Triết Học Nhân Sinh Của Tôi Chương 9

Chương 9
“Trí tuệ số Một” và “bản nguyên số Một” của nhân sinh

Tôi vui lòng đặc biệt nhấn mạnh và thảo luận về tính tuyệt đối của học tập. Đối với tôi, học tập là một khái niệm tuyệt đối. Vì sao lại bảo học tập là tuyệt đối? Thứ nhất vì học tập là vô điều kiện, bất kể điều kiện nào cũng học tập được. Có sách thì học được, mà không có sách vẫn học được như thường. Lúc khỏe thì học, lúc nằm trên giường bệnh cũng học được. Mọi thể nghiệm và kinh nghiệm đều do học mà có. Thể nghiệm mới, kinh nghiệm mới đương nhiên là nhờ học, sự lặp lại thể nghiệm cũ cũng là một cách học. Ôn cũ mà biết mới vì trong tất cả những cái cũ đều có trời đất mới, khả năng mới, cảm giác mới mà ta chưa từng phát hiện, bởi vì ta không thể hai lần bước xuống cùng một dòng sông.

Thứ hai, vì học tập đi suốt từ đầu chí cuối, cùng trời cuối đất, bắt đầu cùng với sinh mệnh và kết thúc cùng với sinh mệnh. Thời gian học tập mỗi ngày của một người là hai mươi tư giờ, thời gian học tập mỗi tuần là bảy ngày, không có ngày giờ nghỉ ngơi, thậm chí trong giấc mơ ta vẫn còn hồi tưởng, ôn tập, suy nghĩ, ấp ủ, đau khổ. Tất cả những cõi mộng và không vào cõi mộng, tất cả những kinh nghiệm ngủ ngọt ngào và cay đắng, bình yên và trằn trọc, thỏa mãn và khổ sở đều là một phần của thể nghiệm đời người, đều có thể gợi ý cho ta về đời người, đều yêu cầu ta phải sáng suốt hơn, cởi mở hơn, cao thượng hơn, thuần thục hơn, thân và tâm lành mạnh hơn; đều yêu cầu ta phải có cảnh giới nhân sinh cao hơn, mà cảnh giới đó thì không thể một bước là tới, không hề trải qua học tập.

Thứ ba, vì học tập là bản lĩnh thực sự của một con người, là đặc điểm số Một, sở trường số Một, trí tuệ số Một, bản nguyên số Một của con người, mọi thứ khác đều là kết quả của học tập, ơn huệ của học tập. Một người cũng như một quần thể, suy cho cùng phải có thực lực, mà thực lực thì hầu hết có từ học tập. Cần phải học mới có bản lĩnh, cần phải học mới có tu dưỡng đạo đức; cần phải học mới có tri thức, phải học thì có mưu trí và phản ứng linh hoạt; muốn cống hiến, muốn hy sinh đều phải học; muốn hưởng thụ cuộc sống, muốn nâng cao chất lượng sống của mình đều cần học tập. Thân và tâm được lành mạnh nhờ học mà biết phương thức sống lành mạnh, đặc biệt là mô thức hoạt động tâm lý lành mạnh, do vậy chính là kết quả của học tập. Tính tuyệt đối của học tập và tính số Một của học tập không hề tách rời nhau.

Thứ tư, vì học tập không bao giờ có ngày kết thúc. Mọi sự học tập, mọi sự giảng dạy đều có thời gian, địa điểm riêng, mỗi chương trình giảng dạy đều có tính mục đích, tính cụ thể, sức sống cùng tính giới hạn. Mọi tri thức và phán đoán đều không vĩnh viễn và vô điều kiện. Mọi trải nghiệm của con người, một mặt là chân thực và rõ ràng - tôi không chủ trương đời người như giấc mộng - vì thế có thể nắm vững một cách xác định; mặt khác lại là nhất thời, ở một nơi và ở một việc, vị tất chúng có thể tiêu biểu cho mọi thời, mọi chỗ, mọi việc, hơn nữa chúng đang trở thành quá khứ, trở thành ngày xưa chỉ chậm hoặc nhanh mà thôi. Người ta không thể tắm hai lần trong cùng một dòng sông, có nghĩa là ta mãi mãi phải đối mặt với vấn đề mới, không bao giờ có sẵn đáp án trăm phần trăm. Phán đoán và tri thức của ta đều do tính cụ thể của học tập mà trở nên có sức sống, song cũng vì tính cụ thể đó mà không thể sống lâu trăm tuổi, chỉ vất vả một lần là thảnh thơi mãi mãi được.

Triết học đương đại phương Tây chủ trương, đặc điểm của khoa học ở chỗ nó có thể bị chứng minh là giả chứ không phải ở chỗ nó được chứng thực. Kiến giải này quả thực rất cao minh, bởi vì mọi quy tắc khoa học đều thông qua rất nhiều lần thực nghiệm, thí nghiệm, dùng phép quy nạp mà khái quát nên. Nhưng dù thực nghiệm, thí nghiệm hàng trăm vạn lần đều có cùng một kết quả như nhau, thì về lý thuyết vẫn không thể đảm bảo lần thực nghiệm, thí nghiệm thứ một triệu lẻ một lại không phát hiện tình hình mới, số liệu mới, tức khả năng chứng minh kết luận vốn có là giả. Đó chính là tính chất đặc biệt của khoa học. Còn như chẳng hạn một số mệnh đề thần học thì không cách gì chứng minh là đúng, cũng không cách gì chứng mình là không đúng, bởi vậy mà không thuộc phạm trù khoa học. Lối suy nghĩ đó có thể gợi ý cho chúng ta nhận thức về một đặc điểm, một phẩm chất của khoa học và chân lý: tìm tòi và nhìn thẳng vào thiếu sót của mọi thứ đã có, tìm tòi một cách đột phá kết luận đã có, dốc sức vào tự phê bình để có thể tự hoàn thiện, mãi mãi đặt mình vào quá trình học tập, tuyệt đối không nên cho rằng chân lý đã đủ dùng, đã đến hồi chung cuộc. Cách nghĩ đó sẽ mở rộng rất nhiều tầm nhìn của chúng ta, xóa bỏ sự thỏa mãn, tự cho là đủ và giữ khư khư những thiếu sót của chúng ta, dẫn chúng ta bước vào một cảnh giới mới của việc cầu học, cầu hiểu biết.

Cuối cùng, học tập là bao hàm tất cả. Sống là học, học là sống. Học tập là tính cách; sự tự nhận biết phát huy và tự khống chế, tự hoàn thiện tính cách đều nhờ học tập. Học tập là thành tựu, thành tựu là học tập, những gì học được ắt xây nên thành tựu, hoặc chí ít cũng giúp cho việc giành được thành tựu, bản thân việc ấy đã là một sự học hoặc thực hành cực hay. Khi đã giành được thành tựu bước đầu và nhận thức được rằng như thế vẫn chưa đủ, cần phải giành tiếp thành tựu lớn hơn nữa, đương nhiên việc đó càng là một sự học. Phản tỉnh sau khi sai lầm, cố gắng bù đắp sau khi phản tỉnh, biết chờ đợi trong tình thế chưa thể bù đắp nổi, biết trấn tĩnh ung dung trong tình huống xấu nhất, dù nhục dù vinh cũng không kinh hãi, cách học như thế thì ngay cả đến nghiên cứu sau tiến sĩ cũng chưa chắc đã tới được mức ấy.

Điều càng quan trọng hơn, đó là thực tiễn tức học tập, nhận thức tức học tập, suy nghĩ tức học tập. Nói trên phương diện ý nghĩa của nhận thức luận, mọi sự thực tiễn đều là một phần không thể thiếu của quá trình nhận thức, vì thế mà cũng là học tập. Phàm những ai nắm vững hoạt động thực tiễn xã hội của mình xuất phát từ ý nghĩa của nhận thức luận thì đều là người có tâm, biết cách học, nói cách khác tức là người có tư tưởng. Biết cách giành lấy tri thức, nắm được nhận thức từ thực tiễn, biết cách làm cho những hoạt động trực quan cụ thể, vụn vặt thăng hoa thành cảnh giới tư tưởng, người đó chẳng phải là nhà tư tưởng hay sao? Không nên cho rằng chỉ đọc một vài quyển sách mới được dịch rồi làm ra vẻ có tư tưởng lớn thì là có tư tưởng; càng không nên cho rằng chỉ có được sinh vào năm tháng đặc định nào đó, phù hợp với số tử vi nào đó thì mới có tư tưởng. Lẽ nào tiếp thu tư tưởng, quan điểm, nguyên tắc và phương pháp trong thực tiễn thì không phải nhà tư tưởng hay sao? Người nào có thể đạt được trí tuệ sáng suốt trong biển dâu của cuộc đời mới là người có tư tưởng. Chí ít chúng ta cũng nên coi trọng những ai biết cách khái quát kinh nghiệm và cảm thụ rồi làm cho chúng thăng hoa thành tư tưởng. Thực ra, ta chỉ cần học sâu một chút thì sẽ đột phá được tầng thuộc lòng nhớ kỹ để bước vào tư tưởng. Phân tích, khái quát, liên tưởng, gợi mở, tìm tòi, đặt giả thiết đều là tư tưởng, chí ít thì cũng là bước đầu của tư tưởng. Đôi khi chúng ta khen một người nào đó có tư tưởng, hoặc bảo người đó có tâm, thì tức là bảo người đó biết cách suy nghĩ, phán đoán, phân tích, tổng kết, tìm tòi và tổng hợp từ thực tiễn. Tư tưởng của một người là cái đáng được khen ngợi nhất, là điều bảo đảm cho trí tuệ sáng suốt, dụng tâm trong sáng, sâu sắc và thực lực; là sự trừ bỏ ngu muội, mê tín, vô tri, vô năng, hồ đồ và nông cạn. Học vô bờ, suy nghĩ vô bờ và niềm vui cũng vô bờ. Chớ nên tưởng rằng chỉ có những người Hồng Kông, Đài Loan nào thích dùng kệch cỡm những từ mới của phương Tây, làm ra vẻ tinh anh, hầm hầm nổi giận, oán trách, đầu óc u tối, cứ như người khác nợ nần gì họ, hơn nữa còn hồ đồ, cù nhầy mới là người có tư tưởng. Chớ nên tưởng rằng người có tư tưởng đều là người có nỗi khổ lớn, mối thù sâu, lưng giắt lựu đạn, nói mấy lời thường thức vặt vãnh là đã anh dũng, lẫm liệt như kiểu sắp tập kích liều chết. Tư tưởng không phải đặc quyền của một số ít người, không phải làm ra vẻ mà có được. Quý học tức là quý tư tưởng, biết cách học tức là biết cách tư duy. Người nào quý thực tiễn, hơn nữa thực tiễn một cách thông minh chứ không phải hồ đồ thì đều là tư tưởng gia, hay chí ít thì người đó cũng có khả năng tiến tới tư tưởng có tính sáng tạo và có giá trị.

Hết chương 9. Mời các bạn đón đọc chương 10!

Nguồn: truyen8.mobi/t35031-triet-hoc-nhan-sinh-cua-toi-chuong-9.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận