Triết Học Nhân Sinh Của Tôi Chương 14

Chương 14
“Sự học ở ngoài thân” và “sự học ở cùng thân”

Có lẽ chúng ta có thể chia học vấn thành hai phần, hoặc hai bước, hai giai đoạn là sự học ở ngoài thân và sự học ở cùng thân. Những gì cố nhồi nhét để dự thi thì khi thi xong, hầu hết sẽ quên. Những gì có thể dựa vào đó để nói từ chuyện này sang chuyện khác, tuy có thể dùng để khoe khoang sự uyên bác của người nói, song lại càng làm nổi bật hơn sự nông cạn của anh ta. Liếc mắt đã thuộc là điều khiến người ta hâm mộ, chẳng hạn đọc thuộc lòng được bao nhiêu cuốn sách, thậm chí chỉ rõ trang nào trang nào cũng đọc được vanh vách, người xưa gọi đó là “thuộc như cháo chảy”. Nhưng đó cũng chỉ là công phu của học trò tiểu học, dù đọc thuộc lòng đến đâu cũng chẳng qua là học trò nhỏ có tài trời cho, hoặc có thể nói thực ra cũng chưa bằng một máy tính ở dạng sơ đẳng nhất. Bởi vậy tôi luôn cho rằng nếu khen học vấn một bậc đại gia theo lối đó thì thật sai lầm, là bốc thơm chứ không phải lời đánh giá nghiêm túc. Lại ví như một loại kỹ nghệ nào đó, về đại thể nếu ai đã tiếp xúc hoặc đọc kỹ bản thuyết minh thì đều có thể nắm vững, khi sử dụng kỹ nghệ đó chỉ cần làm theo bản thuyết minh là được, tập trung tinh thần là khỏi phải lao tâm khổ tứ. Còn có một số ngành nghề cần huấn luyện, người được huấn luyện chỉ vì muốn kiếm việc làm, mà mục đích kiếm việc làm cũng chỉ để mưu sinh.

Tôi gọi chung tất cả những điều nói trên là sự học ở ngoài thân, tức sự học không gây ảnh hưởng có tính tổng thể đối với con người, sự học không trở thành máu thịt, tinh thần của người học, sự học không mang theo tình cảm và sáng tạo mà chỉ dựa vào sự lặp đi lặp lại không có gì đổi khác, sự học nói chung có thể do máy tính hoàn toàn thay thế. Tuy nhiên, sự học ở ngoài thân cũng rất quan trọng và hữu dụng, về cơ bản có dựa vào sức nhớ và sức chú ý, dựa vào nhiều lần luyện tập và ôn tập. Sự học ở ngoài thân nếu có được nhiều thì cũng ảnh hưởng tới tự thân người học và ảnh hưởng đến toàn cục, ví như vì thuộc nhiều mà nâng cao được năng lực nhớ toàn diện của mình rồi lan cả sang năng lực lý giải; ví như vì thường xuyên tập trung sức chú ý mà có thói quen cẩn thận khi làm mọi việc; ví như vì nghiêm túc tiếp thu huấn luyện nghề nghiệp mà có được tinh thần kính nghiệp. Do đó việc chia thành hai loại học vấn như trên không hề có ý coi thường sự học ở ngoài thân.

Còn như đối với tôi, sức chú ý, sức lý giải, sức ghi nhớ, tinh thần nghiêm túc chịu trách nhiệm trong công tác, tinh thần kính trọng nghề nghiệp, tất cả đã bước vào sự học mà tôi gọi là ở cùng thân.

Sự học ở cùng thân chỉ sự học tập bồi dưỡng không riêng tri thức và kỹ xảo, không chỉ một điều, một vật, một sự, một môn mà còn là trí lực, năng lực, ý chí và ý niệm toàn diện, nhân phẩm, phong độ, khí chất, tính cách, phong cách toàn diện cùng toàn bộ lực lượng của thân thể và tinh thần. Ví như trí tuệ, trấn tĩnh, ung dung, nhìn xa, kiên định, uyên bác, cao thượng, lương thiện, thoải mái, cơ trí, bền bỉ... đều là những điều không thể bổ sung tạm thời, biến đổi tạm thời, hoàn thành tạm thời được. Tất cả đó là người, là cảm giác của người, tính nết của người, thần kinh của người, lương tâm, lương tri, lương năng của người, diện mạo, nội hàm, năng lượng của người và là chỗ người này khác với người kia. Chúng cùng tồn tại với người, cùng tồn tại với thân, cùng tiến bước với người và với thân. Chúng biểu hiện ở mọi lúc mọi nơi và về các phương diện, biết đối phó với vạn biến, không sợ hãi trước trăm nguy, ngàn đầu vạn mối mà lòng kiên định, tám phương các cấp mà ứng phó không biết mệt, xuôi chèo mát mái mà không quên buổi ban đầu, thắng to được lớn cũng vẫn tỉnh táo, bình tĩnh. Điều tôi muốn nói là một loại phương pháp, hơn thế nữa là một loại trí tuệ, một loại giác ngộ, một loại phẩm chất, một đạo lý lớn, một lý tưởng gần với hóa cảnh.

Cảnh giới của hóa cảnh không phải nhờ đọc một vài quyển sách mà có thể đạt tới. Đọc sách cả đời cũng chưa chắc đã đạt tới, nếu như chỉ đọc, chỉ học vẹt mà không tiêu hóa nổi. Đạt tới hóa cảnh là một quá trình học tập, cũng là quá trình thực hành, quá trình suy nghĩ, quá trình lĩnh hội, quá trình phản tỉnh, phát triển và chín muồi, cũng là một quá trình cảm hóa, gột rửa, thăng hoa, ấm áp và đầy đặn.

Hết chương 14. Mời các bạn đón đọc chương 15!

Nguồn: truyen8.mobi/t35052-triet-hoc-nhan-sinh-cua-toi-chuong-14.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận