, và nhận được lời giải đáp rằng: “Miếu hiệu của Nỗ Nhĩ Cáp Xích là Thái tổ, thụy hiệu là Võ hoàng đế, sau đổi thành Cao hoàng đế, niên hiệu Thiên Mệnh. Tên đầy đủ của ông là Thừa Thiên Quảng Vận Thần Công Thánh Đức Triệu Kỷ Lập Cực Nhân Hiếu Duật Võ Đoan Nghị Khâm An Hoằng Văn Định Nghiệp Cao hoàng đế”. Quả nhiên là có chữ “Triệu”, xem ra chiếc khay sứ này đúng là một câu hỏi lớn.
Mọi người đều cảm thấy hết sức khó hiểu, ai cũng đưa ra ý kiến của riêng mình, đặt ra đủ mọi giả thuyết nhưng cuối cùng vẫn không đưa ra được một kết luận thống nhất, thậm chí càng thảo luận càng phát hiện ra nhiều điều kì bí. Cánh cửa Thất Xảo Thiên Tập được bảo tồn nguyên vẹn, tầng khóa cuối cùng là chiếc khóa tuyệt môn lục bát thuật cũng không thể mở lần thứ hai, vậy mà bên trong đó lại xuất hiện chiếc khay sứ Thanh Hoa thời Khang Hy, điều đó chỉ có thể giải thích được rằng. Chiếc khay này có phép biến hóa thần thông quảng đại.
Chúng tôi say sưa tranh luận và bàn tán mãi cho đến quá nửa đêm, nên Trưởng phòng Tư đã phân công Tôn Ngọc Dương ở lại để bảo vệ sự an toàn của tôi và Lão Ngũ; còn ông, chị Giai Tuệ cùng những người kia phải trở về thành phố báo cáo với cấp trên, đồng thời cũng phải đưa chiếc khay sứ đi kiểm nghiệm kỹ thuật nung.
Trước khi Trưởng phòng Tư rời đi, tôi còn giao luôn những bảo bối thu được trong suốt chặng đường thám hiểm cho ông, từ viên đá Âm Sơn Hải Lan, cát bay, Tinh ngọc Hòa Điền cho đến mảnh kim loại hình tam giác khắc chữ Hận.
Lão Ngũ lập tức tỏ thái độ, lão ca cẩm chuyến đi này coi như trắng tay, bao nhiêu bảo bối đều phải sung công hết.
Trưởng phòng Tư hiểu ý lão liền mỉm cười trấn an:
- Tiền bối à, đợi khi chúng tôi kiểm tra xong, tất cả những bảo bối này tặng lại hết cho ông.
Nghe nói vậy, Lão Ngũ liền thay đổi thái độ, cười hí hửng và luôn miệng lầm bầm “hay đấy, hay đấy!”
Sau khi mọi người ra về, tôi và Lão Ngũ lập tức lên giường đánh một giấc thật say sưa. Tôi ngủ li bì cho tới tận tối hôm sau, khi Tôn Ngọc Dương gọi dậy ăn cơm. Sau khi nghỉ ngơi thoải mái, ăn uống no nê, tôi mới cảm thấy mình đã hoàn toàn được giải thoát khỏi những căng thẳng mệt mỏi cả về thể xác lẫn tinh thần.
Chúng tôi ở trong ngôi biệt thự đó bốn ngày, thì cả bốn ngày đó không thấy Trưởng phòng Tư hay chị Giai Tuệ liên lạc gì, nên cũng không biết họ đã báo cáo tình hình đến đâu, và đã tìm ra manh mối về nguồn gốc chiếc khay sứ kia chưa?
Tôn Ngọc Dương ở lại căn biệt thự để giữ an toàn cho chúng tôi, không cho chúng tôi bước chân ra ngoài dù chỉ một phút.
Mặc dù ngày nào cũng được ăn ngon và nghỉ ngơi thoải mái, nhưng tôi vẫn luôn cảm thấy trong lòng bất an. Hiện tại vẫn chưa biết ông nội sống chết ra sao, tôi còn lòng dạ nào mà ngồi chờ ở đây được.
Thấy tôi suốt ngày lo lắng cho ông nội, Lão Ngũ cùng thở dài và nói với giọng pha chút tủi thân:
- Lão Sở thật là có phúc, có cô cháu gái chăm sóc tuổi già. Còn lão già này cả đời coi như chẳng có gì, đến khi chết đi, ngay cả người đào mộ cũng chẳng có.
Đây là lần đầu tiên Lão Ngũ buồn rầu như thế, tôi cảm thấy tình cảnh lão thật đáng thương, tuổi già sức yếu mà chẳng có đến một mụn con cháu chăm sóc, sau này một mình lão sẽ sống như thế nào. Tôi lập tức nắm lấy bàn tay gầy guộc của lão, tỉ tê:
- Lão Ngũ à, lão đừng buồn nữa, không phải là còn có cháu nữa sao. Đợi khi nào tìm được ông nội, cháu sẽ chăm sóc cả hai người.
Ánh mắt của Lão Ngũ bỗng long lanh trìu mến, tôi biết rằng lão đang rất xúc động, còn đưa tay vuốt lên mái tóc tôi, luôn miệng nói:
- Con tiểu a đầu này, ngoan lắm, ngoan lắm! - Thần sắc và cử chỉ ân cần của lão làm tôi nhớ đến ông nội, sống mũi cay cay và nỗi buồn trong lòng lại dâng lên tê tái.
Sang ngày thứ năm, lúc hơn mười giờ tối, chị Giai Tuệ bỗng tới chỗ chúng tôi với vẻ rất vội vã. Tôi vui sướng lao tới ôm chầm lấy chị và không quên hỏi kết quả kiểm định chiếc khay sứ thế nào, đến khi nào tôi mới được tiếp tục đi tìm ông nội?
Vẻ mặt của chị Giai Tuệ vẫn bình thản như mọi khi, chỉ nói rằng chúng tôi chuẩn bị trở về Cục Cảnh sát với chị ngay bây giờ, kết quả kiểm nghiệm hết sức có giá trị. Máu tò mò nổi lên, lập tức tôi và Lão Ngũ thu dọn đồ đạc rồi cùng chị Giai Tuệ và Tôn Ngọc Dương lái xe quay về trụ sở Cảnh sát.
Vì đang là đêm khuya nên cánh cổng chính của Cục Cảnh sát đóng im lìm, đèn cũng không bật, sự yên tĩnh và không gian tối đen ấy thật dễ khiến người ta lạnh người. Chúng tôi đỗ xe ở bên ngoài, rồi đi vào cánh cổng phụ bên cạnh, sau đó lên cầu thang tiến thẳng đến tầng năm. Trưởng phòng Tư đang đứng ngay cửa ra vào phòng làm việc, chắc ông đang đợi chúng tôi.
Sau khi vào phòng, tôi thấy Trần Đường và La Hoán Văn đã có mặt ở đó với dáng vẻ cũng hào hứng không kém, trên mặt bàn phía trước mặt họ chồng chất rất nhiều tập tài liệu và hơn chục bức ảnh. Tôi liếc qua, thì ra đó là những bức ảnh chụp cái xác khô dưới địa cung và một lưỡi dao dài và nhỏ, tất cả chúng đều do chị Giai Tuệ cẩn thận chụp lại.
Trưởng phòng Tư đứng dậy đóng cánh cửa, rồi quay lại đứng trước mặt tôi và Lão Ngũ, nhẹ nhàng lên tiếng:
- Hắc tiền bối, Lan Lan, mấy ngày vừa rồi hai người đã đỡ mệt chưa? Hôm nay tôi mời hai người tới đây, một là để thông báo kết quả kiểm định chiếc khay sứ, hai là mong rằng sẽ nhận được sự giúp đỡ của hai người thêm lần nữa.
Vừa nghe thấy vậy, Lão Ngũ lập tức co chân vào, rồi nói với vẻ không được nhiệt tình cho lắm:
- Ta đã nói là không nên tin lời của đám quan chức rồi mà, lúc nào cũng vòng vo nhiễu sự, có phải cho dù ta có đồng ý hay không thì vẫn phải tiếp tục thực hiện điều đó không?
Tôi cảm thấy hơi khó hiểu. Chẳng lẽ mọi việc vẫn chưa chấm dứt? Bảo bối cũng đã lấy về rồi, giờ còn muốn chúng tôi giúp gì nữa đây? Tôi sốt ruột hỏi lại:
- Nếu như cháu không đồng ý, thì có phải mọi người sẽ không giúp cháu tìm ông nội, và cũng… cũng không cho cháu làm… làm cảnh sát nữa đúng không?
Trưởng phòng Tư mỉm cười, nói:
- Hắc tiền bối hiểu lầm ý chúng tôi rồi. Lan Lan, cháu hãy bình tĩnh. Tôi chỉ đang kêu gọi sự giúp đỡ của hai người chứ không phải là ra mệnh lệnh. Nếu như hai người nghe xong mà vẫn quyết định không tiếp tục tham gia thì có thể rời đi bất cứ lúc nào, phía cảnh sát chúng tôi nhất định sẽ thu xếp ổn thỏa cuộc sống của hai người sau này. Còn Lan Lan, ta đã hứa với Sở thúc là sẽ nhận cháu vào Cục Cảnh sát tỉnh Thẩm Dương rồi, cháu là trường hợp đặc biệt nên sẽ được đặc cách vào thẳng, chính thức trở thành đồng nghiệp của những người đang ngồi đây.
Tôi và Lão Ngũ quay sang nhìn nhau, thực sự điều này cũng không tệ lắm, thế nên đã ngồi lại để nghe họ nói rốt cuộc chuyện gì đã xảy ra.
Thì ra ngay sau khi rời khỏi ngôi biệt thư, Trưởng phòng Tư và chị Giai Tuệ lập tức chuyển chiếc khay sứ tới phòng thí nghiệm để kiểm tra niên đại của nó, đồng thời triệu tập cả những chuyên gia cổ vật có tiếng tăm đến để thảo luận. Tất cả các chuyên gia đều thống nhất khẳng định rằng đây chính là cổ vật được nung tại trấn Cảnh Đức từ những năm đầu thời Khang Hy. Thế nhưng, về dòng chữ khắc “Mặc Văn đường tạo” thì họ cũng không thể tìm ra lời giải thích phù hợp, duy chỉ có một vị chuyên gia lập luận khá hợp lý. Đó là mặc dù nhà Thanh đã lập triều được một thời gian khá lâu, nhưng thời đó những băng đảng giang hồ hay đa phần người dân vẫn ủng hộ triều Minh, luôn mang trong lòng ý niệm phản Thanh phục Minh, nên rất có thể mấy chữ “Mặc Văn đường” đó là tên của một băng đảng nào đấy, và họ cố tình dùng chữ “Tạo” với mục đích mà ai cũng biết đó là gì.
Ngoài ra, Cố Cung Thẩm Dương bắt đầu xây dựng vào năm 1625, hoàn thành vào năm 1636, trong khi đó hoàng đế Nỗ Nhĩ Cáp Xích lại mất vào năm 1626. Mặc dù có thể nói rằng ý tưởng xây dựng Cố Cung là của ông, nhưng phần lớn công việc xây dựng lại do người con thứ tám là Hoàng Thái Cực hoàn thành. Cho nên, có thể nói chiếc khay sứ này không phải do Nỗ Nhĩ Cáp Xích đặt vào, mà chính là do Hoàng Thái Cực.
Mặc dù tôi rất dốt môn lịch sử nhưng vẫn cảm thấy có gì đó không ổn lắm. Chị Giai Tuệ nói rằng, giữa Nỗ Nhĩ Cáp Xích và Khang Hy là Hoàng Thái Cực và Thuận Trị, nếu không phải do Nỗ Nhĩ Cáp Xích làm, thì khoảng thời gian cách nhau quá xa.
Trưởng phòng Tư mỉm cười và quay sang hỏi tôi có còn nhớ sợi dây da lừa trên cổ xác khô và đoạn kênh Thiết Trân dưới lòng động không? Ông đưa ra giả thuyết cũng có thể lúc bấy giờ Hoàng Thái Cực đã dùng loại khóa tuyệt môn lục bát thuật để cất giấu báu vật. Nhưng đến thời vua Khang Vy, đã có một cao thủ của Kiện môn xuống dưới đó, dùng chiếc khay sứ này để đánh tráo với bảo bối kia. Trong giới Kiện môn có lưu truyền thuật Thiên giới với sức mạnh vô cùng thần kì, nên có lẽ chiếc khóa tuyệt môn kia đã bị thuần phục.
Nghe những giả thuyết đó, tôi lập tức đứng dậy phản pháo:
- Chú Tư, có phải chú đang nghi ngờ người phái Kiện môn chúng cháu phạm tội giết người không? - Vừa dứt lời, tôi mới sực nhớ ra, phái Kiện môn và Đạo môn cũng đã từng có giai đoạn tranh giành chém giết lẫn nhau, xem ra không phải không có người xấu. Nghĩ vậy, tôi cố kìm lòng và từ từ xuôi theo những lời phân tích của Trưởng phòng Tư.
Lão Ngũ đang vân vê mấy sợi râu thưa dưới cằm, đột nhiên cất tiếng:
- Mẹ kiếp, vậy là ta đoán không sai mà, chắc chắn là có đứa đến nẫng tay trên bảo vật trước ta rồi. Vậy đã điều tra ra tên đó là ai chưa?
Tôi cũng rất muốn biết tên ăn trộm kia rốt cuộc là ai, có phải khi đó hắn đã bị đồng bọn giết hại rồi cướp mất bảo vật không, chẳng trách trên vách hang lại có nhiều vết dao như vậy.
Trưởng phòng Tư không nói gì mà chỉ rút một tập tài liệu trên bàn rồi đẩy tới. Tôi nhìn thấy tiêu đề của tập tài liệu là: Kết luận pháp y liên quan đến mẫu da người và mẫu tóc lấy từ địa cung dưới lòng Cố Cung Thẩm Dương, mép tài liệu còn in dấu đỏ “Tuyệt mật”. Tôi cầm lấy, tiện tay giở qua vài trang, bên trong toàn là những thuật ngữ chuyên môn mà tôi không thể hiểu nổi.
Chị Giai Tuệ ngồi bên cạnh thấy vậy liền giải thích kĩ càng hơn cho tôi. Cái xác khô mà chúng tôi nhìn thấy tại hiện trường, cổ họng đã bị xiết đứt, chứng tỏ người đó đã bị sợi dây da lừa thít chặt cho đến chết; hơn nữa, trên cơ thể lại không có vết thương nào khác, nên nguyên nhân gây tử vong không có gì phải đắn đo nữa. Dựa vào những kết quả phân tích pháp y về mẫu da và tóc thì thời gian người này chết trong khoảng từ ba trăm hai mươi năm đến ba trăm ba mươi năm về trước, vừa đúng với thời gian vua Khang Hy đăng cơ lên ngôi và ra thông báo bị mất bảo vật. Đồng thời, qua khám nghiệm xương rút ra kết luận, người này bị giết chết khi mới bốn mươi mốt tuổi. Thậm chí rốt cuộc người này là ai, ta cũng có thể tìm ra.
Nói đến đây, chị Giai Tuệ quay sang nhìn La Hoán Văn. La Hoán Văn gật đầu, đứng dậy cầm bức ảnh chụp cái xác khô, rồi chỉ cho chúng tôi thấy những con rồng nhỏ màu vàng được thêu trên cổ áo.
Tôi nhìn ngắm một lúc lâu vẫn không phát hiện ra những con rồng đó có gì khác lạ, nhưng Lão Ngũ ngồi bên cạnh đã lập tức thốt lên:
- Kim Long ngũ chỉ! Là rồng năm ngón sao? Mẹ kiếp, lúc đó không kịp để ý, cái này mới đúng là… hay đấy, hay đấy!
La Hoán Văn mỉm cười đồng tình:
- Con mắt của Hắc tiền bối thật là tinh tường, đây chính là rồng năm ngón.
Tôi vội vàng nhìn lại kĩ hơn, những con rồng đó đúng là có năm ngón chân, bốn ngón ở phía trước và một ngón ở phía sau, thế nhưng tôi không rõ những ngón chân này thì nói lên điều gì?
La Hoán Văn tận tình giải thích cho tôi biết, rồng Trung Quốc đầu tiên không phải là năm ngón, mà là từ ba ngón, bốn ngón phát triển thành. Từ triều đại nhà Nguyên, chỉ có người trong hoàng thất mới được sử dụng hình tượng rồng năm ngón, đến các vương tôn cũng chỉ được dùng hình tượng rồng ba ngón hoặc bốn ngón mà thôi. Những con rồng năm ngón thêu trên cổ áo chứng tỏ rằng người này thuộc hoàng tộc Mãn Thanh. Đặc biệt túm tóc phía sau tết theo kiểu đuôi chuột dài, đó là một kiểu tóc đặc trưng của thời tiền Thanh; đến tận thời hậu Thanh mới dần dần biến đổi thành kiểu đầu âm dương mà ta vẫn thường nhìn thấy trên tivi, tức là cạo trọc nửa đầu trước và phần tóc ở nửa đầu sau tết thành bím dài.
Càng nghe tôi càng cảm thấy những bí mật này thật thú vị. Xem ra cái xác khô này đúng là hoàng thân quốc thích thật, thế nhưng người này xuống dưới địa cung làm gì, để rồi bị một cao thủ Kiện môn thít cổ chết?
La Hoán Văn lại lấy ra hai tấm hình khác, lần lượt mang hình ảnh hai con dao nhỏ và dài; trong đó một con dao nằm cạnh xác khô, con còn lại đặt trên nền vải nhung đỏ trong tủ kính.
La Hoán Văn nói với chúng tôi rằng: Con dao thứ hai đang cất giữ tại viện bảo tàng Cố Cung Thẩm Dương, đó là vật bất li thân của Thái Tông Hoàng Thái Cực, hiện nay nó là cổ vật cấp một của quốc gia; lưỡi dao thứ nhất chụp nằm cạnh cái xác có hình dạng y hệt như thế, và chắc chắn cũng là lưỡi dao của người trong hoàng tộc. Ông tiếp tục lấy ra một bức ảnh khác chụp viên Tinh ngọc Hòa Điền màu vàng và tiếp tục giảng giải:
- Trên người xác khô có đeo một miếng ngọc màu vàng, màu vàng là màu của hoàng gia, hơn nữa lại là loại ngọc Tịnh cực kì quý hiếm, những người bình thường trong hoàng thân quốc thích cũng không được phép dùng nó, thế nên người này rất có thể chính là: Hoàng đế!
Nghe tới đây, tôi bỗng rùng mình, cảm thấy thực sự hoảng hốt. Trời ạ! Hoàng đế ư? Điều này thật quá sức tưởng tượng! Lẽ nào xác chết đó lại chính là vua Khang Hy, người đã mang chiếc khay sứ Thanh Hoa xuống dưới địa cung, rồi bị một cao thủ Kiện môn giết hại?
Nghe thấy những thắc mắc ngây ngô của tôi, La Hoán Văn và mọi người đều phì cười, chị Giai Tuệ cầm tay tôi, ân cần nói:
- Lan Lan, người đó chắc chắn không phải là Khang Hy đâu, mọi người đều đoán người đó chính là phụ thân của Khang Hy, hoàng đế Thuận Trị.
Chị còn nói, dựa vào ghi chép của sử sách để lại, hoàng đế Thuận Trị sinh năm 1638, đến năm hai mươi ba tuổi thì bị mắc bệnh truyền nhiễm nên đã qua đời vào đúng năm 1661. Lịch sử đã ghi lại rất nhiều giả định về cái chết kì bí của vị hoàng đế này, trong đó có một giả thuyết cho rằng do ái phi Đồng Ngạc lâm bệnh và qua đời, Thuận Trị quá đau buồn nên đã xuất gia đi tu, từ đó không thấy tin tức gì.
Tôi bỗng dưng nhớ đến bộ phim Lộc đỉnh ký đã từng xem, hình như trong phim cũng giải thích như vậy, tôi nhanh miệng thốt lên:
- Cháu biết rồi, hoàng đế Thuận Trị thực ra không phải bỏ đi, mà là xuống địa cung, rồi bị người khác hãm hại.
La Hoán Văn và mọi người đều khẽ gật đầu, chỉ có chị Giai Tuệ lên tiếng xác nhận:
- Cũng gần như vậy.
Lão Ngũ im thin thít từ đầu đến giờ bỗng phì một tiếng.
- Mẹ kiếp! Làm gì có chuyện phi lý thế! Thuận Trị không chết, cũng không bỏ đi, mà lại bị một cao thủ siết cổ. Có chết ta cũng không tin.
Chị Giai Tuệ liền mỉm cười, đáp:
- Lão Ngũ, ban đầu mọi người cũng không tin, thế nhưng tất cả chứng cớ đã rõ ràng, người này chỉ có thể là hoàng đế Thuận Trị. - Vừa nói chị vừa chỉ vào những kết luận pháp y. - Thời gian hình thành xác khô cách đây khoảng ba trăm hai mươi đến ba trăm ba mươi năm, đúng vào năm 1675 đến 1685, và khi chết người này ở độ tuổi bốn mươi mốt. Còn hoàng đế Thuận Trị sinh vào năm 1638, mất năm 1661, vậy là ông qua đời vào năm hai mươi ba tuổi. Theo như giả thiết ông không mất, mà còn sống thêm mười tám năm nữa, tức là vào năm 1679, điều này hoàn toàn ăn khớp với độ tuổi của cái xác. Lão thử nghĩ xem, từ dáng vẻ tới trang phục của người này hẳn phải là hoàng đế, nhưng lại không phải Khang Hy, vậy ngoài Thuận Trị thì còn có thể là ai khác?
Mặc dù những con số chị Giai Tuệ nói đến quá nhiều khiến tôi lâm vào trạng thái mơ mơ hồ hồ, nhưng nghĩ kĩ thì tôi thấy cũng khá chính xác, xem ra xác chết đó chính là hoàng đế Thuận Trị thật. Nghĩ đến việc từng tiếp cận xác hoàng đế, rồi chính tay mình còn động vào đó, tôi có một cảm giác lâng lâng khó tả, nếu như kể chuyện này với người khác, chắc họ sẽ nghĩ tôi bị thần kinh mất.
Lão Ngũ vẫn ngồi cạnh tôi, miệng lẩm nhẩm tính toán với vẻ mặt hết sức khó hiểu, cuối cùng lão cũng thốt lên:
- Mẹ kiếp, không ngờ mình còn được đá hoàng đế một cái, chuyện này… hay đấy, hay đấy! - Xem ra, cuối cùng lão cũng đã bị thuyết phục bởi điều này.
Thấy mọi người có vẻ không hiểu ý câu nói vừa rồi của Lão Ngũ, nên chị Giai Tuệ kể lại việc Lão Ngũ giơ chân đá cái xác khô để mọi người cùng nghe, sau khi đã vỡ lẽ tất cả đều cười vang, khiến bầu không khí nhẹ nhõm đi rất nhiều.
Lão Ngũ vẫn không ngừng lầm bầm:
- Mẹ nó chứ, đá lên thi thể nhà vua, nếu chuyện này lộ ra ngoài thì ta sẽ nổi danh khắp thiên hạ.
Đợi cho mọi người cười nói xong, La Hoán Văn mới tiếp tục câu chuyện:
- Đó không chỉ là một phát hiện quan trọng đâu, nó thậm chí còn khiến ta phải sửa lại lịch sử, và thêm một điểm đáng giá nữa, nó chính là lời giải đáp cho những nghiên cứu đang bị bỏ dở.
Nói rồi, ông cúi xuống mở chiếc hộp da đang để dưới chân, từ từ nhấc mảnh sắt hành tam giác của cánh cửa Thất Xảo Thiên Tập ra, nhẹ nhàng đặt lên mặt bàn rồi chỉ vào chữ “Hận” màu xanh.
- Khi nghe Giai Tuệ nói, mọi người đã mở được cánh cửa Thất Xảo Thiên Tập với bảy chữ “Hận” trên mỗi mảnh, tôi đã thầm đoán rằng, liệu đây có phải là bảy nỗi uất hận của Nỗ Nhĩ Cáp Xích?
Nghe đến điều này, thói tò mò của tôi thực sự đã bị kích thích, lập tức lên tiếng hỏi bảy nỗi uất hận đó là gì?
La Hoán Văn chậm rãi giải thích:
- Năm 1618, Nỗ Nhĩ Cáp Xích đã chính thức tuyên bố chiêu binh lật đổ nhà Minh. Bảy nỗi uất hận của ông ta chính là bảy lần nhà Minh thẳng tay đàn áp bộ tộc Kiến Châu Nữ Chân. Mặc dù điều này đều là sự thật nhưng những học giả sau này đều cho rằng đó thực ra chỉ là cái cớ để khởi binh, vì sợ rằng sau này không có chứng cớ gì. Sau đó, quân của Nỗ Nhĩ Cáp Xích liên tục thắng trận và dời đô tới Liêu Ninh vào năm 1621, tiếp đó ông ta mang quân đánh chiếm vùng Quảng Ninh thuộc phía Tây tỉnh Liêu Ninh, ngày nay gọi là thành phố Bắc Chân trực thuộc tỉnh Cẩm Châu. Nỗ Nhĩ Cáp Xích lấy Bắc Châu làm bàn đạp, định tiếp tục tiến quân vào sâu bên trong, nhưng ông đã gặp đúng đối thủ khét tiếng là Viên Sùng Hoan, nên đành phải dừng quân tại Bắc Chân mà không mở thêm được phần đất nào mới. Thời gian tại Bắc Chân, Nỗ Nhĩ Cáp Xích đã làm được một việc rất trọng đại, đó là quyết định dời đô tới Thẩm Dương, lịch sử cũng ghi nhận đã có một sự thay đổi vô cùng lớn trong giai đoạn này.
Ngay sau khi dời đô đến Thẩm Dương, Nỗ Nhĩ Cáp Xích đã lên kế hoạch xây dựng Cố Cung. Nhưng có một điều bất ngờ xảy ra, khi ông ta cho triệu họp các trung thần và đưa ra quyết định dời đô đến Thịnh Kinh (ngày nay là Thẩm Dương), rất nhiều thân vương và triều thần đã kịch liệt phản đối nhưng Nỗ Nhĩ Cáp Xích vẫn quyết giữ ý kiến của mình. Về lý do Nỗ Nhĩ Cáp Xích dời đô tới Thẩm Dương, lịch sử đều ghi chép lại rằng: “Nỗ Nhĩ Cáp Xích đặc biết tin vào phong thủy. Thẩm Dương nằm bên bờ sông Hỗn Giang, thông với sông Liêu Hà, Liêu Hà chảy thẳng tới biển, nên về phong thủy đây được coi là vùng đất quý; hơn nữa nhìn vào các triều đại trước khi dựng đô, đều xem phong thủy là việc đặt lên hàng đầu”.
Nỗ Nhĩ Cáp Xích đưa ra quyết định vào buổi sáng, thì đến buổi chiều đã lập tức lên kế hoạch cho việc dời đô, sau khi đến Thẩm Dương, ông liền bắt tay vào việc xây dựng Cố Cung. Mọi việc diễn ra hết sức cấp bách nên khiến càng trở nên khó hiểu hơn, và điều này cho tới tận ngày nay chúng ta vẫn chưa tìm ra câu trả lời. Bây giờ chúng ta lại có một giả thuyết khác về việc Nỗ Nhĩ Cáp Xích dời đô, có lẽ Cố Cung chỉ là một bức màn che của địa cung để cất giấu một báu vật trong chiếc khóa tuyệt môn lục bát thuật phía sau cánh cửa Thất Xảo Thiên Tập. Cho dù bên trong đó rốt cuộc cất giấu thứ gì, nhưng cánh cửa Thiên Tập lẫn khóa tuyệt môn lục bát thuật đã bị mở đã chứng tỏ một điều vật đó không hề tầm thường, và có liên quan trực tiếp tới việc Nỗ Nhĩ Cáp Xích chống lại triều Minh. Nỗ Nhĩ Cáp Xích đóng đô tại Thẩm Dương đến năm thứ hai, tức là năm 1626, thì thất bại trong trận đánh với Viên Sùng Hoan, ông bị trúng đạn pháo khi đang chiến đấu, do vết thương quá nặng không thể chữa trị nên cuối cùng đã qua đời. Lúc bấy giờ đã có người khuyên Hoàng Thái Cực nên dừng việc xây Cố Cung lại, lí do là thời gian này, cuộc chiến với nhà Minh vẫn chưa chấm dứt, nếu tiếp tục xây dựng sẽ tiêu hao nhiều tiền của và sức lực binh sĩ. Nhưng Hoàng Thái Cực không đồng ý và quyết tâm hoàn thành tâm nguyện của cha. Do đó, ông đã một mặt tiếp tục cuộc chiến đấu với nhà Minh, một mặt vẫn không ngừng đẩy nhanh tiến độ xây dựng Cố Cung dang dở. Việc Hoàng Thái Cực một mực thực hiện di chúc của phụ thân càng chứng tỏ rằng vật phía dưới địa cung có mối quan hệ đặc biệt và vô cùng quan trọng tới quyền lực của triều Thanh, thậm chí còn có thể là một bí mật kinh thiên động địa.
Mặc dù, hiện nay vẫn chưa thể đoán ra, nhà vua Thuận Trị một mình đi xuống dưới Cung ngầm và bị giết hại, hay là đi cùng một đoàn người hộ tống xuống rồi mới bị giết hại. Thế nhưng khi bị giết, chắc chắn là ông đang xuống Cung ngầm để tìm hoặc cố giữ bí mật của tổ tiên mình. Vật báu thực sự đã bị tráo đổi, nhưng nếu ta tiếp tục lần theo manh mối là chiếc đĩa sứ này, dần dần cũng sẽ tìm ra…
Nói đến đây, La Hoán Văn bỗng dưng đứng dậy, mắt nhìn thẳng về phía chúng tôi, giọng run run:
- Các đồng chí, những bí mật của lịch sử đang bày ra trước mắt chúng ta. Tôi đã dành cả cuộc đời để nghiên cứu, còn may mắn trở thành giám đốc Viện bảo tàng Cố Cung, nếu như có thể giải đáp được bí mật quốc gia này, thì không chỉ có tôi… mà tất cả các bạn, đều sẽ đi vào lịch sử.
Ông thở dốc, hai tay chắp ra sau, liên tục đi qua đi lại trong phòng, rồi hướng đôi mắt như van nài về phía tôi, nhìn không chớp mắt, giống như tôi chính là hung thủ sát hại vua Thuận Trị nên đương nhiên sẽ nắm rõ tất cả những bí mật vậy.
Mặc dù tôi không hiểu biết nhiều về lịch sử, nhưng cũng vô cùng phấn khích, toàn thân nóng bừng lên. Cứ nghĩ đến việc mình có thể tìm ra bí mật quốc gia, trong lòng tôi lại trào lên một cảm giác bồi hồi thật khó tả, hay cũng có thể là sự hưng phấn của tuổi trẻ bồng bột.
Lão Ngũ cũng thở hắt ra rồi đứng lên, tuyên bố:
- Mẹ kiếp, nếu như việc này thành công thì coi như lão già này cũng mở mày mở mặt. Được! Ta sẽ theo đến cùng. Hay đấy, hay đấy, hay đấy… - Lão Ngũ liên tục nhắc đi nhắc lại câu cửa miệng đến bảy tám lần, xem ra lão cũng đang vô cùng phấn khích.
Trưởng phòng Tư, chị Giai Tuệ và La Hoán Văn rõ ràng không phải là vừa mới biết nhưng vẫn hết sức phấn chấn, Tôn Ngọc Dương cũng nắm chặt tay tôi, mặt mũi đỏ bừng. Mọi người đều dồn ánh mắt vào tôi, như thể chỉ chờ cái gật đầu của tôi nữa thôi.
Tôi cũng không suy nghĩ gì thêm, đứng bật dậy, rành rọt nói:
- Cháu… đồng ý! Cháu là một đoàn viên, lại rất muốn trở thành cảnh sát, cháu nhất định sẽ cống hiến cho đất nước.
Sau này, khi nhớ lại cảnh tượng lúc bấy giờ, tôi mới thấy mình sao lại hồn nhiên ngây thơ đến thế, nhưng nếu đặt vào hoàn cảnh và bầu không khí đó, thì có lẽ ai cũng sẽ có tâm trạng giống như tôi.
Nói xong câu ngốc nghếch đó, tôi chợt nghĩ tới ông nội, liền thêm một câu nữa:
- Nhưng.. nhưng cháu còn phải tìm ông nội.
La Hoán Văn gần như không nghe thấy câu nói sau cùng, ông tiến tới nắm chặt lấy tay tôi, cảm kích nói:
- Cháu gái, cảm ơn cháu, lịch sử nhất định sẽ không quên cháu đâu.
Chị Giai Tuệ tiến tới đặt nhẹ tay lên eo tôi vỗ về, chị nói:
- Lan Lan, em yên tâm, mọi người nhất định sẽ giúp em tìm ông nội.
Mọi người vẫn tiếp tục phấn khích một lúc lâu rồi mới chịu ngồi xuống bàn, cùng nhau bàn bạc tìm bước đi tiếp theo. Mặc dù các phân tích đều đã rất hùng hồn và rõ ràng, thế nhưng bây giờ đến nguồn gốc của chiếc khay sứ cũng không tìm thấy thì biết bước tiếp như thế nào đây?
Lão Ngũ bỗng nhiên lên tiếng, thời gian còn lang bạt giang hồ lão đã cầm trên tay không ít đồ gốm sứ quý hiếm, và có quen biết với một người thợ sứ ở trấn Cảnh Đức, Giang Tây. Người này tên là Hứa Liên Tăng, nổi tiếng với những sản phảm sứ sắc sảo và có hồn, hơn nữa ông ta lại rất am hiểu gốm sứ, nếu như tìm được người này thì rất có thể sẽ có thêm nhiều phát hiện mới về chiếc khay sứ. Chỉ có điều không biết người này còn sống hay đã chết.
Trưởng phòng Tư liền nói, vấn đề này rất đơn giản, chỉ cần dùng hệ thống điều tra của cảnh sát là có thể biết ngay. Chị Giai Tuệ lập tức mở laptop đăng nhập vào mạng công an nội bộ, rồi dựa vào độ tuổi của Hứa Liên Tăng mà Lão Ngũ cung cấp, chỉ trong nháy mắt, thông tin về những người đàn ông tên là Hứa Liên Tăng hiện ra trên màn hình. Vừa mở tư liệu về người thứ nhất ra xem, Lão Ngũ đã lập tức vỗ đùi tuyên bố:
- Khỏi tìm nữa, hóa ra tên trùng thối này vẫn chưa chết.
Tôi chạy tới nhìn vào màn hình, đó là một người đàn ông khoảng bảy mươi tuổi, mái tóc bạc phơ, khuôn mặt hồng hào, lông mày rậm rì rất đạo mạo. Bức ảnh chụp lúc người này đang mỉm cười, ánh mắt như ngầm nói với chúng tôi rằng:
- Đến đi, đến đi, đến tìm ta là đúng người rồi…
Bàn bạc thêm một lúc nữa thì trời đã sắp sáng, do mọi người đang rất hào hứng nên không ai thấy mệt mỏi mà chỉ thấy đói bụng. Phía dưới chưa có hàng quán nào mở, nên chúng tôi phải lái xe tới quán KFC gần đó để ăn sáng.
Lúc đó, trong cửa hàng KFC chưa có bóng một vị khách nào, nhân viên phục vụ nhìn thấy chúng tôi một đoàn cả già lẫn trẻ cùng bước vào, cười nói tươi tỉnh, nên rất ngạc nhiên. Đặc biệt là La Hoán Văn, ông vừa đi vừa cười ầm, nên tôi đoán đám nhân viên chắc đang nghĩ chúng tôi bị thần kinh.
Sau khi ăn sáng xong, mọi người tạm biệt nhau để Tôn Ngọc Dương đưa tôi và Lão Ngũ về ngôi biệt thự. Tôi nằm trên giường, thao thức mãi không ngủ được, trong đầu chỉ chăm chăm nghĩ về bí mật kia. Tôi cũng không ngừng nghĩ về ông nội, không biết giờ này ông đang ở đâu, có phải ông cũng đã thoát được ra ngoài, nhưng tại sao lại không liên lạc với tôi? Tôi cứ mơ mơ màng màng và chìm vào giấc mơ lúc nào không hay.
Đêm hôm đó, chị Giai Tuệ lại tới đưa chúng tôi đến Cục Cảnh sát. Trưởng phòng Tư nói với chúng tôi rằng, để tránh rò rỉ thông tin ra ngoài, từ giờ trở đi công việc tìm kiếm sẽ do chị Giai Tuệ, Lão Ngũ và tôi thực hiện, Cục Cảnh sát sẽ cố gắng tạo điều kiện thuận lợi cho chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ. Do từ Thẩm Dương tới trần Cảnh Đức không có chuyến bay thẳng nên chúng tôi phải chuyển chặng ở Nam Xương. Quy định của hàng không quốc gia không cho phép mang theo súng lên máy bay nên chị Giai Tuệ đã phải liên lạc trước với công an tỉnh Giang Tây, để khi tới Nam Xương, chúng tôi sẽ nhận được sự trợ giúp kịp thời.
Sau ba ngày làm công tác chuẩn bị, sáng sớm ngày thứ tư, Trưởng phòng Tư, La Hoán Văn, Trần Đường và Tôn Ngọc Dương và một vài người khác đưa chúng tôi ra tận sân bay Đào Tiên ở Thẩm Dương, dặn dò kĩ lưỡng trước khi đưa chúng tôi vào phòng kiểm tra an ninh.
Đó là lần đầu tiên tôi được đi máy bay, nhìn những đám mây trắng muốt đang trôi lững lờ sát ngoài cửa sổ, tôi hồi hộp vô cùng, chỉ sợ bị rơi xuống đất lúc nào không biết. Lúc đầu, tôi không dám rời khỏi chỗ ngồi, nhưng chỉ một lúc sau, khi đã quen với mọi thứ tôi mới dám ngó nghiêng và khám phá mọi thứ xung quanh.
Lão Ngũ cũng tò mò không kém, lão nhìn không chớp mắt những cô tiếp viên hàng không, rồi lẩm bẩm một mình:
- Lão già này phải tu mấy kiếp mới được bay lên trời cùng các cô gái trẻ trung, xinh đẹp thế này. Hay đấy, hay đấy! - Rồi lão quay sang nhìn chị Giai Tuệ, gật gù rồi nói, - Giai Tuệ xinh đẹp như vậy, nếu làm nữ tiếp viên cũng được đấy!
Tôi tò mò chen ngang:
- Lão Ngũ, thế còn cháu?
Lão Ngũ liền lắc lắc đầu và nói:
- Mi thì thôi. Người thì lùn, mặt thì tròn phèn phẹt, trông chán chết!
Thấy tôi có vẻ không vui, chị Giai Tuệ liền vỗ vai tôi, an ủi:
- Lan Lan lớn thêm mấy tuổi nữa, chắc chắn cũng sẽ rất xinh đẹp đấy.
Nghe vậy, tôi cũng thấy vui lên phần nào.
Không đến ba tiếng sau, chúng tôi đã tới sân bay Xương Bắc của thành phố Nam Xương, sau đó bắt taxi tới Cục Cảnh sát tỉnh Giang Tây tại số 133 đường Dương Minh. Đúng như lời chị Giai Tuệ nói, cảnh sát dù ở đâu thì cũng là một, họ rất nhiệt tình, không những đưa cho chị Giai Tuệ khẩu súng ngắn và một chiếc xe Jeep, mà còn thu xếp cho chúng tôi nghỉ tại nhà khách của công an tỉnh.
Cả đêm hôm đó không ai nói với ai câu nào, cho tới ngày hôm sau, trời vừa sáng chúng tôi đã dậy trả phòng, và lái xe tới trấn Cảnh Đức.
Đây là một thành phố không lớn lắm, lần theo địa chỉ của Hứa Liên Tăng, chúng tôi nhanh chóng tới trước cổng một tứ hợp viện[1] với vẻ bề ngoài rất riêng. Vừa xuống xe, Lão Ngũ nhanh như chớp, lao thẳng tới trước cổng, gọi toáng lên:
- Trùng thối! Mau ra đây ngay!
[1] Một dạng nhà cổ của người Trung Quốc.
Chỉ một lúc sau, từ trong nhà bước ra một ông cụ tóc bạc phơ, thân hình cao to, đó đích thị là “Trùng thối” Hứa Liên Tăng mà Lão Ngũ vẫn gọi, người này vừa bước vừa lẩm bẩm:
- Đứa nào đấy? - Ngẩng đầu lên thấy Lão Ngũ, thoạt đầu ông ngớ người trong giây lát, sau đó mới nhanh chân bước tới mở cổng, miệng liến thoắng. - Mẹ mày chứ, vẫn chưa chết à? - Rồi bắn thêm một tràng dài tiếng Giang Tây khiến chúng tôi ù hết cả tai.
Lão Ngũ rảo bước tới trước, đấm nhẹ lên vai Hứa Liên Tăng một cái rồi nói:
- Mẹ cái thằng này, rủa thế chứ rủa nữa ta đây cũng không chết được đâu.
Nói rồi, hai người ôm chầm lấy nhau cười lớn, khiến bầu không khí trở nên vô cùng rôm rả.
Lúc sau, Hứa Liên Tăng quay sang giải bày với chúng tôi, thấy bên ngoài có người gọi “trùng thối”, ta biết ngay là người quen, nhưng không ngờ rằng lại là tên Hắc còi này, rồi ông hỏi Lão Ngũ tại sao lâu lắm không nghe thấy động tĩnh gì, có phải bị người ta tóm, giữ tay còng chân rồi không?
Lão Ngũ cười phá lên, cũng không giải thích gì thêm, chỉ nói rằng chuyện dài không thể một sớm một chiều kể hết được.
Vừa bước vào trong nhà, tôi đã thấy nóng bức ngột ngạt vô cùng, giống như trong một cái lò hơi, không biết vì sao lại như vậy nhưng vì phép lịch sự, tôi đành nín nhịn sự thắc mắc vào lòng. Lão Ngũ sau khi giới thiệu mọi người với nhau, thì đi thẳng vào vấn đề, thật thà nói rõ mục đích chuyến viếng thăm lần này. Nghe nói đến đồ sứ quý hiếm, Hứa Liên Tăng lập tức hào hứng hẳn lên, bắt chúng tôi phải lấy ngay chiếc khay đó ra.
Chị Giai Tuệ đặt balô xuống, cẩn thận lôi chiếc khay ra, bỏ lớp vải bọc bên ngoài rồi mới nhẹ nhàng đặt nó lên mặt bàn.
Hứa Liên Tăng vừa nhìn thấy chiếc khay đã thất vọng nói:
- Đây không phải là đồ sứ Thanh Hoa thời Khang Hy, nhưng khoan đã, hình như có điều gì đó rất kì lạ ở đây!
Sau khi cầm chiếc đĩa trong tay, sắc mặt ông lập tức thay đổi, đăm chiêu suy nghĩ rồi lại say sưa cúi xuống ngắm nhìn và mân mê bức tranh sơn thủy trong lòng đĩa. Khi nhìn thấy dòng chữ “Mặc Văn đường tạo” dưới đế, hai tay ông run run, mắt mở to, tròn xoe, gần như dán chặt vào chiếc khay, khó nhọc nuốt nước bọt, rồi mới ngẩng đầu lên, giọng nói đầy vẻ kích động:
- Tuyệt vời, hết sức hoàn hảo! Mọi người biết đây là cái gì không? Đây chính là Điệp trong Điệp. Cả đời theo nghề gốm sứ, đây là lần đầu tiên tôi được tận tay cầm một vật quý hiếm như thế này đấy! - Với lời khẳng định chắc nịch của Hứa Liên Tăng, tôi chắc chắn ông biết rất rõ nguồn gốc chiếc khay sứ này.
Quả đúng như thế, sau một hồi xoay ngang xoay dọc chiếc khay sứ để quan sát, Hứa Liên Tăng vui vẻ giải thích cho chúng tôi:
- Điệp trong Điệp chính là loại sứ lồng sứ, tức là các lớp sứ được chồng lên nhau một cách khéo léo, tinh xảo. Xuất hiện từ thời nhà Minh, để sản xuất được loại sứ này đòi hỏi một nghệ thuật rất phức tạp, yêu cầu cực kì khắt khe; hơn nữa do kỹ thuật này đã sớm bị mai một, nên những sản phẩm sứ lồng sứ còn lại đều được xem là quốc bảo hiếm có. Bản thân tôi cả đời sống với nghề gốm sứ, có thể được coi là có chút tiếng tăm trong nghề, nhưng cũng chỉ nhìn thấy tận mắt không quá ba báu vật loại này, trong đó, một cái là chiếc lọ vạn niên từ thời nhà Minh, một cái là chiếc độc bình thời Sùng Trinh, cái thứ ba là Tam thể nhân tượng thời Khang Hy.
Chưa để cho Hứa Liên Tăng nói hết, Lão Ngũ đã bực bội chen ngang:
- Mẹ kiếp, chưa già đã lẩn thẩn, toàn lảm nhảm cái gì đâu đâu, mau nói xem rốt cuộc nó là gì.
Hứa Liên Tăng cười ha hả:
- Cái lão khỉ đột này, lúc nào cũng sồn sồn lên, để ta cho các người xem một bảo bối. - Nói rồi, lão quay người, nhấc vài viên gạch đặt bên cạnh bục sưởi dưới kháng lên, thò tay vào trong rồi lấy ra một cái hộp gỗ vuông vức màu vàng đậm, to gần bằng chiếc hộp đựng giầy.
Thì ra lò sưởi vẫn đang đốt lửa, thảo nào trong phòng nóng hừng hực, ông già này giữa mùa hè mà còn đốt lò sưởi, xem ra cũng không bình thường chút nào. Thế nhưng, tôi lại nghĩ đến chiếc hộp gỗ màu đỏ mà ông nội đã trao cho tôi, hồi đó nó cũng được ông giấu bên trong chiếc kháng, xem ra tất cả những người già đều có chung một thói quen là nhét tất cả những đồ quý hiếm ở ngay dưới chỗ mình nằm. Nhắc đến chiếc hộp, tôi mới nhớ ra, với khả năng hiện tại, tôi chắc đã có thể mở được nó, đợi khi trở về tôi nhất định phải mở ra để xem ông nội cất bảo bối gì trong đó mới được.
Hứa Liên Tăng đặt chiếc hộp lên mặt bàn, rồi nhấc nắp ra, quả nhiên đó là một chiếc hộp trơn không chạm khắc hay khảm đính thứ gì, chỉ là hai mảnh gỗ úp lại với nhau. Bên trong hộp phủ một lớp vải nhung đỏ, bên trên đặt một chiếc đĩa sứ, viền ngoài màu vàng, mép đĩa hơi uốn lượn giống như một bông hoa cúc. Phía dưới đế là màu trắng, lòng đĩa vẽ bốn mĩ nhân thời cổ đại rất xinh đẹp, màu sắc sống động, từ ánh mắt đến cơ thể đều toát lên vẻ quyến rũ, giống y hệt người thật, thậm chí cô gái đứng ngoài cùng bên trái có nét mặt gần giống với chị Giai Tuệ.
Hứa Liên Tăng cẩn thận nhấc chiếc đĩa ra, rồi vừa nâng niu nó trên tay vừa kể rằng chiếc đĩa này gọi là Dương Ám Bình Phanh Hoa Khẩu Ngũ Sắc Mĩ Nữ. Cái tên vừa dài vừa khó hiểu, ngoài từ “mĩ nữ” ra, những từ khác tôi không biết nó mang ý nghĩa gì.
Chị Giai Tuệ liền tò mò hỏi lại:
- Tại sao ông lại phải cất chiếc đĩa vào trong lò sưởi ạ?
Hứa Liên Tăng lim dim mắt giải thích: Đồ sứ về bản chất là đất sét do nung qua lửa mà thành, dựa vào nguyên lí tương sinh trong ngũ hành là hỏa sinh thổ, nên tất cả những đồ sứ quý hiếm luôn phải được nuôi dưỡng trong môi trường nhiệt độ cao, như vậy mới có thể kéo dài tuổi thọ và giữ nó toàn vẹn như mới. Thậm chí đến chiếc hộp này cũng phải làm bằng gỗ tùng, vì đồ sứ quý hiếm ngày xưa thường được nung bằng loại gỗ tùng trên núi mới giữ được nhiệt cao. Tôi ngỡ ngàng lắng nghe, xem ra làm đồ sứ cũng thực sự rất cầu kì.
Hứa Liên Tăng cầm chiếc đĩa Dương Ám Bình Phanh Hoa Khẩu Ngũ Sắc Mĩ Nữ trong tay, tiếp tục giải thích:
- Kỹ thuật nung gốm sứ thời nhà Thanh đã đạt tới sự phát triển vượt bậc, do kế thừa kĩ thuật tinh xảo từ thời nhà Minh, kết hợp với sự tiến bộ không ngừng nghỉ, những nghệ nhân lúc bấy giờ đã sáng tạo ra loại sứ ghép và sứ lồng. Chiếc đĩa tôi đang cầm chỉ là một ví dụ của loại sứ ghép. Đầu tiên là trải qua bốn công đoạn nung khác nhau để nung thành hình bốn cô gái, sau đó mới khéo léo vẽ màu sắc lên đó, rồi ghép lên mặt đĩa và cuối cùng nung lại một lần nữa để trở thành một tác phẩm hoàn chỉnh. Trong đó phải sử dụng thành thạo những kĩ thuật vẽ tay như âm dương, sáng tối; kĩ thuật nung gồm có bình, lập, tạp, xuyến… Vì vậy mới gọi là Dương Âm Bình Phanh. Bốn cô gái trong lòng đĩa chính là tứ đại mĩ nhân của Trung Quốc, từ trái qua phải lần lượt là: Điêu Thuyền, Tây Thi, Vương Chiêu Quân và Dương Ngọc Hoàn (Dương Quý Phi).
Tôi nghĩ thầm trong bụng, thì ra trông chị Giai Tuệ rất giống Điêu Thuyền, đúng là một mĩ nhân.
Hứa Liên Tăng say sưa kể, vật chúng tôi mang đến không gọi là khay, mà gọi là đĩa, tất cả những khay tròn hạng cao cấp đều thống nhất gọi là đĩa; hơn nữa đây còn là điển hình của loại sứ lồng. Loại này lại có quy trình ngược lại với loại sứ ghép, đầu tiên là nung hoàn thiện phần đáy, sau đó mới tạo hình sơn thủy bên trên, rồi tiếp tục nung phủ thêm một lớp vỏ bên ngoài. Do lớp sứ phủ bên ngoài cực kì mỏng và trong suốt, nên ta có thể nhìn thấy rõ bức tranh sơn thủy phía dưới, nên mới gọi là Dương Minh Gian Sáo Thanh Hoa Sơn Thủy Hoa Khẩu Điệp.
Nhắc đến kỹ thuật lồng sứ, Hứa Liên Tăng còn nói thêm, sau khi đồ sứ đã thành hình, thì phần kỹ thuật phủ lớp vỏ ngoài vô cùng khó, nhưng một khi đã phủ thành công thì các lớp men sẽ dính kết lại với nhau vĩnh viễn, cho nên vào thời nhà Minh, trong phương ngữ của Bắc Kinh có câu nói “chưa quen thì dần dần sẽ trở nên khăng khít như sứ lồng” và nguồn gốc chính là từ đây ra.
Tôi thật sự ngỡ ngàng, lẽ nào những kỹ thuật nung gốm sứ tinh xảo và thần kỳ như thế từ thời cổ đại đã có rồi sao? Vậy tại sao từ trước đến nay tôi chưa từng được nghe đến?
Thấy chúng tôi ngơ ngác và liên tục đặt câu hỏi, Hứa Liên Tăng ngửa cổ cười sảng khoái, rồi nói:
- Đây đều là những bí mật trong nghề, người ngoài làm sao có thể biết được. - Ông khẽ quay người sang, đầu ngón tay miết lên dòng chữ “Mặc Văn đường tạo”, đầu liên tục gật gù, rồi xúc động thốt lên. - Cuối cùng cũng có người mang nó đến cho ta thưởng thức, quả là một Mặc Văn đích thực!
Hứa Liên Tăng nói như vậy chứng tỏ ông rất am hiểu ý nghĩ của bốn chữ “Mặc Văn đường tạo”. Điều đó khiến chúng tôi càng thấy tò mò hơn, chị Giai Tuệ cũng sốt ruột liên tục đặt câu hỏi.
Hứa Liên Tăng cũng không giấu giếm gì, ông từ tốn kể lại cho chúng tôi nghe một câu chuyện đậm màu sắc liêu trai. Thật không ngờ, bốn chữ “Mặc Văn đường tạo” lại cất giữ trong nó một loại hình nghệ thuật thần bí cổ xưa đến như thế. Và cũng không ngờ rằng, nhờ bốn chữ này mà tôi được gặp một cô gái trẻ rất xuất chúng, chúng tôi đã cùng nhau tìm ra những bí mật kinh thiên động địa về sau này.
Hứa Liên Tăng chậm rãi lần đầu ngón tay khắp mặt đĩa, nháy mắt rồi tiết lộ với chúng tôi một bí mật kì lạ:
- Mọi người không biết đấy thôi, lớp bên trong chính là hình xăm đấy!
Hình xăm?! Tôi ngỡ ngàng, tưởng mình nghe nhầm, vội quay sang bên phía chị Giai Tuệ và Lão Ngũ, khuôn mặt hai người cũng đang hết sức bất ngờ.
Hứa Liên Tăng như sợ mọi người chưa hiểu, liền dùng động tác vẽ tay lên người, cố gắng nói với giọng điệu nghiêm túc hơn:
- Hình xăm, là hình xăm, mọi người có biết không?
Thấy thần sắc và dáng vẻ của ông, tôi lờ mờ hiểu ra, bên trong chiếc đĩa nhỏ xíu kia, chắc chắn có đặt một mảnh da người, nếu không thì sao lại gọi là hình xăm. Tưởng tượng ra cảnh da thịt người được cấy vào chiếc đĩa, tôi thấy rùng cả mình, vậy ai đã đặt mảnh da người đó vào đây?
Lão Ngũ lắc đầu ra chiều không tin rồi chửi thề một câu:
- Trùng thối, mi lẩn thẩn rồi hả? Nói năng phải nghĩ chứ? Mẹ kiếp!
Chị Giai Tuệ cũng chau mày hỏi lại:
- Lão tiền bối, cháu vẫn chưa hiểu lắm, tại sao trong đĩa sứ lại có cả da người?
Hứa Liên Tăng cười khoái chí, ông xua tay, nói:
- Đừng nóng, đừng nóng, nó chính là kỹ thuật khắc hình thật đấy! - Rồi ông kể, cũng giống như những người phái Đạo môn hay như những cao nhân mở khóa phái Kiện môn, những người chuyên xăm hình trong giới giang hồ cũng có một phái riêng gọi là Mặc môn, hay còn gọi là Văn môn. Trong đó, kỹ thuật cao nhất trong Mặc môn là trổ hình, nghệ thuật này không chỉ xăm hình trên cơ thể con người, mà còn có thể xăm lên cả bề mặt của đồ vật. Trước đây người ta gọi là trổ hình, nhưng sau này người ta lại đổi thành khắc hình. Qua những phán đoán của ông, bức tranh phong cảnh sơn thủy trong lòng đĩa đã áp dụng nghệ thuật tinh xảo nhất của Mặc môn chính là thuật khắc hình. Đặc biệt là với bốn chữ ở mặt sau “Mặc Văn đường tạo”, thì chắc chắn điều 4bc5 này không thể nhầm được.
Tôi nghe mà thấy hỗn độn khó hiểu. Xăm trổ thì tôi có thấy, nhưng thật không dám tin trên đời này lại có một loại nghệ thuật xăm hình trên đồ gốm sứ.
Lão Ngũ xoắn xít mấy sợi râu dưới cằm, rồi hoài nghi nói:
- Mẹ kiếp, Mặc Văn! Ta đây cả đời tung hoành trong giới giang hồ tại sao cũng chưa lần nào nghe thấy? Chuyện này mà không đúng, thì ta sẽ tính sổ với mi đấy!
Hứa Liên Tăng không thèm đáp lại lời đe dọa trẻ con của Lão Ngũ mà vẫn từ tốn kể tiếp, Mặc môn cũng chia làm hai phái lớn ở hai miền Bắc Nam là Nam Từ và Bắc Đường. Do đặc thù và kỹ thuật khác nhau, vì đa phần người của giới Mặc môn đều là họa sĩ hoặc thư pháp gia có tiếng tăm, lại thêm việc bị các phe phái khác đe dọa vì thời bấy giờ việc xăm trổ vẫn bị coi là kiêng kị, nên rất ít người trong giới giang hồ biết đến. Cuối thời nhà Thanh, nghe nói có một nghệ nhân tay nghề lão luyện tên là Đường Vũ Lâm, xăm hình gì cũng sống động như thật. Lúc bấy giờ, tri huyện Cảnh Đức trấn muốn tặng nhà vua một món quà, nên đã đích thân nhờ Đường Vũ Lâm làm một chiếc ly khắc hình đôi rồng uốn lượn. Hình ảnh hai con rồng màu xanh đậm dưới đáy chiếc ly sứ trắng, nếu đặt dưới ánh trăng rằm, thì quả thật chẳng khác nào một đôi rồng thật đang vờn nhau. Chính vì thế nó được coi là tuyệt tác của mọi tuyệt tác và luôn được cất giữ cẩn thận ở vườn Nguyên Minh. Sau này liên quân Anh Pháp đã đổ bộ vào Bắc Kinh và đốt hết khu vườn này, chiếc ly quý cũng bị chúng lấy mất đem về Hồ Lô cung tại Pháp.
Nghe tới đây, chị Giai Tuệ bỗng cười khúc khích:
- Là Lô Phù cung[2] chứ ạ.
[2] Phiên âm tên cung điện Louvre của Pháp.
Hứa Liên Tăng gật gật đầu, vừa xoa cằm vừa tiếp tục nói:
- Gì thì cũng bị bọn Pháp cướp mất rồi, giờ không thấy tin tức gì về nó nữa. Thật đáng tiếc!
Mặc dù tôi không hiểu “Hồ Lô cung” và “Lô Phù cung” khác nhau ở điểm gì, nhưng bây giờ tôi đã biết bức tranh sơn thủy này là được xăm trong đáy đĩa chứ không phải vẽ tay như bình thường. Nhìn kĩ lại hơn thì cũng thật thần kì, bề mặt đĩa trơn nhẵn như vậy mà không hề có một vết xước, chẳng lẽ những hình xăm đó lại được khắc từ bên trong? Lại còn thêm chuyện Mặc môn cũng được phân thành hai dòng Nam Bắc, xem ra lịch sử môn phái này cũng không khác gì Kiện môn chúng tôi.
Hứa Liên Tăng nói tiếp, dù là sứ lồng, nhưng hai lớp trong và lớp ngoài đều được nung lần lượt từng phần riêng biệt, bức tranh phong cảnh này có lẽ là được khắc ở lớp trong, nếu như tách được lớp ngoài ra, chắc chắn sẽ biết được rất nhiều bí mật khác. Chị Giai Tuệ liền gặng hỏi xem có cách nào để tách chúng ra không?
Ông già họ Hứa suy nghĩ một lúc rồi rút từ ngực áo ra một vật mỏng dẹt màu trắng, rất giống một mũi dao, trịnh trọng nói:
- Đây là chiếc dao sứ được làm từ bạc trắng và đất sét, dùng gỗ bồ đề để nung đi nung lại vài lần mới được, đây là vật dụng bắt buộc phải có của thợ sứ. Phàm những vật cao cấp và quý hiếm như chiếc đĩa sứ này nhất định phải dùng vật dụng có thuộc tính tương đồng thì mới có thể phán đoán và tìm hiểu ngọn nguồn bên trong, thế nên người trong nghề mới có câu “dùng gốm sửa gốm, dùng sứ thử sứ”. Chiếc dao sứ này là do tổ tiên ta để lại, cũng thuộc loại bảo bối vô giá nên có lẽ bì được với chiếc đĩa này.
Tôi tò mò đưa tay sờ thử lưỡi dao sứ, cảm thấy vô cùng mát lạnh, trơn mịn; lưỡi dao mỏng tang, nhưng lại không dễ làm đứt tay.
Hứa Liên Tăng nhấc chiếc đĩa lên, dùng chiếc dao sứ cào thật nhẹ nhàng. Những tiếng lạo xạo liên tục phát ra từ lòng đĩa, đế đĩa, cho đến cả viền đĩa cánh hoa. Bỗng nhiên, ông dừng tay rồi khẽ cười, ngón tay út chỉ vào mép giữa hai viền cánh hoa:
- Đây rồi, đây rồi, mắt khí đây rồi!
Thì ra, mặc dù kỹ thuật sứ lồng tinh tế và sắc sảo như thế đi nữa nhưng khi hai lớp sứ ép lại với nhau, rất khó tránh khỏi những bọt khí li ti; cho nên đồ sứ loại này bắt buộc phải có mắt khí, rồi dùng sức lửa dồn hết bọt khí ra ngoài thì hai lớp sứ mới hoàn toàn dính chặt vào nhau tạo thành một sản phẩm hoàn mĩ.
Hứa Liên Tăng dựng đứng chiếc đĩa lên, dùng mũi dao xuyên thẳng vào vị trí mắt khí, một lớp bột sứ mịn không ngừng rơi ra. Sau chừng ba đến năm phút, liền có một tiếng “cách” khe khẽ, mũi dao đã khoét được một lỗ nhỏ bằng hạt vừng đúng tại vị trí mắt khí. Ông già bỗng cười vang, rồi đưa chiếc đĩa sứ cho chúng tôi:
- Việc của ta đến đây là xong, tiếp theo như thế nào là tùy vào mọi người đấy.
Lão Ngũ đưa tay nhận lại chiếc đĩa, nheo mắt nhìn vào bên trong mắt khí một lát, sau đó thì cáu kỉnh chuyển cho tôi:
- Mẹ kiếp, tối thui thế này thì nhìn thấy gì. Lan Lan, mi thử nhìn xem!
Quả thật mắt khí quá nhỏ, hơn nữa lại không trong suốt nên ánh sáng không vào được, ngó nghiêng mãi cũng vẫn là một khoảng tối đen như mực. Tôi dừng lại suy nghĩ một lúc rồi bước tới bên cửa sổ, đeo chiếc kính lúp chuyên dụng vào một bên mắt, sau đó đặt một mảnh bạc trắng ở góc độ hợp lí nhất để lấy ánh sáng phản chiếu vào bên trong mắt khí.
Vừa ghé mắt nhìn vào mắt khí, tôi đã giật mình kêu lên đầy kinh ngạc, hóa ra trong đó không khác gì một chiếc khóa đĩa siêu nhỏ cả.
Ánh sáng khuếch tán với cường độ mạnh đã khiến lòng đĩa sáng bừng lên, giúp tôi nhìn thấy rõ nét từng vòng móc, bánh răng hay ốc vít… nhưng chúng không phải làm bằng kim loại thường thấy, mà hoàn toàn là sứ, ăn khớp với nhau, và được sắp xếp vô cùng tinh vi, giống hệt một mê cung huyền bí. Thật sự không thể ngờ được rằng người ta lại có thể tạo ra được một tầng khóa phức tạp đến thế trong mắt khí của một chiếc đĩa sứ, loại hình sáng tạo này thực sự tôi chưa từng biết đến.
Chị Giai Tuệ trong lúc chờ đợi tôi, liên tục đi qua đi lại phấn khích một cách khác thường, Lão Ngũ còn tỏ ra rối trí hơn, lão cứ vân vê cằm và lẩm bẩm một mình:
- Mở ra, mở ra, mau mở ra… bên trong đó nhất định có bảo bối. Hay, hay đấy!
Tôi cầm chiếc đĩa, loay hoay một lúc mà vẫn chưa tìm ra điểm mấu chốt của chiếc khóa. Ông nội tôi từng dạy rằng, nếu như toàn bộ ổ khóa cùng dùng một chất liệu đồng nhất thì người ta gọi đó là khóa nhất khí. Chiếc đĩa sứ này được nung từ đất nên phải áp dụng nguyên lí ngũ hành tương khắc thì mới mở được. Lúc ở dưới địa cung, tôi đã từng dùng trâm Quý Phi để mở chiếc khóa Bá Vương có cấu tạo tương tự như vậy, nhưng cái khóa này lại nằm gọn trong mắt khí chỉ to bằng hạt vừng còn trâm Quý Phi lại quá to so với nó, tôi biết làm thế nào đây?
Thấy tôi nói vậy, Lão Ngũ bèn đập mạnh vào tay ông bạn già Hứa Liên Tăng, ra lệnh:
- Trùng thối, dùng dao tách hẳn chúng ra cho ta.
Tôi lập tức lắc đầu phản đối, bởi cái khóa siêu bé đó có cấu tạo từ bốn mươi lăm sợi dây sứ mảnh chăng qua những vòng móc, cứ chín sợi lại xâu thành một cụm, tổng cộng cái khóa có năm cụm tất cả, với ý nghĩa “Cửu cung tung hoành, ngũ lôi thiên phạt”. Nếu như cố dùng ngoại lực tác động để phá khóa thì những sợi dây kia sẽ lập tức co rút lại và tự động phá vỡ kết cấu bên trong lõi đĩa.
Đang trong lúc hoang mang, tôi chợt thấy chiếc dao sứ của Hứa Liên Tăng đang đặt trên mặt bàn, một ý nghĩ vụt qua đầu, theo như lời ông già ấy vừa nói, dùng sứ thử sứ, nếu như áp dụng nguyên tắc này thì…
Cát bay! Tôi lập tức nghĩ tới thứ bảo bối nhỏ bé ấy. Cát bay và đất sét cùng thuộc hành Thổ, hơn nữa nó lại rất nhỏ, nên có thể chui qua lỗ khí kia và tự do chuyển động ở bên trong, nếu như kết hợp thêm sợi dây da lừa thì việc mở khóa không phải là không thể làm được.
Tôi kể tóm tắt ý tưởng của mình cho mọi người nghe, rồi lập tức lấy hạt cát bay đang nằm gọn trong lỗ sẹo ở lòng bàn tay ra, nhẹ nhàng nhét nó vào lỗ khí. Tiếp theo đó, tôi lấy ra một sợi dây da lừa ngắn và mảnh, một đầu nhét vào lỗ sẹo, đầu còn lại gắn chặt vào hạt cát bay. Tôi khẽ khàng xòe bàn tay ra, từ từ ấn sợi dây để đẩy hạt cát vào sâu bên trong.
Từ cảm nhận truyền qua khớp xương, tôi phát hiện ra bên trong là một lõi khóa hình tròn, với bốn mươi lăm sợi dây cuốn quanh tạo thành một mạng lưới, nên phải hết sức thận trọng khi thao tác. Tôi lắc nhẹ sợi dây da lừa, khiến hạt cát chuyển động cọ xát lên sợi dây sứ.
Hạt cát không ngừng chuyển động sang phải sang trái rồi tăng tốc vun vút, không rõ nó đã di chuyển được mấy nghìn vòng, chỉ nghe có tiếng lách cách không ngừng phát ra. Bỗng nhiên, tôi cảm thấy đầu ngón tay khẽ rung nhẹ, từ trong lòng đĩa cũng vọng ra một âm thanh khá lớn, có thể là do các bộ phận bên trong đã bắt đầu thay đổi.
Thực tình trong lòng cũng có chút hoang mang nên tôi không dám cầm chiếc đĩa trên tay nữa, mà đặt nó ngay ngắn xuống mặt bàn. Những âm thanh kì lạ vẫn không ngừng phát ra, chiếc đĩa sứ lúc này giống như một vật sống, mặc dù chuyển động không rõ lắm, nhưng vẫn gõ xuống mặt bàn côm cốp.
- Mẹ kiếp, không phải là nó sắp nổ đấy chứ? - Lão Ngũ lẩm bẩm một mình rồi lập tức kéo tôi và chị Giai Tuệ lùi ra sau vài bước. Chúng tôi ai nấy đều rất căng thẳng, mở to mắt nhìn chằm chằm vào chiếc đĩa sứ.
Khoảng vài chục giây sau, chiếc đĩa bỗng dưng dừng lại, rồi ngay sau đó trên bề mặt đĩa lập tức xuất hiện những đường ngang dọc chằng chịt như được phủ bằng lớp mạng nhện. Những đường vân nhanh chóng tách ra, trông chúng hơi giống thủy tinh bị vỡ vụn.
Lão Ngũ bước tới gần, phủi sạch những mảnh vụn, rồi nhấc lên một mảnh sứ tròn ở giữa lòng đĩa lên, bức tranh sơn thủy đúng là được khắc ở lớp bên trong. Lão đưa lên nhìn kĩ hơn, lật qua lật lại một hồi rồi nói:
- Mẹ kiếp, chẳng có gì ở đây cả. Hay đấy, hay đấy!
Mấy người chúng tôi loay hoay một hồi lâu mà vẫn không tìm ra ý nghĩa của nó, đến cả người sành đồ sứ như Hứa Liên Tăng cũng phải lắc đầu chào thua. Vậy bên trong này chứa đựng bí mật gì? Có lẽ phải tìm đến người của Mặc môn mới biết được điều này.
Chị Giai Tuệ quan sát một lúc lâu rồi lên tiếng phán đoán:
- Đế đĩa sứ có khắc chữ “Tạo”, rõ ràng là cố tình phạm húy hoàng đế Nỗ Nhĩ Cáp Xích, nhưng phần lòng đĩa lại khắc tranh sơn thủy, trong động dưới lòng địa cung lại có kênh Thiết Trân, hơn nữa vua Thuận Trị lại bị một sợi dây da lừa xiết cổ, hay là…
Lão Ngũ vỗ mạnh vào đùi, cất giọng sang sảng tiếp lời:
- Không cần nói nữa, ta hiểu rồi! Người phái Đạo môn đào kênh Thiết Trân, người phái Kiện môn xiết cổ nhà vua, Văn thân thì đánh tráo bảo bối trong hộp khóa tuyệt môn lục bát thuật. Xem ra chúng đã tụ thành một bang hòng tạo phản… - Dừng lại một lúc, lão đột ngột đứng phắt dậy, quay về phía chị Giai Tuệ rồi chắp hai tay trước ngực, vừa nói vừa cười khoái chí, - Giai Tuệ à, tam môn phái Đạo môn, Kiện môn và Mặc môn chúng ta đã hợp sức đánh bại tổ tiên của mi, lại còn lấy cắp quốc bảo nữa chứ. Lão già này thay mặt tổ tiên tạ lễ với mi. Ha ha ha… Hay đấy, hay đấy!
Lão Ngũ rõ ràng là đang đùa chị Giai Tuệ nên chị cũng chỉ vui vẻ cười theo, nhưng mắt vẫn nhìn xoáy vào chiếc đĩa sứ, đôi mày hơi chau lại như đang suy nghĩ mông lung điều gì đó.
Chuyến đi đến trấn Cảnh Đức tuy chưa tìm ra bí mật của chiếc đĩa sứ, nhưng dù sao chúng tôi cũng đã nắm trong tay những thông tin cần thiết để tiếp tục lần theo dấu vết. Chúng tôi nghỉ lại nhà “Trùng thối” Hứa Liên Tăng đêm hôm đó, đến sáng sớm hôm sau, lập tức trở về Nam Xương. Chị Giai Tuệ hoàn lại súng và xe cho Sở cảnh sát rồi không muốn mất thêm thời gian, ngay chiều hôm đó chúng tôi đã đáp chuyến bay sớm nhất trở về Thẩm Dương.
Trưởng phòng Tư và mọi người đã đợi sẵn chúng tôi tại phòng, ông hỏi han chúng tôi vài câu rồi kéo chị Giai Tuệ tới nói thầm to nhỏ gì đó. Tôi quan sát thấy chị không ngừng gật gật đầu, sắc mặt hết sức nghiêm trọng. Trong bụng có chút tò mò, nhưng tôi không tiện hỏi giữa lúc đông người. Sau đó Tôn Ngọc Dương đưa tôi và Lão Ngũ trở về căn biệt thự kia, Trưởng phòng Tư và chị Giai Tuệ gấp gáp ra đi.
Chiều hôm sau, chị Giai Tuệ tới tìm chúng tôi, nói rằng theo quyết định của cấp trên, tôi sẽ tới học tại Học viện Cảnh sát Yên Sơn.
Tôi không khỏi ngỡ ngàng, không phải tôi là trường hợp được đặc cách hay sao, vì sao vẫn phải đi học? Tôi ngập ngừng hỏi lại chị:
- Em không học đâu, có phải mọi người không cần em nữa, đúng không?
Lão Ngũ cũng chêm vào:
- Mẹ kiếp, đây có phải là cuộc thi tìm kiến tài năng đâu, việc gì phải phức tạp hóa thế?
Chị Giai Tuệ mỉm cười trấn an tôi và nói rằng, hiện nay theo quy định hiện hành của luật công nhân viên chức thì bắt buộc phải thi tuyển, dù tôi có là trường hợp được đặc cách chăng nữa thì cũng phải tới Học viện Cảnh sát để tham gia huấn luyện, học hỏi những kiến thức và nghiệp vụ mới, như vậy sau này mới trở thành một cảnh sát giỏi được. Hơn nữa, hôm qua Trưởng phòng Tư cũng nói với chị rằng, tại Thiết Lĩnh đang có một vụ trọng án, nên cấp trên cử chị lập tức tới đó tiến hành điều tra. Còn chuyện về Cố Cung, tạm thời dừng lại một thời gian, vì trước mắt cũng phải tìm người của phái Mặc môn thì mới rõ được bí mật giấu trong lòng đĩa sứ.
Tôi không biết nhiều về Thiết Lĩnh, chỉ biết rằng đó là quê hương của Triệu Bổn Sơn[3], và là một thành phố tương đối lớn thuộc tỉnh Liêu Ninh. Khi đó, tôi cũng không hiểu ở đó đã xảy ra vụ án gì, mãi về sau tôi mới biết, ở Thiết Lĩnh đã xảy ra một vụ bê bối rất lớn, rất nhiều người dính líu đến đường dây vụ án, thế nhưng giờ những chuyện đó đã đi vào dĩ vãng.
[3] Tên một đạo diễn kiêm diễn viên hài nổi tiếng của Trung Quốc.
Mời các bạn đón đọc chương tiếp theo!