Mao Trạch Đông từng nói, có một số trí thức “sách đọc càng nhiều càng ngu xuẩn”. Người ta phần nhiều cho câu nói này phản ánh vấn đề coi khinh tri thức sách vở của Mao Trạch Đông. Trộm nghĩ sự việc không đơn giản như thế.
Mao Trạch Đông là nhân vật như thế nào? Chính ông đã đọc bao nhiêu là sách. Đến thăm nơi ở cũ của ông tại Trung Nam Hải, bạn sẽ thấy cả đến trên giường ngủ của ông cũng có một phần ba chỗ xếp đầy sách. Một Mao Trạch Đông như thế há lại phản đối người khác đọc sách sao? Cho tới những năm cuối đời, ông còn ra một chỉ thị quan trọng, có đầu đề là Nghiêm túc đọc sách, học tập thông suốt chủ nghĩa Mác.
Vậy thì tại sao ông lại nói những lời rất cực đoan có ý hạ thấp việc đọc sách như thế?
Điều này phải nghiên cứu bắt đầu từ tư tưởng của Mao Trạch Đông. Ông nói: “Đọc sách là học tập, sử dụng cũng là học tập và càng là sự học tập quan trọng hơn”. Câu nói này đã hé lộ hạt nhân tư tưởng của ông. Ông nhấn mạnh phẩm cách thực tiễn của nhận thức, coi trọng tác dụng quyết định của thực tiễn đối với nhận thức. Ngược lại, ông coi khinh thậm chí căm ghét lối học vẹt tách rời tính thực tiễn của nhận thức, cũng như chủ nghĩa sách vở, chủ nghĩa giáo điều, xổ chữ khoe nghĩa và học vẹt.
Về điều này, tôi còn có một liên tưởng nữa, mạnh dạn nói thì có thể là một chút phát huy. Trên thế giới có một số điều có thể học được trong sách vở, còn một số điều khác thì không thể học được qua sách vở, hoặc nếu học qua sách vở thì chỉ có thể được những điều ngược lại. Vậy thì nếu bạn chỉ có kiến thức trên sách vở, chỉ biết nhận thức qua sách vở, hoàn toàn không biết kết hợp với thực tế thì đó chẳng phải càng học càng ngu hay sao?
Lấy một ví dụ: học bơi mà chỉ học trên sách vở thì có thể biết bơi được không? Cách mạng Trung Quốc nên đi theo con đường nào thì trên sách vở có sẵn đáp án hay không? Cũng như thế, bất kể Thái Cực quyền hay tập thể dục theo loa truyền thanh, nếu chỉ học trên sách thì học chỉ tổ mệt, chỉ tổ bực mình, càng học càng cuồng; nếu kiếm một ông thầy rồi tập luyện theo ắt sẽ đạt hiệu quả, chỉ tốn nửa công sức mà đạt được trọn việc.
Lại lấy thêm một ví dụ không được cao nhã cho lắm: trên sách vở, đâu đâu chúng ta cũng thấy những lời dạy con người ta nên tuân thủ luật pháp, coi trọng việc chung, chí công vô tư, quang minh lỗi lạc, làm việc theo chương trình... Có sách nào dạy đi cửa sau như thế nào không? Đi cửa sau là không tốt, không nên dạy, nhưng xin hỏi, ai dám nói mình chưa từng dính líu gì đến hiện tượng đi cửa sau? Anh không đi cửa sau, vậy anh có thấy người khác đi cửa sau hay chưa? Khi đó anh cần phải có đối sách như thế nào? Đi cửa sau là một hiện tượng xã hội, thậm chí là một hiện tượng văn hóa, đáng được nhìn thẳng vào.
Đã muốn chống đi cửa sau thì chẳng phải cần làm rõ đường đi lối lại của việc đi cửa sau hay sao? Nhưng sách về phương diện này thì chẳng bao giờ có. Thí dụ này đủ chứng tỏ ngoài tri thức sách vở ra, con người ta còn có tri thức thuộc loại khác ở bên ngoài sách vở. Nếu chỉ có tri thức trên sách vở mà không có tri thức thuộc loại khác thì tri thức của bạn rất có thể còn thiếu nhiều.
Lại xin cử một ví dụ khiến người ta lúng túng: đã có quyển sách nào nói về viên chức quốc gia nên làm thế nào để giành được cơ hội thăng tiến tốt hơn hay không? Không có cuốn sách nào như thế cả, vì về tính chất mà nói, viên chức nhà nước đều là đầy tớ của dân, hoàn toàn không nên có quan niệm địa vị, quan niệm thăng quan tiến chức. Điều chúng ta đề xướng là làm bò già(1) cho nhân dân, mà đã là bò già thì làm sao còn nghĩ tới địa vị, chức danh, cấp bậc và đãi ngộ của mình nữa? Nhất là “kinh nghiệm”, “biện pháp”của những dốc sức cho việc thăng tiến của mình là những điều không đáng nói cùng người, không đáng đem ra dạy bảo. Đấy là chưa kể có những điều rất bậy bạ, dù viết ra một cuốn sách như thế thì cũng không cách gì xuất bản được, mà dù xuất bản được đi nữa thì cũng đến chết yểu trong lời khiển trách phẫn nộ. Vậy thì trên thực tế có tồn tại một vấn đề là phấn đấu để được thăng tiến, tổng kết những kinh nghiệm để được thăng tiến hay không? Có hay không vấn đề viên chức nhà nước hoặc nhân viên công ty đang bàn luận, đang nghiên cứu, đang quan tâm tới việc thăng tiến của mình? Chúng ta có thể hoàn thành một cuốn sách về môn “thăng tiến học”, cho dù không viết thành chữ mà chỉ có thể truyền thụ và lĩnh hội bằng con tim và tinh thần hay không? Vấn đề này không nói cũng biết, đó cũng thuộc học vấn loại khác, nếu chỉ học qua sách vở thì công dụng rất hạn chế.
Hết chương 15. Mời các bạn đón đọc chương 16!