Mười ngày sau, Thất điện hạ có mặt ở Hành cung, triệu tập bá quan để ăn mừng.
Tất nhiên, ông hết lời khen ngợi Nam Cung Giao.
Chàng cười đáp :
- Thảo dân chỉ tốn sức đánh xe vài trăm dặm để đón Vương gia, đâu dám nhận công lao!
Thất vương gia trợn mắt :
- Khanh nói thế sao được? Đám bằng hữu giang hồ kia vì khanh mà xuất lực chứ đâu phải vì bổn Vương. Không có khanh thì dẫu Nghiêm này có chết mục xác họ cũng chẳng thèm nhìn đến! Từ nay, khanh có quyền ra vào Hành cung, bất cứ lúc nào và không phải thi đại lễ!
Cuối tháng ba, Thần Nữ vẫn chưa có hỉ tín.
Mộc Kính Thanh lặng lẽ bõ đi, để lại thư cho Nam Cung Giao :
“Đại ca nhã giám!
Tiểu đệ không nỡ để đại ca rời xa cảnh nhung lụa ấm êm, nên sẽ thay đại ca đi Bắc Kinh! Nếu tiểu đệ thất bại, không trở về nữa, thì có nghĩa là đại ca cũng chẳng nên đi cho uổng mạng! Nhớ nhau, xin đại ca thắp ba nén hương và bày chung rượu nhạt là đủ!
Ngu đệ Mộc Kính Thanh bái bút”.
Nam Cung Giao thở dài, đốt lá thư, rồi tìm đến phòng Thần Nữ. Chàng buồn rầu kể lại việc Kính Thanh một mình liều mạng đến Bắc Kinh ám sát Bình Phiên Công Trương Phụ.
Chàng lại bảo :
- Du nàng chưa cấn thai nhưng ta cũng phải lên đường ngay, không thể để Kính Thanh đơn thương độc mã vào hang cọp được! Ta sẽ giả vờ báo với nhà họ Mã là nàng đã có tin vui, cần được đưa về Cán Châu!
Thần Nữ bẽn lẽn cúi đầu :
- Thiếp quả là vô dụng nên đã phụ lòng tướng công.
Trong lúc Vân Mi thu xếp hành lý Nam Cung Giao trở về phòng, cho gọi Sở Trường Thụy Iên, chàng nghiêm giọng :
- Bốn anh em túc hạ sẽ hộ tống Nhị phu nhân về nhà phụ mẫu ta ở Cảnh Đức trấn. Hành trình phải cực kỳ bí mật, không được để người ngoài chú ý. Sau đó, chư vị sẽ mua nhà ở lại nơi ấy chờ ta!
Trường Thụy ngượng ngùng đáp :
- Xin công tử điều anh em khác, bởi bọn thuộc hạ đang định đưa Tứ muội về Hợp Phì!
- Vì sao vậy?
Trường Thụy chua xót đáp :
- Gia muội đã cấn thai gần tháng nay, biết phận mình xấu xí, hèn mọn nên chẳng dám với cao, đành về quê hương nhờ từ mẫu!
Nam Cung Giao mừng rỡ vỗ đùi :
- Tuyệt diệu thực! Té ra trời đã rủ lòng thương ta. Gia mẫu và gia phụ tất sẽ hoan hỉ đón một lúc hai nàng dâu.
Trường Thụy cảm kích quì xuống lạy :
- Nhà họ Sở xin cảm tạ tấm lòng rộng rãi của công tử?
Nam Cung Giao đỡ gã lên, nghiêm giọng :
- Ta vốn thực tâm yêu mến Sở Nhu, nên mới đến với nàng! Chỉ vì ngại song thân tỵ hiềm dung mạo của Nhu muội nên lòng vẫn còn ngại! Nay nàng ta lại thụ thai tức là đã đúng như ý ta sắp xếp.
Chàng lại cười :
- Nhưng lúc này ta chưa gọi túc hạ là Đại Cửu Tử đâu đấy nhé!
Hôm sau, người trong gia đình họ Mã lưu luyến tiễn Nam Cung Giao và Thần Nữ Tiền Vân Mi lên đường về Cán Châu.
Hoàn Cơ buồn rười rượi và rất tủi thân. Nàng đã vì gia phong mà không dám hiến thân cho tình quân, đành bám víu vô lời hứa hẹn của Nam Cung Giao.
Cuộc ra đi này được giữ kín, kẻ trước người sau rời phủ chứ không rầm rộ một lúc.
Khi sang đến bờ Nam Trường Giang, Nam Cung Giao lẳng lặng quay lại cùng hai gã cao thủ Thế Thiên hội đi lên hướng Bắc.
Hai gã này là cháu ruột gọi Hội chủ. Thế Thiên hội Trịnh Kiều bằng thúc phụ.
Trịnh Tháo là anh, ba mươi sáu tuổi còn Trịnh Mãng là em nhỏ hơn một năm. Họ được chân truyền pho Tuyệt Mệnh đao pháp Trịnh gia nên bản lãnh cao cường nhất, chỉ thua có mình Hội chủ.
Kẻ có tài thường ngang bướng, và do tình quyến thuộc nên Trịnh Kiều lại càng khó xử. Vì thế, lão đã đẩy hai đứa cháu bất trị sang cho Nam Cung Giao!
Trịnh Tháo và Trịnh Mãng sinh trưởng ở Bắc Kinh, sáu năm trước mới đến tham gia Thế Thiên hội. Họ rành rẽ, thông thuộc địa thế Bắc Kinh nên đã được Nam Cung Giao cho tháp tùng!
Hai gã vô cùng hoan hỉ vì được về thăm cố thổ, nếm lại những lạc thú đất Kinh Sư! Giờ đây bạc vàng đầy túi, nhờ sự rộng rãi của Nam Cung công tử, họ có quyền mò đến những nơi sang trọng nhất!
Là anh em ruột nên dung mạo dáng vóc hao hao giống nhau, cao trung bình mặt vuông, mắt dài, mày xếch, mũi ưng, môi dầy đĩ thõa.
Tuy hay cười, hay bông lơn, nhưng thủ đoạn của hai gã tàn nhẫn phi thường, giết người chưa bao giờ biết run tay!
Trung lúc Nam Cung Giao và họ Trịnh tất tả bôn hành, chúng ta sẽ về Cảnh Đức trấn để xem cảnh nhà Nam Cung Giao nhận dâu!
Gần giữa tháng tư, lúc trời đã tối hẳn, có năm người khách đến gõ cửa Tế An đường của nữ danh y họ Đặng.
Nam Công Bột bước ra mở cửa, niềm nở hỏi :
- Chẳng hay chư vị cần chữa bệnh hay mua thuốc?
Biết lão già to béo, cao lớn nay là Nam Cung Bột, Sở Tường Thụy kính cẩn vòng tay đáp :
- Bẩm lão gia! Bọn vãn bối mang thư của Nam Cung công tử đến vấn an lão gia và lão thái!
Nam Cung Bột mừng rỡ mở toang cửa :
- Hay quá! Mời chư vị vào! Lão phu đang nóng ruột chờ đợi tin tức của Giao nhi!
Ông chợt hạ giọng :
- Vợ ta còn rất trẻ đẹp, chư vị đừng xưng hô là lão Thái, bà ấy sẽ không vui, cứ gọi bà ấy là phu nhân thôi.
Năm người cúi đầu vâng dạ, Thần Nữ và Sở Nhu đứng sau cùng nên Nam Cung Bột không thay, lúc họ bước qua ngạch cửa. Lão nhận ra sự tương phản của hai người, ngơ ngác gãi tai tự hỏi :
- Lẽ nào tiểu quỷ nhà mình lại ngông cuồng đến mức vợ cả xấu lẫn đẹp, chẳng chừa một ai cả? Phen này bà lão nhà ta sẽ phải rối trí đây?
Lão hối hả mời khách ngồi, chạy vào gọi Trinh Tâm.
Nghe nói có người mang tin của trưởng tử về, bà mừng rỡ thay áo ra ngay.
Lộc nhi và Hà nhi cũng đi theo mẹ!
Tuy không son phấn, song Trinh Tâm vẫn rất đẹp so với số tuổi gần ngũ thập, làn da bà trắng trẻo mịn màng, chỉ điểm vài nếp nhăn nơi đuôi mắt. Khi bà cười, hai lúm đồng tiền duyên dáng kia khiến gương mặt trẻ như mới ba mươi.
Cả năm người khách nhất tề quì xuống, nhưng chỉ có hai nữ nhân run rẩy lên tiếng :
- Tức nữ bái kiến lão gia và nải nương!
Trinh Tâm choáng váng, sửng sốt nhìn hai nàng dâu, thầm nhủ :
- Lẽ nào Giao nhi lại dám bày trò hí lộng ta! Phải hỏi cho ra lẽ mới được!
Bà cố trấn tĩnh bảo :
- Mời chư vị bình thân an tọa! Ta muốn được đọc thư của Giao nhi trước đã!
Vân Mi vội cung kính trao thư cho bà.
Năm người khép nép ngồi xuống ghế tựa, chăm chú theo dõi nét mặt gia chủ.
Nam Cung Bột vui vẻ nói :
- Lộc nhi! Con mau xuống bếp nấu nước pha trà đãi khách!
Sở Tích Vũ nãy giờ dán mắt vào, những hũ rượu thuốc lớn trên kệ, buột miệng nói ngay
- Chẳng dám phiền đến nhị tiểu thư! Bọn vãn bối chỉ xin vài chén rượu cũng đủ!
Nam Cung Bột mở cờ trong bụng, liếc phu nhân, mũi phập phồng, nói giả lả :
- Nếu chư vị thích dùng rượu thì lão phu xin tuân mệnh!
Cạnh hũ lớn có những bình nhỏ độ một cân chiết sẵn để bán cho khách.
Nam Cung Bột xách ngay một bình đến bàn, rót ra mời mọc.
Họ vừa cạn chén thứ hai thì Trinh Tâm lên tiếng :
- Rượu bổ dành cho người bệnh hoạn, thân thể đã cường tráng thì chẳng thể uống nhiều được!
Sở Tích Vũ vội viện bạch :
- Bẩm phu nhân, Vãn bối chỉ uống đúng ba chén thôi! Cũng giống như công tử vậy!
Trinh Tâm hiếu kỳ hỏi :
- Giao nhi xa nhà mà vẫn nhớ được lời dạy bảo của ta ư?
Tích Vũ hăng hái xác nhận :
- Bẩm phải. Công tử mỗi ngày chỉ uống đúng ba chén. Có điều mỗi chén phương Bắc lớn gấp ba bốn lần chén của nhà này!
Nam Cung Bột khoái chí cười ha hả :
- Giao nhi giỏi thực! Ngày mai lão phu phải tìm mua chén uống rượu của người phương Bắc mới được!
Trinh Tâm tủm tỉm cười :
- Giao nhi còn trẻ, có uống ba chén lớn cũng chẳng sao! Nhưng ông thì không nên!
Rồi bà nghiêm giọng :
- Tướng công hãy đọc kỹ thư của Giao nhi rồi cho thiếp biết chủ ý!
Nam Cung Bột vội cạn chén thứ ba, đưa tay nhận thư.
Đọc xong, lão hắng giọng phát biểu :
- Giao nhi quả là đứa con chí hiếu, trước khi dấn thân vào hiểm địa đã chu toàn tông mạch cho họ Nam Cung! Lão phu quyết định nhận cả Vân Mi lẫn Sở Nhu làm con dâu! Ý phu nhân thế nào?
Trinh Tâm đáp ngay :
- Thiếp cũng cùng một ý với Tướng công!
Nam Cung Bột đắc ý cười hể hả, vuốt râu nói :
- Phu nhân nhu thuận như thế khiến ta rất hài lòng!
Lão tiện tay nâng chén lên uống thì nghe người vợ ngoan hiền nhắc nhở :
- Tướng công! Đã đủ ba chén rồi!
Nam Cung Bột ngượng ngùng đặt xuống :
- Lão phu vì quá vui nên quên đếm!
Khách không dám nhưng Lộc nhi và Hà nhi cười dòn dã, đồng thanh hét lên :
Nhất nhật tam bôi hề
Tráng lão ích tho.
Đa nhất bôi hề
Phụ thân chung dạ tương tư
Ô hô! Ai tai!
(Dịch)
Ngày ba chén hề
Tốt Ião sống lâu
Thêm một chén hề
Cha suốt đêm nhung nhớ
Tiếc thay! Buồn thay!
Bài đồng dao này do Nam Cung Giao nghĩ ra và dạy cho hai cô em gái.
Bình thường chúng vẫn nghêu ngao nhưng chẳng hề bị phụ mẫu trách mắng. Nay trước mặt khách, chúng đem ra hát chơi, khiến mặt Trinh Tâm đỏ như gấc còn Nam Cung Bột thì xấu hổ đến mức chỉ muốn độn thổ.
Thẹn quá hóa giận lão hùng hổ uống cạn chén thứ tư trên bàn.
Giờ chúng ta sẽ quay lại với cuộc hành trình của Nam Cung Giao. Chàng và hai thủ hạ đã đến Từ Châu trưa ngày rằm tháng tư.
Ba người vào Tứ Hải đại lữ điếm nghỉ trọ.
Tắm gội xong, chàng rủ anh em họ Trịnh :
- Ở cửa Bắc thành có quán thịt chó của người Giao Châu mùi vị tuyệt hảo. Ta sẽ cùng hai ngươi say sưa một bửa ra trò!
Trịnh Tháo khoan khoái đáp :
- Té ra công tử hảo món nhậu bình dân ấy! Anh em thuộc hạ vui mừng được hầu rượu công tử!
Nhưng khi đến nơi, Nam Cung Giao ngơ ngác nhìn cảnh điêu tàn, đổ nát, quán thịt chó đã bị phá sập, gạch ngói ngổn ngang.
Dưới ánh nắng gay gắt cuối xuân, một phụ nhân nhỏ bé đang ngồi khóc lóc bằng tiếng Giao Chỉ :
- Ôi Lan nhi! Tội nghiệp cho đứa con gái ngoan hiền xinh đẹp của mẹ! Vì sao lão trời già oan nghiệt kia lại cướp con khỏi vòng tay của mẹ thế này?
Nam Cung Giao kinh hãi xuống ngựa, chạy đến đỡ bà lên và hỏi :
- Mong đại nương, cho tiểu điệt biết chuyện gì đã xảy ra với nhà ta và Tiểu Lan!
Bà nhìn một lúc, nhận ra người khách trẻ tuổi hồi trong năm, lại òa lên khóc lóc, kể lể :
- Nam Cung công tử đây sao? Lan nhi vẫn thường hay nhắc đến người với mối tương tư nặng trĩu đầu đời! Nay công tử trở lại thì đã quá muộn rồi!
Nói xong, bà ngất xỉu trong vòng tay Nam Cung Giao!
Chàng vội bồng bà lên, đi sâu vào trong thôn. Phía sau quán thịt chó, cách một thửa ruộng có vài chục nóc nhà của dân Giao Chỉ, đa số là nhà tranh hay gỗ! Và tất cả đều đang được sửa chữa lại. Cái thì đã xong, cái vẫn dở dang. Điều này chứng tỏ thôn xóm vừa gặp tai họa.
Đám tửu khách từng gặp chàng hồi giữa tháng mười một, mừng rỡ gọi vang, chạy đến chào hỏi.
Có hai phụ nhân đỡ lấy Trần mẫu đưa vào nhà chăm sóc.
Đấy là căn nhà gỗ lợp ngói của trưởng thôn họ Lê!
Lão đông con trai nên đã sửa xong, liền mời Nam Cung Giao vào nhà dùng trà.
Lão buồn rầu kể :
- Mãnh đất này trước đây vốn thuộc về Vệ gia trang. Tổ tiên họ Vệ có công lớn nên được Minh Thái Tổ cắt đất phong bá. Chê khu vực này toàn đầm lầy ngập nước nên hai mươi năm trước, cố Trang chủ Vệ Thiên Dụng đã bán lại cho đám dân An Nam nghèo khổ chúng tôi. Bao nhiêu mồ hôi nước mắt đã đổ xuống nên mới được cao ráo, phì nhiêu như hôm nay. Nào ngờ, bốn ngày trước, Vệ trang chủ bây giờ là Đông Thành Bá Vệ Cảnh kéo gia nhân đến, bắt cả thôn phải dọn đi và nhận lại số bạc nhỏ lúc trước. Lão lấy cớ là đất của Thiên tử phong thì không được bán, nay họ Vệ sợ tội nên phải thu hồi! Giá ngày xưa chỉ là trăm lượng bạc, không đủ mua lá lợp nóc bốn chục căn nhà, chớ đừng nói đến mua ruộng đất mới! Tất nhiên, bọn ta không đồng ý, lập tức bị đánh đập và phá hủy nhà cửa. Tiểu Lan giỏi võ liền chống cự quyết liệt song cuối cùng cũng bị giết chết!
Nam Cung Giao nghe như đất trời sụp đổ, phẫn nộ gầm vang tựa hổ rống, nước mắt chảy dài.
Thấy mọi người hoảng sợ, chàng cố trấn tĩnh lại và hỏi :
- Thế Lê lão trượng có nhờ nha môn Từ Châu phân xử hay không?
Lê lão chua chát đáp :
- Tri huyện Từ Châu Hoàng Tẩn ăn hối lộ của nhà họ Vệ nên khi nhận được đơn kiện của dân trong thôn này liền trả lời rằng: Vệ Cảnh là Bá Tước, Đại Lý tự ở Bắc Kinh mới có quyền xét xử, các ngươi hãy lên Kinh Đô mà kêu oan. Nhà họ Vệ được Thái Tổ ban cho Đan Thư Thiết Khoán nên bổn chức chẳng thể vào được!
Nam Cung Giao ở phủ Hình Bộ đã vài tháng, biết rõ luật lệ này, chàng gật gù :
- Hoàng tri huyện nói đúng đấy, phải có thánh chỉ hoặc trát của Bộ Hình, Đại Lý tự Đô Sát viện thì mới được vào Vệ gia trang!
Lê lão hậm hực :
- Thế chẳng lẽ Tiểu Lan phải chịu chết oan và hơn hai trăm người dân thôn này phải mất cơ nghiệp, đi ăn xin mà sống? Là dân Giao Châu, dầu có ngửa tay xin chịu nhục cũng chẳng mấy ai cho.
Nam Cung Giao cười nhạt :
- Việc của Tiểu Lan tính sau giờ phiền lão trượng đi tìm mua một mãnh ruộng to độ bốn chục mẫu. Mỗi nhà trong thôn sẽ được chia một mẩu và tiền bạc để xây nhà mới!
Lê lão ngơ ngác, rụt rè hỏi lại :
- Công tử không nói chơi đấy!
Chàng lắc đầu, móc ra một tập ngân phiếu đếm rồi trao cho lão :
- Số vàng ngàn lượng này hi vọng sẽ đủ. Nếu còn dư, lão trượng hãy chia đều cho mọi người.
Kỹ thuật làm giấy của Trung Hoa rất cao. Sản xuất ra được những loại giấy cực kỳ tốt. Dĩ nhiên, giấy ngân phiếu phải là hạng tốt nhất, láng mịn và dai bền. Nét in cũng tinh xảo có hoa văn chim, hình mây, núi, rồng, phượng. Tóm lại là rất khó làm giả!
Lê trưởng thôn rời ghế quì ngay xuống, nghẹn ngào vái tạ.
Người trong thôn nãy giờ xúm lại nghe ngóng, cũng vội quì theo.
Nam Cung Giao buồn rầu nói :
- Chư vị chỉ cần chăm sóc Trần mẫu và mộ phần của Tiểu Lan chu đáo là đã trả ơn cho tại hạ rồi!
Mọi người đồng thanh hứa!
Nam Cung Giao cùng hai gã họ Trịnh trở về thành Từ Châu!
Trịnh Mãng nóng nảy nói :
- Công tử! Hay là đêm nay chúng ta đến Vệ gia trang lấy đầu lão bá tước khốn kiếp kia?
Nam Cung Giao xua tay, giọng lạnh như băng :
- Không được! Nếu làm thế sẽ gây tai họa cho đám kiều dân An Nam. Chờ sự việc lắng xuống, chúng ta mới có quyền giết lão! Nếu lần này đi Bắc Kinh ta có mệnh hệ gì thì trách nhiệm của hai ngươi là quay về đây giết Vệ Cảnh!
Hai gã không biết, mục đích chuyến thượng Kinh này nhưng cũng gật đầu.
Họ tự hỏi phải chăng chủ nhân của mình định hành thích Thiên tử?
Ba người dừng cương trước tòa Bành Thành Đệ Nhất Tửu lâu, lên tận tầng hai ngồi cho mát.
Bành Thành vốn là tên rất xưa của Từ châu. Nam Cung Giao thường ngày tươi tắn nhưng giờ đây sắc diện u ám ánh mặt đầy vẻ bi thương, thống khổ.
Chàng để mặc cho anh em họ Trịnh gọi thức ăn và không hề động đến, chỉ lặng lẽ nâng chén uống cạn, như muốn dùng rượu để dìm chết nỗi sầu muộn trong lòng!
Bàn của ba người nằm cạnh lan can nên Nam Cung Giao có thể ngắm những cụm hoa thược dược dưới vườn.
Dáng thướt tha của loài hoa này gợi cho chàng nhớ đến Trần Lan, người con gái Giao Châu xuân sắc, bạc mệnh!
Chàng không yêu Tiểu Lan, nhưng đặc biệt quí mến vì nàng mang nét đẹp của quê mẹ xa vời. Trong tất cả những nữ nhân chàng đã gặp thì Tiểu Lan giống mẹ chàng nhất, không phái về dung mạo mà vì nàng là người Giao Châu thuần chủng.
Gió xuân ấm áp thổi qua vườn, lay động những bông hoa thược dược vàng rực, khiến chàng tưởng như Trần Lan đang yểu điệu bước qua trước mắt mình!
Một giọt lệ hiếm hoi bỗng lén trào qua khóe mắt chàng trai hay cười!
Hoa thược dược đơn độc ở đầu cành, màu hoa hồng đậm, dáng hoa tha thướt, nên còn được gọi là Kiều Cung, Dư Dung, Diệm Hữu.
Trong vườn sau nhà Nam Cung Giao ở Giang Tây cũng có trồng thược dược, và người trồng chính là cha của chàng.
Nam Cung Bột về già bỗng thích làm vườn, chẳng đi đâu cả. Sau khi giúp vợ bào chế thuốc lão chỉ lo chăm sóc vườn hoa. Lão từng bảo rằng mình yêu hoa thược dược nhất vì chúng cũng đẹp như Trinh Tâm vậy!
Quả thực là loài hoa thược dược rất đẹp và rất đáng yêu, cuối xuân nở hoa, có các loại màu tía, hồng nhạt, trồng, và màu vàng Ià quí nhất!
Nam Cung Bột đã trồng đủ các sắc hoa Thược dược đất Dương Châu đứng đầu thiên hạ, nhưng sau này, Bắc Kinh cũng trồng và rất nổi tiếng!
Thời Đường, Tống, thược dược được gọi là “lam vĩ xuân”. Bởi vì tuần rượu cuối của một tiệc rượu, tửu khách sẽ uống ba chung liền, gọi là “lam võ tửu”. Vì thế, lam vĩ xuân có ý nói Thược Dược là hoa đẹp nở cuối cùng của mùa xuân, và mùa hạ sắp tới!
Do thế Nam Cung Giao đã chọc ghẹo cha :
- Phụ thân mới giống hoa Thược dược, vì chỉ được uống có ba chung! Tam Bôi tiên sinh mà đổi thành Lam Vĩ tiên sinh thì nghe hay ho hơn nhiều!
Đang hồi ức những kỷ niệm cũ, Nam Cung Giao chợt nghe lòng đau nhói khi nhớ lại câu nói của Lê trưởng thôn: “Là dân Giao Châu, dẫu có ngửa tay chịu nhục cũng chẳng mấy ai cho!”
Người Hán tự hào về nền văn hóa lâu đời rực rỡ của mình nên xem thường các dân tộc khác. Ngay người dân Hải Nam như Nam Cung Bột cũng không được xem trọng, huống hồ gì đám dân lưu vong Giao Chỉ?
Bậc hảo tâm sẽ không phân biệt gốc gác kẻ ăn mày khốn khổ, nhưng chính những đồng nghiệp người Trung Hoa sẽ xua đuổi họ ra khỏi những nơi dễ kiếm ăn nhất như danh lam, thắng cảnh, chùa chiền, miếu mạo!
An Nam hiện đã độc lập, dù phải xưng thần và tiến cống Triều Minh ba năm một lần, song không phải ai cũng dám trở về quê cha đất tổ!
Đám dân Giao Chỉ lưu vong đã bị ràng buộc với đất khách bằng những cuộc hôn phối cùng người Hán, hoặc vì sinh kế.
Ngoài ra, họ còn mang mặc cảm vì bản thân, hoặc cha ông đã không tự sát chết theo vua Tùy Quang, mà lại kéo lê kiếp sống nô lệ cho kẻ thù! Và liệu khi họ về lại cố hương có được sống yên ổn, hay lại bị ruồng bỏ và nghi kỵ?
Trung Hoa là mối họa ngàn đời của An Nam, dù đang hòa nhã vẫn luôn phải đề phòng!
Nam Cung Giao giờ đây đã hiểu rõ nỗi khổ của mấy chục vạn đồng bào của thân mẫu, và chính mình, chợt tự nhủ sẽ tận lực giúp đỡ họ. Được như thế thì cuộc đời chàng mới có chút giá trị!
Tâm niệm này đã khiến chàng khuây khỏa, bình tâm ăn uống với hai gã thủ hạ tội nghiệp kia.
Nãy giờ họ chẳng dám nói cười, nhai nuốt cũng cố không gây ra tiếng động!
Nhậu nhẹt như thế thì làm sao ngon miệng được?
* * * * *
Sáng mười sáu bọn Nam Cung Giao tiếp tục cuộc hành trình. Khoảng cách giữa Từ Châu và Tế Nam là bẩy trăm dặm, có thể tạm chia làm hai đoạn :
Đoạn thứ nhất vượt hoàng Hà, đi dọc Đại Vận Hà hơn bốn trăm dặm.
Lúc này mé tay tả của lữ khách chính là vùng Lương Sơn Bạc nổi tiếng.
Sau đó, người ta phải sang bờ Đông Đại Vận Hà, đi nốt quãng đường hơn hai trăm dặm để đến Tế Nam.
Chính đoạn đường thứ hai mới là đáng sợ, cả về mặt địa hình lẫn an ninh!
Quan đạo trải dài trên vùng sơn cước của dãy núi Thái Sơn, nên gập ghềnh, hiểm trở có nhiều đèo dốc, và hai bên là rừng rậm âm u đầy ác thú!
Còn cường đạo thì chắc là chẳng thiếu, nhưng chỉ là những nhóm nhỏ, quen ức hiếp với những lữ khách đơn độc.
Song chàng họ Nam Cung của chúng ta chưa đến đấy.
Trưa ngày hai mươi ba, chàng mới có mặt ở bờ Tây Đại Vận Hà, chờ đò sang bên kia!
Đây là bến đò duy nhất của con đường huyết mạch, nên quán xá rộng rải để đón tiếp những đoàn xe chở hàng hóa.
Ba người bọn Nam Cung Giao vừa ăn được vài gắp thì nghe tiếng vó ngựa, tiếng trục xe kẻo kẹt vọng đến.
Âm thanh ồn ào này chứng tỏ đoàn xa mã ấy khá đông đảo, và hàng hóa chở theo rất nặng nề.
Lát sau, đám lữ khách kia dừng chân trước cửa quán gồm mười cỗ xe song mã và hai trăm quân áp tải. Y phục của họ rất khác hẳn quan quân triều đình.
Lính thì vải, quan thì lụa, song đều có điểm chung là áo dài quá gối, tay áo chật, ống quần rộng.
Bốn vị võ quan áo xanh không mang giáp trụ, đầu trần quấn khăn vành rễ, búi tóc nhỏ lệch hẳn về phía sau chứ không ở gần đỉnh đầu như người Trung Hoa.
Lá đại kỳ vuông vức bằng mãnh chiếu, cắm trên cỗ xe đầu tiên, một mặt có hai chữ Đại Việt, mặt kia là Thiệu Bình, thêu bằng chỉ đen giữa nền vàng. Và trên nóc chín cỗ xe còn lại là những lá cờ trắng nhỏ, viết hai chữ Cống Phẩm.
Nam Cung Giao bồi hồi xúc động, nhận ra đoàn sứ giả An Nam đang trên đường triều cống nhà Minh!
Chàng không thắc mắc về cống phẩm vì đã từng nghe Thất vương gia nói qua.