Triết Học Nhân Sinh Của Tôi Chương 8


Chương 8
Tôi là học trò

Giả Bình Ao có một lối nói rất nổi tiếng, đó là tự nhận “Tôi là nông dân”. Anh nói rất chân thực, rất sát sao và cũng rất chính xác.

Từ khi Giả Bình Ao đưa ra thuyết trên, tôi cứ nghĩ mãi mình có thể nói mình là gì? Cụ tổ tôi sống ở nông thôn tỉnh Hà Bắc, sau năm 1958, tôi trước sau lao động ở nông thôn hơn tám năm, bản thân tôi có thể còn lưu giữ một số thói quen nào đó của nông dân, chẳng hạn đi đâu thì luôn luôn sợ nhỡ tàu nhỡ xe, chẳng hạn rất quý hạt thóc hạt gạo, dù có no đến căng mề cũng không muốn đổ bỏ cơm thừa, thức ăn thừa. Nhưng dù sao tôi cũng sinh ra ở thành phố lớn, lớn lên ở thành phố lớn, công tác ở thành phố lớn nên không tiện nhận mình là nông dân. Thực ra, nhận mình là nông dân thì có vẻ chất phác, hơn nữa ít phải chịu trách nhiệm về một số sự việc

Tôi là thị dân? Không đúng. Từ tuổi thiếu niên, tôi đã tham gia công tác cách mạng. Hầu như tôi có thể nói rằng xưa nay tôi chưa từng sống cuộc sống thường ngày của thị dân.

Có một dạo tôi thậm chí suy nghĩ mình tự nhận là cán bộ cho rồi. Tháng Ba năm 1949, khi mới mười bốn tuổi rưỡi, tôi đã chính thức là cán bộ, đảm nhiệm nhiều chức vụ lớn nhỏ, thậm chí hồi “lao động để rèn luyện” ở nông thôn Tân Cương, tôi còn làm đại đội phó của Công xã Nhân dân, đến nay vẫn có tư cách là cán bộ nhà nước. Nhận mình là cán bộ chẳng có vấn đề gì, tuy hiện nay một số văn nghệ sĩ không thích danh từ “cán bộ”, còn tôi thì phải thật thà nhận mình là cán bộ. Tôi có tâm lý và thói quen của một loại cán bộ, ưu điểm là biết suy nghĩ tới đại cục, khuyết điểm là thích làm thầy người ta và thích ôm những việc không đâu. Hơn nữa làm cán bộ không phải để kiếm miếng ăn, không phải để được thăng quan, không phải vì muốn có đặc quyền mà là vì lý tưởng cách mạng, vì nhân dân, vì muốn tìm hiểu những nỗi khổ của dân.

Nhưng nói như thế cũng không thật đúng. Tính lại thời gian từ năm 1948 (trước khi lập nước), tôi vào Đảng và tham gia công tác cách mạng, tới nay đã hơn nửa thế kỷ. Trong số thời gian ấy, nhận chức cụ thể khoảng 12 năm, bốn chục năm còn lại hoặc đi học (2 năm), hoặc lao động chân tay (13 năm), hoặc “sáng tác chuyên nghiệp” (12 năm), hoặc “lui về tuyến sau” (13 năm), hoặc “chịu sự thẩm tra” (2 năm), như vậy cũng khó nói đời cán bộ xuyên suốt đời tôi.

Mùa thu năm mười chín tuổi, tôi bắt tay viết bản thảo lần đầu truyện dài Tuổi xuân muôn năm, tới nay thời gian đã trôi qua bốn mươi tám năm, có lẽ có thể nói tôi là người sáng tác chăng? Nhưng trong bốn mươi tám năm ấy, có đến hơn hai mươi năm, tôi chẳng những không thể sáng tác mà cũng chẳng có tâm thái sáng tác dù chỉ tự nhủ sau này sẽ sáng tác. Tâm thái của tôi lúc đó là tự nhủ sau này không sáng tác nữa. Vả chăng, nếu tự nhận là người sáng tác thì Giả Bình Ao cũng như vậy. Ở đây nói tôi là gì gì, không phải để chỉ sáng tác mà để chỉ một tư cách xã hội, tư cách xã hội, tư cách “tiền sáng tác”, huống hồ xưa nay tôi cho rằng sáng tác chỉ là hoạt động nghiệp dư của loài người. Điều tôi muốn thảo luận ở đây là tư cách xã hội, vai trò vốn có của người sáng tác.

Bỗng nhiên tôi tỉnh ngộ: đặc điểm lớn nhất của tôi, tư cách đi suốt cuộc đời tôi, không phải là gì khác mà chính là học trò. Tôi là học trò. Tuy lý lịch học tập chính thức của tôi chỉ có học năm thứ nhất trung học phổ thông, nhưng tôi chưa hề ngừng học bao giờ. Tôi đọc sách, tôi bổ sung cho mình kiến thức về mọi mặt. Tôi càng chú ý học tập trong cuộc sống, mỗi người đều là thầy giáo của tôi, mỗi địa phương đều là lớp học của tôi, mỗi một quãng thời gian đều là học kỳ của tôi. Trong tờ khai lý lịch cán bộ của tôi, tôi điền vào mục xuất thân của cá nhân chính là hai chữ “học sinh”.

Sau khi nghĩ kỹ và thấy rõ mình là học trò, tôi mới vui mừng biết chừng nào! Đó không những là một loại tư cách, mà còn là thế giới quan, nhân sinh quan, tính cách và một phần tình cảm của tôi, một phần rất quan trọng và được làm nên một cách hữu cơ. Tôi coi đời người là một quá trình học tập, nó không trống rỗng, suy đồi, tắt lịm và vô nghĩa; nó là mục đích, có sự quan tâm, có hứng thú, có thành tích, có ý nghĩa. Là học trò thì ngày nào cũng có bước tiến, ngày nào cũng có ích nhờ học tập. Nó không bao giờ cho mình là tinh anh, tự thổi phồng mình, không bao giờ là Chúa Cứu thế đứng ở trên cao, không phải loại siêu nhân, loại bá chủ mà thà thấp nhỏ còn hơn.

Tôi tình nguyện bắt đầu làm từ học trò trở đi, bắt đầu từ học tập suy nghĩ, thực nghiệm, khảo sát, phán đoán. Nó tuyệt đối không độc đoán, chuyên quyền, không phải kẻ nào thuận theo ta thì vượng, kẻ nào làm trái ý ta thì tiêu vong, mà là “như thiết như tha, như trác như ma, xuân phong hóa vũ, huệ ngã lương đa(1)”. Nó không tự cho mình là người sáng tạo, quên mất nguồn gốc của sự việc, vì thế cũng không chửi đổ tất cả theo kiểu bùng nổ và đầy ý đối nghịch, mà tôn trọng lịch sử, tôn trọng tiên hiền, tôn trọng học vấn và cách suy nghĩ khác nhau, tiếp thu mọi thành quả dù mới dù cũ nhưng hợp lý, có thái độ thân thiện với đồng nghiệp và mọi người. Nó là sự thể hiện phẩm chất văn hóa có tính xây dựng. Nó luôn cố gắng tiếp thu, học hỏi, phát minh, phát hiện tri thức mới, quan điểm mới, góc độ mới. Nó tôn trọng lý tính, tôn trọng trí tuệ, tôn trọng cuộc sống, tôn trọng thực tiễn và văn minh. Tiền đề của nó là trân trọng và tôn trọng chứ không phải vứt bỏ và áp đảo. Nó cho rằng người nào cũng học được, người nào cũng có quyền và có khả năng học tập, đồng thời bất kỳ người nào cũng không thể là chân lý cuối cùng và lũng đoạn chân lý. Nó không thừa nhận người đang sống trở thành thượng đế vạn năng, thành giáo chủ duy nhất, cũng không dễ dãi cho rằng những ai không cùng môn phái với mình thì đều là đồ tà ác, đồ dị giáo và ma quỷ. Nó đối xử dân chủ và bình đẳng với mọi người, nó còn không biết mệt mỏi là gì, không biết tự mãn, tự cho đã đầy đủ là gì, không hề biết cái già sắp đến.

Rất đáng tiếc là tôi chưa hoàn toàn làm được như thế, song tuy chưa được như thế nhưng lòng tôi luôn hướng về nó. Tôi mãi mãi chưa thể gọi được là một học trò đúng quy cách, nhưng chí ít tôi cũng biết rằng làm học trò thì thật hay.

Hết chương 8. Mời các bạn đón đọc chương 9!

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/35026


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận