Trường An Loạn Chương 7


Chương 7
Phía trong Vĩnh Triều sơn trang rất rộng lớn, tôi không nhớ nổi đã bị cáng đi qua bao nhiêu cửa,

Cảnh vật xung quanh dường như cứ biến đổi luôn, lúc thì cảnh hoa sen, khi thì hình chạm khắc, tôi đã không thể trông rõ, cũng không thể nghe rõ, chỉ có tiếng khóc của Hỷ Lạc cứ thút thít bên tai. Tôi nghĩ, ngộ nhỡ lần này không có thuốc giải, thì điều hoàn toàn bất ngờ là: Hỷ Lạc sẽ chôn tôi, đúng là không thể hình dung, mình thì vẫn là mình, nhưng kết quả lại hoàn toàn trái ngược.

Cuối cùng tôi được dừng lại trong căn phòng đầy ngập sách, Hỷ Lạc nhớ con Lép, bảo rằng phải ba ngày nữa mới gặp được nó, Vạn Vĩnh nói, cô nương cứ yên tâm, con ngựa chắc chắn sẽ không sao cả, chỉ có thuốc giải độc là quan trọng thôi. Nói đoạn, liền lấy một chiếc bình trên bàn lên, lắc lắc rồi bảo tôi uống.

Tôi nói: Vạn đại ca, thuốc giải mà sao huynh để lung tung thế?

Một tay thuộc hạ của Vạn Vĩnh nói: Hỏi ít thôi.

Vạn Vĩnh nghiêm mặt, quát: “Ai cho phép ngươi chõ mồm vào? Đừng có láo, về sau vị này là chủ nhân của ngươi đấy.”

Đoạn quay sang nói với tôi: Ừm, bọn tiểu nhân không biết gì, huynh mau uống thuốc giải đi?!

Tôi nói: Tôi uống rồi.

Hỷ Lạc nói: Liều lượng uống thế nào?

Vạn Vĩnh nói: Một ngụm.

Tôi nói: Chết thật, tôi hơi khát, nên uống hết rồi.

Vạn Vĩnh nói: Không sao, mặc dù trên giang hồ bình thuốc này phải hơn tám nghìn lạng bạc, nhưng sơn trang của tôi có đầy tiền, huống hồ vì muốn kết giao với hai vị, cho nên hằng ngày cứ coi bình thuốc này là rượu uống cũng được.

Hỷ Lạc nói: Sao lại đắt thế nhỉ?

Vạn Vĩnh nói: Loại thuốc này… chính là Bách độc tàn nổi tiếng trên giang hồ.

Tôi và Hỷ Lạc đều tỏ ra không hay biết.

Vạn Vĩnh nói: Loại thuốc này có thể tiêu trừ bá độc, hành tẩu trên giang hồ có một bình như vậy, thật là…

Hỷ Lạc nói: Sơn trang của huynh đài đây được xây bằng tiền bán thuốc phải không ạ?

Vạn Vĩnh nói: Không phải, Vĩnh Triều sơn trang nổi tiếng trên giang hồ, lẽ nào hai vị chưa nghe nói đến?

Tôi và Hỷ Lạc đều tỏ ra không hay biết.

Vạn Vĩnh nói: Vậy chứng tỏ hai vị không phải là nhân sĩ giang hồ thật rồi. Thuốc này rất đắt, giá gốc là tám ngàn, thường bán năm vạn lạng một bình, gia phụ là vua độc dược lừng tiếng giang hồ, chuyên chế các loại độc dược, độc hơn những gì hai vị có thể tưởng tượng nhiều. Nhưng gia phụ chẳng qua chỉ là thích chế độc dược mà thôi, chứ không hề thích hạ độc, độc dược ông cụ chế ra xưa nay không bán, song người trong giang hồ đều lăm le các món của ông, đều nghĩ đủ mọi cách để thó giật, cũng may gia phụ võ nghệ cao cường, ngoài thuốc chuột ra thì không để bất cứ thứ nào lọt vào dân gian. Sau đó gia phụ được bản triều chiêu an, rồi thì khi bản triều đánh trận, phàm nơi nào công mãi mà không hạ được, liền dùng chất độc diệt thành là hạ được ngay, ngót nửa giang sơn hiện nay được thu về như vậy đấy, thế mà ông lại phải ấm ức mà chết.

Vạn Vĩnh nói đến đây, sắc mặt sa sầm, nhìn tôi và Hỷ Lạc.

Hỷ Lạc nhìn tôi, một lúc lâu mới nói: Huynh, huynh nghe thấy chưa, vừa nãy huynh đã uống chẵn năm vạn lạng đấy.

Chuyện phiếm thêm đôi câu, cũng có phần lời không chuyển tải được ý. Vạn Vĩnh đích thân đi bố trí chỗ ăn ngủ tiếp đón tôi và Hỷ Lạc, còn tôi và Hỷ Lạc thì đi dạo trong trang viên này. Đây thực là một trang viên rất rộng lớn, phải gấp mấy lần so với chùa của chúng tôi, song cả ngày chẳng thấy một bóng người, có thể vì nó thật quá rộng. Từ thư phòng bước ra, dường như phải mất một lúc lâu mới tới được một cụm kiến trúc khác, mà là những nơi đó đều có người chuyên đứng canh giữ, thân phận cao quý của tôi và Hỷ Lạc có lẽ chưa được thông báo triệt để, mọi người đều nhìn chúng tôi với con mắt cảnh giác.

Tôi nói: Hỷ Lạc, muội có thích căn nhà lớn thế này không?

Hỷ Lạc nói: Muội chẳng thích.

Tôi nói: Muội là con gái, sao lại không ham hố vinh hoa phú quý nhỉ, ha ha.

Hỷ Lạc nói: Huynh xem, mấy cái nhà này rồi sẽ sang tên đổi chủ liền xoành xoạch, người ở đây bất quá là tá túc, ở chóng hay chầy mà thôi, chẳng ai chiếm hữu được cả.

Tôi nói: Nhưng muội xem người ta, vung tay thoải mái, còn mình thì phải nghĩ đủ cách để chuộc thanh kiếm lại.

Hỷ Lạc nói: Huynh không hiểu đâu.

Lúc này sắc trời đã tối, trong một căn phòng nào đó của Vĩnh Triều sơn trang đang có múa hát rất linh đình. Nghe tiếng ngân vọng lại, Hỷ Lạc réo lên đòi đi xem kich. Tôi thì chỉ cảm thấy, chẳng có trò gì đáng xem cả, tự mình xem trò mình diễn, thế là thành kịch rồi.

Chúng tôi tiếp tục đi men theo hành lang dài, sự xa hoa cùng lắm là như thế này mà thôi. Hai bên hành lang là một đầm hoa sen, đúng là nhà giàu có khác, chẳng hiểu sao tôi cứ cảm giác loài hoa sen này ngày nào cũng nở, khiến người ta say đắm. Lại còn cả tiếng hát du dương nữa. Cứ đi về phía trước, liền tới hậu hoa viên. Bấy giờ thâm u. Dưới ánh trăng, đá dăm lởm chởm, hoa cỏ ở đây tôi cũng hoàn toàn chẳng biết tên gọi là gì.

Hỷ Lạc rất sợ các trang viên, muội ấy cảm thấy bất cứ trang viên nào cũng từng xảy ra những chuyện rùng rợn.

Bất kỳ trang viên nào cũng giống nhau, điểm khác biệt có lẽ đều ở nội thật, các căn phòng nơi đây đều đóng kín cửa. Chúng tôi men theo đường cũ trở về, phát hiện ra Vạn Vĩnh đã ngồi trong thư phòng đợi chúng tôi.

Tôi nói: Ngại quá, tôi thấy khoan khoái hẳn ra, nên mới tùy ý đi dạo.

Vạn Vĩnh nói: Kỳ thực tôi biết tin từ rất lâu rồi, mà cũng ngưỡng mộ huynh đài từ rất lâu rồi. Ai cũng biết huynh đài sở hữu một khả năng phi thường, mọi người đều muốn giết huynh đài, bởi ai giết được huynh đài thì người đó đương nhiên sẽ càng phi thường hơn. Tôi nghĩ, chúng ta đều là những người học võ, việc chém giết rất chi vô vị, chỉ cần đánh bại đối phương là được rồi, cho nên vừa biết tin huynh đài rời khỏi Thiếu Lâm, tôi liền đem theo người đi tìm ngay, không ngờ hai vị lại đi chậm đến thế, ngót hai ngày mà mới đi được có mấy mươi dặm.

Hỷ Lạc nói: Tôi chưa hề nghe đến chuyện này, nhưng dọc đường chỉ mỗi mình huynh có ý định đánh chúng tôi thôi, ngoài ra có gặp ai nữa đâu. Vả lại, còn có ai muốn sát hại chúng tôi nữa đây?

Vạn Vĩnh nói: Ơ, cô nương ơi, không phải là sát hại hai vị, mà là sát hại vị huynh đài này, cô nương chẳng qua được đi kèm thôi. Nhưng tóm lại thì chẳng ai là cao thủ cả, cho nên đều muốn gây tiếng vang.

Hỷ Lạc nói: Hừm, tôi nói cho huynh biết, tôi mới lợi hại nhất, vị kia còn phải nghe lời tôi. Những người muốn giết chúng tôi đâu?

Vạn Vĩnh nói: À, sau khi họ hay tin, đều đã lũ lượt tăng tốc truy đuổi, bố trí mai phục khắp nơi, ai dè hai vị lại lề mề đến thế, họ đang đón đầu hai vị cả đấy.

Hỷ Lạc nói: Vậy sao huynh lại không đón lõng chúng tôi ở phía trước?

Vạn Vĩnh nói: À, thì tôi nắm thông tin chậm quá, vì tôi ở Trường An suốt. Vừa trở về, nắm được thông tin tôi liền lập tức đuổi theo ngay.

Tôi hỏi: Vậy… việc này… lẽ nào tôi vừa ra khỏi chùa là để bị truy sát?

Vạn Vĩnh nói: Không nghiêm trọng đến thế đâu, ai mà sát hại được huynh chứ? Tôi xin mạo muội hỏi, quan hệ của huynh đài và Hỷ cô nương đây là thế nào… để tôi tiện bố trí phòng ngủ.

Hỷ Lạc nói: Huynh ấy là chồng tôi.

Vạn Vĩnh cả kinh thất sắc, nói: Nhưng huynh ấy là sư.

Tôi nói: À, là trường hợp chiếu cố ngoại lệ ấy mà.

Vạn Vĩnh nói: Ồ. Vậy hai vị nghỉ chung một phòng là được. Sáng mai trời sáng, tôi sẽ lại tới, đưa hai vị đi thăm thú trang viên, rồi ở lại thêm hai ngày.

Tôi nói: Đa tạ Vạn huynh! Song chúng tôi cần tới Trường An gấp.

Vạn Vĩnh nói: Tới đó làm gì vây?

Tôi và Hỷ Lạc đồng thanh nói: Cũng chẳng biết.

Đêm, trước khi đi ngủ, tôi lại hỏi Hỷ Lạc: Muội có thích căn phòng lớn và cái giường lớn này không?

Hỷ Lạc nói: Muội không thích, bởi vì chúng không phải của muội.

Tôi nói: Không thể nói thế được, mọi căn phòng và mọi chiếc giường đều sống lâu hơn muội, cho nên chỉ có chuyện cả đời muội thuộc về chúng, chứ cả đời chúng chẳng thể nào thuộc về muội, có thể sau khi muội chết còn có người khác.

Hỷ Lạc nói: Mặc kệ. Cái gì của muội là của muội, có chết muội cũng phải mang theo.

Tôi nói: Muội mang theo làm sao được.

Hỷ Lạc nói: Huynh đừng có tranh cãi với muội, muội mang cả huynh theo luôn. Muội phải mang huynh theo, mang con Lép theo.

Sáng sớm thức giấc, không khí rất tuyệt, bữa sáng thật thịnh soạn. Vạn Vĩnh đã đợi từ sớm, khiến chúng tôi cảm thấy áy náy. Huynh ta có lẽ là người dậy sớm nhất trong số những người giàu có toàn triều. Vạn Vĩnh nói: Biết là nhị vị kiên quyết chia tay, tôi cũng không ngăn cản nữa, có lần kỳ ngộ này, chúng ta đều là huynh đệ, ngày sau chắc chắn còn gặp lại nhau.

Tôi và Vạn Vĩnh hàn huyên đôi câu, Hỷ Lạc dùng một chút đồ ăn, sau đó chúng tôi từ biệt nơi không chân thực này, đi tới một nơi không chân thực hơn nữa, đó là Trường An. Trước khi đi, Hỷ Lạc hỏi: Vạn đại ca, con ngựa còi của chúng tôi có được ăn no không?

Vạn Vĩnh nói: À, để tôi bảo thủ hạ đi thăm nom xem sao.

Mấy phút sau, một tên thị vệ chạy tới, thầm thì một hồi, Vạn Vĩnh cả kinh thất sắc, nói: Sao lại thế được?

Hỷ Lạc lập tức òa khóc, nói: Tôi biết huynh có thể giải cứu được mọi loại độc, có phải huynh thấy thuốc quá đắt, không thể đem chữa cho một con ngựa được đúng không, ngọn cỏ tinh mơ có đọng sương móc, có ngọn có độc, không thể cho ngựa…

Vạn Vĩnh cười nói: Cô nương hiểu nhầm rồi, quý ngựa vẫn đang trên đường tới đây, còn mấy dặm nữa mới tới sơn trang. Ngựa của hai vị, động tác lề mề, lại hơi đần độn, e sẽ làm nhọc hai vị, chi bằng thế này, trong trang viên của tôi có một con đem từ Tây Vực…

Hỷ Lạc ngắt lời nói: Đa tạ Vạn huynh, không cần đâu.

Tôi hỏi: Cái loại ngựa chưa bao giờ biết chạy, mà muội thích đến thế cơ à?

Hỷ Lạc nói: Đúng thế.

Tôi hỏi: Vì sao?

Hỷ Lạc đáp: Vì đó là con ngựa đầu tiên muội chọn.

Nói thực lòng, tôi chẳng có chút cảm tình nào với cái con Lép. Sự khó hiểu của phụ nữ nằm ở chỗ, họ có thể nảy sinh một thứ tình cảm khó lý giải với một số sự vật khó hiểu, còn tôi thì cảm thấy buồn chán khi từ đầu tới giờ vẫn chưa thể ra dáng oai phong hào hiệp trên lưng ngựa. Con ngựa kia không khiến tôi cảm thấy có sự tồn tại của tốc độ, nếu có thì chỉ là sự chờ đợi các cảnh vật sẵn trước mặt chậm chạp tiến lại mà thôi.

Trong khi đợi con Lép, tôi và Vạn Vĩnh tán dóc một số câu chuyện giang hồ, cuối cùng thì con Lép cũng tới nơi. Tôi và Hỷ Lạc lập tức chạy tới đón, chủ yếu là vì sợ nó dừng nghỉ. Sau khi con Lép cuốc bộ hai ngày, nó vẫn chẳng thay đổi gì so với lúc trước, chỉ có ông anh ngồi trên lưng ngựa, người đã cùng Vạn Vĩnh thi triển chiêu thức Vạn long quy nhất, là mệt rã rượi, gần như chẳng mở nổi miệng. Còn như thứ độc tôi trúng phải, đã không nguy ngại gì lớn nữa. Có lẽ ngày từ khi tôi còn nhỏ, sư phụ đã phủ lên mọi câu chuyện của chúng tôi một lớp màu truyền kỳ huyền ảo, khiến tôi cảm thấy tôi và Hỷ Lạc không thể nào chết ở cõi đời nhiễu nhương gói trong vỏ bọc bình yên này. Huống hồ, công hiệu của loại thuốc giải này quả thực rất tốt, tôi lại uống hết cả một bình, cảm giác chẳng có chất độc nào có thể xâm nhập vào cơ thể nữa, đâm ra càng tự tin đối với con đường phía trước.

Hỷ Lạc cưỡi lên con Lép, tôi và Vạn Vĩnh từ biệt nhau.

Có lẽ đây là lần đầu tiên tôi giao du với người cùng giới có độ tuổi xấp xỉ sư huynh Thích Không, nên lòng có chút lưu luyến. Hỷ Lạc thúc ngựa không dưới mười tiếng, tôi mới quay lại đuổi theo con Lép đã đi được hơn hai trượng.

Từ giã như vậy cũng thật áy này. Tôi thấy từ xưa, anh hùng hào kiệt mỗi khi nấn ná chia tay đều ôm quyền, nói một câu “tạm biệt”, rồi quay người nhảy phắt lên ngựa, trong vài cái chớp mắt đã xa khuất tận chân trời, để lại sau lưng vầng tịch dương cùng khói bụi mịt mùng vẩn lên sau gót ngựa. Còn lần này, tuy đều là những người anh hùng, có điều muốn tôi, Hỷ Lạc và con Lép mất hút nơi đường chân trời, thì dù nói thế nào cũng phải mất thời gian một tiếng, mà trong khoảng thời gian đó, Vạn Vĩnh chắc chắn sẽ ngượng ngùng quanh quẩn trong trang viên, bất đắc dĩ đưa ánh mắt tống tiễn nom đến tàn khốc, xem chừng quả là làm khó vị huynh đệ này thật.

Tôi giục Hỷ Lạc: Mau lên!

Hỷ Lạc nói: Giục gì mà giục, con Lép mãi đã được nghỉ đâu, từ từ thôi.

Tôi nói: Vớ vẩn! Cái con này dọc đường chắc chắn nghỉ liên tục. Không tin thì xem đây!

Nói đoạn tôi đạp con ngựa một cước thật mạnh, con ngựa kinh hãi nhảy tót lên trước một bước. Hỷ Lạc kêu lớn trên lưng ngựa: Nhanh quá! Không hãm được nó nữa đây này!

Nhưng tôi thì nghĩ một cách bi quan rằng, nó như vậy là do bị tôi đạp văng đi thôi. Tôi quả thực chẳng có cách nào yêu con ngựa này được, mà cũng chẳng thể nào oán ghét nó, bởi mặt mũi nó trông rất ngu, khiến người ta có cảm giác nó hiển nhiên được quyền như thế.

Phải mòn mỏi chờ một lúc lâu, Vĩnh Triều sơn trang mới khuất hẳn tầm mắt chúng tôi.

Tôi nói Hỷ Lạc: Lẽ nào muội chưa từng nghĩ đến việc sẽ lấy một người như Vạn Vĩnh?

Hỷ Lạc nói: Hoàn toàn chưa từng. Mà sao huynh cứ muốn rũ bỏ muội vậy nhỉ? Nói mau!

Tôi cười nói: Đâu chỉ có muội, huynh muốn rũ bỏ cả người lẫn ngựa ý chứ.

Thời gian dường như đã trôi qua rất lâu, bất giác tôi và Hỷ Lạc đến Trục thành.

Lúc này trời sắp tối, Hỷ Lạc nói: Đi dạo đã nhé, nhỡ đâu lại phát hiện ra điều gì cũng nên.

Tôi nói: Có thể phát hiện được gì cơ chứ?

Trục thành. Tôi nghĩ, đây là nơi đã in trong ký ức chúng tôi từ hồi nhỏ, nơi chúng tôi chạy trốn để giúp sư huynh làm ám khí. Bấy giờ hoang mang, tôi không hề ngắm kỹ phố huyện nhỏ mà trọng yếu này của Trung nguyên. Phố huyện này thực ra bị chia cắt bởi bốn con đường xếp thành hình chữ Tỉnh (井), song đường quả thực rất dài. Tương truyền vùng này là đất báu, dưới đất có long mạch xuyên qua, đặc biệt là ở chỗ nét ngang trên của chữ Tỉnh (井) lại càng là rẻo đất quý báu, thành thử dường như tất cả vương gia, đại thần, phú hộ đều cây cất phủ riêng trên đó, đây cũng chính là nguyên nhân khiến lần trước tôi và Hỷ Lạc bị đuổi vì đòi qua đêm ở đây. Liệu trên mặt đất nơi ấy có vương vãi vài tờ ngân phiếu không nhỉ?

Bấy giờ ngân phiếu tràn lan, việc quản lý cũng rất hỗn loạn, đơn cử như ngân phiếu thì chỉ có thể lưu hành trong giới quan chức, lão bá tánh chưa được sử dụng; mà trước khi có hiệu lực, cần phải đưa cho các vị đại thần quản lý ngân phiếu ở địa phương ký tận tay mới được. Ở mỗi địa phương, họ đều được mọi người tôn kính gọi tắt với cái tên “giám ngân”[1]. Những ông giám ngân này đều đã có tuổi, chẳng ham hố thứ gì, chỉ việc nhắm mắt ký là xong, nhưng rắc rối ở chỗ, ký rồi thì phải ghi vào sổ sách. Điều này thật sự không hay, bởi nếu thu nhập rõ ràng thì quan khác gì dân. Có điều nét chữ của mấy ông giám ngân từng kinh qua tôi luyện đặc biệt, rất khó bắt chước, đặc biệt thủ pháp khống chế ngòi bút thì độc đáo vô cùng, cho nên ngân phiếu thật hay giả liếc mắt là biết ngay.

[1] Từ này trong tiếng Hán hiện đại đồng âm với từ “gian dâm” (đọc là “jian yin”). ND

Nhưng huyện quản ở Trục thành thông minh tột độ, lão ngâm tờ ngân phiếu của mình và chữ ký của giám ngân do bọn hạ nhân chuyên sao phỏng xuống nước, chữ ký nhòe ra, mất hết dấu vết của ngòi bút, sau đó viện là do mưa làm ướt. Phương pháp này về sau dần dần được lưu truyền, dân gian gọi là “rửa tiền”.

Những tờ ngân phiếu bay lướt bên chân tôi và Hỷ Lạc rõ ràng chưa được rửa, cũng không có chữ ký của giám ngân, cho nên vẫn chỉ là giấy. Hỷ Lạc ngồi xổm vớ được tờ nào bèn giơ tờ ấy lên xem.

Tôi hỏi: Xem gì thế?

Hỷ Lạc đáp: Muội xem xem nhỡ đâu có tờ nào đã được giám ngân ký.

Tôi nói: Không có khả năng ấy đâu, tờ ký rồi thì làm gì có chuyện bay trên phố thế này.

Hỷ Lạc có vẻ cuống: Vậy làm sao chúng ta mới có thể chuộc Linh về được?

Tôi nói: Chúng ta cũng có thể không cần thanh kiếm ấy nữa, nó chẳng còn tác dụng gì với huynh.

Hỷ Lạc nói: Không được, đó là đồ của chúng mình.

Tôi nói: Sao muội cứ phân biệt rõ đâu là đồ của muội đâu là đồ của huynh thế nhỉ. Đồ vật luôn lưu động cơ mà.

Hỷ Lạc nói: Vậy muội lưu động đến nhà họ Vạn kia, huynh bằng lòng không?

Tôi ngẫm nghĩ rồi nói: Huynh thật sự chẳng thấy có gì là phiền lòng cả.

Tôi đột nhiên có cảm giác, phải chăng tôi không hề thích cô nương bên cạnh tôi. Bởi tôi thật sự cảm thấy chẳng có gì là không vui lòng cả. Lẽ nào vì tôi đã quá yên tâm với muội ấy, cảm thấy mọi việc không thể xảy ra, hai người chúng tôi đã trở thành một từ lâu rồi. Chắc là vì tôi thực sự không thể rời bỏ cô nương này được, đó chính là tình yêu sâu sắc nhất. Bởi tất cả mọi thứ chia sẻ cùng muội ấy đều hết sức tự nhiên, dường như thời gian cũng trôi chảy một cách êm đềm, không hề có điều gì khả nghi cả.

Tôi nói: Hỷ Lạc! Muội đừng nhặt nữa.

Hỷ Lạc đứng dậy, nói: Con phố này không phải chỗ chúng ta đặt chân, đi thôi, chúng ta tới chỗ của người nghèo.

Tôi cùng Hỷ Lạc đi xuyên qua một con phố, đến một nơi ầm ĩ tiếng người. Tôi phải thốt lên rằng ở đây quá náo nhiệt. Hỷ Lạc dắt con Lép đi trước, nói: Xem này, đây là phố Liễu Hạng.

Đột nhiên, tôi cảm thấy có tiếng gì đó vẳng lại gấp gáp từ phía xa, hơi bất bình thường, đến khi bầy người trước mặt bị rạch toang ra tôi mới trông thấy một con ngựa ô vâm chắc, cưỡi trên mình nó là một tay đầu trọc trước ngực đeo hai chữ “Thích Giáp”, đang quất roi xông lên. Hỷ Lạc đang đứng ngây ra ở ngay phía trước. Thằng tiểu tử cưỡi trên con ngựa ô lớn tiếng kêu tránh ra. Thấy Hỷ Lạc không thể nào tránh kịp, tôi liền xông lên phía trước ngựa, quét một đường ngang chân ngựa, con ngựa đột ngột bị mất trọng tâm, đổ đánh rầm xuống đất, cả người lẫn ngựa lăn tròn trước mặt con Lép và Hỷ Lạc vẫn đang ngây người kinh ngạc. Dường như đồng thời, có tiếng vỗ tay giòn giã vang ra từ trong đám người.

Tôi vội tiến lên nom xem vết thương của kẻ có tên Thích Giáp. Vừa tiến lại gần, hắn liền vung mạnh tay lên, tôi vỗ đánh đét vào bàn tay hắn, nói: Khốn nạn! Thiếu Lâm dạy ngươi trò tát vào mặt người khác hả?

Hắn lập tức ú ớ, đoạn nói: Pháp danh của ta nghe hay như vậy, ngươi biết ta không phải tầm thường, sao còn dám xông lên đụng vào ta, đúng là chán sống thật rồi.

Tôi nói: Thằng điên này, pháp danh của ta là Thích Nhiên mà cũng mới chỉ thong thả cưỡi cái con ngựa quèn kia, ngữ nhà người lại dám cưỡi con ngựa lớn làm náo loạn phố phường lên thế à?

Hắn nói: Ta đánh rắm vào, ngươi tên là Thích Nhiên thì mẹ kiếp ta tên là Thích Không đây này.

Cuối cùng tôi không nhịn nổi, liền nói: Bố láo! Tao mà không nhận ra sư huynh của tao à?

Hỷ Lạc lúc này mới hoàn hồn, liền lấy thẻ bài ghi pháp danh của tôi trong tay nải đưa cho hắn xem.

Tên kia thoắt chốc liền tiu nghỉu. Tôi nói: Không sao. Ta sẽ không kể cho sự phụ đâu, sư huynh ta dạo này thế nào?

Kẻ đó nói: Ta không quen ai cả.

Hỷ Lạc hỏi: Vậy thế thẻ bài kia ngươi lấy đâu ra?

Hắn nói: Gỡ trên người chết ra.

Hỷ Lạc nói: Người chết? Người chết ở đâu?

Hắn nói: Trục Lộc cốc ở phía Nam thành.

Trục Lộc cốc là một kỳ tích của tạo hóa, trên mặt đất bằng bỗng đâu nứt toác ra một khe lớn. Năm xưa khi tấn công Trục thành, tương truyền Trục Lộc cốc là nơi khiến người ta đau đầu nhất, bởi nó sâu không thấy đáy, lại rộng bằng cả một con sông, cho nên lúc giữ thành về căn bản không cần phải phòng thủ, mà đương kim triều đình sở dĩ kiến lập nên, mấu chốt chính là ở việc đại quân đánh thẳng vào Trục Lộc cốc, bất ngờ chém giết đối phương, khiến chúng trở tay không kịp. Còn như việc đánh vào Trục Lộc cốc thế nào, trăm năm sau đã mỗi người nói một phách, song đó là chuyện bên lề. Quan trọng là, sao lại có đệ tử Thiếu Lâm chết ở đó.

Hỷ Lạc tiếp tục hỏi: Ngươi là ai?

Hắn nói: Ta là Chuột.

Hỷ Lạc hỏi: Ở đó xảy ra chuyện gì vậy, Chuột?

Hắn nói: Không biết, chỉ biết là chết rất nhiều người.

Tôi nghĩ bụng, tôi mới đi chưa quá mấy ngày mà cứ như thể có rất nhiều việc không hay biết, và có rất nhiều việc đã xảy ra. Việc này không hiểu sư phụ có biết không. Thiếu Lâm thật ra cách nơi này không xa. Tôi cảm thấy cần phải quay trở lại. Hỷ Lạc bảo đợi sau khi trời sáng thì tới Trục Lộc cốc xem sao, tôi nói, được, sau khi xem xong, huynh muốn về chùa.

Bỏ qua cho tên Chuột, tôi nói với Hỷ Lạc: Vừa nãy chỉ thiếu một chút nữa thì…

Hỷ Lạc nói: Vớ vẩn, thực ra muội phát hiện từ lâu rồi, do muội dắt con Lép, mà nó thì nhìn ngây ra, không sao dắt đi được.

Tôi nói: Thôi được, cứ cho là như vậy. Dù sao thì trong lòng huynh vẫn thấy nghi ngờ. Thôi ta cứ đi ngủ cái đã.

Tôi quay đầu lại nhìn, đạp mạnh vào con ngựa một cước, bấy giờ nó mời trở lại bình thường. Chắc nó cũng hãi hồn, bởi có đồng loại lớn gấp ba lần nó lăn quay ngay trước mắt. Tôi nghĩ, sau khi tận mắt trông thấy cảnh tượng này, có thể nó sẽ cảm thấy quả thật là “nhanh một phút, chậm cả đời”, và sau này sẽ không phóng thêm bước nào nữa.

Con phố Liễu Hạng rất dài, ở đoạn phồn hoa nhất có một khách sạn, hết sức xa hoa phú lệ, được gọi Liễu Hạng lâu. Tôi nói: Trọ ở đó đi!

Hỷ Lạc nói: Không được, ở đó quá đắt, ngân lượng của chúng ta không còn nhiều đâu.

Tôi hỏi: Còn bao nhiêu?

Hỷ Lạc đáp: Năm vạn mười mấy lạng ấy.

Mời các bạn đón đọc chương tiếp theo!

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/58929


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận