Triết Học Nhân Sinh Của Tôi Chương 1-2


Chương 1-2
1. Sinh tồn và họ tập. 2. Trân trọng quyền sinh tồn và giá trị sinh mệnh cá thể

Nữ biên tập viên bảo tôi viết một quyển sách nói lên cảm nghiệm về đời người. Khi đó, vấn đề tôi nghĩ đến trước tiên là: đối với tôi, điều quan trọng nhất trong đời người là gì? Cái làm nên hoạt động cho nội dung chủ yếu của đời người là gì?

Đương nhiên, nói đến đời người thì trước hết phải nói đến việc duy trì sinh tồn của con người; mọi sự lao động, công tác, phấn đấu nhằm duy trì sinh tồn đều chính đáng, không nên tránh né và bỏ qua. Ngược lại, một người chưa từng bao giờ phải lao tâm, lao lực để sinh tồn, từ lúc lọt lòng mẹ là ăn cơm có sẵn, mặc quần áo có sẵn, ở nhà có sẵn, sau khi ăn no uống đủ thì lên tiếng bàn về ý nghĩa cuối cùng của đời người, hẳn những lời bàn luận cao siêu đó e rằng không đứng vững, ít nhất thì cũng rất cá biệt, ý nghĩa phổ biến không có là bao. Bởi vì lối sống ấy của anh ta hoặc cô ta không được tự nhiên, không có tính tiêu biểu, không có hoặc có rất ít giá trị tham khảo. Người ấy có thể trở thành thiên tài, trở thành một bậc thầy, trở thành quái dị... Người ấy cũng có thể, đúng hơn là càng có thể trở thành người nói suông không có thuốc chữa, trở thành kẻ tự cao tự đại điên cuồng, trở thành kẻ mắc bệnh thần kinh thật sự.

Từ năm 1958, tôi nhiều lần về xã lao động, những đợt lao động ấy để lại cảm ngộ lớn nhất cho tôi là phải quan tâm đến vấn đề sinh tồn, phải quan tâm tới một loạt vấn đề như lương thực, thức ăn, nhà ở, quần áo, chất đốt, công cụ, thuốc men, giao thông, đèn đóm, củi lửa, sưởi ấm, hôn nhân, sinh đẻ, ma chay, hoàn cảnh... Điều mà đại đa số người trên thế giới này quan tâm đầu tiên chính là vấn đề sinh tồn của bản thân và người thân, đồng hương, đồng bào. Con người ở những quốc gia càng phát triển lại càng là như thế. Trong xã hội tương đối ổn định, điều quan tâm nhất của một người bình thường là kiếm được một công việc tương đối tốt, mua cho mình một căn nhà và một xe hơi, có bảo hiểm về tài sản và về khám chữa bệnh, là an toàn và tự do về nhân thân. Ở Mỹ, có người thậm chí lao động từ lúc trẻ cho tới lúc già mà vẫn không trả xong món nợ mua nhà trả góp, như thế họ cũng là suốt đời phấn đấu cho sự sinh tồn của mình, đó là điều rất bình thường và cũng rất chính đáng. Tôi từng xem một phim Mỹ, phim có tên Cuộc sống như ngôi nhà (Life as a house), kể về một người mắc bệnh ung thư trong bốn tháng cuối cùng của đời mình đã phá bỏ nhà cũ và xây nên nhà mới với nhiệt tình điên cuồng; lời trăng trối trước lúc chết của người ấy là sinh mệnh của anh ta đã được bảo tồn trong căn nhà mới.

Như thế là không nên xốc nổi tin tưởng những người không coi trọng vấn đề sinh tồn, không nên tin vào những lời đại ngôn, khoác lác của những cậu ấm bịt mũi coi khinh, cho đó là vấn đề “hình nhi hạ”(1). Mọi lý luận không quan tâm tới điều kiện sinh tồn, chất lượng sinh tồn của con người đều có những phần nói suông, những chỗ đáng ngờ, to tát mà không thỏa đáng.

Như thế cũng là nói công việc, lao động bạn làm để sinh tồn, mỗi ngày, mỗi tháng, mỗi năm bạn tiêu phí vì chúng là xứng đáng, ngọt ngào và lành mạnh, chí ít cũng là bình thường, chính đáng và đúng đắn. Niềm vui của bạn tuy không chỉ bó hẹp trong bản thân sự sinh tồn nhưng cũng là ở trong sự sinh tồn chứ không phải ở ngoài sự sinh tồn. Tống Nho chủ trương “tồn thiên lý, diệt nhân dục”(1), hơn nữa phải triệt để diệt nhân dục, đó là học thuyết vô cùng tầm bậy. Thiên lý ở trong nhân dục, nhân dục không chỉ xoay quanh tiêu xài hết mức mà còn biểu hiện ở sự cống hiến và tiết chế tự thân. Trong nhân dục vừa có dục vọng về sinh lý, vừa có dục vọng ở tầng cao của tinh thần. Thánh Gandhi ở Ấn Độ đề xướng sống giản dị và tư duy cao sâu, không thể bảo đó không phải là dục vọng của con người. Trong nhân dục có lý tính và nhân tố tự điều tiết, tự khống chế, ít nhất thì nhân dục cũng có thể thăng hoa thành lý tính và trí tuệ. Nhân dục có thể nguy hiểm khi tính ác được buông thả, nó cần được điều tiết, hướng dẫn và khống chế, nhưng sự hướng dẫn và khống chế này không hề coi nhân dục là kẻ thù. Rất đơn giản, đó là vì nếu không có tự điều tiết và khống chế, loài người sẽ không thể sinh tồn tốt. Còn nếu không có dục vọng sinh tồn, dục vọng cải thiện sinh tồn thì cũng không phát triển được lý tính và trí tuệ. Dù sao dục vọng của con người không chỉ là dục vọng của dạ dày, bộ máy sinh dục và chân tay mà còn bao hàm cả dục vọng của não và tâm linh nữa.

Ở một nước đang phát triển như Trung Quốc, một nước giai đoạn đầu xã hội chủ nghĩa, một quốc gia giải quyết vấn đề no ấm chưa được bao lâu, hoặc một số người còn chưa giải quyết được vấn đề no ấm mà chửi rủa nhân dục đầy rẫy một cách chung chung thì không khỏi cho người ta cảm giác đó là lời của Tống Nho hoặc của giáo chủ tà giáo. Còn nếu chỉ hạn chế ở sự thỏa mãn dục vọng cảm quan thì cũng cho cảm giác con người vẫn dừng ở giai đoạn động vật.

Chương 2

Trân trọng quyền sinh tồn


và giá trị sinh mệnh cá thể

Như thế là bạn đã tìm được tiếng nói chung với đa số người bình thường, bạn sẽ không khinh xuất phủ nhận và mạt sát người khác, bạn sẽ không hơi một ít là phô nhân tính ác như viển vông, nôn nóng, điên cuồng, hung ác, ngu xuẩn, bạn sẽ điều chỉnh đúng vị trí của mình trong đám đông, bạn sẽ vững vàng sống trên mặt đất.

Như thế là bạn sẽ có một tiêu chuẩn về điều phải điều trái, tuy rằng không bao giờ đủ nhưng tối thiểu cũng phù hợp với việc kiện toàn lý tính. Có thể bạn vẫn không nắm được chân lý nhưng ít nhất cũng không để mắc lừa, bởi vì bạn đã hiểu được một chút thường thức: mọi tư tưởng, lý luận, kiến giải có lợi cho việc cải thiện cảnh ngộ sinh tồn của con người đều có thể chính xác, tuy nhiên vị tất đã đầy đủ và lý tưởng. Còn tất cả những lời bậy bạ, về tổng thể không cho người ta được sinh tồn, không cho người ta sống yên ổn, tước đoạt quyền lợi sinh tồn, chất lượng sinh tồn của con người đều bị người ta không thèm đếm xỉa, bất kể chúng giương lá cờ vĩ đại như thế nào. Điều đó đương nhiên không hề bài xích sự hy sinh của cá thể đối với tập thể, đối với quốc gia dân tộc trong tình thế đặc thù. Nhưng sự hy sinh ấy cần phải rõ ràng, hy sinh cho sự sinh tồn của quần thể chứ không phải vì sự diệt vong của quần thể, không phải hy sinh để hy sinh, hy sinh không phải để khoe mẽ, hy sinh vì giáo lý hoặc vì lên cơn bốc đồng, càng không thể bắt người khác hy sinh cho giá trị mà mình thấy là đúng. Trong nhiều trường hợp và trong mọi trường hợp nói chung, ý niệm tốt bao giờ cũng nhất trí với sinh tồn chứ không hề trái ngược.

Ví như một số tà giáo không tập trung chú ý vào việc làm sao để sống tốt hơn mà chỉ chú ý đến chết, tự hủy hoại và tự sát cho giáo chủ, cho giáo nghĩa, thậm chí bản thân chết đi còn chưa đủ mà còn phải hủy diệt nhiều sinh mạng hơn nữa để chứng minh hoặc tiến gần lời dự báo của một tà giáo nào đó. Loại tín ngưỡng thù địch với mạng sống, coi thường quyền lợi sinh tồn của loài người, bất kể thế nào cũng không phải là tín ngưỡng tốt.

Lại có người cuối cùng đã qua khỏi tai nạn, người ta không dám khiển trách kẻ gây ra tai nạn, không nghiêm túc tiếp thu bài học lịch sử để tránh tai họa tương tự xảy ra lần nữa mà lại xúm vào chất vấn người thoát chết: “Sao anh còn sống làm gì?” Sống sót trở về thành nỗi nhục vĩnh viễn của một số người, trở thành nguyên nhân chủ yếu khiến họ không ngẩng đầu lên được. Lời chất vấn ấy có lẽ là lời nghiêm khắc và chính nghĩa, song xét đến cùng chỉ có những ai đang sống mới có thể khiển trách như vậy. Điều đó khiến chúng ta không thể không cân nhắc và phân tích.

Bởi vì, quyền sinh tồn rốt cuộc là điều đầu tiên của nhân quyền. Trong trường hợp nói chung, người đang sống chất vấn một người đang sống khác thì bất tất anh ta phải tự cho mình cao hơn người kia. Chúng ta hãy cùng nhớ lại một tình tiết trong kịch Dùng mưu chiếm núi Uy Hồ: Tọa Sơn Điêu không sao chịu đựng nổi kẻ thủ hạ đã từng bị bắt làm tù binh, nên Loan Bình không dám nói ra sự thật là hắn đã từng bị “Cộng quân” Dương Tử Vinh thẩm vấn, vì vậy cuối cùng hắn đã bị lính trinh sát bên ta là Dương Tử Vinh giết chết. Trong tiểu thuyết Anh em nhà Ershov của Kochetov, nhà văn Liên Xô trước đây, cũng có một nhân vật vì bị bắt làm tù binh chứ không chết trận nên không bao giờ ngóc được đầu lên, thậm chí người yêu của anh cũng vì thế mà tình nguyện ở lại lâu dài trong khu nhà tập thể chứ không chịu kết hôn với anh. Những việc như thế phải chăng tiêu biểu cho một lối suy nghĩ đúng đắn thì chúng ta vẫn còn cần đánh dấu hỏi. Còn như những anh hùng dũng cảm tựu nghĩa, khảng khái đi tới cái chết thì xưa nay, trong nước, ngoài nước đều có. Những biểu hiện anh dũng của họ trong tình thế đặc thù và không tránh khỏi, đương nhiên mãi mãi là gương sáng cho chúng ta. Nếu phải lựa chọn giữa hy sinh sự sinh tồn của cá thể với phản bội thì đương nhiên phải chọn hy sinh, không cần nghi ngờ gì nữa. Đặc biệt là sự sống đánh đổi bằng bán rẻ linh hồn, niềm tin, tổ chức, đồng chí và bạn bè, thì đó là vô sỉ, chúng ta không cần phải hoài nghi.

Hết chương 2. Chương tiếp theo sẽ được cập nhật một cách nhanh nhất.


Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/25893


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận