Tiên Hồi
Tác giả: Địch Ốc
Chương 98: Trên biển
Dịch: Linus
Nguồn: bachngocsach
Sau khi Hạ Hồng Cân đi rồi, Dương Vân vẫn lẳng lặng ngồi lại một lúc nữa, sau đó lại đặt thêm một thỏi bạc lên bàn rồi đứng dậy rời khỏi đây.
Hắn trở lại hội quán và tiếp tục tu luyện Nguyệt Hoa chân kinh, sau đó không tiến vào thức hải thể ngộ như bình thường mà nằm xuống ngủ một giấc, khi tỉnh lại thì trời đã lên cao.
Bị tiếng chim hót trong viện đánh thức, Dương Vân bỗng ngẩn ngơ khi nhận ra rằng đã một năm trôi qua từ khi hắn tỉnh mộng và có được kí ức của kiếp trước. Trong một năm này hắn đã tu luyện Nguyệt Hoa chân kinh đến tầng thứ sáu, cô đọng thành công Tinh Nguyên châu, mở thức hải, còn sở hữu hai vật vô cùng thần bí - Thất Tinh châu và Hỗn Độn hôi khí. Dựa theo kí ức kiếp trước thì hai vật này chính là bảo vật vô cùng trân quý, hắn vẫn thường có cảm giác tác dụng hiện giờ của hai vật này chỉ là một góc lộ ra của núi băng, sau này hai vật ấy nhất định còn có thể không ngừng mang đến cho hắn những bất ngờ và niềm vui lớn hơn nữa.
Về phần thế tục, hắn lần lượt đậu cử nhân, tiến sĩ, còn trở thành thám hoa của Đại Trần, thân phận thám hoa này dư sức sánh với trạng nguyên của nước Ngô, tin chắc sau khi trở về nước Ngô có thể đảm nhiệm một chức quan không tồi. Về phần sau này làm quan gì thì Dương Vân đã có một kế hoạch sơ bộ, chờ sau khi trở về sẽ tiến hành từng bước một.
Người trong hội quán biết Dương Vân phải về nước nên muốn tổ chức tiệc rượu đưa tiễn, có điều hắn không có tâm tình nên đã từ chối. Sau khi nói lời từ biệt với Quách Thông, Dương Vân dắt một cái bọc nhỏ trên lưng mà rời khỏi hội quán Đông Ngô. Những vật quan trọng hắn đều cất ở không gian trong thức hải, còn trong bọc chỉ là một vài bộ quần áo để thay và ít bạc vụn.
Quách Thông đã liên hệ với một con thuyền khởi hành về nước Ngô, lần trước Dương Vân chọn đi đường bộ là vì Cửu Hoa tiên phủ, lần này đương nhiên sẽ không tốn thêm thời gian cho việc đi lại, hải trình từ Thiên Trữ thành đến Đông Ngô thành khoảng ngàn dặm, nếu thời tiết thuận lợi thì chỉ tốn hơn mười ngày.
Còn một khoảng thời gian trước khi thuyền ra khơi, Dương Vân suy nghĩ một chút, quyết định đến chào tạm biệt người bằng hữu ở Quốc tử giám của mình, Lưu Uẩn.
Sau khi đến Dương Vân mới biết phụ thân của Lưu Uẩn là Xương quốc công, gốc gác của họ là khai quốc quốc công, thừa kế muôn đời (1), có điều Lưu Uẩn lại là thứ tử con thiếp, không có hy vọng kế tục vị trí quốc công, bởi vậy nên hắn bị phụ thân mình ép tập văn luyện võ để tìm một con đường khác.
Hỏi thăm người đi đường để tìm phủ đệ của Xương quốc công, chỉ một lát sau khi đưa thiếp mời, một vị quản sự vội ra thông báo rằng nhị công tử đang có việc ở Long Ngô vệ, vài ngày tới mới có thể trở về. Lúc này Dương Vân mới nhớ hiện giờ Long Ngô vệ đang chịu trách nhiệm bảo vệ điển lễ cầu mưa, xem ra khá là bận rộn, vì vậy hắn viết một phong thư để lại rồi rời đi.
---------------------------
"Ra khơi..." Theo tiếng quát to của thủy thủ, chiếc hải thuyền mà Dương Vân ngồi từ từ tăng tốc rời khỏi bến tàu của Thiên Trữ thành, hướng về phía đại giang ầm ầm sóng dậy.
Tuy mặt sông bao la nhưng có rất nhiều thuyền bè lui tới, người cầm lái cần thẩn điều khiển để tránh va chạm với những thuyền khác. Dương Vân đứng ở mũi thuyền phơi mình dưới ánh nắng dịu dàng của ngày xuân, cảm nhận những cơn gió mát lạnh của dòng sông.
"Thuyền đến đầu cầu tự nhiên thẳng, loạn thế muốn đến, trốn cũng không thoát, tránh cũng không được, không bằng dành sức để suy nghĩ biện pháp đối phó. Đời người quá ngắn ngủi, dù có là Đường Kì Phong chân nhân của Chân Hồng tông đã tu luyện đến Nguyên Thần kỳ cũng vậy mà thôi, ông ta lựa chọn con đường này tuyệt không kỳ quái."
Khi nghĩ đến điều này, Dương Vân cảm thấy có chút chán nản trong lòng, cao nhân Nguyên Thần thì sao chứ, sống gần ngàn năm nhưng hàng ngày không bế quan thì cũng bận đối phó với số kiếp, có lẽ những ngày vui vẻ của ông ta còn không bằng một người thường chỉ sống bảy tám mươi tuổi.
Có lẽ nhờ lời chúc phúc của Hạ Hồng Cân nên đường trở về quả là thuận buồm xuôi gió. Hơn nữa thuận dòng, ngày hôm sau hải thuyền đã ra rời khỏi sông Thiên Lan đến cửa biển, tiến vào Đông Hải.
Đối với những hải thuyền đã có một lộ tuyến cố định, họ sẽ không rời khỏi đường bờ biển ngoài trăm dạm, Đại Hải vốn không phải là khu vực của nhân loại, các loại hải thú, hải yêu, Hải tộc mới là chủ nhân của Đại Hải, nếu nhân loại tiến vào quá sâu sẽ gặp phải sự tấn công của bọn họ.
Tất nhiên cũng có không ít thuyền mạo hiểm đi sâu vào Đại Hải để tìm kiếm các loại kỳ trân dị bảo, chỉ cần may mắn tìm được một thứ, khi trở về đại lục sẽ lập tức trở thành bạo phú. Hoặc tìm được một lộ tuyến ổn định có thể thông đến một Hải quốc nào đó, nhờ đó mà lũng đoạn con đường mậu dịch trên biển giữa hai khu vực, trở nên giàu nứt đố đổ vách cũng không phải là không thể.
Ví dụ như vào mấy trăm năm trước, có một hải thương họ Ân tới tới lui lui giữa Đại Trần và các Hải quốc ở Nam Dương, chỉ trong vài năm ngắn ngủi đã trở thành phú ông số một của Đại Trần, sau vì Ân gia mà đổi lấy một cái tước vị quốc công.
Hiện giờ ở Đại Trần, Đông Ngô, hay thậm chí là Thanh Tuyền, hàng năm đều có không ít thuyền bè lặn lội đến các Hải quốc ở Nam Dương, lúc đi thì chất đầy tơ lụa, đồ gốm sứ, lá trà, khi trở về thì chật ních vàng bạc châu báu, phỉ thúy trân châu, ngoài ra còn có các loại hương liệu, kì trùng dị thú, của hiếm vật lạ của dị quốc. Chỉ cần đi một chuyến là có thể trở thành cự phú, chỉ tiếc mặc dù có lộ tuyến rõ ràng nhưng nguy hiểm vẫn rất cao, lợi ích và các mối nguy hiểm như gió lốc, Hải tộc, hải khấu... luôn đi đôi với nhau.
Vùng duyên hải thì tương đối an toàn, trên đường thỉnh thoảng có vài thuyền thủy sư đi tuần tra. Thủy sư Đại Trần vốn nổi tiếng là vô địch thiên hạ, dù là hải khấu hung hăng ngang ngược thì bình thường cũng không dám đến bờ biển quá gần để tránh bị thủy sư Đại Trần tấn công.
Khi tiến vào Đông Hải, thuyền xuôi theo bờ biển hướng về phía nam. Trên đoạn hành trình này, nếu đứng trên thuyền có thể tận mắt nhìn thấy đường bờ biển, nơi đó thuộc về địa hạt hải châu của Đại Trần. Dương Vân đột nhiên khẽ động trong lòng, lập tức đưa mắt về nơi biển trời giao nhau ở xa tít tắp kia.
Từng cơn gió biển ẩm ướt và mát lạnh hiu hiu lướt trên mặt, mang theo thủy linh khí cực kỳ nồng đậm. Những đám mây đen thấp thoáng ở chân trời như vạn mã lao đến phía này, ngoài ra ở phía trên những tầng mây là cảnh tượng thiên địa linh khí cuồn cuộn sôi trào đến một mức độ vô cùng kinh khủng, vốn không phải là thứ mà người thường có thể cảm nhận được.
Nửa canh giờ sau, mây đen đã di chuyển đến bầu trời phía trên hải thuyền, mặt trời lập tức trở nên mờ mịt, mưa bụi lất phất rơi xuống, thấm ướt vạt áo của mọi người trên thuyền.
Người trên hải thuyền bắt đầu tụ lại tám chuyện, họ đều là những người vừa xuất phát từ Thiên Trữ thành nên tất nhiên biết việc chùa Hồng Hà cầu mưa. Tính ngày thì điển lễ cầu mưa đã sắp bắt đầu rồi, nếu sức gió không thay đổi, đám mây đen khổng lồ này sẽ vừa vặn đến Thiên Trữ thành vào đúng ngày diễn ra điển lễ.
Ai cũng tấm tắc khen ngợi chùa Hồng Hà thật linh nghiệm, còn Dương Vân thì tựa vào mạn thuyền, nhìn về phía chân trời xa xa. Nơi đó thấp thoáng một đạo quang hoa ngũ sắc, khoảng cách quá xa nên người thường gần như không thể nhìn thấy, nhưng Dương Vân nhận ra đó chí ít là quang mang do cao nhân Kết Đan kỳ ngự kiếm phi hành tạo ra.
Nghe nói dưới Đường chân nhân thì Chân Hồng tông còn có mười đại cao thủ Kết Đan kỳ, xem ra họ đã dốc toàn lực tham gia. Nếu muốn khu động một lượng lớn thủy khí của Đông Hải thì cần phải bố trí một đại trận với quy mô lớn chưa từng có, phỏng chừng mười cao thủ Kết Đan vẫn chưa đủ, có lẽ Đường chân nhân sẽ đích thân chủ trì ở Đông Hải, không những thế còn phải mời hảo hữu đồng đạo cùng ra tay.
Không khí ẩm nồng đậm tiếp tục thổi về phía đại lục, thế mưa lớn dần, Dương Vân bèn trở lại khoang thuyền, bắt đầu cân nhắc về việc tu luyện. xem tại t.u.n.g.h.o.a.n.h.c.o.m
Mấy ngày vừa rồi Nguyệt Hoa chân kinh của Dương Vân đã mơ hồ có dấu hiệu đột phá tầng thứ bảy, công pháp tầng thứ bảy là cô đọng kinh mạch khiếu huyệt ở thận, tì..., mỗi lần tu luyện xong Dương Vân lại có cảm giác cơ thể tràn ngập sức mạnh nhưng không chỗ phát tiết.
Nhất là những ngày ở trên biển, Dương Vân hoàn toàn không dám đi ngủ, vì mỗi khi nằm xuống hắn lại gặp ảo mộng. Trong mộng có khi hắn gặp dã nha đầu Triệu Giai, khi thì là Hạ Hồng Cân, thỉnh thoảng cũng xuất hiện tiểu cung nữ kia và Cửu cô nương của Hồng Cân hội, có điều xuất hiện nhiều nhất chính là hình bóng khiến hắn khắc cốt ghi tâm ở kiếp trước.
Mỗi khi nhớ đến Dương Vân lại cảm thấy có chút kỳ quái, ký ức của kiếp trước tựa như cảnh trong mộng, ấn tượng về dung mạo của nàng đối với hắn luôn có chút mơ hồ, nhưng vẫn lưu lại nỗi hoài niệm vô cùng sâu sắc.
Tính ra thì duyên phận của hai người trong mộng cảnh cũng chỉ khoảng trăm năm, sau khi chia tay mỗi người đi một ngả, nhưng dường như Dương Vân bị kích động nên đã thử nếm trải trò chơi cuộc sống của nhân gian trong một thời gian dài, tuy hắn tận tình thưởng thức nhưng tận đáy lòng vẫn vướng bận hình bóng không hề nhạt phai kia.
Ở kiếp này, tâm cảnh của Dương Vân đã có rất nhiều thay đổi. Đối với ký ức về người kia hắn có một chút đau xót, nhiều hơn một chút tò mò và hướng đến, quả thật cũng giống như tình cảm của người thiếu niên dành cho tình nhân trong mộng của mình. Kiếp này việc còn chưa xảy ra, ai biết được hắn và nàng sẽ ra sao, có lẽ hai người bọn họ hoàn toàn không có cơ hội gặp nhau, dù sao thì kiếp trước hai bên quen biết với nhau khi ở Đông Hải, nhưng nếu có cơ hội để hai người nên duyên kết bạn, đến chết cũng không thay đổi thì Dương Vân nhất định sẽ không bỏ qua.
Thiếu niên chẳng hiểu sầu phong vị (2), dù là loạn thế cũng phải mỉm cười mà đối mặt, khóc cũng được, sầu cũng được, nhưng cơm vẫn phải ăn, cuộc sống vẫn phải tiến về phía trước, cớ sao không dành cho mình một chút vui vẻ. Kiếp trước Dương Vân đã phải chịu đựng sự tôi luyện bản tâm trong cõi hồng trần muôn trượng, khiến bản tâm trở nên kiên định như sắt thép, nhưng kiếp này hắn sẽ không làm vậy, hiện giờ hắn đã hiểu nếu có một viên bản tâm bất động trôi giạt giữa hồng trần, đó chưa chắc đã là chân tâm.
Khi tu luyện công pháp đều phải chú ý đến tâm cảnh, nếu những gì tâm cảnh lĩnh hội phù hợp với công pháp thì người đó sẽ tiến bộ vượt bậc, bằng không có luyện đến chết cũng chẳng đạt được thành tựu gì. Nguyệt Hoa chân kinh do Dương Vân nửa tự nghĩ ra dường như không có hạn chế gì, hắn đau khổ hay vui vẻ cũng được, tức giận hay sầu lo cũng chẳng sao, những điều này đều không ảnh hưởng khi tu luyện. Thậm chí có đôi khi những cảm xúc mãnh liệt lại trợ giúp cho việc tu luyện, vì vậy càng ngày Dương Vân càng thích uống một chút rượu trước khi tu luyện.
Cứ như vậy, Dương Vân lại cô đọng thành công thêm một khiếu huyệt, hiện tại chỉ còn một khiếu huyệt cuối cùng là hắn có thể đột phá Nguyệt Hoa chân kinh tầng thứ bảy.
Nếu đột phá đến tầng thứ chín, Dương Vân có thể dùng Nguyệt Hoa chân khí để đối địch. Còn hiện giờ đương nhiên Tinh Nguyên châu vẫn sẽ được sử dụng nhiều nhất, ngoại trừ tích lũy để ngưng huyệt trùng mạch, lượng chân khí được tu luyện ra từ Nguyệt Hoa chân kinh còn lại đều dành cho chi tiêu của thức hải.
Trong khoảng thời gian này, mỗi ngày Dương Vân đều dành ra một phần chân khí để chuyển hóa Hỗn Độn hôi khí ở ven thức hải, thành công mở rộng không gian của nạp vật rương lên mấy lần trước kia, hiện giờ nạp vật rương đã không thể gọi là rương nữa, thể tích của nó đã không kém một cái ngăn tủ là bao.
Sau khi không gian này xuất hiện, bên trong lập tức tràn ngập Nguyệt Hoa linh khí, lượng linh khí này đến từ Thất Tình châu vốn nổi tiếng là quỷ keo kiệt, sau khi nó ngưng tụ Nguyệt Hoa linh khí sẽ dùng một phương pháp nào đó để truyền một phần vào không gian này, về sau có lẽ nên gọi nơi này là không gian nguyệt hoa.
Như mọi ngày, Dương Vân bắt đầu tế luyện hôi khí từ ven thức hải, đột nhiên hắn nhìn thấy một tầng hào quang màu tím lóe lên.
"Hả? Tàng bảo tháp của Cửu Hoa tiên phủ lại xuất hiện!" Dương Vân vội vàng phân ra một tia nguyệt quang từ huyễn nguyệt, chiếu sáng về phía trước.
Chú thích:
(1) - Nguyên văn: Thế tập võng thế, tức là thừa kế không giới hạn số lần, hơn nữa người được thừa kế sẽ kế tục hoàn toàn tước vị của người trước.
Bắt đầu từ thời Ngụy Tấn, chế độ thừa kế của Trung Quốc bắt đầu được chia thành thế tập võng thế và thế tập phổ thông, cái thứ hai là số lần thừa kế hữu hạn, hơn nữa mỗi lần kế tục, người thừa kế chỉ có thể kế tục tước vị thấp hơn người trước một cấp. Đến thời Đại Tống, thế tập võng thế cơ bản là bị hủy bỏ, đổi lại xuất hiện thêm chung thân tước - không thể kế thừa. Triều Đại Minh, phong tước cho hoàng tộc chính là thế tập võng thế. Đại Thanh, lần lượt có mười hai vị vương nhận được thế tập võng thế, được xưng là Thiết Mạo tử vương.
(2) - Câu đầu trong bài thơ Thái tang tử của Tân Khí Tật:
Thiếu niên bất thức sầu tư vị,
Ái thướng tằng lâu,
Ái thướng tằng lâu,
Vị phú tân từ cưỡng thuyết sầu.
Nhi kim thức tận sầu tư vị,
Dục thuyết hoàn hưu,
Dục thuyết hoàn hưu,
Khước đạo: thiên lương hảo cá thu!
Người dịch: Nguyễn Chí Viễn.
Thiếu niên chẳng hiểu sầu phong vị
Thích vút tầng lâu
Thích vút tầng lâu
Muốn phú tân từ gượng nói sầu
Mà nay hiểu rõ sầu phong vị
Muốn nói được đâu
Muốn nói được đâu
Lại bảo êm trời đẹp cảnh thu