Triết Học Nhân Sinh Của Tôi Chương 5-6

Chương 5-6
5. Thêm mấy loại vũ khí để sinh tồn. 6. Thêm một loại hưởng thụ, thêm một lạo nhân sinh.

Từ đây tôi muốn nói tới vấn đề học tập ngôn ngữ. Nói đến học tập thì không có gì quan trọng hơn là học tập ngôn ngữ. Học thêm một thứ ngôn ngữ, chẳng những là mở thêm một cánh cửa, thêm một nhịp cầu để thu được nhiều kiến thức, mà còn thêm một thế giới, thêm một khối óc, thêm một sinh mệnh.

Ít nhất ở Trung Quốc cũng có một hoặc nhiều kiểu lý luận hay lời lẽ cự tuyệt học tập ngôn ngữ. Hồi trẻ, một người bạn rất hiếu học của tôi đã từng nói với tôi lý do anh không học ngoại ngữ. Anh bảo, học ngoại ngữ mất quá nhiều thời gian mà anh thì quá bận. Anh bảo xu thế phát triển của thời đại là dịch thuật ngày càng phát triển và kịp thời, vì thế anh chờ dịch thuật giúp đỡ, dùng thời gian quý báu vào việc khác.

Nhưng anh không biết rằng giao lưu và học tập thông qua dịch so với trực tiếp học tập và giao lưu từ nguyên văn thì cảm giác sẽ hoàn toàn khác nhau, hiệu quả cũng hoàn toàn khác. Mọi hoạt động tư duy, nhận thức, cảm tính trong tư tưởng, tình cảm cho chí phản xạ thần kinh của nhân loại đều không thể tách rời ngôn ngữ. Phần tinh vi nhất của tư tưởng, phần sâu thẳm nhất của tình cảm, phần tinh túy nhất của lý lẽ, phần bí ẩn nhất của đốn ngộ(1) đều gắn chặt với nguyên văn. Chúng ta thử lấy một ví dụ dễ thấy nhất, không cần nói Trung văn dịch Tây văn hay Tây văn dịch Trung văn, mà cứ thử lấy Đạo đức kinh của Lão Tử dịch ra văn bạch thoại xem thế nào. Chúng ta cũng thử dịch thơ Đường, từ Tống ra tiếng Quảng Đông hiện đại thì thứ tiếng ấy truyền đạt được bao nhiêu ý vị và chỗ tinh vi của nguyên văn?

Còn có nhiều việc nữa đã chứng minh phiên dịch là phiên dịch có kèm theo lý giải và giải thích, mà ở những vấn đề càng quan trọng thì phiên dịch càng chịu sự hạn chế của bản thân người dịch, tức hạn chế về các mặt lịch sử, địa dư, hoàn cảnh, kết cấu tri thức và thậm chí cả cá tính của bản thân người dịch nữa; càng là những mệnh đề quan trọng và tác phẩm xuất sắc thì càng cần không ngừng dịch, không ngừng sửa chữa bản dịch, không ngừng đổi mới cách hiểu, cũng là đổi mới cách dịch. Một học giả thực sự hy vọng làm được một điều gì, phát triển, phát minh, sáng tạo được điều gì, lẽ nào lại chỉ thỏa mãn với việc để cho sự dịch dắt mũi mình?

Có một cách nói cố ý khuếch đại, nghe ra rất sợ và cũng rất khó tin, nhưng không phải là chuyện vô căn cứ. Cách nói ấy nói rằng mọi vấn đề trong lịch sử cận đại Trung Quốc thật ra đều từ phiên dịch mà ra. Chẳng hạn chúng ta dịch democracy thành dân chủ, dịch dictatorship thành chuyên chính, cả hai đều không được đúng cho lắm. Người ta nhìn vào văn bản của bản quốc rồi mới nảy sinh ra ý của từ ngoại lai, như thế là đẻ ra vô số phiền toái. Lại như tác phẩm nổi tiếng của Lênin Tổ chức Đảng và văn học của Đảng mà mọi người đều biết, hơn hai mươi năm gần đây lại dịch thành Tổ chức Đảng và sách xuất bản của Đảng, từ đó mà có sự khác biệt giữa rộng rãi và nghiêm ngặt, thậm chí cực “tả” và không cực “tả” về mặt giải thích. Đối với những người không hiểu nguyên văn thì trong trường hợp này đều phải để cho người hiểu thứ ngôn ngữ ấy dắt mũi. Một người mong mỏi học tập và theo đuổi chân lý, một người mong mỏi được cống hiến và sáng tạo, có thể nào cho phép mình luôn ở trong trạng thái bị động như thế được chăng?

Lại còn một cách nói lạ lùng nhất, ngu xuẩn nhất là dường như không học ngoại ngữ mới là yêu nước. Họ nói: “Tôi là người Trung Quốc, học ngoại ngữ để làm gì?” Thấy chưa, người tích cực học ngoại ngữ còn bị hiềm nghi là không muốn làm người Trung Quốc nữa! Trong “Cách mạng Văn hóa”, quả thật có chuyện cho không hiểu biết gì là điều vẻ vang, ai đó nếu dốt nát, chẳng đến lớp được mấy năm, thì đó là dấu hiệu đáng tin cậy về mặt chính trị. Thật là điều đáng lấy làm nhục nhã. Lẽ nào Tổ quốc lại mong con cháu mình dốt nát, sống trong hoàn cảnh khép kín? Những lối nói sai lầm ấy khiến tôi chẳng còn hứng thú nào mà bình luận về chúng.

Có người bảo Trung văn của mình quá tốt, hoặc rất yêu mến tiếng mẹ đẻ là Trung văn nên không muốn học, hoặc có học cũng không học giỏi được ngoại ngữ, đó cũng là cách nói sai. Ngoại ngữ và tiếng mẹ đẻ không bài xích lẫn nhau mà cùng thúc đẩy và cùng có lợi cho nhau. Chỉ có người nào biết so sánh tiếng mẹ đẻ với tiếng nước ngoài thì mới có thể thực sự nhận thức được mọi đặc điểm của tự thân tiếng mẹ đẻ, mới có thể được gợi ý và có được những liên tưởng từ sự so sánh ấy, từ đó mà mở rộng và làm sâu sắc thêm mức hiểu và mức cảm thụ đối với tiếng mẹ đẻ cũng như tiếng nước ngoài.

Tiếng mẹ đẻ như quê hương, vườn nhà, tiếng nước ngoài như thế giới. Có đi ra thế giới mới càng hiểu quê hương, yêu mến quê hương, vun xới cho vườn nhà càng tốt đẹp hơn. Đi ra thế giới không mâu thuẫn gì với yêu mến quê hương, trái lại càng bổ sung cho nhau.

Tôi cũng không chỉ một lần nghe người biết một ngoại ngữ nào đó nhưng nói không thạo đưa ra lý luận như sau: “Chúng ta là người Trung Quốc nên chúng ta nói tiếng Anh theo kiểu người Trung Quốc cũng được, việc gì cứ phải nói giống như người Anh nói?” Thậm chí có người còn đàng hoàng viết bài, nói rằng sau này địa vị quốc tế của Trung Quốc cao hơn, mọi người đều có thể đàng hoàng nói tiếng Anh theo kiểu Trung Quốc và cả thế giới cũng phổ biến cách nói như thế! Trời ơi, may mà hiện giờ Trung Quốc còn chưa phải là nước lớn số Một, thế mà đã bắt đầu có kế hoạch dùng tiếng Anh theo kiểu Trung Quốc để nhất thống thiên hạ, phải chăng còn muốn dùng nghi thức thiết triều của nhà Đại Thanh, hoặc lối “sáng thỉnh thị, tối báo cáo” thời “Cách mạng Văn hóa” để nhất thống thiên hạ? Học một thứ tiếng nào là phải cố học cho giỏi, nói và viết đều phải học, ngôn ngữ càng học giỏi càng có lợi trong giao lưu, có lợi trong việc thực sự phát huy truyền thống văn minh lâu đời của Trung Hoa, có lợi cho việc trừ bỏ những thiên kiến và hiểu lầm của thế giới bên ngoài đối với Trung Quốc, cũng có lợi cho việc trừ bỏ những thiên kiến và hiểu lầm của người trong nước đối với thế giới, có lợi cho việc chọn lấy những sở trường của người khác để làm lớn mạnh và phát triển tự thân, chí ít cũng có lợi cho việc xây dựng hình ảnh đẹp của cải cách và mở cửa. Đương nhiên, nếu bị những điều kiện bẩm sinh hoặc hoàn cảnh sau này hạn chế mà không học giỏi được ngoại ngữ thì cũng không có gì quá tệ. Tàm tạm chắp vá vẫn có thể làm cách mạng, vẫn có thể xây dựng chủ nghĩa xã hội, vẫn có thể làm quan, vẫn có thể có học vị và được bình bầu chức danh, tệ đi nữa thì nhờ anh em nào giỏi ngoại ngữ viết giùm mấy trang lời nói đầu luận văn bằng tiếng Anh hoặc bản tóm tắt luận văn bằng tiếng Anh thì cũng được, nhưng xin chớ nặn ra lý luận ngu xuẩn để không học hoặc học không giỏi ngoại ngữ.

Đi tìm “lối lên máy bay” cho đời người

Có một loại lý luận cũng rất thú vị, đó là nói mình già rồi, không sao học nổi ngoại ngữ. Một nhà văn trẻ hơn tôi rất nhiều, chưa tới bốn mươi tuổi, thấy tôi cũng có thể dùng tiếng Anh ngắc ngứ vài câu với đồng nghiệp nói tiếng Anh thì thở dài mà rằng: “Anh Vương, chiến lược của anh rất đúng, cần phải học tiếng Anh!” Tôi nói: “Đúng quá, mau học đi!” Anh ta đáp: “Tôi già mất rồi!”

Nhưng khi tôi bắt đầu nghiêm túc học tiếng Anh thì tuổi tôi còn nhiều hơn anh ta bây giờ. Đúng thế. Hồi học phổ thông cơ sở từ năm 1945 đến 1948, tôi có được học tiếng Anh, mỗi tuần 5 tiết, mỗi tiết 50 phút (sau giải phóng, đổi lại mỗi tiết học chỉ có 45 phút). Sau giải phóng tôi không học tiếng Anh nữa, tôi đã sớm nghỉ để tham gia công tác và có học một chút tiếng Nga trên đài phát thanh. Năm 1980, khi đã 46 tuổi mới sang Mỹ lần đầu, tiếng Anh của tôi chỉ gồm 26 chữ cái và “good bye” với “thank you”. Đến nay tôi vẫn còn nhớ chuyến bay cuối tháng 8 năm 1980, từ San Fransisco chuyển máy bay tới Iwa ở miền Tây nước Mỹ. Lúc đó, tôi đã làm xong thủ tục lên máy bay ở sân bay San Fransisco, đã nhận thẻ lên máy bay nhưng không biết đi lối nào để lên máy bay. Tiễn tôi lên máy bay là một lãnh sự làm kiều vụ của Tổng Lãnh sự quán ở San Fransisco nhưng cô ấy không biết tiếng Anh. Nhà thơ cao tuổi cùng đi với tôi và vợ ông ấy cũng không biết tiếng Anh, trên sân bay lại không tìm được người nào hiểu tiếng Trung, thật là lúc đó bí chết đi được. Thế là tôi hạ quyết tâm phải học tiếng Anh, ít nhất đủ để tìm lối lên máy bay cho mình ở sân bay.

Hồi ấy, tôi đã 46 tuổi nhưng cảm thấy như thế vẫn chưa muộn. Tôi quy định cho mình một chỉ tiêu cứng rắn là mỗi ngày học thuộc lòng ba chục từ đơn. Học tập khiến tôi cảm thấy mình trẻ ra, học tập khiến tôi cảm thấy mình đang tiến bộ, đang không ngừng sung mãn. Học tập khiến tôi cảm nhận được tiềm năng và sức sống của chính mình. Học tập khiến cuộc sống của tôi có thêm ý nghĩa mới, mỗi ngày, mỗi giờ đều không bỏ phí. Học tập khiến tôi giũ bỏ được cảm giác cô độc do ở hải ngoại có một mình. Học tập khiến tôi thoát ra khỏi không ít sự thích thú thấp kém và những giằng co vô vị, không phải để nói rằng tôi cao cả mà để nói rằng tôi thực sự không có thì giờ đâu cho những việc chẳng ra gì.

Lại có người nói mình kém cỏi, có học ngoại ngữ cũng chẳng nên. Nếu thực sự người đó bỏ công phu thì dù có học không giỏi cũng không ai nỡ trách cứ. Vấn đề ở chỗ, người cố gắng học tập và đạt thành tích học tập thường được khen là thông minh, còn người không chịu học tập, không chịu bỏ công đọc sách thì chính là người đần, tự mình chuốc lấy danh. Lẽ nào chúng ta không biết câu tục ngữ “chim đần bay trước” hay sao? Đã đần thì tại sao không bỏ thêm công phu, sớm bỏ thêm công phu để bay được trước và bay được nhiều? Xin hỏi, không học rồi trở nên đần hơn người khác, hay là đần rồi mới không học? Rốt cuộc học rồi trở nên thông minh hay thông minh rồi mới thích học? ở đây ít nhất có sự khu biệt giữa tuần hoàn lành tính và tuần hoàn ác tính chăng?

Học tập khiến tôi thêm tự tin. Không nên sợ hãi, không nên tự ti, tiếng Tây xí xa xí xô do học mà biết, người ta học được thì tôi cũng học được. Điều người ta không biết, chẳng hạn tình hình xã hội Trung Quốc, những thể nghiệm thiết thân về sự biến đổi lịch sử hiện đại và đương đại Trung Quốc, những kinh nghiệm sống được trên chính trường, văn đàn, nông thôn và biên cương ở Trung Quốc... thì tôi lại biết. Học tập giúp tôi trong bất kỳ cảnh ngộ nào đều nắm vững được khả năng tiến thủ của đời người. Người ta có thể cấm tôi viết, cấm tôi ăn thịt, cấm tôi xuất đầu lộ diện, không cho tôi tham gia rất nhiều hoạt động quan trọng, nhưng người ta không thể cấm tôi học. Dù họ có tịch thu sách của tôi (chỉ là nói quá lên chứ việc này chưa từng xảy ra), tôi vẫn có thể nhẩm đọc, nhẩm học thuộc lòng, ngầm suy nghĩ, lẳng lặng kiên trì học tập.

 Chương 6

Thêm một loại hưởng thụ,


thêm một loại nhân sinh

Hóa ra kinh nghiệm học tiếng Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương đã có lợi rất nhiều cho việc học tiếng Anh của tôi.

Thứ nhất, tôi bỏ được lối tư duy đã định hình do tiếng Hán tạo nên, thấy rằng cách phát âm khác, từ vựng khác, ngữ pháp khác là điều rất tự nhiên, là chuyện chính đáng. Ta có thể nói như thế này, ta cho rằng nói như thế này mới hợp lý thì người ta lại có thể hoàn toàn nói một cách khác và cách đó cũng có lý. Ta có phương thức biểu đạt, có ưu thế biểu đạt của ta, thì người ta cũng có phương thức biểu đạt, ưu thế biểu đạt của người ta. Cho nên khi học một ngôn ngữ mới, ta phải khắc phục tâm lý từ chối một loại ngôn ngữ khác với mình do tiếng mẹ đẻ làm chủ ta trước đây gây nên.

Thứ hai, tôi tăng cường niềm tin vào việc học ngoại ngữ. Lúc mới học tiếng Duy Ngô Nhĩ, tôi ngại nhất là mình phát âm không chính xác, nói không đúng ngữ pháp khiến người nghe không hiểu. Nhưng sau đó tôi phát hiện chính sự khiếp sợ của tôi, sự rụt rè, ngập ngừng, ấp úng và thiếu tự tin của tôi mới là trở ngại trong việc giao lưu với người khác. Còn người Tân Cương ở đây đã lâu năm, hoặc bất kể dân tộc nào, cũng bất kể họ phát âm lạ lùng, không đúng ngữ pháp như thế nào, nhưng vì họ có đầy đủ niềm tin nên vẫn được hiểu, vẫn được tiếp nhận, chẳng có vấn đề gì. Nhờ kinh nghiệm ấy, học được chút tiếng Anh nào là tôi đem đi sử dụng, không còn sợ hãi như trước nữa. Ngoài ra, giữa bất kỳ ngôn ngữ khác nhau nào đều có một số điều có thể gợi ý, có th vay mượn. Ngôn ngữ là thứ rất quái, khác nhau nhiều bao nhiêu thì cũng có nhiều bằng ấy những điều có thể trao đổi được. Chẳng hạn tiếng Anh và tiếng Duy Ngô Nhĩ đều có một số từ Latinh có gốc giống nhau. Lại như từ bão, lụt trong tiếng Anh (mà nghĩa tinh xác hơn là tràn lan) đều có liên quan với tiếng Trung.

Thứ ba, mối quan hệ giữa ngôn ngữ và tư duy rất tinh vi, khi học một ngôn ngữ nào đó, ta có thể nhận ra đặc điểm tư duy và sở trường, sở đoản về mặt tư duy của một dân tộc, và kiến thức ấy là điều không có được ở chỗ khác.

Ngôn ngữ là tri thức, công cụ và cây cầu, những cách nói đó đương nhiên rất đúng, nhưng điều mà ngôn ngữ và học tập ngôn ngữ mang lại cho ta không chỉ là công cụ giao lưu, sự thuận tiện để hiểu nhau và những kiến thức kỳ diệu, những kiến văn gián tiếp có liên quan tới thế giới của chúng ta và với nước ngoài, với dân tộc khác ở ngoài chúng ta. Điều mà ngôn ngữ và học tập ngôn ngữ mang lại cho chúng ta còn là một tấm lòng rộng mở hơn, một đầu óc cởi mở hơn, hứng thú với sự vật mới mẻ hơn, có khả năng so sánh phân biệt và thói quen suy nghĩ để so sánh phân biệt. Ở đó còn bao gồm  nuôi dưỡng sự hiểu biết và trân trọng tính đa dạng của thế giới, của văn hóa, sự hiểu biết sâu sắc đối với đạo khoan thứ “kỷ sở bất dục vật thi ư nhân”(1), “kỷ dục lập nhi lập nhân, kỷ dục đạt nhi đạt nhân”(2), sự nuôi dưỡng khí phách “hải nạp bách xuyên, hữu dung nãi đại”(1). Cùng với sự nuôi dưỡng đó là biết khắc phục và thay đổi kiểu mắt chuột nhìn gần của kinh tế tiểu nông, tâm lý bài ngoại “không phải tộc loại của ta thì lòng dạ ắt khác”, tâm lý sùng ngoại “trăng trên nước Mỹ tròn hơn trăng trên đất Trung Quốc”, tâm lý bảo thủ ôm khư khư những gì đã tàn khuyết, ý nghĩ hoang đường, phong bế tự cho mình là lớn nhất, kể cả quan niệm đơn giản hóa và mù quáng “không phải thế này ắt là thế kia”, người ta nói thế nào mình cũng nói theo thế ấy.

Học tập ngoại ngữ là một sự hưởng thụ, hưởng thụ sự phong phú nhiều vẻ của thế giới đại thiên, hưởng thụ vẻ đẹp toàn diện và tác dụng tương hỗ của văn hóa nhân loại, hưởng thụ niềm lạc thú bất tận của việc học rồi thường xuyên ôn tập, hưởng thụ một loại nhân sinh đa dạng chứ không đơn nhất, một loại nhân sinh có sự khu biệt rất lớn chứ không phải đại đồng tiểu dị với những loại nhân sinh khác.

Hết chương . Chương tiếp theo, Truyen8.mobi sẽ cập nhật một cách nhanh nhất.

Nguồn: truyen8.mobi/t25898-triet-hoc-nhan-sinh-cua-toi-chuong-5-6.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận