Triết Học Nhân Sinh Của Tôi Chương 16


Chương 16
Chín chắn ấu trĩ và già dặn chín chắn

Khi nghị luận về một người nào, chúng ta thường nói ai ai đó ấu trĩ, ai ai đó thiếu chín chắn, ai ai đó già dặn. Vậy xin hỏi, tiêu chuẩn của chín chắn và già dặn là gì? Điểm khu biệt giữa chín chắn và ấu trĩ là gì? Thật sự xin lỗi, tôi không thể không nói tới một điều, đó là bản lĩnh nhận thức về cái ác và đối phó với cái ác. Rất đáng tiếc là trong đời người và trong xã hội còn có rất nhiều điều không lương thiện, còn có rất nhiều điều ác. Người ấu trĩ gặp điều bất thiện và điều ác ấy thường rất đau lòng, rất đau khổ, cảm thấy rất bất ngờ, rất lúng túng, thậm chí sau mấy lần giao đấu đầu tiên đã ngã xuống đài, hoặc mất dũng khí sống tiếp, hoặc đi tới bi quan và suy sụp, hoặc buông trôi theo dòng để tự mình cũng biến thành bất thiện và ác. Những trường hợp gặp ác mà không hề có biện pháp nào, gặp ác mà chỉ biết kêu la ầm ĩ, gặp ác thì sa bẫy bị lừa, gặp ác thì mất hết tinh thần hoặc giả liều lĩnh vào chốn hiểm nguy, trở thành người quá kích động, thành kẻ phẫn thế ghét đời có tính phá hoại, rồi trở thành kẻ mạo hiểm và kẻ khủng bố - có thể nói tất cả những biểu hiện như trên quả là những tiêu chí của một người khá ấu trĩ. Còn người chín chắn và già dặn thì sẽ kiên định không nao núng, lại biết ung dung ứng chiến, khôn khéo đối phó, biến bị động thành chủ động, tìm được mấu chốt để chuyển hóa nhân tố bất thiện thành nhân tố thiện ngay trong lúc cái ác đang khiêu chiến, chí ít thì cũng phải chiến thắng được cái ác, chuyển hóa cái ác, hoằng dương cái thiện cho tới khi đạt tới mức lách lưỡi dao thoăn thoắt như đầu bếp thạo mổ trâu, đạt tới mức ra khỏi bùn nhơ mà không nhiễm mùi bùn. Chưa bao giờ gặp cái ác là điều không thể có, không thất bại tự sát trước cái ác, cũng không biến thành cái ác là điều bắt buộc và hữu dụng. Còn truyền thống văn hóa, quy tắc xuất bản cho chí chính sách, pháp lệnh của chúng ta lại thường thiên về không nói, chí ít là không nói nhiều, không nói sâu về cái ác trong nhân gian - đối với điều này, tôi lại không có gì phản đối, vì ở đây quả thực có điều cần cân nhắc: khi tố chất con người chưa đủ lý tưởng mà chúng ta lại nói quá nhiều đến cái ác thì có thể về mặt khách quan sẽ biến thành những lời mách nước làm điều ác.

Ở đây tôi không có ý bàn luận những ý kiến xung đột về nguyên tắc tính phổ biến, nguyên tắc tính thích ứng và nguyên tắc tính giá trị của xuất bản. Tôi chỉ muốn nói nhờ cậy kiến thức sách vở không thôi là không đủ. Vì nhiều nguyên nhân, người ta không viết toàn diện trên sách, không xuất bản toàn diện các sách, bạn cũng vì nhiều lý do nên không đọc được toàn diện. Nhiều khi người ta chỉ muốn tìm cái đẹp, cái ngọt ngào trong sách vở mà bỏ qua những vị mặn, đắng, cay, chua, chát; người ta thiên về chọn lựa cái thơm tho mà bỏ qua cái tanh, hôi. Người ta tiếp thu lối xuôi theo dòng lớn mà bỏ bớt hoặc tránh né, thậm chí còn dứt khoát giấu nhẹm những gì bất nhã, những gì sâu kín, hoặc những gì quá nhạy cảm. Cho dù không có bất kỳ sự tránh né hoặc giấu kín nào thì cũng không bao giờ có một quyển sách chuyên viết cho bạn ở lúc này và ở nơi này; ngược lại những sách ấy là do tác giả của chúng viết ra nhân tình hình và vấn đề lúc ấy, chỗ ấy của chính tác giả. Vì thế, chúng ta phải biết cách vận dụng trong thực tiễn, biết cách suy nghĩ, biết cách phân biệt, biết cách phân tích và tổng kết, khái quát, biết cách tìm ra quy luật và tri thức trong tình hình khác nhau, trong những thành bại, được mất khác nhau, rồi suy nghĩ để rút ra một điều gì đó. Đối với việc học ngôn ngữ là thứ tương đối “chết cứng” cũng vậy. Học phát âm cho tốt và học khẩu ngữ qua sách vở là điều rất khó. Bạn nên chịu khó lắng nghe, nghe hết lần này đến lần khác, nghe người có tiếng mẹ đẻ là thứ ngôn ngữ bạn muốn học ấy nói ra sao, phát âm như thế nào, sau đó so sánh với lời nói, cách nói, lối phát âm của mình, có như thế mới tìm ra thiếu sót mà cải tiến. Ý nghĩa của việc đọc đối với việc học ngôn ngữ ở chỗ không những giúp bạn đọc hiểu những điều bạn đang đọc, mà còn là học tập lối tu từ và đặt câu hỏi của người khác thông qua đọc sách, học tập cả phương thức biểu đạt và kỹ xảo biểu đạt của người khác. Cùng một câu nói mà có thể có đến mấy chục, thậm chí hàng trăm cách nói khác nhau, nhưng trong số đó, chỉ có một vài cách là thích hợp nhất cho khi ấy, nơi ấy, cảnh ấy, người ấy. Làm thế nào chọn ra được một cách hoặc vài cách nói hay nhất trong tình thế khác nhau, thích hợp nhất với thân phận người nói khác nhau và thân phận của người đối thoại khác nhau, đó là điều bất kỳ một cuốn dạy ngôn ngữ nào cũng không cách gì nói cho rành được. Chỉ có tự mình thông qua vô số những sự việc, bao gồm cả những sự việc phản diện để tổng kết kinh nghiệm thì mới càng học càng thông minh, càng giỏi giang.

Hết chương 16. Mời các bạn đón đọc chương 17!

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/35062


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận