Triết Học Nhân Sinh Của Tôi Chương 7

Chương 7
Học tập là xương cốt của tôi

Học tập là xương cốt của tôi, học tập là da thịt của tôi (vật liệu và kết cấu). Học tập là tinh khí, tinh thần của tôi, học tập là sự theo đuổi, sự phấn đấu và sứ mệnh của tôi. Học tập cũng là niềm vui, là trò chơi, là môn thể thao trí lực. Học tập là sự chống đỡ của tôi, học tập là dinh lũy không bao giờ chiến thắng được; học tập là tính chủ động, tính tích cực vĩnh viễn của tôi, học tập là sự bảo đảm cho tôi không bao giờ thất bại.

Học tập là sự chống đỡ anh dũng và lặng lẽ đối với tà ác. Cũng như tư tưởng là điều không thể tước đoạt, học tập cũng là điều không thể tước đoạt. Học tập khiến tôi kiên cường tới mức dao súng không thể xâm phạm. Người ta có thể vu cáo, hãm hại tôi, tước đoạt và khống chế nhân thân của tôi, song không cách gì khống chế tôi đọc làu thơ Đường, từ Tống và thơ mười bốn dòng tiếng Anh trong lúc tôi nhắm mắt dưỡng thần; người ta không cách nào cấm đoán tôi ôn lại những từ đơn trong tiếng nước ngoài, không cách nào tước đoạt sự suy nghĩ, sự hồi tưởng, phân tích, quan sát và lắng nghe của tôi, thậm chí lắng nghe một tên ngu xuẩn thao thao bất tuyệt nói bậy nói bạ, hống hách ngang ngược, tự cho mình là đúng. Đó cũng là một cách tìm tòi và truy hỏi tính người, là một cách thể nghiệm và quan sát kinh nghiệm nhân sinh, là một cách học tập. Khi một thằng cha nào đó lên tiếng cấm ta học tập thì hắn đã cung cấp cho ta một bài học tính người là ác rất khó kiếm, cung cấp cho ta một vở hài kịch nhân gian rất hiếm gặp, giải đáp cho ta một vấn đề mà lâu nay ta không giải đáp được về con người có thể ngu xuẩn, xấu xa tới mức nào và việc kẻ ngu xuẩn và kẻ xấu một khi tạm thời nắm quyền thì chúng sẽ diễn trò buồn cười tới mức nào. Đương nhiên, ta cũng nên cố gắng lý giải tâm lý và động cơ của kẻ ngu và kẻ xấu ấy, xem chúng rốt cuộc tại sao lại tự cho mình đúng đến thế, tự vỗ ngực đắc ý đến thế, để rồi từ chúng mà được gợi mở, được cảnh giác, có được bài học. Thấy kẻ xấu không nên chỉ nghĩ về cái xấu của hắn mà nên tự hỏi mình, thử xem trong một điều kiện khác, mình cũng có làm những việc ngu, việc xấu như thế hay không? Hoặc giả mình có chỗ nào sai lầm và sơ sểnh để hắn ta hoặc mụ ta có thể thừa cơ?

Học tập còn là sự hòa giải, hòa hợp và thông hiểu giữa tôi và thế giới khách quan. Thông qua học tập, tôi phát hiện và trân trọng từng khả năng có thể ở điều kiện hiện thực, điều động và lợi dụng mọi nhân tố tích cực, hiểu biết đầy đủ hơn về thế giới này, đúng như nhà triết học Hà Lan Spinoza đã nói, “không khóc, không cười mà phải lý giải”. Trong mọi điều kiện, ta phải làm cho cuộc sống của mình được đầy đặn, hướng tới trước, có ý nghĩa, từ đó mà giũ bỏ được nỗi thất vọng, sự đau khổ và lời than thở vì phí hoài năm tháng.

Chính vì thế học tập khiến tôi lạc quan, học tập luôn khiến tôi có thu hoạch, học tập khiến tôi luôn không đến nỗi bi quan thất vọng. Học tập khiến tôi khiêm tốn, khiến tôi có gan, hơn nữa quen với việc thường xuyên phản tỉnh, tự kiểm tra, tự ước thúc mà tôi gọi là “học rồi sau đó mới biết mình còn thiếu”. Nếu tự cho bản thân đã hoàn mỹ, không khiếm khuyết thì sẽ chặn đứng sự tất yếu phải học tập và khả năng học tập. Học tập khiến tôi không đến nỗi coi mình cao hơn người, tự tâng bốc, khua chiêng đánh trống cho mình, giam mình trong phòng nhỏ mà xưng vương, xưng hùng. Học tập còn biểu thị sự tôn trọng và hướng tới tri thức, trí tuệ, văn hóa, văn minh nhân loại của tôi, trong đó bao gồm cả cuộc sống sinh động.

Cho đến nay, tri thức của chúng ta còn rất hạn chế, lý tính của chúng ta thường sa vào cảnh khốn cùng. Trí tuệ tự cho mình đúng của chúng ta thường bị hướng đi lầm lạc, dẫn tới tự lừa dối mình và dối người; trong cuộc sống của chúng ta còn đầy rẫy những mặt chẳng ưng ý, nhưng chúng ta không thể vì thế mà vứt bỏ văn minh, vứt bỏ lý tính, vứt bỏ đời người mà phải biết đem hết khả năng tìm kiếm viễn cảnh gần với chân lý, gần với hoàn thiện từ văn minh đã có của nhân loại, từ trí tuệ đã có của tự thân và của nhân loại, từ đủ loại bức tranh cuộc sống sống động, từ câu chuyện của đời người và kinh nghiệm của đời người.

Ví như y học. Đương nhiên y học hiện nay còn xa với hoàn mỹ không thiếu sót, y học hiện nay cũng chẳng phải vạn năng song tôi chưa tìm thấy phương pháp nào chữa bệnh tốt hơn là lợi dụng y học hiện có. Bảo không thể tin hoàn toàn lời bác sĩ, nhưng cũng không thể không tin, nói thì dễ như trở bàn tay, nhưng nên tin gì và không nên tin gì? Tùy cơ chăng? Nhờ vận may chăng? Không tin lời bác sĩ mà tin lời không thể tin hết của người khác chăng? Thôi đi, tôi thà tin lời bác sĩ còn hơn tin lời tầm bậy do miệng người khác nói ra. Khoa học là như thế. Ở một nước mà ngu dốt và mê tín còn tràn lan, phê phán điều không đủ tin cậy của khoa học, hơn nữa lại là lời phê phán của một số tri thức nhân văn mà kiến thức khoa học của họ vị tất đã hơn những người mù khoa học, thì tôi luôn cảm thấy đó là điều bất bình thường. Theo kinh nghiệm của tôi, chí ít thì bản thân tôi cũng thuộc quần thể mù khoa học, mù y học khi đem so với tiêu chuẩn phát triển của khoa học y học, vì vậy tôi thà nể sợ khoa học còn hơn.

Học tập còn khiến tôi vượt lên và siêu thoát. Học tập giúp tôi hễ gặp chuyện gì thì không chỉ quan tâm tới được mất, thành bại trong một lúc, ở một nơi mà coi đó là cơ hội để học tập, là một khâu trong quá trình lâu dài của học tập; mỗi một việc đều hỏi (kể cả tự hỏi), mỗi một việc đều học, thế là tôi có được sự cảm nhận “lên cao nhìn xa”, “phong thái ung dung”, có được niềm vui của sự đi quanh co một hồi rồi cũng tới chỗ sáng sủa.

Học tập khiến người ta có được thái độ và sách lược lành mạnh hơn. Phê phán cũng là phê phán lành mạnh chứ không phải đại ngôn để lừa đời. Đau khổ cũng là đau khổ lành mạnh chứ không phải phản ứng kiểu nghiện ma túy. Cổ vũ cũng là cổ vũ lành mạnh chứ không phải huênh hoang khoác lác. Thành công phải là sự thành công tỉnh táo chứ không phải như Phạm Tiến thi đỗ(1). Đời người là đời người sáng sủa, là chuyến đi xa sáng sủa chứ không phải ngoi ngóp dưới vũng nước tối đen, buồn thảm. Học tập giúp tôi có được trí tuệ, có được ánh sáng; nếu không có được ngay tắp lự thì ít nhất cũng xoay quanh, tiến gần và cảm nhận được trí tuệ và ánh sáng.

Hết chương 7. Mời các bạn đón đọc chương 8!

Nguồn: truyen8.mobi/t35020-triet-hoc-nhan-sinh-cua-toi-chuong-7.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận