Chương 8 Dạy dỗ Con người là một sinh vật yếu đuối.
Họ luôn trốn tránh mọi thứ vì họ sợ tất cả.
Và con người thường bắt nạt kẻ yếu hơn mình.
Tại sao?
Có một điều kỳ lạ bên trong những kẻ hay bắt nạt người khác...
Đứa trẻ B bị đứa trẻ A bắt nạt. Thay vì trả đũa A thì B lại bắt nạt đứa trẻ C.
Bởi vì, B thấy C yếu đuối hơn mình! Thật khó hiểu.
Dường như trong suy nghĩ của những-đứa-trẻ-bị-bắt-nạt đó không muốn mình trở thành kẻ bị chèn ép suốt đời.
Nó sợ.
Nó phải tìm người khác yếu hơn bắt nạt để chứng tỏ, bản thân có quyền làm chủ.
Điều ấy được gọi là: Chạy trốn!
Nhưng, một vấn đề khác được đặt ra ở đây:
Liệu, thế giới bạn thấy chỉ tồn tại duy nhất những thứ tệ hại như vậy thôi sao?
Yếu đuối. Bắt nạt. Trốn chạy.
Câu trả lời dĩ nhiên là: KHÔNG!
Dương Đan gấp quyển sách lại rồi nhẹ nhàng nhìn sang Vũ Thanh nãy giờ chăm chú lắng nghe từng câu mình vừa đọc lớn, ân cần hỏi:
“Em hiểu những lời vừa rồi chứ?”
“Dạ, chút ít ạ.” – Gãi đầu, Vũ Thanh đáp ngập ngừng.
“Vậy em hiểu gì?”
“Là không nên bắt nạt người yếu hơn mình vì người đó sẽ lại tiếp tục bắt nạt kẻ khác. Đó là điều rất kinh khủng!”
Đặt sách xuống bàn, Dương Đan khoanh hai tay và hơi nhổm người về phía thằng bé:
“Cũng gần như vậy. Chủ yếu, tác giả muốn đề cập đến vấn đề: Bạn thấy thế giới xung quanh bạn diễn ra những điều gì? Toàn xấu xa – tệ hại ư? Thế nhưng đó chưa phải là tất cả của cuộc sống rộng lớn này... Bạn đừng sợ hãi và đừng chạy trốn!”
Hướng cái nhìn mơ màng vào Dương Đan, Vũ Thanh chợt hỏi:
“Có thật, con người thường sợ hãi và trốn chạy?”
“Ừm... Vì rốt cuộc, con người vẫn là sinh vật yếu đuối.”
“Vậy thì, con người thật đáng thương! Chắc hẳn, họ luôn cần thứ gì đó có thể giúp họ trở nên mạnh mẽ!”
Câu nói kỳ lạ của Vũ Thanh khiến Dương Đan thoáng bất động trong vài giây. Vẻ như, cô nhận ra đứa trẻ này mang những suy nghĩ không tầm thường chút nào.
“Trẻ em như một tờ giấy trắng. Chúng cần phải được dạy về mọi thứ, không phải chỉ trong phạm vi đúng sai. “Mọi thứ” ở đây là nhận thức về cuộc sống xung quanh.” – Dương Đan nhìn ra ngoài cửa sổ, trời đang mưa – “Cái gì tạo nên mưa? Vì sao có sấm sét? Hoa nở như thế nào? Quá trình quang hợp của cây cối hay quá trình phát triển của bướm... Rất, rất nhiều thứ mà người lớn nên có trách nhiệm chỉ dạy trẻ em. Về âm nhạc, văn chương, cách ứng xử. Cái gì nên làm, cái gì không nên làm. Cuộc đời là quá trình học hỏi không ngừng nghỉ.”
“Sao con người phải học nhiều thế ạ?” – Vũ Thanh nhún vai.
Dương Đan nhìn cậu học trò ngây thơ đang tròn xoe đôi mắt, mỉm cười trả lời:
“Để hiểu biết! Để hành động đúng! Và, để trở nên dũng cảm hơn! Khi có tri thức, con người sẽ biết cách vượt qua nghịch cảnh, đối diện với những khó khăn mất mát. Họ không sợ hãi nữa mà sống lạc quan hy vọng.”
“Tuyệt!” – Vũ Thanh reo ca – “Em nhất định sẽ học hết mọi thứ.”
“Cứ từ từ, em còn nhỏ thời gian còn dài để tìm hiểu thế giới quanh mình.”
“Vâng! Em muốn mình trở nên dũng cảm! Bản thân phải mạnh mẽ thì mới có thể yêu thương người khác!”
Trông gương mặt rạng rỡ cùng đôi mắt nhắm tịt của Vũ Thanh, Dương Đan cảm giác mình vừa học hỏi thêm một điều mới mẻ... Một cách dịu dàng, cô ôm thằng bé vào lòng. Và nó cũng nằm trong vòng tay cô với dáng vẻ bình yên, thanh thản.
... Khoảng thời gian đó, Dương Đan và Vũ Thanh trở nên vô cùng thân thiết. Đặc biệt là Vũ Thanh, thằng bé được học về rất nhiều thứ tuyệt vời mà từ trước đến giờ chưa từng biết đến. Nó cảm thấy cuộc sống mỗi ngày đều mới mẻ, thế giới đẹp đẽ như bừng sáng trước mắt. Kỳ diệu! Lạ lùng! Lần đầu tiên, Vũ Thanh nhận ra mình đang sống! Nó đã có thể hiểu lý do mình tồn tại. Không phải vô hình, không phải là khoảng trắng cô độc.
“Cô ơi, cô xem em đạt điểm mười môn Toán!” – Vũ Thanh mở trang tập có con số mười đỏ chót, hớn hở khoe thành tích.
“Giỏi lắm!” – Dương Đan vỗ đầu cậu học trò nhỏ – “Không khéo, cuối năm nay em sẽ đạt thành tích học sinh giỏi đấy.”
Nhắm tịt mắt, Vũ Thanh cười rạng rỡ. Như một thói quen không thể bỏ, cứ mỗi lần có gì vui hoặc buồn là thằng bé đều tìm đến Dương Đan chia sẻ. Nó biết, cô sẽ luôn lắng nghe chỉ dẫn mình. Dường như, cô giáo trẻ đã trở thành ánh sáng dẫn lối cho đứa bé từng không biết thế nào là đúng sai, không biết cái gì nên và không nên làm.
Những học sinh khác dần dần phát hiện ra sự thay đổi kỳ lạ của Vũ Thanh. Chẳng còn dáng vẻ đầy suy tư thản nhiên hay cái nhìn mơ màng lơ đãng nữa, thay vào đó là một nam sinh luôn vui vẻ, cười nói. Hiển nhiên, mấy trò đánh nhau cũng mau chóng biến mất. Cái danh từ “học sinh cá biệt” hoàn toàn không tồn tại nữa khi Vũ Thanh lên lớp tám.
Mỗi buổi chiều khi tan học, Vũ Thanh vẫn thường nán lại trường chốc lát để chờ Dương Đan. Sau đó, hai cô trò vừa rảo bước đi về vừa kể cho nhau nghe chuyện vui buồn trong ngày. Mặc dù không còn dạy Vũ Thanh nhưng Dương Đan vẫn dõi theo thằng bé và cô biết những sự cố gắng của nó. Thỉnh thoảng, cô giáo trẻ đến cô nhi viện Mái Ấm thăm Vũ Thanh. Nhiều lần như vậy, các cô trong viện quen mặt Dương Đan.
Vào những ngày nắng ấm, Vũ Thanh rủ Dương Đan lên sân thượng trường sưởi nắng. Khi đứng ở giữa sân, giang hai tay và nhắm mắt, cảm nhận làn gió thổi nhè nhẹ qua da thịt, Vũ Thanh cảm nhận rõ niềm vui sống trỗi dậy mãnh liệt. Thằng bé thích nhìn thấy ánh nắng trải màu lên mọi vật, lên mái tóc mượt mà của Dương Đan hay lên cơ thể chính mình. Tình thương và tình yêu, nuôi dưỡng từng giây phút êm đềm hạnh phúc của hai con người được gắn kết với nhau bởi định mệnh.
Có những khoảnh khắc... tôi đã mỉm cười... vì nhận ra mình vẫn sống.
SỐNG chứ không phải chỉ tồn tại!
Mời các bạn đón đọc chương tiếp theo!