Mục đích của suy nghĩ tìm tòi là để liễu ngộ. Liễu(2) ngộ là gì? Bây giờ người ta càng ngày càng hay nói đến ngộ tính, vậy từ “ngộ tính” này có nghĩa như thế nào?
Có thể nói, ngộ tính là năng lực học tập, lý giải, hiểu rõ. Còn đối tượng của học tập, lý giải không phải là sách giáo khoa, không phải là quy tắc, điều lệ không thuật lại bằng lời, cho dù không phải ngôn ngữ của bản quốc mà là một ngôn ngữ rất khó, rất sâu sắc, mà biểu hiện thành lối dạy không dùng đến lời nói, một quy luật ở tầng sâu, ẩn tàng trong hiện tượng, một loại khái niệm, yếu lĩnh, kinh nghiệm không cần đến suy diễn theo lôgích, cũng không cần thực nghiệm để chứng minh. Không có bất kỳ trường lớp nào giảng một môn học như thế, và cũng rất khó để mở một trường lớp như thế, vì môn đó rất khó giảng dạy, rất khó giảng giải, rất khó truyền đạt, nó tựa như sai mà lại đúng, khác nào linh dương giấu sừng, chẳng dấu vết đâu mà tìm. Có được nó không phải nhờ đọc sách, cũng không phải nhờ suy nghĩ nung nấu, càng không phải nhờ trực giác, nhờ cảm giác, nhờ từ sự việc này suy ra việc khác cùng loại hoặc nhờ tưởng tượng. Thật là, lê mòn giày sắt không tìm thấy, lúc được hoàn toàn chẳng phí công.
Nghe nói từ “ngộ” truyền vào nước ta là nhờ Phật giáo. Có lẽ là như thế này: rất nhiều quan niệm, thuyết pháp của Phật giáo đều không phải là kết quả dựa vào luận chứng hoặc thực nghiệm khoa học. Điều chúng cần tới là một loại “tuệ căn”, một loại “ngộ tính”, vượt lên trên hiện thực để bước sang vô hạn và chung cực. Thiết nghĩ, ở một số mối quan hệ và đối tượng trong lĩnh vực mà đầu óc bình thường của người ta không thể tiến vào nổi có rất nhiều thứ quả thật là những ý nghĩ kỳ lạ, lý lẽ vi diệu; rất nhiều điều không phải là lời trình bày chính diện mà là một số tỉ dụ, một số tượng trưng, một số câu đố. Hơn nữa, tỉ dụ của nó và cái mà nó muốn tỉ dụ, cái nó chỉ ra và cái mà nó muốn chỉ, câu đố và lời giải thì mối quan hệ giữa chúng không thật xác định, có lúc chỉ là một sự nhanh trí, là trò chơi chữ nghĩa, là một loại phong cách, thậm chí là một kiểu nói lấy được, và cuối cùng là một loại tín ngưỡng phi lôgích, phi thực chứng.
Ví như câu chuyện về tổ đời thứ sáu là Tuệ Năng rất nổi tiếng. Tổ đời thứ năm là Hoằng Nhẫn muốn tìm người nối pháp, bảo các sư đồ đệ mỗi người làm một bài kệ. Dâng bài kệ đầu tiên là Thượng tọa Thần Tú, kệ rằng:
Thân thị Bồ đề thụ,
Tâm như minh kính đài,
Thời thời cần phất thức,
Mạc sử hữu(1) trần ai.
(Cây bồ đề ấy là thân,
Đài gương trong sáng ấy tâm nhà chùa.
Bụi luôn chăm chỉ phủi cho,
Chớ nên để bụi bám mờ đài gương. - ND)
Còn bài kệ của Tuệ Năng là:
Bồ đề bản vô thụ,
Minh kính diệc phi đài.
Bản lai vô nhất vật,
Hà xứ nhiễm trần ai?
(Bồ đề vốn chẳng có cây,
Gương kia trong sáng phải đây là đài?
Vốn không một vật ở đời,
Chốn nào có bụi trần ai nhiễm vào? - ND)
So hai bài kệ thì thấy ngộ tính của Tuệ Năng cao hơn, tổ đời thứ năm Hoằng Nhẫn bèn truyền y bát cho Tuệ Năng.
Thực ra chuyện ấy giống một trò chơi chữ nghĩa, nếu như tôi cùng làm bài kệ bằng thơ với Tuệ Năng thì tôi không làm mà giữ yên lặng, tốt nhất là ngủ luôn ở đấy, ngáy lên mấy tiếng, hoặc bắt chước tiếng ếch kêu, hoặc bắt chước tiếng kêu của con lạt lạt cổ(1), như thế chẳng hư vô, chẳng hậu hiện đại, chẳng nghệ thuật hành vi hơn Tuệ Năng hay sao?
Lấy ví dụ ngoài Phật: Huệ Thi hỏi Trang Tử: “Ông không phải là cá sao biết niềm vui của cá?” Trang Tử đáp: “Ông không phải là tôi, sao biết tôi không biết được niềm vui của cá?” Thực ra đây là một cách ngụy biện. Huệ Thi hoàn toàn có thể dùng lời của Trang Tử để trả đũa, chỉ cần nói: “Ông không phải là tôi, sao biết tôi không biết ông không biết niềm vui của cá?” Như thế là ngày xưa có một tòa núi, trên núi có một ngôi miếu, trong miếu có một hòa thượng, cứ thế mà kể thì có thể kể đến cả vạn năm cũng chưa hết chuyện.
Điều cần ở đây vẫn là “được ý” và “quên lời”. Cố moi óc tìm hiểu lời kệ của Tuệ Năng và lời đáp của Trang Chu thì bản thân việc đó đã là tự làm ra vẻ thông minh hoặc phủ phục xuống đất thán phục, nhưng thực ra chỉ tỏ rõ ngốc nghếch. Hai câu chuyện ấy phần lớn chỉ nhằm để nói về phong thái phóng khoáng, nhón tay cầm bông hoa mỉm cười của họ mà thôi.
Có lẽ thí dụ hay hơn cả là nghệ thuật. Kỹ xảo là điều học được, tri thức cũng truyền thụ được nhưng ngộ tính là điều không ai có thể giúp gì được, cảm giác nghệ thuật là điều khác hẳn. Cái gọi là thần vận, cái gọi là sinh khí tuôn trào, cái gọi là linh khí, ý mới, sức hấp dẫn và thanh tân đều rất khó truyền thụ hoặc dứt khoát không thể truyền thụ được. Ít nhất có một nguyên nhân rất đơn giản là nghệ thuật quý ở chỗ sáng tạo ra cái mới. Điều mà bạn dạy cho người khác còn gọi được là mới hay sáng tạo nữa hay không? Ngoài ra, nghệ thuật vô cùng chú ý đến phong cách cá nhân, tính độc đáo cá nhân. Điều thầy giáo dạy cho bạn chỉ có thể là nguyên tắc, chỉ có thể gắn với phong cách cá nhân của thầy giáo chứ tuyệt đối không thể thay bạn sáng tạo ra tính độc đáo của chính bạn. Cái tốt nhất bạn được truyền thụ là cái tốt, cái hay nhưng không thể coi là cái của bạn. Cho tới khi nào bạn ngộ ra được cái của mình từ trong sáng tạo, tìm được phong cách đặc sắc của mình, thì mới coi như bạn đã học được đến nơi đến chốn và đã học đúng cách.
Thực ra, rất nhiều điều chỉ có thể hiểu được bằng ý (ý hội) chứ không thể truyền dạy bằng lời. Một điều nhỏ cho chí một con người, bạn chỉ dựa vào lý lịch hoặc nghe người đó tự thuật thì bạn có thể hiểu được người ấy không? Có khi trải nghiệm thống nhất với tính cách, có khi lại chẳng thống nhất chút nào; có khi điều nói ra sát hợp với thực tế, có khi chính bản thân cũng không nói rành được về bản thân, đó là chưa kể tới những người cố ý hay vô tình giấu giếm một số đặc điểm bản chất nào đó. Dựa vào cái gì để hiểu? Dựa vào liễu ngộ, dựa vào cảm giác, vào trực giác, vào liên tưởng. Tôi không có ý cho rằng lý lịch không quan trọng, lời tự thuật không đáng tin; tôi cũng không có ý cho rằng bất kỳ cảm ngộ không hiểu được nào mới là hay. Cảm ngộ cũng có thể chủ quan phiến diện, nông cạn, thậm chí méo mó nhưng những biện pháp để quan sát, tìm hiểu, nghe, đọc và cảm ngộ đều có thể vận dụng, đều có thể tham khảo thì càng hay.
Trong ngôn ngữ Trung Quốc, ngoài chữ “ngộ” ra còn có chữ “thông”. Chúng ta bảo một người không hiểu rõ lý lẽ sự việc là người “bất thông”; học rồi hiểu ra thì bảo là “làm thông”, “đánh thông”. Chữ này rất hình tượng, thông suốt thì có thể thông hiểu lẫn nhau, có thể giao lưu, có thể tới lui, qua lại, như thế đương nhiên khỏe mạnh. Y học Trung Quốc cũng ưa dùng khái niệm và lý luận này. Khám bệnh là để xem chỗ nào đó bất thông; uống thuốc, tiêm thuốc thế là thông, bệnh liền khỏi. Vậy thì thông còn là gì nữa? Theo cách giải thích của tôi, thông trước hết là sự thông suốt không gì trở ngại giữa sách và cuộc sống, thông suốt giữa lý luận và thực tiễn, giữa sự thể và tình lý, giữa đọc sách và thấu hiểu lý luận và thực tiễn, giữa sự việc này và sự việc khác, giữa cái học ở ngoài thân và cái học ở cùng thân, đó là một tiêu chí quan trọng của hóa cảnh.
Một số vấn đề thuộc về phong cách, phong độ, đối xử với người và việc, xử thế, để lại ấn tượng cho người, v.v... cũng cần đến ngộ tính tốt. Thông minh như nhau nhưng có người để lại ấn tượng giảo hoạt, ấn tượng quá quắt, ấn tượng khoe mẽ cho người khác; có người khiến người ta cảm thấy nhanh trí, sắc sảo, nhạy bén song không đến nỗi mất đi sự khoan hậu, rộng lượng. Cùng văn nhã như nhau, có người cho người khác ấn tượng làm bộ, có người thì rất tự nhiên. Cùng một bụng kinh luân như nhau, có người rất giống kẻ đầu cơ tích trữ hoặc kẻ buôn đi bán lại, rất giống gian thương cố ý phô học vấn; có người lại rất thành khẩn, rất nhân hậu, không để mất bản sắc. Còn có người tuy đấm ngực giậm chân nhưng vẫn không có ai tin. Có người cẩn thận phòng bị nhưng vẫn lộ hết chỗ sơ hở; có người ăn nói nghiêm trang song vẫn khiến người ta cảm thấy hoạt kê tức cười. Những điều đó đều không thể truyền thụ, biểu đạt bằng ngôn ngữ được mà phải dựa vào sự liễu ngộ của mình.
Học tập cũng như vậy. Được một điều, học một điều, học theo lối thuộc lòng, đó là cách học thông thường. Nếu từ một điều mà phản bác được ba điều, từ điều này nghĩ tới điều khác, nắm được quy luật học tập và quy luật học vấn trong lúc học tập, tìm ra được tính khí của việc học và học vấn, thế là khi đã thông một thì thông được cả trăm, mất sức một nửa mà công lao bội phần, khác nào trời quang mây tạnh, bầu trời bừng sáng, ta thấy sáng sủa rực rỡ, đó chính là lúc đạt tới ngộ tính. Ngạn ngữ có câu rằng: “Thà cãi nhau với người sáng suốt còn hơn trò chuyện với kẻ hồ đồ”. Mục đích của liễu ngộ là hiểu rõ. Điều nói ra được, điều không tiện nói ra; điều nắm được, điều không thể nắm; điều biểu đạt được bằng lời, điều chỉ có thể liếc mắt, giơ tay ra hiệu; điều ngoài mặt, trong lòng, thậm chí ẩn náu rất sâu thế mà cũng hoàn toàn hiểu rõ, hoàn toàn thấu suốt, hoàn toàn ngộ được bằng cái tâm. Như thế thì dù có đánh nhau với người như vậy lại chẳng khoan khoái, sung sướng hay sao?
Ngộ tính tuy có chút huyền diệu, nhưng suy nghĩ thì vẫn thấy có thể bồi dưỡng, nâng cao được. Ham học, suy nghĩ sâu sắc, tìm tòi, mô phỏng, học theo, dám đem ra thực hành, biết cách tổng kết, dũng cảm tự xét mình, gặp việc thì phân tích, phân tích không ra thì ôn lại cả quá trình, tìm ra được chỗ sai biệt nhỏ nhất, dựa vào tranh mà tìm được ngựa quý, lần theo dây mà tìm ra dưa, học được một chút thì nhân lên một chút, nếu làm cách này không được thì thử dùng biện pháp khác, như thế thì có thể từ chỗ xuẩn đi tới chỗ không xuẩn mấy, từ ngu mười phần tiến đến ngu sáu phần, cứ thế mà đi thì ắt tới gần chỗ hiểu rõ và liễu ngộ.
Đương nhiên, sự việc không mấy đơn giản như thế. Vấn đề ở chỗ càng là người không hiểu rõ mới càng nóng nảy, nôn nóng; càng là người hồ đồ mới tưởng không có ai bì được với mình, càng là người ấu trĩ mới càng không cho người khác phân bua. Những loại người này thường có lòng thù ghét bản năng đối với những người đạt tới liễu ngộ.
Tại sao lại như thế? Chỉ đành tùy họ mà thôi.
Hết chương 22. Mời các bạn đón đọc chương 23!