Chương 31 Anh tôn trọng sức mạnh của đức tin, tính hướng thiện của các giáo hội, sức mạnh mà tôn giáo mang lại cho con người… Chiếc máy bay X-33 gầm rú rồi cất cánh, nhằm thẳng về phía thành Rome. Trong máy bay, Langdon ngồi im lặng. 15 phút vừa qua quả là hỗn độn. Giờ đây, sau khi đã giảng giải sơ qua cho Vittoria về hội Illuminati và mục tiêu chống giáo hội của họ, anh bắt đầu nhận thức rõ mức độ trầm trọng của tình hình.
Mình đang làm cái quái quỷ gì thế nhỉ? Langdon băn khoăn. Đáng lẽ lúc này thấy có cơ hội thì phải quay về nhà ngay mới phải chứ? Tuy nhiên, anh biết chẳng có cơ hội nào cả.
Lí trí của Langdon đang giục giã, thôi thúc anh quay về Boston. Nhưng sự tò mò mang tính học thuật đã lấn át thói quen cẩn trọng trong anh. Tất cả những gì anh vốn tin tưởng về sự tan rã của hội Illuminati bỗng chốc đều sai toét. Một phần, anh muốn đi tìm bằng chứng để khẳng định cho chắc chắn. Và còn cả lương tâm nữa. Kohler thì ốm yếu, Vittoria thì đơn thương độc mã.
Langdon biết rằng kiến thức của anh về hội Illuminati có thể giúp họ phần nào. Và trách nhiệm đạo đức không cho phép anh rời khỏi nơi này.
Còn có một lý do nữa. Dù Langdon thấy xấu hổ vì phải thừa nhận điều này, nhưng khi nghe nói đến vị trí của phản vật chất, mối quan tâm trước nhất của anh không phải là sự bình an của những cư dân thành Vatican, mà là một thứ khác.
Nghệ thuật.
Cái nôi của những kiệt tác nghệ thuật vĩ đại nhất thế giới đang bị đe doạ bởi một quả bom hẹn giờ. Bảo tàng Vatican chứa trên 60.000 hiện vật vô giá trong 1.407 căn phòng - những tác phẩm của Michelangelo, Da Vinci, Bernini, Botticelli. Langdon băn khoăn không hiểu người ta có kịp sơ tán những kiệt tác này không. Anh biết điều đó là không thể. Có nhiều hiện vật điêu khắc nặng hàng tấn. Đấy là chưa kể đến nhũng công trình kiến trúc vô cùng quý giá - nhà nguyện Sistine, đại thánh đường St. Peter, những dãy cầu thang xoáy nổi tiếng của Michelangelo dẫn tới viện bảo tàng Vaticano - những bằng chứng vô giá về tài năng sáng tạo của con người. Langdon tự hỏi không biết còn bao lâu nữa thì cái hộp sẽ nổ tung.
- Cám ơn ông đã đi cùng tôi, - Vittoria khẽ nói.
Tạm ngắt dòng suy nghĩ miên man của mình, anh ngước mắt lên. Vittoria đang ngồi đối diện anh, ở dãy ghế bên kia lối đi.
Mặc dù dưới ánh sáng nhợt nhạt của đèn huỳnh quang trong khoang máy bay, cô gái vẫn toát lên vẻ điềm tĩnh - một vẻ đẹp dịu dàng đầy quyến rũ. Hơi thở của cô lúc này đã trở nên sâu hơn, dường như khả năng chế ngự bản thân đã trở lại trong Vittoria… tình thương cha đã biến thành nỗi khao khát muốn báo thù và giành lại công lý.
Không có thời gian để thay quần áo, Vittoria vẫn mặc nguyên quần soóc và chiếc áo không tay. Đôi chân rám nắng của cô đang nổi da gà vì lạnh. Theo bản năng, Langdon cởi áo khoác và đưa cho Vittoria.
- Hiệp sĩ theo phong cách Mỹ? - Cô đón lấy chiếc áo, đôi mắt ánh lên vẻ biết ơn.
Máy bay xóc nẩy lên khi vượt qua một vùng không bằng phẳng, khiến Langdon thoáng cảm thấy e sợ. Không có cửa sổ, bên trong cabin thật ngột ngạt. Langdon cố gắng tưởng tượng rằng mình đang ở trên một cánh đồng rộng thênh thang. Rồi anh nhận thấy rằng ý nghĩ ấy thật nực cười. Bóng tối đặc quánh.
Langdon cố xua những ký ức ấy ra khỏi tâm trí. Đã lâu lắm rồi.
Vittoria nhìn anh.
- Ông có tin vào Chúa không, ông Langdon?
Câu hỏi khiến anh giật mình. Vẻ chân thật trong giọng nói của cô gái còn tác động mạnh mẽ hơn bản thân câu hỏi. Mình có tin vào Chúa không nhỉ? Anh đã hy vọng rằng câu chuyện để giết thời gian trong chuyến bay này sẽ xoay quanh một chủ đề khác nhẹ nhàng hơn.
Một sự thách đố về tâm linh, Langdon thầm nghĩ. Đó là biệt danh mà bạn bè đặt cho anh. Mặc dù đã rất nhiều năm Langdon nghiên cứu về tôn giáo, nhưng anh không theo bất kỳ tín ngưỡng nào.
Anh tôn trọng sức mạnh của đức tin, tính hướng thiện của các giáo hội, sức mạnh mà tôn giáo mang lại cho con người… Nhưng trong anh, sự hoài nghi về mặt học thuật vẫn còn rất lớn, và niềm tin thực ra lại là một trở ngại đối với những lập luận lôgíc.
- Tôi muốn tin lắm chứ, - anh đáp.
Câu trả lời của Vittoria không hề có hàm ý đánh giá hay thách thức:
- Vậy tại sao ông lại không tin?
Anh khẽ cười:
- Ôi, tin được cũng không phải dễ. Để có đức tin thì người ta phải tin vào rất nhiều thứ, phải tin đủ loại phép màu - ví dụ như sự Thụ thai trinh tiết và sự can thiệp của Chúa trời. Lại còn phải tuân theo vô số thứ chuẩn mực. Kinh thánh, Kinh Koran, Kinh Phật… tất cả đều có những tín điều gần giống nhau - và cả những hình phạt cũng giống nhau. Theo tất cả những loại kinh đó thì tôi sẽ bị đày xuống địa ngục nếu không chịu tuân thủ những tín điều ấy. Tôi không thể tưởng tượng được rằng lại có một vị Chúa nào muốn hành xử kiểu đó.
- Tôi hy vọng là ông sẽ không cho phép sinh viên của mình né tránh câu hỏi một cách tai quái như thế.
Lời nhận xét này khiến Langdon ngỡ ngàng:
- Gì cơ?
- Ông Langdon, tôi không hỏi là ông có tin vào những gì mà con người nói về Chúa hay không. Tôi chỉ hỏi là ông có tin rằng có Chúa hay không thôi, hai câu hỏi này khác nhau đấy. Kinh thánh là những câu chuyện… là những truyền thuyết và những nỗ lực của nhân loại để thoả mãn niềm khát khao hiểu biết về ý nghĩa của cuộc sống. Tôi không yêu cầu ông nhận xét những thứ đó. Tôi chỉ muốn biết ông có tin là có Chúa hay không thôi. Khi nằm dưới bầu trời đầy sao, ống có bao giờ cảm nhận được sự hiện điện của đấng tối linh không? Lúc ấy thâm tâm ông có mách bảo ông rằng bầu trời này là do chính tay Chúa tạo ra hay không?
Langdon đắn đo suy nghĩ một lúc.
- Tôi hơi tọc mạch, - Vittoria xin lỗi.
- Không, tôi chỉ…
- Chắc chắn là ông đã từng thảo luận vấn đề đức tin trong các giờ dạy của mình.
- Rất thường xuyên.
- Và ông đóng vai người phản biện, tôi nghĩ vậy. Luôn luôn khơi gợi để sinh viên tiếp tục tranh luận.
Langdon mỉm cười.
- Hẳn cô cũng là giáo viên.
- Không, nhưng tôi học được từ một người thầy. Cha tôi có đủ lập luận để cho rằng Mobius Strip có hai mặt.
Langdon bật cười, hình dung tác phẩm tài tình của Mobius Strip - một vòng tròn xoắn bằng giấy, về mặt kỹ thuật chỉ có một mặt. Lần đầu tiên Langdon nhìn thấy hình ảnh đơn diện ấy trong tác phẩm của M. C. Escher.
- Tôi có thể hỏi cô một câu không, thưa cô Vetra?
- Hãy gọi tôi là Vittoria. Gọi là cô Vetra nghe già quá.
Anh thở dài, đột nhiên cảm thấy mình già:
- Vittoria, tên tôi là Robert.
- Ông đang định đưa ra một câu hỏi.
- Đúng thế. Là một nhà khoa học, và là con gái của một linh mục Cơ đốc giáo, cô nghĩ gì về tôn giáo?
Vittoria ngừng lại, đưa tay gạt một lọn tóc đang xoà vào mắt:
Tôn giáo cũng như ngôn ngữ và quần áo. Chúng ta bị cuốn hút bởi những nghi thức do chính chúng ta tự đặt ra. Cuối cùng, chúng ta đều tuyên bố một điều, rằng cuộc sống có ý nghĩa, rằng chúng ta phải biết ơn nguồn sức mạnh đã tạo ra chúng ta.
Langdon nghi ngờ.
- Vậy ý của cô là tuỳ thuộc vào nơi sinh mà người ta sẽ trở thành tín đồ Hồi Giáo hay Thiên Chúa giáo?
- Chẳng phải đó là điều hiển nhiên hay sao? Hãy nghĩ đến việc truyền giáo trên thế giới mà xem.
- Vậy đức tin là ngẫu nhiên?
- Không hề. Đức tin có tính toàn cầu. Và mỗi chúng ta có những cách hiểu khác nhau mà thôi. Một số người cầu nguyện chúa Giê-su, một số thì hành hương đến thánh địa Mecca, còn những người khác thì lại nghiên cứu các hạt nhỏ hơn nguyên tử. Cuối cùng, tất cả chúng ta đều tìm đến với chân lý, chân lý đó lớn lao hơn chúng ta rất nhiều.
Langdon thầm ước ao, giá sinh viên của anh cũng có thể diễn đạt gẫy gọn như vậy. Quỷ thật, ước gì chính anh cũng có khả năng diễn đạt rõ ràng như thế.
- Thế còn Chúa? - Anh hỏi. - Cô có tin vào Chúa không?
Vittoria im lặng hồi lâu.
- Khoa học cho tôi biết rằng Chúa chắc chắn tồn tại. Trí tuệ thì mách bảo tôi rằng tôi sẽ không bao giờ hiểu hết được Chúa. Còn trái tim tôi mách bảo rằng không cần phải cố gắng tìm hiểu để làm gì.
Thế có nghĩa là sao? Anh thầm băn khoăn:
- Vậy cô tin rằng quả thật là có Chúa, nhưng chúng ta sẽ không bao giờ hiểu được ông ta?
- Bà ta chứ, - cô gái mỉm cười. - Những người thồ dân Mỹ nói đúng đấy.
Langdon cười tủm tỉm:
- Mẹ Trái Đất.
- Đúng thế đấy. Hành tinh này là một thực thể sống. Tất cả chúng ta là những tế bào với những mục đích khác nhau. Và chúng ta tương tác với nhau, phục vụ lẫn nhau, phục vụ cho một tổng thể.
Nhìn Vittoria, Langdon thấy trong lòng dâng trào một niềm xao xuyến, một cảm giác đã từ lâu lắm rồi không xuất hiện trong trái tim anh. Đôi mắt cô gái ánh lên vẻ tinh anh láu lỉnh… và giọng nói thật thuần khiết khiến anh bị cuốn hút.
- Ông Langdon, tôi có thể hỏi ông một câu khác được không?
- Robert, - anh nói. Gọi là ông Langdon nghe già quá. Má mình già thật rồi!.
- Xin lỗi vì câu hỏi của tôi có vẻ hơi tọc mạch. Robert này, vì sao anh lại nghiên cứu về Illuminati?
Langdon đăm chiêu.
- Thực ra là vì tiền.
Vittoria lộ vẻ thất vọng.
- Tiền ư? Anh muốn nói đến thù lao tư vấn?
Langdon bật cười, cô gái đã hiểu nhầm.
- Không. Tiền là tờ tiền một mặt ấy! - Anh thò tay vào túi quần và lôi ra một ít tiền, tìm tờ 1 đô la. - Tôi bị cuốn hút bởi hội kín này khi biết rằng trên tờ tiền giấy của nước Mỹ có biểu tượng của hội Illuminati.
Mắt Vittoria nheo lại, rõ ràng là đang suy xét xem câu trả lời này có nghiêm túc hay không.
Langdon đưa cho cô tờ tiền.
- Hãy xem mặt sau. Xem dấu triện lớn bên trái.
Vittoria lật tờ bạc 1 đô la.
- Anh muốn nói đến hình Kim tự tháp?
- Kim tự tháp. Cô có biết Kim tự tháp có ý nghĩa gì trong lịch sử nước Mỹ không?
Vittoria nhún vai.
- Chính xác, - Langdon nói - Hoàn toàn chẳng có nghĩa gì.
Vittoria nhíu mày.
- Vậy tại sao nó lại là biểu tượng trung tâm của Dấu triện lớn?
- Một bí ẩn của lịch sứ. - Langdon nói - Kim tự tháp là một biểu tượng huyền bí đại diện cho sự hội tụ hướng lên trên, về phía cội nguồn của Sự tỏa sáng. Cô có nhìn thấy gì ở trên đỉnh Kim tự tháp không?
Vittoria ngắm kỹ tờ tiền giấy trên tay:
- Một con mắt bên trong hình tam giác.
- Nó được gọi là hình ba cạnh. Cô đã từng nhìn thấy hình con mắt bên trong tam giác ở đâu chưa?
Vittoria im lặng một lúc.
- Thực sự là rồi, nhưng tôi không dám chắc…
- Biểu tượng này được được trang trí tại tất cả các tụ điểm của hội Tam Điểm trên khắp thế giới.
- Biểu tượng này là của hội Tam Điểm?
- Thực ra thì không phải thế. Đó là hội Illuminati. Họ gọi biểu tượng này là "Tam giác toả sáng". Đó chính là tôn chỉ về một cuộc khai sáng mà họ muốn thực hiện. Con mắt biểu thị khả năng thâm nhập và quan sát của Illuminati. Tam giác lấp lánh đại diện cho sự khai sáng. Và hình tam giác cũng là một chữ cái Hy Lạp có tên gọi là Delta, - biểu tượng toán học của…
- Sự đổi thay. Sự chuyển dịch.
Langdon mỉm cười.
- Tôi quên mất rằng mình đang nói chuyện với một nhà khoa học.
- Vậy anh nói dấu triện lớn của nước Mỹ biểu trưng cho lời kêu gọi của phong trào khai sáng?
- Một vài người gọi đó là Trật tự thế giới mới.
Vittoria giật mình. Cô nhìn kỹ lại tờ tiền giấy:
- Chữ viết dưới hình Kim tự tháp nói rằng Novus… Ordo…
- Novus Ordo Seclorum, - Langdon ngắt lời. - Nghĩa là Trật tự trần thế mới.
- Trần thế gắn với phi tôn giáo?
- Phi tôn giáo. Cụm từ này không những miêu tả rõ ràng mục tiêu của Illuminati, mà còn trắng trợn đối lập với cụm từ bên cạnh. Chúng ta tin vào Chúa.
Vittoria có vẻ bối rối.
- Nhưng làm thế nào mà tất cả những biểu tượng này lại xuất hiện trên đồng tiền mạnh nhất thế giới được?
- Đa số các học giả cho rằng đó là do Phó Tổng thống Henry Wallace. Ông ta là một nhân vật cấp cao trong hội Tam Điểm và chắc chắn có liên quan đến hội Illuminati. Chưa ai có thể khẳng định rằng ông ta cũng là một thành viên hay chỉ vô tình chịu ảnh hưởng của Illuminati. Nhưng chính Wallace là người đã bán thiết kế dấu triện lớn cho tổng thống.
- Bằng cách nào vậy? Tại sao Tổng thống lại đồng ý…
Tổng thống lúc bấy giờ là Franklin D. Roosevelt. Wallace nói đơn giản với ông ta rằng Novus Ordo Seclorum nghĩa là "Công cuộc cải cách mới"(1).
Vittoria càng nghi ngờ:
- Và Roosevelt không để ai khác xem lại biểu tượng trước khi đưa Bộ Tài chính in?
- Không cần thiết. Ông ta và Wallace như anh em trong nhà.
- Anh em?
Xem lại sách lịch sử đi, - Langdon vừa cười vừa nói - Franklin D. Roosevelt là một nhân vật nổi tiếng của hội Tam Điểm.
Chú thích:
(1) New Deal (Thời kỳ cải cách mới): Chương trình cải cách kinh tế xã hội vào những năm 1930 nhằm chấm dứt cuộc Đại suy thoái do Tổng thống Franklin D. Roosevelt đưa ra.