Người đó nói: Dĩ nhiên bốn mươi người đó không hề biết, nói là đánh, nhưng người kia còn chưa động thủ, bốn mươi người đã chết cả.
Mọi người không tin, nói: Nói vớ vẩn, không động thủ thì làm sao giết được ai.
Người đó nói: Đồ ngốc, không động thủ thì động kiếm, ta chẳng kể là người đó mang theo một thanh kiếm còn gì? Thanh kiếm đó ở trên trời được dùng để đẽo gọt núi, ngươi xem ngọn Thái Hàng, chính là được gọt từ thanh kiếm đó đấy.
Mọi người nói: Thế thì bốn mươi người kia làm sao đỡ được.
Người đó nói: Đúng thế, thanh kiếm đó gọt kim cương như gọt dưa vậy.
Mọi người đều kinh ngạc thốt lên: Gọt dưa! Gọt dưa thì quá dễ ấy chứ.
Người đó nói tiếp: Đúng thế, y như gọt dưa vậy, tôi không gạt các vị đâu, tôi tận mắt nhìn thấy vết đứt trên thân cột.
Có người nói chen: Kim cương cứng khủng khiếp, có làm thế nào cũng không tách ra được, dưa thì quá dễ gọt rồi.
Lại có người phản đối nói: Nói vớ vẩn, dưa phân làm nhiều loại, loại dưa ở làng tôi trồng không dễ gọt vậy đâu, loại dưa này vỏ cứng ruột ngọt, là loại đặc biệt, được cống lên đức thánh thượng đấy.
Người bên cạnh nói: Đúng là thanh kiếm trên trời.
Người làng dưa lại nói: Loại dưa đó mọi người đều bảo là dưa trời, mười tám năm trước, trên trời có vị thần tiên khi ăn dưa đã vô ý nhổ hạt xuống trần gian, hạt dưa đó rơi đúng xuống ruộng của ông lão Hồ Bá Tôn ở làng tôi, thế là nảy lên loại dưa này, nó khác với loại dưa các vị đã thấy, toàn là đồ trên trời cả, chắc không cắt gọt được.
Có người phản đối, nói: Nói vớ vẩn, con người đều là đồ trên mặt đất, vẫn chém giết nhau được đấy thôi.
Người làng dưa nói: Thôi đừng nói nữa, loại dưa đó ưa tĩnh, phải lớn dần dần, năm nay chẳng biết tại sao, thỏ hoang nhiều vô kể, cứ rúc vào mấy bụi dưa, khiến dưa không lớn được.
Có người nói: Loại dưa đó không lớn được chắc không bán được giá đâu.
Một cụ già vuốt râu nói: Vậy thì ngươi không biết đó thôi, hàng hiếm luôn đắt giá, dưa ít đi thì giá lại cao ấy mà.
Có người nói xen rằng: Ít nhất cũng bằng giá thỏ hoang.
Có người nói: Cứt, con sống chắc chắn đắt hơn con chết.
Có người nói: Phét lác, thỏ hoang chẳng đáng mấy đồng. Nhan nhản khắp nơi.
Có người nói: Nhưng thỏ hoang khó bắt.
Có người nói: Khó bắt nhưng khó ăn.
Mỗi người một câu, cuối cùng bên bảo dưa đắt và bên bảo thỏ đắt bắt đầu cãi lộn, chẳng bên nào chịu thua, nhao nhao đưa ra các lý do vì sao thỏ đắt hoặc vì sao dưa đắt, cãi nhau đến đỏ mặt tía tai, bên bảo thỏ đắt nói được mấy câu, trong đám bảo dưa đắt đột nhiên có người đứng dậy, không biết rút được con dao từ đâu, tự dưng quát lớn: Ông mày bảo dưa đắt, thằng nào bảo thỏ đắt hơn, ông mày chém thằng đấy.
Tiếp sau đó toán người nhặng xị lên cả, kẻ rút dao, người móc dao găm, người vác ghế lên đánh, nháo nhào lao vào chém giết. Tôi và Hỷ Lạc thấy sự việc không liên quan đến mình, lập tức rời ra ngoài quán đứng nhìn. Bên trong đúng là nhốn nháo chưa từng thấy, mấy chục con người và hàng chục loại binh khí tạo thành một đám hỗn loạn, vì trước đó chẳng ai quen biết nhau, sau khi trận thế đại loạn thì chẳng biết ai vào với ai nữa, thành ra khó tránh khỏi việc kẻ cho rằng thỏ đắt đánh một kẻ khác te tua, kẻ bị đánh te tua trước lúc tắt thở vẫn cố nói: Có đánh chết tao vẫn bảo giá dưa đắt. Gặp tình huống ấy, đành phải nghiến răng đánh chết kẻ đó. Sau cùng, mọi người đều bị đánh sưng cả mắt, song vẫn còn lý trí chán, trước khi đánh vẫn hỏi: Thỏ hay dưa? Thấy bất đồng ý kiến mới ra tay. Có một tên bảo thỏ đắt quay ra hỏi một người lạ: Thỏ hay dưa? Người kia định nói: Dưa làm sao đắt hơn thỏ được. Song vừa thốt ra một từ, lập tức bị ghế đẩu nện cho ngất lịm, tình cảnh thảm thê không nỡ nhìn, điều đó chứng tỏ trong giờ phút hệ trọng nói năng không cần quá chú ý đến văn vẻ. Họ cứ thế đánh nhau, cuối cùng người bị thương, người bị chết, người bị hôn mê, tất cả đều nằm bò ra đất, chỉ còn lại một người cho rằng dưa đắt hơn vẫn có thể đứng vững, người đó bò lên bàn, định nói gì đó thì phát hiện ra mình đã choáng váng rồi, không nhớ rõ lập trường của mình rốt cuộc cho rằng thỏ đắt hay dưa đắt nữa, liền không ngớt dằn vặt, đột nhiên phát hiện ở ngay dưới chân có kẻ bị mình đánh đến gần hấp hối, thế là nghĩ nếu hỏi kẻ đó xem lập trường của hắn là gì, ắt sẽ biết lập trường của mình, đoạn liền bước tới, tóm lấy người đó, hỏi: Thỏ hay dưa? Người đó vốn cho rằng thỏ đắt, thấy kẻ thù lại lao đến, vì muốn giữ tính mạng, đành giả bộ cùng phe với tên tráng sĩ, vội tráo lời, nói: Dưa, dưa đắt hơn. Tên kia cười lớn, nện một đấm đánh ngất người kia, sau đó lại nhảy lên bục, quát những tên nằm la liệt dưới đất: Ha ha, rốt cuộc thỏ vẫn đắt hơn!
Lúc này, phía dưới có một vị nhân sĩ cho rằng dưa đắt hơn chân tay đều đã bị chặt đứt, nhận ra người đứng trên bàn, biết rằng anh ta đã nhầm phe, bèn nhắc: Huynh đệ! Huynh đệ! Huynh đệ nhầm rồi, là dưa đắt hơn!
Hậu quả dĩ nhiên người vừa phát ngôn bị chém chết bởi một lưỡi dao.
Tôi và Hỷ Lạc đều mắt tròn mắt dẹt.
Quan binh mãi đến lúc này mới tới, tức tốc chế ngự tên kia, chia ra kẻ sống người chết, tất tật khiêng tới Thành vụ phủ, sau đó những kẻ sống sót sau khi được cứu sống đều bị giam ít nhất năm năm, nhiều nhất là hai mươi năm, có chín người chết, tên tráng sĩ lầm lẫn kia vì là kẻ giết người cuối cùng, bị quan binh nhìn thấy nên bị hạ lệnh tử hình, khi xử tử hắn vẫn còn hét lớn: Cả đời ta là một hảo hán, muốn thế nào là thế nấy, nói thế nào là thế nấy, hôm nay các ngươi giết ta, ta có ra ma vẫn nói thỏ đắt hơn! Hơn ba chục tên còn sống được phân làm hai tốp nhốt vào trong ngục. Bất luận thế nào, phạt như vậy cũng không nặng, mang theo kiếm đã bị phạt năm năm rồi, huống hồ lại đánh nhau tập thể trong thành Trường An, gây ra chuyện lớn, làm chết đến chín người. u đó cũng là việc sau này.
Sau khi tận mắt chứng kiến màn ly kỳ đó, tôi và Hỷ Lạc cảm thấy rất hoang mang. Hỷ Lạc nói, bởi chúng tôi từ nhỏ đã không sống trong xã hội, cho nên không thể lý giải được cách nghĩ của những người ấy. Tôi nghĩ, tôi có thể hiểu được những gì họ nghĩ, bởi đến lúc tức đỏ máu mắt lên, mọi người chẳng ai nghĩ gì nữa cả. Xét toàn bộ sự việc này, tôi dường như nhìn ra ý nghĩa chân thực ở bình diện rộng hơn. Hoặc giả có thể nói, thế giới này chẳng phải cũng như vậy đó sao.
Có điều, tôi cảm thấy việc bản thân mình bị đồn đại thành thần tiên rất thú vị. Điều này lẽ nào cũng là thú vui của Vô Linh – Dương Chính Cương, trông thấy một cái tôi hoàn toàn chẳng can hệ gì.
Lang thang quanh các cửa hiệu một hồi, vầng dương đã dần chuyển đỏ, sắp núp sau những tòa lầu hoa lệ. Rất nhiều cửa hiệu đóng cửa từ rất sớm, Hỷ Lạc không mua gì cho mình cả, bảo rằng phải tiết kiệm. Sau đó chúng tôi đi khắp nơi tìm quán trọ có giá thuê thích hợp, Hỷ Lạc thấy nếu có được một chỗ nghỉ chân, thì đỡ phải đi tìm quán trọ, sẽ có thể tiết kiệm được một chút. Tôi nói, chắc chắn phải tìm quán trọ, trừ phi ở mỗi một tòa thành đều có một chỗ ngồi nghỉ, nhưng nếu được như vậy rồi thì có cần tiết kiệm nữa không?
Quán trọ trong thành chia ra làm mấy hạng, hạng thượng đẳng thì không gọi là quán trọ mà gọi là chủ lâu, bởi tiền phải trả cho mỗi tối nhiều nên từ khách biến thành chủ. Toàn thành Trường An có ba chủ lâu, toàn quốc cũng chỉ có năm tòa, mỗi toàn đều được các ông lớn trong Bộ Nội vụ đích tay đề cho một chữ “Tốt”, ý nghĩa đương nhiên là rất tốt, chuyên dành cho các vị đại quan, quý tộc đến ở, trước cổng canh gác thâm nghiêm, bên trong chỗ nào cũng có người phục dịch, lại còn có sân vườn, có cầu nhỏ, suối mát, mỗi phòng rộng hơn hai trăm thước, được trang trí hết sức tinh xảo, hoa lệ, mỗi tối phải chi trả năm mươi lạng bạc trắng. Song ông chủ tòa lầu ấy không kiếm được nhiều tiền bằng ông chủ của các quán trọ thông thường, chẳng qua có cái lợi là quen biết được nhiều vị yếu nhân mà thôi. Bởi lẽ đại đa số các quý tộc đều có phủ đệ của riêng mình, nếu ra ngoài công cán, dĩ nhiên họ sẽ làm việc với một quý tộc khác, vậy nên sẽ ở phủ đệ của quý tộc đó. Chỉ có các quan đại thần mới ở chủ lâu, tuy nhiên thường thì các quan đại thần toàn sử dụng hình thức giao dịch bồi hoàn tín dụng hoặc ghi sổ nợ, chưa bao giờ thấy họ sử dụng tiền mặt, vậy nên ông chủ chủ lâu đành phải dựng rạp vui chơi hát hò thật lớn, gọi những cô nương đẹp nhất trong toàn thành lại, lúc ấy mới thấy tiền mặt, mới có thể bòn rút được một chút để gượng sống qua ngày.
Hạng thứ hai thì nhiều, đẳng cấp cũng khác nhau, hạng này trên biển hiệu được đề một chữ “Thường”, tức là mọi thứ đều bình thường, thịt thà ăn vào về cơ bản không phải thịt người, điểm này rất quan trọng, giá cả có thể không tới một phần mười, người bình thường cũng ở được.
Hạng thứ ba càng nhiều hơn nữa, hạng này không được đề bất cứ chữ gì, cũng rất có thể là hắc điếm, mấy chục người một phòng, tôi thấy chẳng thà ngủ dưới gốc cây còn yên tâm hơn.
Chúng tôi tìm lấy một quán trọ hạng hai, sau đó nhanh chòng nằm ngủ, nghĩ bụng đến ngày mai còn phải đi lấy kiếm.
Sáng sớm hôm sau, tôi bước ra phố liền phát hiện thành Trường An có lệnh giới nghiêm. Giới nghiêm tức là tất cả cửa hàng cửa hiệu đều phải đóng cửa, mọi người không được ra khỏi nhà, không được phép ra vào thành, ai nấy phải ở yên một chỗ. Trên đường chỉ có quan binh và một số người có việc quan trọng đi lại. Tôi và Hỷ Lạc tì người lên cửa sổ nhìn ra ngoài. Hỷ Lạc hỏi tôi: Huynh đang nghĩ gì vậy?
Tôi nói: Nghĩ xem lát nữa đi lấy kiếm thế nào, có khi chúng ta bị lừa cũng nên.
Hỷ Lạc nói: Muội cảm thấy huynh đã khác trước rồi.
Tôi nói: Không thể nào. Chưa trải qua việc lớn nào thì làm sao đã khác trước được.
Hỷ Lạc nói: Huynh khác so với hồi ở trong chùa.
Tôi nói: Thực ra vẫn thế thôi.
Hỷ Lạc nói: Huynh vẫn đau đáu với thanh kiếm đó, dù sao kiếm cũng chỉ là một thứ ngoại vật thôi mà.
Tôi nói: Huynh cảm thấy, khác với lời đồn đại, chúng ta là những người như nhau thôi, có thanh kiếm đó bên mình, bản thân cảm thấy rất an toàn.
Hỷ Lạc nói: Thì ra huynh cũng cần cảm giác an toàn.
Tôi nói: Đúng thế, có thể nghĩ thế này, những người khác thực sự bạo dạn ra đường. Còn huynh thì luôn cảm thấy mình là người tốt, sư phụ thì suýt bảo huynh là chúa cứu thế, nhưng bản thân huynh hiểu rõ nhất chuyện gì đang xảy ra.
Hỷ Lạc nói: Vậy lúc nào thì chúng ta đi lấy kiếm?
Tôi nói: Ngay bây giờ.
Dọc đường suôn sẻ, không bị quan binh ngăn chặn, tới căn nhà ở ngã rẽ, chúng tôi đẩy cửa bước vào. Phát hiện trong nhà không một bóng người, tôi và Hỷ Lạc liền kiếm tìm khắp chỗ, vẫn không thấy còn lại một thứ gì. Trong lòng tôi bất chợt cảm thấy hẫng hụt. Tìm lại một lượt, phát hiện thanh kiếm ở đầu giường ông lão, trên kiếm có khắc một dòng chữ, tôi và Hỷ Lạc cũng lúc cảm thấy có lẽ dòng chữ đó đại loại sẽ là những câu kiểu như “giang hồ hiểm ác, thùy chủ phù trầm”, ai ngờ nhìn kỹ lại thì là: Ta đi một chuyến, gặp lại nhau sau.
Chúng tôi vừa ra khỏi cửa lập tức vướng phải phiền phức, chạm mặt ngay hai tên quan binh đang đi tuần đơn lẻ, trông thấy chúng tôi, họ đột nhiên thay đổi sắc mặt, đoạn tiến lên chất vấn: Ngươi có biết ra đường không được cầm kiếm không hả, giờ có lệnh giới nghiêm, còn không được phép dắt theo ngựa, con này tuy là con lừa, song cũng cùng một giống, ngươi phải đi cùng chúng ta một chuyến rồi.
Tôi nói rõ lý do tới đây, giống như lần ở cửa thành lúc trước. Song lần này lệnh giới nghiêm quả nhiên nghiêm ngặt, dẫu nài nỉ thế nào cũng vô dụng, tôi đành nói: Xin hai vị nương tay, chớ cản đường, tôi biết lần này tới đây ắt sẽ bị tù năm năm, song tôi quả có việc quan trọng.
Hai người đó cứ cố chấp không chịu khoan nhượng.
Tôi rút kiếm, tới mũi kiếm liền lập tức thu lại, hỏi: Đã thấy rõ chưa?
Hai người trợn tròn mắt nhìn, không hề phản ứng.
Tôi hỏi Hỷ Lạc, đồng thời nói: Đi thôi!
Hỷ Lạc nói: Nói cho rõ ràng thì hơn.
Tôi gắng lôi Hỷ Lạc đi, được mấy bước, tôi liền nói, muội quay lại xem.
Hỷ Lạc quay đầu lại, bất chợt cơ thể của hai kẻ kia bỗng đứt làm đôi, rơi xuống đất.
Hỷ Lạc nôn ọe tại chỗ, kinh ngạc nhìn tôi. Chúng tôi lẳng lặng quay về quán trọ.
Hỷ Lạc chất vấn: Sao huynh lại giết người hả?
Tôi nói: Nếu không sẽ rất rắc rối, muội cũng thấy đấy.
Hỷ Lạc nói: Nhưng huynh có thể đánh cho họ ngất.
Tôi nói: Vậy thì đến khi họ tỉnh dậy, chúng ta muốn chạy trốn cũng không thoát được.
Hỷ Lạc nói: Bất kể thế nào, sau khi cầm thanh kiếm này huynh cũng đã khác trước.
Tôi nói: Hỷ Lạc ơi, không phải vậy, giờ tình hình của ai cũng nguy hiểm cả, bên ngoài giới nghiêm, chắc chắn đã có chuyện lớn xảy ra, huynh đoán huynh đệ Thiếu Lâm ở các núi khác đã tập hợp lại báo thù rồi.
Hỷ Lạc tới trước quầy nghe ngóng, tên tiểu nhị nói, không biết đã xảy ra chuyện gì, chắc là có liên quan tới các bang phái. Trong dân gian quả có rất nhiều bang phái, các phải nhỏ thì nhiều vô kể, kết bè kết cánh cũng nhanh hơn sức tưởng tượng, ví như vụ thỏ và dưa hôm trước, trong chốc lát đã có hai bang phái. Phái nhỏ không nói làm gì, phái vừa có bảy tám bang, bốn năm giáo đoàn, do triều đình trước nay không cai quản, cho nên số người ngày một đông lên. Bang phái lớn hơn một chút có Thiếu Lâm và Võ Đang, một bên Phật giáo một bên Đạo giáo, sở dĩ trở thành bang phái lớn là bởi sau lưng có chỗ dựa tinh thần. Sự khác biệt ở Phật và Đạo là ở chỗ, bên Phật thì nếu anh đánh chết tôi tức là anh đã siêu độ cho tôi, còn bên Đạo, nếu anh đánh tôi không chết tôi sẽ siêu độ cho anh. Tuy nhiên trên thực tế chẳng có ai bằng lòng để người khác đánh chết, ai cũng muốn ở lại thế gian cực khổ, bởi thế gian vẫn có cảm giác quen thuộc hơn. Sự việc diễn biến đến cuối cùng, sự khác biệt không còn quá lớn, vả lại sau lưng đều có sự ủng hộ của triều đình. Ngoài ra, từ xưa đã có Cái bang, tức là một bang phái do bọn ăn xin hợp thành, đám ăn xin vốn dĩ rất đông, không cần tổ chức, trong khi trưởng lão của Cái bang tuy đức cao vọng trọng, song vẫn là một tên ăn mày, vậy nên triều đình thường mặc kệ. Bất kể là việc gì cũng đều không nên nghĩ nhiều, không cần thiết phải truy cứu sâu xa, bang phái này là bang phái ăn mày tập thể, nghĩ đến đó là được, mà cũng là chính xác nhất.
Tôi cảm thấy bên ngoài chắc chắn đã xảy ra rất nhiều việc, cần phải gấp rút ra khỏi thành. Song khi nghĩ đến việc đã ra khỏi thành, thường lại cảm thấy trong thành sẽ xảy ra nhiều việc, sẽ phải gấp rút quay trở lại. Hỷ Lạc nói: Hay chúng ta cứ đợi xem sao đã!
Trong khi chờ đợi, chúng tôi nghe được rất nhiều lời đồn đại, đầu tiên là việc ở Trục thành bắt đầu có cuộc quyết đấu, các bang phái cần suy tôn ra một minh chủ. Tiếp theo đó là việc sư phụ Huệ Cảnh ở chùa Thông Quảng lần trước bị thương nay đã bị ám sát. Ngoài ra còn có lời đồn rằng hành vi của Võ Đang đã xúc phạm tới trời, Quá Sa đã bị chôn vùi trong bão cát, vân vân. Lời đồn kỳ quái đến mức nào cũng có. Nghe nói có người đã bắt đầu tích trữ lương thực. Tôi và Hỷ Lạc vẫn quyết định rời thành là tốt hơn cả.
Cũng may, lệnh giới nghiêm trong thành đến trưa là kết thúc. Tôi và Hỷ Lạc đi ra cửa đằng Tây, phát hiện thấy có hai con đường, một đường tới Trục thành, một đường tới Tuyết Bang. Tuyết Bang là một thành trì nổi tiếng cách Trường An mấy trăm dặm về phía Bắc, vì gần tới biên giới nên rất nhiều bang phái lớn nhỏ đóng chốt ở đây, nghe nói Võ Đang gần đây cũng chuyển tới đó. Có thể đoán rằng nơi đó đã trở thành nơi ma quỷ tác oai tác quái. Bên cạnh Tuyết Bang là A Vệ Liêu, trước vốn không thuộc Trung Hoa, về sau chẳng biết thế nào lại sát nhập vào bản đồ mặc dù còn chưa động tới binh đao. Nay thì A Vệ Liêu là nơi trọng binh của triều đình đóng quân, ngoài Trường An. Đây là nơi chúng tôi chưa từng tới, còn Trục thành gần như không còn nghĩa lý gì nữa.
Vậy thì, tới A Vệ Liêu để làm gì? Tôi luôn cảm thấy sứ mệnh của mình là báo thù cho Thiếu Lâm, nhưng dường như mối thù đó tức khắc đã được báo trả, song có lẽ không đơn giản như vậy, tóm lại tôi thấy vẫn chưa đủ, cần phải làm tiếp.
Con Lép sau một thời gian cọ xát với thực tế, xét về phương diện tốc độ và độ bền bỉ, nó đều có những tiến bộ đáng kể, vả lại còn học được cách giao tiếp với con người, nó cứ chớp chớp mắt nhìn, với bộ dạng như thể sắp bị bắt nạt khiến Hỷ Lạc yêu nó vô cùng. Tôi nghĩ việc tôi giết một lúc hơn bốn mươi người ở Quá Sa chắc hẳn chưa được điều tra rõ ràng, hoặc giả triều đình có cách suy tính riêng, bằng không nhóm ba người chúng tôi một lừa một trai một gái chắc chắn đã bị tra hỏi cả vạn lần từ lâu rồi. Tôi nhớ lại vụ việc hai chiếc tiêu kỳ lạ phóng về phía chúng tôi lúc ăn cơm lần nọ, đã gây sát thương cho người khác, song đến giờ vẫn chưa rõ tình hình, vả lại quan binh dường như không suy xét việc này, gần đây triều đình như thể đang bận bịu xử lý một cơ số việc riêng, chỉ nghĩ đến thôi cũng đã thấy sợ.
Chúng tôi đi chầm chậm tới Tuyết Bang, nơi mỗi lúc một lạnh. Hỷ Lạc chỉ muốn di chuyển theo thời tiết, còn tôi thì chẳng có yêu cầu gì, dường như tôi lại thích di chuyển ngược lại, ví như mùa đông thì đi lên phía Bắc, mùa hạ lại rời xuống phương Nam là nơi không được coi trọng mấy, có lẽ bởi phía Nam giáp với biển cả, chắc không còn đất đai gì nữa, trong khi phía Bắc cương thổ tựa hồ vẫn rất bao la, không biết rốt cuộc xa xôi đến nhường nào, mười lăm năm trước triều đình từng có một tiểu đội định thăm dò bí mật của miền cực Bắc và khả năng mở rộng biên cương, hoàng thượng chờ đợi tin tức từ đoàn người ngựa đó, thế rồi mười lăm năm qua đi, họ vẫn chưa quay lại, việc ấy thực sự khiến người ta cảm thấy thần bí. Đi về phía Tây, với những mạch núi cắt ngang, đã tới tận cùng réo dắt, mọi người đều cho rằng đầu phía đó là ranh giới giáp với trời, bởi địa thế cao dần, cao đến mức không có đường thông tới, lại càng chẳng có ai đặt chân đến được, muôn ngọn núi ngăn trở, tựa hồ vô biên vô tận, vả lại khác với Trung nguyên nơi mỗi ngọn núi đều có thể ước tính được cao thấp, các ngọn núi ở đó đều có tuyết trắng ôm đỉnh, rất khó ngước trông, lại hết sức choáng ngợp, cho nên hẳn là giới hạn giữa trời và đất.
Song xét trên góc độ quân sự, không thể nào vì giới hạn giữa trời và đất mà coi như xong chuyện, nhất định phải thăm dò, cho dù là phân giới của trời đất, mọi người cũng đều rất muốn biết xem ở đầu đó rốt cuộc thế nào. Đoàn người ngựa ra đi mười lăm năm trước, có lẽ vì vậy mà vẫn chưa thể quay về. Điều đó chứng tỏ, mặt quân sự phía này về cơ bản có thể yên tâm, ngay đến người đi còn không thể quay lại, huống hồ là quân đội xâm lược. Vậy nên mối họa tiềm tàng chính là phương Bắc. Các thành trì ở phương Bắc nhìn chung đều có xu hướng to lớn, tường thành cũng cao, chú trọng vào tính dễ phòng thủ, khó tấn công. Song có một việc tôi vẫn chưa thể hiểu rõ được, vì sao nhất định cứ phải đánh hạ từng thành một, thảng như có đủ binh lực, đánh thẳng một mạch vào Trường An chẳng phải xong luôn sao? Trong khi phần lớn binh lính đều trấn giữ ở các thành trì khác.
Không biết có phải do tác dụng tâm lý hay không, dọc đường tôi cảm thấy mỗi lúc một lạnh. Hỷ Lạc nói, trời đã vào đầu đông rồi. Giang hồ thì chắc chắn không yên bình như trước nữa, bởi dọc đường đi của chúng tôi đều rất yên bình, điều đó có nghĩa là mọi người đều đang bận việc chính. Hỷ Lạc của tôi thì chẳng hiểu gì, bản thân tôi lại không có người bạn giang hồ nào cả, cho nên không thể dò la được tin tức, mọi việc đành gác lại chờ sau khi đến Tuyết Bang.
Mất mấy ngày mơ mơ màng màng, đi ngang qua rìa sa mạc, ngang qua núi thẳm gò hoang, ngang qua thôn làng hẻo lánh, ngang qua rừng sâu nước độc, ngang qua thị trấn xác xơ, ngang qua đình chùa xiêu đổ, song chẳng biết có phải đường tới Tuyết Bang hay không. Chúng tôi đã hỏi rất nhiều người đi đường, họ đều nói chỉ biết phương hướng đại khái, chưa từng đi tới Tuyết Bang, bởi võ công không đủ cao cường.
Hỷ Lạc hỏi tôi: Sao huynh không nghĩ tới việc đi tới các ngôi chùa khác nhỉ, ví dụ như chùa Huệ Tĩnh ở phương Nam, chùa Quảng An gần Trường An, toàn những ngôi chùa lớn cả.
Tôi nói: Huynh từng nghĩ rồi, nhưng tới đó làm gì chứ?
Hỷ Lạc nói: Cũng phải, huynh có thể nhờ họ giúp tìm các vị sư phụ, hoặc giả hỏi xem có biết tung tích phương trượng hay không.
Tôi nói: Ở chỗ họ, muội và huynh chỉ là đệ tử thôi, những việc này có hỏi cũng không rõ, huống hồ biết bố trí muội thế nào đây?
Hỷ Lạc nói: Vậy không tới đó nữa.
Tôi nói: Đúng, tới Tuyết Bang chắc sẽ biết thêm được rất nhiều việc.
Tuyết Bang.
Tôi rất lấy làm kinh ngạc khi chúng tôi lại đến được Tuyết Bang, hơn nữa tường thành ở Tuyết Bang còn cao chót vót, hơn thành Trường An rất nhiều. Bên ngoài tường thành chỗ cổng vào dán đầy những tờ cáo thị truy nã, phải đến hàng trăm tờ, Hỷ Lạc nói: Đi, ra xem có huynh không.
Tôi bước lên trước nhìn, thì ra những tờ giấy truy nã này trông tưởng loạn, nhưng trên thực tế rất có quy củ, kẻ phạm tội nặng nhất được dán ở trên cùng, đọc từ dưới lên, trang đầu tiên được viết thế này.
Đàn ông, không rõ danh tính, nguồn tin cho hay, y cao chừng sáu thước, diện mạo không rõ, mang theo một thanh loan đao cán lớn, trên đao có xâu một vòng sắt, trên vòng sắt trổ một đôi uyên ương, cán đao làm bằng gỗ, sắc gỗ đen, có một vết nứt, lưỡi đao có răng, tổng cộng một trăm linh năm răng, đao dài ba thước.
Vào giờ Tý tiết Thu phân, y tới thôn Nhị Man trêu cợt hai nữ tử (từ “hai” có một gạch chéo) Diêu Tú Hoa, mẹ Tú Hoa phát hiện, nói với bố Tú Hoa, bố Tú Hoa cầm cây gậy gỗ đuổi theo, y rút đao chém loạn, đoạn dân làng phát hiện, y liền cướp đường đào tẩu, đồng thời tiện tay cướp một con gà giống của nhà Tú Hoa, một con gà giống của nhà Diệu Tam Căn, hàng xóm của Tú Hoa, mối ẩn họa thậm lớn, mong những người biết tung tích báo quan.
Tôi và Hỷ Lạc đứng ngây ra đọc, nín lặng cười thầm. Về sau án này nghe đồn không tìm thấy người song lại tìm thấy thanh đao, bồi thường cho nhà Tú Hoa, song bởi Diêu Tam Căn cũng mất gà, nhà Tú Hoa được đao mà Diêu Tam Căn lại không được gì, cho nên không phục, định kiện lên quan. Sau đó quan phán cho Diêu Tam Căn được sở hữu vỏ đao, Diêu Tam Căn vẫn không phục, cảm thấy hai nhà đều mất gà như nhau, vì 2c0 sao nhà Tú Hoa được đao còn nhà tôi chỉ được vỏ, ai ngờ quan mắng ngay tại chỗ, rằng khuê nữ nhà ngươi chưa bị sờ soạng, khoản bồi thường đó là bồi thường về việc mất danh dự, chứ không phải bồi thường vì mất gà. Về sau hai nhà trở mặt, không qua lại với nhau nữa.
Đó là việc nhỏ, càng lên trên cao tình hình càng nghiêm trọng hơn, song đều thuộc vụ án đã hủy bỏ, bởi đầu giấy đều đánh gạch chéo màu đỏ.
Mời các bạn đón đọc chương tiếp theo!