Bây giờ chúng ta hãy sơ kết xem những loại nào khó có thể học được trên sách.
Trước hết là loại nặng về thao tác, nhẹ về lý thuyết, như bơi, như thể dục. Những loại này dựa vào học trên sách không bằng dựa vào người hướng dẫn, làm mẫu và càng cần dựa vào mò mẫm trong thực tiễn. Hai là loại không cao nhã và đẹp đẽ cho lắm, xin lược bỏ thí dụ. Ba là loại hoàn toàn mới như cách mạng Trung Quốc, kinh tế thị trường trong chế độ xã hội chủ nghĩa, một nước hai chế độ, việc tìm tòi trào lưu văn nghệ mới, thủ pháp mới, v.v... đó đều là những thứ không có trong sách vở. Chúng ta còn có thể nói, cái gì đã có trong sách thì không còn là điều mới sáng tạo. Sáng tạo là phải vừa dựa vào sách vở đồng thời lại tách khỏi sách vở, đột phá sách vở, thông qua thực tiễn để mở ra con đường khác.
Điều căn bản nhất của mục đích học tập rốt cuộc là gì? Để giải quyết được những vấn đề trong thực tiễn, những vấn đề mới trong thực tế, để huấn luyện mình có được trí tuệ hơn người, đạt được tới cảnh giới cao cả, có được những cống hiến lớn hơn, giành được thành công, có được những biểu hiện càng hoàn mỹ hơn, được hưởng thụ cuộc đời huy hoàng hoặc chí ít cũng vui vẻ và lành mạnh. Tất cả những điều nói trên đều không đến tay bằng cách chỉ đơn thuần dựa vào đọc và thuộc lòng sách vở. Mỗi người đều có thể gặp cảnh ngộ và vấn đề rất đặc thù đối với mình vào bất cứ lúc nào, tuy vị tất đã đặc thù đến mức có một không hai, song cũng không bao giờ là phiên bản cảnh ngộ và vấn đề của một người khác hay của người đi trước như tác giả viết sách. Chỉ có biết cách quan sát, thể nghiệm trong cuộc sống, trong thực tiễn, biết tổng kết, biết phản tỉnh, biết mài giũa, biết theo cái thiện, biết tùy lúc mà điều chỉnh, vừa điểm tới đã thấu suốt... thì mới gọi được là người biết cách học tập.
Vậy thì tại sao Mao Trạch Đông lại nhận định có người càng học càng ngu? Tôi cho rằng, một là vì chủ nghĩa giáo điều, chủ nghĩa sách vở hại người. Nếu vì chúi mũi vào đọc sách mà để mất cảm giác tươi mát về cuộc sống, vì luận đoán có sẵn trong sách mà trói buộc chân tay, vì sách mà bóp chết mọi sự sống thì như thế người đã ngu lại càng ngu hơn.
Hai là nếu người học xa rời thực tế, cả đời chỉ đi từ cuốn sách này đến cuốn sách khác, từ danh từ tới danh từ, từ khái niệm tới khái niệm, tuần hoàn với chính mình ắt sẽ trở thành người học đấy mà chẳng thông lý lẽ, cố chấp những điều sai lầm, hại người mà cũng hại cả mình, mụ mẫm cả người mà cứ tưởng chẳng ai hơn được mình.
Ba là, những điều trong sách vở không phải đều hoàn toàn đúng. Sai lầm trong sách vở chưa chắc đã ít hơn sai lầm ngoài đời, chỉ đi từ cuốn sách này sang cuốn sách khác thì rất khó phán đoán cái đúng cái sai; chỉ có lắng nghe tiếng nói của thực tiễn thì mới có thể ngốn sách mà vẫn tiêu hóa được.
Bốn là sách vở còn làm một số người thuộc lòng nhờ có trí nhớ tốt sinh lòng kiêu ngạo, tự cho là phi thường, bàn suông không dứt, lừa đời trộm danh, huênh hoang không biết xấu hổ, người như thế không mấy khi làm nên còn thất bại thì có thừa. Trong thời điểm mấu chốt của cách mạng và chiến tranh, Mao Trạch Đông đặc biệt căm ghét những ai theo chủ nghĩa sách vở, đó là điều có thể hiểu được. Đương nhiên câu “đọc càng nhiều càng ngu” cũng như tất cả những câu nói đặc biệt nổi tiếng khác trong thế gian này không phải tới chỗ nào là sáng ra chỗ đó. Một khi dùng ngôn ngữ để nói lên một nhận thức thì sau khi đạt tới hình thức ngôn ngữ tương đối trong sáng, rõ ràng sẽ có thể dễ bị trở nên khô cứng, thậm chí phiến diện. Mọi cách trình bày ngôn ngữ của loài người cho dù đã cố gắng đạt tới toàn diện, song vẫn không tránh khỏi có chỗ thiếu toàn diện. Hơn nữa khi đã nhấn mạnh một điểm, một mặt nào đó thì ngay từ ngày đầu khi nó chào đời đã bao hàm khả năng biến thành sai lầm. Nhất là sau khi cách mạng thắng lợi, ông cụ đã coi nhẹ tầm quan trọng của việc nắm vững tri thức, nắm vững khoa học kỹ thuật cao cấp để xây dựng một nước xã hội chủ nghĩa, coi nhẹ tầm quan trọng của việc một nước lạc hậu cả về kinh tế và khoa học kỹ thuật cần học hỏi những kinh nghiệm và tri thức đã có của các nước tiên tiến, ngẩng cao đầu đuổi kịp họ. Bởi vậy câu nói đó đã bị một số người vốn dĩ không hiểu biết gì nhưng lại ngang ngạnh chuyên quyền lấy làm chỗ dựa để bức hại người tri thức. Khi đó, câu nói ấy đã hoàn toàn đi chệch đường.
Hết chương 17. Mời các bạn đón đọc chương 18!