Triết Học Nhân Sinh Của Tôi Chương 12


Chương 12
Học vô bờ, suy nghĩ vô bờ thì niềm vui cũng vô bờ

Không phải chỉ học ngôn ngữ mới như thế. Khi coi một ngành học là thành quả cuộc sống và lao động của một quần thể, là ghi chép và phương thức của một cuộc sống, là sự thể hiện tập trung của trí tuệ, kinh nghiệm, sự theo đuổi, đau khổ và vui sướng; khi kết hợp giữa tìm tòi, theo đuổi học vấn với tìm tòi theo đuổi cuộc sống, coi quá trình học tập là một quá trình sống, biến việc theo đuổi lý tính công cụ thành một nhận thức về giá trị, coi quá trình phấn đấu, chịu khổ và dâng hiến đồng thời cũng là quá trình tiến tới chân lý, hưởng thụ toàn bộ vẻ đẹp của thế giới và nhân sinh, tìm hiểu toàn bộ bí mật của vũ trụ và sự sống, thì khi đó, việc học tập, sinh sống và công tác của ta sẽ đổi khác vô chừng, vì đó là một lý lẽ có tính phổ biến. Về đại thể, nó cũng thích hợp cho việc đọc một truyện dài, đọc một cuốn sách triết học hoặc sử học, thậm chí là toán học; về đại thể, nó cũng thích hợp dùng vào thực nghiệm khoa học và nghiên cứu khoa học.

Không gì khiến người ta xúc động hơn bằng việc phát hiện một chứng minh về nhân tính mà ta quen thuộc trong một cuốn truyện dài. Từ câu chuyện tình yêu trong truyện, ta liên tưởng tới kinh nghiệm tình yêu bao gồm cả tình cảm nào đó manh nha nhưng chưa phát triển thành tình yêu của chính mình hoặc của bạn bè; từ những câu chuyện quái đản mang tính mạo hiểm, ta cảm thụ được sự thách thức của sinh mệnh, lắng nghe tiếng tim đập thình thịch trong lồng ngực; từ những đoạn trữ tình dài của tác giả, ta cảm nhận được tình cảm nồng ấm của đời người và niềm vui buồn khó chia cắt; từ sự suy nghĩ của tác giả, ta liên tưởng đến cảnh ngộ của bản thân và lời giải đáp của mình. Cách đọc như thế về căn bản không cần đến ghi nhớ bằng cố nhồi nhét hoặc ăn sống nuốt tươi, không cần đến túm tóc buộc lên xà nhà hoặc lấy dùi đâm vào vế(1).

Cũng như vậy, từ những luận chứng về lý luận, ta có thể tìm thấy đầu mối giữa sự trải nghiệm của mình với những điều tai nghe mắt thấy, có thể gạt bỏ lớp sương mù về mặt nhận thức tư tưởng; từ một công thức toán học, ta có thể nghĩ tới lôgích tư duy chặt chẽ của bậc trí giả tiền bối, mường tượng ra quá trình tìm tòi cho đến ngọn nguồn, công việc thử nghiệm, chứng minh trở đi trở lại đề đạt tới mức độ có vấp ngã cũng không nản cùng niềm vui của bậc trí giả ấy.

Học tập là một cách phát hiện, học tập là khám phá bí mật, học tập cũng như phá án bởi bí mật của thiên nhiên và đời người ẩn tàng đan xen, không dễ gì nhất thời đã tìm ra được. Bởi vậy, khi ta từ thiên nhiên, lịch sử, xã hội, nhân sinh phát hiện ra sự thật còn ẩn náu, từ thành quả của người đi trước mà hiểu được những sự thật đó thì ta sẽ tràn trề niềm vui, không sao dừng lại được, chẳng khác chi phá được một vụ án mới.

Tôi kính trọng những người khổ học, nên càng muốn nói nhiều về niềm vui học tập. Tôi rất tán thành ý đề xướng “bóng đá vui vẻ” của Bora Milutinovic(1). Chỉ có những kẻ lý sự cùn không thuốc nào cứu được (tức những kẻ chui vào ngõ cụt, cãi chầy cãi bửa, biện luận lấy được) mới cảm thấy cần phải nhắc nhở huấn luyện viên và cầu thủ chỉ thấy vui là chưa đủ mà còn cần khổ luyện. Bởi vì niềm vui và khổ luyện bao giờ cũng bổ sung cho nhau tuy thuộc hai tầng bậc khác nhau. Nói một cách tổng quát, học tập nắm một bản lĩnh, từ vương quốc bắt buộc từng bước một tiến vào vương quốc tự do, giành được thu hoạch mới, thành tích mới đương nhiên là điều vui thú nhất, mà niềm vui là biểu hiện của thành công. Trong quá trình ấy, phải khắc phục rất nhiều khó khăn, ứng phó với rất nhiều thách thức, bỏ ra rất nhiều tâm huyết và sức lực, đó đương nhiên cũng là điều rất gian khổ. Điều đó về đại thể có điểm chung với lý lẽ coi nhẹ mặt chiến lược, coi trọng mặt chiến thuật mà Mao Trạch Đông từng bàn tới. Về chiến lược, dám thắng nhất định thành công, không phải sợ hãi, rụt rè; về chiến thuật thì lúc nào cũng có nguy hiểm, có quanh co, như thế sao có thể khinh địch được?

Học tập là xây dựng cách tuần tự nhi tiến, bắt đầu từ lúc đào móng cho đến khi sừng sững xây nên từng tòa nhà cao to, thành công từng bức tranh phong cảnh một. Học tập là sự mạn du về mặt tinh thần, mở rộng không gian và dung lượng tinh thần. Học tập còn là sự thách thức đối với sinh mệnh có hạn, theo đuổi vũ trụ và thời gian vô hạn bằng sinh mệnh có hạn, không phải như Trang Tử nói là “Nguy thay!” mà là “Hùng tráng thay!” Học tập là một cách kiên trì, một kiểu cố thủ, một tiết tháo, một khả năng miễn dịch. Trong khi học, tuyệt đối không được dối mình, dối người, không được giả mạo, không được làm bộ làm tịch, không được khoác lác, không được tụ tập làm ồn, kéo bè kéo cánh, cũng không thể làm tôi làm tớ, tâng bốc lấy lòng, chiều theo thói tục. Người học tập là người cao nhất, mạnh nhất, trong sáng nhất, lại gian khổ và vui sướng nhất.

Hết chương 12. Mời các bạn đón đọc chương 13!

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/35042


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận