Triết Học Nhân Sinh Của Tôi Phần 11


Phần 11
Hưởng thụ tuổi già

“Trời chiều đẹp vô hạn, duy chỉ cận hoàng hôn”(1). Ở đây không có thương cảm, cũng không phải không có cách nào khác. Bất kể người xưa giải thích hai câu thơ này như thế nào thì ít nhất hoàng hôn cũng là một vẻ đẹp. Bạn không thưởng thức, không định thưởng thức hoặc không biết thưởng thức thì vẻ đẹp đó vẫn tồn tại, vì thế nên hưởng thụ tuổi già. Đọc “triết học hoàng hôn” trong chương này, chẳng những người bước sang tuổi già có thể cảm thấy thú, mà đối với lứa trẻ, cũng không phải vô nghĩa. Chí ít cũng có thể cảnh tỉnh chúng ta khi bước sang tuổi già, nếu cả đến những điều đáng hồi tưởng cũng không có, cả bản lĩnh và niềm yêu thích có thể làm chỗ dựa cho tuổi già đều không có thì đấy mới là nỗi bi ai của nhân sinh. Chúng ta hãy cùng hát bài ca Chỉ cần trái tim chưa hề già thì như thế sinh mệnh cũng có thêm một phần ý nghĩa.

“Triết học hoàng hôn” của tôi

Một bà bạn bảo tôi, sau khi về già, người ta có ba điều quan trọng nhất: một là, phải có nghề chuyên môn của mình; hai là, phải có bạn bè; ba là, phải có niềm yêu thích của mình. Tôi thấy chị nói rất đúng.

Tôi càng ngày càng cảm thấy tuổi già là lúc đẹp nhất của đời người: chín muồi, biển dâu, kiến thức, tự do (ít nhất cũng biểu hiện ở việc chi phối thời gian), siêu thoát. Tuổi đó càng có thể thẩm xét mọi điều, nhất là bản thân, có quyền bàn luận về nhân sinh, bàn luận về lớp trẻ, lớp trung niên và thế hệ mình. Có thể lắp đôi cánh hồi tưởng và nghĩ xa xôi để tư tưởng được tự do bay bổng; có thể làm nhiều việc mà sức mình với tới, cũng có thể ít làm hơn một chút, nghĩ nhiều hơn một chút, nhấm nháp nhiều hơn, phân tích nhiều hơn, đi tìm chân lý nhiều hơn một chút. Cũng có thể hưởng thụ, phân tích, lặng lẽ quan sát, dưỡng sinh, hồi tưởng, đọc sách, các thú vui yêu thích cá nhân nhiều hơn một chút, bất kể là âm nhạc, thư pháp, vẽ tranh, hay đánh cờ, đánh tú lơ khơ, uống rượu ngâm thơ hay du sơn du thủy...

Sau khi về già, dù sao cũng bớt được ít tranh chấp, bớt được ít cạnh tranh, bớt được ít áp lực và căng thẳng.

Cái thiếu nhất của nhân sinh là gì? Là thời gian, là kinh nghiệm, là học vấn, hơn nữa là tâm tình tương đối thuần khiết, tĩnh tại. Còn sau khi về già, vốn liếng về những mặt ấy lại nhiều thêm.

Cái thừa nhất của nhân sinh là gì? Là cạnh tranh ác tính, là tính toán tư lợi, là thiển cận, là lãng phí thời gian quý báu, là ép buộc người vào chỗ khó, là ngang ngạnh bất chấp lý lẽ. Khi già rồi không khuấy lên được thì cũng tránh được.

Tuổi già là mùa hưởng thụ, hưởng thụ cuộc sống và hưởng thụ tư tưởng; hưởng thụ kinh nghiệm và hưởng thụ quan sát; hưởng thụ ấm áp và yêu quý song cũng hưởng thụ cả thanh tịnh, lạnh lẽo, thậm chí cả cô đơn vừa phải; hưởng thụ hồi tưởng và hưởng thụ hy vọng; hưởng thụ cái thú của tình bạn bè, hưởng thụ cả tự do tự tại và càng quan trọng hơn là hưởng thụ triết học. Người già rồi, nên trở thành một triết gia; nếu không quen với lối tư biện của triết học thì vẫn có thể có tấm lòng triết học, thú vị triết học hoặc mỉm cười, nhăn mày, rỏ lệ dưới ánh sáng bao bọc của triết học, chí ít cũng có thể có được sự trầm mặc của triết học.

Tuổi già cũng là tuổi hòa giải, không phải hòa giải với tà ác mà hòa giải với số phận, với sinh mệnh, với hạn độ lớn của tử vong, với quy luật của lịch sử, với thiên đạo, với vũ trụ, với thiên nhiên và với văn minh của nhân loại. Không đạt tới hòa giải thì cũng có điều học được, không đạt tới học được thì cũng có điều hiểu ra; không đạt tới hiểu ra thì cũng có điều cởi bỏ. Những điều trái lẽ vô cớ sau khi trải qua chọn lựa thì sẽ là sự thanh thản nhờ cởi bỏ từ cõi lòng.

Hòa giải nhưng không bài trừ phê bình, kháng nghị, trách móc cho chí phẫn nộ và bi ai. Có điều, các loại bất bình của người già dù sao cũng không giống với đám “thanh niên phẫn nộ”. Sự bất bình ấy không còn chỉ là rủa xả, mắng nhiếc tình cảm hóa mà nó biết cái đúng, cái nguyên nhân làm nên cái đúng, nó biết cái tất nhiên tức không cách gì không đúng, nó biết nếu không đúng thì vẫn có sự nuối tiếc khác, sự bất bình khác, một loại thiếu sót khác. Nó không ảo tưởng một bước là lên tới thiên đường, cũng không hơi một tí là cho rằng mình quả thật đã rơi xuống địa ngục. Sự nuối tiếc và phẫn nộ của nó nên là tỉnh táo chứ không phải mù quáng, là công bằng, có chứng cứ và do đó là có khống chế và có điều kiện, chứ không phải cuồng nộ đến co giật hoặc vung bút sổ toẹt. Nó có thể vẫn không có cách gì hiểu được sinh lão bệnh tử, thiên tai nhân họa, hạn chế của lịch sử, cường bạo bất nghĩa, số phận ra đòn, oan uổng đau đớn, sai lệch ngẫu nhiên... nhưng dù sao nó có thêm một chút tự tỉnh ngộ, một chút hối hận, một chút tự trách bản thân. Cần hiểu được ngoài oán trời oán người ra, còn có thể ca thán bản thân; hiểu được ngoài dòng nước chảy xiết vô tình của lịch sử, dù sao cũng còn có sự lựa chọn của bản thân; hiểu được bản thân có thể bất hạnh, trở thành bia bắn, trở thành cái đe, song vị tất đã không có khả năng trở thành đao kiếm, trở thành cái búa; hiểu được có chỗ người phụ ta và cũng có chỗ ta phụ người; hiểu được bản thân có vĩ đại và cũng có nhỏ mọn, có thiện và cũng có ác, có chính xác và cũng có sai lầm, có huy hoàng và cũng có phân chó; hiểu được ảo tưởng đẹp đẽ do không sát với thực tế nên sứt đầu mẻ trán là điều tất nhiên; hiểu được tình cảm phấn khích của tuổi trẻ tuy đáng quý song không đủ nhờ cậy; hiểu được mỗi một thế hệ, mỗi một cá nhân đều có vũ đài riêng, cơ hội riêng, hạn chế riêng, bi ai riêng và sự phấn khích sôi nổi riêng. Bạn đã nổi nóng, tôi cũng đã nổi nóng; bạn đã từng ngượng ngùng khó xử, tôi vị tất đã không ngượng ngùng khó xử. Tất cả những điều đó khiến cho một người già càng trở nên khả ái, tỉnh táo, thuần khiết, càng trí tuệ, càng quang minh, càng triết học thêm một chút.

Đương nhiên cũng có người già không làm được như thế: già thì càng thiên lệch, càng si ngây, thù hận tất cả; người không tiếp thu mọi sự phát triển theo thời gian cũng có. Mong rằng mọi người càng quan tâm và càng khoan dung với họ hơn, mong rằng họ cuối cùng trở về với sự hiểu biết thông thường, quy luật thông thường và tình cảm thông thường. Nếu họ có cảnh ngộ đặc biệt, có lựa chọn đặc biệt và nếu họ không ép buộc người khác phải quy phục thì cứ để mặc họ. Cầu mong họ cuối cùng được hưởng sự bình an trong những năm cuối đời.

Chúng ta thường nói không chịu già, tức là nếu không đáng chịu thì không chịu, ví như người già vẫn có thể, hoặc càng có điều kiện học tập hơn, không nên vì thấy già mà thỏa mãn, không muốn học nữa. Nhưng nếu đáng chịu già thì nhất định phải chịu. Tôi hồi trẻ vác một bao tải nặng đến hơn trăm ký, bây giờ thì vác không nổi nữa. Tôi chẳng có gì phải áy náy, đó là trời đã ban cho tôi sự miễn giảm đó, tôi không phải vác những bao tải nặng hơn trăm ký nữa. Tôi cảm ơn trời, tôi chẳng cần phải cố so bì khỏe với ai cả. Hồi trẻ mỗi bữa tôi uống 250g rượu, bây giờ tôi không còn muốn uống nữa nên cũng chẳng uống. Đó cũng là ơn huệ trời ban cho tôi, tôi có thể vui với cuộc sống không cần khoa trương và nhờ thế mà càng lành mạnh hơn.

Tôi thà không có bạn còn hơn là “dị hóa”

Trong cuộc sống của con người, tình bạn có lẽ có địa vị vô cùng quan trọng. Nhân sinh có được một người tri kỷ là đủ, câu nói này chứng tỏ bạn thật sự, tri kỷ thật sự không phải dễ mà có được.

Nhưng bạn cũng có thể dị hóa, ví như bạn rượu, bạn có thể lợi dụng lẫn nhau, bạn đến lúc mấu chốt thì bán rẻ bạn để cầu vinh. Bạn đi “ké xe” theo kiểu một người đắc đạo thì gà chó cũng lên trời(1), bạn chia chác không đều (nói khó nghe một chút là chia của ăn cắp không đều) thì trở mặt thành thù, bạn khi vui thì vỗ tay vào, đến khi hoạn nạn thì nào có ai, càng không cần nói đến nghĩa khí bạn bè giữa các thành viên trong băng nhóm tội phạm. Bất kể khi nào tôi cũng không thể tiếp thu cách nói: “Không nguyện sinh cùng ngày cùng tháng cùng năm, chỉ nguyện chết cùng ngày cùng tháng cùng năm”, tuy rằng nghe nói đó là ba vị hào kiệt Lưu Bị, Quan Vũ, Trương Phi thề như thế. Tôi cũng không sao hiểu nổi phương thức hành sự của Quan Vũ: vừa tỏ lòng trung thành với Lưu Bị, vừa có quan hệ ám muội với Tào Tháo.

Như thế là nói có loại bạn làm hỏng việc, có loại bạn là tội phạm, chí ít thì cũng có loại bạn rất thấp kém, rất không đáng gọi là bạn.

Sự lựa chọn của tôi là thà không có bạn còn hơn có bạn theo kiểu băng nhóm, theo kiểu tập đoàn hoặc theo kiểu phô trương thanh thế. Không nên khinh suất tạo ra kẻ thù, cũng không nên khinh suất kết bạn. Nếu nói về bạn thì thà nói hơi rộng một chút: những ai không có ý thù địch, không có vướng mắc xung đột, không có mâu thuẫn về lợi ích căn bản, thì đấy là bạn. Tôi từng bình luận về một người rất sốt sắng lập “băng nhóm” cho người của mình rằng: “Anh ta đã có băng nhóm, vậy phàm không phải là người trong băng nhóm của anh ta thì đều là người ở diện đối lập với anh ta rồi. Như thế lực lượng ở diện đối lập với anh ta cực lớn mạnh.”

Không có người bạn nào là tuyệt đối

Một số người tự cho là bất phàm, tự cho là vĩ đại hoặc thanh cao, sẽ rất khó trong việc kết bạn. Tâm họ cao hơn cả trời, họ hết sức nghiêm khắc đối với người khác, thái độ của họ có mùi vị lấy ta làm mốc.

Tôi cho rằng đối với người tri kỷ không nên yêu cầu hà khắc, nếu ai không thuận với mình, ăn ý với mình, hiểu lòng mình thì không thể là tri kỷ. Người với người không thể nào nhất trí hoàn toàn, giữa bạn bè không có nghĩa vụ phải giữ gìn nhất trí với nhau vĩnh viễn và tuyệt đối. Giữa vợ chồng, cha con còn khó có sự nhất trí vĩnh viễn và tuyệt đối nữa là. Hơn nữa, hoàn cảnh mỗi người mỗi khác, không thể việc gì cũng nhất trí. Thực ra, giữ được nhất trí là đã hàm ý không thật nhất trí rồi, bởi vậy không cần phí sức để giữ. Ví như có một số kẻ xấu mà bạn không muốn đếm xỉa, nhưng bạn của bạn lại vừa hay là cấp dưới của kẻ ấy, do đó bạn của bạn không thể cũng có thái độ không thèm đếm xỉa như bạn. Bạn của bạn có lẽ cũng giả vờ thù ứng vì anh ấy không dám làm phật ý thằng cha rất tồi tệ trong mắt bạn. Trong trường hợp đó bạn làm thế nào? Bạn tuyệt giao với bạn của bạn chăng (như thế chỉ có thể chứng minh bạn là một kẻ phát xít)? Hay là bạn thông cảm với anh ấy? Trên đời có rất nhiều việc, trong lòng có chủ ý là được, còn chi li từng tí là điều không thể. Cách xử sự mới có một câu không ăn ý là đã cắt phăng chiếu đang ngồi cùng nhau để tuyệt giao luôn là điều tôi rất khó tiếp thu.

Cách nhìn nhận và cách làm về một người, một việc, một quan điểm, có lẽ một người bạn nào đó của bạn không nhất trí với bạn, nhưng còn có rất nhiều người khác, việc khác và quan điểm khác; ở lĩnh vực rộng lớn hơn nhiều, bạn và bạn của bạn có khả năng hợp tác hoặc chí ít cũng giao lưu. Vậy thì làm sao lại có thái độ cực đoan, khuôn mình trong một nhóm bạn càng ngày càng nhỏ? Hơn nữa, lối đòi hỏi đã là bạn thì phải trung thành mãi mãi với mình, cho đến chết cũng chỉ có một người bạn ấy, phải chăng là thói xấu của băng đảng đen, thiếu hẳn thái độ khách quan hiện đại, dân chủ, lý tính và thái độ nhân sinh biết bao dung và nhẫn nại?

Lại nghĩ thêm, bạn của bạn đều là người trung thành với bạn, như thế thử hỏi họ là bạn hay họ là tập đoàn nhỏ do bạn tạo lập nên? Bạn của bạn đều là những người luôn luôn đồng ý với bạn, tán thành bạn, ca tụng bạn, luôn theo sát bạn; ở giữa họ, bạn toàn nghe thấy những câu vâng vâng vâng, tốt tốt tốt, đúng đúng đúng, anh minh, chính xác, tuyệt vời... biết đến khi nào bạn mới nghe được những lời nói thật lòng khó nghe, mới nghe được những sự thật không vui, mới biết được những sai lầm của mình và phản ánh không tốt của bên ngoài về mình, mới có được những thông tin trái chiều toàn diện và khách quan? Bạn làm như thế chẳng phải là tự phong bế hay sao? Trên đời này không có gì nực cười và đáng buồn bằng tự tạo lập một nhóm nhỏ rồi đóng cửa lại mà tâng bốc lẫn nhau, lên án kẻ thù, tố khổ kêu oan, giậm chân đấm ngực cho tới trở thành vở náo kịch khóc khóc mếu mếu, tự phong là đúng đắn và vĩ đại. Những người như thế đã tự làm u mê đầu óc, biến giả thành thật, cứ tưởng mình là hóa thân của chân lý, tiêu biểu cho sự đúng đắn và là trụ đá giữa dòng của lịch sử. Như thế chẳng khó chữa như uống lầm thuốc hay sao?

Lại nữa, bạn có thể đảm bảo 100% mọi sự lựa chọn của bạn đều cực kỳ chính xác, nghìn năm cũng không thay đổi được không? Nếu thái độ và cách xử trí của bạn đối với một người; một việc, một lý luận, một học phái nào đó chưa đủ là vàng mười; nếu cách đối xử với bản thân của bạn còn để lại những chỗ phải tranh cãi; nếu bạn rất chính xác, rất vĩ đại đấy nhưng theo thời gian trôi qua, theo tình thế biến đổi, cách làm của bạn có những chỗ phải điều chỉnh cho mới, nghĩa là nói bạn cũng có nhu cầu tiến cùng thời đại như mọi người, thế thì những người bạn không thật nhất trí với bạn về người này, việc này, quan điểm nọ chẳng phải là người giúp đỡ thích hợp nhất cho bạn hay sao? Ngược lại, nếu vừa lên chức bạn đã làm đến tột cùng sự việc, nói đến tột cùng lời nói và “diệt sạch” những ai không thật nhất trí với ý kiến và cách làm của mình thì bạn sẽ đẩy mình vào hoàn cảnh khó khăn biết mấy!

Tình bạn không tuyệt đối. Tình bạn không phải gánh nghĩa vụ về mặt pháp luật, cũng không được pháp luật bảo hộ. Tình bạn thật sự không cần và cũng không thích trỏ tay lên trời thề nguyền, vái lạy kết nghĩa kim lan, càng không cần suy tôn một đại gia làm thủ lĩnh rồi bán mình cho người ấy; càng đáng ghét hơn nữa là kết bạn theo lối có phúc cùng hưởng, có nạn cùng chia, lợi cùng hưởng chung. Đó là trò một người đắc đạo gà chó lên trời của xã hội đen.

Có một số người thích làm theo lối trên để được cái gọi là người của mình. Kết quả thì thế nào? Nếu thành công cũng cả nhóm mà thất bại cũng cả đàn, còn “người của mình” thì luôn chìa tay vòi vĩnh, bạn trở thành người mất hết danh dự, chẳng khác gì lòng dạ Tư Mã Chiêu, người đi đường cũng biết, cuối cùng trở thành chuột chạy qua đường, ai cũng muốn đánh, tiếng xấu bay xa, thế mà bạn còn thấy oan uổng. Như vậy hỏi có nực cười không?

“Quân tử chi giao đạm như thủy”(1), tổng kết này của người xưa có ý nghĩa thật sâu sắc. Bà ngoại tôi không biết chữ, chẳng biết cụ căn cứ vào đâu mà mỗi khi nói đến câu “đạm như thủy”, cụ lại bổ sung thêm một câu: “Tiểu nhân chi giao ngọt như mật”.

“Hữu nghị bất tất phải hữu nghị”

Tình bạn bao giờ cũng là hai chiều, hình thành một cách tự nhiên, không cần biểu lộ, không cần chứng minh, không cần bồi dưỡng và cũng không cần tổ chức. Nếu đã cần bồi dưỡng và tổ chức thì không còn là tình bạn nữa mà là lực lượng hậu bị nhằm chuẩn bị lợi dụng. Tôi có làm một bài thơ nhỏ nói về tình bạn:

Tình bạn chẳng cần chạm cốc

Tình bạn chẳng cần hữu nghị

Tình bạn chẳng qua chỉ là

Điều ta chẳng hề quên đi.

Tình bạn biểu lộ quá mức, nhấn mạnh quá mức khiến người ta cảm thấy khả nghi, cảm thấy có mùi vị biểu diễn và có mục đích khác.

Có lúc bạn sẽ phát hiện một người vốn rất thân mật với bạn, gần đây qua lại, liên hệ với bạn ít hẳn đi. Có người gặp trường hợp này đã sinh nghi, sinh lòng dạ hẹp hòi, như thế quả thật vô liêu lắm lắm. Giao lưu nhiều, qua lại nhiều, liên hệ nhiều cố nhiên đáng mừng, nhưng ít liên hệ, ít qua lại, ít giao lưu cũng chẳng có gì đáng lo. Mọi người đều rất bận, chẳng cần phải sáng chiều ba lần cúi đầu, sớm tối một nén hương. Mỗi người đều có hoàn cảnh của mình, khó mà nói hết cho bạn bè biết được. Một thời có suy nghĩ của một thời, một ngày có tình hình của một ngày, có thể vì tiết kiệm tiền điện thoại và tem thư, có thể đang vội chạy làm một việc gì đó, có lẽ tâm tình không được vui, có thể người không được khỏe, anh ấy hoặc chị ấy không thể gọi một cái là đến ngay, nở nụ cười tươi mãi mãi được. Đòi hỏi người khác như thế, nghĩ về người khác như thế thì bản thân việc đó đã xa rời thực tế rồi.

Vì thế, cho dù bạn bè có làm việc gì tôi cho là không tốt hay nói xấu sau lưng tôi, tôi cũng chưa bao giờ dùng những từ “phản bội tình bạn” để nói về anh ta. Nói phản bội cũng chẳng khác gì nói bạn và mình có nhiệm vụ hoặc đã ký kết phải trung thành với nhau. Như thế thì còn ra gì nữa?

Cuộc sống của người có bạn, nhất là bạn hay nói thẳng, khác với cuộc sống của người cô độc, không có bạn bè. Người có bạn tương đối chịu đựng được trở ngại, nghe được nhiều tin tức và lời khuyên thật lòng, điều chỉnh được tình cảm của mình, cho dù trong khốn cảnh và nghịch cảnh vẫn tương đối giữ được thái độ sống lành mạnh và lạc quan. Còn người không có bạn thì rất đáng buồn, rất dễ trở thành nhân tố tiêu cực trong xã hội.

Trong Đại học, một cuốn sách kinh điển của Trung Quốc có một mệnh đề “tri chỉ nhi hậu hữu định”(1) (định nhi hậu năng tĩnh, tĩnh nhi hậu năng an, an nhi hậu năng lự, lự nhi hậu năng đắc...)(2). Thế nào là “tri chỉ nhi hậu hữu định”? Tôi còn thiếu công phu khảo cứ nên chưa thể giải thích thật xác đáng, song từ mặt chữ mà xét và theo ý muốn chủ quan của tôi, mệnh đề này có thể giải thích về hai phương diện. Một là mục tiêu; biết mục tiêu của mình là gì thì ắt có sự theo đuổi ổn định, có phương hướng ổn định. Điều này rất dễ lý giải, không có gì là thừa. Hai là, tôi còn muốn giải thích một cách khác. Chỉ là hạn độ, làm ở chỗ nên làm, dừng ở chỗ không thể không dừng. Đối với người bạn tốt nhất của mình, bạn nên cần biết hạn độ của bản thân có thể nói, có thể làm, bất kỳ lời nói, việc làm nào vượt quá hạn độ đó đều là thiếu tôn trọng người khác, đều bị ngờ là bạn lấy mình làm thước đo để áp người khác phải làm theo. “Kỷ sở dục tất thi ư nhân”(1) và “kỷ sở bất dục khước thi ư nhân”(2) đều là không tốt. Đối với bạn là thế, đối với những việc khác lẽ nào lại không phải như thế? “Tri chỉ nhi hậu hữu định”, còn “bất tri chỉ” thì sao? Há chẳng những không ổn định mà còn mất cả chuẩn mực, mất cả khuôn thước hay sao?

Hoài cựu và phẩm vị

Ngồi cùng bạn già có một việc rất thú, đó là hoài cựu - nhớ lại chuyện cũ.

Bạn già là người rất đáng trân trọng. Không có họ, ai có thể cùng bạn ôn lại bè bạn ngày xưa, tình cảm sôi nổi ngày xưa, chuyện buồn cười ngày xưa, chuyện thú vị cùng kinh nghiệm, trải nghiệm ngày xưa?

Ôn lại chuyện ngày xưa cùng bạn bè khiến bạn cảm thấy cuộc đời này là thực tại, không sống uổng phí, không cô đơn vì dù sao cũng có bạn cùng hưởng niềm vui, nỗi buồn của những việc đã qua. Ngày xưa đã qua đi rồi mà còn có hồi ức, còn có điều hồi tưởng và có người khóc, cười với chúng.

Cũng có kiểu hoài cựu rẻ tiền, đó là cho rằng chỉ thời đại thanh xuân của mình là vĩ đại nhất, cao thượng nhất, không có điều gì phải oán thán, phải hối hận nhất, chỉ có hiến thân và ý thơ, do đó người của thế hệ mình là không tiền khoáng hậu(1) v.v... Cả những “Hồng vệ binh” và thanh niên trí thức lên núi xuống làng năm nào cũng hoài cựu như thế. Điều đó cũng không trở ngại gì lớn, nó chỉ chứng tỏ họ đến già mà vẫn chưa lớn lên được. Cho rằng nay đúng xưa sai một cách đơn giản, hoặc ngược lại xưa đúng nay sai cũng đơn giản như thế đều là quá thông tục và ấu trĩ, quá đơn giản và quá “mì ăn liền”.

Kết quả của hoài cựu nên là người hồi tưởng trở nên thông minh hơn chứ không phải càng trở nên hồ đồ, càng thoát ly hiện thực, càng khua chiêng đánh trống và cảm thấy sai nhưng cứ tặc lưỡi làm tiếp.

Niềm yêu thích cá nhân cũng là một loại văn hóa

Trong một số trường hợp nào đó, có hay không niềm yêu thích cá nhân quả thật đã có tác dụng rất lớn đối với việc điều tiết, cân bằng tâm lý của bản thân. Có một chút yêu thích cá nhân và từ đó có được niềm vui vô hạn khác rất xa với cuộc sống của người ngoài chuyên môn, công tác và sự vụ chính trị ra không hề có hứng thú nào khác. Loại người thứ nhất tương đối biết điều chỉnh tâm tình của mình, gặp phải việc khó biết thả lỏng một chút, đợi đến khi bình tĩnh hơn, ung dung hơn, suy nghĩ chu đáo hơn thì sẽ quyết định hoặc phản ứng lại. Loại người thứ hai sẽ sa vào lò hưng phấn rồi không rút chân ra được, chỉ biết một mực căng thẳng, nôn nóng, buồn bực, khó xử, suy nghĩ nát óc, lo lắng khôn nguôi, tim đập thở gấp cho đến khi suy sụp tinh thần.

Niềm yêu thích cá nhân là một cách nghỉ ngơi, song không chỉ là nghỉ ngơi mà còn là sự theo đuổi trạng thái lành mạnh cho thân thể và tâm hồn. Tuy trên đời có rất nhiều chủ trương cao siêu và ly kỳ, song có một điểm không cần dị nghị: khi thân thể và tâm hồn đều khỏe mạnh thì dễ lựa chọn đúng đắn, làm bất kỳ việc gì cũng dễ làm đến nơi đến chốn, dễ có hiệu suất, nhất là tương đối dễ nhận ra sai lầm của mình để tùy lúc mà điều chỉnh.

Niềm yêu thích cá nhân cũng là một loại văn hóa. Không có niềm yêu thích nào thì chẳng những không thể ca hát nhảy múa mà còn không thể có triết học, toán học; chẳng những không thể có rượu, có thời trang, có công nghệ phẩm, có đồ trang sức và sưu tầm đồ cổ, cũng không thể có thơ, có tiểu thuyết, có hý kịch, có họa, có nhạc giao hưởng, có thiên văn học, có lôgích học, có máy tính và có kỹ thuật số.

Tôi đã phát hiện ra một quy luật ở trong nước và cả ngoài nước: người giáo dục tốt hơn, tố chất văn hóa cao hơn một chút thì niềm yêu thích tương đối nhiều hơn, rộng hơn, sâu hơn và thú vị hơn. Niềm yêu thích tạo nên tố chất văn hóa cho họ, ngược lại, tố chất văn hóa của họ cũng tạo nên niềm yêu thích cao thượng và thú vị nhân sinh cho họ. Người không được giáo dục ở mức cần có, trong thực tiễn lại không để tâm học tập nên tố chất tương đối kém thì niềm yêu thích của họ cũng kém: không những họ không đọc sách, đọc báo mà còn không nghe nhạc, không sưu tầm tem, không bơi, không xem triển lãm, không tiếp xúc với bất kỳ tác phẩm nghệ thuật nào, không đánh bóng, không xem đánh bóng, không đi dạo, không bơi; yêu thích của họ nhiều nhất là uống rượu, ăn thịt động vật quý hiếm mà ngành bảo vệ môi trường cấm ăn, thậm chí có người chỉ hạn chế niềm yêu thích xấu xa của mình trong ba khoản: phim ảnh đồi trụy, đánh bạc và xài ma túy.

“Nhập hồ kỳ nội” và “xuất hồ kỳ ngoại”

Yêu thích cũng có muôn ngàn thứ khác nhau. Có người công việc là niềm yêu thích nhất bởi vậy mới có những tên gọi “cuồng công tác”, “cuồng họp”, “cuồng sáng tác”, thậm chí chỉnh người cũng thành nghiện hoặc quên ăn quên ngủ để trau dồi học vấn. Những yêu thích đơn nhất này có mặt tốt song cũng có mặt không tốt. Mặt tốt tôi đã nói ở phần trước, tức là tôi chủ trương “thiên tài tức tập trung tinh lực”. Mặt không tốt tức là làm bất kỳ việc gì một khi đã chui vào được thì cũng phải nhảy ra được, đúng như Vương Quốc Duy đã nói, tức là có thể “nhập hồ kỳ nội” rồi lại có thể “xuất hồ kỳ ngoại”. Không chui vào - nhập hồ kỳ nội thì bạn chẳng làm tốt được bất cứ việc gì. Không nhảy ra - xuất hồ kỳ ngoại thì bạn chẳng dễ đánh gi 8000 khách quan về mình, nhất là khi lầm lẫn hoặc thiếu sót thì bản thân cũng không tự biết. Điều này càng rõ rệt hơn trong công việc sáng tác: trong giây phút vừa viết xong, vừa hoàn thành bản thảo, bạn thường tự cho rằng mình đã viết được một tuyệt tác, thường xúc động mãi không thôi. Rất đơn giản là nếu bạn không xúc động thì đã không thể có được động lực để theo đuổi công việc sáng tác trong thời gian dài và nỗi cô đơn hiu quạnh. Song xúc động và kích động lại thường che mắt người ta, khiến người ta tự thưởng, tự khen không biết đến đâu là cùng. Tục ngữ nói văn thì văn mình là hay nhất, một phần lý lẽ chính là ở chỗ này. Tôi từng gặp một tác giả, người này thực ra viết cũng chưa ra sao song khi nói về tác phẩm của mình, người khác nghe chưa biểu hiện gì thì anh ta, hoặc chị ta, đã nước mắt ngắn, nước mắt dài, đấm ngực giậm chân, không làm sao thoát ra khỏi tình trạng tự si mê. Không biết bao giờ thì người ta mới có thể tương đối khách quan, tương đối siêu thoát đối với tác phẩm của mình, với ngôn luận, với hành vi và kiến giải của mình?

Sự siêu thoát không có mức độ chắc chắn là thiếu lý trí, thiếu khách quan, thiếu toàn diện, thiếu nhìn thẳng vào bản thân, thiếu tự điều tiết do đó không thể phát triển và tiến bộ được. Còn chỉ biết tự cao tự đại, khua chiêng đánh trống, tự oán tự trách, tự khóc tự làm ồn, tự nói tự biểu đạt, khoe công thối, mê mẩn hợm, kích động mù, trữ tình loạn là những thói cực kỳ đáng ghét.

Không nên khiến người ta ghét

Người trên đời chẳng những phân chia thành người tốt và kẻ xấu mà còn phân chia thành kẻ đáng ghét và người không đáng ghét nữa. Trong số những đáng ghét, thường thấy nhất là những người tự cho mình cao tới mức vượt tiêu chuẩn, ngoan cố không chuyển hóa, gặp người là kể cho nghe mình đã công kích ai, một chút lý lẽ cùn cứ không ngừng lặp đi lặp lại, bất kể người ta có thích nghe hay không vẫn thao thao bất tuyệt, xâm chiếm người khác không biết đâu là dừng, thậm chí cưỡng gian người ta, kìm kẹp người ta về mặt tinh thần. Tôi thành tâm chúc cho những người ấy có một chút yêu thích, cho dù là yêu thích vô liêu nhất, mong họ chơi thêm vài ván mạt chược hoặc xếp hàng dài vài lần, mong họ đánh thêm vài ván trăm phần trăm hoặc chui gầm bàn(1) thêm vài lần, mong họ hút thêm vài bao thuốc lá, uống thêm vài chén rượu nước hai, chỉ cần họ bớt tố khổ, bớt phàn nàn, bớt khoe khoang nói khoác đi là được. Thậm chí cho dù họ có bồ bịch, có quan hệ nam nữ không chính đáng hơn một chút, bởi vì loại việc này dù sao liên quan cũng không lớn lắm, vả nếu làm quá mức thì đã có luật pháp và dư luận đạo đức hỏi thăm họ, thì họ sẽ bớt được chút ít khoác lác và công kích, bớt một chút dung tục và tự nói về mình. Dân gian có câu tục ngữ nên nhớ, đó là “Nói khoác không phải nộp thuế”!

Một mặt khác của niềm yêu thích mang tính chất học tập, làm phong phú cho mình, ví như đọc sách, thưởng thức tác phẩm nghệ thuật như âm nhạc, mỹ thuật, hý kịch và phim tương đối có phẩm vị, sưu tầm tem, du lịch, chơi đồ cổ... Niềm vui và tri thức trong những hoạt động trên là vô cùng. Có niềm yêu thích liên quan đến hoạt động rèn luyện thân thể như đánh bóng, leo núi, bơi, nhảy múa... Từ nhỏ tôi đã không được khỏe nhưng tôi luôn thích rèn luyện thân thể, lúc lớn lên càng thích bơi. Tôi nhiều lần thổ lộ với người khác rằng sự hưởng thụ cao nhất của tôi, nguyện vọng lớn nhất của tôi là mùa hè được ra biển, ở đấy sáng viết, chiều đi bơi, như thế thật là sướng hơn cả thần tiên!

Còn có niềm ưa thích cải thiện được hoàn cảnh sinh sống và điều kiện sinh sống của mình. Cho dù những năm trong “Cách mạng Văn hóa”, tôi sống rất gian khổ ở Tân Cương nhưng thỉnh thoảng tôi lại thay đổi cách sắp xếp trong phòng, học cách nấu mấy món ăn, thay rèm cửa sổ, cửa ra vào, tạo cho mình chút cảm giác mới. Đương nhiên, niềm yêu thích nhất là cuộc sống, cuộc sống thật kỳ diệu và thú vị, bao hàm rất nhiều điều có thể làm.

Thậm chí những niềm yêu thích khác không gọi được là lành mạnh, là cao cấp cũng phần lớn tương đối hữu ích, ví như tìm bạn uống chơi mấy chén, đánh vài ván bài, tán gẫu... Càng những lúc không vui càng nên tìm cách làm cho mình vui; cho dù không làm mình vui lên được thì cũng nghĩ cách chuyển đổi sức chú ý, chỉ cần quên phắt chuyện không vui nhất trong mười lăm phút cũng tốt. Có mười lăm phút để quên là có thể có sự cân bằng, bình tĩnh trong một giờ, mà tình bĩnh trong một giờ thì kết quả có thể là tìm được lối thoát nơi ngõ cụt, có thể là tìm ra ánh sáng, nhìn thấy hy vọng trong đêm tối. Nói hơi khoa trương một chút thì điều đó có thể mở đầu cho việc thay đổi thế giới quan của bạn, mở đầu cho bước ngoặt số phận của bạn.

Vui chơi: một loại thiên tính của loài người

Vui chơi giải trí có địa vị rất thấp trong văn hóa truyền thống của Trung Quốc. Trong một số thành ngữ của chúng ta, vui chơi được nói đến như một mặt trái, ví như “nghề tinh ở chuyên cần, hỏng ở vui chơi”, người nào đam mê một niềm yêu thích thì bị chúng ta gọi là “ngoạn vật táng chí”(1) v.v... Thực ra vui chơi là thiên tính của nhân loại, là hoạt động vốn có của loài người, hơn nữa sự phát triển của rất nhiều sự nghiệp học thuật đều liên quan đến động cơ vui chơi. Ví như nghệ thuật, toán học, hàng hải, vật lý, hóa học và sinh vật. Ít nhất cũng là người nào giữ được lạc thú vui chơi bình thường thì tâm thái cũng tương đối bình thường, đầu óc tương đối linh hoạt. Ở đây có rất nhiều vấn đề phức tạp còn cần chúng ta suy nghĩ và nghiên cứu thêm.

“Game”, “play” trong tiếng Anh dường như không mang ý “chơi bời” trong vui chơi, bỏ bê nghề chính như trong Hán ngữ. “Á vận hội” là “game” của châu Á. “Á vận hội” là “game” Olympic, còn thi đấu công bằng là “fair play”. Năm 2002, trong thời gian giải bóng đá tranh cúp thế giới tổ chức ở Nhật và Hàn Quốc, mở đầu cho mọi tiết mục truyền hình đưa tin thi đấu bao giờ cũng có hai chữ “fair play”. Điều này đương nhiên không phải thách thức với Lỗ Tấn(2) mà muốn nói tới một nguyên tắc cơ bản trong các cuộc thi đấu thể thao, một khẩu hiệu cơ bản của thi đấu bóng đá. Lỗ Tấn nói hãy khoan thực hiện “fair play” đối với cuộc đấu tranh giai cấp ở Trung Quốc nửa thuộc địa nửa phong kiến thời trước dưới ách áp bức của ba tòa núi lớn(1) chứ không phải nói về bóng đá. Tôi cho rằng nước Trung Quốc mới xã hội chủ nghĩa ngày nay đã thực hiện kinh tế thị trường, đấu tranh giai cấp không còn là cương lĩnh nữa, thế mà còn chưa thi đấu công bằng thì đó là điều không thể tưởng tượng nổi. Cho dù là năm xưa, Lỗ Tấn cũng chỉ nói khoan thực hiện chứ không phải không bao giờ thực hiện. Đó là điều rất dễ thấy, không cần tranh cãi. Hiểu khoan thực hiện thành không bao giờ thực hiện, như thế mới là xuyên tạc Lỗ Tấn. Chữ “play” ngoài nghĩa vui chơi ra, còn có thể hiểu là phát sinh ảnh hưởng, sắm vai, diễn, vận chuyển, thậm chí là kịch bản. Còn “game” còn có nghĩa là thi đấu, quy tắc, sách lược, vật săn, dũng cảm, mạnh dạn, hưng phấn, lần lượt. Có lúc tôi nghĩ Á vận hội dịch thành “Á hí hội” phải chăng sẽ có lợi, không khiến cho cuộc đua tài này trở nên quá mức chính trị hóa, vinh dự dân tộc hóa, chỉ được thắng chứ không được thua? Còn một số hoạt động của chúng ta nếu dịch là “play”, là “game” thì phải chăng sẽ nâng cao được hương vị vui chơi một chút, đồng thời giảm bớt được một chút khoa trương và dễ sợ?

Đương nhiên đó là nói cho vui. Trình độ tiếng Anh của tôi khiến tôi không xứng với những vấn đề về “play” và “game”.

Chỉ có sở trường chuyên môn


là chỗ dựa vững chắc

Cách nói người già nên có sở trường chuyên môn cũng thật thú vị. Chính mắt tôi đã thấy một số người có sở trường chuyên môn khi về già, rời cương vị công tác chính thức của mình rồi là lập tức bắt tay vào công tác nghiệp vụ. Họ thật là người về đúng vị trí của mình, vừa hay có cơ hội để dùng một lượng thời gian lớn hoàn thành những cuốn sách mà từ lâu đã muốn hoàn thành nhưng do việc quá nhiều nên không cách gì hoàn thành được. Họ vừa hay trở về với vấn đề chuyên môn mình đã làm cả đời, vừa hay lấy tư cách chuyên gia một phương diện nào đó, một lĩnh vực đặc thù nào đó để tham gia hoạt động nghiệp vụ quan trọng; vừa hay có dịp truyền nghề, truyền đạo, giải đáp chỗ chưa rõ, bồi dưỡng người kế tiếp về mặt nghiệp vụ. Họ hoàn toàn có thể thích ứng với việc chuyển đổi vai trò, mặt này vừa hạ đài, chào khán giả thì mặt khác lại lên sân khấu cúc cung, không hề có khoảng trống, không cảm thấy trống vắng, khổ não, không phải oán trách, thậm chí không cần đến cả thời gian quá độ. Cho dù sở trường của họ chưa đủ trường, chưa viết được sách chuyên ngành hoặc không hướng dẫn được nghiên cứu sinh, nhưng ít nhất họ cũng có hứng thú đặc thù, có hướng đi cố định cho tinh thần, có mục tiêu đọc sách và học tập, không đến nỗi vừa rời khỏi cương vị chi đó là hồn siêu phách tán.

Người không có sở trường chuyên môn và hứng thú nghề nghiệp, người chỉ biết họp hành, trò chuyện, nhận điện thoại thì khi rời khỏi cương vị sẽ khó xử hơn nhiều. Không còn ai gửi thông báo mời ông đến dự cuộc họp quan trọng nữa, không còn ai đuổi theo để bắt chuyện nữa và cũng chẳng thấy ai gọi điện đến nữa. Làm thế nào đây? Hãy tạm thời nắm lấy một nghiệp vụ nào đó, cứ tạm thời nắm lấy cái đã, còn hơn là không nắm một việc gì. Chính mắt tôi cũng đã thấy một lão đồng chí như thế. Người thì thật tốt, sau khi rời khỏi cương vị sáng nào cũng hút thuốc, điếu này chưa hết đã mồi lửa luôn điếu sau, một ngày hút đến mấy bao thuốc mà chỉ cần có một que diêm. Cứ như thế hút hơn một năm thì chẳng may mắc bệnh phổi, thế là ra đi. Đáng tiếc thay!

Còn có người vốn dĩ có sở trường chuyên môn nhưng khi đã có một chức vụ nào đó thì bỏ luôn chuyên môn của mình, thậm chí còn không hoan nghênh khi người khác nhắc đến sở trường cũ, sợ rằng người ta không coi mình là vị chỉ huy trời sinh, lẫn lộn mình với nhân viên chuyên nghiệp. Tâm thái đó hại người, hại ta quá lắm, thật là sai lầm. Cuối cùng ông ta trở thành Võ Đại lang(1) chơi xà đơn, cả hai đằng chính trị và nghiệp vụ đều với không tới.

Chúng ta vẫn nên làm chủ cuộc sống. Tốt nhất chúng ta nên sớm có niềm yêu thích, có gì để đi sâu, có nghiệp nào đó để làm. Chúng ta càng nên có thói quen học tập và niềm vui học tập, nên khai phá một vùng đất lớn cho việc học tập. Học tập chẳng cần ai phê chuẩn, chẳng cần kéo dài thời hạn, cũng chẳng cần mời làm việc lại sau khi về hưu. Học tập là niềm vui sướng nhất, sở trường chuyên môn là chỗ dựa vững chắc nhất.

Châm ngôn:
“Tiếu hướng tịch dương mịch cổ thi”

Nhiều bạn già của tôi rất thích thơ và từ cổ, mà thơ và từ cổ Trung Quốc chứa đựng một số lượng lớn trải nghiệm và kinh nghiệm nhân sinh. Một số câu trong thơ, từ cổ thường được tôi ghi nhớ rồi dẫn ra để phát huy, từ việc này suy ra việc tương tự, rồi trở thành châm ngôn về nhân sinh của tôi.

“Hải thượng sinh minh nguyệt, Thiên nhai cộng thử thời”(1). Đây là câu mở đầu cho việc đọc thơ Đường của tôi, gợi mở lòng tôi ôm lấy vũ trụ. Nhìn thấy một vầng trăng sáng nhưng nghĩ tới lại là chân trời góc bể, từ nơi này nghĩ tới nơi kia, từ gần tới xa, niềm thương nhớ mãi mãi trải dài và mở rộng, tỉnh táo nhưng đa tình nhận thức ra, ý thức tới vầng trăng sáng này không phải chỉ chuyên trong và sáng cho riêng mình, còn có bao nhiêu bạn bè, hàng xóm đều tắm trong ánh trăng ấy; miền biển này cũng chẳng phải tồn tại đơn độc mà liên kết với châu lục, đại dương, góc bể, chân trời. Hỡi ôi, tráng lệ biết mấy!

“Thương hải minh nguyệt châu hữu lệ, Lam Điền nhật noãn ngọc sinh yên”(1). Hai câu thơ của Lý Thương Ẩn dường như là hệ tham chiếu, tột cùng, chung cực; là thế giới ban đầu không có loài người, không có tự ngã. Câu đầu mênh mang hỗn độn, thê lương thần bí, lặng lẽ đóng khung ở đó, khiến mọi ý nghĩ trần tục của con người phút chốc tiêu tan, khiến người ta không còn tính toán tới một chút việc ở ngay dưới mũi. Cảm giác nghi hoặc, sợ hãi đó tốt cho những ai đầu óc hôn mê đến cực đoan và cực đoan đến hôn mê theo chủ nghĩa anh hùng cá nhân, theo thuyết duy ngã, thuyết duy ý chí, thuyết độc đoán, thuyết tốc thắng v.v... Câu thứ hai thì tĩnh đến cùng cực nên muốn động, từ không sinh ra có, dường như bước vào thời kỳ chuẩn bị cho sinh mệnh, bước vào hoạt động tự điều hành của vũ trụ. Bi cực thì hỉ, lạnh cực thì nóng, khói ngọc tuy mờ mịt nhưng dù sao cũng có mấy phần ấm áp, có mấy phần uốn lượn theo thế đi lên. Thế là có sự chờ đợi song chưa phải là khao khát, có sự ngắm nhìn song chưa phải ngưng tròng mắt, có vẻ đẹp song chưa tới mức diễm lệ; có điều hy vọng song chưa tới mức kiên trì giữ ý định. Tùy thời có thể làm được điều gì đó và tùy lúc cũng có thể nhảy ra ngoài.

Đó là một tiền đề, một điểm xuất phát, không thể tự ngã song có lòng trời, không có vận động song có ấp ủ, không có nhân sinh song đang chuẩn bị. Có sự mờ mịt như thế nhưng không trở về hư vô, có sự kính sợ như thế song lại không đi tới chỗ đóng khít. Đứng trước một chuẩn chung cực như thế, người ta dường như có thêm một chút trí tuệ và ung dung, có thêm một chút tha thứ và rộng mở, thế là có thể nói sang việc khác rồi.

“Minh nguyệt tùng gian chiếu, thanh tuyền thạch thượng lưu”. Hai câu thơ của Vương Duy dường như không có ý gì sâu sắc song bao hàm một lý lẽ là vạn vật tự do tự tại. Thông che ánh trăng nhưng không che nổi, cái sự che của thông chỉ làm tăng thêm lớp lang và dáng lập thể của trăng, còn sự phản chiếu của trăng cho thấy dáng hình và vẻ thanh tĩnh đẹp đẽ của thông. Thông và trăng tương phản nhau nhưng lại phối hợp với nhau, trái ngược nhau nhưng lại rất tương đắc. Nếu ánh trăng không bị che chắn, nếu ánh trăng chiếu trên biển lớn, thì đã hàm các ý như trong hai câu thơ nói trên của Lý Thương Ẩn trở thành thời kỳ trước khi có sử rồi. Nếu ánh trăng chiếu trên sa mạc thì lại quá im lìm, hiu quạnh. Nói ngược lại là nếu không có ánh trăng, tư thái cùng sự phân bố của thông làm sao có thể được người cảm nhận? Đá và nước cũng vậy. Đá chắn dòng chảy, tạo nên thế nước, ngấn nước, sóng nước, bọt nước; nước rửa sạch đá nhưng lại làm đá thay đổi hình dáng. Nước chảy đá mòn mà lại! Trăng sáng chiếu giữa rặng thông, nước suối trong chảy trên đá, chim ưng xuyên qua bầu trời bao la, cá lượn dưới dòng nước nông, hoa xuân trăng thu khi nào hết! Ngoài rèm mưa rào rào, nơi màu xanh tươi tốt, nơi màu đỏ thanh mảnh, hai con chim hoàng ly hót trong rặng liễu biếc, một hàng cò trắng bay lên trời xanh, khói cô liêu bốc lên thẳng đứng trên sa mạc mênh mông, còn mặt trời lặn thì tròn vành vạnh trên sông dài...(1), tất cả, tất cả đều khiến người ta cảm thấy đạo trời có bất biến, vạn vật cũng có định số, chỗ này mọc lên, chỗ khác mất đi nhưng đều thích đáng. Đương nhiên sự hằng thường bất biến ấy, cái đạo ấy, cái định số ấy đều không cứng nhắc; sự vật có mặt đã tồn tại là hợp lý, lại có mặt tồn tại hợp lý mãi mãi. Trong thường, đạo, định, số đều bao hàm sự biến đổi cùng nỗ lực chủ quan của mỗi người. Nhưng cho dù để biến đổi một hiện trạng nào đó thì trước hết cũng phải làm rõ lý lẽ hiện trạng là thế này chứ không phải là thế kia. Muốn thay đổi cái gì thì trước hết phải hiểu cái đó. Sự thay đổi thiếu hiểu biết hầu hết đều không đạt hiệu quả, hoặc chỉ có thể là hiệu quả ngược lại.

“Vấn quân năng hữu kỷ đa sầu, Hạp tự nhất giang xuân thủy hướng đông lưu!”(2). Nhân sinh của Hậu chủ đời Nam Đường chẳng có gì đáng nói, điều mà hai câu từ nói trên biểu đạt cũng vốn là tình cảm tiêu cực, nhưng khi đọc lên, tôi lại thấy trong tiêu cực có phóng khoáng và rung cảm, có sảng khoái và khí khái lớn, do đó, rất hay. Sầu tuy nhiều nhưng đẹp như sông nước mùa xuân, cuồn cuộn đầy ắp, rộng lớn như sông dài, sầu thì cho cả một dòng sông xuân cùng sầu để rồi cùng trôi đi và như thế cũng là từ biệt với sầu!

“Núi cao trăng nhỏ, nước rút đá nhô”, hai câu thơ này không phải rút trong thơ hoặc từ mà rút trong bài phú Xích Bích của Tô Đông Pha, phản ánh rất thú vị tính tương đối của sự vật. Trăng đâu phải nhỏ nhưng vì núi cao nên trở thành nhỏ; đá đâu phải là muốn nhô lên mà vì nước rút nên mới xuất đầu lộ diện. Bạn muốn trăng sáng nhỏ đi một chút? Không có cách nào trực tiếp song có thể tìm bằng cách lên núi cao nguy nga. Bạn muốn thấy diện mạo thật của đá dưới nước chăng? Hãy tháo cạn ít nước đi, hoặc ít nhất hãy chờ đến mùa nước cạn thì ắt thấy.

Mặt khác hai câu thơ trên cũng chứng tỏ tính tuyệt đối của sự vật. Núi có cao hơn nữa, bạn cảm thấy trăng có bé hơn nữa, song thực ra trăng không hề bé đi mà vẫn như thế; nước có cạn hơn, đá lộ ra có nhiều hơn, nhưng thực ra đá không hề di động mà cũng không có ý chuyển động; đá vẫn giữ nguyên sự ổn định, khi nào nước dâng to thì chúng lại ẩn mình dưới nước như cũ. Chẳng phải trong cuộc sống thường ngày bạn cũng thường thấy cái này nhỏ đi, cái kia nhô ra đó sao? Phải chăng cũng vì không được nhìn thấy diện mạo vốn có của sự vật mà thấy núi cao tưởng lầm rằng trăng nhỏ đi, thấy nước rút tưởng lầm rằng đá muốn nhô lên chạy? Đứng trước các hiện tượng thiên nhiên, chúng ta mới nông cạn và ấu trĩ biết bao!

“Mạc đối cố nhân tư cố quốc/ Thả tương tân thủy thí tân trà/ Thi tửu thừa niên hoa”(1). Mấy câu thơ này của Tô Đông Pha có mấy phần phóng khoáng. Mỗi khi ngâm lên, bất giác tôi lại mỉm cười, gạt đi màn sương. Tôi không thích những câu đại loại như “hoài tài bất ngộ”(2). Người tài mà một chút sảng khoái cũng không có thì sao gọi được là tài tử? Giả mạo, yếu kém đấy thôi. Chớ tưởng Đông Pha tiên sinh cả đời chỉ có thơ, rượu, với trà mà tiên sinh còn làm rất nhiều việc lớn, chí ít cũng là những việc mà đương thời người cho là quan trọng. Đã thế, ông còn mãi mãi giữ được hứng thú của con trẻ đối với lửa, trà, thơ, rượu, như vậy chẳng phải rất tốt hay sao?

“Sơn trùng thủy phúc nghi vô lộ/ Liễu ám hoa minh hựu nhất thôn”(3) là câu thơ mà người ta hay trích dẫn nhất. Nói chung, khi dẫn câu thơ này là để nói người ta không nên khinh xuất chối bỏ hy vọng, rất nhiều sự việc đều gặp cơ hội sống ở nơi đường cùng hết lối. Khi lý giải và vận dụng hai câu thơ này, tôi thấy chúng bao hàm một nội dung thân thiết, tích cực và chủ động hơn nhiều. Chúng còn bao quát một sách lược công tác và đấu tranh, nghĩa là không bám chằng chằng, không tranh cãi mãi, không chui vào ngõ cụt khi lên cơn hưng phấn. Bạn cần phải tùy lúc mà mở ra một chiến trường, chiến tuyến mới, đầu đề mới, cách nghĩ mới và góc độ mới. Có lúc cuộc thảo luận một vấn đề gì đó sa vào bế tắc, có lúc một câu nói, một việc nào đó của bạn bị xuyên tạc, bị hiểu lầm, bị thổi phồng, bạn cứ bám riết lấy những điều đó thì chẳng thể có hiệu quả, trái lại còn trúng kế của kẻ khuấy nước đục. Kẻ khuấy nước đục không chịu sáng tác, không nghiên cứu lý luận, không dịch thuật mà cũng không làm công việc thực tế nào, họ chỉ lăm le sinh sự, kiếm chuyện, tìm cớ, chui kẽ hở. Điều họ sợ nhất là không có ai để ý đến họ. Sa vào cuộc tranh luận với họ thì mới là núi trùng điệp, sông quanh co, thật hết lối! Làm thế nào? Không để ý đến họ, hãy mở ra một chiến trường mới.

Đối với người tập trung tinh lực theo đuổi công việc có tính xây dựng thì đề mục mà người ấy phải làm, lĩnh vực mà người ấy động chạm tới, vấn đề mà người ấy cần thảo luận, ý kiến mà người ấy muốn cống hiến, bao giờ cũng rất nhiều. Nếu là bạn thì đề mục do bạn chọn, lĩnh vực cũng do bạn định đoạt, quyền chủ động cần phải được nắm trong tay bạn.

Đây là một sách lược, nhưng lại không chỉ là một vấn đề sách lược, bởi vì chỉ khi nào bạn có tầm nhìn rộng rãi bao dung, có kiến thức chạm đến vấn đề tương tự là thông hiểu, biết xử lý ngay, có trí tuệ đưa ra một mà hỏi lại được ba, có khí phách cao vời vợi, có tu dưỡng được tin dùng hay bị nhục đều không hoảng hốt, thì lúc ấy bạn mới thông thạo có thừa, nghĩ thế nào là tay làm được thế ấy, thoát ra khỏi cuộc tranh cãi vô vị, tránh né được sự công kích nhân thân cá nhân vô nghĩa, không dính phải vết nhơ của những lời vô căn cứ, tránh khỏi những cuộc đấu đá trong quan hệ với người làm ruỗng nát và tiêu ma ý chí. Lúc ấy bạn mới có thể làm những việc bạn muốn làm và cần phải làm, mới có thể không làm những việc bạn không muốn làm và vô ích đối với mọi người. Như thế tức là nói, một thôn mới ở nơi liễu rậm hoa sáng là do bạn sáng tạo mà có.

“Thử thời vô thanh thắng hữu thanh”(1), câu này có thể phát huy để nói về cái hay của sự im lặng, không cần tôi phải nói thêm gì nhiều. Điều đáng than thở là có không ít người đã cố gắng suốt đời để làm được việc nói gì, song lại chẳng làm nổi việc không nói gì và không biết nói gì; làm được việc nói cho hay song chẳng làm được việc nói không hay; thậm chí làm tới mức vượt khỏi điều gì cần nói thì phải nói song lại chẳng làm được điều gì chẳng cần nói thì không nói.

“...Mà nay biết hết mùi vị sầu/ Muốn nói rồi thôi/ Muốn nói lại thôi/ Mà bảo mát trời đẹp tháng thu.” Đằng sau nhiều lời đã nói còn có lời muốn nói, chẳng khác gì đằng sau mát trời đẹp tháng thu là nỗi buồn khổ vô hạn. Phía sau rất nhiều việc còn có việc, không phải chỉ là những thứ bề ngoài. Khi nào mới có thể phán đoán rõ nội hàm và lý do của mỗi việc, mỗi lời đây? Lúc nào mới khiến ngôn ngữ hành vi của mình cũng có thêm một chút hàm nghĩa đây?

“Có ý trồng hoa, hoa chẳng sống/ Vô tâm cắm liễu, liễu thành hàng” là hiện tượng thường thấy. Câu này có hai nghĩa: một là, người ta thường không thể dự kiến hậu quả hành vi của mình, người ta thường định vào nhà này thì hóa ra lại vào nhà kia; hai là, cố gắng quá mức, can dự quá mức, mong đợi quá mức thì thường gặp phải tác dụng ngược lại, những sự quá mức ấy trở thành vật chướng ngại để hoàn thành công việc.

“Trời sinh ta tài ắt có chỗ dùng/ Ngàn vàng rải hết rồi lại có”(1). Đây là một trong những câu thơ tôi thích nhất. Sao mà lạc quan, tự tin đến thế? Tài bao giờ cũng có chỗ dùng, có lúc có thể phát huy vượt mức, có lúc lại bị nhiều điều kiện hạn chế. Song hạn chế chẳng phải để khích lệ, thách thức, khảo nghiệm và vời gọi tài hoa đó sao? Tài hoa mà chỉ ngợi khen, tâng bốc, dỗ dành mới phát huy được thì còn gọi gì là tài hoa nữa? Xưa nay trong nước hay ngoài nước, tôi đều không thích cách nói “hoài tài bất ngộ”. Ví như Giả Nghị(2), tính cách ấy có thể gánh vác được việc lớn không? Văn nhân nghị luận có lúc chỉ có tính chất bàn việc quân trên giấy, hà tất phải tự oán trách, hối hận đến thế? Câu “Ngàn vàng...” thật là hay! Công dụng của ngàn vàng vừa hay ở chỗ rải hết, hơn nữa còn có thể lại có. Hết rồi lại có, thế mới là nhân sinh, thế mới là trượng phu. Đóng mở thật lớn, sải bước thật dài tiến lên rồi bước thật dài lùi về, đó mới là con đường đúng đắn.

Còn biết bao nhiêu câu thơ, câu từ, bao nhiêu lời quê, bao nhiêu thành ngữ đều bao hàm lý lẽ về nhân sinh. Một số câu bề ngoài có vẻ nông cạn, chung chung, quê mùa song đều không phải hình thành một cách ngẫu nhiên, đều bao hàm kinh nghiệm thực tế, tìm tòi thực tế và suy nghĩ của biết bao thế hệ. Nghĩ thì mới biết, nguồn trí tuệ thật vô bờ vô bến, chúng ta làm thế nào để rút ra những điều có ích đây?

Chỉ cần tâm không hề già

Trước sau ngày giải phóng, trong số học sinh hướng về cách mạng có lưu hành phổ biến một bài hát vừa nhẹ nhàng, vừa giàu tình cảm sâu sắc. Bài hát này không phải của Liên Xô trước kia, cũng không phải của khu giải phóng, không trực tiếp ca ngợi cách mạng, cũng chẳng nói gì đến biểu tình của công nhân. Đó là một bài dân ca Đan Mạch, nơi không xảy ra cách mạng song vẫn được học sinh ở đó hoan nghênh. Ấn tượng rất sâu của tôi là ở bốn câu sau đây trong bài hát:

Đàn chim a đang hót,

Đàn chim đang nhảy nhót,

Thiếu nữ ơi, nàng vì sao,

Vừa đau khổ vừa bi thương?

Bất kể thế nào, từ bốn câu này đều không nhận ra mùi vị của cách mạng và chủ nghĩa cộng sản.

Năm 1950, tôi công tác ở khu Đông Tứ thành phố Bắ 13a5 c Kinh (sau này khu Đông Tứ ghép với khu Đông Đơn trở thành khu Đông Thành hiện nay). Mới mười sáu tuổi, tôi đã được cử đến chi bộ Đảng trường nữ học số Hai để kiểm tra lớp học tập trong kỳ nghỉ đông của đảng viên. Tôi còn nhớ trong lúc nghỉ sau giờ học tập, các cô cất cao tiếng hát bài dân ca Đan Mạch này. Đó không phải là bài hát khiến máu nóng của người ta sôi sục như những bài Quốc tế ca, Bài ca công nhân Varsava hay Cuộc sống chảy như sông Nil nhưng lời ca trong sáng, thuần khiết khiến chúng ta rơi lệ.

Sau đó hầu như bài hát này bị bỏ quên. Hồi đó có bao nhiêu bài cho hát và không cho hát, có bao nhiêu bài thích hát và không thích hát. Bài dân ca ấy dường như chẳng có gì quan trọng, không phải chủ nghĩa Mác-Lê cũng chẳng phải chủ nghĩa xét lại, chẳng liên quan gì tới Stalin, Khrutsov, Mao Trạch Đông hoặc Giang Thanh, song số phận nó dường như đã được định đoạt là phải nhạt đi và ra khỏi cuộc sống của thế hệ chúng tôi.

Mùa thu năm 2000, tôi cùng với hơn mười nhà văn khác thành một đoàn thăm Na Uy. Các bạn đồng hành Na Uy đưa chúng tôi đi xe buýt lên núi vượt đèo, từ Oslo ở bờ Đông đi qua sông đóng băng và núi tuyết Sergen ở bờ Tây. Đi tới ngày thứ hai, bạn đồng hành Na Uy đề nghị mọi người hát. Thế là hát một lô bài ca cách mạng. Cuối cùng hát tới bài dân ca đó.

Nhưng tôi không sao nhớ được toàn bộ lời bài hát. Hát đoạn thứ nhất thì quên mất câu thứ hai, còn đoạn thứ hai thì quên hết, chỉ nhớ có con chim nhỏ, có cô thiếu nữ, nhớ có hót, có nhảy và có cả bi thương, nhớ bài hát trôi chảy và trữ tình, hát rất thuận miệng. Lời bài hát này rất lạ, vừa có hát vừa có nhảy, vừa có chim nhỏ, vừa có thiếu nữ song lại đau khổ và bi thương. Nhưng bài hát vừa đau khổ và bi thương đó lại được lứa cách mạng chúng tôi yêu thích.

Mấy ngày hôm sau, tôi nghĩ mãi về bài hát đó, bài hát mà dường như sau khi trải qua nửa thế kỷ đã được sinh ra lần thứ hai, đã lại đến với tôi, khiến tôi phát sốt phát ốm. Sau đó đến sân bay Copenhagen, tôi càng nhớ bài dân ca như nhớ người tình thuở trẻ, đau khổ mãi không thôi. Sau đó tới Ireland, Thụy Sĩ, Áo, tôi vẫn còn đắm chìm trong sự hồi tưởng và theo đuổi bài dân ca nọ.

Trở về đến Bắc Kinh, tôi gọi điện thoại cho chị gái tôi, chị có trí nhớ rất tốt về phương diện này. Chị lập tức hát cho tôi nghe qua điện thoại:

Trong rừng già và trên đồng cỏ, tha hồ tiêu dao, cô thiếu nữ xinh đẹp đang nghĩ gì? Ngắt một cành đang khai hoa kết quả, thật đẹp biết bao, đẹp biết bao!

Đàn chim a đang hót, đàn chim đang nhảy nhót. Thiếu nữ ơi nàng vì sao vừa đau khổ vừa bi thương?

Đoạn sau là:

Giờ nào, ngày nào, tháng nào, năm nào, đau khổ bi thương rồi sẽ hết, lại vui sướng tiêu dao. Không xa đâu, không xa đâu! Chỉ cần tâm không hề già, ngày hạnh phúc sắp tới rồi!

Tôi lập tức hiểu ra ngay. Mấu chốt là ở mấy câu cuối: không xa đâu, hạnh phúc sắp tới rồi. Đó chẳng phải là tâm tình đón chào giải phóng của chúng tôi hồi ấy hay sao? Đó chẳng phải là lời hẹn của cách mạng hay sao? Đó chẳng phải là giấc mộng cách mạng của lớp trẻ hay sao?

Tuy thực tế cuộc sống phức tạp hơn nhiều song lời ca đẹp ấy vẫn làm cảm động nhiều người. Câu chuyện cảm động còn tái hiện, lời ca cảm động còn làm bạn phát sốt không chỉ một lần. Tình cảm sôi nổi và mộng đẹp của tuổi thanh xuân sẽ còn làm chấn động linh hồn bạn, và nhân sinh từng được chấn động như thế thật đáng giá. Lời bài hát nói rất đúng, chỉ cần tâm không hề già, bất kể là người già hay người trẻ.

Hết phần 11. Mời các bạn đón đọc phần 12!

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/35586


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận