Chúng ta hãy lấy thí dụ là câu chuyện cười về người không biết cách ăn nói. Có một người ăn nói rất vụng về, một hôm anh ta mời khách tới nhà ăn cơm. Thấy khách mời vẫn chưa đến đủ, anh ta liền nói: “Sao người đáng đến vẫn chưa đến nhỉ?” Một số khách đã đến cảm thấy khó chịu, nghĩ thầm hay họ là người không đáng đến, bèn bực bội bỏ về. Chủ nhà vội nói: “Làm sao người không đáng về lại về thế?” Số khách còn lại nghe thấy thế không vui, thầm nghĩ lẽ nào mấy người chúng ta mới là đáng về? Được lắm, chúng mình về! Thế là họ cũng bỏ về. Chủ nhà càng cuống, vội nói: “Người tôi muốn nói không phải là mấy ông đâu!” Vài người khách còn lại cuối cùng thầm nghĩ, thì ra chủ nhà nói đến không phải là mấy người kia, vậy thì ông ta muốn đuổi chúng ta rồi! Thế là mấy người khách cuối cùng cũng bỏ về nốt.
Đương nhiên đây chỉ là chuyện hài, nhưng nó đã nói đến cảnh khốn cùng của việc giãi bày bằng ngôn ngữ, nói đến sự bất lực của lôgích (ba tốp khách bỏ về thực ra tư duy phán đoán của họ không phù hợp nghiêm ngặt với quy tắc lôgích), dùng từ tu sức không cần thiết (không đáng đến, không đáng về) và cách nói thiếu thẳng thắn (người tôi muốn nói không phải là mấy ông) đã làm hỏng việc.
Qua câu chuyện này, chúng ta có thể nghĩ tới nói làm sao cho ít tác dụng phụ, nói làm sao cho người ta tiếp thu được, đồng thời cũng thể hội được sự sai lầm của chủ nghĩa sách vở và chủ nghĩa giáo điều. Nhân vật chính trong truyện cười nói trên cố nhiên không biết ăn nói, nhưng các vị khách cũng hơi quá chấp nhặt, vin cớ, nắm lấy vài câu chữ lầm lẫn mà tỏ thái độ. Làm bất cứ việc gì, phán đoán bất cứ điều gì đều không thể xuất phát từ một chữ, một câu, không thể lấy lời nói làm chứng cớ mà phải lấy tình hình thực tế làm chỗ dựa. Nếu bạn dự một bữa tiệc nhưng không đợi tiệc bắt đầu đã rời khỏi bàn tiệc và có lời phản đối, thì ngoài việc suy nghĩ tới câu nói thiếu đúng mực nào đó, ít nhất bạn cũng nên nghĩ tới toàn bộ tình cảnh của người mời tiệc và toàn bộ quan hệ chủ khách ở nơi đó. Lời nói là cái có ích song lời nói cũng là cái làm khổ người. Ngụ ngôn Aesop từ lâu đã kể cái hay nhất trên thế giới là lưỡi và cái dở nhất trên thế giới cũng vẫn là lưỡi. Cổ nhân ta từ xưa đã thấm thía điều này, cho nên Khổng Tử mới nói “thuật nhi bất tác”(1), còn Lão Tử thì nói: “Đạo khả đạo phi thường đạo”(2). Cả hai vị đều chú ý bảo lưu tính linh hoạt tiềm tại của ngôn ngữ. Thiền tông cũng không dùng ngôn ngữ, thậm chí hạ thấp và bài xích ngôn ngữ. Cổ nhân của chúng ta nhấn mạnh “đắc ý nhi vong ngôn”(3), nhấn mạnh “ngôn hữu tận nhi ý vô cùng”(4). Những điều đó thật là sâu sắc và cao minh.
Có suy nghĩ thì mới có thể thấu suốt lý lẽ như người xưa từng dạy khi đọc sách. Đọc sách mà không thông suốt lý lẽ thì chỉ là đâm đầu vào đám sương mù, như câu “Vấn dĩ kinh tế sách, mang như trụy yên vụ”(1) đã nói. Thấu suốt lý lẽ mà không tiếp tục đọc sách thì chỉ có thể thỏa mãn với những việc nhỏ nông cạn, tầm thường, tỉa tót, tẩn mẩn. Coi cuộc sống như một cuốn sách lớn để đọc, coi sách như người hướng đạo và tư liệu tham khảo cho cuộc sống, như đối tượng để chuyện trò và biện bác, thế thì học cũng vậy mà sống cũng vậy, tất cả đều trở nên thú vị biết bao! Đọc sách để thấu hiểu lý lẽ cùng tiến bước với thời gian. Sách có lúc cạn, việc có lúc hết nhưng suy nghĩ thì vô cùng, vận dụng cũng vô cùng. Đặt mình vào nơi sáng láng, đứng ở chỗ đất không sụt, như thế là càng ngày càng gần tới hóa cảnh rồi vậy.
Hết chương 21. Mời các bạn đón đọc chương 22!