12 Nuôi ong tay áo
Giữa huyên náo của thành phố, có ai nghe thấy tiếng nguyện cầu trong hẻm Bình An? Có ai chú ý đến sinh kế ở đây không mong to tát, chỉ cầu cho không mất mát gì. Trên sân thượng lại chồng lên nửa gian, giếng trời cũng bịt lại làm bếp. Bây giờ từ trên cao nhìn xuống thành phố, mái nhà chằng chịt rách nát, cơi nới, chỗ nào làm thêm được là làm. Nhất là những hẻm cũ kỹ như hẻm Bình An này, người ta lấy làm lạ tại sao nó không sụp đổ? Ngói vỡ đến một phần ba, có nơi phải che giấy dầu, cửa gỗ thì mục nát đen đúa, chỗ nào cũng bẩn thỉu. Hình hài tan vỡ, nhưng thần thái vẫn nguyên vẹn, tiếng lòng bị dồn ép. Tiếng lòng giữa thành phố huyên náo liệu có nghĩa gì? Thành phố này không lúc nào yên tĩnh, ngày có tiếng ngày, đêm có tiếng đêm chôn vùi nó. Nhưng nó vẫn tồn tại, không thể bóp chết nổi, nó là nội tình của huyên náo, không có nó thì sự huyên náo chỉ là tiếng vang trống rỗng. Tiếng lòng này là gì? Chỉ có hai tiếng: phải sống. Dù có huyên náo hơn, náo nhiệt hơn, không ngày không đêm, cũng không tìm thấy hai tiếng kia. Hai tiếng nặng nghìn cân, chỉ có thể chìm xuống, chìm xuống, chìm tận đáy sâu, bay lên chỉ là những thứ tựa như mây khói. Cho nên, tiếng lòng không thể nghe thấy, nghe thấy sẽ phải khóc. Nguyện cầu ở hẻm Bình An cũng không ngày không đêm, như ngọn đèn không tắt, đèn không thắp bằng dầu, thắp bằng tâm tư, từng tấc, từng tấc một. Những tiếng ồn tung vào không trung nói cho cùng chỉ là vỏ ngoài, bởi thế mới không biết tiết kiệm, mới mạnh lời. Tập trung lời nguyện cầu của mấy chục vạn, mấy trăm vạn ngõ hẻm của Thượng Hải, còn vang hơn, đinh tai nhức óc hơn tất cả giáo đường châu Âu nhất tề kéo chuông, đó là chấn động của mặt đất dẫn đến núi lở đất long. Đáng tiếc, chúng ta không thể nào thử, nhưng hãy nhìn vào những khe núi mà chúng tạo nên cũng sẽ đủ kinh hãi, chúng sẽ biến đất đai thành cái gì? Không thể nói đó là xây dựng, mà là phá hoại, là đại thảm hoạ.
Hẻm Bình An nguyện cầu được bình an, lời nguyện cầu này có thể nghe thấy trong tiếng chuông mỗi tối nhắc nhở “cẩn thận đèn lửa”. Giá như bình an không bình thường thì hẻm Bình An vốn là trái tim bình thường, cũng chỉ nguyện cầu được bình thường, chỉ một chút ấy thôi cũng khó lòng. Bao nhiêu năm nay không xảy ra sự cố lớn, nhưng những việc nhỏ thì liên tục. Cất áo quần bị ngã từ trên gác xuống, tay ướt sờ vào công-tắc điện bị điện giật, nổ nồi áp suất, ăn nhầm bả chuột, chết oan không ít, kêu oan thấu trời, có thể không cầu nguyện bình an sao? Vào lúc lên đèn, cứ nhìn ánh sáng dày dặc của các cửa sổ, với con mắt cảnh giác kinh hãi, tìm kiếm mầm mống hiểm hoạ. Nhưng khi hiểm hoạ đến, không ai nghe thấy tiếng chân nó. Đó là chỗ tê liệt của hẻm Bình An, và cũng là chủ nghĩa kinh nghiệm, cả hẻm không đề phòng những mối hoạ gần. Lửa, điện, ai cũng biết từ lâu, còn nữa thì không ai tưởng tượng nổi. Cho nên, tiếng nguyện cầu của hẻm Bình An khác nào tiếng trẻ nhỏ học bài, động miệng không động não, cứ lải nha lải nhải. Chậu hoa ngoài cửa sổ chênh vênh sắp rơi xuống mà không ai giữ nó lại; mối xông gần ruỗng sàn nhà cũng không ai để ý, cơi tầng lại cơi tầng, móng nhà sắp lún, lại sắp cơi thêm tầng nữa. Mùa hè mùa bão, hẻm Bình An lay chuyển, nhưng mọi người vẫn bình tâm, khoanh mình trong nhà để cảm nhận cơn gió mát mẻ thoáng đãng. Bởi thế, hẻm Bình An cầu xin được yên ổn trước mắt, sau đó không cần biết. Tiếng bồ câu buổi sáng là tín hiệu bình yên, chỉ báo tin lành, không báo tin dữ, nhưng nếu báo thì sao? Tránh được ngày mồng một, có tránh được ngày rằm không? Nói vậy, cầu nguyện vẫn biết được số mệnh, là lối đi lớn. Nếu không, chỉ mong được bình yên mỗi đêm, âu là điều vô căn cứ.
Gió thổi qua các phố, len lỏi vào các hẻm, vi vu ù ù, vun lá rụng thành đống; ánh sáng cũng từng chùm nhỏ nối liền trong những con hẻm quanh co hun hút. Hạ qua, thu tới. Mọi cánh cửa trong hẻm đều đóng, cửa sổ cũng khép kín. Hoa trúc đào đã tàn, những câu chuyện sẽ nói và chưa nói cũng được giữ lại trong lòng. ấy là biểu hiện của thời điểm tương đối nghiêm túc của các ngõ hẻm Thượng Hải, nghiêm túc cũng có liều lượng, từ đó có thể cảm nhận sức ép thời gian. Ngõ hẻm cũng có lịch sử, lịch sử bao giờ cũng có bộ mặt nghiêm chỉnh, khiến cho mọi điều phù phiếm phải tiêu tan. Nó vốn dĩ không quy củ, đâu đâu cũng bắt gặp những vẻ mặt tình tứ, ai đó bước tới sẽ rơi vào cạm bẫy. Câu chuyện tưởng như đã đến hồi kết thúc, những bộ mặt tươi cười đang trở nên nghiêm trang, không còn hàm hồ, cuối cùng nước chảy đá phải mòn. Hãy xoè bàn tay ra tính thử, năm tháng của các ngõ hẻm Thượng Hải không phải là ngắn, những ngày kiên nhẫn cũng đang hết dần. Hãy lên cao để nhìn thành phố, những ngõ hẻm ngang dọc đã lộ vẻ tang thương. Giá như những con hẻm kia to lớn hùng vĩ thì một chút tang thương có là gì, vẫn xứng đáng hùng vĩ, tráng lệ. Nhưng lại là những bức tường thấp, mảnh sân hẹp, con người bình thường, sự việc bé nhỏ, liệu có thể tương xứng với cảnh tang thương này không? Khó tránh khỏi những biểu hiện hài hước, càng làm tăng vẻ âm u của con người. Nói khó nghe một chút, nó gần giống đống ngói vỡ, lại như đầu đông lá đang héo tàn, chỉ còn thấy ngói tan, gạch nát. Đường nét duyên dáng thùy mị còn đó, nhưng là buổi hoàng hôn của người đẹp, không thể nghĩ suy nhiều. Trong gió có còn dư âm của ngày xưa? Đừng nên xoá sạch chăng? Quanh co ấy là những ngõ hẻm. Con hẻm vòng trái, rẽ phải, như mong phải, đợi trái, ánh mắt mong đợi cũng có tuổi, thần thái tiêu tan, không còn lưu giữ gì. Tiếp theo mưa và tuyết, là những chuyện cũ giá buốt, mà cũng tích tụ ba bốn đời, rơi xuống đất là tan ngay thành nước.
Bây giờ, hãy nhìn qua cửa sổ để thấy nội cảnh của hẻm Bình An. Trước tiên, căn gác vắt qua lối đi đầu hẻm là nhà của một bà già quét ngõ, người Sơn Đông, bà già đã mất năm trước, trên tường là ảnh bà được vẽ bằng chì than, cái bàn vuông kê ngay dưới tấm ảnh là một đứa cháu đang làm bài tập, phải chép hai chục lần một chữ, buồn ngủ không mở được mắt. Một gia đình khác ở chái dưới nhà, tiệc tối chưa tàn, rượu uống chưa đủ, một chai rượu ngâm thuốc uống triền miên, từng giọt, từng giọt ngấm vào tim. Vào phía trong là cửa sổ gian bếp, hai người đàn bà đang thì thầm trò chuyện, mắt liếc ngang, rồi lại liếc ngang, hai mẹ con đang nói xấu nàng dâu và chị dâu. Theo số nhà, phòng trước của căn hộ tiếp theo đang đánh mạt chược, nghe rõ tiếng ra quân lách cách và tiếng gọi “một quân”, “hai quân”, có thể thấy đó là người nhà với nhau, là anh em nhưng vẫn tính toán được thua. Hai vợ chồng nhà bên đang cãi nhau, điều qua tiếng lại đều là những lời khó nghe, tối nay, đêm nay chẳng lành được, cứ như cò cưa không dứt. Nhà số mười tám là hiệu thợ may của một người về hưu đang bận công việc, bà vợ ngồi thùa khuyết, máy thu hình mở ngay trước mặt, nhưng không ai có thì giờ xem. Phải, tuy mỗi nhà một việc, nhưng chỉ một tấm lòng, đó là vô tuyến truyền hình. Dù là đánh bài, uống rượu, cãi nhau, học bài, xem hoặc không xem, nghe hoặc không nghe, máy thu hình đều mở, các chương trình không khác nhau mấy, phần lớn là những phim truyền hình nhiều tập có đầu không đuôi, là thống lĩnh của buổi tối. Cửa sổ nhà Kỳ Dao kia rồi, nơi ấy vốn dĩ tĩnh lặng, không ngờ trong nhà toàn là người, người ngồi trên sofa, trên ghế, thậm chí ngồi cả lên sàn nhà, người ngồi, người tựa lưng, có người đứng, mùi cà-phê ngào ngạt. ở đây đang có hội vui, ồn ào biết bao!
Nhà Kỳ Dao bây giờ là nơi tụ tập, hơn nữa phần lớn là bọn trẻ, đẹp, rất thoải mái, nhạy cảm, mốt, trông ai cũng phấn khởi. Họ vào hẻm Bình An tựa như đàn phượng hoàng từ tổ bay ra. Ai cũng phải nhìn theo họ khuất bóng phía sau cửa nhà Kỳ Dao, nghĩ nàng thật tuyệt vời, có thể chiêu tập được tinh hoa của Thượng Hải. Mọi người quên cả tuổi tác của nàng, giống như họ quên mất tuổi của hẻm Bình An. Mọi người cũng quên cả con gái của Kỳ Dao, cứ nghĩ nàng như người phụ nữ chưa hề sinh con. Nếu ví với cây vạn niên thanh thì nàng là cây vạn niên thanh, không ngày không tháng, không tuổi tác. Bây giờ lại có nhiều bạn trẻ chững chạc, tự nhiên, ra vào nhà Kỳ Dao như ra vào nhà mình, thực sự trở thành một vườn thanh xuân. Có những lúc ngay cả nàng cũng nghi ngờ, thời gian ngừng trôi, vẫn là bốn mươi năm trước. Những lúc đó đầu óc quả là mụ mẫm, chỉ biết phấn khởi, không truy tìm sự thật. Thật ra, những vị khách đến nhà Kỳ Dao đều là những người chung quanh ta, sáng chiều đều gặp nhau, có điều không quan hệ với họ. Ví dụ, đến phố 16, có thể nhận ra một vài người trong số những người mua cua; nếu đến một chợ nhỏ nào đó, sẽ phát hiện khuôn mặt quen quen; có kẻ “phe” vé trước rạp chiếu phim, mua tranh bán cướp cổ phiếu ở sở giao dịch chứng khoán... Ba trăm sáu mươi nghề, nghề nào họ cũng có mặt, ở đâu cũng bắt gặp bóng dáng sôi động của bọn họ. Bọn họ đến nhà Kỳ Dao để tiêu xài thời gian nhàn rỗi, uống cà-phê, ăn những món điểm tâm ngon do Kỳ Dao làm, cảm thấy đây là nơi tuyệt vời. Bọn họ một kéo theo mười, mười kéo theo trăm, có những người Kỳ Dao không biết tên, có những người chỉ biết biệt danh, thậm chí có những người Kỳ Dao chưa kịp nhìn rõ mặt. Người nhiều, đâm phức tạp, nhưng chẳng chú ý nổi. Phòng khách của Kỳ Dao có thể gọi là nổi tiếng ở Thượng Hải, người chuộng danh mà đến, tiếng lành đồn xa.
Nhưng khách thường xuyên chỉ có mấy người, thứ nhất là Cô-lo, thêm Vĩnh Hồng và anh chàng Chân sếu. Bây giờ họ quen biết nhau hơn, thường hẹn nhau đến đâu ăn cơm, uống trà, hoặc xem phim, khiêu vũ ở đâu. Mùa đông, Kỳ Dao nấu lẩu ở nhà, người ngồi chung quanh, vừa ăn vừa trò chuyện, thời gian trôi đi lúc nào không hay biết, trời tối dần, nồi lẩu càng nấu càng ấm. Chợt Kỳ Dao cảm thấy cảnh này rất quen, năm nào, ngày nào đã có, chỉ là người khác, bất giác thấy buồn. Than dưới nồi rực đỏ, ánh hồng chiếu rọi khuôn mặt nàng, khuôn mặt nổi nếp nhăn, từng nếp, tuy chỉ loáng thoáng, Cô-lo ngồi đối diện thấy hết, chợt giật mình, nhói đau, anh ta nghĩ: nàng là một phu nhân già! Ăn lẩu xong, mọi người ngồi im. Vĩnh Hồng và Chân sếu cũng yên lặng, mỗi người theo đuổi một tâm tư, bỗng chốc tâm tình xa xôi. Hồi lâu, Kỳ Dao khẽ cười, làm những người khác giật mình, phát hiện trời đã tối. Nàng đứng dậy bật đèn, đổ thêm nước vào nồi lẩu, nói:
- Sao im lặng cả thế?
- Cô cũng có nói gì đâu!
Kỳ Dao lại cười. Hỏi cười gì, nàng chẳng nói, hỏi nữa, nàng mới chịu nói, nhìn ba người lại nghĩ đến một vài chuyện. Hỏi chuyện gì, Kỳ Dao bảo không liên quan đến mọi người. Tưởng đâu nàng cố tình đùa bỡn, ba người không bằng lòng, bắt nàng phải nói bằng được. Truy mãi, phải nói:
- Không biết số phận các cô, các cậu ngồi đây sẽ thế nào?
Ba người cùng ngơ ngác, ngừng một lát, Vĩnh Hồng nói:
- Cô cũng không biết cô nữa là!
- Cô thì còn tương lai nào nữa, hiện tại là tương lai rồi!
Mọi người cùng nói Kỳ Dao quá khiêm tốn. Nàng cười:
- Ba cô cậu hôm nay thế này, khó mà nói ngày mai ra sao!
Ba người nhìn nhau, bỗng ngập ngừng, nhất là Cô-lo, Kỳ Dao cố ghép anh ta vào với cặp kia và trở thành người thứ ba, không hiểu Kỳ Dao đang quẫy nước để bắt con cá nào. Anh ta mơ hồ cho là Kỳ Dao đang nói cho mình nghe, có ý thăm dò và thử nghiệm, cảm thấy không tự nhiên, nên lái câu chuyện sang một hướng khác. Nàng không để cho câu chuyện sang một hướng khác, tiếp tục nói về sự bất định của số phận, mỗi lúc một khác, núi khô ng chuyển, nước chuyển, nước không chuyển, người chuyển. Đôi kia nghe say sưa, trong lòng chẳng hay biết gì, Cô-lo thì không muốn nghe, anh ta cười lạnh lùng:
- ý chị muốn nói, cặp này sẽ tan vỡ, em với Vĩnh Hồng sẽ đẹp đôi chứ gì!
Nghe anh ta khiêu khích, mọi người cùng cười. Kỳ Dao không giải thích vội, chỉ nói không phải ý đó. Cô-lo lại nói:
- Theo chị, ba người này thì nên ghép với nhau thế nào?
Kỳ Dao không nói, chỉ cười. Chân sếu mặt đỏ lên, cười, bực mình, anh ta không bực Kỳ Dao, chỉ bực với Cô-lo, cảm thấy anh ta đang nẫng tay trên của mình. Vĩnh Hồng mắng Cô-lo “thần kinh”, trong lòng lại rung động nhẹ nhàng. Kỳ Dao vừa cười vừa quay sang gật đầu với Cô-lo, nói:
- Cậu mạnh mồm lắm, chị thua rồi!
Sau buổi tối ăn lẩu mấy hôm, Cô-lo lại đến nhà Kỳ Dao, anh ta đi thẳng lên gác, thấy cửa vẫn mở, Kỳ Dao ngồi một mình ở sofa, đầu gối đắp cái chăn len, tay đan áo. Anh ta gõ cửa vài tiếng rồi vào. Kỳ Dao không nhìn, cứ như không có anh ta. Cô-lo biết Kỳ Dao đang giận, nhưng vẫn mặc, anh ta đi đi lại lại trong nhà. Hôm nay anh mặc đồ Tôn Trung Sơn, khăn lụa trắng hờ hững quấn cổ, hai tay cho vào túi quần, giống như một thanh niên thời Ngũ Tứ(17). Anh ta đi một lúc, mắt nhìn xuống chân, bước tới bước lui trong ô nắng trên sàn nhà, nghĩ một mùa đông nữa lại tới. Chợt phía sau lưng có tiếng Kỳ Dao, giọng lạnh lùng, bảo anh đừng đi lại như thế, ồn lắm. Cô-lo kéo ghế ngồi, nhìn con chim sẻ đang ăn mồi trên bệ cửa sổ, bị khung cửa che, chỉ thấy nửa cái đầu. Lát sau Kỳ Dao mới nói, hôm nay người không được khoẻ, không định nấu cơm, nên không có gì cho anh ta ăn. Cô-lo cười, nói:
- Chị nghĩ em đến ăn cơm hay sao?
Lúc này nàng mới ngước mắt lên, nói:
- Thế cậu đến làm gì?
Cô-lo hỏi lại:
- Chị bảo, em đến làm gì?
Kỳ Dao nhìn xuống, tiếp tục đan, mặc anh ta. Cô-lo hơi bực mình, ngồi buồn, tay vẫn cho vào túi quần, vẻ bực bội, ấm ức vô cớ nhưng lại không nói ra được, lùi về không xong. Ngồi một lát, Kỳ Dao đứng dậy, pha trà mời anh, chỉ nói một tiếng:
- Cáu gì thế?
Nói xong quay vào bếp nấu cơm chiều. Đến lượt Cô-lo mặc Kỳ Dao, anh ta vẫn ngồi buồn bực trên ghế. Không rõ thế nào lại để Kỳ Dao có lý, nắm quyền chủ động. Những lúc như thế mới tỏ rõ kinh nghiệm cuộc sống ai cao hơn ai. Kinh nghiệm ấy dựa vào thời gian tích lũy, có thông minh bao nhiêu cũng không vượt nổi thời gian, một vài ngày còn có thể, một năm hai năm cũng có thể, nhưng mười năm, hai mươi năm thì khó mà nói!
Bữa cơm tối nay phong phú và ngon hơn mọi hôm, những bực bõ mới rồi của Kỳ Dao không còn, nàng cư xử với Cô-lo thật chu đáo, nói nhiều chuyện vui vẻ, toàn là những chuyện chưa nói bao giờ. Cô-lo bớt giận, tưởng chừng quên hết chuyện không vui mới rồi, nhưng Kỳ Dao thì nhắc lại:
- Cậu ngh hôm ăn lẩu chị nói những chuyện ấy không có lý do hay sao? Chị đâu rỗi hơi!
Cô-lo không biết Kỳ Dao định nói gì, chỉ dừng đũa.
- Chị nghĩ lại nhiều năm trước đấy, cũng ngày đông giá lạnh như thế, cũng bốn người vừa trai vừa gái ngồi ăn lẩu, trong đó có một phụ nữ không liên quan gì, giữa hai nam và một nữ sau đó xảy ra chuyện nằm mơ cũng không thể ngờ tới, ngừng một lát, Kỳ Dao nói tiếp, người con gái ấy là chị!
Cô-lo đặt đũa xuống, ngước nhìn Kỳ Dao. Vẻ mặt nàng vẫn rất bình thản, tưởng đâu như kể chuyện người khác. Hơn hai mươi năm trước, chuyện cãi nhau giữa nàng với Mao Mao, Xasa đã xa lắm rồi, không còn liên quan đến nỗi đau ngày ấy nữa. Có những tình tiết không hiểu mơ hồ thật hay giả, trước sau không ăn nhập gì với nhau. Bởi sự bình thản và tùy ý ấy, bi kịch trông thấy càng thêm đau lòng. Lần đầu tiên anh ta nghe Kỳ Dao nói chuyện của mình, trước kia chỉ miêu tả tình cảnh, trong cảnh đó, con người mờ nhạt, lúc ẩn lúc hiện. Bây giờ, con người ấy đột hiện, thành người thật, nhưng nỗi lòng anh lại huyễn hoặc như rơi vào mây mù dày đặc. Khuôn mặt Kỳ Dao như trong bóng nước, lay động, mờ ảo. Anh ta biết mình đang rơi lệ. Những giọt lệ nửa đồng tình, nửa xúc động. Nàng nói:
- Chị không khóc, cậu khóc gì cơ chứ?
Anh ta gục đầu xuống bàn, nói:
- Em cũng không biết nữa!
Kỳ Dao đã công khai những bí mật của mấy chục năm trước. Liền mấy hôm sau đó, một người nói, một người nghe. Người nghe và người nói đều hút thuốc, khói thuốc luẩn quẩn trong phòng. Vẻ mặt cả hai đều ngơ ngác, tiếng nói cũng ngơ ngác. Đó là câu chuyện bắt đầu từ bốn mươi năm trước, con người trong lớp khói bụi gấm hoa, ngày nay biết tìm đâu đầu mối câu chuyện! Bắt đầu câu chuyện tuy là bi kịch, nhưng là bi kịch phù hoa nhung lụa, câu chuyện kết thúc ở đâu? Tiếng nói của nàng lắng xuống, im lặng hồi lâu, chỉ có sương khói tự do hợp tan. Thế rồi trong phòng đột nhiên vang lên ba tiếng vỗ tay nhè nhẹ của nàng. Anh ta giật mình, ngước nhìn, nàng đang cười trong chập chờn sương khói, nói:
- Vở kịch diễn đến đây cũng sắp đến hồi kết.
Anh ta khẽ rùng mình, cảm thấy âm u sợ hãi. Nàng nói tiếp:
- Làm người như diễn kịch, đúng không nào?
Anh ta không phủ nhận, nhìn nàng đứng dậy, sương khói phủ quanh, đi đến xoa đầu anh ta, lòng nguội lạnh. Bàn tay nàng vuốt mái tóc anh, chỉ nghe tiếng:
- Ôi, cậu em bé bỏng!
Anh ta giơ tay định nắm bắt tay Kỳ Dao nhưng không được, chỉ quờ quạng trong không trung. Kỳ Dao ra khỏi phòng, anh nhìn theo bóng nàng khuất sau cánh cửa, người nóng lên. Lúc nàng quay lại, thấy anh ta ngồi run rẩy trên ghế, hai hàm răng đánh cầm cập. Nàng đặt thức ăn xuống, đến vuốt tóc anh, nhưng bị anh ôm chặt như một sợi dây leo. Hỏi sao thế, anh không trả lời, nhắm mắt, áp sát vào người nàng. Kỳ Dao cảm thấy người anh ta nóng rực, vuốt ve anh, đặt anh nằm xuống giường. Hai cánh tay anh ta ôm ngang lưng Kỳ Dao, kéo nằm lên người mình. Nàng kêu buông tay, buông tay. Anh ta ôm chặt hơn. Nàng cuống lên, tát vào mặt anh ta, anh ta nhắm mắt nhưng vẫn không buông tay, mặc cho nàng tát đến đau cả tay. Thấy mặt anh ta bị tát đỏ lên, Kỳ Dao dịu lại, lấy tay xoa nhè nhẹ mặt anh, lại bị mặt anh áp sát. Cứ như thế một hồi lâu. Kỳ Dao thở dài, phủ lên ngực anh ta, anh lật người lại, đè nàng xuống dưới.
Cơn sốt trên người anh ta đã lùi, mồ hôi lạnh toát ra, anh ta vẫn run, miệng lắp bắp như mê sảng, không nghe rõ nói gì. Kỳ Dao dỗ dành anh ta, dỗ như dỗ trẻ con. Anh ta muốn gì cũng chiều. Mấy bận anh ta luống cuống, định làm gì đó nhưng không biết nên làm thế nào, vật vã, giận dỗi, Kỳ Dao dùng tay giúp anh ta. Anh khóc lên mấy tiếng, buồn bã, mọi toan tính đều đổ vỡ. Nàng an ủi anh, cổ vũ anh. Đêm vừa dài vừa không yên bình, nhiều việc thừa. Đèn lúc sáng, lúc tắt, người lúc thức, lúc ngủ. Đêm ấy, không hiểu sao hẻm Bình An lại yên tĩnh đến thế, không có một tiếng đêm nào, cả thế giới đều là âm thanh của hai người. âm thanh ấy cũng bị nuốt chửng, càng ồn ào càng hiu quạnh. Hai người có nhiều ác mộng, kêu thét, nhịp thở nặng nề, mắt cay xè. Một đêm mệt mỏi như có ngàn cân đè nặng. Hai người đều cầu mong cho chóng sáng, nhưng khi có chút ánh sáng trên rèm cửa sổ, cả hai lại sợ không biết hôm nay sẽ sống thế nào đây! Anh ta mệt mỏi rã rời, tay chân không buồn cử động. Nhưng Kỳ Dao rất tỉnh táo, mờ sáng đã dậy. Khi chải đầu rửa mặt, nàng không dám nhìn vào gương, rồi vội vã xách làn ra khỏi cửa. Ngoài đường trời vẫn còn tối, đèn đường chưa tắt, lác đác vài người qua lại. Kỳ Dao ra chợ, ở đấy đã có tiếng người, trời cũng sáng hơn, lúc này nàng mới thấy mình sống lại. Đèn đường tắt, bầu trời vẫn loáng thoáng mấy vì sao mờ nhạt. Kỳ Dao nghĩ, đây là lúc nào nhỉ? Nàng về đến nhà thì trên giường không còn người, Cô-lo đã đi.
Anh ta đi không trở lại, Kỳ Dao thấy như vậy mà hay. Buổi sáng, anh ta đi rồi, việc đầu tiên của Kỳ Dao là kéo rèm cửa sổ để ánh nắng tràn vào hoá giải tất cả những gì của đêm qua. Bắt đầu từ đêm ấy, mọi suy tư của Kỳ Dao sống động hẳn lên, nàng nghĩ: không xảy ra việc gì. Những ngày sau đó, rất bình thản, đêm cũng rất bình thản. Người đến, người đi cũng thưa dần, người nào bận việc người ấy. Kỳ Dao bắt đầu đan cái áo len cashmere, kiểu khá phức tạp. Nàng ngồi đan từ sáng đến tối, chỉ phải nấu ăn vào giữa buổi, mở máy thu hình từ sáng sớm cho đến lúc trên màn hình xuất dòng chữ “Xin hẹn gặp lại”, lúc này mới chịu cất len đan, đi ngủ. Ngay cả tên anh ta Kỳ Dao cũng không nghĩ tới, cứ như chưa hề có anh ta. Hơn nữa, ý nghĩ rất lạ lùng: ngày vẫn thế đấy thôi? Một hôm, Chân sếu đến, hỏi:
- Cô-lo về từ lúc nào?
Kỳ Dao ngớ ra, không biết anh ta đi đâu, đi lúc nào. Chân sếu lại hỏi:
- Cậu ấy bảo đi Vô Tích kia mà?
Kỳ Dao không nói gì, lòng cười vô cớ. Hôm ấy, Kỳ Dao làm thật nhiều thức ăn mời Chân sếu, làm một vài món ngon, nghe anh ta khoác lác. Gần đây, Chân sếu trúng đậm mấy vụ, kiếm được kha khá, bởi thế cũng nhiều chuyện hơn, đem khoe Kỳ Dao. Nàng nghe rất kỹ, chốc chốc lại hỏi thêm vài ba câu. Chân sếu được coi trọng như thế rất cảm động, lại uống vài chén rượu, mắt long lanh, nói:
- Cô Dao ạ, cô hay bạn cô cần đổi tiền, đưa cháu đổi giúp, cao hơn hẳn đổi ở Ngân hàng Trung Quốc. Anh ta so sánh hai tỷ giá, còn tính cho Kỳ Dao nghe. Kỳ Dao nói không có ngoại tệ. Ngừng một lát, lại nói:
- Đổi vàng cháu có đổi không?
- Có chứ! Rồi anh ta so sánh giá vàng chợ đen và giá vàng của ngân hàng, tính toán thật nhanh, nói cho Kỳ Dao biết những ví dụ cụ thể. Nhưng Kỳ Dao nói:
- Vàng cô cũng không có!
Chân sếu nói thêm:
- Lợi lắm cô ạ!
Thế rồi anh ta nói sang chuyện khác. Cơm xong, đã hơn ba giờ chiều, Chân sếu ra về. Nắng đẹp, nắng rực rỡ nhưng như sắp tắt, không còn làm được việc gì lớn. Chân sếu bước đi chếnh choáng, mắt không mở ra nổi, anh ta đứng giữa đường người xe qua lại như nước, nghĩ: bây giờ đi đâu nhỉ?
Buổi tối, Kỳ Dao ngồi ở sofa đan áo, nghe thấy những âm thanh ồn ồn trong máy thu hình, người uể oải, nhắm mắt, không ngờ ngủ thiếp đi. Tỉnh lại, thấy màn hình trắng, căn phòng đầy tiếng rào rào của sóng truyền hình. Nàng mở mắt, cảm thấy căn phòng trống trải và rộng vô cùng, đèn cũng sáng hơn bình thường khiến cả căn phòng chói chang. Kỳ Dao cố gắng dậy tắt máy thu hình, rồi tắt đèn lên giường, đèn vừa tắt, ánh trăng chiếu ngay vào trước giường. Nàng tỉnh táo hẳn lại, không còn buồn ngủ nữa, nhìn bóng hoa trên rèm cửa sổ được ánh trăng chiếu vào, nghĩ hôm nay là ngày mấy mà có trăng? Lại nghĩ, lẽ ra vừa rồi không nên ngủ, để đến bây giờ mất ngủ, đêm nay sẽ thế nào đây? Một mình tỉnh giấc trong đêm khuya sẽ phải nghĩ ngợi nhiều chuyện. Kỳ lạ là, nhiều chuyện hệ trọng thì không nghĩ, chỉ nghĩ đến những đêm không có gì hệ trọng. Chuyện nhiều năm trước, đêm ấy có hai người nhà quê cáng một người ốm đến tìm bác sĩ, gõ nhầm cửa. Tiếng gõ cửa trong đêm khuya thanh vắng như ở ngay bên tai, không rõ báo tin lành hay tin dữ đây. Lúc này, tai nàng thật thính, có thể nghe thấy mọi động tĩnh trong con hẻm hun hút, không có tiếng gõ cửa, hẻm thật yên tĩnh, rõ cả tiếng chân mèo nhảy từ tường cao xuống. Nàng gom lại và phân biệt tỷ mỉ những âm thanh ấy. Đó là trò chơi trong đêm để tiêu khiển thời gian. Nàng thức gần trắng đêm, vài lần chập chờn, như thức, như ngủ, hễ giật mình là tỉnh giấc. Tối hôm sau, sợ mất ngủ, cố thức thật khuya, cho đến khi không đừng được nữa mới lên giường, tự nhiên chìm vào giấc ngủ.
Không rõ vào lúc nào, tỉnh lại, nghe thấy tiếng động ở kính cửa sổ. Tỉnh hẳn, lại có tiếng động, như có người ném đá vào kính cửa sổ. Nàng đến bên cửa sổ, vén rèm nhìn, ngõ hẻm dưới trăng không có người. Ngừng một lúc, nàng định bỏ rèm xuống thì thấy có bóng người đứng ở chân tường, đang ngước lên nhìn dưới ánh trăng. Hai người, một trên một dưới nhìn nhau. Kỳ Dao quay về giường khoác thêm cái áo, rồi đi xuống gác. Cửa sau vừa mở, một người lách ngay vào. Cả hai cùng im lặng, một trước một sau đi lên gác.
Căn phòng không bật đèn nhưng sáng trăng, cả hai cũng quay lưng về phía có ánh trăng, không muốn nhìn rõ mặt nhau. Một người ngồi ở cạnh giường, một người đứng ôm hai vai. Lát sau, người đứng nói:
- Cậu về rồi đấy à?
Người ngồi cúi đầu. Người đứng lại nói:
- Cậu phải bỏ đi đâu? Lẽ nào chị phải đuổi theo cậu? - Rồi cười nhạt, lùi lại và ngồi xuống sofa, châm một điếu thuốc. Lúc này, ánh trăng chiếu lên mặt nàng, trắng bệch, đầu tóc rối bời, khói thuốc bảng lảng, che phủ khuôn mặt. Anh ta không nói, cởi áo quần chui vào chăn, trùm kín đầu. Nàng vẫn ngồi hút thuốc, quay nhìn phía cửa sổ, ánh trăng in bóng nàng, khói thuốc vờn quanh, như hình người của thế giới khác. Không biết đã mấy giờ đêm, mèo cũng đã ngủ. Nàng hút xong điều thuốc, dụi đẩu mẩu vào gạt tàn, rồi đứng dậy đến bên giường, lên giường. Đêm thật tĩnh mịch, tất cả đều diễn ra trong trầm mặc, không nức nở, không mộng mị, thậm chí tiếng thở cũng nén lại. ánh trăng ngả về tây, căn phòng tối lại, hai người trên giường như chìm xuống đất sâu, không một động tĩnh. Không thể đoán biết chuyện gì đã xảy ra trong đêm tối và yên tĩnh, cái gọi là bí mật là đây, không nghe, không thấy, thậm chí không nghĩ ra nổi, không cần đến phương kế, không cần đến sức mạnh. Đêm ấy, chỉ có một thứ không yên tĩnh, đó là đàn bồ câu trên sân thượng, chúng lục đục cả đêm, gù gù không ngớt, tưởng như có người đụng vào tổ của chúng.
Chín giờ sáng, trong ánh nắng hiếm hoi của mùa đông, Cô-lo cưỡi xe đạp đi trên đường phố. Anh ta tự hỏi: lẽ nào là giấc mơ? Cảnh vật chung quanh tươi sáng và sống động, khiến giấc mơ đêm trở nên trống trải, nhạt nhoà và đáng sợ. Anh không nhớ bắt đầu từ đâu, kết thúc ở đâu. Bây giờ anh muốn đến chỗ thật đông người. Giả bộ mạnh dạn. Anh thích ban ngày, mặt trời lên là anh cảm thấy nhẹ nhàng. Anh sợ nhất là lúc trời nhá nhem tối, cảm giác thảng thốt xâm chiếm, làm anh đứng ngồi không yên. Thông thường anh định sẵn cho mình một hoạt động hoặc một cuộc hẹn nào đó, nhưng chừng bảy, tám giờ tối mọi tiết mục của buổi tối bắt đầu, anh không còn tự chủ, quay đầu xe đi về phía nhà Kỳ Dao, tưởng chừng những cơn ác mộng kia đang vẫy gọi anh. Đã bao lâu anh chưa đến cửa hàng đĩa hát? Anh cũng không mở máy hát, một lớp bụi phủ lên những đĩa hát. Vào những buổi tối anh kiên quyết trở về căn gác trên tầng ba, phần lớn anh thức thâu đêm, mắt mở trừng trừng. Nhìn bầu trời yên ả ngoài cửa sổ tò vò, lòng như lắng xuống. Những cơn ác mộng kia sống lại trong dòng ý thức tỉnh táo, hơn nữa vô cùng sống động, rõ nét, chỉ một mình anh thừa nhận, không dựa dẫm. Chỉ có đến nhà Kỳ Dao anh mới có thêm những ác mộng mới. Anh không thể yên được, bởi anh sẵn sàng bất cứ giá nào. Có một buổi sáng, anh không ra khỏi giường Kỳ Dao, nằm nhìn căn phòng mỗi lúc một sáng dần, thấy nàng bên cạnh, nàng cũng nhìn anh. Hai người cùng mỉm cười với nhau.
- Sáng nay ăn gì nhỉ?
Kỳ Dao hỏi, tưởng đâu hai người như vợ chồng đã mấy chục năm nay rồi. Anh không trả lời, tay vòng qua người nàng để lấy thuốc trên tủ đầu giường. Kỳ Dao đưa thuốc cho anh, mình cũng lấy một điếu, cùng châm lửa, giống như hai vợ chồng. Lúc này, tia nắng đầu tiên đã rọi vào nhà, dừng lại bên khung cửa sổ, sương khói trong nắng mai tỏ ra mệt mỏi và buồn rầu, ngày chưa bắt đầu mà đã đến tận cùng.
- Mấy giờ phải lên lớp?
Kỳ Dao lại hỏi. Anh trả lời đang nghỉ đông, không phải lên lớp nữa. Nàng suy nghĩ giây lát, phải rồi, sắp đến Tết, nhưng chưa chuẩn bị gì, liền hỏi:
- Tết năm nay thế nào?
- Như mọi năm, anh ta trả lời.
- Mọi năm ăn Tết thế nào, đâu biết!
Anh ta nghe ra, có ý dỗi, không trả lời. Kỳ Dao làm lành, cười, nói:
- Mồng hai mời Vĩnh Hồng đến ăn cơm, được không nào?
Anh ta trả lời được, hai người không nói gì thêm, chỉ hút hết điếu thuốc này đến điếu khác. Nắng làm tấm rèm cửa sổ rực lên, căn phòng sáng choang, chuyển động trong ánh nắng dày đặc. Đến tận trưa hai người mới dậy, nấu mỳ. Kỳ Dao bảo anh quét dọn nhà cửa, phơi chăn đệm, ngâm khăn trải giường, quét bụi trên tủ... hai người làm rất hào hứng. Mọi u ám của một buổi sáng được dọn sạch, tâm tình trong sáng. Quét dọn xong, trong khi Kỳ Dao giặt khăn trải giường bảo anh đi tắm, tiện thể mua sẵn ít lạp xường để ăn Tết. Anh ta tắm táp sạch sẽ, mua đồ về nhà Kỳ Dao thì đã lên đèn. Tuy tối, nhưng vẫn thấy rõ căn phòng gọn gàng, không khí mới mẻ, thức ăn đã bày sẵn lên bàn, Kỳ Dao vừa xem truyền hình, vừa đan áo, thấy anh về, liền nói:
- Ăn cơm thôi nhé!
Tối ấy, một buổi tối yên tĩnh hiếm có, anh ta nghĩ: đời người cầu mong chẳng phải thế này sao? Hai người nói chuyện linh tinh ngày còn nhỏ, như chuyện trèo leo ngã vỡ đầu, bắt gà, mất của... Nàng lặng lẽ nghe, nét mặt tươi cười. Chuyện của anh ta mỗi lúc một vụn vặt, âm thanh trên truyền hình không là tiếng nói của hình ảnh. Trong hẻm không biết ai đó nóng lòng đã nổ tràng pháo đầu tiên của mùa xuân, một tiếng “đùng” làm mọi người giật mình, cũng là âm thanh ngoài hình ảnh. Tối nay, có thể coi là buổi tối ngọt ngào, ác mộng không còn, cũng không còn mất ngủ. Cả hai cùng chìm trong giấc ngủ ngon lành, không ú ớ mê sảng. Căn phòng yên tĩnh, chỉ có tiếng thở se sẽ. Những đêm dằn vặt, giằng xé của hai người cuối cùng đã hoà vào đêm bình yên của hẻm Bình An.
Tết đến với hẻm Bình An trong bầu không khí như thế, đó là Tết năm 1986, là Tết may mắn tốt lành, đâu đâu cũng hé mở hy vọng đổi thay, chỉ cần nghe tiếng pháo đêm giao thừa cũng đủ hiểu, tiếng pháo lúc chìm lắng, lúc rộ lên, không dứt. Nhất là lúc chuông điểm mười hai giờ, cả thành phố rộ lên tiếng pháo, bầu trời rực đỏ. Xác pháo bay phơi phới, phủ đỏ mặt đất, báo điềm lành. Có đêm giao thừa nào rực rỡ như đêm nay? Tưởng như bừng nở một thế giới mới, tiếng pháo tống tiễn năm cũ vừa dứt, tiếng pháo mừng xuân mới bắt đầu. Tiếng pháo vang dậy trong ánh sáng ban mai, như tiếng gà gọi sáng, bắt đầu một kỷ nguyên mới. Tiếng pháo xa gần đối đáp, tuy không rầm rộ như đêm qua, nhưng liên miên không cùng, tiếng nọ tiếp tiếng kia. Dần dần, tiếng pháo trở nên dày đặc, nhưng không nháo nhào lộn xộn như nồi cháo, mà như từng viên ngọc to nhỏ rơi rơi, nghe như tiếng hát. Tiếng hát không thay đổi như điệp khúc, như bài phú, xa dần lúc nào không hay biết. Tiếng hát đối đáp, người hoạ kẻ ứng, cùng một điệu. Tiếng hát dồn dập như sóng xô. Đó là bản đại hợp xướng của thành phố, mỗi một kẽ hở, mỗi một ngóc ngách đều góp một bè. Người này hát mệt, người kia hát tiếp, không ngưng nghỉ. Nghe bản đại hợp xướng này sẽ nhận ra thành phố muôn người một chí, vững như thành đồng.
Như Kỳ Dao gợi ý, mồng hai Tết mời Vĩnh Hồng và anh chàng Chân sếu làm khách. Khác với mọi ngày, hôm đó toàn là kiệt tác của Cô-lo. Từ hôm trước, anh ta quấn tạp dề của Kỳ Dao để chuẩn bị. Kỳ Dao cũng ra tay giúp, cười nói:
- Nào, để xem ai phụ giúp cho cậu!
Anh ta nói:
- Chỉ có người này mới trúng tuyển giúp việc cho em.
Kỳ Dao gật đầu, cười:
- Được thôi, chỉ sợ khoác lác một tấc đến trời!
- Khoác lác đến trời đã có người lôi xuống!
- Ai lôi, ai lôi xuống, nói đi!
Bận bịu suốt một buổi tối, một buổi sáng, đến hai giờ chiều, các món ăn đã gần xong, Kỳ Dao thật bất ngờ. Hỏi học ở đâu, anh ta chỉ cười không trả lời, hỏi nữa, nói mình tự học mình. Đang nói chuyện thì đôi kia đến, Chân sếu tay xách túi lớn, túi nhỏ, còn thêm bó hoa hồng. Kỳ Dao miệng thì trách anh ta mua hoa làm gì cho tốn tiền, nhưng trong lòng rất vui, nghĩ đây là điềm lành. Vĩnh Hồng ngồi xuống trước bàn đầy bát đĩa, thấy khác thường, hỏi mới thuê đầu bếp hay sao. Kỳ Dao chìa môi chỉ về phía Cô-lo, Cô-lo chỉ cười không trả lời. Vĩnh Hồng nói:
- Ôi, có ngàn vàng cũng không mời được đầu bếp thế này đâu nhé!
Lúc này Cô-lo mới lên tiếng:
- Không dám, không dám! Anh ta tiếp tục bận bịu, tuy hãy còn sớm, nhưng đã xong, bốn người cùng ngồi quanh bàn, chuẩn bị ăn cơm. Ngày Tết, dù sao thời gian có phần lẫn lộn, sớm muộn không thành vấn đề.
Đôi mới đến nâng ly chúc gia chủ và người vất vả nấu nướng, chúc nhau năm mới vui vẻ. Cô-lo mời mọi người nếm thử thức ăn. Món nào Cô-lo cũng giới thiệu trước, khiến Vĩnh Hồng bật cười. Anh ta không tranh luận, để sự thật lên tiếng. Quả nhiên, sự thật vô cùng đanh thép, Vĩnh Hồng thì tâm phục nhưng khẩu không phục, vẫn chê. Cô-lo thấy Vĩnh Hồng ăn ngon lành, đành phải dùng lời nói để cân nhắc. Vậy là mỗi người một câu, bắt đầu đánh giặc miệng. Hai người này thông minh tột đỉnh, lại được Kỳ Dao chỉ bảo, rất có khiếu nói, lý lẽ sắc sảo đáng nể, khiến hai người nghe chốc chốc lại khen hay. Thấy có người khen, càng hăng hái, đầu óc và mồm miệng càng minh mẫn hoạt bát, không hiểu còn tiếp tục đến bao giờ, xem ra vẫn chưa có ý dừng lại. Lát sau, hai người khen đã thấy chán, tuy vẫn lớn tiếng cổ vũ, nhưng tiếng nói và nụ cười đã nhạt, hai người tranh luận vẫn chưa hết phấn khởi.
Cuộc đấu khẩu lại được tiếp nối, cả hai bên đều hiểu đối phương, tất nhiên trong lòng cũng đang tranh luận với nhau, không nén nổi phấn chấn. Lúc này không muốn nhưng cũng phải đấu khẩu. Cứ mở miệng ra là khiêu khích, hễ trả lời là ứng chiến. Một bữa ăn có đến vài ba lần tranh luận, đối đáp giữa hai người như chuỗi ngọc đẹp, chặt chẽ đâu vào đấy. Cả hai bên đều hiếu thắng, không vội thắng thua, chỉ lý thú hiểu nhau, cứ như cuộc thi trình diễn. Trong lúc họ đắm chìm vào cuộc thi, thì nghe Kỳ Dao nói:
- Thôi thôi, tạm dừng, ăn trái cây xong rồi tiếp tục.
Đôi kia như bừng tỉnh, chú ý đến người đang bị bỏ rơi. Chân sếu tỏ ra vô vị, cụt hứng, đi đi lại lại trong phòng. Kỳ Dao tươi cười chia trái cây cho mọi người, khi đưa đĩa trái cây cho Cô-lo, mắt không nhìn anh ta. Lát sau, cho dù anh ta nói gì, Kỳ Dao miệng trả lời nhưng mắt vẫn nhìn đi chỗ khác, như nơi ấy có sự việc mà nàng quan tâm hơn. Anh biết mình đang làm nàng không vui, nhưng anh ta không những không thôi, ngược lại, càng hứng chí hơn. Thậm chí anh rất đắc ý tìm được chỗ yếu của Vĩnh Hồng để khẩu chiến một lần nữa. Anh ta tỏ ra rất vui, rất sôi nổi, nhanh trí, khiến người khác phải ngạc nhiên. Nhưng Kỳ Dao thì không nhìn anh ta, chỉ nhìn vào cái áo len đang đan trong tay, nụ cười trên khuôn mặt vẫn nguyên. Chân sếu không đủ kiên nhẫn, la lên đòi đi. Mà cũng đã mười một giờ rồi, Vĩnh Hồng đứng dậy. Cô-lo nói:
- Tôi sẽ đi với các bạn!
Ba người cùng ra cửa, tiếng chân xuống thang gác rầm rập một hồi rồi im bặt. Kỳ Dao vào bếp chuẩn bị rửa bát, nghe thấy tiếng mọi người dắt xe đạp ở cửa sau. Có ai đó không tìm thấy chìa khoá xe, tìm một lúc mới thấy, tiếng mở khoá lách cách, mọi người lần lượt lên xe ra khỏi hẻm. Kỳ Dao nhìn chậu bát đầy, không biết nên bắt đầu từ đâu. Nàng nhìn đống bát đĩa chưa rửa một lúc, rồi tắt đèn, lên nhà.
Cô-lo sau khi chia tay với hai người kia, anh ta đi một vòng quanh phố, rồi chầm chậm quay về phía nhà Kỳ Dao. Đường phố dường như không bóng người, một chiếc xe buýt vắng khách chạy tới. Anh ta nghe rõ tiếng xích xe đạp của mình nghiến ken két, niềm vui trong lòng đã lắng xuống. Đúng là một đứa trẻ nghịch ngợm, muốn về nhà mình, bởi hả lòng hả dạ nên rất yên tĩnh. Anh nhìn bóng những toà nhà dọc phố, bóng cây ngô đồng, lòng nghĩ vẩn vơ, dần dần tới con hẻm quen thuộc, thấy rõ những ngọn đèn trong hẻm sâu. Một con mèo hoang chạy ngang qua bánh xe, tiếng chân nhẹ êm. Anh dừng xe ở cửa sau nhà Kỳ Dao rồi lần tìm chìa khoá mở cửa. Lên gác, anh lại tìm chìa khoá mở cửa phòng, nhưng không mở được. Anh áp tai vào cửa, bên trong cố tình giữ yên lặng, nàng đã cài cửa. Anh đứng một lát rồi nhẹ chân đi xuống, ra cửa sau. Tuy không được vào, nhưng anh không bực, chỉ thầm nhủ: mình chẳng có gì đáng trách! Thế rồi anh lên xe ra khỏi hẻm. Anh đi qua ngôi nhà đầu hẻm, thấy bóng mình dưới chân, chợt vui mừng. Anh bỏ một tay, nhìn bầu trời, đúng là một đêm yên tĩnh! Anh đạp thật nhanh về nhà mình, từ xa đã nhận ra ô cửa tò vò trên mái nhà, bên tai như vang lên tiếng kèn saxo trong giai điệu nhạc Jazz.
Mồng ba và mồng bốn, anh không ra khỏi cửa, ngồi trên gác ba mở đĩa hát nghe liền hai ngày, tưởng chừng trở lại với mấy tháng trước. Tiếng kim lạo xạo trên đĩa đang hoan nghênh và có ý chiều lòng anh. Anh dùng bàn chải mịn tỷ mẩn quét bụi trên đĩa hát, cất đặt và kiểm lại. Ba bữa ăn trong ngày anh đều ăn ở nhà, lâu lắm mới gặp lại hương vị thức ăn gia đình. Thấy anh ở nhà, bố mẹ tỏ ra vui vẻ gượng gạo như trẻ con. Hai bố con ngồi cùng mâm nhưng có vẻ tránh ánh mắt của nhau. Không có bạn bè đến tìm, chứng tỏ anh ta vắng nhà rất lâu. Anh nằm ngửa trên đệm, nhìn mái nhà hình tam giác, lòng rất yên tĩnh. Không phải sự bình tĩnh bởi mọi việc đã kết thúc tốt đẹp, mà ẩn ý mong đợi, nhưng lại không biết mong đợi điều gì. Phía dưới cửa sổ, trẻ con đì đẹt đốt pháo, tiếng chuyện trò đón đưa khách. Đây mới thật là Tết! Nào người thân, nào khách khứa! Mồng năm, mồng sáu anh vẫn ở nhà, bố mẹ đi làm, tiếng pháo thưa thớt, trong hẻm yên tĩnh, là những ngày bình thường. Bởi những ngày bình thường ăn Tết vui vẻ, cho nên càng trầm tĩnh, không trách cứ những sai lầm cũ, quyết tâm làm lại từ đầu. Mồng bảy đúng chủ nhật, gợn lên dư âm của Tết. Anh quyết định đi chơi. Anh ta cưỡi xe đạp chầm chậm qua các phố. Một vài cửa hàng đã mở, có những cửa hàng còn đóng cửa nghỉ bù. Mặt đường vương đôi ba xác pháo, trên cành cây lủng lẳng một quả bóng bay đã vỡ. Anh nhìn thấy căn nhà vắt qua hẻm Bình An, ánh nắng trên mái, con số bằng xi-măng ghi năm xây dựng bị rụng, trông tiều tụy. Anh đạp xe nhanh qua hẻm Bình An để cố tình thử xem mình bất chấp lẽ phải đến đâu. Anh ta đạp thật nhanh, người lắc la lắc lư, trông không giống Cô-lo, giống như một thanh niên hiện đại với tư thế thẳng tiến không lùi.
Mấy hôm sau, trường học kết thúc kỳ nghỉ đông, anh ta phải lên lớp, sáng đi tối về, không còn thời gian trống. Ngày nào cũng đi ngủ sớm, lòng yên ổn. Lúc này, ngoài cửa sổ dù là mái ngói đen, nhưng vẫn nhận ra hơi hướng mùa xuân. Cỏ dại trong kẽ ngói đã lên xanh. Nắng ấm, ẩm ướt đôi chút. Cả tiếng chim hót, giai điệu phong phú hơn rất nhiều, nghe như có muôn vàn câu chuyện. Buổi sáng ngủ dậy sẽ nghĩ: hôm nay có việc gì vui đây? Cả những người già, từng trải cũng có những hy vọng không tên như thế. Đó là điều tốt của mùa xuân, ai ai cũng hướng tới thiện mỹ, tâm tình thanh thản. Chủ nhật ấy, anh đến nhà Kỳ Dao. Vào hẻm, anh ta chợt không nhận ra, thậm chí nghĩ đây là đâu? Mình đã đến bao giờ chưa nhỉ? Nhưng anh vẫn quen thuộc dừng xe trước cửa nhà, đi thẳng lên gác. Cửa đóng, anh gõ cửa, không có người trả lời, anh lấy chìa khoá mở cửa, chưa kịp tra khoá vào ổ thì cửa đã mở. Rèm cửa sổ được kéo lên, gần trưa mà nắng vẫn rọi vào, ánh nắng mơ hồ, lãng đãng khói thuốc. Chăn vẫn còn trên giườn g, nàng mặc áo ngủ, đứng dậy mở cửa rồi vào ngồi ở giường. Anh hỏi:
- ốm hay sao thế?
Không trả lời. Anh đến gần, định an ủi, chợt thấy trên gối dây bẩn thuốc nhuộm tóc, chán ngán quá! Trong phòng có mùi hôi từ nhà bên phả sang, càng nản lòng. Anh ta kêu “hôi quá”, rồi đến mở cửa sổ, vén rèm, nắng chiếu thẳng vào mắt anh. Anh cố gắng vui lên, nói:
- Thổi cơm trưa được rồi đấy!
Bất ngờ câu nói ấy được đáp lại:
- Cậu bảo mời chị ăn cơm, hôm nay nhé?
Câu nói như điểm đúng huyệt anh, kỳ thực cả hai cùng hiểu ý mời ăn cơm, nhưng một người cần, một người không cần. Thời gian đã qua, mọi việc đã khác, vị trí đã thay đổi, vẫn là một người cần, một người không cần. Anh ta đứng nhìn ngoài cửa sổ hồi lâu rồi quay người, đi ra cửa.
13 Về nơi suối vàng
Chân sếu là thần đi đêm, chưa quá nửa đêm chưa về tổ. Có một đêm, anh ta đã kết thúc những hoạt động đêm, nổi hứng, anh ta đạp xe đến hẻm Bình An, rẽ vào hẻm. Thấy cửa sổ nhà Kỳ Dao còn sáng đèn, cho rằng trong nhà đang có hội vui, lòng rất kích động, anh ta vội đạp xe vào. Chợt anh ta thấy có người dừng xe ở cửa sau, thì ra Cô-lo, đang định gọi thì thấy Cô-lo mở cửa sau bước vào, cửa nhẹ nhàng khép lại. Chân sếu nghĩ, làm sao Cô-lo lại có chìa khoá cửa sau? Vốn tính không đa nghi, nhưng vẫn suy nghĩ, anh ta không gọi cửa nữa mà cứ thế rút lui. Ra đến đầu hẻm, nhìn lại, ánh đèn trong cửa sổ đã tắt. Anh ta cúi nhìn đồng hồ, mười hai giờ. Hẻm Bình An đã tắt hết đèn, trong màn đêm, nhà cửa tạo nên những đường viền gồ ghề. Đêm nay có phần kỳ lạ, ngay cả Chân sếu rất hiểu những sinh hoạt đêm của thành phố này cũng cảm thấy bí hiểm, lòng bị dồn ép, xốn xang. Mảnh trời đêm chật hẹp trên những mái nhà, ma quái đang chờn vờn và đêm rì rầm như sấm truyền. Chân sếu cảm thấy thành phố xa lạ và ngơ ngẩn. Đèn xanh đỏ ở ngã tư không người qua lại vẫn đổi màu, cũng đang bị đêm tối thao túng. Vắng người qua lại, là người sợ người, phải vội vã đi nhanh. Chân sếu cảm thấy đêm nay như một tấm lưới mà anh ta là con cá mắc lưới, bơi lội thế nào cũng không thoát ra nổi. Giống như ác mộng, nhưng Chân sếu không có trí nhớ, buổi sáng dậy là quên hết, đêm hôm sau vẫn lại thân thiết, đáng yêu, cùng bạn bè vui vẻ, ánh đèn nê-ông cũng biết nhảy múa, hát ca.
Nhớ lại chuyện hôm Tết, mồng hai tụ tập ở nhà Kỳ Dao, được thưởng thức cuộc đấu khẩu giữa Cô-lo và Vĩnh Hồng, thậm chí Chân sếu cũng không còn nhớ rõ. Tết này Chân sếu rất khó khăn, mồng hai ăn với nhau bữa cơm, mồng ba anh ta biến mất. Ai cũng bảo Chân sếu đi Hồng Công thăm người anh em họ, Vĩnh Hồng thì mong anh ta mua áo quần mốt mới nhất của Hồng Công. Thực tế thì thế nào? Anh ta đang phải đội gió rét, ngồi nhờ thùng xe lam của người khác, đi buôn cá ở hồ Hồng Trạch. Trên người anh ta mặc chiếc măng-tô bông của nhà máy phát, hai tay thọc vào túi. Xe giành nhau chạy, ánh đèn xe quét loang loáng lê n người đang khoanh tròn trên thùng xe trong đêm. Tiếng động cơ, tiếng còi xe đinh tai nhức óc, thỉnh thoảng lại thấy một chiếc xe đổ nằm chỏng chơ, bên cạnh là những người đứng như mất hồn. Đúng là một thế giới khác, trời rộng lớn, đất cũng rộng lớn quá, người chỉ là con sâu bò giữa đất trời, chỉ giẫm một cái là chết, con người trong hoàn cảnh này dễ nghĩ đến cái chết, mục đích làm người nhanh chóng biến mất. Buôn cá rất rủi ro, không thấy tương lai tiền đồ đâu cả, Chân sếu cược nốt những đồng tiền cuối cùng vào chuyến này. Chuyến đi được ăn cả ngã về không, nếu trắng tay, anh ta còn mặt mũi nào về Thượng Hải gặp lại bạn bè và cả Vĩnh Hồng nữa chứ!
ở nhà, bạn bè đồn anh ta đi Hồng Công. Mọi việc chỉ sợ tin đồn, một đồn mười, mười đồn trăm, không đi cũng như đi. Có người nói, Chân sếu đi kỳ này không về nữa, ông anh họ sẽ làm thủ tục di chuyển cho anh ta. Lại có người nói, anh ta đi kỳ này để chính thức tiếp nhận tài sản thừa kế, có về cũng không như trước. Vĩnh Hồng thấy lo, nhẩm tính ngày anh ta đi. Bất giác, Hồng nghĩ đến tuổi của mình, lẽ ra phải lấy chồng rồi. Một năm trở lại đây, Hồng chỉ chú ý đến con người này, đó sẽ là lựa chọn duy nhất. Cứ nghĩ đến ngày mai của mình, Vĩnh Hồng lại mong anh ta. Anh ta đi bao nhiêu ngày rồi mà chẳng có tin tức gì, tin đồn thì nhiều lắm, làm cho Hồng đứng ngồi không yên. Hồng muốn đến nhà Kỳ Dao cho khuây khỏa. Vừa đến cửa sau đã thấy Cô-lo từ trong đi ra, liền hỏi:
- Cô Dao không có nhà à?
Cô-lo không trả lời có hay không, chỉ hỏi Vĩnh Hồng có bận gì không, nếu không bận gì thì đi ăn với anh ta. Vĩnh Hồng nghĩ, đi đâu khuây khỏa mà chả được! Thế là quay ra đi với anh ta. Hai người chẳng phải đi đâu xa, họ vào nhà hàng Đêm Thượng Hải ngay hẻm bên cạnh, ngồi ở một góc yên tĩnh. Vĩnh Hồng nghĩ, Cô-lo thể nào cũng hỏi Chân sếu, mình trả lời thế nào đây? Không ngờ anh ta không hỏi gì. Lòng Vĩnh Hồng rất cảm kích, nhưng không phục, có cảm giác anh ta nhường một nước cờ, bởi vậy Hồng nói đến chuyện Chân sếu. Hồng nói, mấy hôm nay Chân sếu đi Hồng Công, bận túi bụi, chỉ gửi một tấm thiếp về. Cô-lo liền hỏi:
- Chân sếu đi Hồng Công sao?
Lúc này Vĩnh Hồng mới hiểu, Cô-lo không biết chuyện Chân sếu, thầm trách mình thật nhiễu sự, đâm ra khó nghĩ. Cô-lo thì không phát hiện ra, chỉ cùng Vĩnh Hồng bàn xem gọi món gì. Đang nói chuyện thì có người đi vòng qua mấy cái bàn đến đứng ngay trước mặt họ, ngước nhìn, thì ra Kỳ Dao. Nàng chải chuốt gọn gàng, trang điểm tý chút, tóc quấn ra phía sau, mặc áo bông mỏng màu vỏ đỗ, trông rất trẻ. Nàng cười cởi mở:
- Hay quá, lại gặp hai người ở đây!
Vĩnh Hồng tuy không hiểu, nhưng cảm thấy có điều gì đó không phải, trống ngực đập mạnh. Cô-lo thì như không chống đỡ nổi, mặt biến sắc, lát sau mới nói:
- Ngồi đây đi!
Kỳ Dao nói:
- Thôi, không quấy rầy hai người. Nói xong, nàng đến ngồi ở bàn một người ngay cửa sổ góc đối diện, quay mặt lại mỉm cười với hai người. Như vậy, ba người ngồi hai bàn, dần dần khách đến nhiều, ngồi vào những bàn trống giữa họ, che ánh mắt của nhau. Nhưng liệu có tác dụng gì? Trong mắt họ không có một ai, chỉ có người ngồi ở bàn đối diện, nhất cử nhất động không thể giấu nổi.
Bữa ăn ấy đã qua đi thế nào, ăn món gì, nói những chuyện gì, trong nhà hàng có những ai, và cũng không biết đang làm gì. Cuối cùng, họ ra khỏi nhà hàng Đêm Thượng Hải, đường phố người xe như mắc cửi, càng thêm lơ mơ, không hay biết gì. Cô-lo cũng không biết mình chia tay Vĩnh Hồng thế nào, chị đi đường chị, anh đi đường anh. Anh quyết định đi tìm bạn. Lâu lắm anh không gặp bạn bè. Anh biết, những chiều chủ nhật như hôm nay, bạn bè đang làm gì, vậy là anh đạp xe đến đó. Quả nhiên, anh tìm thấy bạn, bọn bạn anh đang chuẩn bị đi bơi ở bể bơi nước nóng trong khách sạn, thế là anh đi cùng. Một đoàn năm, sáu thanh niên vừa nam vừa nữ kéo nhau đến khách sạn.
Trên bể bơi mù mịt hơi nước, người và vật đều mờ ảo không thật. Tiếng nói cũng không thật, âm âm u u dưới vòm mái. Anh bơi trong bể nước, qua kính bơi trông thấy rõ làn nước trong xanh chảy đi chảy lại. Nước mơn man bên mình cảm giác thật dễ chịu, như mách bảo sức khỏe và da thịt cơ thể anh săn chắc. Anh ta bơi xa cánh bạn bè, bơi một mình nơi sâu, như có tiếng reo cười từ thế giới khác vọng tới. Những gì nhơ nhớp trên cơ thể sẽ được tẩy sạch trong vận động, suy nghĩ cũng được lọc sạch. Từ trong bể bơi ngắm nhìn tầng dưới cầu thang điện đã lấp lánh vài ngọn đèn sáng trong màn đêm. Cúi nhìn thành phố đượm vẻ ấm áp, bao dung tất cả. Bầu trời vấn vương ráng chiều và màn đêm đang từ từ buông xuống, nhưng vẫn toả hơi ấm. Anh xúc động, lòng dâng niềm vui. Cô-lo quý trọng bốn mươi năm trước, nhưng trái tim vẫn là trái tim hiện tại. Thang điện xuống, nỗi xúc động của anh cũng lắng xuống, còn lại chút cảm động thân tình. Lúc này anh ta nghĩ đến Kỳ Dao, hình ảnh nàng ngồi một mình nơi góc nhà hàng bỗng hiện lên. Trái tim anh bồi hồi, nghĩ: đã đến hồi kết.
Trở lại nhà Kỳ Dao đã quá bữa ăn tối. Thấy anh ta đến, nàng đứng dậy pha trà. Khi đặt ly trà trước mặt, anh thấy vẻ mặt Kỳ Dao vẫn rất bình thản, như không xảy ra chuyện gì, anh yên tâm nhưng vẫn chưa tin. Đang nghĩ sẽ bắt đầu câu chuyện thế nào đây thì nàng đứng dậy, đến bên tủ năm ngăn, mở khoá ngăn kéo lấy hộp gỗ chạm hoa, quay lại đặt xuống trước mặt anh ta. Anh đã thấy cái hộp này,vẫn nhớ hoa văn trên nắp và cũng đã biết lai lịch của nó, nhưng chưa biết ý nghĩa của thời đó. Sau khoảnh khắc im lặng, Kỳ Dao mới chỉ vào cái hộp và nói, nhiều năm qua mới hiểu không dựa được vào đâu, chỉ có thể duy nhất dựa vào cái hộp này. Trong những ngày khó khăn, nghĩ đến nó lại thấy vững tâm. Bây giờ, nàng nói, muốn trao chỗ dựa lại cho anh, nàng không còn sống được bao lâu nữa, nói cho cùng, cũng đã trông thấy ngày ấy rồi, anh đừng lo, nàng không bắt anh phải đa mang, chỉ muốn được cùng anh, mà cùng anh cũng chẳng được bao lâu. Nếu không có anh thì cũng chẳng sao, nhưng đã có anh, một lúc nà a000 o đó anh rời bỏ thoái lui, sẽ cảm thấy mất chỗ dựa, không còn gì nữa. Lời nàng mỗi lúc một lộn xộn, càng nói càng nhanh, nét mặt vẫn tươi tỉnh, nhưng nước mắt từ từ rơi. Nước mắt không nhiều, tưởng như đã cạn khô, chỉ một giọt bên khoé mắt trái. Nàng vừa nói vừa đẩy cái hộp về phía anh ta. Anh ngăn lại, cảm nhận được sức mạnh của nàng, nên cũng phải dùng đến sức mạnh. Nàng nói:
- Cậu không cần ư? Có thể cậu không biết trong này có gì, để tôi mở cho mà xem.
Nàng mở hộp. Anh lấy tay ấn nắp hộp xuống và chạm vào bàn tay giá lạnh của nàng. Anh nắm lấy bàn tay ấy, nước mắt rơi, lòng tê tái vô hạn, không biết vì đâu có chuyện này. Kỳ Dao giật tay ra, phải mở bằng được cái hộp, nói: nếu anh trông thấy sẽ thích, sẽ biết lời đề nghị là có lý, nàng rất thành tâm trao cho anh tất cả, tại sao anh không dành cho nàng được mấy năm? Lời nàng như dao cứa lòng, khiến anh không nói được câu nào, nước mắt cứ trào ra. Anh nghĩ, lẽ ra hôm nay đừng đến, thật sự không biết nàng đáng thương đến như vậy, mọi lãng mạn của bốn mươi năm kết thúc một cách đáng thương. Anh không đạt đến đỉnh cao rực rỡ như gấm như hoa, nhưng lại đến với kết thúc này, số phận nào đây? Cuối cùng, anh cố sức thoát khỏi nơi đây. Chỉ trong một ngày ngắn ngủi hai lần anh phải bỏ đi, lần sau bất đắc dĩ hơn lần trước. Trên tay anh vẫn đọng lại cái giá lạnh của bàn tay nàng, cảm giác cái chết đã đến gần. Anh nghĩ, sẽ không bao giờ đến đây nữa.
Mùa xuân vô tình đến. Mưa xuân dăng dăng, ẩm ướt và âm u bao trùm thành phố, ô dù trên đường phố là hoa của mùa mưa, người vội vã bước đi dưới tán ô. Cuối cùng Chân sếu đã về. Chuyến đi này của anh ta khá lâu, mọi lời đồn đại về anh lắng xuống. Vĩnh Hồng tuyệt vọng đợi chờ, nếu không cùng Cô-lo giết thời gian, không biết sẽ sống thế nào trong những ngày ấy. Vĩnh Hồng đã chớm có ý định chuyển tình yêu sang Cô-lo, chỉ cần dựa vào trí thông minh của mình, Vĩnh Hồng có thể hiểu rõ tâm tình đích thực của Cô-lo. Vĩnh Hồng cũng thầm đoán được việc Cô-lo tìm mình là để giải toả nỗi niềm khó xử. Anh ta không nói, Hồng cũng không hỏi, tất nhiên anh ta sẽ có cảm tình với thái độ hiểu biết của Hồng trong những lần gặp gỡ, nhưng cảm tình này không phải là cảm tình kia. Bởi thế, Vĩnh Hồng sớm chặn lại được ý nghĩ của mình. Hôm ấy, Cô-lo nói có việc nhờ Vĩnh Hồng, hỏi việc gì, anh ta đưa cho Vĩnh Hồng hai chiếc chìa khoá buộc lại với nhau, bảo hôm nào đến chơi nhà Kỳ Dao, tiện thể đưa trả giúp. Vĩnh Hồng định nói, tại sao anh không đưa được? Nhưng chưa nói đã nghẹn lại, thầm biết Cô-lo với Kỳ Dao có quan hệ gì đây. Nhưng không dám nghĩ vớ vẩn, nghĩ thế nào cũng không phải, hơn nữa bản thân cũng đang ngổn ngang tâm sự, không còn thì giờ đâu nghĩ đến chuyện người khác. Vĩnh Hồng cầm chìa khoá bỏ vào túi, ăn cơm với Cô-lo rồi hai người chia tay. Trên đưòng về qua hẻm Bình An định ghé vào đưa chìa khoá, nhưng thấy cửa sổ nhà Kỳ Dao không có ánh đèn, lại thôi. Mấy hôm sau cũng quên mất, có lần nhớ thì bận đi công chuyện, thế là quyết định để đến hôm sau. Hôm sau, Chân sếu lặng lẽ đến.
Chân sếu đưa về cho Vĩnh Hồng một bộ mỹ phẩm của Pháp và một chiếc mũ dạ của phụ nữ. Hai người đến ngồi ở quán cà phê Mộng mơ, mặt bàn thắp nến. Vĩnh Hồng tỷ tê kể lại những chuyện sau ngày xa nhau, Chân sếu trở nên ít nói, hơi buồn. Trong mắt anh ta, Vĩnh Hồng cách xa muôn trùng núi sông, người về hồn vẫn phiêu diêu. Trong ánh nến, hai người khẽ nói chuyện, uống một ly rượu, nhìn người và vật đều hư ảo, tản ra rồi chụm vào, màu sắc lẫn lộn, huy hoàng mông lung. Chân sếu đi bên bờ của huy hoàng, nơi tối nhất, bởi thế anh ta không thể nhìn thấy mình, bản thân đã tiêu tan. Nơi đây xứng với cái tên cà phê Mộng mơ, là nơi quên mình. Chân sếu phấn chấn lại, bắt đầu kể chuyện Hồng Công. Linh cảm lại đến, Hồng Công hiện lên trước mắt, rõ mồn một. Anh ta nói với Vĩnh Hồng đủ thứ chuyện, những ngày vừa qua của anh ta thật phong phú. Tương lai của anh ta thật xán lạn, thậm chí anh ta còn nói đến chuyện cưới. Anh ta nói, đám cưới của hai người sẽ tổ chức ở Băng Cốc, Thái Lan hoặc sang San Francisco bên Mỹ. ở những nơi ấy có những biệt thự hào hoa sang trọng của ông bố anh ta, đều là những nơi tổ chức lễ cưới tuyệt vời. Vĩnh Hồng rất xúc động, mắt long lanh giọt lệ. Dù là những đầu óc thực tế nhất cũng không thể ngăn nổi không khí mộng mơ nơi đây. Ngọn nến lung linh trên nước không bao giờ chìm, cũng không cháy hết. Những giọt nến chảy xuống, đọng lại để thắp sáng những giấc mơ.
Tối hôm ấy, hai người gặp lại nhau sau những ngày xa cách, không biết đã uống mấy ly rượu. Khi tính tiền ra về, Vĩnh Hồng chợt nhớ một việc, cô lấy từ túi ra hai chiếc chìa khoá, cười nói:
- Anh xem có kỳ lạ không, Cô-lo đưa em hai cái chìa khoá nhờ trả lại cho cô Dao, cứ như anh ta không làm được ấy.
Chân sếu cầm chìa khoá ngắm nhìn, lòng chợt loé sáng, tỉnh rượu. Vĩnh Hồng nói:
- Em không muốn đến nhà cô Dao, không biết cô ấy có bằng lòng không?
Vĩnh Hồng kể lại chuyện hôm ở nhà hàng Đêm Thượng Hải. Chân sếu không chú ý nghe lắm, chỉ chăm chú nhìn hai cái chìa khoá, lại nghe Vĩnh Hồng nói:
- Anh đưa đến cho cô ấy nhé!
Chân sếu bằng lòng, bỏ chìa khoá vào túi, hai người cùng ra khỏi quán cà phê Mộng mơ. Đưa Vĩnh Hồng về, anh ta cưỡi xe đạp đi dọc phố, bất giác đi về phía nhà Kỳ Dao. Lúc vào hẻm, trong bóng đêm, tưởng đâu như có Cô-lo đang đi phía trước, vào lối cửa sau. Đến cửa, anh ta chưa xuống xe, đứng chống chân, lấy chìa khoá, chọn một trong hai chiếc đó cho vào ổ, nhẹ nhàng xoay nửa vòng. Anh ta lại xoay trở lại vị trí cũ, rút chìa ra. Lúc này anh mới phát hiện, đêm không trăng, không sao nhưng vẫn sáng, thậm chí anh ta có thể nhìn rõ những vết bẩn và vết nứt trên cánh cửa. Thành phố này không bao giờ tối hẳn, vẫn có những ngọn đèn sáng thâu đêm, và còn bao nhiêu người suốt đêm không ngủ. Có thể tìm được cội nguồn của ánh sáng ấy. Anh ta vẫn cầm chìa khoá trong tay, ra khỏi hẻm. Cửa sổ nhà Kỳ Dao tối om.
Ba giờ chiều hôm sau, Chân sếu đem theo một hộp mỹ phẩm đến nhà Kỳ Dao. Vừa bước chân lên gác, anh đã ngửi thấy mùi thuốc bắc, trông thấy siêu thuốc đang sắc trên bếp lò. Kỳ Dao đang ngủ trưa, thấy anh ta đến mới dậy. Chân sếu thấy mặt Kỳ Dao vàng bủng, hỏi thăm đau ốm ra sao. Nàng bảo lạnh bụng nhưng gan nhiệt, rồi đứng dậy lấy nước mời khách. Anh ta ngăn lại, để tự đi lấy và hỏi Kỳ Dao có cần anh ta lấy thuốc giúp không. Nàng bảo phải sắc thêm mười phút nữa, lúc này Chân sếu mới ngồi chơi. Hai người nói chuyện sức khoẻ, nói chuyện Hồng Công. Mười phút đã qua, Chân sếu lập tức đứng lên, vào bếp rót thuốc. Loay hoay một lúc, anh ta bưng được bát nước đen đắng đặt trước giường Kỳ Dao, tị nữa bỏng cả tay. Chờ cho nàng uống xong thuốc, ăn miếng đường cho hết đắng, Chân sếu mới đặt hai chiếc chìa khoá lên mặt bàn, bảo Cô-lo nhờ anh đem đến. Thấy hai chiếc chìa khoá, Kỳ Dao “ợ” lên một tiếng rồi nôn thốc nôn tháo cả thuốc và đường vừa uống xong. Chân sếu vội vã đứng dậy, đến vỗ vào lưng Kỳ Dao và đặt nằm xuống giường. Kỳ Dao cười, nói:
- Đúng là quả báo! Xin lỗi cháu nhé, hôm nay cô không thể nào mời cơm cháu được, hôm khác vậy!
Chân sếu nói, anh ta là chỗ quen biết, khỏi cần khách khí mời cơm, chỉ ngại một nỗi Kỳ Dao ốm như thế mà không có ai chăm sóc. Thế là Chân sếu ngồi nói chuyện linh tinh. Đến tối, anh ta vào bếp thổi cơm, đứng trước bếp nhưng loay hoay không biết làm thế nào. Lúc ấy Kỳ Dao vào, nói để mình tự làm lấy. Chân sếu rất muốn giúp nhưng không biết làm, đành đứng cạnh để phụ việc. Lát sau, nàng nấu xong hai bát mỳ, làm thêm bánh cá cho Chân sếu, còn mình chỉ ăn mỳ. Ăn được lưng bát, mặt Kỳ Dao trông khá hơn. Người cũng tỉnh táo, đi lại trong phòng, cười đau khổ, nói:
- Cháu xem, cô ốm, nhà cửa bẩn thỉu, bụi bặm như chôn vùi cô!
Chân sếu nói:
- Bụi có sao đâu, phủi cái là sạch. Nói xong, anh ta lấy khăn lau đi lau bụi. Anh ta lau một lượt, nhà cửa sáng hẳn lên, rồi anh ta mở máy thu hình, tiếng nhạc vang lên, căn phòng lại có sinh khí.
Liền hai hôm sau, sáng ra là Chân sếu đến, ân cần chăm sóc nàng. Thấy Chân sếu vất vả, nàng nghĩ: vì sao anh ta lại thế nhỉ? Lại nghĩ: anh ta có thể làm gì? Rồi tự cười thầm: anh ta vì sao thì mình cũng chẳng sao! Dù sao đi nữa trong khi không nhờ vả được ai, có Chân sếu cũng tạm ổn, trong lòng rất cảm kích. Kỳ Dao tìm chuyện nói với Chân sếu, để anh ta khỏi thấy buồn. Chân sếu nghe có vẻ thích thú lắm, anh ta làm việc này việc nọ rất cần mẫn, càng muốn nghe chuyện nhiều hơn nữa. Nàng bảo mình đã mệt, Chân sếu có chuyện gì mới hãy nói đi. Chuyện của Chân sếu chỉ loanh quanh giá vàng chợ đen, vàng đang được giá, cao hơn của nhà nước đến mấy giá. Kỳ Dao nói:
- Như thế đừng có phạm pháp à? Hồi những năm năm mươi, ai buôn bán vàng thì bị tử hình ấy chứ!
Chân sếu cười:
- ấy là chuyện quan được phóng hoả, cấm dân đỏ đèn đấy! Nếu là con bò thì nhà nước là cái đầu lớn, dân là cái đuôi.
Kỳ Dao cười:
- Cháu nói có lý lắm!
- Dù sao thì thời thế đã khác, bây giờ tự do đấy, biết đâu ngày nào đó nhà nước bỏ tù!
- Thì cháu thế nào?
- ý cháu là, nếu có vàng bây giờ đem bán là lợi nhất.
- Cháu nói đúng lắm, nhưng bây giờ ai có vàng?
- Theo cháu, trong một trăm người sẽ có một người có vàng. Hồi cách mạng văn hoá khám nhà, có tay kéo xe giấu được vài cây đấy!
Kỳ Dao cười, nói:
- Cô mong mình là tay kéo xe ấy!
Chân sếu cười. Chuyện vàng đến đây kết thúc, nói sang chuyện khác. Mấy hôm sau, khoẻ lên, tinh thần phấn chấn, nàng nói với Chân sếu:
- Lâu lắm không họp mặt rồi, tối thứ bảy này sẽ tổ chức họp mặt vui vẻ, có được không?
Chân sếu nói được lắm. Từ hôm ở Hồng Công về, anh ta chưa có dịp gặp lại bạn bè, nhân dịp đó sẽ gặp mặt bạn luôn thể. Kỳ Dao nói:
- Cô sẽ chuẩn bị cái ăn, cháu phụ trách việc thông báo cho mọi người.
Chân sếu đồng ý, khi xuống cầu thang rồi còn quay lại, hỏi:
- Cô ơi, có mời Cô-lo không?
- Sao không, người đầu tiên phải mời là Cô-lo đấy!
Sau đó họ chia nhau chuẩn bị. Vì yếu, Kỳ Dao không tự tay làm các món ăn, chỉ ra mua thức ăn của một nhà hàng tư nhân mới mở ở đầu hẻm, còn mình mua rượu, trái cây, bánh ngọt. Đúng ngày, mọi đồ đạc trong nhà được xếp gọn, kê bàn, thêm một lọ hoa tươi, căn phòng khác hẳn. Chợt nàng nghĩ: căn phòng này lâu lắm mới có cuộc họp mặt, hôm nay người kia đến, sẽ lại vui vẻ, náo nhiệt. Mọi sự đã sẵn sàng, mới ba giờ chiều, chưa ai đến, nhà hàng đã đưa thức ăn đến, căn phòng thu xếp gọn gàng, rộng rãi. Nàng ngồi một mình, lòng trống trải. Nắng chiếu lên cửa kính loang loáng. Chiều thứ bảy học sinh được nghỉ học, chơi đùa dưới hẻm, hát khúc đồng dao, có những khúc hát mới, lại có những khúc hát của mấy mươi năm trước, nghe quen lắm. Cây trúc đào trên sân thượng nhà đối diện đã ra lá xanh óng ả. Mùa xuân đã đến, ngày dài, nắng không chịu tắt. Cầu thang gác yên tĩnh, chưa ai đến. Có tiếng chân người đi trong hẻm, lúc gần, lúc xa. Đừng nóng lòng, buổi tối vui vẻ náo nhiệt đợi chờ cũng sắp đến rồi!
Cô-lo không đến. Anh biết, Kỳ Dao tổ chức buổi họp mặt này chỉ vì một mình anh ta, chắc chắn sẽ mong anh lắm, buồn thương đợi chờ, đây là những thức ăn nàng chuẩn bị cho anh. Nhưng anh vẫn đạp xe lởn vởn quanh hẻm Bình An. Mười giờ, anh biết lúc này buổi họp mặt đang sôi nổi. Anh đạp xe vào hẻm, cửa sổ nhà nàng ánh sáng chập chờn, biết rằng không thắp đèn, chỉ thắp nến. Anh thẫn thờ nhìn ô cửa sổ hồi lâu, nghĩ bụng: cảnh sắc này là của năm nào? Anh có thể nghe rõ tiếng nhạc, nhưng không phân biệt được năm nào. Anh quay ra khỏi hẻm, nghĩ: dù sao thì mình cũng đã đến, và cũng là sự đáp lại lời thỉnh cầu của nàng. Đó là lời từ biệt chính thức, có hát múa đệm theo, lòng anh không vui cũng không buồn, thản nhiên quay lưng lại với tiếng hát, người trong tiếng hát ấy như bóng hoa trong nước, nắm bắt chẳng được. Năm tháng như nước chảy, qua cầu, qua đò, tất cả đều không đuổi kịp.
Kỳ thực Kỳ Dao cũng biết Cô-lo không đến, mời chỉ là lời nhắn gửi nàng không bỏ anh được, không có anh thì họp cũng như tan. Nàng bận bịu bên ngoài, soạn sửa thứ này, thứ khác, tất cả nhằm lấp đầy khoảng trống trong lòng. Nàng tắt đèn, thắp nến để những năm tháng tốt đẹp trở về. Trong phòng đều là những bạn trẻ, vừa hát vừa khiêu vũ, nàng quên rằng thời gian không trở lại. Mọi người đều nói hôm nay thật vui. Bất giác đã quá nửa đêm, tiếng chuông mười hai giờ điểm từng tiếng, từng tiếng. Rượu và nước đã cạn, cái bánh kem lớn đã cắt vụn. Bạn bè chào nhau, nói lời tạm biệt dịu dàng, lũ lượt kéo nhau xuống cầu thang. Căn phòng trở lại yên tĩnh, Chân sếu giúp Kỳ Dao thu dọn bát đĩa, là người ra về cuối cùng. Kỳ Dao nói:
- Thôi, để đến mai, cô cũng mệt lắm rồi!
Chân sếu ra khỏi cửa, nàng tắt nến, trong nhà yên ắng, cầu thang tối om. Chân sếu nói “chào cô” rồi nhẹ nhàng đi xuống, đi ra và đóng cửa sau lại. Bỗng nhiên Chân sếu run cầm cập, anh ngước nhìn bầu trời, mấy vì sao đang toả ánh mờ nhạt, gió lạnh. Anh ta khẽ rùng mình, mở khoá xe đạp, lập cập ra khỏi hẻm.
Buổi họp mặt náo nhiệt để lại ấn tượng cho hẻm Bình An, những người quen đi ngủ sớm cho rằng đèn lửa thâu đêm, có thể coi đó là việc không bình thường của hẻm Bình An, làm tăng thêm màu sắc cho giấc mơ của hẻm. Mọi người ngủ một giấc rồi tỉnh dậy, nhìn cửa sổ nhà Kỳ Dao, những người tan ca chiều về và những người đi làm ca đêm cũng nhìn cửa sổ nhà nàng, nghĩ: vẫn đang vui! Thế rồi, người ngủ, đi ngủ, người đi làm, đi làm. Thật ra mới mười hai giờ, sự việc xảy ra sau đó một tiếng đồng hồ không ai biết, đừng nói gì đến hai, ba giờ đêm. Hai, ba giờ đêm là lúc hẻm Bình An vô sự, ngay cả côn trùng cũng đang nằm mơ. Lúc này giấc ngủ rất say, gió cũng không lọt vào nổi, một ngày vất vả chỉ mong bình phục vào giờ này. Đèn đường phố Hoài Hải lặng lẽ chiếu sáng con đường vắng vẻ, tĩnh mịch. Trong sâu thẳm của hẻm Bình An chỉ có một ngọn đèn chụp bằng sắt đã có tuổi, hoen gỉ, ánh sáng chập chờn. Vào lúc đêm khuya thanh vắng đó, có một bóng người dài ngoẵng lẻn vào hẻm, bóng của Chân sếu. Chân sếu dừng xe ở cửa sau nhà Kỳ Dao, lấy chìa khoá trong túi ra, mở cửa, tiếng khoá kêu “cạch” nhưng cũng không trở ngại gì, không thể phá vỡ sự yên tĩnh của thế giới rộng lớn này. Anh ta nhón chân, học cách đi của mèo, từng bậc từng bậc thang đi lên, cửa cầu thang có chút ánh sáng chiếu vào anh ta, tưởng như chiếu vào một người khác. Chân sếu cũng lạ cho sự khéo léo của mình, lên gác không hề đụng chạm vào những đồ đạc để ngổn ngang ở góc cầu thang. Lúc này Chân sếu đang đứng ở cửa phòng Kỳ Dao. Cánh cửa bếp khép hờ để lọt ánh sáng ra ngoài, in bóng anh ta lên cánh cửa, cũng lại giống như bóng người khác. Anh ta dừng lại, tìm chiếc chìa khoá thứ hai trong túi.
Cửa mở, sàn nhà đầy ánh trăng, ánh trăng soi tỏ những bông hoa to trên rèm cửa sổ. Chân sếu rất thanh thản, cũng rất bình tĩnh. Đây là lần đầu tiên Chân sếu nhìn căn phòng dưới ánh trăng, hoàn toàn là một căn phòng khác, vậy mà cũng thật ngạc nhiên, anh ta đến đây không sai một bước. Anh ta thấy cái tủ năm ngăn bằng gỗ hạnh đào kê sát tường, ánh trăng vờn quanh, trông như cô dâu sắp về nhà chồng. Chân sếu vui mừng nghĩ, chính là nó, nó có dáng vẻ cao quý và bí ẩn, đang chờ mình. Đúng là cuộc hẹn hò xúc động nhưng giày vò lòng người. Chân sếu đi về phía tủ, trống ngực đánh thùm thụp, tay mò tìm cái tuốc-nơ-vít trong túi, nóng lòng muốn thử. Khi Chân sếu cho tuốc-nơ-vít vào lỗ khoá thì đèn bất ngờ bật sáng. Chân sếu vô cùng kinh ngạc thấy bóng mình nhảy lên tường, theo đó tất cả những gì chung quanh đều lọt vào mắt, là cảnh tượng quen thuộc. Anh ta vẫn chưa hiểu đã xảy ra việc gì, chỉ rất kỳ lạ, thậm chí động tác của anh ta vẫn theo quán tính, xoáy mạnh cái tuốc-nơ-vít, kéo ngăn kéo ra. Tiếng động bật đèn khiến anh ta không thể xem thường, lúc này mới giật mình, quay lại nhìn xem việc gì. Anh ta thấy Kỳ Dao đang ngồi tựa người vào gối. Nàng vẫn chưa ngủ, đêm hôm nay đối với nàng thật khó mà chịu đựng nổi! Từng giây, từng phút nàng trông chờ trời sáng, trời sáng thì may ra mới có có thể khác đi. Vừa rồi thấy Chân sếu vào, nàng không hề sợ hãi. Đêm tối đã san phẳng mọi quái đản, quái đản nào cũng trở nên bình thường. Thấy chân sếu mở tủ, nàng cảm thấy rất tự nhiên. Sau nửa đêm là thời khắc kỳ lạ, không lạ những gì vẫn thấy, rất trấn tĩnh.
Kỳ Dao nhìn Chân sếu, nói:
- Đã nói với anh rồi, tôi đâu có vàng!
Chân sếu cười xấu hổ, tránh ánh mắt Kỳ Dao:
- Nhưng người ta nói ...
- Người ta nói gì?
- Người ta nói hồi xưa cô là hoa hậu Thượng Hải, rất nổi tiếng, sống với một người giàu có, ông ta giao hết tài sản cho cô rồi đi Đài Loan, đến bây giờ hàng năm vẫn gửi đô-la cho cô.
Kỳ Dao rất lấy làm lạ nghe câu chuyện về mình, hỏi lại:
- Còn gì nữa?
Chân sếu nói tiếp:
- Cô có một hòm vàng, mấy chục năm nay mới dùng hết một góc, cô thường ra Ngân hàng để đổi lấy tiền, nếu không có thì cô sống bằng gì?
Kỳ Dao không trả lời, lát sau mới nói:
- Thật là chuyện vớ vẩn.
Chân sếu đến gần Kỳ Dao, quỳ thụp xuống trước giường, run rẩy nói:
- Cô giúp cháu, cho cháu vay một ít, bao giờ cháu làm ăn được sẽ trả lãi cho cô.
Kỳ Dao cười:
- Bao giờ thì anh làm ăn được?
Bất giác, giọng nói của Chân sếu tỏ ra thảm thiết:
- Cô xem cháu đây, lẽ nào lừa dối cô? Cô ơi, giúp cháu, chúng cháu biết cô tốt bụng, đối với mọi người rất tốt.
Đang muốn nói chuyện tiếp với Chân sếu, nhưng khi nghe anh ta cứ “cô ơi, cô ơi”, Kỳ Dao bực lên, sa sầm mặt, dằn giọng:
- Ai là cô với nhà anh?
Chân sếu phủ phục xuống bên giường, ôm lấy chân Kỳ Dao, cầu xin một lần nữa:
- Giúp cháu, cháu viết giấy vay cô.
Kỳ Dao đẩy tay anh ta ra, nói:
- Sao anh không cầu xin bố anh, người ta bảo bố anh là tỷ phú kia mà? Anh vừa đi Hồng Công đấy thôi?
Câu nói làm nhói lòng Chân sếu, mặt anh ta biến sắc, rụt tay lại, đứng dậy, phủi bụi ở đầu gối, nói:
- Việc này có liên quan gì đến bố cháu? Không cho vay thì thôi!
Nói xong, anh ta đi ra cửa, nhưng Kỳ Dao gọi lại:
- Anh muốn bỏ đi à, đâu dễ thế, có lối vay tiền thế à? Đang đêm vào nhà người ta!
Anh ta đành phải đứng lại.
Đêm khuya không tỉnh táo, suy nghĩ của con người cũng không bình thường, lời nói cũng chắp nối, cứ như đóng kịch. Lẽ ra sự việc cứ để nó qua đi và kết thúc, nhưng lại bị Kỳ Dao gọi, câu chuyện tiếp tục. Chân sếu nói:
- Cô muốn gì?
- Ra đồn công an tự thú!
Chân sếu bị bức bách quá, nói:
- Không đi thì sao?
- Anh không đi, tôi đi!
- Cô chẳng lấy đâu ra chứng cứ!
Kỳ Dao cười đắc ý:
- Sao lại không, anh cậy tủ tôi kia, chỗ nào cũng có dấu tay anh.
Nghe nói thế, đầu óc Chân sếu như nổ tung, mộng mị, mồ hôi lạnh toát ra. Anh ta đứng một lúc, cười hung dữ:
- Nghe đây, tôi có làm tới hay không cũng vậy, đã thế thì làm tới!
Nói xong, anh ta đến bên tủ năm ngăn, bê cái hộp gỗ ra. Kỳ Dao không thể nằm yên, đành phải đứng dậy, giật lấy cái hộp. Chân sếu quay đi, giấu cái hộp vào trong người, nói:
- Cô cuống lên làm gì! Cô bảo không có gì kia mà!
Kỳ Dao cuống cuồng, toát mồ hôi, kêu lên:
- Bỏ ra, cướp, cướp!
- Cô bảo tôi cướp, ừ cướp đấy!
Chân sếu không còn biết xấu hổ, tỏ ra tàn nhẫn. Kỳ Dao giữ chặt tay anh ta, nhưng anh ta vẫn ôm lấy cái hộp. Lúc này, anh ta cảm thấy sức nặng của cái hộp, mừng thầm, nghĩ, chuyến này không công toi! Vẻ mặt nàng cũng tỏ ra giận dữ, biến sắc, nghiến răng chửi:
- Đồ kẻ cướp, đúng là đồ kẻ cướp! Anh tưởng tôi không biết đấy à, tôi chưa nói ra đấy thôi!
Lúc này Chân sếu không còn đắc ý nữa, hắn bỏ cái hộp xuống, tóm lấy cổ Kỳ Dao, nói:
- Chửi nữa đi!
- Đồ ăn cướp! - Kỳ Dao chửi.
Hai tay Chân sếu bóp cổ Kỳ Dao, thoáng ý nghĩ: cái cổ này bé quá, chỉ có lớp da khô, thật ghê rợn! Nàng vừa giãy giụa, vừa chửi “đồ ăn cướp”. Tay hắn ta càng bóp chặt hơn. Lúc này hắn nhìn mặt Kỳ Dao, xấu quá, khô cằn quá! Mái tóc cũng khô, chân tóc bạc trắng, nhưng ngọn tóc thì đen nhánh, trông thật hài hước. Miệng nàng mấp máy, nhưng không thành lời. Chân sếu vẫn chưa đã, hắn mới dùng ba phần sức tay, cái cổ kia không đủ để hắn bóp. Nỗi vui mừng lại trào lên trong hắn, hắn siết chặt hai bàn tay, cái cổ mềm nhũn, không còn đàn hồi. Chân sếu thở dài tiếc rẻ, từ từ bỏ tay, buông Kỳ Dao ra. Hắn không còn lòng dạ nào nhìn lại Kỳ Dao, quay ra xem xét cái hộp, những nét hoa văn chạm khắc trên hộp thật đẹp, cao sang, là một vật quý. Hắn lấy tuốc-nơ-vít cậy nhẹ khoá, mở nắp hộp. Trong lòng không khỏi thất vọng, nhưng không phải không có gì. Hắn nhặt nhạnh các thứ cho vào túi, túi đã nặng. Hắn nghĩ đến dấu tay vừa rồi Kỳ Dao nói, vội tìm khăn lau sạch những chỗ hắn đã sờ tay vào. Hắn tắt đèn, nhẹ nhàng lẻn ra cửa. Một việc lớn như thế diễn ra nhưng ánh trăng cũng chỉ xê dịch đi chút ít, hai, ba giờ vẫn là hai, ba giờ. Chuyện người chẳng biết, ma chẳng hay, nào ai biết ở đây đã xảy ra chuyện gì?
Chỉ có chim bồ câu trông thấy. Lớp con cháu đàn bồ câu của bốn mươi năm trước, chúng đời nọ tiếp đời kia, sinh sôi nảy nở đến ngày nay, thu nhận tất cả vào đáy mắt. Hãy nghe tiếng gù của bồ câu, đêm của loài người là ác mộng của chúng. Thành phố này có biết bao nhiêu vụ án không đầu mối, xảy ra trong khoảng từ hai giờ đến ba giờ, xảy ra trong các hẻm sâu như kẽ nứt, mãi mãi không có lối thoát. Cho đến khi trời sáng, đàn bồ câu bay cao, hãy nhìn lúc chúng vụt bay lên, như có điều gì hoảng hốt. Những chứng nhân câm này có đôi mắt đỏ như máu, bao nỗi oan khuất đắm chìm đều có trong tim chúng. Tiếng chim là tiếng khóc bi ai, bởi trời cao rộng, nghe đến nhức nhối và du dương, trầm bổng. Chúng bay lượn trên không trung, không đi đâu xa, là để chia buồn với thành phố cũ này. Giữa rừng nhà, những ngõ hẻm này giống như con thuyền bị đắm, triều cạn, giơ bộ xương tàn.
Hình ảnh cuối cùng trong mắt nàng là ngọn đèn đung đưa, chao đảo không ngớt. Chân sếu vung tay chạm vào nó, thế là nó cứ đung đưa mãi. Hình ảnh thật quen thuộc, nàng cố nhớ lại. Giây cuối cùng tâm trí nhanh chóng vượt qua đường hầm thời gian, trước mắt hiện ra quang cảnh xưởng phim bốn mươi năm trước. Phải rồi, đó là xưởng phim, một căn phòng chỉ có ba mặt tường, một cái giường, một người con gái nằm sóng soài, trên đầu cũng một ngọn đèn chao đảo, đung đưa không ngừng, đổ bóng lên ba mặt tường như sóng nước. Nàng nhận ra, người con gái nằm trên giường kia chính là mình bị giết. Sau đó ánh đèn tắt hẳn, chìm vào bóng tối. Vài ba tiếng đồng hồ sau, đàn bồ câu sẽ bay lên. Bồ câu từ tổ của chúng vụt bay lên như tên bắn vào không trung, bóng dáng mạnh mẽ vút nhanh qua cửa sổ nhà nàng. Cây trúc đào đối diện đã nở hoa, cỏ hoa bắt đầu một mùa xanh tươi.
---- HẾT ----
Truyen8.mobi chúc các bạn đọc truyện vui vẻ!