Triết Học Nhân Sinh Của Tôi Chương 11

Chương 11
Cuộc sống: bộ “từ điển” và “sách giáo khoa” tốt nhất

Đọc sách là học. Đối với tôi, tài liệu học tập rất quan trọng. Ví như học tiếng Duy Ngô Nhĩ, trước hết tôi dựa vào sách giáo khoa của Trường Cán bộ Hành chính tỉnh Tân Cương (lúc ấy chưa thành lập Khu Tự trị) trước giải phóng. Từ quyển sách giáo khoa đó, tôi học các chữ cái, học phát âm, học viết, học một số từ, câu và những câu đối thoại. Ngoài ra tôi còn dựa vào một cuốn tạp chí ngữ văn Trung Quốc của những năm 60 thế kỷ XX, số này có bài giới thiệu tóm tắt ngôn ngữ Duy Ngô Nhĩ do Chu Chí Minh, nghiên cứu viên Sở Nghiên cứu Dân tộc ngành Khoa học Xã hội Viện Khoa học Trung Quốc viết. Bài này tôi đọc không biết bao nhiêu lần, đọc một đoạn, dừng một đoạn, rồi quay trở lại đọc bài viết của Chu tiên sinh từ đầu thì lại có được những hiểu biết mới. Có lúc tôi nghe thấy nông dân Ngô Duy Nhĩ có cách nói mà trước đây chưa từng nghe bao giờ, tôi lại giở bài của ông Chu ra tra thì quả nhiên tìm thấy, hóa ra là như vậy. Biết bao nhiêu quy tắc ngữ pháp, quy tắc biến đổi, quy tắc phát âm, quy tắc cấu tạo, nguồn gốc từ vựng..., tôi đều học được từ bài viết của giáo sư Chu. Giáo sư Chu là một trong những bậc thầy mà tôi hàm ơn nhiều nhất nhưng đến nay vẫn chưa được gặp mặt. Lúc ấy Lâm Bưu đang thuyết giảng “học linh hoạt, dùng linh hoạt, cần dùng gấp thì học trước, học kèm theo các câu hỏi, học sao cho có hiệu quả” trong việc học tập cương yếu trước tác của Mao, song quả thật tôi đã dùng cách đó để học “trước tác của Chu”. Có điều, đó không phải trước tác của đồng chí Chu Đức mà là trước tác của giáo sư Chu Chí Minh. Chỉ một bài giới thiệu tóm tắt của ông mà suốt đời tôi dùng không hết.

Đúng vậy, học tập có phương pháp là phải biết kết hợp giữa sách vở và thực tiễn. Tôi thường lần mò trở về gốc để xem ngôn ngữ của nhân loại được học như thế nào. Đứa trẻ mới sinh ra chưa biết một thứ ngôn ngữ nào, nó chỉ nghe, nghe hàng trăm, hàng ngàn, hàng vạn lần rồi sau đó bắt chước; lúc mới bắt chước còn nói sai, sau khi thực hành hàng trăm, ngàn, vạn lần thì nó biết nói đúng. Thoạt đầu là nghe, sau đó biết nói, sau đó nữa mới học đến chữ. Như thế nghĩa là học tiếng thì một là phải nghe nhiều; hai là phải mở miệng để nói, không sợ nói sai; ba là lặp đi lặp lại, lặp đi lặp lại không ngừng; bốn là phải giao lưu, công năng của ngôn ngữ là giao lưu, công năng của ngôn ngữ là ở cuộc sống, ngôn ngữ nhất định liên hệ với cuộc sống, ngôn ngữ nhất định liên hệ với hàm ý thần thái tình cảm giống nhau và khác nhau của những người khác nhau. Ngôn ngữ mà học một cách cô lập thì chẳng qua là chất đống ký hiệu mà thôi, chỉ nhận biết và ghi nhớ ký hiệu thì chẳng thú vị gì, vì vậy học rất khó vào. Ngôn ngữ cần phải được học bằng cách có liên hệ với cuộc sống và con người, có như thế việc học mới vô cùng sinh động, vô cùng hình tượng, vô cùng linh hoạt, muôn màu muôn vẻ. Chẳng hạn, có một từ người Duy Ngô Nhĩ hay nói nhiều nhất là “mana”, có người dịch là “đây”, có người dịch là “cho đấy” nếu cứ dựa vào cách dịch đó thì loay hoay không nắm được yếu lĩnh, nhưng một khi dùng trong cuộc sống thì hiểu rõ ra ngay: khi ta vào một hợp tác xã cung tiêu mua hàng, lúc trả tiền cho người bán, ta có thể nói “mana”, có nghĩa là “Thấy chưa, tiền đây này, trả cho cô đấy!”. Cô bán hàng trả lại tiền thừa, cũng có thể nói “mana” với ý như trên. Ta muốn tìm một người nào đó ở nơi công cộng, người khác tìm giúp ta và cuối cùng tìm thấy, nói “mana”, có nghĩa là “đây rồi”, không còn hàm ý “cho, trả” nữa. Mấy người đang thảo luận một vấn đề gì đó nhưng mỗi người nói một phách, lúc ấy nhân vật đức cao vọng trọng mới phát biểu, chỉ mấy câu mà nói trúng yếu điểm, ai nấy tâm phục khẩu phục, thế là cùng tán thưởng, nói “mana”, có nghĩa là: “Thấy chưa, nói như thế mới trúng phóc chứ!” Hoặc ngược lại khi ta cãi nhau với vợ, ta càng nói càng tức giận, càng quá lời, lúc đó vợ ta mới lại buột ra: “Anh cút đi, tôi không muốn thấy anh nữa!” Thế là ta kêu to: “Mana!” với ý: “Thấy chưa, tôi đã nắm được yếu điểm của cô, khiến cô cuối cùng phải buột miệng nói ra điều cô không muốn nói ra nhất!” Thế đấy, nếu tách rời cuộc sống thì ta không bao giờ rõ được hàm ý chân thực của từ “mana”.

Một từ đối ứng với “mana” là “kini”. “Kini” như một đại từ nghi vấn, khi ta không tìm thấy người cần tìm, ta có thể dùng “kini” đứng đầu câu hỏi của ta, như: “Kini, anh X đi đâu rồi?” Hội nghị đã bắt đầu nhưng chưa ai phát biểu, ta cũng có thể dùng “kini”: “Kini, phát biểu đi chứ!”, “Kini” ở đây có nghĩa là “có ai”, tức “Có ai đó phát biểu không?” Ta mời khách ăn cơm, khách đã ngồi vào chỗ, thức ăn đã dọn lên, chủ nhà bèn nói: “Kini, xin mời thưởng thức!” Một toán người xuống ruộng, ra công trường hoặc cùng vào phòng làm việc, tới giờ bắt tay vào việc, đội trưởng, đốc công hoặc ông chủ bèn nói: “Kini, chúng ta còn chưa bắt tay vào việc à?” Như thế “kini” vừa có hàm ý hỏi lại vừa có ý kêu gọi. Vậy rốt cuộc nên hiểu, nên dịch “kini” như thế nào thì thích hợp nhất? Đây là việc mà mọi cuốn từ điển và sách giáo khoa đều không giải quyết nổi. “Kini”, nếu có điều kiện thì sao chúng ta lại không đến với các anh chị em Duy Ngô Nhĩ để học tiếng của họ nhỉ?

Tiếng Anh cũng vậy, tiếng Anh không chỉ là một loại ký hiệu để biểu đạt ý mà còn là một công cụ biểu hiện tư tưởng tình cảm, một loại văn hóa, một loại lôgích và một phương thức sống. Hiện nay có cách giảng dạy gọi là “tiếng Anh nghịch hướng” và “tiếng Anh điên cuồng”, song chỉ cần gạt bỏ những nhân tố tô vẽ có tính thương mại thì tinh thần học từ cuộc sống, nghe quen âm vận, cùng thái độ coi trọng khẩu ngữ, niềm tự tin học tiếng Anh, nói tiếng Anh, kể cả thái độ say mê đến phát cuồng khi học một thứ tiếng nước ngoài đều là điều đúng đắn và cần thiết.

Quá trình học tập một ngôn ngữ là một quá trình sống, là một quá trình giao lưu linh hoạt giữa người thuộc các dân tộc khác nhau, là một quá trình văn hóa. Ta không những học được ký hiệu ngôn ngữ, mà còn học được tâm thái, phương thức sống, cách giao tiếp, phong tục tập quán,  phương thức tư duy, sự lắng đọng văn hóa của một dân tộc khác. Dùng một từ đặc thù của công việc sáng tác văn học nước ta để nói, thì học tập ngôn ngữ là thể nghiệm cuộc sống, thâm nhập cuộc sống.

Làm sống việc học ngôn ngữ nước ngoài là một phương pháp học tập rất tốt, cũng là một cảnh giới tinh thần và một quan niệm; không những học trong khi dùng, dùng trong khi học, mà khi tới trình độ nhất định thì dùng tức là học, học tức là dùng, người biết cách học thì không thể phân biệt rành mạch đâu là học, đâu là dùng. Chúng ta thường bảo trẻ con bi bô học nói, nhưng thực ra cũng có thể bảo chúng bi bô sử dụng ngôn ngữ. Làm bất cứ việc gì đều có thái độ học tập thì đó cũng là có thái độ cẩn thận chịu trách nhiệm, có thái độ động não, có thái độ đã tốt rồi còn cầu tốt hơn, có thái độ không ngừng nâng cao, có thái độ cùng hứng thú, từ một điều suy ra nhiều điều khác, coi khó nhọc cũng như không, tham khảo nhiều mặt để thông suốt hoàn toàn. Như vậy, là đã kết hợp ở mức độ cao giữa thái độ học tập với thái độ làm việc và thái độ sống, giữa tinh thần học tập và tinh thần làm việc, giữa lý tính công cụ và lý tính giá trị.

Hết chương 11. Mời các bạn đón đọc chương 12!

Nguồn: truyen8.mobi/t35038-triet-hoc-nhan-sinh-cua-toi-chuong-11.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận