Triết Học Nhân Sinh Của Tôi Chương 20


Chương 20
Chỉ có suy nghĩ, tìm tòi mới vào được hóa cảnh

Hóa cảnh không phải một bước mà tới được, nhưng dựng một mục tiêu cảnh giới như vậy so với không dựng một mục tiêu như thế là rất khác nhau. Hóa cảnh là một trạng thái chủ động, là một vương quốc tự do, là một loại nghệ thuật, càng là một loại khí phách, một con đường lớn, một loại phẩm chất. Tất nhiên người tà ác dù có bận lòng mất sức cũng đến bực bội bất bình vì không vào được hóa cảnh; người lòng dạ hẹp hòi tất nhiên sẽ rề rà, chậm chạp, kêu ca phàn nàn, cũng không vào được tới hóa cảnh; người nào quá nôn nóng tất nhiên sẽ sức mòn lực kiệt, vỡ đầu mẻ trán, đương nhiên không liên quan gì với hóa cảnh.

Chúng ta ngoài đọc sách để hiểu biết còn phải ham suy nghĩ, tìm tòi. Vào hóa cảnh là một quá trình, quá trình kết hợp giữa đọc sách và thực tiễn, càng là một quá trình không ngừng quay về tự hỏi và tìm tòi, cũng là suy nghĩ và cân nhắc. Niềm vui lớn nhất trong học tập là phát hiện những điều hay, đúng trong thực tiễn cuộc sống, nghe được hơi thở của thực tế cuộc sống, từ lúc này, nơi này, người này, vấn đề này liên hệ với lúc khác, nơi khác, người khác, vấn đề khác, từ đó mà có được sự cảm thụ, hiểu ra, có được phát hiện, có được gợi mở, có được bước tiến dài. Niềm vui lớn nhất của thực tiễn là từ trải nghiệm đời thường nhất, thực tế nhất phát hiện ra những mệnh đề tri thức, đạo lý và học vấn. Thông qua thực tiễn, chẳng những làm nên việc mà còn có được học vấn, không những thêm được kiến thức mà còn thêm được tài thực, học thực.

Điều quan trọng nhất ở đây là coi mọi thực tiễn là quá trình tìm tòi chân lý, cuộc sống không biết đến đâu là cùng, sự nghiệp cũng không biết đến đâu là dừng, và tư tưởng, suy nghĩ cũng không biết đến đâu là cùng. Mỗi một lần thực tiễn, mỗi một lần hành động, mỗi một công việc đều có thể cung cấp cho bạn một chút kinh nghiệm tươi mới, một vấn đề, một gợi ý mới. Trong thi đấu bóng đá, không một lần bóng vào lưới nào lặp lại lần bóng vào lưới khác, viết văn cũng kị nhất là lặp lại và sao chép. Không một chứng bệnh của bệnh nhân này y hệt chứng bệnh của bệnh nhân khác. Vậy thì điều người biết cách học tập rút ra được trong thực tiễn chung chung hàng ngày đương nhiên ắt xác nhận và củng cố cho những điều hữu hiệu phổ biến, đồng thời cũng rút ra được một chút gì đó tươi mới, cho dù chỉ là chút chút phát triển, chút chút bí quyết độc đáo.

Cũng như vậy, đọc sách cũng là một quá trình tìm tòi, suy nghĩ. Phải xem những học vấn trong sách có điểm nào thông với tri thức loại nào đó của bạn hay không, có thể giải đáp một loại vấn đề thực tế nào đó của bạn hay không, cho dù không trả lời trực tiếp thì cũng là một gợi mở gián tiếp qua gián tiếp cũng được.

Chẳng hạn, điểm đặc biệt của tiểu thuyết là kết cấu, không một ai có thể dạy bạn nên kết cấu, nên viết như thế nào; không có một tiểu thuyết nào vừa kể truyện, kể nhân vật, vừa bảo bạn biết tác giả đã cấu trúc như thế nào. Bởi vì kết cấu của tiểu thuyết này với tiểu thuyết khác đều không giống nhau, nhưng nếu bạn viết hoặc đang viết một tiểu thuyết, thế nào bạn cũng phải nắm vững một điều gì đó, thế nào cũng phải cảm thấy một điều gì đó.

Tôi còn nhớ năm mười chín tuổi, khi tôi viết Tuổi xuân muôn năm, chính vì kết cấu rộng lớn, phức tạp của nó mà tôi lúng túng không tìm được cách giải quyết. Đúng lúc đó, vào một ngày Chủ nhật, tôi đến Hội Hữu nghị Trung Xô thời bấy giờ nghe phát những đĩa nhạc mới. Trong lúc thưởng thức nhạc giao hưởng, tôi đột nhiên hiểu ra kết cấu một tiểu thuyết có một số điểm giống với kết cấu một bản nhạc giao hưởng: chủ đề, phụ đề, phát triển, tái hiện, biến tấu, hòa thanh, đối ứng, tiết tấu, những điều chẳng phải giống với tuyến chính, tuyến phụ, nhàn bút, hô ứng, đan xen, gom lại rồi kết thúc ở tiểu thuyết đó sao? Thì ra kết cấu chẳng những phải phân tích, tìm tòi mà quan trọng hơn là phải cảm giác được nó. Từ đó, kết cấu truyện của tôi bắt đầu tiến bước lên đường.

Đối với mọi đối tượng xung quanh, bao gồm hiện tượng tự nhiên, hiện tượng xã hội, hiện tượng tinh thần, tôi đều có đánh giá riêng, có dự kiến riêng của mình. Song thực tế, sự phát triển biến hóa của mọi đối tượng và hiện tượng ấy thông thường không phải hoàn toàn giống như dự kiến và đánh giá của bạn. Trước khi bạn làm việc gì, bạn đều có dự liệu nhất định về mục tiêu, song lẽ trên đời này ít khi có tình thế thực hiện được cả trăm phần trăm mục tiêu của mình. Gặp trường hợp đó ắt là cơ hội để học tập: tại sao bạn lại sai? hoặc ít nhất cũng không hoàn toàn đúng? Bạn cả tin một thuyết nào đó và tưởng rằng người nào đấy là bậc đại trí đại dũng, nhưng sự thật chứng minh không phải như thế; sự thực chứng minh người ấy vô dụng hơn bạn lường trước rất nhiều. Tại sao bạn dùng toàn bộ sức lực để làm một việc gì đó nhưng không thành công, còn việc khác bạn cứ tự nhiên mà làm thì lại được? Như thế gọi là “có ý trồng hoa hoa chẳng sống, vô tâm cắm liễu, liễu sum suê”. Lúc đó càng cần suy nghĩ đôi chút: Tại sao? Tại sao có lúc để mặc tự nhiên lại thu được hiệu quả tốt hơn là cố làm cho kỳ được?

Đời một con người có bao nhiêu cơ hội tốt đẹp có thể khiến bạn học được, hiểu được đạo lớn, học vấn lớn, có thể khiến bạn trưởng thành vượt bậc, thăng hoa vượt bậc, có được trí tuệ và ánh sáng? Và chúng ta cũng đã bao nhiêu lần bỏ lỡ những cơ hội tốt đẹp, đã phụ lòng trời gợi mở, bỏ mất dịp tới được chân lý, đạo lớn, có được trí tuệ và sự sáng láng?

Học tập tốt nhất là liên hệ sách vở với cuộc sống. Lý luận cao thâm, khái niệm huyền diệu, tưởng tượng kỳ dị, thực ra vẫn là từ cuộc sống mà thăng hoa lên. Còn cuộc sống thường ngày vụn vặt cũng bao hàm rất nhiều đạo lý rất sâu sắc, rất nhiều tri thức thú vị và những gợi mở khiến người ta đột nhiên thông suốt.

Hết chương 20. Mời các bạn đón đọc chương 21!

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/35070


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận