Trường An Loạn Chương 8


Chương 8
Hỷ Lạc khóc không ra tiếng.

Tôi giật nảy mình, hỏi: Lấy đâu ra vậy?

Hỷ Lạc cười khanh khách, quét mắt nhìn xung quanh, thấy ba bề bốn bên không có người, liền moi trong tay nải ra một chiếc bình, suýt nữa thì cười bò ra đất: Ha ha ha, ha ha, muội thó ở nhà Vạn Vĩnh một bình thuốc giải, hình như là Vạn độc tán hay Bách độc tán gì đấy.

Tôi sững sờ nói: Việc này mà muội cũng làm?

Hỷ Lạc nói: Muội thấy cái tay Vạn Vĩnh này cũng chẳng phải tốt đẹp gì, lọ thuốc giải này lại rất hữu dụng, về sau khi nào đến đại hội võ lâm, có thể yên tâm ăn ngon rồi.

Thế mà tôi lại thốt ra một câu: Được đấy!

Từ nhỏ, sư phụ đã dạy tôi điều gì không nên làm, nhưng lại không nói điều gì nên làm. Sư phụ dặn, ngoài những việc không nên làm thì việc còn lại đều nên làm. Nhưng ăn trộm thì tuyệt đối không được. Tôi từ xưa đến giờ cũng rất coi khinh bọn trộm cắp, ai ngờ khi Hỷ Lạc thó một lọ nước có giá liên thành, tôi lại gật đầu tán dương. Vì sao vậy? Vì bản thân tôi đã mất đi khả năng phán đoán trước hành vi của Hỷ Lạc? Hay là từ trong tiềm thức của tôi, Vạn Vĩnh không phải là người tốt? Hay là vì kế sinh nhai bức bách? A Di Đà Phật!

Sau khi sám hối, tôi hỏi: Hỷ Lạc, muội làm như thế nào vậy?

Hỷ Lạc đáp: À, thì tiện tay vơ là vơ luôn thôi.

Tôi nói: Lẽ nào không có ai phát hiện à?

Hỷ Lạc nói: Huynh còn chẳng phát hiện ra, thì ai phát hiện ra?

Tôi nói: Việc này không hay lắm đâu.

Hỷ Lạc nói: Không hay lắm? Này, huynh coi muội là kẻ trộm chắc?

Tôi nói: Huynh không có ý đó, có điều sư phụ nói rồi, không được trộm cắp.

Hỷ Lạc nói: Muội cũng là nghe tay Vạn Vĩnh kia nói, cảm thấy dọc đường huynh sẽ rất gian nan, không biết sẽ có bao lần trúng phải các loại độc không rõ tên, cho nên mới thó lấy một lọ, không phải là ăn trộm, mà là thó, thó với trộm không giống nhau, huynh hiểu không?

Tôi nói: Huynh hiểu.

Men theo phố Liễu Hạng đi thẳng tới trước, rẽ vào một con ngõ, bắt chợt phát hiện có vô số cô gái ưỡn ẹo múa máy. Tôi cuống quýt bước đi, Hỷ Lạc nói, cuống gì mà cuống, chưa từng thấy phụ nữ bao giờ à.

Nơi chúng tôi muốn đến xem chừng là quán trọ xó xỉnh nhất của phố huyện.

Hỷ Lạc bảo tôi nhìn sang bên cạnh, nói: Huynh xem, mấy chỗ này đều là nhà thổ, tức là kỹ viện, là lầu xanh đấy, có biết không, huynh, không được vào đó đâu nhé.

Chẳng hiểu vì sao tôi lại hỏi một câu: Sao huynh không được vào?

Hỷ Lạc nổi giận: Huynh… vậy huynh vào đó đi!

Tôi nói: Tiền đều nằm cả trong tay muội, huynh đi bằng cách nào?

Hỷ Lạc nện cho tôi một đấm, nói: Đồ lưu manh, huynh mà cũng biết vào lầu xanh phải trả tiền cho các cô nương chứ không phải các cô nương cho huynh tiền à, nói mau, sao huynh biết?

Tôi nói: Huynh biết cái gì đâu nào? Giờ đi đâu mà chẳng phải trả tiền? Ngay như con ngựa này, cũng đã phải trả không biết bao tiền rồi đấy thôi.

Hỷ Lạc nói: Cũng đúng, tóm lại, huynh không được vào lầu xanh đâu đấy, biết chưa, gái lầu xanh đều không phải là gái ngoan.

Tôi bất chợt hiểu ra, liền nói: Thực ra họ cũng chưa hẳn đã không ngoan, vì kế sinh nhai bức cả thôi, biết đâu đấy.

Hỷ Lạc nói: Hồi nhỏ muội cũng vì cuộc sống bức bách đấy, cuối cùng phải cùng ông đi xin ăn, sao không vào lầu xanh làm gái nhỉ, muốn sống thì thế nào mà chẳng sống được, đâu như cái ngữ đàn bà kia, chỉ thích ngồi mát ăn bát vàng…

Tôi nói: Nhưng mà… thôi huynh chẳng dám nói đâu.

Hỷ Lạc nói: Cứ nói thẳng, muội không đánh huynh đâu.

Tôi nói: He he, hồi đó muội còn quá nhỏ.

Hỷ Lạc nghe xong liền đánh tôi một trận.

Cảnh vật phồn hoa cùng tiếng ca bay bổng cứ trôi qua trước mặt. Quy mô của những tòa lầu xanh đều rất lớn, đại đa số cao hơn hai tầng, xanh xanh đỏ đỏ. Sao lại có nhiều lầu xanh đến vậy nhỉ, tôi nghĩ bụng, đúng là trời xanh không mắt thì lầu xanh có mắt. Hỷ Lạc nói, thế là ít đấy, đến Trường An, còn nhiều hơn nữa cơ.

Tôi hỏi Hỷ Lạc: Vậy lầu xanh có phải nộp thuế không?

Hỷ Lạc nói: Toàn do những bọn thu thuế mở ra, nộp thuế cái nỗi gì.

Tôi nói: Đúng là tạo nghiệt.

Hỷ Lạc nói: Huynh rõ là ngốc, bọn đàn ông các người, tới lần thứ hai là chẳng thấy tạo nghiệt gì nữa đâu, chắc chắn sẽ kêu luôn mồm, sao chỉ có một nhúm đàn bà thế này?

Tôi cười lớn, nói: Ranh con, huynh ngờ là muội ban đêm không ngủ trong chùa, sao cứ như thể mỗi tối đều trốn ra ngoài, ngủ trong cái chốn xanh xanh đỏ đỏ này thế nhỉ.

Đi xuyên qua con phố, bất chợt đến một nơi vắng lặng, ở tận cùng của phố huyện thấp thoáng có một quán trọ. Hỷ Lạc nói: Ở đây đi, chắc chắn rẻ nhất.

Trước của quán trọ treo hai chiếc đèn lồng đỏ, trông không rõ tên, nhưng chúng tôi vẫn tiến vào. Giá phòng quả thật rất rẻ, chúng tôi thuê một căn khuất gió, cột chắc ngựa rồi mò mẫm bước lên, cầu thang phát ra hàng tràng tiếng cót két. Những người ở trọ tập thể bên dưới quát mắng nhau om sòm. Về đến phòng, đốt đèn lên, tôi nói: Cũng tạm được.

Hỷ Lạc nói: Huynh xem, từ trước tới giờ huynh chưa ở nơi nào ra hồn cả, làm gì có chỗ nào để so sánh, giờ huynh trọ mấy đêm ở Vĩnh Triều rồi nên mới nói là “cũng tạm được”.

Tôi đáp: Cũng có thể. Vậy chắc muội cũng so huynh với các sư huynh trong chùa nên cuối cùng theo huynh chứ gì.

Hỷ Lạc nói: Huynh nói nhăng cuội gì vậy. Còn huynh thì sao?

Tôi cười đáp: Nỗi khổ của huynh chẳng có gì so sánh được.

Một đêm bình yên vô sự, sáng sớm tinh mơ chúng tôi thức giấc. Hai ngày liên tiếp ngủ trên giường đệm, không phải ngủ dưới gốc cây, tinh thần tôi sảng khoái lên trông thấy. Tôi nghĩ phải về chùa một chuyến xem sao. Lần này chúng tôi sợ bị chê cười nên không dắt ngựa theo, cứ thế cuốc bộ. Sắp tới sườn núi, sắp được gặp sư phụ rồi. Sư phụ thấy chúng tôi cười ha hả nói: Đi chơi vui chứ?

Tôi đáp: Vui ạ.

Sư phụ hỏi: Có cảm thấy khó hiểu không?

Tôi đáp: Có ạ.

Sư phụ hỏi: Khó hiểu điều gì nào?

Tôi đáp: Con không biết.

Sư phụ nói: Vậy con đúng là khó hiểu thật.

Sư phụ nói tiếp: Vậy ta nói cho con biết, con phải đến Trường An trước đã, tìm một ông già, ông ta có thể tiên tri. Con hỏi ông ta là biết hết.

Tôi đáp: Làm thế nào để con tìm được ông ấy ạ?

Sư phụ nói: Đã là một nhà tiên tri, tự nhiên con sẽ gặp thôi. Nếu không gặp được, con chẳng là gì hết mà ông ta cũng chẳng là gì cả.

Sau đó, tôi báo cáo với sư phụ về vụ người chết ở Trục Lộc cốc, đồng thời đưa cho sư phụ thẻ bài khắc pháp danh. Sư phụ xem qua liền lắc đầu nói: Con cứ đi thẳng đến Trường An, những việc thế này để kẻ làm thầy này xử lý là được.

Tôi và Hỷ Lạc tạm biệt sư phụ và phương trượng, không thấy sư huynh Thích Không đâu, chúng tôi đi thẳng xuống núi. Tôi nghĩ, đúng là đi lòng và lòng vòng, đường thì rõ dài, mà cuối cùng lại quay về nơi xuất phát. Hỷ Lạc nói, không phải quay về nơi xuất phát, mà là đến nơi xuất phát.

Trước mắt, điều khiến chúng tôi cảm thấy vô vị nhất chính là việc lại phải đi Trường An. Tôi thấy tôi và Hỷ Lạc đã xuất phát từ lâu rồi mà vẫn chưa đi được nửa bước, giờ còn giả vờ bí hiểm đi tìm một người bí hiểm. Trên đời này có quá nhiều người bí hiểm, thật sự cũng chẳng biết chính những người bí hiểm nghĩ gì trong đầu.

Tôi nghĩ, thôi thì xuất phát đi vậy, nhưng cứ nghĩ đến cái phương tiện giao thông của chúng tôi mọi ý nghĩ lại lập tức tan biến sạch. Nó đích thực chỉ là một con thú cưng, hoàn toàn không thể dùng làm công cụ chuyên chở. Nhưng biết làm sao khi mà Hỷ Lạc lại có cảm tình với nó. Phụ nữ thật khó hiểu, chỉ cần có tình cảm với một vật nào đó, họ đều bỏ qua mọi khuyết điểm cũng như tính thực dụng của nó trong cuộc sống hiện thực.

Sau khi bái biệt sư phụ, tôi và Hỷ Lạc liền xuống núi dắt ngựa. Tôi rất muốn đến Trục Lộc cốc xem rốt cuộc đã xảy ra chuyện gì, nhưng không may nơi đó không cùng hướng đi tới thành Trường An, con ngựa của tôi lại không thể nhanh chóng quay trở về, điều này thật đáng thất vọng. Tôi nghĩ bụng, thôi cứ vui lòng đến thành Trường An, vui lòng hoàn thành việc không tên, vui lòng dựng ra một chỗ nương mình, rồi lại vui lòng làm một số việc không tên.

Theo lộ trình chuẩn xác, trên đường đi Trường An chắc chắn sẽ đi qua Trục thành. Lần này chúng tôi thực sự đã tăng tốc, không hề cho con Lép được nghỉ ngơi tùy ý ở dọc đường nữa. Hỷ Lạc rất xót con ngựa, cứ bảo ngựa của cô nàng mệt chết đến nơi rồi. Tôi nói, ta và ngựa ngủ nhiều như nhau, chẳng có lý nào cái loại thân lừa thân ngựa này lại mệt chết trước ta cả. Huống hồ, sư phụ nói rồi, phải đến Trường An càng sớm càng tốt.

Hỷ Lạc hỏi tôi: Vậy đến Trục thành rồi có nghỉ hay không?

Tôi nói: Không, cứ chạy một mạch đến sáng.

Hỷ Lạc nói: Vậy dù gì cũng phải ăn một bữa ngon lành đã, muội biết có một quán, nhưng không rõ bị dỡ đi chưa.

Tôi nói: Có thể nghỉ ngơi một lát, nhưng không được ngủ đâu đấy, huynh luôn cảm giác không thể ngủ lại ở Trục thành được.

Chúng tôi đến Trục thành, rồi lại đến tửu lâu vô danh Hỷ Lạc nói. Tửu lâu này có quy mô rất lớn, nhưng giá cả phải chăng, vốn có một cái tên rất cát tường, nhưng về sau, cách đây nhiều năm, có lần nhà vua đi vi hành đã đến tửu lâu đệ nhất Trục thành này, vua thấy thức ăn rất ngon miệng nên liền viết cho đệ nhất tửu lâu một biển hiệu, hơn nữa còn sửa tên gọi cũ theo ý mình. Điều không may là, chữ viết tháu của nhà vua một mình một kiểu, người khác không sao nhìn ra, nhưng lại không dám hỏi, nên cứ đành treo yên ở đó.

Tấm biển được treo ở một nơi rất bắt mắt, sơn son thiếp vàng, nội dung là: XX TỬU LU. Sau khi tôi và Hỷ Lạc ngồi yên vị, tiểu nhị liền dâng trà, mang thực đơn lại cho hai quý khách chúng tôi xem. Tửu lâu này được coi là tửu lâu có thái độ phục vụ tốt nhất Trung nguyên, nay mới thấy quả là danh bất hư truyền. Song việc gì cũng có nguyên nhân, mà nguyên nhân đó có thể không giống như những gì bạn tưởng tượng. Chỉ là vì nhà vua vi hành qua đây một lần, lại còn viết cho mấy chữ, chủ nhân của tửu lâu đâm ra hận bản thân mình có mắt không thấy núi Thái Sơn, đồng thời tin chắc rằng nhà vua còn đến nữa, cho nên mới dạy cho đám bồi bàn cách nhận biết nhà vua. Ví dụ nhà vua ăn mặc giống như người bình thường này, không phô trương thanh thế này, đi theo vua ít nhất phải có một người này, trông bề ngoài tưởng như võ nghệ làng nhàng nhưng thực chất võ công lại cực kỳ cao cường này, những món vua ăn không phải sơn hào hải vị này… dạy dỗ thế nào lại khiến đám bồi bàn nhìn thấy ai cũng cảm giác người đó là hoàng thượng, không dám mảy may bất kính.

Thức ăn chưa đưa lên, tôi mặc nhiên quay ra ngắm cảnh, bất thình lình trông thấy hai ngọn ám khí được phóng ra từ trong cửa sổ phía đối diện, rõ ràng nhằm vào tôi và Hỷ Lạc. Đúng là cao nhân, tôi liếc mắt nhìn, cảm thấy nếu chúng tôi không cử động chắc chắn cả hai sẽ đều dính tiêu. Thế là tôi đạp đổ chiếc ghế của Hỷ Lạc, đồng thời nghiêng người né tránh, hai mũi tiêu đều phi trượt. Song Hỷ Lạc lại ngã lăn kềnh ra đất. Mọi người đều đổ mắt vào cô nàng đang nằm chổng vó lên trời này.

Đột nhiên trong toán người có tiếng gào lên: Chết người rồi, giết chết người rồi!

Tôi quay đầu lại nhìn, phát hiện thấy ở bàn phía sau chúng tôi có một người chết, một người bị thương. Chưa kịp nghĩ ngợi gì, đột nhiên lại có tiếng người vọng lại: Chính là ám khí do tiểu cô nương kia phi ra, ra tay nặng quá nên ngã lật cả người đây này.

Lại có người nói: Bắt lấy cô ta, đưa lên nha môn đã rồi tính.

Tôi nghĩ bụng, Hỷ Lạc mà bị đưa đến nha môn thì toi, dẫu nói vô tội được thả, thì e rằng cũng sẽ phải làm thê thiếp gì đó. Tôi vội xông lên phía trước, đỡ Hỷ Lạc dậy, nói: Xin mọi người đừng hiểu lầm, không phải do cô ấy gây ra đâu.

Quần chúng nói: Đúng, hễ trông là biết không phải do cô ta gây ra, mà là do ngươi gây ra, nội lực của ngươi được đấy, còn đá lật cả cô ta ra mà.

Tôi nói: Không phải tôi gây ra, mà là cái lầu đối diện kia gây ra.

Ý của quần chúng là, tòa lầu không có sự sống, không thể nào do tòa lầu đối diện gây ra được.

Tôi thấy đám người đang tiến lại, liền bảo vệ Hỷ Lạc, nói: Các người chớ có lại đây!

Lúc này, một tay đứng hàng đầu, cũng là tay lắm mồm nhất nói: Ta bôn ba trong giang hồ đã hai chục năm, kinh nghiệm giang hồ nói cho ta biết rằng, việc này chính là do ngươi gây ra, xem ta bắt ngươi đây!

Nói đoạn liền tung nắm đấm tới. Tôi đón nắm đấm của hắn, xoay lật tay hắn ra, mượn lực của hắn dùng cùi chỏ của tôi thúc vào mặt hắn, chân tôi khẽ quét đất, tên đó liền ngất đi.

Mọi người cùng kinh ngạc nói: Quả nhiên là do ngươi làm. Vị nhân huynh hành tẩu giang hồ hai chục năm này tự xưng là tráng sĩ Đánh Không Ngất thế mà chịu một đòn đã ngất rồi. Bọn ta sẽ liều một phen với ngươi! Nói đoạn ba bốn chục người cùng lũ lượt xông lên khiến tôi bất chợt cảm thấy lúng túng.

Lúc này, Hỷ Lạc xông lên nói: Đúng thế! Đây là tiêu do ta phi ra, ta còn có mấy chục chiếc tiêu nữa cơ, xem tiêu đây!

Hỷ Lạc nói đoạn liền vung tay ra, ba bốn chục người đều ngã xuống rất ngay ngắn. Hỷ Lạc kéo tôi nói: Mau đi thôi! Tôi và Hỷ Lạc ba chân bốn cẳng chạy. Tôi quay đầu lại nhìn, phát hiện ra anh chàng bị thương ban nãy đã chết vì không được kịp thời cứu chữa. Tôi nghĩ bụng, quần chúng quả là rỗi hơi.

Tôi và Hỷ Lạc chạy ra khỏi tửu lâu. Những người phía sau cũng nhanh chóng biến mất.

Tôi và Hỷ Lạc đều cảm thấy hơi áy náy, tuy người chết không phải do chúng tôi giết, nhưng trong cái thời buổi nhập nhằng này, nếu bảo người là do bạn giết thì có cảm giác người do bạn giết thật. Huống hồ kẻ ở trong tòa lầu đối diện kia quả thực muốn chúng tôi có cảm giác bứt rứt, bất an. Chúng tôi cảm thấy nơi này không nên ở lại lâu, cần phải nhanh chóng thoát khỏi thành.

Đến được cổng thành, tôi, Hỷ Lạc và con Lép vừa băng qua cổng thành chưa xa, bất ngờ quan binh gọi với theo: Một thanh niên, một cô gái và một con lừa, chính là ba bọn họ!

Hỷ Lạc nhìn tôi, nói: Chạy! Tôi nghĩ bụng, quả này chắc toi rồi, bởi vì có con Lép. Hỷ Lạc nhảy lên ngựa, lớn giọng bảo tôi: Mau đạp mạnh vào nó đi!

Tôi nghĩ, thôi thì hết nạc vạc đến xương, hy vọng nó hiểu được rằng tình thế đang rất nguy cấp. Nghĩ đoạn, tôi đạp mạnh vào con Lép một cước.

Trong nháy mắt, tôi cảm giác mọi vật dường như ngưng trệ, con Lép dừng bước chân chậm rãi của nó lại, chầm chậm quay đầu nhìn tôi, tôi nghĩ phen này chắc chắn chết thật rồi, con Lép chín mươi chín phần trăm sẽ chết bởi cú đạp của tôi, biết ăn nói với Hỷ Lạc thế nào đây. Cùng lúc đó, quan binh cũng đang bổ nhào về phía chúng tôi. Đột nhiên, con Lép gào lên một tiếng “óe”, sau đó sải vó chạy như điên. Tôi cũng chạy hộc tốc theo con ngựa.

Con Lép chạy siêu nhanh, tôi bị rớt lại mỗi lúc một xa, Hỷ Lạc ngồi trên lưng ngựa không ngừng gọi tên tôi, con Lép dần dần mất hút trong tầm mắt, lúc này quan binh đã đuổi tới gần, chợt nghe thấy đằng sau có tiếng hô: bắn tên, bất chợt loạt tiễn bắn ra ào ào, tôi nhìn mà há hốc miệng ra, ngày thường chắc chắn họ không khổ công luyện tập bắn tên, bởi vì những mũi tên này thực sự quá xiên xẹo, tôi không thể tiếp tục chạy thục mạng được, lửng khửng vài bước là dính tên ngay.

Song suy cho cùng, tôi dựa vào đôi chân, còn bọn họ dựa vào ngựa khỏe, cứ chạy như vậy cũng không phải cách, tôi liếc mắt nhìn trộm, phát hiện ra có bốn người đuổi theo tôi, tôi thấy như vậy không vấn đề gì, liền dừng chân lại, nhưng lại lo không biết Hỷ Lạc đi đâu, con Lép lần đầu tiên chạy như bay, lại không có kinh nghiệm, liệu nó có chạy đến chết mới dừng không nhỉ?

Nhóm người ngựa dừng lại quát: Tiểu tử sao không chạy nữa? Chạy nhanh gớm. Theo bọn ta về nào!

Tôi nói: Sao tôi phải theo các ông về nhỉ?

Tên cầm đầu nói: Khỏi phí lời, ngươi làm gì rồi chẳng lẽ lại không biết?

Tôi nói: Rốt cuộc tôi đã làm gì?

Tên cầm đầu nói: Láo toét! Còn cãi hử, cái thằng lưu manh trọc dở có nằm sấp xuống ngay không!

Tôi nói: Thì ông cứ nói xem, tôi đã phạm tội gì nào?

Tên cầm đầu nói: Ta làm sao biết được ngươi đã làm gì, chỉ biết cấp trên bảo ta bắt.

Tôi nói: Sao ông dám chắc là bảo bắt tôi?

Tên cầm đầu nói: Ta không chắc, cho nên mới bắt về xem thế nào.

Tôi nói: Sao có thể tùy tiện bắt người được nhỉ?

Tên cầm đầu nói: Từ trước tới giờ, bọn ta muốn bắt ai thì bắt, lão vua phạm pháp thì ta cũng dám bắt.

Tên tùy tòng bên cạnh lén nhìn trộm tên cầm đầu, liền bị tên cầm đầu xạc cho một trận: Thằng khốn nạn! Giữa đồng không mông quạnh, chẳng lẽ tao không được bốc phét một tý à?

Tôi nói: Tôi thực sự không phạm tội gì cả, ông chắc chắn bắt nhầm rồi.

Tên cầm đầu nói: Cấp trên bảo rồi, một thanh niên, một cô nương, một con lừa, hễ trông thấy là bắt.

Tôi nói: Vậy thì nhiều lắm, vả lại ông thấy cái con chúng tôi cưỡi là con lừa à? Ông đã thấy con lừa nào chạy nhanh như thế chưa? Đấy là loại ngựa Hãn Huyết của Tây Vực, người được Lương đại tướng quân ban ngựa gọi con ngựa này là hàng cực phẩm trong loài ngựa, có tên Chạy Không Chết.

Tay cầm đầu nói: Con Chạy Không Chết của ngươi quả nhiên danh bất hư truyền, thật ngưỡng mộ, ngưỡng mộ, vậy ngươi đến đây làm gì?

Tôi đưa thẻ bài ghi pháp danh của tôi cho hắn xem, rồi nói: Tôi được cấp trên phái xuống bí mật điều tra vụ án có mấy huynh đệ trong chùa chết ở Trục Lộc cốc. Giờ thì đi Trường An.

Tên cầm đầu nói: Ồ, vụ này không phải do Lý đại nhân phụ trách sao?

Tôi nói: Ông nghe mà vẫn chưa hiểu à, thế nào là bí mật điều tra, vụ này có rất nhiều nội tình, e rằng liên đới cả một đống người đấy chứ. Không việc gì đến mấy vị đâu, mấy vị đi đi.

Tên cầm đầu nói: Anh em tôi nhầm người, mạo phạm đến huynh đệ rồi, tôi đây cũng vì công việc thôi, khì khì, thông cảm cho nhau nhé, đều là người một nhà, người một nhà cả ấy mà. Nói đoạn liền vẫy tay nói: Chào tạm biệt vị dũng sĩ này đi nào!

Toán người đồng thanh nói: Tạm biệt dũng sĩ!

Tôi vẫy tay trả lời: Tôi đi nhé!

Đoàn người ngựa thế là mất hút.

Tôi đi xuôi theo con đường gọi tên Hỷ Lạc, lòng nóng như lửa đốt. Từ nhỏ đã có Hỷ Lạc bầu bạn, tôi luôn cảm thấy muội ấy là một phần của mình. Thực ra, võ công của tôi quả thật cao cường, song sở dĩ tôi cảm thấy bình thường là bởi Hỷ Lạc đã là một phần của tôi, cho nên công phu chia đều ra cả hai, thì đương nhiên chỉ bình thường thôi. Bao năm nay, tôi và Hỷ Lạc chưa từng có cảm giác sẽ không tìm ra nhau, vậy mà nay lần đầu tiên có cảm giác này, bàn chân vì vậy cũng rảo bước nhanh hơn.

Sắc trời sẩm tối. Bão cát dần dần ôm lấy Trung nguyên. Mấy dặm ngoài Trục thành đều là đồng không mông quạnh, xa tít trong tầm mắt có một cây đại thụ nằm ở tia sáng đỏ cuối cùng. Tôi cảm giác có lẽ Hỷ Lạc đang ở đó đợi tôi, trong trường hợp muội ấy có thể thắng được con ngựa.

Tôi không ngừng chạy như bay, chạy không biết bao lâu, cây đại thụ dường như vẫn không lớn hơn chút nào, điều này khiến tôi hết sức tức giận. Tôi chỉ mong Hỷ Lạc đột nhiên hiện ra nói: Huynh thật ngốc, sao không nhìn thấy muội, đồ có mắt như mù!

Chạy đủ hai giờ, may mà đêm nay có trăng để tôi có thể biết được cây đại thụ nằm ở đâu. Đầu tôi đột nhiên lóe lên một ý nghĩ, nếu dưới cây đó không có người, thì thật quá tuyệt vọng. Nghĩ đến đó, tôi bất giác nhìn ngó xung quanh, lòng cảm thấy trống rỗng như cảnh vật xung quanh vậy, nào là Trường An, sư phụ, nhà tiên tri, Võ Đang, Thiếu Lâm, các bang phái khác, Vô Linh, Linh, Thích Không… tất cả đều qua xa xôi, như thể cách ly khỏi vô số sự vật, vô số sự tranh giành. Trong số tất cả những thứ thuộc về quá khứ, thứ chân thực nhất lại là bức họa ở hiệu cầm đồ, lẽ ra tôi và Hỷ Lạc đã có thể có được một bức họa chân dung rất đẹp, song không may là, Hỷ Lạc đã chi quá nhiều tiền, thợ vẽ vẽ thành hai vị tiên, hoàn toàn không giống tôi và Hỷ Lạc, thật là đáng tiếc vô cùng.

Mọi việc đều tốt đẹp, Hỷ Lạc đúng là ở dưới gốc cây. Con Lép đang ăn cỏ cách đó mấy mét. Hỷ Lạc trông thấy tôi, liền khóc tu tu. Tôi ra vẻ bình tĩnh, nói: Muội không sợ bị sét đánh à?

Hỷ Lạc càng khóc dữ hơn, ngay cả con Lép cũng quay đầu lại nhìn.

Tôi nói: Không đứng dậy đón huynh à, huynh biết muội sẽ ở gốc cây.

Hỷ Lạc khóc không ra tiếng.

Mời các bạn đón đọc chương tiếp theo!

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/58930


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận