Triết Học Nhân Sinh Của Tôi Chương 3-4


Chương 3-4
3. Tuyến chính trong đời người của tôi. 4. Tại sao tôi không tự sát.

Sinh tồn là vấn đề trước tiên không thể coi nhẹ, nhưng lại là vấn đề của bước đi thứ nhất. Đến nay, ở một số nước về cơ bản đã thỏa mãn được nhu cầu ấm no thì sinh tồn không còn là vấn đề. Bởi vậy, người ta không thể và cũng không nên chỉ thỏa mãn với việc sống và sống để mà sống. Vậy vấn đề tiếp ngay sau đó là: sau khi đã được sinh tồn thì trong đời, bạn chủ yếu làm cái gì? Sống thì ắt phải làm chút việc. Thường không chỉ là bạn sống, điều quan trọng hơn là việc bạn làm sẽ quyết định giá trị của bạn và cũng quyết định chất lượng sống của bạn. Điều người ta muốn hỏi là bạn sống như thế nào? Có nghĩa là trong lúc sống, bạn chủ yếu có những hoạt động gì?

Lấy tôi làm ví dụ, tôi rất dễ trả lời là: viết. Cũng có thể đáp: làm công tác cách mạng. Nhưng phải chăng có hoạt động nào nhất quán hơn, xưa nay chưa từng ngừng, từng gián đoạn so với hai việc trên? Có hay không có một nội dung từ đầu chí cuối xuyên suốt cuộc sống của tôi, trở thành tuyến chính trong đời tôi?

Có, đấy là học tập. Không bị bất kỳ điều kiện nào hạn chế, không hề ngưng nghỉ, không hề bị hoài nghi về giá trị và ý nghĩa, từ trước đến nay đều cho tôi sức mạnh cổ vũ, cho tôi lòng tự tôn và tự tin, cho tôi niềm vui và sự thỏa mãn; từ trước tới nay đều giúp tôi có hành vi hữu ích vô tận, đó chính là hai chữ: học tập!

Học tập rất minh mẫn, học tập rất khoan khoái, học tập rất vui vẻ, học tập rất lành mạnh, học tập rất dễ chịu, học tập rất phong phú. Đặc biệt là trong nghịch cảnh, trong điều kiện hầu như không làm được việc gì, học tập là nơi tôi trao gửi tính mệnh, là cái phao cứu sống tôi, giúp tôi chiến thắng mọi sóng gió mà không bị nhấn chìm. Học tập là nơi tôi gửi gắm, học tập là ngọn đuốc cho tôi, học tập là chất dinh dưỡng và cũng là chất kháng sinh của tôi. Học tập khiến tôi không bi quan, không tuyệt vọng, không điên rồ, không nản lòng và cũng không sa đọa, giúp tôi không uổng phí tháng năm (điều này khó nhất), không than khóc, không oán trời oán người, không rơi vào cùng quẫn, không đến nỗi không có việc gì làm và hầu như không bị người chế ngự.

Cái tôi không bị người khác tước đoạt là học tập, chính là học, học nữa, học mãi.

Chương 4

Tại sao tôi không tự sát?

Trong tình hình nào đó, thậm chí tôi phải nói rằng, chính trong lúc rơi vào nghịch cảnh, tôi lại có điều kiện tốt nhất để học tập, tâm trí chuyên chú nhất để học tập và hiệu quả cũng tốt nhất. Khi hoàn cảnh thuận lợi, người ta dễ nôn nóng, xung quanh thường có đủ loại bạn bè, người bám theo, người hâm mộ, người xin ý kiến. Khi hoàn cảnh thuận lợi, bạn thường bận rộn với viết bài, tiếp chuyện, phát biểu ý kiến, truyền thụ cho người khác, làm thầy người khác. Khi hoàn cảnh thuận lợi, bạn thường có cảm giác tốt về mình, thỏa lòng thỏa chí, chỉ nhìn thấy thiếu sót của người khác. Khi hoàn cảnh thuận lợi, bạn phải đáp ứng sự trông đợi của xã hội và mọi người đối với bạn, bạn phải dùng một lượng thời gian rất lớn để làm công việc mà người khác yêu cầu bạn làm, như dự một số hoạt động, nghi thức nào đó mà mục đích chỉ nhằm chứng tỏ quả thực bạn có đến dự.

Còn trong nghịch cảnh, bị gạt ra một bên, “không được tiếp xúc”, “không cho phép làm cách mạng” thì đó chính là cơ hội tốt, là dịp tốt để suy nghĩ sâu sắc mà không bị làm phiền. Đó cũng là thời cơ để tổng kết kinh nghiệm và bài học, là thời cơ để thẩm định lại mình, để tự phản tỉnh, tự giải phẫu một cách nghiêm khắc và sáng suốt, là thời cơ để tự bổ sung, tự lớn mạnh, tự trưởng thành khiến bản thân được đổi mới. Đó chính là thời cơ tốt nhất để học tập những tri thức lớn, có được bản lĩnh lớn, thấu triệt hơn, giác ngộ hơn.

Ví dụ trong “Cách mạng Văn hóa”, tôi ở nông thôn vùng tụ cư của dân tộc Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, lại là lúc phái cực tả đang rất nóng. Do lúc ấy tôi bị xếp sai vào phái khác nên không được viết, không được nhận công tác ở bất cứ cơ quan nào, cũng không thể tham gia hoạt động xã hội một cách bình thường..., đương nhiên cũng không có cách nào làm bất cứ một việc gì, thậm chí xem ra dường như tôi không có cách nào học tập một cách quang minh chính đại. Tôi bèn dốc hết tinh lực để học tập trước tác của Mao Chủ tịch cùng với cán bộ và quần chúng nông thôn. Học tập trước tác của Mao Chủ tịch như thế nào? Học bản bằng tiếng Duy Ngô Nhĩ. Tôi học thuộc lòng ba bài cần học bằng tiếng Duy Ngô Nhĩ, rồi học thuộc lòng rất nhiều ngữ lục của Mao Chủ tịch. Một lần tôi đọc to bài Kỷ niệm Norman Bethune(1), bà lão chủ nhà còn tưởng là tiếng đọc trên đài phát thanh. Điều đó chứng tỏ tôi đọc tròn vành rõ tiếng, rất nghiêm túc.

Một số bạn nước ngoài không hiểu tôi làm sao có thể sống liền một mạch suốt mười sáu năm ở Tân Cương trong điều kiện như vậy mà không phát điên, cũng không tự tử. Họ căn vặn tôi làm những gì trong mười sáu năm ở Tân Cương. Ý không nói ra song họ nghĩ rằng trong thời gian rất dài đó, cuộc sống của tôi chắc hẳn trống rỗng và đau khổ lắm. Tôi nửa đùa nửa thật trả lời: “Tôi học lấy bằng sau tiến sĩ bằng tiếng Duy Ngô Nhĩ. Này nhé, hai năm dự bị, năm năm chính thức, ba năm nghiên cứu sinh thạc sĩ, ba năm nghiên cứu sinh tiến sĩ, lại thêm ba năm sau tiến sĩ nữa, chẳng phải tròn mười sáu năm là gì!”

Bất kỳ lời giãi bày nào cũng không đầy đủ được mọi mặt, tôi chỉ không cố ý dùng lời nói để che đậy tính bi kịch của tôi và rất nhiều người cùng số phận với tôi, trong số đó có không ít người là nhân sĩ ưu tú từng trải qua những năm tháng đó. Tôi cũng không có ý đề xướng phép thắng lợi tinh thần theo kiểu A.Q. Nhưng tôi cho rằng quả thật có thắng lợi về tinh thần thực sự, không phải chỉ dùng cách nói “con đánh cha” để tự lừa dối và mê muội chính mình, mà biết cách học tập trong mọi nghịch cảnh, rồi thông qua học tập để phát triển và làm cho mình lớn mạnh, chuẩn bị cho tương lai, đặt cơ sở cho thắng lợi cuối cùng, chẳng những chỉ về mặt tinh thần mà còn là thắng lợi toàn diện. Cách học tập đó đồng thời cũng là câu trả lời tốt nhất cho bọn xấu đã gây ra khổ đau, làm những việc bất nghĩa, ghen ghét với người tài, người giỏi, hơi một tí là muốn đưa người ta vào chỗ chết.

Còn như tại sao tôi không điên và không tự sát thì đương nhiên còn vì “chủ nghĩa lạc quan không thuốc nào chữa được” của tôi, tình yêu của tôi đối với cuộc sống và mọi người (như nông dân Duy Ngô Nhĩ). Cũng còn vì từ nhỏ và từ tuổi niên thiếu tự tôi đã lựa chọn cách mạng, kể cả những gập ghềnh và gian nan của cách mạng; vì do tôi tự lựa chọn, chứ không phải hoàn toàn là tai nạn từ bên ngoài cố gây ra cho mình. Suy nghĩ như thế làm tôi dễ chịu hơn, năng lực chịu đựng về mặt tâm sinh lý của tôi cũng vững vàng hơn. Có một nhà phê bình hăng hái cứ trách tôi không có thái độ đoạn tuyệt thẳng thừng với lịch sử, với hiện trạng như họ hy vọng. Xin lỗi các anh vậy, không cùng chung một đạo thì không thể chung cách tính toán. Khởi điểm, xuất phát điểm và góc độ suy nghĩ của tôi khác với các anh, tôi không định đón ý các anh. Tôi cũng không thích những lời đại ngôn giả danh lừa thiên hạ.

Hết chương 4. Chương tiếp theo sẽ được cập nhật một cách nhanh nhất.

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/25896


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận