Laurene Powell
DDến thời điểm này, dựa trên hồ sơ tình ái, một bà mối thông minh đã đầy đủ thông số để phác thảo ra hình dung về người phụ nữ phù hợp với Jobs. Thông minh, nhưng không kiêu ngạo.
Đủ rắn rỏi để đồng hành cùng ông, nhưng cũng yêu Thiền đủ để bình tĩnh vượt lên mọi thị phi. Có học thức và độc lập, nhưng đồng thời cũng sẵn sàng lui lại làm hậu phương cho chồng và để xây đắp một gia đình. Hai chân thì chạm đất nhưng đầu óc có thể phiêu tận chín tầng mây. Đủ khôn ngoan để biết cách quản lý ông, nhưng cũng đủ tự tin để không nhất thiết lúc nào cũng dùng chiêu ấy. Và đáng kể nhất là không thấy phiền khi một người phụ nữ xinh đẹp, tóc vàng duyên dáng lại có khiếu hài hước mà chỉ thích ăn chay. Tháng 10 năm 1989, sau đổ vỡ với Tina Redse, một người như thế đã bước vào cuộc đời ông.
Laural Powell và Steve Jobs, 1991
Tháng Mười Hai, Jobs đưa Powell đến nơi nghỉ dưỡng yêu thích của mình, làng Kona ở Hawaii, ông bắt đầu đến đây chín năm về trước, khi muốn giảm tải căng thẳng vì Apple, ông đã nhờ trợ lý tìm cho mình một nơi để nghỉ ngơi. Thoạt tiên, ông có vẻ không thích cụm những ngôi nhà gỗ nằm ôm lấy bãi biển rộng lớn ở Hawaii. Đó là một khu nghỉ dưỡng gia đình, với những nhà ăn công cộng. Nhưng chỉ sau đó vài giờ đồng hồ, ông bắt đầu cảm thấy đây đích thị là một thiên đường. Chính sự đơn giản và vẻ đẹp dung dị ở nơi đây đã lay động tâm hòn ông, khiến ông luôn muốn trở lại bất cứ khi nào có thể. Ông đã cùng Powell tận hưởng thiên đường đó vào tháng Mười Hai năm đó. Tình yêu của họ đã trưởng thành. Đêm trước lễ Giáng sinh, một lần nữa ông lại tuyên bố, và lần này còn chính thức hơn, rằng ông muốn cưới nàng. Không lâu sau đó, một yếu tố nữa đã khiến quyết định ấy nhanh chóng được thực hiện. Chính tại Hawaii, Powell đã có thai. "Chúng tôi biết chắc chắn nơi xảy ra chuyện ấy," sau này Jobs kể lại kèm một nụ cười lớn.
Đám cưới, ngày 18 tháng Ba, 1991
Việc Powell có bầu không thực sự là điểm mấu chốt của vấn đề. Jobs, một lần nữa chùn lại trước đám cưới, mặc dù chính ông là người cầu hôn đến hai lần, một lần vào đầu năm, một lần vào cuối năm 1990. Giận dữ, cô đã rời khỏi nhà của ông và trở về sống ở nhà của mình. Đầu tiên, ông đã im lặng hoặc là phớt lờ tình huống đó. Sau đó, ông lại nghĩ có lẽ mình vẫn còn yêu Tina Redse; ông gửi tặng hoa hồng và cố gắng thuyết phục cô quay trở lại, thậm chí là kết hôn. Ông không chắc là mình muốn gì, và ông khiến cả bạn bè, thậm thậm chí là cả những người chỉ quen biết sơ sơ kinh ngạc khi hỏi họ xem ông nên làm gì. Ai đáng yêu hơn, ông hỏi, Tina hay Laurene? Họ thích ai hơn? Ông nên kết hôn với ai? Chuyện này có được nhắc đến trong tiểu thuyết A Regular Guy (Tạm dịch: Anh chàng Hoàn hảo), nhân vật mang hình tượng Jobs "đã hỏi hơn một trăm người xem họ thấy ai xinh đẹp hơn." Không hề hư cấu; trên thực tế, số người được hỏi cũng gần đạt con số một trăm.
Cuối cùng ông cũng đưa ra được lựa chọn đúng đắn. Như Redse đã kể lại với bạn bè, cô không thể sống nổi nếu trở lại với Jobs, cũng như không hề muốn đám cưới. Mặc dù ông đã từng héo hon tiều tuỵ về mối liên hệ thiên nhiều về tinh thần với Redse, nhưng mối quan hệ của ông với Powell lại có sự vững bền hơn. ông thích cô, ông yêu cô, ông tôn trọng cô và ông cảm thấy thoải mái khi ở bên cô. Có thể cô ấy không có sự hấp dẫn huyền bí, nhưng cô ấy chính xác là nơi neo đậu của cuộc đời ông. "ông ấy quá may mắn khi quyết định dừng lại ở Laurene, cô ấy thông minh và có thể hỗ trợ cho ông ấy, đồng thời lại có thể chịu đựng được tính cách thất thường và dữ dội của ông ấy," Joanna Hoffman nói. "Vì cô ấy không cuồng loạn, nên có thể Steve cảm thấy cô ấy không kì diệu như Tina hay ai đó. Nhưng điều ấy thật ngốc nghếch." Andy Hertzfeld đồng ý. "Laurene có bề ngoài giống Tina, nhưng cô ấy hoàn toàn khác biệt, bởi vì cô ấy cứng rắn hơn và có cái đầu lạnh hơn. Đó là lý do vì sao cuộc hôn nhân ấy thành công."
Jobs cũng rất hiểu điều này. Mặc dù cảm xúc của ông lên xuống thất thường, đôi khi ông còn thể hiện là con người ti tiện, nhưng cuộc hôn nhân của ông lại rất bền vững, nó được đánh dấu bởi sự trung thành, lòng thành thực, vượt qua biết bao thăng trầm và trải qua rất nhiều cung bậc xúc cảm phức tạp.
Avie Tevanian quyết định là Jobs cũng cần phải tổ chức tiệc chia tay đời độc thân. Việc này xem ra không hề dễ dàng như mọi người vẫn nghĩ. Jobs không thích tiệc tùng và cũng chẳng có hội bạn bè nối khố nào. Thậm chí ông còn không có bạn thân nhất. Thành ra bữa tiệc chỉ có Tavanian, và Richard Crandall, một giáo sư khoa học máy tính ở trường Reed, người mới bỏ dạy đến làm việc cho NeXT tham dự. Tevanian thuê một chiếc limo, và khi họ đến nhà của Jobs, Powell ra mở cửa trong trang phục của một quí ông, đeo râu giả và nói cô cũng muốn được tham dự bữa tiệc. Tất nhiên, đó chỉ là một câu nói đùa, và rất nhanh chóng, ba chàng thanh niên độc thân, không ai say xỉn chạy xe thẳng đến San Francisco để xem có thể làm cho bữa tiệc độc thân nghèo nàn này thêm chút sắc màu nào không.
Tevanian không đặt được chỗ trong nhà hàng Greens, một nhà hàng chay ở Fort Mason mà Jobs yêu thích, nên đành đặt chỗ ở một nhà hàng huyên náo trong khách sạn. "Tôi không muốn ăn ở đây," Jobs tuyên bố khi thấy bánh mỳ được đặt lên bàn. ông bắt mọi người đứng dậy, đi ra khỏi nhà hàng trước ánh mắt kinh hãi của Tevanian, người chưa hề quen với kiểu ứng xử của Jobs. Ông dẫn họ tới quán Café Jaqueline ở North Beach, một nơi đầy gió mà ông yêu thích, ở đây tất nhiên là một lựa chọn tốt hơn. Sau đó, họ lái chiếc limo đi qua cầu Golden Gate đến một quán bar ở Sausalito, cả ba đều gọi rượu tequila nhưng chỉ nhấp môi. "Thực sự thì đó không phải là một bữa tiệc chia tay độc thân tuyệt vời, nhưng đối với một người như Steve, thì đó là tất cả những gì tốt nhất chúng tôi có thể làm được, hơn nữa, cũng chẳng có ai khác tự nguyện làm điều đó," Tevanian nhớ lại. Jobs cũng rất trân trọng điều này. ông muốn Tevanian cưới em gái Mona Simpson của mình làm vợ. Dù chuyện ấy không thành nhưng chỉ riêng suy nghĩ ấy thôi cũng đã thể hiện tình cảm của Jobs dành cho Tevanian.
Powell cũng nhận thấy nhiều điềm báo cho cuộc sống mới mà cô sắp bước vào. Khi chuẩn bị cho đám cưới, nhân viên dịch vụ giấy mời viết tay đến trình diễn cho họ xem mấy phương án chữ viết. Vì không có ghế ngồi, nên cô nhân viên phải ngồi trên sàn để viết thử mấy mẫu. Jobs nhìn những mẫu viết tay vài phút rồi đứng dậy, bỏ vào phòng. Họ đợi ông quay trở lại nhưng không thấy. Một lúc sau, Powell vào phòng tìm ông. "Tống cô ta ra khỏi đây," ông nói. "Anh không thể nhìn nổi mấy sản phẩm của cô ta. Tởm quá."
Vào ngày 18 tháng Ba năm 1991, Steven Paul Jobs, 36 tuổi đã kết hôn cùng Laurene Powell, 27 tuổi ở Khu nghỉ Ahwahnee Lodge trong Công viên Quốc gia Yosemite. Được xây dựng từ những năm 1920, Ahwahnee là một khu nghỉ được ghép bởi những trụ đá, khối bê tông và nhà gỗ được thiết kế theo phong cách tổng hợp từ phong cách nghệ thuật Art Deco, trường phái Nghệ thuật và Thủ công. Đám cưới được chào mừng bằng màn bắn pháo hoa lộng lẫy của Công viên.
Điểm kì diệu nhất ở đây chính là những góc nhìn. Những ô cửa sổ chạy dài từ sàn nhà tới trần nhà, nhìn ra Vòm đá Half Dome - khối granit hình nửa mái vòm vươn lên giữa trời xanh và Thung lũng Yosemite.
Có khoảng 50 người tham dự lễ cưới, trong đó cha của Steve, ông Paul Jobs và em gái Mona Simpson cũng có mặt. Cô đến dự lễ cưới cùng chồng chưa cưới, Richard Appel, một luật sư, mà sau này trở thành một nhà viết kịch bản hài kịch truyền hình. (Anh chính là người viết kịch bản cho The Simpsons, nên đã lấy tên vợ để đặt tên cho mẹ của Hommer.) Jobs đã năn nỉ mọi người phải đến bằng xe bus chuyên dụng; ông muốn mọi thứ của lễ cưới đều nằm trong tầm kiểm soát.
Buổi lễ diễn ra trong hội trường bao quanh bằng kính, tuyết ngoài trời rơi nặng hạt và chỉ thấy Đỉnh Glacier thấp thoáng ở đằng xa. Người chủ trì buổi lễ là Thiền sư phái Tào Động của Jobs, Kobun Chino, ông lắc một cái gậy, đánh cồng, thắp nhang và lẩm nhẩm bài kinh với dáng vẻ mà hầu hết những vị khách mời đều không hiểu gì. "Tôi nghĩ ông ấy bị say rượu," Tevanian nói.
Không hề. Bánh cưới được đặt theo hình dáng của Half Dome, khối đá granit cuối cùng của thung lũng Yosemite, nhưng vì yêu cầu ngặt nghèo của chủ nhân về chiếc bánh chay - không có trứng, sữa hoặc bất cứ sản phẩm chế biến nào - nên có một vài người khách không thể nuốt nổi. Sau đó, hầu hết mọi người đều tỏa đi ngắm cảnh, còn 3 cậu em trai của Powell thì chơi trò ném tuyết đánh trận giả, với rất nhiều dụng cụ và làm huyên náo cả lên. "Em thấy không, Mona," Jobs nói với cô em gái, "ông tổ của Laurene là Joe Namath, còn ông tổ của chúng ta là John Muir."
Một gia đình
Powell chia sẻ với chòng niềm hứng thú đối với các nguồn lương thực tự nhiên. Khi còn học ở trường kinh doanh, cô từng làm việc bán thời gian cho Odwalla, một công ty rau quả, với tư cách là người phát triển kế hoạch tiếp thị đầu tiên ở đây. Sau khi kết hôn với Jobs, cô cảm nhận được ý nghĩa quan trọng của việc phải có một sự nghiệp riêng, đó là bài học về sự độc lập cần thiết mà cô học được từ nhỏ. Do đó, cô bắt đầu xây dựng công ty riêng của mình, Terravera, chuyên cung cấp sẵn những bữa ăn hữu cơ và giao hàng đến tận các cửa hàng trên khắp vùng Bắc California.
Thay vì sống tách biệt và ẩn dật trong biệt thự không có đồ đạc ở Woodside, hai vợ chồng chuyển đến sống ở một ngôi nhà duyên dáng và khiêm tốn ở một góc phố với hàng xóm là những người thân quen ở khu cũ Palo Alto. Đó là địa hạt của những người hàng xóm đặc biệt, trong đó có nhà đầu tư tài chính có tầm nhìn John Doerr, nhà sáng lập Google Larry Page, và người sáng lập Facebook Mark Zuckerberg, cùng với Andy Hertzfeld và Joanna Hoffman - nhưng không phải là những ngôi nhà phô trương, và cũng không có những hàng rào cao hay dài hút mắt để che dấu những ánh nhìn. Thay vào đó, chúng nằm bình yên bên nhau, nhà này cạnh nhà kia bám theo một con đường phẳng lặng và yên tĩnh, ngăn cách nhau bằng những lối đi bộ rộng rãi. "Chúng tôi muốn sống trong một khu có những người hàng xóm, để sau này lũ trẻ có thể chạy qua, chạy lại chơi với bạn bè của mình," sau này Jobs kể lại.
Ngôi nhà cũng không theo trường phái tối giản hay phong cách hiện đại mà Jobs sẽ thiết kế như hình dung trước đây của ông, lúc nghĩ mình sẽ có một căn nhà riêng. Nó cũng không rộng rãi hay có điểm gì đặc biệt đến độ những người đi đường phải dừng lại trầm trồ và chú ý khi họ chạy dọc theo con đường ở Palo Alto. Một nhà thiết kế địa phương tên là Carr Jones đã xây căn nhà này vào những năm 1930, ông là người chuyên thiết kế những ngôi nhà một cách kì công và cẩn thận theo đúng "cẩm nang phong cách" đối với những ngôi nhà gỗ ở nông thôn của nước Anh hay nước Pháp.
Căn nhà hai tầng được xây bằng gạch đỏ, để lộ những chiếc rầm gỗ và được lợp mái với những đường cong: nó gợi lên hình ảnh của một căn nhà nhấp nhô kiểu vùng Cotswold ở phía Tây miền Trung nước Anh hoặc nhà của một chàng Hobbit khéo tay nào đó từng sống. Thứ duy nhất mà người California đụng chạm tới là một cái sân nhỏ theo phong cách Mission được tạo ra nhờ hai cánh của ngôi nhà. Phòng khách tầng hai có trần hình vòm không kiểu cách, với sàn lát gạch vuông và gạch nung đỏ. ở góc nhà là một chiếc cửa sổ chữ nhật lớn, nhìn thấy đỉnh chóp của trần nhà; lúc trước khi Jobs mua căn nhà này, ở đó là một tấm kính màu, sau đó ông cho thay thế bằng một tấm kính trong suốt. Sự thay đổi nữa mà ông và Powell thực hiện đó là sửa rộng phòng bếp ra để kê vừa một chiếc lò nướng pizza và có đủ chỗ cho một chiếc bàn gỗ dài, nơi tụ họp chính của cả gia đình. Theo tính toán lúc đầu thì sẽ mất 4 tháng để tu sửa, nhưng cuối cùng phải mất đến 16 tháng bởi vì Jobs liên tục sửa lại thiết kế. Họ cũng mua thêm một căn nhà nhỏ phía sau và phá ngôi nhà đó đi để Powell biến nó thành một khu vườn tự nhiên ngập tràn các loại hoa theo mùa, cùng với các loại rau và cây trái.
Jobs bị mê hoặc bởi cách Carr Jones vận dụng những vật liệu cũ, trong đó có cả gạch đã sử dụng và gỗ từ cột điện thoại để tạo ra một cấu trúc đơn giản và vững chắc. Những chiếc rầm trong phòng bếp trước đó được dùng để đúc móng cho cầu Golden Gate. Vào thời điểm ngôi nhà được cất, thì cây cầu ấy vẫn chưa được xây xong, "ông ấy là một thợ thủ công cẩn trọng và hoàn toàn tự học hỏi," Jobs vừa nói vừa chỉ vào từng chi tiết. "Ông ấy quan tâm đến cái gọi là sáng tạo hơn là kiếm tiền, và thực tế ông không hề giàu có. Ông ấy chưa từng rời khỏi California. Các ý tưởng của ông ấy xuất hiện nhờ đọc những cuốn sách trong thư viện và Các qui tắc Kiến trúc." Jobs không cho bày biện đò đạc trong ngôi nhà ở Woodside ngoại trừ một vài vật dụng thiết yếu: một chiếc tủ và một chiếc giường trong phòng ngủ, một cái bàn hình vuông và vài chiếc ghế gập để trong phòng ăn. Ông muốn xung quanh mình chỉ có những thứ khiến ông có thể ngắm nghía, và ông khiến cho hành động đơn giản là đi ra ngoài và mua sắm đồ đạc nên khó khăn.
Thế mà giờ đây ông lại đang sống trong một căn nhà bình thường với hàng xóm xung quanh cùng vợ, và một đứa con sắp chào đời, ông cần phải nhượng bộ những điểm cần thiết.
Nhưng điều đó thực khó khăn. Họ có giường, tủ và một bộ dàn âm thanh trong phòng khách, nhưng để có những những thứ như ghế sofa thì đòi hỏi thời gian thoả thuận lâu hơn. "Chúng tôi nói về đồ đạc trên lý thuyết trong 8 năm ròng," Powell nhớ lại. "Chúng tôi mất rất nhiều thời gian để tự hỏi, "Ghế sofa để làm gì nhỉ?'" Mua sắm vật dụng cũng trở thành một công việc đòi hỏi sự thông thái, chứ không chỉ đơn giản là một thú vui mua sắm. Vài năm sau, Jobs tả lại tiến trình mua một chiếc máy giặt mới cho Tạp chí Công nghệ Wired như sau:
Hoá ra người Mỹ chế tạo máy giặt và máy sấy sai cách hết. Người châu Âu làm tốt hơn nhiều - nhưng họ mất gấp đôi thời gian để xử lý quần áo! Người châu Âu giặt quần áo với lượng nước nhiều hơn 1/4 so với người Mỹ và cuối cùng, quần áo còn bám lại ít chất tẩy hơn. Điều quan trọng nhất, họ không đối xử tệ với quần áo của bạn. Họ dùng nhiều xà phòng hơn một chút, nhiều nước hơn một chút, nhưng cuối cùng quần áo sạch sẽ hơn, mềm mại hơn và bền hơn rất nhiều.
Những lúc tụ họp gia đình, chúng tôi trò chuyện về những cái được mất của từng lựa chọn. Chúng tôi dành rất nhiều thời gian bàn về các thiết kế, và cũng bàn bạc về những giá trị quan trọng đối với gia đình. Chúng tôi quan tâm tới điều gì hơn? Chúng tôi thích đống quần áo được xử lý trong bao lâu hay cảm giác quần áo mềm mại hơn và bền hơn? Chúng tôi dành khoảng hai tuần để nói về vấn đề này, trên bàn ăn mỗi tối.
Cuối cùng họ cũng sắm một chiếc máy giặt và sấy hiệu Miele của Đức. "Tôi đã run lên vì sung sướng khi có chúng, hơn bất cứ đò công nghệ nào mà tôi từng có trong suốt nhiều năm," Jobs nói.
Một tác phẩm nghệ thuật mà Jobs 5a19 mua để treo trong căn phòng khách có trần vòm là một bức ảnh bình minh mùa đông trên đỉnh Siera Nevanda nhìn từ Lone Pine, California của Ansel Adams. Adams cũng vẽ một bức tranh tường khổng lồ cho con gái của ông, mà sau này cô bé đã bán đi. Một lần, khi người giúp việc lau chùi bức tranh bằng khăn ướt, Jobs đã tìm bằng được người làm việc với Adams và mời người này đến nhà, bỏ đi một lớp màu và khôi phục lại bức tranh.
Ngôi nhà của Jobs khiêm tốn tới mức Bill Gate đã tỏ chút ái ngại khi ông cùng vợ đến thăm. "Tất cả mọi người sống ở đây ư?" Gates hỏi, khi ấy ông đang tiến hành xây dựng một khu biệt thự rộng 6 ha gần Seattle. Ngay cả sau khi trở lại Apple lần hai, khi ấy Jobs đã là một tỷ phú nổi tiếng thế giới, ông vẫn không có đội ngũ an ninh riêng hay người giúp việc toàn thời gian, thậm chí cửa sau nhà của ông vẫn thường xuyên không khoá vào ban ngày.
Vấn đề liên quan đến an ninh cuối cùng lại đến, trong tình huống khá buồn và khá lạ lùng, do Burrell Smith, một kĩ sư phần mềm Macintosh đầu bù tóc rối, hiền hậu, người bạn nối khố của Andy Hertzfeld, gây ra. Sau khi rời Apple, Smith bị mắc chứng tâm thần phân liệt. Anh sống trong ngôi nhà cùng phố với Hertzfeld và do bệnh tình ngày một phát triển, anh bắt đầu khoả thân đi lại trên phố, có lần đập vỡ cửa kính ô tô và nhà thờ. Anh đã phải chịu điều trị bằng các loại thuốc đặc hiệu, nhưng vẫn rất khó để kiểm soát tình hình. Có lúc khi bệnh lên cơn, anh bắt đầu đi qua đi lại nhà Jobs vào buổi tối, ném đá vào cửa sổ, để lại những bức thư nguệch ngoạc, thậm chí có lần còn ném pháo vào nữa. Anh bị bắt giữ, rồi lại được thả vì đang phải tiếp tục điều trị. "Burrell rất hài hước và ngây thơ, thế rồi một ngày tháng Tư, anh ấy bất ngờ bị đánh gục," Jobs nhớ lại. "Đó là một chuyện kì cục và buồn thảm nhất."
Jobs rất thông cảm và thường xuyên hỏi Hertzfeld xem ông có thể giúp gì thêm không. Có lần Smith bị tống vào tù và từ chối xác định danh tính. Ba ngày sau, khi Hertzfeld biết chuyện, ông đã gọi cho Jobs và đề nghị hỗ trợ để Burrell được thả ra. Jobs đã giúp, nhưng ông làm Hertzfeld ngạc nhiên với câu hỏi: "Nếu chuyện tương tự xảy ra với tôi, liệu cậu có đối tốt với tôi như đối với Burrell không?"
Jobs giữ ngôi nhà của mình ở Woodside, cách các ngọn núi ở Palo Alto khoảng 10 dặm. Đã có lúc ông muốn phá 14 phòng ngủ phong cách thực dân Tây Ban Nha từ năm 1925, và thay vào đó, lên kế hoạch xây dựng một căn nhà cực kì đơn giản, mang phong cách Nhật Bản hiện đại với diện tích chỉ bằng 1/3. Nhưng trong hơn 20 năm, ông phải đối đầu với một loạt những cuộc chống đối dai dẳng của một nhóm những người thủ cựu cho rằng cần phải gìn giữ diện mạo nguyên bản của ngôi nhà. (Năm 2011, cuối cùng ông cũng có được giấy phép san phẳng căn nhà, nhưng đến lúc đó thì ông chẳng còn hứng thú xây dựng ngôi nhà thứ hai nữa.) Cũng có lúc Jobs tận dụng cơ hội sử dụng ngôi nhà nửa bị bỏ-rơi ở Woodside, đặc biệt là chiếc bể bơi để tổ chức các bữa tiệc gia đình. Khi Bill Clinton còn là Tổng thống, ông và vợ là Hillary Clinton đã trú lại ngôi nhà trang trại trên khu đất của Jobs khi họ đến thăm cô con gái, khi ấy đang theo học trường Stanford. Bởi vì cả ngôi nhà chính lẫn ngôi nhà trang trại đều không có đò đạc gì, Powell đã gọi cho các nhà buôn nội thất và nghệ thuật trước ngày Clinton đến và thuê tạm đồ đạc cho ngôi nhà để đón khách. Một lần, trong khi kiểm tra lại đồ đạc lần cuối trước khi vợ chồng ngài tổng thống đến, lúc ấy, vụ Monica Lewinsky khi ấy vừa mới bị vỡ lở, Powell phát hiện ra thiếu mất một bức tranh. Rất lo lắng, cô hỏi nhóm tiền trạm và Dịch vụ Bí mật của Nhà Trắng xem chuyện gì đã xảy ra. Một trong số họ kéo cô ra hành lang và giải thích rằng đó chính là bức tranh vẽ một chiếc váy treo trên giá, và gợi lên chiếc váy màu xanh lam trong vụ Lewinsky, cho nên họ đã quyết định giấu nó đi. (Trong một cuộc trò chuyện qua điện thoại vào một buổi tối muộn với Jobs, Clinton đã hỏi ông nên xử lý thế nào với vụ Lewinsky. "Tôi không biết ngài có làm chuyện đó hay không, nhưng nếu có, ngài nên nói điều ấy với đất nước này," Jobs nói với tổng thổng. Đáp lại là sự im lặng từ đầu dây bên kia.)
Lisa chuyển đến
Giữa năm học lớp 8, giáo viên của Lisa gọi cho Jobs. Có một số chuyện nghiêm trọng đã xảy ra, và có lẽ sẽ là tốt nhất nếu cô bé chuyển ra ngoài, không sống cùng mẹ nữa. Vì vậy, Jobs đến gặp và đi dạo với Lisa, ông hỏi han tình hình và đề nghị cô bé về sống chung với mình. Lisa lúc ấy đã là một cô gái trưởng thành, dù mới chỉ bước sang tuổi 14, và cô bé suy nghĩ trong vòng 2 ngày.
Sau đó cô đồng ý. Cô cũng biết chính xác mình muốn ở phòng nào: ngay cạnh phòng của cha cô.
Đã có lần cô ở trong đó, lúc ấy không có ai ở nhà, cô đã thử kiểm tra bằng cách nằm dài lên sàn nhà trống không.
Đó là quãng thời gian khó khăn. Chrisann Brennan thi thoảng lại đi từ nhà mình cách đấy vài dãy nhà và hò hét ngoài sân. Gần đây, khi tôi hỏi tại sao cô ấy lại hành xử như vậy và nguyên cớ vì sao lại đồng ý để Lisa chuyển ra ngoài, cô trả lời rằng đến giờ cô cũng không hiểu nổi vì sao lại để chuyện ấy xảy ra. Nhưng sau đó, cô viết cho tôi một bức thư điện tử dài, trong đó lý giải: Ông có biết Steve làm cách nào để thành phố ở Woodside cho phép ông ta phá ngôi nhà của mình ở Woodside không? Có một nhóm người trong khu vực muốn bảo tồn ngôi nhà đó vì giá trị lịch sử của nó, nhưng Steve vẫn muốn phá huỷ và xây ở đó một ngôi nhà có vườn cây ăn quả. Thế là Steve để ngôi nhà tự huỷ hoại và rơi vào suy tàn bằng cách bỏ mặc nó nhiều năm trời, không tu bổ, sửa sang gì hết. Chiến lược mà ông ta thường dùng để đạt được những gì ông ta muốn đơn giản là buông xuôi và bỏ mặc, để đỡ phải mắc míu và vướng bận đến nó. Chính việc ông ta chẳng làm gì căn nhà cả, thậm chí là để cửa sổ mở toang cả năm trời, khiến ngôi nhà ấy sẽ tự sụp đổ. Tuyệt đỉnh, phải không?... Đó cũng chính xác là "chiêu" mà Steve sử dụng để phá huỷ sự nỗ lực của tôi VÀ sự tồn tại của tôi vào thời điểm ấy, khi Lisa 13 hay 14 tuổi để đưa con bé về sống với ông ta. ông ta bắt đầu với một chiến lược, sau đó chuyển qua một chiến lược khác dễ dàng hơn, nhưng sức tàn phá của nó thậm chí còn kinh khủng hơn với tôi và làm cho Lisa hoang mang hơn. Đó có thể không phải là cách vẹn toàn, nhưng vấn đề là ông ta đã có được những gì mình muốn.
Lisa sống với Jobs và Powell trong suốt bốn năm học ở trường Trung học Palo Alto và cô bắt đầu dùng tên Lisa Brennan-Jobs. Ông cố gắng là một người cha tốt, nhưng có những lúc ông trở nên rất lạnh lùng và xa cách. Khi Lisa cảm thấy đến lúc phải trốn thoát, cô đến ở nhờ nhà mấy người bạn sống gần đấy. Powell rất nỗ lực hỗ trợ và cô là người tham dự nhiều nhất những sự kiện diễn ra trong trường của Lisa.
Khi Lisa trưởng thành hơn lên, dường như cô sớm bộc lộ khả năng. Cô tham gia nhóm làm báo ở trường học,The Campanile, và trở thành người đồng xuất bản. Cùng với người bạn học cùng lớp, Ben Hewlett, con trai lớn của người đã trao cho bố của cô công việc đầu tiên trong đời, cô đã phơi bày những bí mật khiến ban giám hiệu nhà trường phải đối mặt với nhà cầm quyền. Sau khi tốt nghiệp trung học, cô biết mình muốn đi về phía đông. Cô đăng ký vào đại học Harvard - mạo chữ kí của bố trong tờ đăng ký bởi vì lúc ấy ông vắng nhà - và được nhận vào học khoá 1996.
Ở trường Harvard, Lisa làm việc cho tờ báo của trường, The Crimson và sau đó là một tạp chí văn học, The Advocate. Sau khi chia tay với bạn trai, cô ra nước ngoài một năm, theo học ở trường Đại học King, London. Mối quan hệ của cô với bố vẫn lùm xùm trong suốt những năm đại học của cô. Mỗi lần trở về nhà, những cuộc tranh cãi về những vấn đề nhỏ nhặt như chuyện nên ăn món gì trong bữa tối, cô đã biết quan tâm đến mấy đứa em cùng cha khác mẹ hay không - cũng làm mọi chuyện hỏng bét, và họ có thể không nói chuyện với nhau trong vài tuần, thậm chí vài tháng.
Những cuộc tranh cãi đôi khi căng thẳng tới mức Jobs đã có lúc muốn ngừng hỗ trợ tài chính cho cô, và cô phải vay tiền của Andy Hertzfeld và những người khác. Có lúc Hertzfeld đã cho Lisa vay 20.000 đô-la khi cô nghĩ rằng bố mình sẽ không chi trả tiền học cho cô nữa.
"Ông ấy nổi điên lên với tôi vì cho con bé vay tiền," Hertzfeld nhớ lại, "nhưng sáng sớm hôm sau ông ấy đã gọi lại và yêu cầu kế toán của ông chuyển tiền lại cho tôi ngay." Jobs cũng không tới dự lễ tốt nghiệp của Lisa vào năm 2000. ông nói, "Con bé thậm chí còn chẳng thèm mời tôi."
Tuy vậy, cũng có những khoảng thời gian êm đẹp với cả hai cha con trong suốt những năm đó, có thể kể đến mùa hè khi Lisa trở về nhà và chuẩn bị biểu diễn ở một buổi hoà nhạc gây quĩ cho Hiệp hội Điện tử Không biên giới, một nhóm những người ủng hộ cho sự phát triển của công nghệ.
Buổi hoà nhạc diễn ra ở Hội trường Fillmore ở San Francisco, với sự góp mặt của những ban nhạc rock lừng danh như Grateful Dead, Jefferson Airplane và nghệ sĩ ghita Jimi Hendrix. Cô hát khúc tráng ca của Tracy Chapman Talkin' bout a Revolution (Hãy nói về cách mạng) {"Những kẻ nghèo hèn rồi sẽ vùng lên / Và giành lấy những gì họ xứng đáng được hưởng") trong khi bố cô đứng hẳn dậy, trên lưng vẫn địu bé Erin, khi ấy mới 1 tuổi.
Mối quan hệ thăng trầm giữa hai bố con vẫn tiếp tục như vậy ngay cả sau khi Lisa chuyển đến Manhattan và trở thành cây bút tự do. Vấn đề càng trở nên trầm trọng hơn khi Jobs làm Chrisann vỡ mộng về chuyện tiền bạc. Trước đó ông đã mua một căn nhà trị giá 700.000 đô-la cho Chrisann và để Lisa đứng tên, nhưng Chrisann đã thuyết phục con gái ký giấy bán nhà, dùng tiền đó đi du lịch với một vị đạo sư và sống ở Paris. Đến khi cạn túi, cô trở lại San Francisco và trở thành nghệ sĩ sáng tạo "tranh ánh sáng" và biểu tượng Phật giáo. "Tôi là "Người Kết Nối" và là người có tầm nhìn góp phần tạo ra tương lai của loài người và các thế hệ sau của Trái Đất," cô đã viết như vậy trên trang web của mình (mà Hertzfeld duy trì giúp cô). "Tôi cảm nhận những hình dạng, màu sắc và những tần số âm thanh của sự rung động huyền bí, nhờ đó tôi sáng tạo và sống với những bức hoạ." Khi Chrisann cần tiền để phẫu thuật xoang và điều trị nha khoa, Jobs từ chối chi tiền, vì thế mà Lisa không nói chuyện với ông trong vài năm trời. Và các sự vụ kiểu vậy cứ lặp đi lặp lại.
Mona Simpson đã biến tất cả những chất liệu thực tế ấy, cộng thêm sự tưởng tượng của mình trở thành nguồn cảm hứng cho cuốn tiểu thuyết Anh chàng Hoàn hảo của mình, xuất bản năm 1996. Nhân vật chính trong cuốn sách dựa trên nguyên mẫu của Jobs, và tất nhiên có một vài chi tiết phóng đại từ thực tế: Cuốn sách mô tả chuyện Jobs hào phóng mua tặng cho một người bạn quí bị bệnh suy thoái xương một chiếc xe hơi đặc biệt, và mô tả chính xác rất nhiều phương diện thô ráp trong mối quan hệ của ông với Lisa, kể cả chuyện ông bị bố mẹ ruột bỏ rơi từ khi mới chào đời. Nhưng có những phần thì hoàn toàn hư cấu; như chuyện Chrisann đã dạy Lisa lái xe từ rất sớm, ví dụ trong sách có cảnh cô bé "Jane" 5 tuổi tự mình lái một chiếc xe tải qua núi để đi tìm cha, tất nhiên chuyện đó không bao giờ xảy ra. Thêm nữa, có những chi tiết nhỏ trong cuốn tiểu thuyết, theo như cách nói của dân báo chí, là quá dễ đoán ra nguyên mẫu ngoài đời chính là Jobs, ở ngay những câu đầu tiên: "Anh ấy quá bận rộn, đến nỗi chẳng có thời gian để tắm." Bề ngoài, chân dung của Jobs trong cuốn tiểu thuyết hư cấu này có vẻ xù xì, thô ráp.
Simpson miêu tả nhân vật chính của mình là người không hề "thấy có bất cứ lí do nào để chạy theo mong muốn hay sự giật dây của người khác." Câu chuyện vệ sinh cũng là một minh chứng mơ hồ cho hình tượng của Jobs. "Anh ấy không tin vào các chất khử mùi và thường xuyên công khai không che dấu quan điểm nếu có một chế độ ăn kiêng ngặt nghèo và một bánh xà phòng bạc hà, bạn sẽ không bao giờ đổ mồ hôi hay bốc mùi gì hết." Nhưng cuốn tiểu thuyết cũng có rất nhiều tầng nghĩa lãng mạn và phức tạp, và đến cuối con đường là hình ảnh không thể rõ ràng hơn về một người đàn ông bị mất quyền kiểm soát một công ty vĩ đại mà ông ta chính là người sáng lập và người đàn ông đó đã học cách trân trọng đứa con gái mà anh ta bỏ rơi. Cảnh cuối cùng của tiểu thuyết là hình ảnh người đàn ông nhảy với cô con gái của mình.
Sau này Jobs có nói rằng ông không hề đọc cuốn tiểu thuyết đó. "Tôi nghe mọi người nói cuốn tiểu thuyết ấy viết về tôi," ông kể với tôi, "và nếu như nó nói về tôi, thì tôi sẽ rất rất bực mình, mà tôi thì lại không muốn nổi cáu với em gái của mình, thế nên tôi không đọc cuốn sách đó làm gì cả." Tuy nhiên, vài tháng sau khi cuốn sách ra mắt, ông lại kể với tạp chí New York Times rằng ông có đọc nó và thấy hình ảnh của mình trong nhân vật chính. "Có khoảng 25% trong nhân vật ấy thực sự là tôi, nhất là phong cách," ông nói với ký giả, Steve Lohr. "Và tôi chắc chắn sẽ không nói cho anh biết đó là 25% nào." Vợ của ông, trên thực tế, đã nói rằng Jobs có liếc mắt nhìn cuốn sách và nhờ bà đọc nó giúp ông để xem ông nên làm gì với nó.
Simpson có gửi bản thảo đến cho Lisa xem trước khi xuất bản, nhưng lúc đầu cô bé không hề đọc trừ đoạn mở đầu. "Trong vài trang đầu, tôi bắt gặp gia đình của tôi, những chuyện phiếm, những chuyện, những suy nghĩ của tôi và bản thân tôi trong nhân vật Jane," cô nhớ lại. "Và kẹp giữa những sự thực là những hư cấu - giả dối đối với tôi, khiến chúng trở nên nguy hiểm hơn bởi sự tiệm cận với sự thật của chúng." Lisa đã bị tổn thương và cô viết một bài báo ngắn cho tờ Advocate của trường Harvard để giải thích tại sao. Bản nháp đầu tiên rất cay đắng, sau đó cô hạ tông xuống một chút trước khi xuất bản bài viết. Cô cảm thấy tình bạn giữa cô với Simpson bị xúc phạm. "Tôi không biết rằng, trong sáu năm ròng ấy, Mona đang thu thập thông tin," cô viết. "Tôi không biết rằng trong khi tôi tìm kiếm sự an ủi nơi cô ấy, nhận lời khuyên của cô ấy, thì cô ấy, ngược lại, cũng đang nhận của tôi." Cuối cùng Lisa cũng làm lành với Simpson. Họ cùng nhau đến một tiệm cà phê để bàn luận về cuốn sách và Lisa nói rằng Simpson sẽ không thể nào kết thúc được cuốn tiểu thuyết. Simpson nói với Lisa rằng ròi cô sẽ thích cái kết của nó. Trong nhiều năm, Lisa đã có mối quan hệ phập phù với Simpson, nhưng dù sao mối quan hệ đó cũng gần gũi hơn, theo nhiều cách khác nhau, so với mối quan hệ giữa cô và bố mình.
Con cái
Khi Powell sinh con đầu lòng, năm 1991, chỉ vài tháng sau đám cưới với Jobs, trong hai tuần đầu, đứa bé chỉ được biết đến với cái tên "chàng Jobs con", bởi vì lựa chọn một cái tên cho em bé hoá ra chỉ ít khó hơn so với lựa chọn một cái máy giặt chút xíu mà thôi. Cuối cùng họ đặt cho con trai cái tên là Reed Paul Jobs. Tên đệm rõ ràng là đặt theo tên của ông nội, còn tên chính thức (mà cả Jobs và Powell đều quả quyết) rằng nó được chọn là vì đó là một cái tên đọc lên nghe rất hay, chứ không phải vì nó là tên trường đại học của Jobs.
Reed rất giống cha ở nhiều điểm: sắc sảo và thông minh, với cặp mắt sâu thẳm và một vẻ duyên dáng mê hoặc. Nhưng không giống như bố mình, cậu có cách ứng xử rất ngọt ngào và có vẻ thanh tao dung dị. Cậu cũng rất sáng tạo - cũng giống những đứa trẻ con khác, cậu thích vận những trang phục hoá trang và chơi trò đóng vai - và sau này trở thành một sinh viên tuyệt vời, ham thích khoa học. Cậu thừa hưởng ở cha mình cái nhìn chằm chằm, nhưng cậu rõ ràng rất tình cảm và dường như không có một chút ác nghiệt nào ẩn trú trong con người cậu.
Erin Siena Jobs sinh năm 1995. Cô bé ít nói và đôi khi phải chịu đựng cảm giác không được cha chú ý đến nhiều lắm. Cô có chung niềm đam mê đối với thiết kế và kiến trúc với cha mình, nhưng cô cũng học được cách giữ khoảng cách tình cảm nhất định, để đảm bảo sẽ không bị tổn thương bởi sự xa cách của ông.
Cô bé nhỏ tuổi nhất, Eve sinh năm 1998, và cô bé trở thành đứa trẻ có cá tính mạnh mẽ nhất, bùng nổ và hài hước nhất, đứa bé hơi bất cần cũng như không dựa dẫm, biết cách điều khiển bố, biết đàm phán với bố (đôi khi thắng), và thậm chí còn trêu chọc bố. Jobs từng nói đùa rằng một ngày nào đó, nếu cô không trở thành tổng thống của nước Mỹ, thì cô sẽ là người điều hành Apple.
Jobs có một mối quan hệ bền vững với Reed, nhưng đối với hai cô con gái, ông có vẻ xa cách hơn. Cũng như đối với những người khác, đôi khi ông tập trung vào chúng, nhưng thường thì ông hoàn toàn phớt lờ chúng những lúc đầu óc ông bị những thứ khác chi phối, "ông ấy tập trung vào công việc, và nhiều lúc, ông ấy như không dành thời gian cho lũ con gái," Powell nói. Có lúc Jobs bày tỏ sự kinh ngạc với vợ khi thấy lũ trẻ đã được nuôi dạy tốt đến mức nào, "nhất là khi chúng ta không thường xuyên dành thời gian cho chúng." Câu nói này vừa làm Powell buồn cười, vừa làm cô cảm thấy tủi thân, bởi vì cô đã phải từ bỏ sự nghiệp khi Reed lên hai tuổi và quyết định có thêm những đứa bé khác.
Năm 1995, CEO của Oracle, Larry Ellison tổ chức sinh nhật thứ 40 cho Jobs và mời rất nhiều ngôi sao công nghệ cùng những nhân vật đình đám tới dự. Ellison sau này trở thành bạn thân của gia đình, ông thường đưa cả nhà Jobs đến những dinh thự xa hoa của mình. Reed bắt đầu gọi ông là "người bạn giàu có của chúng ta", để trêu chọc sự thật là cha của cậu đã phải kiềm chế rất nhiều để không phô phang tài sản. Bài học mà Jobs thu nạp được từ những ngày nghiên cứu Phật học là sở hữu của cải vật chất thường chỉ làm cho cuộc sống thêm hỗn mang chứ không thêm giàu có. "Tất cả những vị CEO khác mà tôi biết đều có két sắt cá nhân," ông nói. "Thậm chí họ còn để chúng trong nhà. Cách sống như vậy thật điên rồ. Chúng tôi chỉ quyết định rằng đó không phải là cách sống mà chúng tôi muốn nuôi dạy bọn trẻ."