Triết Học Nhân Sinh Của Tôi Phần 10


Phần 10
Hữu vi của nhân sinh

Trở về trước, những điều tôi đưa ra hầu hết là “lời khuyến cáo chân thành theo thể phủ định”. Không nghi ngờ gì nữa, đó là một “phép bài trừ” của triết học nhân sinh. Nếu trong đời, người nào biết không nên làm điều gì, không thể làm điều gì, không đáng làm việc gì thì người đó có thể được gọi là trí giả, là đại triết nhân. Ở chương này, tôi nêu ra mệnh đề “nhân sinh là bùng cháy”, đồng thời từ trải nghiệm tôi đã quyết định lựa chọn gì trong cuộc đời của mình để nói về lẽ nắm vững số phận của mình ra sao và giành được thành công ra sao. Tôi nói về câu chuyện bi tráng “biết không thể được mà vẫn làm”, như thế có thể làm cho vùng “nước chết” nào đó trào lên một làn sóng mới chăng!

Nhân sinh là bùng cháy

Khi cuốn sách nhỏ mạn đàm về triết học nhân sinh sắp đến hồi kết thúc thì tôi đâm ra lo lắng: phải chăng tôi nói quá tiêu cực, quá Lão Trang? Vô vi này, chờ đợi này, không thế này chẳng thế kia này, vui mừng, khỏe mạnh lại buông thả này, như vậy không biết dẫn bạn đọc, nhất là bạn đọc trẻ, đến đâu đây?

Đúng thế, tôi nghiêng về nói những việc không cần làm, không nên làm; về những việc nên làm, ngoài học tập ra, tôi nói hơi tản mạn. Song có một điểm rất rõ ràng: vô vi có thể là mấu chốt đối với một số người vì họ đã bị các loại kích động, hỗn loạn, ngu xuẩn, dã man, ích kỷ, nôn nóng chiếm cứ quá lâu. Song mục đích của chúng ta không phải là vô vi, mà là hữu vi, không phải tiêu cực mà là tích cực, không phải phủ định cuộc đời này mà là sử dụng và hưởng thụ cuộc đời này tốt hơn nữa; không phải chỉ một mực chờ đợi mà là chủ động sáng tạo. Đó là điều không còn phải ngờ gì nữa.

Có thể đổi sang một cách nói khác: vô vi ư, chờ đợi ư, vô thuật ư, tự nhiên ư, đều là để dọn quang đường xá, thanh lý những nỗi lo để sau đó có thể lao vào làm một số việc có ý nghĩa, có thành tích, có ý vị, có vinh quang.

Từ cá thể sinh mệnh mà nói, những tháng ngày mấu chốt mà chúng ta chi phối được chẳng qua chỉ mấy chục năm, sau đó không còn cơ hội thứ hai. Đối với cuộc đời một người, đó là cơ hội không thể bỏ lỡ, thời cơ không trở lại. Do sự ngắn ngủi và tính không thể đảo ngược, chỉ có một lần, sinh mệnh thật đáng quý trọng, thần kỳ và đẹp biết bao! Cho qua suông một sinh mệnh như thế, phụ lòng một sinh mệnh như thế thì ngu xuẩn và có tội lớn biết chừng nào! Đánh mất một trăm tệ, người ta hẳn đau lòng, còn đánh mất khả năng có thể làm được việc gì đó trong đời, chẳng phải càng đau lòng hơn hay sao?

Thời còn là nhi đồng, sự khác nhau giữa người và người không nhiều lắm, mọi người đều ở trên một vạch xuất phát. Sau đó thì sự khác biệt càng ngày càng lớn, có người sống uổng tháng ngày, hối hận thì đã muộn; có người oán trời oán đất, buồn rầu chẳng nguôi; có người chạy đôn chạy đáo hết Đông lại Tây, mà chẳng làm nên việc gì; có người ủy mị, bất tài; có người làm bừa làm bậy đến nỗi vỡ đầu mẻ trán... Trong số họ đã mấy ai thành công? Có mấy ai mãn nguyện? Đã mấy người sau khi về già mà không than thở: “Trẻ khỏe không cố gắng, già yếu bi thương suông!”

Loại hình khác nhau và kết cục khác nhau của nhân sinh, về đại thể thì ngay ở thời còn trẻ đã có thể thấy chút dấu hiệu rồi. Thời còn trẻ, ai mà chẳng muốn dấn thân vào cuộc sống, dấn mình vào tình yêu, học tập, sự nghiệp, dấn mình vào xã hội, vào nhân gian?

Cho dù cuộc sống còn khá gian nan, tình yêu còn lúc ẩn lúc hiện, học tập thì con đường còn dài, xã hội thì lúc sáng lúc tối, trong dân còn có rất nhiều điều bất bình, bạn vẫn phải dấn mình vào, bạn vẫn phải đem hết sức, hết tình, hết hứng, dùng hết mọi khả năng, cố gắng giành lấy mọi thứ có thể giành lấy, nên giành lấy để làm cho bạn có được trí tuệ và ánh sáng, có được thành tích và giá trị. Tôi không tán thành chung chung cách nói lập chí lớn của người xưa, song bạn vẫn nên hy vọng bản thân có được nhiều cống hiến hơn cho xã hội, cho cộng đồng, cho quốc gia, cho dân tộc và nhân loại, chí ít thì quả thực cũng dốc hết sức, tức là nói chí ít thì cũng đã bùng cháy, phát đầy đủ nhiệt và ánh sáng, hưởng thụ, sử dụng và phát huy đầy đủ những năm tháng trong đời của bạn. Một người là một nguồn năng lượng, cuộc đời một người là sự bùng cháy, tức là phóng thích đầy đủ năng lượng. Năng lượng cần phải được phát huy, cháy càng đượm càng tốt. Chưa cháy đã bỏ đi, chưa hề phát quang phát nhiệt, không khỏi đáng tiếc; còn vừa mới bốc chút khói đã lười nhác để lửa tắt ngóm, như thế không đau khổ sao được?

Nhân sinh là một lần sinh mệnh bùng cháy. Nó có thể phát ra ánh sáng rất đẹp, có thể phát ra nhiệt năng rất lớn, làm ấm áp con tim của vô số người. Năng lượng và ánh sáng đó có thể chỉ có hạn, nhưng đã từng tỏa một phần nhiệt, phát một phần ánh sáng, một phần điện, cho dù số điện năng ấy chỉ đủ làm hai bóng đèn phát sáng thì cũng chiếu sáng được nhà mình và nhà hàng xóm, cháy hết mức, không để lại niềm tiếc nuối. Còn nếu như bạn cứ muốn cháy nhưng chưa cháy được, nếu bạn bị ẩm ướt hoặc bị mốc meo thì chẳng những không cháy thành lửa mà còn để lại rất nhiều khí CO, chất sunfua, chất cacbua, phát ra những tiếng quái gở, làm cho môi trường nhân loại bị ô nhiễm, thậm chí trở thành mối hại chung cho xã hội. Đó quả thật là vô cùng vô cùng đáng tiếc.

Có lẽ bạn không được lưu danh trong sử sách nhưng chí ít cũng không nên phụ lòng mấy chục năm chỉ có một lần của mình. Có lẽ bạn chưa thể lập đức, lập công, lập ngôn nhưng ít nhất hãy phát huy đầy đủ năng lượng một đời của mình. Có lẽ đủ mọi nỗ lực của bạn chưa có hiệu quả, ví như bạn theo đuổi công việc sáng tác nghệ thuật nhưng chưa được xã hội thừa nhận; bạn kinh doanh nhưng chưa thành công; bạn tòng quân nhưng cuối cùng lại thua trận, tuy nhiên cuối cùng để đến ngày tính công, bạn chí ít cũng thể nói: “Tôi đã dốc hết sức rồi”, thất bại của bạn không phải tội do chiến đấu mà như cuộc chiến của Sở Bá vương ở Cai Hạ. Từ trước đến nay tôi không tán thành nghị luận anh hùng bằng thành bại, tôi cũng không thể giúp bạn đọc, cũng như giúp tôi, trận nào cũng thắng, nhưng chí ít trong lòng cũng cần có sẵn chủ định. Bạn có chí hữu vi và đã lựa chọn được con đường đúng đắn nhưng cuối cùng do chưa hội đủ điều kiện nên chưa thể giành thắng lợi hoàn toàn, hay là bạn vừa làm đã chẳng ra gì, mất chí khí, không làm nên việc, không học tập cũng chẳng nỗ lực, ý thức bạc nhược, lòng dạ hẹp hòi, chỉ mong gặp may song lại phẫn uất, bất bình, vì thế mà cuối cùng chẳng việc gì thành công? Nếu là trường hợp đầu, tôi xin tỏ lòng kính trọng bi tráng với bạn và còn muốn viết lại câu chuyện của bạn nữa để độc giả rỏ vài hàng nước mắt vì bạn; nếu là trường hợp thứ hai, ai có thể uốn nắn, ai có thể bổ khuyết, ai có thể đồng tình với bạn đây?

Nhân vật chính Nghê Ngô Thành trong truyện dài Hoạt động biến nhân hình của tôi, khi tới đoạn sau, đoạn cuối cùng của cuộc đời bỗng nói: “Thời hoàng kim trong đời tôi còn chưa bắt đầu kia!” Thật đáng sợ quá! Thành tích của một người có thể lớn, có thể nhỏ, nhưng bạn phải dốc hết sức. Tận lực, tận tình, tận hứng tức là phải dốc hết khả năng. Lúc đó là thời hoàng kim, là hương vị của nhân sinh, là ý nghĩa giá trị của nhân sinh; đó chính là ánh huy hoàng, ánh huy hoàng của bùng cháy, ánh huy hoàng của dâng hiến. Bạn đã dốc hết sức thì bạn được hưởng thụ tất cả các khả năng sau khi bạn đã tận lực, cho dù là cảm giác bi tráng (hay chủ nghĩa anh hùng): “Trời hại ta rồi, không phải do cuộc chiến này!”(1) Bạn hưởng thụ lạc thú do dốc hết sức mang lại, dốc hết sức thì chí ít cũng có được cảm giác đạt thành tựu đầy đặn, thế là bạn đã giành được, tất nhiên đã giành được, trước hết không phải là ai khác, mà là bạn đã giành được sự tôn trọng và niềm thỏa mãn.

Chẳng hạn bạn là một quả bộc phá được dùng hết sức bắn đi và đã nổ; cho dù không hoàn toàn trúng mục tiêu thì cũng đã sướng rồi. Bạn là một hạt giống cây rơi xuống đất, hấp thu được chất dinh dưỡng và nước, lớn lên thành cây mầm, lớn lên thành cây to; cho dù bạn chưa lớn được thành đại thụ đã bị sét đánh gãy thì bạn vẫn cảm thấy tự hào. Hình tượng của bạn là bia kỷ niệm tốt nhất cho một thân cây, bạn bị đánh gãy ít nhất cũng là bằng chứng cho một lần mưa to sấm sét, là một sự kiện có tính bi kịch. Nhân sinh là một quá trình, là một đoạn thời gian, là một lần phản ứng, giải tỏa năng lượng. Điều quan trọng là phải dấn thân, phải tham dự, phải dốc hết sức. Thắng cố nhiên là đáng mừng, bại cũng vẫn có vinh dự, chỉ cần dốc sức tận lực thì khi xét thưởng công lao, cho dù có là người thất bại, nước mắt chảy ra cũng phải đáng kể, cũng phải cuồn cuộn. Còn như nếu không dốc hết sức, sa đà năm tháng thì lúc ấy có thật sự muốn khóc cũng chẳng thể nặn ra giọt nước mắt nào!

Tôi đã quyết định cuộc đời mình như thế nào?

Tôi từng trò chuyện với một cô gái Mỹ lấy chồng Trung Quốc. Cô kể bố mẹ chồng Trung Quốc của cô khi nói với cháu nội thì từ hay dùng nhất là “không nên” - “không nên trèo cao”, “không nên bật lửa”, “không nên nghịch nước”, “không nên đụng vào cái này, cái nọ”, “xuống đi nguy hiểm quá”, còn cha mẹ là người Mỹ thì câu nói hay dùng nhất đối với các con là “try it!”, “do it!” (thử đi, làm đi). Điều họ muốn con cái làm là dũng cảm thử, dũng cảm làm. Đó là điều đáng để chúng ta suy nghĩ sâu sắc.

Tôi thường nhớ lại hồi vừa qua sinh nhật lần thứ mười chín, tôi quyết định viết một truyện dài (tức Tuổi xuân muôn năm). Lúc ấy tôi cảm thấy quyết định đó chẳng khác gì quyết định tổng tấn công, một quyết sách chiến lược, một thử nghiệm bạo phổi, một hành động ngông cuồng, bởi vì những lời khuyến cáo thành thực nhất đều là khi mới bắt đầu viết, nên tập viết từ trăm chữ đến nghìn chữ thì hơn.

Tôi rất vui với quyết định đó, tôi thỏa mãn với quyết định đó của mình. Từ nhỏ tôi đã dám tự mình quyết định số phận của mình. Năm còn thiếu năm ngày nữa mới đầy mười bốn tuổi, tôi đã hát vang bài ca của Tiền Tinh Hải rồi tham gia hoạt động bí mật của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Đường do chúng ta mở,

Cây do chúng ta trồng,

Nhà chọc trời là do chúng ta

Tự tay xây, tự tay xây a!

Hảo hán cần không biết sợ,

Vung cánh tay sắt lên nào,

Sáng tạo thế giới mới,

Sáng tạo thế giới mới a!

Còn mùa thu năm 1963, tôi và vợ không cần tới năm phút đã thỏa thuận xong việc chuyển cả nhà tới Tân Cương ở miền Tây.

Song nhiệt tình của tuổi trẻ thường quá tràn trề. Sau khi quyết định phải sáng tác, quá trình viết bản thảo ở năm đầu tiên thật sự khiến tôi như mắc phải bệnh nóng. Chí hướng một khi đã được xác định thì không còn là ảo tưởng, mộng tưởng nữa rồi, mà là thực tiễn lớn lao, là thách thức và sự ứng đáp của một loạt vấn đề, là công việc lao động nặng nề như núi. Như thế mới biết mình còn cách chí hướng một đoạn rất xa, tức sự chuẩn bị cho việc thực hiện chí hướng thật đáng thương biết mấy. Văn học như biển, chí hướng như non, tôi biết một chút nhạy cảm, một chút tài và một chút tích lũy của mình chẳng qua là một hạt cải trên mặt đất, một bọt nước trong sóng biển, một hạt cát dưới chân núi. Một tiểu thuyết trường thiên đủ để nuốt chửng một thanh niên mười chín tuổi. Kết cấu, ngôn ngữ, chương tiết, đoạn mục, xây dựng nhân vật, độc thoại trữ tình... tất cả những điều đó hễ nghĩ tới là tôi chỉ muốn gào thét khóc rống, chỉ muốn nhảy lầu. Té ra muốn viết một cuốn truyện phải nghĩ đến rất nhiều vấn đề, phải quyết định rất nhiều thứ, phải làm bao nhiêu người sống dậy để ra sân khấu, phải làm cho một số người đi khỏi, thậm chí phải để một số người chết đi. Sau khi được viết ra giấy, mỗi con chữ đều có linh hồn, có nỗi buồn vui, được gọi là sinh động như sống. Sinh động như sống là thế nào? Là câu chữ trở thành tinh, đầu óc trở thành thần, kết cấu trở thành bản nhạc giao hưởng, tình cảm trở thành bất tử, tiếng nói truyền từ phòng này sang phòng khác, từ tâm linh này sang tâm linh khác. Còn tiểu thuyết thì trở thành một thế giới mới toanh được sáng tạo nên, quá trình sáng tác chỉ có thể so với quá trình sáng tạo nên thế giới của Thượng đế!

Học rồi mới biết còn chưa đủ, lập chí rồi mới biết còn chưa đủ, dấn mình vào mới biết còn chưa đủ. Nếu lúc đầu tôi biết văn học muốn ngốn nhiều thứ đến thế, văn học cần đến sự dấn thân sâu đến thế, văn học muốn tôi phải bỏ nhiều sức sống như thế; nếu biết văn học bắt tôi mạo hiểm nhiều đến thế, bắt tôi chối bỏ khả năng chức quan lên nhanh như diều, chối bỏ hất hàm chỉ tay, cưỡi xe nhẹ đi đường quen, oai phong tám hướng, thì lúc đầu tôi còn dám quyết định như thế nữa hay không? Nhưng ở đây chẳng có gì nữa mà ngờ. Tôi chỉ có thể và cũng sẽ nhất quyết quyết định như sau: lấy máu mình dâng cho văn học. Dâng cho văn học thật sao? Câu trả lời của tôi là: “Đúng thế!” Tôi có biết bao lời cần thổ lộ, cần tâm tình, cần ghi chép, cần biểu đạt. Tôi dứt khoát chờ đợi ngày được trèo non vượt biển, cưỡi gió phá sóng, dốc toàn sức ra đánh để tỏ rõ thân thủ. Tự thách thức mình, tự yêu cầu vượt xa tiêu chuẩn cũng vẫn là chính mình.

Đó chính là nhân sinh của tôi, đó chính là giá trị của tôi, đó chính là sự lựa chọn của tôi, đó chính là niềm vui của tôi, đó cũng chính là nỗi đau của tôi. Sống một đời mà cả đến đau khổ thực sự cũng chưa trải qua, há chẳng phải sống thừa hay sao? Há chẳng phải uổng phí khi bước vào cõi nhân gian hay sao? Lúc nào tôi cũng không quên được văn học, văn học cũng chưa bao giờ quên tôi. Tôi sẽ không bao giờ quên tháng Mười một đầu mùa đông năm 1953, ngày đã thay đổi, đã quyết định cả cuộc đời tôi.

Cân bằng giữa lạnh và nóng

Nhưng nhiệt tình của tuổi trẻ quả thực quá nóng hổi và tràn trề, từ đó mà trở nên quá đáng thương. Nhiệt tình thời trẻ như lửa cháy, như triều dâng, như sấm sét, như căn bệnh. Loại bệnh này như bệnh sốt rét, khiến bạn lúc rét lúc nóng, lúc cảm thấy mình thành công đến nơi, người cũng lớn vụt lên; lúc cảm thấy mình hoàn toàn chỉ là uổng phí công sức, buồn thỉu buồn thiu chẳng muốn ngẩng đầu. Đó là vì cùng lúc với nhiệt tình là ý muốn cực kỳ ấu trĩ, chỉ mong thành công ngay. Nhiệt tình như thế, bùng cháy như thế thì khó tồn tại được lâu. Bạn luôn hy vọng ngày hôm sau, hoặc chậm nhất là tuần sau là thấy được hiệu quả, là thấy thành công, làm ai nấy kinh ngạc, thế là hô gió gọi mưa. Mặt trái của muốn thành công ngay tất nhiên là nản lòng thoái chí. Một lần muốn thành công ngay không xong, hai lần muốn thành công ngay không được, ba lần, bốn lần, năm lần, rồi tám lần, mười lần không được, bạn không thoái chí ngã lòng có được chăng? Bất kỳ việc gì cũng vậy, muốn thành công ngay đều là ảo tưởng, ấu trĩ, chắc chắn kết quả là không thành, điều này không nên hoài nghi. Còn thoái chí ngã lòng cũng là biểu hiện của ấu trĩ, là biểu hiện của bạc nhược, mỏng manh không chịu nổi một đòn.

Khi tổng kết con đường cách mạng Trung Quốc, Mao Trạch Đông nói: “Đấu tranh, thất bại, lại đấu tranh, lại thất bại cho đến thắng lợi, đó là lôgích của cách mạng nhân dân”. Lần đầu tiên tiếp xúc với mệnh đề này, tôi nghi hoặc và suy nghĩ: tại sao Mao Trạch Đông không nói đấu tranh, thắng lợi; lại đấu tranh, lại thắng lợi nhỉ? Câu sáo ngữ mà chúng ta hay nói chẳng phải là “từ thắng lợi tới thắng lợi” hay sao? Cứ thất bại mãi, cuối cùng có thắng lợi nổi không? Nhưng lời tổng kết của Mao Trạch Đông rất sâu sắc và vững chắc. Trước khi đi tới thắng lợi cuối cùng, nếu bảo thắng lợi này nối tiếp một thắng lợi khác, không bằng nói thắng lợi đến sau một loạt thất bại, như thế mới thực tế hơn và càng có ý nghĩa giáo dục hơn. Thực nghiệm khoa học cũng vậy, trước khi đạt được thắng lợi cuối cùng, có lẽ đã thất bại đến mấy chục lần, cả trăm lần cũng nên. Muốn thành công ngay hoặc ý đồ cầu may mà thắng chỉ có thể dẫn tới kết cục nản lòng thoái chí, vừa đánh đã tan vỡ mà thôi.

Đi cùng với quyết tâm dấn thân, cùng với thử nghiệm quan trọng, cùng với dốc sức phấn đấu là nhiệt tình không cách gì dập tắt nổi, song nhiệt tình như thế cần phải nói là lợi và hại mỗi bên chiếm một nửa. Không có nhiệt tình đầy đủ thì khó mà đi đến quyết định quan trọng, lúc đáng xuất thủ thì không ra tay được, song nhiệt tình quá mức lại có thể làm hỏng việc. Đợi đến sau khi bạn bắt đầu một hành động, một thí nghiệm hay xuất kích quan trọng song dù sao vẫn chỉ là những bước đầu tiên, nhiệt tình quá mức sẽ là hại nhiều lợi ít. Điều quan trọng nhất lúc này là nguội lạnh, bình tĩnh suy nghĩ về phía bất lợi của sự việc để biết bản thân cách thành công, cách đỉnh cao còn đến mười vạn tám nghìn dặm, còn lâu mới tới lúc xúc động. Hơn nữa, thử nghĩ mà coi, ngoài núi còn có núi, ngoài trời còn có trời, cho dù bạn bắt đầu làm được một chút việc song cách thành tựu thực sự còn xa lắm.

Giữa lạnh và nóng rất cần có sự cân bằng. Có câu: “Nhân sinh tại thế bất xứng ý, Minh triêu tản phát lộng biển chu”(1). Việc chẳng như ý thường tám chín phần mười, ấy là do chí khí con người luôn cao hơn thực tế, càng trẻ tuổi thì càng bốc cao. Tầm mắt cao, tâm cao, chí cao, tính thì nóng bỏng, dấn thân vào sự nghiệp ắt khó chia khó lìa, như say như mê. Hồi trẻ, tôi viết xong một cái gì đó, mấy tháng trôi qua vẫn đọc thuộc lòng được cả bài. Bây giờ đọc lại bài viết hồi ấy, có lúc thậm chí tự mình cũng hoài nghi: “Bài này mà do mình viết hay sao?”

Mức độ nhiệt tình khi dấn thân và kết quả đạt được thường không nhất thiết đã tỉ lệ thuận. Cái bạn làm ra, bài  bạn viết ra, quyết sách bạn đưa ra, phương án bạn đề ra trong lúc điên cuồng, khóc lóc, làm ầm ĩ, hết ngày lại đêm, tăng ca tăng giờ, không ăn không uống có nhất thiết đều tốt cả không? Ngược lại, hầu hết vẫn là tâm bình khí hòa, bình tĩnh, thận trọng, theo đúng trình tự mà làm thì càng dễ có thành tích hơn. Nhà văn Nga Tsekhov có một câu danh ngôn: “Nóng đến phát lạnh thì hãy cầm bút viết”. Câu này thật hay, chẳng những sáng tác văn học cần như thế mà rất nhiều việc trên đời cũng cần nóng đến phát lạnh rồi thì làm mới được tốt.

Chí hướng, nhiệt tình, mong đợi, kinh nghiệm, năng lực, niềm tin, ý chí, sức chịu đựng về mặt tinh thần của con người có lúc không được cân bằng. Khi tuổi còn trẻ, nhiệt tình thường cao, bản lĩnh chưa vững, niềm tin chưa đủ, tương đối thiếu kiên cường, tức là nói thiếu sức chịu đựng về mặt tinh thần; năm này qua năm khác đã tương đối nắm vững, tính toán đâu ra đấy công việc mà bản thân đã làm được ít nhiều và cũng không còn sợ một số cản trở nào đó nữa thì trái lại, lại thấy bình thường, không còn xúc động là bao, thậm chí cũng không có được bao nhiêu cảm giác tươi mới. Lúc này lại muốn mình được cháy lên, đâu có dễ dàng?

Nói chung, người trẻ khổ hơn một chút, bởi vì về điều kiện khách quan, người trẻ không bằng người lớn tuổi. Khi tuổi đã lớn dần, thế nào bạn cũng được thừa nhận nhiều hơn, tin cậy nhiều hơn, thuận lợi nhiều hơn ở một lĩnh vực nào đó. Nhất là ở Trung Quốc, một quốc gia có truyền thống kính trọng người già thì người có tuổi dễ làm việc hơn. Thế là người trẻ càng dễ phẫn nộ, lấy làm bất bình, nói này nói nọ, mở miệng là nói vung, nhưng trên thực tế lại làm không nên một việc gì ra trò. Nếu tôi muốn có lời với các bạn trẻ thì tôi sẽ khuyên họ nên chín chắn hơn, kiên nhẫn hơn, như thế phải chăng họ có thể tiếp thu?

Không nên tưởng mình đã là thước đo

Sai lầm mà người ta dễ mắc phải nhất có ba: một là đánh giá quá cao lực lượng của mình, đánh giá quá thấp lực lượng của người không đồng nhất với mình; hai là lấy mình làm thước để đo người khác; ba là đứng trước vấn đề nghiêm trọng thường có tâm lý cầu may.

Bây giờ tôi nói về sai lầm thứ hai, tức vấn đề lấy mình làm thước đo. Kể ra cũng thú vị, cái gì bạn yêu thích, bạn cho rằng người khác cũng thích; cái gì bạn sợ hãi, bạn cứ tưởng người khác cũng sợ hãi; cái gì bạn ghét cay ghét đắng, bạn cho rằng đối với người khác cũng rất có hại. Thật ra, sự thật không hoàn toàn như thế.

Tôi từng cố hết sức giới thiệu những bài hát tôi thích hát, những cuốn sách tôi thích đọc hồi trẻ cho các con, chúng chế giễu ngay lời bài hát mà tôi từng hát như “Cờ thắng lợi bay phần phật trước gió” và “mặt trời rực rỡ mọc lên từ phương Đông”. Chúng bảo: “Lời những bài bố hát trước kia sao mà chán thế?” Tôi thấy ngạc nhiên, bởi vì tôi cảm thấy lời những bài hát mới chẳng ra làm sao. Một thời gian dài qua đi, tôi mới ngộ ra rằng thế hệ nào có bài hát của thế hệ ấy. Có lúc các con tôi cũng tiếp thu một số thứ tôi thích, song rốt cuộc chúng tự có những gì chúng thích. Sống trong thời đại khác nhau, bối cảnh khác nhau, không thể có sự nhất trí về mọi phương diện được.

Tôi phát hiện đặc điểm lấy sự yêu ghét của mình làm thước đo để phán đoán sự việc của con người, dường như có thể cho vào sách Tiếu lâm đại toàn. Một bà mẹ đi công tác ở miền Bắc giá rét trở về sẽ tất bật lo mua thêm quần áo cho các con; một ông bố đạp xe đạp đến vã mồ hôi trán sẽ cuống quít cởi bớt quần áo cho con. Cha mẹ đang đói sẽ khuyên các con ăn thêm; cha mẹ kiếm ăn vất vả sẽ mắng mỏ các con quá tham ăn. Cha mẹ “hiu quạnh” sẽ trách mắng các con thật thà quá, không vui vẻ, hoạt bát; cha mẹ muốn ngủ trưa sẽ cảm thấy con cái làm ồn, thật đáng ghét; cha mẹ ham đọc sách sẽ phát hiện ra con mình không thích học hành; cha mẹ đánh bóng sẽ nhận thấy con mình không ưa thể thao. Còn khi cha mẹ đang phiền lòng thì thôi rồi, chẳng cần phải nói cũng biết nhất định họ thấy con mình thật gai mắt.

Sự đánh giá tiêu cực của thế hệ trước đối với thế hệ sau rốt cuộc có bao nhiêu phần trăm đáng tin cậy? Có bao nhiêu phần trăm là suy bụng ta ra bụng người? Ngược lại, thế hệ sau cũng chẳng từng lấy mình làm thước đo đó sao? Khi họ thấy thế hệ trước đã bắt đầu phát phì, đã bạc tóc, đã chẳng hiểu mấy những danh từ mới thì họ đã thất vọng biết mấy! Sao họ không nghĩ, thế hệ già cũng từng có thời bùng cháy? Tiếng Anh có một câu ngạn ngữ là “Every dog has it’s own times”(1). Giữa người già và người trẻ càng rất cần hiểu biết lẫn nhau nhiều hơn.

Tôi không có ý dùng quan điểm của thuyết tiến hóa để nhận định thế hệ trẻ thế nào cũng hơn thế hệ già, song ít nhất thì con người cũng phát triển và thay đổi, xã hội cùng tiến lên với thời đại; khoa học kỹ thuật, tư tưởng, lý luận, phương thức sinh hoạt cho chí quan niệm về giá trị đều không ngừng phát triển và biến đổi. Bạn vui và cho rằng càng biến đổi càng tốt, nó sẽ biến hóa; bạn không vui và thấy rằng càng biến đổi càng dở, nó vẫn biến hóa như cũ. Bạn đánh giá nó rất cao, nó sẽ biến đổi; bạn đánh giá rất thấp, cho rằng mỗi đời mỗi kém, toàn bọn phá gia chi tử, nó vẫn biến đổi. Ở đây tôi không định khinh suất phán đoán giá trị của sự biến đổi này. Rất nhiều thứ của tiền bối đều là những di sản đáng quý cần phải thừa kế, còn trong sự biến đổi của thế hệ sau, cùng với thành quả tiến bộ rất mới mẻ thì đồng thời cũng mất đi một số thứ tốt, phải trả những cái giá quá cao và rất quá mức. Nhưng nếu muốn làm cho thế hệ sau không phát sinh bất cứ biến hóa nào thì đó lại là điều không thể. Chỉ có hiểu biết về những phát triển biến hóa đó thì mới chiếm lĩnh được tính chủ động của lịch sử, mới có thể giành 4a66 được quyền chủ động giáo dục và có ảnh hưởng đối với thế hệ sau, mới có thể giành được lòng tin và lòng kính trọng của thế hệ sau. Đồng thời lớp người trẻ cũng chỉ có thể kế thừa mọi điều tốt của tiền bối thì mới có tư cách nói đến phát triển và sáng tạo.

Siêu thoát là một cảnh giới rộng lớn hơn nữa

Tôi khen ngợi dấn thân, khen ngợi hiến thân, khen ngợi bùng cháy và không tính toán khi làm việc nghĩa, đồng thời tôi cũng khen ngợi và tán thành siêu thoát. Siêu thoát không phải là ích kỷ, không phải tiêu cực né tránh, không phải cháy nhà hàng xóm bình chân như vại mà là một cảnh giới càng rộng lớn hơn nữa.

Tầm mắt của lịch sử không chỉ nhìn thấy một lúc, một nơi mà nhìn thấy cả dòng sông dài lịch sử, nhìn thấy nguyên nhân phía trước và hậu quả phía sau, nhìn thấy vị trí và hàm nghĩa đích thực về mặt lịch sử của một hiện tượng, một mệnh đề, một cuộc tranh luận, như thế mới tránh được tầm nhìn thiển cận.

Tầm mắt của nhân loại không chỉ nhìn thấy lợi ích của một người, một nhóm người, một đám người mà nhìn thấy lợi ích của tất cả mọi người.

Tầm mắt của vũ trụ tức triết học nhìn thấy tính tất yếu, tính quy luật, tính có thể, tính ngẫu nhiên và tính biến dị ở sự phát triển của sự vật; nhìn thấy sự tất yếu và khả năng của lựa chọn, nhìn thấy sự biến thiên và ổn định của sự vật, nhìn thấy sự vận hành của đại đạo trong chốn u minh.

Siêu thoát là nhảy ra khỏi sự ồn ào, náo nhiệt trong một lúc, một nơi, một người, một nhóm người, nhất là nhảy ra khỏi cái lợi, cái hại của một cá nhân, giữ được bình tĩnh, toàn diện để mà suy nghĩ và lựa chọn đúng mức. Xem trong lịch sử cận đại và hiện đại của Trung Quốc, nếu đồng bào của chúng ta đều làm được như trên thì chúng ta đã khỏi phải đi bao nhiêu là đường vòng.

Ngay cả khi hăng hái, sôi sục dấn thân nhất, cùng lúc với siêu thoát vẫn phải bảo lưu, giữ lấy sự tỉnh táo và tự kiềm chế, cố gắng làm sao cho bản thân nắm vững toàn diện hơn và cao hơn. Mốt ngày nay là rất hứng ca tụng phiến diện, với cái tên mỹ miều là tính sâu sắc của phiến diện. Lẽ nào chỉ có phiến diện, chỉ có cố không biết cứ cho là biết, chỉ có che một bên mắt hay anh mù sờ voi mới là sâu sắc hay sao? Đối với việc gì cũng vậy, hễ cứ nhặt được một mảnh vỏ tỏi, một cái lông gà, nắm được một câu một chữ, vớ được đuôi bím tóc của người không cùng ý kiến với mình là đã lớn tiếng tri hô, xúi bẩy làm rộn, cho nổ một phen, như thế là phiến diện sâu sắc hay phiến diện nông cạn đây? Là tiến gần tới sâu sắc và toàn diện hay nên tiến đến phiến diện đây? Sâu sắc là dựa vào lý tính hay dựa vào ngang ngược đây?

Chúng ta không nên hơi một tí là tự khoe phiến diện sâu sắc. Hãy nhớ kỹ, như thế phần lớn là phiến diện nông cạn đấy. Chúng ta vẫn cứ nên theo đuổi sự sâu sắc toàn diện và sự toàn diện sâu sắc, chúng ta vẫn nên tin toàn diện giúp cho sâu sắc và sâu sắc giúp ích rất lớn cho toàn diện.

 

 

Niềm bi tráng


“biết là không thể mà vẫn làm”

Trong cổ ngữ của Trung Quốc, không có gì làm cảm động lòng người hơn và bi tráng hơn bằng câu “biết là không thể mà vẫn làm”. Từ xưa đến nay, do nhiều nguyên nhân, trong một trường hợp nào đó có thể xuất hiện tình thế về chỉnh thể là bất công, không rõ ràng, không lành mạnh. Còn có một trường hợp nữa là do thực lực chủ quan không đủ khiến người ta không nắm vững được làm việc đó có thành công hay không? Vậy thì làm thế nào? Biết khó thì lui hay biết khó vẫn cứ tiến? Nên “do it, try it”, hay chỉ nhìn mà dừng bước? Những bậc chí sĩ, nhà yêu nước, nhà cách mạng, người đi trước, đại sư và đại gia, dù biết rõ chủ trương chính xác ở vào thế bất lợi, sự nghiệp chính nghĩa ở vào thế bất lợi, tư tưởng tỉnh táo và thực lực của mình đều ở thế bất lợi, còn lâu mới đủ nhưng vẫn ưỡn ngực xông ra với quyết tâm cảm tử, với dự đoán ắt bại, dốc sức cố gắng và hoàn toàn không hy vọng là sẽ thành công. Như thế gọi là đã biết không thể, đã biết nhất định không thể thành công, biết chắc làm là sẽ gặp nguy hiểm, biết rõ việc mình làm không được nhiều người hiểu cho, hoàn cảnh của mình thật không hay nhưng không chịu bỏ, vẫn cố làm theo ý định. Rất nhiều anh hùng dân tộc đã làm như thế, ví như Nhạc Phi, Văn Thiên Tường, Sử Khả Pháp... trong tình hình hoàn toàn không còn hy vọng gì ở triều đại họ đang sống, họ vẫn cố gắng níu kéo sóng dữ khi sắp đổ xuống và như thế chỉ có thể là hy sinh vì chức trách. Ở đây có một điều mà Kant(1) gọi là mệnh lệnh tuyệt đối, không hề có điều kiện, sự bảo lưu hay thương lượng nữa, nghĩa là không thể tưởng tượng họ lại có sự lựa chọn khác. Bao nhiêu chí sĩ cách mạng cũng đã làm như thế, ví như Thu Cẩn, Lý Đại Chiêu(2) trong tình thế nguy nan nhất, họ đã trả giá mà không hề sợ. Còn có những người như Hàn Dũ(3) can gián vua không nghênh đón xương Phật, Hải Thụy treo ấn từ quan(4) đều để lại ấn tượng sâu sắc cho đời sau. Trong thực nghiệm khoa học và nghiên cứu khoa học, trong sáng tạo nghệ thuật và tìm tòi nguyên lý khoa học, trong quá trình hình thành hệ thống lý luận mới, nhiều người đã tự nguyện làm hòn đá kê chân, làm viên sỏi trải đường, trở thành khúc nhạc dạo đầu cho bản nhạc đột phá thời đại. Những ví dụ như thế nhiều không kể xiết, nếu họ không “biết không được mà vẫn làm” thì hẳn không có người lớp sau làm tiếp, khiến cho nó trở thành có thể, hẳn không có tiến bộ của khoa học và sự đi lên của lịch sử, hẳn không có sự tích lũy và thành tựu huy hoàng của văn minh nhân loại, hẳn không có lịch sử đáng ca đáng khóc, hẳn không có hôm nay và ngày mai.

Phần trên tôi đã nói về một số đạo lý và nguyên tắc làm người, song ngàn lần chớ nên tưởng lầm học được một chút cao thượng và cao siêu là đã có thể vận dụng thành thạo, không còn quân địch ở trước mặt, bách chiến bách thắng như vào chỗ không người. Không, không thể như thế được đâu! Lý tưởng đâu phải quả bóng, đá một phát là trúng gôn, đâu phải sào nhảy cao, vừa ưỡn mình là nhảy qua được.

Bạn không thể cái gì cũng học cho biết, học cho tinh, học đến mức tuyệt chiêu rồi mới bắt tay vào việc. Bạn chỉ có thể học trong thất bại hết lần này đến lần khác, trong khó khăn bươu đầu, trong tính toán sai lầm và trở ngại, trong trạng thái thất thường hoặc mất thể diện. Bạn làm đến mười việc, việc cuối cùng mới đạt tới mức mây trôi nước chảy, thành thạo có thừa; vô vi nhưng cũng vô bất vi, phát đi ắt trúng, làm ắt có hiệu quả, đó cũng là điều đáng thỏa lòng và đáng được khen ngợi. Còn chín việc trước thì thế nào? Cái bạn theo đuổi là hóa cảnh, còn cái làm được vẫn có chút miễn cưỡng; cái bạn theo đuổi là lời không cần nói nhưng cái làm được vẫn còn phải mất nhiều nước bọt; cái bạn theo đuổi là không cần đánh mà thắng nhưng cái làm được vẫn mất không ít sức lực. Điều này chẳng những không đáng lấy làm lạ, hơn nữa hầu như còn là tất nhiên và tất phải như thế. Như vậy chứng tỏ điều gì? Chứng tỏ ngoài hóa cảnh, ngoài nhân xu thế phát triển mà thuận theo, ngoài tâm bình khí hòa và mỉm cười một cách lý tính, bạn còn phải có tinh thần biết là không thể mà vẫn làm; trong lúc theo đuổi thành công, theo đuổi cao siêu, theo đuổi cảnh giới cao thì đồng thời bạn phải có quyết tâm và dũng khí không sợ bươu đầu mẻ trán, không sợ thất bại, không sợ rủi ro, không sợ trả giá, càng không sợ dấn thân nữa.

Ở đây có một điểm nữa, một điểm nặng nề mà tôi cần phải nói với bạn đọc: tuy tôi vững tin đạo đức tốt là tất yếu, trí tuệ, quang minh, lòng dạ và cảnh giới đều là tất yếu và có hiệu quả kỳ diệu, song những thứ tốt đẹp đó không nhất thiết là khi có chúng thì đến đâu ắt khuất phục được đến đó. Chúng được thừa nhận song muốn phát huy, vận dụng chúng và thành công thì vẫn cần một quá trình. Trước và trong khi quá trình này bắt đầu cho chí sau khi bắt đầu, vẫn có người căm giận những đức tính tốt đẹp, căm giận trí tuệ. Nguyên nhân rất đơn giản, tính thật thà tốt bụng của bạn làm nổi bật sự ác độc của anh ta hoặc chị ta; trí tuệ của bạn cho thấy rõ hơn anh ta hay chị ta ngoan cố, ngu xuẩn; sự phong phú rộng mở của bạn khiến sự hẹp hòi của họ càng lộ rõ; sự quang minh chính đại của bạn soi tỏ đen tối của họ; học vấn và lòng hiếu học của bạn làm cho sự cố chấp, không chịu học và bất tài của họ dễ thấy hơn. Như thế là sự tồn tại của bạn trở thành thách thức đối với kẻ ác, kẻ ngu và người hồ đồ, trở thành nỗi sỉ nhục lớn nhất của họ, trở thành cái gai trong mắt họ. Làm thế nào đây? Có thể nào vì thế mà không tốt bụng, không hiếu học, không trí tuệ, không quang minh, không rộng mở, không cao siêu nữa chăng? Có thể nào lại đầu hàng ngu xuẩn và ác độc chăng? Không, không thể! Chúng ta chỉ có thể “biết là không thể nhưng vẫn làm” mà thôi.

“Không thể” - ở đây để lại kỷ lục của bạn

Thực ra người nước ngoài cũng nói về đạo đức làm người, tuy họ dùng khái niệm từ ngữ khác. Các nước nói tiếng Anh rất coi trọng từ record (kỷ lục), có nghĩa là bạn làm gì hay không làm gì, chẳng những phải có trách nhiệm đánh giá chính bản thân công việc đó cùng hậu quả, mà còn phải để lại kỷ lục trường tồn với nhân gian. Khi kiểm tra một người, điều quan trọng nhất là phải xem tới kỷ lục của người đó. Còn chúng ta nói về lập đức, lập công, lập ngôn thì xét cho cùng vẫn là để lại kỷ lục.

Ở phần trước tôi đã nói rất nhiều về chờ đợi, tự nhiên, nhẫn nại... nhưng tôi hoàn toàn không phải bất chấp điều kiện và trường hợp để đưa ra những lời khuyến cáo khô khan như giếng cạn không sóng hoặc thanh cao như không ăn cơm gạo trần gian, tuy rằng ở một số trường hợp và sự việc, tôi rất hâm mộ cảnh giới giếng khô không sóng và không ăn cơm gạo. Nhưng dù sao vẫn còn một tình thế khác, một khảo nghiệm khác, một khó khăn và rèn luyện khác.

Tới lúc đó bạn không thể chỉ dựa vào trí tuệ thông minh, niềm tin và phong độ ung dung để giải quyết vấn đề; lúc đó và trong trường hợp đó, bạn phải có sự chấn động trong lương tâm, phải có rung động kịch liệt kiểu “ta không xuống địa ngục thì ai xuống”, bạn phải lắng nghe mệnh lệnh tuyệt đối của lương tâm. Tới khi bạn ưỡn ngực bước ra thì lúc đó gọi là không tính đến thành bại hay lợi hại, gọi là mang theo quyết tâm ắt bại đi làm một việc phải làm. Như thế là vì ở đây, ngoài thành bại và lợi hại ở một việc cụ thể ra, dù sao cũng còn tồn tại một kỷ lục. Kỷ lục của bạn là một giấy chứng nhận, là một bia tưởng niệm, là một bó đuốc không bao giờ tắt và kỷ lục đó mãi mãi đối mặt với ánh mặt trời chói lọi.

Sự ắt bại ở đây, sự “biết không thể làm” ở đây là sự lạnh lùng, bình tĩnh và chính khí lẫm liệt, kỷ lục để lại ở đây, quyết tâm “mà vẫn làm” ở đây là sự hiến thân cháy bỏng, là một lần bùng cháy dũng cảm, là sự bùng cháy mà vẫn lạnh, là nhiệt độ đằng sau sự lạnh lùng. Còn nơi thất bại đi tới là thắng lợi cuối cùng, nơi “không thể” đi tới là tính có thể vô cùng vô tận.

Tôi không phải dũng sĩ, song tôi dám coi khinh những ai chưa từng trải việc đời, không có kỷ lục nào oanh liệt đáng kể mà cứ đứng nói mãi những lời khoác lác không thấy đau lưng và ra sức yêu cầu người khác xông lên chém giết. Tôi không sợ phải trả giá để làm một số việc mình thấy nên làm. Chẳng hạn trong bối cảnh không khí đấu tranh đang nóng như lửa đốt, đề xướng lý tính, khoan dung, khắc phục khó khăn chẳng bằng kêu gọi cho nổ mìn. Khi một số người có đọc qua vài quyển sách, ai nấy mếu máo an ủi nhau, tâng bốc nhau, vỗ về nhau theo kiểu “người thông minh tiếc cho người thông minh”, thậm chí làm nũng tập thể thì kỵ nhất là bạn “xúc phạm” họ bằng một tiếng nói khác, hòng xem xét vấn đề từ một góc độ khác. Nói ra, bày lên bàn nhận định về một người, một việc, một cuốn sách nào đó mà sau lưng nghị luận rất ghê nhưng trước mặt lại luôn mồm khen tốt tốt tốt, cũng may những việc làm ngu ngốc như thế đến nay không thấy nhiều nữa.

Điều tôi phản cảm chỉ là lạm dụng bi tráng. Sống đã tốt rồi, đã rất toàn diện, rất tinh tế rồi, thế mà còn khinh suất làm bộ trước khi ra đi uống một bát rượu, coi xung quanh toàn là đồ ngốc ở núi Cưu, thì theo tôi bất tất phải như thế. Biết là không thể mà vẫn làm, giáo dục bằng việc làm hơn là bằng lời nói, đó không phải là phương thức thường ngày, thường gặp, áp dụng cho mọi nơi mọi lúc, càng không nên biến thành câu nói cửa miệng. Bạn chớ nên coi tư thái và tâm tình biết là không thể mà vẫn làm như ăn cơm, mặc áo, mua cổ phiếu, lĩnh thưởng, dự tiệc và làm tình. Mèo hay kêu không bắt được chuột; đại dũng vô công, đại đức vô danh, chưa đến lúc đã làm rộn đủ điều, như thế chẳng khác gì một mặt giành lấy micro, một mặt lớn tiếng đề xướng cô đơn. Theo tôi những trò đó miễn đi được rồi đó.

Đối với người trẻ, bản nhạc giao hưởng của cuộc đời vừa mới biểu diễn thì bất kể tư chất và hoàn cảnh khác nhau như thế nào, không nghi ngờ gì nữa bạn hãy giành lấy thành quả tối ưu trong điều kiện cụ thể mà bạn có thể làm được và để lại kỷ lục tối ưu của bạn. Chỉ cần nhìn thẳng vào lịch sử, chúng ta ắt có lý do để mừng cho lớp trẻ hôm nay. Các bạn ít khi phải đối mặt với số phận định sẵn “biết là không thể mà vẫn làm” mà đối mặt nhiều hơn với biết là ắt làm được, biết là ắt thắng, biết là rất có thể làm, thế thì tại sao các bạn còn trù trừ chưa muốn làm? Các bạn chưa làm thì sao biết có thể làm? Mặt khác, có rất nhiều điều dụ dỗ thực sự không thể làm đang quấy rối chúng ta, chẳng hạn kiếm chác những mối lợi khiến người ta phải xấu hổ, vào hùa với bọn người xấu, vi phạm luật pháp, làm loạn kỷ cương, làm hại đến người khác... Bạn có thể làm được một việc nào đó, có thể giành được trí tuệ và ánh sáng để làm một chuyến đi biển sáng rỡ cho ra trò được không? Bạn ít nhất có thể tránh xa tà ác, hẹp hòi, dã man, ngu xuẩn và phạm tội không? Nhất định là được chứ?

Tôi thành thực chúc cho các bạn!

Hết phần 10. Mời các bạn đón đọc phần 11!

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/35585


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận