Đời người như một con thuyền, thế giới như biển cả. Tự thân con người như là tay lái điều khiển con thuyền, sự nghiêng ngả của lịch sử và sự lựa chọn của thời đại chẳng khác gì nước thay đổi dòng chảy và gió lúc lớn lúc nhỏ.
Đời người lại như một dòng chảy, lịch sử như con sông lớn gồm rất nhiều chi lưu đổ dồn lại. Ta không thể rời khỏi dòng sông lớn đó, song ta lại phát hiện dưới dòng sông đó là rất nhiều đá ngầm, trên sông còn có cuồng phong, nước sông chảy mãi, chảy mãi sẽ có lúc ngoặt rất gấp, rút xuống hoặc dâng lên rất gấp, thậm chí có cả đường chẽ và mê cung.
Đời người lại như con đường dài, nhưng có lẽ lúc sắp kết thúc ta lại nhận thấy thực ra nó rất ngắn. Ta chưa biết gì cả thì đã bị ném lên con đường ấy và ta không thể dừng lại được. Thế là ta chập chững bước đi, mong sao đi tới đoạn đường bằng phẳng, lên tới đỉnh cao và tới lạc viên, về tới bến đỗ vui vẻ, thành công, hạnh phúc hoặc ít nhất cũng là bình an cho đến khi về tới vườn nhà lý tưởng. Song ta cũng có thể đi suốt đời mà chẳng có được một ngày bình an.
Số phận người này với người kia sao mà khác nhau đến thế? Số phận nói ở đây vừa bao gồm điều kiện chủ quan, tức mọi đặc điểm, mọi nhận thức và thái độ của cá thể đơn độc, vừa bao gồm hoàn cảnh sinh tồn, tức vị trí về không gian và thời gian mà ta ở, có khi là cuộc gặp gỡ không thể tránh hoặc rất ngẫu nhiên. Đúng như tục ngữ thường nói, năng lực con người có nhiều ít, cảnh ngộ của con người có ngẫu nhiên tức nhờ vận may rủi, địa vị của con người có cao thấp, của cải của con người có giàu nghèo, tuổi thọ của con người có dài ngắn, thế lực của con người có mạnh yếu, hoàn cảnh xã hội và tự nhiên của con người có tốt, dở, đẹp, xấu, công bằng và rất không công bằng. Người so với người, tức chết người; người so với người ắt có không biết bao nhiêu điều bất bình, bao nhiêu niềm phẫn uất, bao nhiêu nỗi oán hận và đau khổ.
Đau khổ cũng vậy, oán hận cũng thế, chỉ cần còn sống thì ai chẳng hy vọng số phận của mình được tốt hơn, tốt hơn nữa? Ai chẳng muốn biết và muốn tự mình tác động tích cực cho số phận của mình, thậm chí còn muốn nắm trong tay mình cần lái của số phận.
Có lúc chúng ta lại cảm thấy đời người như một trò bắt thăm, người khác thường gặp may, bắt được tư chất trời phú hơn người, bắt được bối cảnh gia đình ưu việt, bắt được cơ hội từ trên trời rơi xuống và những cánh tay viện trợ đến từ bốn phương tám hướng. Còn khả năng mà ta bắt được chỉ là tài, chất bình thường hoặc có tài mà không gặp thời, khởi điểm bằng số không, bị hiểu lầm, bị oan khuất, bị đả kích ghen ghét từ bốn phương tám hướng, thậm chí còn là âm mưu hãm hại.
Là người tuổi gần bảy mươi, viết được một ít sách, thấy được chút sự đời và đang già đi, tôi có thể cho các bạn ít lời khuyên chân thành, một ít kinh nghiệm và vài lời kiến nghị không?
Có lẽ chẳng phải là kinh nghiệm và lời khuyên gì cả, song ít nhất tôi cũng ôm chút hy vọng, ôm chút ý nguyện, mong rằng càng có thêm nhiều người được sống sáng sủa hơn. Sáng sủa nghĩa là sao? Nghĩa là thành tựu có lớn hoặc nhỏ, cảnh ngộ có thuận hoặc nghịch, song vẫn có thể sống bình thản, sảng khoái, quang minh, lành mạnh và vui vẻ hơn một chút. Chỉ cần như thế là đủ.
Là người đã viết tiểu thuyết và đã làm thơ, tôi từng biết có nhiều lời tán dương, bốc thơm cho sự phẫn nộ, ưu sầu, đau khổ, mâu thuẫn, điên cuồng, thậm chí tự hủy hoại, tự vứt bỏ, tự làm tổn thương và tự tận. Tôi thuộc lòng các danh ngôn như “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”(1), “phẫn nộ làm nảy ra nhà thơ”(2), “sứ mệnh của trí thức là phê phán”, “đau khổ vì trí tuệ”, “đau khổ làm con người thăng hoa”, “ta lấy máu ta dâng cho Tổ quốc”, “sinh, lão, bệnh, tử”, “ta không xuống địa ngục thì ai xuống địa ngục”, “địa ngục chưa từng trống không vì người thề không thành Phật”, rồi “văn chương ghét người thành đạt”(3) và “chữ tài, chữ mệnh khéo là ghét nhau”(4). Tôi không có ý đề xướng hoặc truyền dạy niềm vui vâng lệnh rẻ tiền, gần giống của kẻ thiểu năng trí tuệ. Niềm vui, sự lành mạnh, bình thản, sảng khoái, quang minh mà tôi muốn nói không phải có được một cách đơn giản như Lão Tử nói là “trở về với trẻ sơ sinh”, mà là một siêu việt, bay bổng khác, một cảnh giới nhân sinh khác: là sự trong sáng sau khi chịu đựng mọi hoạn nạn và đau khổ; là sự vững tâm khi đã trải qua hết hoặc ít nhất cũng gặp phải mọi trắc trở, gập ghềnh và gian nan, hiểm ác; là niềm tự tin chẳng những chỉ nhai kỹ được mà còn tiêu hóa được mọi khổ nạn nhân sinh phải chịu đựng và mọi khốn ách nhân sinh phải đối mặt; là coi mọi trách nhiệm, mọi sứ mệnh, mọi sự phê phán và phấn đấu chỉ là chuyện bình thường, thường thấy, không có gì đáng kể trong cuộc sống bình thường; là dù chín lần chết cũng không hối hận, là coi hiểm nguy gian nan như về nhà, không hề nao núng, dù có xuống nước, vào lửa nóng cũng như đi trên đất bằng phẳng; là khí phách cõng nổi cây thánh giá và cũng dẹp được vòng luẩn quẩn và tự hối hận, tự thương hại; là không chỉ có sự nung nấu trí tuệ và đau khổ vì nghi hoặc mà còn có cả sự thấu triệt trí tuệ và sự vui mừng phân minh, từ đó mà càng bao hàm trí tuệ sâu thêm một tầng; là đại nhã mà như tục, Tây hết mức mà như quê mùa, đại bất phàm mà như người tầm thường, từ đó tránh xa được mọi sự nôn nóng, mọi điều khoái lạc, cho chí lừa đời trộm danh cùng mọi thói ích kỷ, mọi cách làm bộ làm tịch nhỏ nhen.
Hãy lèo lái con thuyền nhân sinh của bạn, làm một chuyến đi biển sáng sủa đi!
Hãy lèo lái con thuyền nhân sinh của bạn, khiến chuyến ra khơi của bạn càng thêm sáng sủa đi!
Mong sao trí tuệ và quang minh, trí tuệ quang minh và quang minh trí tuệ mãi mãi đi cùng bạn trong cuộc sống con người!
Mãi mãi làm bạn với quang minh và trí tuệ, mãi mãi rời bỏ u ám và ngu muội, điều đó có thể được chứ?
Đó là điều mà cuốn sách này muốn trao đổi.
Vương Mông
Bắc Đới Hà, tháng Tám năm 2002
Truyen8.mobi chúc các bạn đọc truyện vui vẻ!