Như thế là tôi muốn nói, người coi trọng học tập, biết cách học tập thì chẳng những biết cách đọc sách mà càng biết cách tiếp thu những tri thức trong thực tiễn cuộc sống. Họ vừa học kiến thức trong sách vở, vừa học được kiến thức thuộc loại khác, vừa học được cái học ở ngoài thân, lại học được cái học ở cùng thân.
Vậy thì làm thế nào để không ngừng giành được tri thức và linh cảm trong thực tiễn, học tập qua thực tiễn và thực tế đây?
Trước hết, bạn cần phải ham học tập. Trên đời có rất nhiều lý luận về việc không cần học, trong số đó lý lẽ được người ngu xuẩn nhắc tới nhiều nhất là: “Học chẳng để làm gì thì cần gì phải học?” Tôi có một người bạn tính tình rất thuần phác. Sang Mỹ, người ta tổ chức cho anh tham gia một lớp học tiếng Anh, anh liền hỏi người mời: “Sang năm các ông còn định mời tôi sang nữa không?” Nhận được câu trả lời là “Không”, anh cho rằng học tiếng Anh chẳng có ý nghĩa gì đối với mình, liền bỏ luôn cơ hội học tập ấy. Buồn thay! Thái độ muốn có lợi ngay tức khắc, cái tầm nhìn của loài chuột và ý nghĩ hẹp hòi, cố chấp ấy thì còn có thể học được cái gì? Còn có triển vọng bao nhiêu nữa? Thật ra các ngành học đều có liên hệ với nhau, ngôn ngữ với tâm lý học, với địa lý nhân văn, địa lý tự nhiên, với lịch sử, với chính trị, với văn nghệ, với nhân loại học, với triết học, ngôn ngữ này với ngôn ngữ kia, khoa học tự nhiên và khoa học nhân văn và khoa học xã hội đều có rất nhiều ảnh hưởng lẫn nhau, có đường thông với nhau. Thậm chí lùi về một vạn bước mà nói, cho dù chỉ để rèn luyện tư duy, tăng thêm kiến thức, thỏa mãn lòng muốn biết và lòng hiếu kỳ thì cũng vẫn phải sống đến già học đến già. Nhớ lại thời niên thiếu, hầu hết thời gian của tôi chỉ dùng để giải các đề toán, những tri thức toán học sau đó rất ít khi trực tiếp dùng đến, song việc học toán cực kỳ có ích cho việc rèn luyện tư duy của tôi. Từ đó đến nay đã hơn nửa thế kỷ, có lúc thấy thằng cháu đang học trung học gặp đề toán làm không ra, tôi vẫn thích cầm đề toán ấy sang chỗ khác làm. Bây giờ đã cách hồi tôi học toán ở trường hơn nửa thế kỷ rồi, song đa số trường hợp tôi vẫn giải được toán và qua đấy tôi có được niềm vui rất lớn.
Tôi tin rằng về cơ bản, các ngành học đều tương thông với nhau, chân lý có phẩm chất thống nhất của mình. Tính thống nhất của thế giới vừa biểu hiện ở tính thống nhất của vật chất - chẳng hạn vật chất trên mặt trăng và vật chất trên trái đất là thống nhất - vừa biểu hiện ở tính thống nhất của tình lý sự việc. Trong chúng ta, hẳn chẳng có ai có thể sống trong hoàn cảnh kiểu vườn Đại Quan và phủ Vinh Quốc, nhưng tình lý sự thể như tụ tán, chìm nổi, thân sơ, xa gần, thiện ác, giả thật trong Hồng lâu mộng thì đối với chúng ta vẫn vô cùng gần gũi, tựa như chính mình trải qua vậy.
Lại như chúng ta nói một người nào đó biết tôn trọng đạo lý thì đó vừa là đặc điểm của tư cách làm người, vừa là yêu cầu của học vấn. Còn như không biết gì đến đạo lý thì đó vừa là thiếu sót về nhân cách, vừa là dấu hiệu không đủ chỗ dựa cho học vấn. Có thể nói đức tính tốt đẹp cũng thống nhất với nhau, ví như thực sự cầu thị, đối xử với người bằng lòng thành và chữ tín, sức sống bời bời, khoan dung nhẫn nại... thì đối với hầu hết mọi người đều là điều tất yếu, đối với tất cả các nghề đều là tất yếu, đối với tất cả nh ng ai thực tập, chuyên tu nghề nghiệp cũng là điều tất yếu. Bất kỳ việc học tập một phương diện nào đều vừa có ý nghĩa thực dụng lại vừa có tác dụng nâng cao trí lực, nâng cảnh giới lên về căn bản, tất cả việc học tập đều đưa tới biển cả trí tuệ, đỉnh cao trí tuệ, trong mọi ngành học đều bao hàm phẩm chất theo đuổi chân lý, hiến thân cho mọi người, một phẩm chất chính đại quang minh không gì là không làm được; trong mọi ngành học đều bao hàm đạo lý thích ứng cho việc vận dụng một cách phổ biến.
Từ xưa tới nay, các triết nhân của chúng ta đều đã suy nghĩ, tìm tòi, miêu tả, tưởng tượng một đạo lớn bao gồm tất cả, không gì là không thể và thích hợp vận dụng một cách phổ biến như thế. Có người gọi đó là Đạo, có người gọi đó là Nhân, hoặc gọi là Lý, là ý niệm tuyệt đối. Có lẽ sự miêu tả về Đạo như vậy chủ yếu vẫn còn là trực giác, chưa nói gì đến một luận chứng lôgích đầy đủ, càng không nói gì đến thực chứng. Song cũng như lòng ngưỡng vọng đối với quang minh và hạnh phúc, đó là sự cầu mong lý tính, có cùng lúc với sự sống, với loài người.
Mấy năm trước đây có một nhà phê bình văn học ở Phúc Kiến đã nói một câu gây kinh ngạc. Ông ta nói: “Thơ cao nhất là toán học”. Rất nhiều người cảm thấy câu đó khó hiểu, còn tôi thì tin rằng ông nói rất hay. Tôi có thể cảm nhận được luận điểm của ông ấy nhưng lại không có cách gì giải thích đầy đủ về nó. Tôi cảm thấy, toán học cao nhất cũng như thơ ca cao nhất, đều đầy sức tưởng tượng, đầy trí tuệ, đầy sáng tạo, đầy trình tự và quy tắc, rất hài hòa và đầy thách thức. Thơ và toán học lại đều đầy ắp linh cảm, đầy ắp sức mạnh tinh thần của nhân loại. Nhà thơ nào thể nghiệm được toán học trong thơ thì đó là nhà thơ giỏi, còn những ai thấy được ý thơ trong toán học thì đó là nhà toán học giỏi. Mọi học vấn đều là trí tuệ, càng là một loại cảnh giới. Mọi học vấn đều là trí não, càng là một hoài bão, một bản lĩnh, một thái độ, một nghề nghiệp, một sứ mệnh; là một loại phải tích góp hàng ngày, hàng tháng, là sự thăng hoa của nhân tính. Người nào để cho linh hồn vang lên khúc nhạc giao hưởng của học tập và học vấn thì người đó là người hạnh phúc, cao thượng và có giá trị. Còn người nào làm cho đời mình vang lên khúc nhạc giao hưởng thực tiễn có tính tìm tòi thì người đó mới học được thông suốt, hiểu được rõ ràng, học được điều tươi mới, như thế là không những đọc nhiều mà còn hiểu được lý lẽ. Còn như học mà học vẹt, học gạo, học đến ngây ngô thì đó là tội lỗi không tha thứ được.
Hết chương 18. Mời các bạn đón đọc chương 19!